Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt được coi là bản tuyên ngôn về độc lập đầu tiên của dân tộc ta- dân tộc Việt Nam. Bài thơ không những đã khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước mà còn nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược.
Mở đầu của bài thơ, Lý Thường Kiệt đã khẳng định một cách mạnh mẽ chủ quyền của nước Đại Việt. Đó là bộ phận ranh giới được định sẵn, được quy định bởi “sách trời”:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
(Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời)
Hai câu thơ nhấn mạnh một chân lý hiển nhiên không ai có thể chối cãi được: chủ quyền về lãnh thổ Đại Việt đã được trời đất quy định, chứng giám, ghi nhận và không thể thay đổi được. “Sông núi” ở đây là hình ảnh biểu tượng không chỉ nói về sông núi nói đơn thuần mà còn là ranh giới lãnh thổ, chủ quyền của nước ta. Cặp từ “Nam-Nam” nằm song song tương ứng với nhau trên cùng một câu thơ “nước Nam – vua Nam” như ngầm nêu ra một nghịch lý không thể tồn tại: nước Nam vua Bắc. Tác giả cố ý sử dụng từ “đế” để chỉ vua nhằm khẳng định “vua Nam” không phải bề tôi của “vua Bắc” và “nước Nam” không phải chư hầu của “nước Bắc” mà là một thống lĩnh riêng của một dân tộc độc lập. Câu thơ như khẳng định sự tách rời bình đẳng và độc lập tuyệt đối của nước Nam đối với nước Bắc. Do đó, nước Nam phải có quyền có chủ quyền riêng biệt. Đây là lần đầu tiên mà vấn đề dân tộc được đề cập một cách chắc chắn, dứt khoát trong một tác phẩm thơ văn như vậy. Từ “tiệt nhiên” với cách hiểu là hiển nhiên, rành rành biểu thị thái độ hoàn toàn tin tưởng của người nói vào “sách trời”, điều này là hoàn toàn có cơ sở. Từ đó, tác giả như ngầm báo trước sự thắng bại giữa ta và địch trước trận chiến trước mắt. Qua hai câu thơ đầu, bằng giọng điệu hào hùng, đanh thép, lời lẽ rõ ràng, Lý Thường Kiệt đã khẳng định quyền làm chủ về lãnh thổ của nước ta, không một thế lực nào có thể phủ định, xâm phạm được, đồng thời cũng thể hiện niềm tự tôn và lòng kiên trung của tác giả đối với dân tộc.
Nếu như hai câu đầu khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc thì hai câu thơ cuối bài lại là bản cáo trạng và lời cảnh cáo đối với kẻ thù nếu như chúng dám đến xâm phạm nước ta:
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
(Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)
Lãnh thổ nước Nam đã được quy định nơi “sách trời” là của người Nam, nhưng bọn giặc không màng đến điều ấy, chúng đã phản lại ý trời, đến xâm phạm để thỏa mãn lòng tham khôn cùng của chúng. Lý Thường Kiệt hết sức khinh bỉ, căm phẫn và tức giận trước lòng tham vô lý của giặc. Câu thơ bắt đầu bằng từ “Cớ sao” là một câu hỏi tu từ không nhằm để hỏi mà như kể lại, vạch trần tội ác của chúng đã làm đối với dân tộc ta. Với những tội ác như thế, Lý Thường Kiệt đã có đầy đủ cơ sở để bắt kẻ thù nhận lấy hậu quả không thể tránh khỏi “bị đánh tơi bời”, như thể việc đó cũng là quả báo từ ý trời. Qua đó ta thấy quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ trước mọi kẻ thù xâm lược. Hai câu thơ với nhịp thơ chậm, giọng thơ mạnh góp phần biểu hiện tâm trạng phẫn nộ của nhà thơ khi tổ quốc bị xâm phạm, lòng căm thù giặc sâu sắc và niềm tin sẽ chiến thắng kẻ thù.
Tóm lại, “Nam quốc sơn hà” là một bài thơ khẳng định rõ ràng quyền độc lập tự chủ của dân tộc ta, đồng thời cũng nêu lên bản cáo trạng và hình phạt thích đáng dành cho kẻ thù nếu chúng muốn xâm lược vào chủ quyền đã được định sẵn. Qua đó, bài thơ không chỉ thể hiện niềm tự hào của người Việt Nam về dân tộc mình mà còn đề cao ý chí đấu tranh, sức mạnh của nhân dân trong phong trào giải phóng dân tộc
.