Ngay ý kiến đầu tiên của buổi tọa đàm, một phụ huynh cho biết cảm thấy rất áp lực về việc học quá nhiều của học sinh (HS) hiện nay. Phụ huynh này đặt vấn đề, làm cách nào để bớt gánh nặng việc học cho HS trong thời gian tới?
Cũng tại đây, một chia sẻ của HS đã gây xúc động: “Năm ngoái em được xếp hạng 3, dù xếp hạng cao hơn năm trước đó nhưng ba vẫn chưa hài lòng. Em đã rất háo hức khi khoe việc tăng hạng nhưng ba chỉ hỏi một câu: “Tại sao không xếp hạng cao hơn?”. Ba còn nói thêm một câu khiến em đau lòng rằng: “Ba đã đóng tiền cho các bạn đứng nhất môn mà sao con không đứng nhất môn nào?”. Từ đó em phải chịu rất nhiều áp lực vì vừa phải học đều các môn, vừa phải đứng nhất một môn để được ba khen...”. HS này kể phải học một ngày 9 tiết rồi đi học thêm tới 10 - 11 giờ khuya, thậm chí ăn ngủ ngay tại trường. Về nhà lại chịu thêm áp lực khác với những bài kiểm tra cho ngày hôm sau.
TIN LIÊN QUAN
Truyền hình trực tuyến: Tọa đàm 'Mong ước gì về thầy cô?'
"Có những em lúc cảm thấy mệt mỏi và không thể nào tiếp thu thêm kiến thức mới. Trong khi đó, từ một buổi đi thực tế bên ngoài chúng em thấy không cần phải học thuộc bài như một con vẹt mà vẫn làm được bài. Chúng em mong muốn giảm bớt bài kiểm tra trên giấy, đổi mới bằng buổi học thực tế bên ngoài và hình thức kiểm tra", HS này đề xuất.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Nếu chúng ta vẫn nghĩ quá nhiều về kết quả phải đạt được thì vẫn sẽ còn những áp lực. Tôi từng có thời điểm bị áp lực như trường hợp của phụ huynh này từ việc học của 2 con. Tôi cũng từng rất đau đớn khi nghe một phụ huynh kể việc được con hỏi rằng: “Ba ơi, con không học giỏi con không là người à?”.