Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: điều gì khiến mỗi tác phẩm văn học mang hình một chiếc lá thả mình vào dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện li kỳ, hấp dẫn? Một vần thơ sâu chảy tự tâm hồn? Để rồi một ngày kia khi tìm đến với những lòi tri kỷ của Nguyễn Đình Thi tôi chợt hiểu rằng dáng lá chao mình ấy chính là những sáng tạo mới mẻ, độc đáo về cách nhìn, tình cảm của người nghệ sỹ trong tác phẩm vậy!.
“Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng đã biết cả rồi”.
(Nhà văn nói về Tác phẩm - NXB Văn học - 1998)
Ai đó từng yêu tha thiết mùa thu trong thơ Xuân Diệu... vơ vẩn ngẩn ngơ theo ánh mắt chiều của người thiếu nữ? Ai lặng nhớ thân phận người nông dân trong trang truyện Nam Cao ... thấm thía xót xa hơn cả lời thở than về miếng cơm manh áo... có lẽ tâm đắc lắm cùng lời chiêm nghiệm của Nguyễn Đình Thi. Qua những câu chữ ngắn gọn giản dị ấy, người nghệ sỹ đa tài đã nêu lên vai trò của cái nhìn, tình cảm trong quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ. Sức nặng của lời nhận định đọng lại ở hai từ “cách nhìn nhận mới” và “tình cảm mới”. Cách nhìn nhận (hay còn gọi là cái nhìn) là một thuật ngừ lý luận, để chỉ thái độ, lập trường của người nghệ sỹ trước hiện thực cuộc sống. Nó thuộc phạm trù nội dung tư tưởng của tác phẩm, và chỉ qua tấm gương phản chiếu ấy thôi, người đọc có thể hiểu được vốn sống, tình cảm cũng như khả năng khám phá hiện thực của nhà văn. Có lẽ vì vậy mà “cái nhìn” được coi là dấu hiệu bản chất nhất của phong cách nghệ thuật. Bởi điểm sáng ấy không chỉ soi rõ tư tưởng nhà văn mà nó còn quyết định tới việc lựa chọn, sáng tạo ra những hình thức nghệ thuật biểu hiện độc đáo. Chính vì vai trò đặc biệt quan trọng cho nên “cái nhìn” mới mẻ độc đáo luôn là một yêu cầu khắt khe đối với bất cứ người nghệ sỹ nào mới bước vào nghề văn. Leptônxtôi từng trăn trở rằng “khi một nhà văn mới xuất hiện, chúng ta bao giờ cũng tự hỏi: anh ấy là người như thế nào? liệu anh ta có mang lại điều gì mới trong cách nhìn đời cho chúng ta?”. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo và cái nhìn mới mẻ chính là hạt mầm khoẻ khoắn để làm nên một tác phẩm lớn. Cùng gieo mầm trên mảnh đất hiện thực gồm những đề tài quen thuộc “những điều, những việc ai cũng biết cả” thế nhưng mỗi tác phẩm là một loài hoa toả rạng hương thơm, sắc màu riêng. Nét độc đáo ấy bắt nguồn từ góc độ khám phá hiện thực riêng của người nghệ sỹ. Không chỉ quyết định tới nội dung tư tưởng, chi phối sâu sắc tới phương tiện nghệ thuật biểu hiện mà cách nhìn nhận còn là ngọn gió lành níu người đọc ở lại. Bên cạnh những rung cảm thẩm mỹ, những ấn tượng không phai, văn chương còn giúp người đọc có cách nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn về con người, cuộc đời. Soi vào những ánh ngời sắc sảo, nhạy bén của người nghệ sỹ để tự điều chỉnh những quan điểm lệch lạc, thiếu sót, tự hoàn thiện mình, hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Và khi ấy văn chương đã đi hết con đường nhân đạo hoá của mình !.
Bên cạnh cái nhìn mới, tình cảm mới cũng là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn và tầm vóc của tác phẩm. Có ai yêu một loài hoa không sắc, không hương, có ai luyến nhớ những vần thơ khô khát xúc cảm. Văn chương phản ánh hiện thực cuộc sông nhưng nó không phải là một tấm hình khô cứng và vô hồn, ấy là hiện thực được tắm đẫm trong bầu cảm xúc nồng nàn của người nghệ sỹ. Chất men đắm say chuếnh choáng ấy là cội nguồn gọi thức con chữ; là nhịp cầu nối tâm hồn đồng điệu, tri kỷ của nghệ sỹ với độc giả. Điều đó lý giải tại sao có những vần thơ chỉ viết trong một đêm mà còn mãi với muôn đời, cảm xúc âm thầm nung nấu, dồn tụ để cồn lên thành con sóng dữ, trong khoảnh khắc cuốn người đọc đi theo nhịp lòng sôi nổi, say mê. Có ai đó từng nói rằng “mỗi người có một trái tim, một nhịp thở riêng, và như thế mỗi tâm hồn cũng ôm trọn bầu cảm xúc khác lạ, độc đáo”. Trong văn chương, nét mới ấy là một yếu tó quan trọng chi phối tới nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Một nguồn rung cảm dạt dào mãnh liệt không chịu nép mình trong bề ngoài mòn cũ. Một tình yêu thương sâu sắc thấm thía làm sao có thể xuôi dòng cùng những câu văn “Toả nhị kiều” buồn buồn nhạt nhạt. Như thế qua lời nhận định của mình, Nguyễn Đình Thi đã giúp người đọc thấm thía vai trò cốt tử của cái nhìn, tình cảm mới trong lao động nghệ thuật. Đó là kim chỉ nam giúp ta có hướng đi đúng đắn, khoa học hơn khi tiếp cận tác phẩm văn học.
Nhận xét của Nguyễn Đình Thi làm tôi nhớ tới Nam Cao - người đã dành trọn nghiệp viết của mình hướng theo chân lý “nghệ thuật là hoạt động sáng tạo không ngừng”. Nhà văn dám băng mình qua mọi khuôn khổ, quy phạm, không ngần ngại thử bút trên những mảnh đòi quen thuộc đến cũ mòn, ấy là đề tài người nông dân. Nếu chỉ dành một khoảng thời gian ngắn thôi để nhìn lại ta có thể gặp hàng trăm dáng cấy dáng cày trong văn học hiện thực 30 - 45. Thấp thoáng đâu đây bóng hình chị Dậu xô cửa chạy ra giữa đêm đen mù mịt, thân phận khốn nạn của con mẹ Nuôi lần nhặt đồng hào hay giọt nước mắt tủi hòn cay đắng của cuộc đời anh Pha... Ngỡ như vậy đã là quá đủ... Sự quen thuộc, phổ quát ấy đặt Nam Cao trước hai con đường: hoặc tiếp tục theo lối mòn xưa cũ, hoặc xé rào tìm đến ngõ nẻo “chưa một dấu chân người”. Và bản lĩnh nghệ thuật cùng tài năng thực thụ đã giúp ông khẳng định mình trên con đường sáng tạo. Văn học hiện thực 30 - 45 thường khám phá bức tranh nông thôn Việt Nam ở những mâu thuẫn giai cấp gay gắt. Và cũng từ đó nỗi khổ của người nông dân thường xoay quanh chuyện cơm, áo, gạo, tiền, bị áp bức bóc lột đến kiệt quệ. Tìm đọc truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, tôi thật sự ngỡ ngàng trước bao phát hiện mới mẻ độc đáo. Những vùng quê trên đất Việt được khuôn lại nhỏ bé, xơ xác trong dáng hình của làng Vũ Đại. Nơi đó nổi lên thế “quần ngư tranh thực” giữa các phe phái thống trị: Đội Tảo, Bá Kiến, Tư Đạm, Bát Tùng... Qua những trang văn sắc sảo, sinh động Nam Cao đã tái hiện chân thực khung cảnh làng quê “cá lớn nuốt cá bé” với những tên cai trị bóc lột đẩy người dân lương thiện vào bước đường lưu manh “lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người”. Không ào ào thác đổ, không cuồn cuộn sóng trào mà ngỡ bao mạch xoáy dưới ao tù đang sẵn sàng cuốn phăng bản tính lương thiện của người nông dân. Đó là cái nhìn hiện thực mới mẻ của riêng Nam Cao, là nỗi ám ảnh quặn lên trên từng trang viết. Câu chữ gọi thức ấn tượng vừa hãi hùng, vừa xót xa. Một điều gì đó thẳm sâu hơn cả những lời oán thán, khổ đau ; nhức nhối hơn cả manh áo vá rách.... ấy là thiên lương bị tha hoá, xâm hại nghiêm trọng. Phải rồi, “khi Chí Phèo ngất ngưởng bước ra từ những trang sách Nam Cao người đọc thấy rằng đây mới là kẻ khôn cùng nhất của nông thôn ta ngày trước”. Cuộc đời Chí được khắc hoạ như một điển hình cho nỗi khổ của người nông dân Việt Nam. Trong truyện ngắn Nam Cao “Những ai đã khuất, những ai bây giờ” làm sao quên được những trang văn - nước mắt - ám ảnh: Tư cách mõ, Một bữa no... Người đọc tìm thấy bóng dáng khổ đau của họ thấp thoáng sau chân dung Chí Phèo- kẻ sinh ra trong bất hạnh, lớn lên giữa âm thầm đói rách, tính tuổi bằng tù tội, chém giết, cả cuộc đời chỉ biết sự khinh ghét, ruồng rẫy ! Thử đặt Chí Phèo bên chị Dậu mà xem, ta mới phần nào thấm thía nỗi đau của Chí. Nếu chị Dậu ngời lên trong dáng hình khoẻ khoắn, tâm hồn trong trẻo, thì Chí Phèo.... rách áo, rách quần, gương mặt chằng chịt vết cứa, tâm hồn bị gạch xoá, bôi đen.
Chị Dậu dù phải bán chó, bán con nhưng vẫn giữ tròn nhân hình, nhân tính; còn Chí thì sao?... “Cái đầu cạo trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng” và “hắn là con quỉ của làng Vũ Đại”. Chí chẳng còn gì cả? Đi sâu vào đêm tối mịt mùng của Ngô Tất Tố, tôi vẫn cảm nhận được ánh nhìn che chở yêu thương mà người làng Đông Xá dành cho chị Dậu, tiếng gọi “Chị Dậu, chị Đào” sao thân thương ấp áp đến thế. Vậy mà khi lạc lối vào trưa hè vắng lặng của Nam Cao, người đọc thấy bao bọc quanh nhân vật những “hắn, thằng, con quỷ dữ” và đau đớn hơn “tất cả dân làng đều tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua”. Hạnh phúc giản dị, thiêng liêng của một con người là được sống giữa đời trong hoà đồng, thân ái. Chí ao ước biết bao niềm hạnh phúc ấy. Từ khám phá về sự tha hoá và bi kịch bị chối bỏ của nhân vật, Nam Cao đã sử dụng bút pháp phân tích tâm lý nhân vật tinh sắc để diễn tả tấn bi kịch ấy, qua chi tiết tiếng chửi, trở đi trở lại tấy buốt trong lòng người đọc. “Hắn vừa đi vừa chửi, bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”. Câu văn chuếnh choáng, chập choạng giữa hai bò say, tỉnh. Nghiêng về phần say, người đọc thấy ngật ngưỡng hiện lên chân dung một thằng “ma men” lưu manh thực sự. Bởi chỉ có thằng tội đồ say rượu mói chửi trời, chửi đời, chửi mẹ, chửi cha. Đối tượng được thu hẹp, ngày càng “hỗn xược”, “động chạm”. Thế nhưng nhập vào câu chữ mà nghiêng về phần tỉnh, mấy ai không khỏi ngẫm ngợi, xót xa. Có một nhà phê bình từng tri ngộ rằng tiếng chửi ấy là lời hát thiết tha của một tâm hồn lộn ngược. Tiếng hát đau đớn đến khắc khoải mong kiếm tìm sự cảm thông. Nam Cao không miêu tả thời gian, không gian cụ thể như muốn trải dài âm vang đau đớn ấy trên con đường dằng dặc, qua năm tháng thăm thẳm ... để hắn cứ đi, cứ chửi xung quanh cứ câm lặng đáng sợ vậy thôi. Chẳng ai thèm đáp lại, chẳng ai tấm tức điều gì, một phần họ sợ “con quỷ làng Vũ Đại”, nhưng cái phần sâu xa, phẫn uất hơn có ai coi Chí là người đâu. Thân phận cùng cực của hắn được cụ thể hoá qua chi tiết phục bút tài tình: chỉ có ba con chó đáp lời Chí. Người đọc xót xa cúi đầu: anh Chí đã bị dân làng hạ bậc cùng ba con chó ấy !.
Vậy là từ một anh lực điền “hiền như đất” luôn ước ao cuộc đời giản dị, chăm chỉ bình yên, Chí bị đẩy vào nơi ngục thất tội lỗi rồi trở về làng trong bộ dạng một con quỷ. Hình dáng gớm ghiếc chuyên kiếm ăn bằng máu của mình và máu của người để cuối cùng bị cuộc đời lừa bỏ. Nam Cao đã khám phá và tái hiện chân thực, sắc sảo quá trình tha hoá của Chí Phèo, của biết bao kiếp người nổi nênh bất hạnh nơi làng quê. Bi kịch ấy tựa một nét khắc chìm để hoàn thiện thêm chân dung - nỗi khổ đè nặng lên dáng cấy, dàng cày. Đồng thời phát hiện của Nam Cao cũng là một đóng góp sâu sắc vào bức tranh hiện thực nông thôn Việt Nam trước cách mạng.
Nếu dừng lại ở đó “Chí Phèo” sẽ mãi đi vào lòng người đọc như một nỗi niềm nhức nhối khôn nguôi, có gì đó lặng buồn, chán nản lắm. Chẳng lẽ phần “nhân chi sơ tính bản thiện” nhỏ bé, yếu ốt vậy sao, chẳng lẽ nhân cách người như hơi gió thoảng? Tìm về với lời tâm huyết của Nam Cao trong “Đời thừa”. “Một tác phẩm có giá trị ... phải ca tụng lòng yêu thương, tình bác ái, sự công bình” ... Nó làm cho người gần người hơn, tôi chợt bình tâm vững lòng; Phải chăng qua “Chí Phèo”, nhà văn không chỉ gửi gắm “cái nhìn độc đáo” mà còn cả một “tình cảm mới” trọn vẹn. Ấy là sự gắn bó đến máu thịt, là tấc lòng tri kỷ với người nông dân. Lần theo mạch truyện, người đọc luôn cảm nhận được ánh mắt yêu thương, tri ngộ của Nam Cao dành cho đứa con bất hạnh. Chợt thương thay cho những thân phận chân lấm tay bùn trong tác phẩm của Tự lực văn đoàn, không phút nào thoát khỏi định kiến ngu dốt, trì trệ ... Với Nam Cao dường như chính ánh mắt ấy đã giúp ông nhìn thấu nỗi khao khát đến quặn lòng được đáp lại trong lòi chửi của Chí. Giữa không gian câm lặng, ngột ngặt chỉ nghe văng vẳng đâu đây khúc độc tấu Chí Phèo cùng lời thầm thì thương cảm từ trang viết của Nam Cao. Có lúc, tác giả tách riêng ra “Hắn vừa đi vừa chửi” lại có khi đồng nhập cùng tiếng lòng tức tưởi “Tức thật ! Ừ! Thế này thì tức thật”. “Người nghệ sỹ trước hết phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Có phải yêu thương khơi nguồn từ giá trị nhân đạo, từ “cốt tuỷ” là sức mạnh giữ mãi niềm tin mãnh liệt vào ngọn lửa lương tri nơi tâm hồn Chí. Cuộc đời, xã hội, định kiến tàn ác có gọi gió, hô mưa vần vũ thổi tắt ... ngọn lửa im lặng nép mình chờ luồng hơi ấm bùng dậy. Nó không tắt và mãi mãi không bao giờ tắt. Trong cảm nhận của riêng tôi, niềm tin Nam Cao gửi vào Chí như một ngọn hải đăng giữa mịt mùng bão biển, soi đường giúp người đọc tìm về cái phần trong trẻo, hồn hậu, cõi thẳm sâu lương thiện.
Tình yêu thương, thông cảm trong truyện ngắn Nam Cao còn được thể hiện rõ nét qua cuộc gặp gõ Chí Phèo - Thị Nở. Đã có một thời người ta cho rằng ấy là cuộc gặp gỡ người - ngợm, khúc khích mỉa mai trước “đôi lứa xứng đôi” ngật ngưỡng dìu nhau trong văn đàn. Họ đâu biết những cuộc hẹn hò đẫm lệ trong các sáng tác đương thời nông cạn và hời hợt lắm. Mối tình Chí Phèo - Thị Nở mang trong mình dáng hình một dòng sông sâu chảy, ở nơi thao thiết êm đềm ấy, mỗi người tìm lại được chính mình. Nhà văn đã nhìn thấu ẩn sâu trong bề ngoài xấu xí, dở hơi của Thị Nở là khao khát hạnh phúc nhân bản; là tình người giản dị ấm áp. Đặt giữa làng Vũ Đại khô khát yêu thương có lẽ chỉ mình Thị Nở đáng được gọi là người hơn cả. Chính tình yêu, tình thương chân thành cùng sự chăm sóc không vụ lợi đã gọi thức phần người trong Chí. Phương thuốc tình thương như ngụm nước mưa trong trẻo, ngọt lành, mộc mạc vậy thôi mà xoa dịu vết gạch xước trong tâm hồn Chí ... và từ một thằng lưu manh say khướt thành anh Chí tỉnh táo lặng nhớ kỉ niệm, lắng nghe cuộc đời. “Chí Phèo mở mắt ra thì trời đã sáng từ lâu. Mặt trời chắc đã lên cao và nắng đã vàng rực rỡ”. Đây là những câu văn thanh thản, yên bình nhất trong thiên truyện. Dòng sông cuộc đời Chí đang gầm gào, sục sôi chợt ngưng bặt lại, êm đềm, xuôi chảy. Người đọc cũng tạm quên đi tiếng chửi đau đớn, uất hận; nhắm mắt trước cảnh đâm chém, phá phách, để tìm về một miền đời trong sáng hơn. “Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh”.
Thêm một lần bút pháp phân tích tâm lý nhân vật nối gót những yêu thương âm thầm, sâu sắc của Nam Cao, giúp người đọc dần bước vào những ngõ nẻo kín khuất, nao nao theo nỗi lòng Chí: “Vải hôm nay bán mấy; - Ba xu gì ạ; - Thế còn ăn thua gì?”. Những câu chuyện bình thường, giản dị gợi nhớ cái khao khát lắng nhận của người tù cộng sản Tố Hữu năm nào “Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh - Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về”. Đó cũng là một nét tâm lý rất thực của những người cách xa cuộc sống lâu ngày, nay nghe trò chuyện mà ngõ khúc hát, phải rồi, Chí vẫn tồn tại giữa làng quê nhưng thực chất luôn bị giam mình trong ngục thất men rượu. Có phải vì thế mà những câu hỏi han buổi chợ sớm có sức lay động tâm hồn anh. Một thoáng xao xác buồn nao nao kỷ niệm dần thức “hình như một thời, hắn từng ao ước có một gia đình nhỏ”. Áng văn hiền như “nỗi niềm cổ tích tuổi xưa” đưa người đọc nương về thuở lam làm chăm chỉ, thấp thoáng đâu đây bóng hình anh Khoai (Cây tre trăm đốt) hay người em chịu thương chịu khó (Cây khế). Đoạn văn ngắn thôi mà có tới ba lần diễn tả nỗi buồn “lòng mơ hồ buồn”, “hắn lại nao nao buồn”, “buồn thay cho đời”. Dường như Chí hồi tỉnh và trưởng thành trong nỗi buồn ấy. Nếu ai chưa một lần theo gót nhân vật từ đầu trang truyện , có lẽ khó lòng hiểu hết nỗi sợ “tuổi già, đói rét, ốm đau và cô độc”. Với một người bình thường, dáng bước sầm sập của ngày mai đã đáng sợ lắm rồi, riêng Chí Phèo cả đời thui thủi trong ghẻ lạnh khinh ghét, bóng đen ấy càng trĩu nặng thảng thốt, âu lo. Lời văn không nói, hơi văn buồn, chầm chậm lắng xuống như cái cúi đầu lặng lẽ của nhân vật ... có gì xót xa, ngậm ngùi vương vấn đâu đây !
Có những lời văn não nề chẳng gọi chút xúc động, lại có câu chữ câm lặng, lạnh lùng mà ẩn chứa bề sâu nhân đạo. Văn Nam Cao được ví như cái phích trong nóng ngoài lạnh ... phải chăng như vậy? Tác giả đã dành riêng cho nhân vật đoạn văn dài độc thoại nội tâm, chao qua chao lại nỗi niềm kín khuất. Và từ trang văn ấy Chí Phèo sông dậy, hồn hậu, trong trẻo, ấm lòng. Một điều gì đó sâu hơn cả sự gắn bó, cảm thương ... ấy là tấc lòng ... Tấc lòng giúp Nam Cao giữ lửa niềm tin vào thiên lương để truyền tới muôn đời. Đến với truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, người đọc còn tự soi mình, lắng nhận những chân lý giản dị mà thấm thía: Chỉ cần một chút yêu thương, một chút thôi cũng đủ cứu rỗi con người. Suốt mười bốn trang sách, ta không hề tìm thấy lời nào cao đạo giáo điều của Thị Nở dành cho Chí ... chỉ có cái nhìn âu yếm chăm sóc, chỉ có bát cháo hành mộc mạc như tấm lòng thơm thảo của thị ... vậy thôi cũng đủ gọi thức khát khao lương tri trong Chí, cần lắm những ánh mắt, tấm lòng Thị Nở giữa cuộc đời này. Đi trọn vẹn câu chuyện, đi trọn vẹn một kiếp người khổ đau, càng thấm thía giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm Nam Cao đã để nhân vật tự lựa chọn, sự lựa chọn dù nghiệt ngã nhưng khẳng định được tính người trong Chí. Bởi chỉ có chết đi, anh mới được làm người dù trong suy nghĩ của chính mình. Đồng thòi qua đó tác giả thể hiện niềm tin bất diệt vào thiên lương con người.
Bằng cái nhìn tinh sắc khám phá hiện thực, bằng bản lĩnh tình thương khơi nguồn từ giá trị nhân đạo sâu sắc, Nam Cao đã gửi lại cho đòi một kiệt tác để rồi ngày kia ta âm thầm tự nhủ: vắng Chí Phèo văn đàn Việt Nam sẽ trông trải biết nhường nào ! Khép lại trang văn Nam Cao để tìm đến với vần thơ Xuân Diệu, ta càng thấm thía ý nghĩa câu nói Nguyễn Đình Thi. Đã bao giờ ta nguôi nhớ mùa thu trong thơ thi sỹ, có lẽ bởi giữa mênh mông biển lá thơ thu, chưa có nhịp mùa nào run rẩy trong những ... rung động tinh vi như “Đây mùa thu tới”. Nếu các nhà thơ khác thường miêu tả mùa thu khi đã nhuốm vàng trời đất thì Xuân Diệu nhập hồn mình vào biến thái tinh vi của trời đất mà lắng nghe từng gót bước, từng nhịp đi tinh tế, âm thầm. Tìm về duyên cớ sâu xa, ta gặp lại “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, người luôn nhìn cuộc đời như một dòng sông chảy trôi, vạn vật giao ứng kỳ diệu, có phải vì thế mà mùa thu cũng được diễn tả theo sự vận động ấy. Ngỡ mỗi vần thơ là một chấm lá may áo cho mùa thu vậy.
Đọc “Đây mùa thu tới”, thấy cảm xúc cứ lan chảy theo nhịp lướt mùa đi. Từ buổi thu nương mình trong rặng liễu, lặng nép vườn xưa, mà lấn nhẹ, lấn nhẹ từng bước, tới gió, tối trời ... chợt ngơ ngẩn mùa thu đã phủ mờ lên vạn vật vậy !
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với lá mơ phai dệt lá vàng”.
Nếu mùa thu là con đường dài, hiu hắt xa vắng thì thơ tựa nhịp bước đầu tiên. Hình ảnh sắc thu len nhóm vào tâm hồn người đọc qua rặng liễu, câu chữ trĩu xuống, rủ buồn theo dáng lá mỏng manh ... còn đâu dáng “lơ thơ tơ liễu buông mành” trong muôn đời thơ cổ. Hình ảnh trong cảm nhận của Xuân Diệu, giai nhân cũng đang thổn thức nỗi niềm cuối hạ. Sự giao mùa tinh vi ấy được thể hiện rõ nét qua sắc mơ phai tài hoa, tinh tế. Mỹ học của thơ xưa là cái tĩnh, còn mỹ học của thơ mới là cái động, từng nhịp, từng nhịp thời gian xao xác gọi mùa trong ánh “mơ phai”. Đã có một thuở, thi sỹ đặt vào lòng câu thơ mầu tối “nâu sòng” lạnh lẽo, u ám. Để rồi qua quá trình trải nghiệm, ngẫm nghĩ, ánh vàng “mơ phai” dịu nhẹ, nhoè mờ hiu hắt hiện về. Chỉ vẻn vẹn một từ thôi mà đẹp say lòng đến vậy, người đọc ngỡ chấm vàng hư ảo cuối dòng thơ ấy là sợi nắng cuối hạ bỏ quên, nhạt dần, nhạt dần trong nỗi ngỡ ngàng thi sỹ. “Đây mùa thu tới, mùa thu tới”. Câu thơ là tiếng reo thầm ngơ ngẩn trước mùa đi. Đó chẳng phải là niềm vui đâu, có ánh mắt nào thảng thốt kiếm tìm, đưa tiễn thời gian trong âm vang ! Bởi mùa thu bắt đầu cũng là phút niềm vui bỏ đi nhường lại khoảng lặng tâm hồn ... vương vấn cõi lòng thi sỹ.
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh.”
“Rồi mùa hạ cách xa người và ta, bao loài hoa úa tàn, ngủ quên đi trái tim hoài đam mê”. Điệu nhạc thao thiết, nức nở đưa người đọc nương về vườn thu Xuân Diệu. Khoác áo cho liễu rỗi, môi hôn mùa thu dìu dặt trên từng sắc lá. Đỏ lấn - mùa sang, xanh ngậm ngùi đi cùng nỗi niềm hè muộn. Đây có lẽ là đoạn thơ thể hiện rõ nhất nét đẹp riêng trong thơ thu Xuân Diệu. Có một dòng sông run rẩy, lan dần dưới lớp chữ tưởng yên bình, câm lặng; ấy là dòng thu... phải chăng. Từ “rũa” là nét tượng hình của dòng thu ấy. Đã có một thời người ta nhầm lẫn “rủa” hay “rữa”. “Rữa” diễn tả sự phân huỷ của xác lá lìa cành, chi tiết này không hợp với lôgic thời gian “nơi mùa thu bắt đầu”. Lại có người kiên quyết dựa vào nét mới, nét tây trang thơ Xuân Diệu mà khẳng định từ “rủa”. “Rủa” gay gắt quá, dữ dội quá, có gì phá tan khí thu, trời thu. Duy chỉ từ “rũa” thấu nhập được biến thái tinh vi của sắc lá, từng tinh thể đỏ đang lẫn dần, lấn dần tế bào diệp lục. Chỉ một từ thôi mà diễn tả được cái xôn xao sắc lá, thổn thức tiếng mùa đi, và quan trọng hơn nó thể hiện quá trình việt hoá của một hồn thơ tây học. Chợt nao lòng nhớ nhịp sóng Quy Nhơn, nhớ câu hò xứ Nghệ ru hồn thi nhân thuở ấu thơ. Độc đáo mà chẳng cách xa, tinh tế nhưng không siêu thực. Đó là bút pháp tương giao thuần Việt trong thơ Xuân Diệu !.
“ Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”
Có phải cái nhìn rất động về tạo vật, có phải rung cảm, thổn thức trước mùa thu hay cái lạnh lẽo trong hồn thi nhân đã truyền vào câu chữ. Ngỡ dòng chảy mùa thu gọi thức bốn âm “r” cộng hưởng để cùng rung lên “nhịp điệu mùa thu”. Bút pháp tương giao giữa cảm giác - thị giác thổi vào lòng người đọc thoáng rùng mình trước hơi lạnh ... và cả nỗi niềm thảng thốt trước nhịp mùa đi. Câu chữ gọi thức ấn tượng tàn tạ, héo mòn đến xác xơ, ngỡ nơi này sự sống bỏ đi, chỉ có nỗi buồn và hơi lạnh còn vương sót.
“ Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mò
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.”
Ôm trọn vườn cây trong trái tim se lạnh, thu tìm đến một khoảng không gian cao rộng mênh mông hơn. Hình ảnh nàng trăng, non xa, bến đò là một chuỗi cảnh nền cho mùa thu xâm chiếm. Khổ thơ như một cõi lạnh vắng, ngỡ mình bước vào đó sẽ bị lạc lối giữa nỗi buồn, cô đơn.
“Mây vẩn từng không chim bay đi
Khí trời u uất hận chia li
ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.”
Sắc trời buồn sẫm gọi nhớ gọi thương về những khoảng xanh yên bình muôn thuở “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Có phải “khí u uất, hận chia li ấy đã thấm mầu buồn từ cõi lòng thi sỹ để cảnh hiện lên như hoang mạc buồn vắng, cô liêu? Cõi lòng là chiều sâu thăm thẳm của tạo vật” thu tìm về cõi lòng thiếu nữ cũng là bước cuối cùng trên con đường mùa đi. Đến khổ thơ cuối này, nỗi buồn dường như cũng chín lắm, ngõ cái xao xác ngẩn ngơ từ tiếng reo thảng thốt nơi dặm liễu cứ lặng dần, lặng dần mà thấm lạnh nỗi “buồn không nói”. Một thoáng giật mình đã lặng lẽ bỏ đi nhường lại khoảng lòng “nghĩ ngợi”. Thi sĩ ơi, có phải hồn người đã đồng nhập cùng ánh nhìn xa vơ vẩn, âm thầm mà quặn lòng xe xót trước sự chia lìa, tàn phai. Xuân Diệu không nói thời gian thu đi, thu đến nhưng có lẽ là nhanh lắm ... và tuổi xuân cũng như bước đi của mùa thu ấy. Ngày hôm nay còn nhuộm thắm hồn mình ... mai đi mãi bỏ lại tuổi già cô quạnh; Câu thơ lặng lẽ vậy thôi mà chất chứa xúc cảm dạt dào mãnh liệt, khao khát còn mãi cùng tuổi xuân, thời gian, ấy cũng là xúc cảm nhân bản, là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt đời thơ Xuân Diệu vậy. “Niềm khát khao giao cảm với đời” muôn thuở ... ai quên ...
Tế vi là hồn lá, cao rộng là nàng trăng, thẳm xa là non khơi và sâu lặng ở lòng người ... Thu đang đến thật rồi. Đọc “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, ta tạm quên nhã thú ngắm tranh thu tĩnh vật của thi sĩ muôn đời, ngỡ mình đang được xem một thước phim mùa thu, ngỡ mình là lá, là trăng trong nhịp mùa đi ấy ... để thu xâm chiếm, để thu phủ mờ. Có phải vì thế mà nhớ về Xuân Diệu - ông hoàng thơ tình, ta còn nhớ về một Xuân Diệu- đạo diễn của mùa thu nữa. Đi qua những trang truyện, vần thơ, người đọc có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về lời nhận định của Nguyễn Đình Thi. Một điểm nhấn để khẳng định vai trò của cách nhìn, xúc cảm trong tác phẩm. Bởi điều người đọc hỏi, tìm kiếm ở nhà văn là viết như thế nào?, theo hướng khám phá mới mẻ nào ? chứ không nhất thiết phải quá đề cao đề tài trong tác phẩm như “chủ nghĩa đề tài” lệch lạc một thuở. Lời nhận định của Nguyễn Đình Thi cũng là một định hướng cho người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm; cần tìm ra những nét mới mẻ, độc đáo trong cách nhìn nhận của tác giả, từ đó tự bổ sung, hoàn thiện hay điều chỉnh quan điểm, cách nhìn của bản thân về con người, cuộc sống. Sống sâu sắc hơn đó là cái đích mà bất cứ độc giả yêu văn chương nào đều hướng tới. Bên cạnh yếu tố cái nhìn, bầu cảm xúc, yếu tố nghệ thuật mới mẻ độc đáo cũng là một giá trị làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Những lời tâm huyết ấy như lối mở cho những ai trên đời gắn bó với bút mực tìm thấy một cách nhìn nhận riêng biệt độc đáo trước hiện thực cuộc sống - đó là chìa khoá của sự thành công vậy !.
“Ai bảo dính vào duyên bút mực suốt đời mang lấy kiếp long đong”. Nguyễn Bính đã từng thở than như thế nhưng chính ông đã dành trọn đời mình để cung phụng nàng thơ. Và tôi tin rằng sẽ còn nhiều người mang lấy “kiếp long đong” ấy, bởi sáng tạo nghệ thuật luôn là thử thách nghiệt ngã và cũng là niềm say mê của muôn người, muôn đời vậy !.