Lý Bạch (chữ Hán: 李白; 701[1] - 762), tự Thái Bạch (太白), hiệu Thanh Liên cư sĩ (青莲居士), là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng nhất thời Thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung.
Suốt cuộc đời của mình, ông được tán dương là một thiên tài về thơ ca, người đã mở ra một giai đoạn hưng thịnh của thơ Đường. Từ trẻ, ông đã xa gia đình để đi du lịch, tìm đường lập công danh sự nghiệp. Dẫu muốn góp phần cứu đời giúp dân song chưa bao giờ ông được toại nguyện. Ông cùng người bạn Đỗ Phủ trở thành hai biểu tượng thi văn lỗi lạc không chỉ trong phạm vi nhà Đường, mà còn trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa, thậm chí toàn bộ khu vực Đông Á đồng văn. Do sự lỗi lạc của mình, ông được hậu bối tôn làm Thi Tiên (詩仙) hay Thi Hiệp (詩俠). Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh, nên gọi Lý Bạch là Tửu Tiên (酒仙) hay Trích Tiên Nhân (谪仙人). Hạ Tri Chương gọi ông là Thiên Thượng Trích Tiên (天上謫仙).
Ông đã viết cả ngàn bài thơ bất hủ.[2] Hơn ngàn bài thơ của ông được tổng hợp lại trong tập Hà Nhạc Anh Linh tập (河岳英靈集), một tuyển tập thơ rất đồ sợ thời Vãn Đường doÂn Phan (殷璠) chủ biên vào năm 753, và hơn 43 bài của ông được ghi trong Đường Thi Tam Bách Thủ (唐诗三百首) được biên bởi Tôn Thù (孫洙), một học giả thời nhà Thanh. Vào thời đại của ông, thơ của ông đã xuất hiện các bản dịch tại phương Tây, chủ đề của ông nhấn mạnh tán dương mối quan hệ bạn bè, sự thần bí của thiên nhiên, tâm trạng tĩnh mịch và thú vui uống rượu rất đặc trưng của ông.
Cuộc đời của ông đi vào truyền thuyết, với phong cách yêu rượu hiếm có, những truyện ngụ ngôn và truyền thuyết về tinh thần trượng nghĩa, cũng như điển tích nổi tiếng về việc ông đã chết đuối khi nhảy khỏi thuyền để bắt cái bóng phản chiếu của mặt trăng.
Đường Văn Tông ngự phong tán dương thi ca của Lý Bạch, kiếm vũ của Bùi Mân, thảo thưcủa Trương Húc, gọi là Tam Tuyệt (三絕)[3].