cảm nhận của em về đoạn trích kiều ở lầu ngưng bích
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, ông đã đóng góp vào nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm văn học đặc sắc, độc đáo bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc mọi thế hệ và có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là tác phẩm viết bằng chữ Nôm - "Truyện Kiều" (Đoạn trường tân thanh). "Truyện Kiều" hấp dẫn người đọc bởi nội dung hấp dẫn, nghệ thuật độc đáo và đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích", trích từ câu 1033 đến 1054 là một trong số những đoạn trích tiêu biểu của tác phẩm.
Trước hết, đoạn trích đã thể hiện rõ nét cảnh ngộ và nỗi niềm tâm sự đau thương của Thúy Kiều ở chốn lầu Ngưng Bích.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Hai chữ "khóa xuân" được tác giả sử dụng thật tài tình, chỉ với hai chữ ấy thôi nhưng đã đủ để khái quát được tình cảnh của Thúy Kiều. "Xuân" chính là tuổi trẻ của con người, của Kiều và để rồi từ đó cho ta thấy "khóa xuân" chính là đang muốn nói đến tình cảnh đang bị giam lỏng, khóa chặt và chôn vùi tuổi trẻ của mình. Đặc biệt, trong những câu thơ tiếp theo đã vẽ nên một không gian, cảnh sắc hoang vắng, lạnh lẽo - dãy núi ở xa, bốn bề không gian mênh mông, rộng lớn, những cồn cát tiếp những bụi hồng trải dài ra xa. Đặc biệt, sự hoang vắng của cảnh vật, không gian còn được thể hiện qua việc tác giả sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập "non xa" - "trăng gần" cùng việc sử dụng từ láy "bát ngát" làm cho không gian như càng thêm mênh mông, rộng lớn. Và để rồi, trước không gian mênh mông, rộng lớn ấy, trong Thúy Kiều ùa về bao nỗi niềm đau thương cho cảnh ngộ, số phận của mình.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Chỉ với hai câu thơ nhưng tác giả đã lột tả một cách chân thực và rõ nét nỗi niềm tâm trạng của Thúy Kiều. Với việc sử dụng cụm từ "mây sớm đèn khuya" gợi sự tuần hoàn, lặp đi lặp lại cùng từ "bẽ bàng" ở đầu câu đã diễn tả sự buồn tủi, tuyệt vọng, cô đơn, chán chường của Kiều. Không dừng lại ở đó, nỗi niềm của Thúy Kiều, sự chua xót, buồn đau càng được thể hiện rõ nét qua câu thơ "nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng". Dường như chỉ có cảnh vật mới có thể chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu hết những nỗi đau của Kiều.
Không chỉ diễn tả nỗi đau thương về cảnh ngộ, thân phận của mình, đoạn trích còn thể hiện nỗi nhớ Kim Trọng và nỗi nhớ cha mẹ của Thúy Kiều. Nỗi nhớ thương chàng Kim của Thúy Kiều được thể hiện rõ nét qua những câu thơ tiếp theo.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chữ "tưởng" đặt ở đầu câu thơ dường như đã làm cho nỗi lòng của Thúy Kiều thêm đau đáu, nàng như đang hồi tưởng, tưởng tượng và nhớ lại những ngày tháng hẹn thề, hạnh phúc cùng chàng Kim. Nàng nhớ tới cảnh nàng cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền dưới ánh trăng và nàng còn nghĩ tới hình ảnh Kim Trọng đang ngày đêm ngóng chờ tin tức của mình. Và để rồi, sau nỗi nhớ người yêu da diết ấy, nàng bỗng giật mình xót thương cho cảnh ngộ của mình ở hiện tại.
Bến trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Càng nhớ Kim Trọng, Kiều càng thương cho cảnh ngộ "bơ vơ" nơi "bến trời góc bể" và tủi phận cho mình. Động từ "gột rửa" đã cho chúng ta thấy cho thấy nỗi đau đến tột cùng của Thúy Kiều khi danh dự, phẩm giá của nàng đã bị hoen ố. Như vậy, qua những dòng thơ này đã cho chúng ta thấy được tâm trạng buồn nhớ người yêu đến tột cùng và nỗi tủi phận của Kiều.
Cùng với đó, đoạn thơ còn thể hiện rõ nét nỗi nhớ thương cha mẹ của Thúy Kiều.
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Nếu lúc nhớ về Kim Trọng, tác giả dùng từ "tưởng" để diễn tả nỗi niềm của Kiều thì khi diễn tả nỗi lòng của Kiều với cha mẹ tác giả đã thật khéo léo khi dùng động từ "xót". Kiều xót xa biết bao khi cha mẹ đã già mà vẫn phải ngày đêm tựa cửa ngóng chờ tin con. Đặc biệt, với việc sử dụng thành ngữ "quạt nồng ấp lạnh" và điển tích "Sân Lai" tác giả đã cho thấy tấm lòng hiếu thảo của Kiều với cha mẹ và nỗi lo lắng của nàng. Với tấm lòng của một người con hiếu thảo, Thúy Kiều nghĩ tới cảnh cha mẹ ở quê nhà giờ đây đã già mà không có ai chăm sóc. Như vậy, có thể thấy, Thúy Kiều mặc dù đã bán mình chuộc cha và em nhưng trong sâu thẳm tấm lòng mình nàng vẫn luôn nhớ thương, lo lắng và quan tâm cha mẹ. Nỗi nhớ thương người yêu và cha mẹ của Thúy Kiều thêm một lần nữa cho chúng ta thấy Kiều là một người tình thủy chung và là một người con hiếu thảo.
Nếu những đoạn thơ trên cho chúng ta thấy nỗi nhớ thương người yêu và cha mẹ của Kiều thì trong những câu thơ còn lại của đoạn trích đã làm bật nổi tâm trạng cô đơn, buồn tủi của Thúy Kiều qua cách nhìn, cách cảm nhận về cảnh vật, thiên nhiên.
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Điệp từ "buồn trông" được tác giả nhắc lại bốn lần như khắc sâu và làm bật nổi thêm nỗi niềm tâm trạng của Thúy Kiều. "Buồn trông" là buồn nhìn ra xa, để trông ngóng một điều gì đó nhưng xa xôi và vô vọng. Để rồi từ đấy, trong Kiều hiện lên bao nỗi buồn, dường như mỗi câu thơ đã gợi lên một nỗi buồn rất riêng. Đằng sau hai chữ "buồn trông" ấy, tác giả đã sử dụng hàng loạt hình ảnh thiên nhiên gợi lên nỗi niềm thân phận của Thúy Kiều. Đó là hình ảnh "thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa" gợi lên một hành trình lưu lạc nay đây, mai đó không có bến bờ. Là hình ảnh "ngọn nước mới sa", "hoa trôi man mác" gợi lên sự nhỏ bé, vô định giữa dòng đời nổi trôi, tấp nập. Là hình ảnh "nội cỏ rầu rầu" gợi nên cuộc sống vô vọng, buồn tủi kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Và đặc biệt, với hình ảnh "gió cuốn mặt duềnh" cùng âm thanh "ầm ầm" của tiếng sóng dường như đã là một sự dự báo trước cho tương lai, số phận của Thúy Kiều với biết bao khó khăn, sóng gió ở phía trước. Như vậy, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tám câu thơ kết thúc đoạn trích đã diễn tả một cách sâu sắc và chính xác nỗi niềm tâm trạng buồn tủi, cô đơn của Thúy Kiều.
Tóm lại, đoạn trích "Kiều ở Lầu Ngưng Bích" với việc sử dụng hàng loạt điệp từ, từ láy, thành ngữ cùng các điển cố điển tích và bút pháp tả cảnh ngụ tình, tác giả đã diễn tả một cách sâu sắc nỗi niềm tâm trạng của Thúy Kiều - nỗi nhớ thương người yêu, cha mẹ và nỗi buồn thương cùng dự đoán về tương lai lênh đênh, nổi trôi, khó khăn của chính mình.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |