Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) là nhà thơ Nôm kiệt xuất của dân tộc. Ông để lại nhiều bài thơ nói về tình bạn: bạn cùng quê, bạn đồng học, bạn đồng khoa...
"Ai lên thăm hỏi bác Châu cầu,
Lụt lội năm nay bác ở đâu..."
(Lụt hỏi thăm bạn)
"Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta..."
(Khóc Dương Khuê)
Châu Cầu, Dương Khuê là hai bạn đồng khoa của Nguyễn Khuyến. Bài "Bạn đến chơi nhà" là một trong những bài thơ Nôm đặc sắc của ông, nói lên một tình bạn đẹp.
Câu nhập đề rất tự nhiên, như một lời nói mộc mạc của nhà thơ sau bao tháng ngày mới gặp lại bạn. Lời chào vồn vã, biểu lộ niềm vui mừng khôn xiết:
"Đã bấy lâu nay bác tới nhà"
Chữ "bác" gợi lên thái độ niềm nở, thân mật và kính trọng của nhà thơ đối với bạn tri âm, một cách xưng hô thân tình. Đằng sau câu thơ - lời chào hỏi - có thể là những giọt lệ ứa ra ở khoé mắt đôi bạn già.
"Đã bấy lâu nay" là bao năm tháng? Tính thời gian không được xác định cụ thể, nhưng chắc chắn là đã khá lâu, vì sức yếu tuổi già... nên xiết bao đợi chờ, mong nhớ. Bộ phận trạng ngữ chỉ thời gian được đặt lên đầu câu thơ diễn tả sự xa cách nhớ mong, làm nổi bật ý thơ: niềm xúc động và niềm vui sướng vô hạn khi gặp lại bạn.
Trong bài thơ "Khóc Dương Khuê", có một chi tiết giúp ta cảm nhận được một phần nào cái hay, cái tình ẩn chứa trong câu nhập đề:
"Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần,
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can"
Chữ "bác " được nói đến trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là bạn chí thân, ở xa, lâu ngày mới gặp nên Nguyễn Khuyến rất mừng và cảm động.
Sáu câu thơ tiếp theo toát lên một nụ cười hóm hỉnh. Một ý thơ bao trùm: Đã lâu ngày bạn mới đến chơi, biết lấy gì đãi bạn đây? Một tình thế khá éo le: "Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa". Chữ "thời" (thì) là một hư từ, rất ít khi xuất hiện trong thơ vì dễ rơi vào sự tầm thường nhạt nhẽo. Nhưng dưới ngòi bút của Tam Nguyên Yên Đổ, nó trở nên thanh thoát tự nhiên vô cùng, chúng tỏ ông có một bản lĩnh nghệ thuật điêu luyện.
Nguyễn Khuyến sau khi cáo quan, lui về sống bình dị ở chốn vườn Bùi quê cũ, với “năm gian nhà cỏ thấp te le ”, với một cơ ngơi:
"Chín sào tư thổ là nơi ở,
Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà "
(Ngày xuân dạy các con )
Phần thực và luận, tính hệ thống của ngôn ngữ thơ rất chặt chẽ, nhất quán ở một cách nói, một lối biểu cảm: Có tất cả mà cũng chẳng có gì để đãi bạn thân! Có ao và cá, có vườn và gà, có cà và cải, có mướp và bầu, nhưng... Bức tranh vườn Bùi thân thuộc hiện lên sống động, vui tươi. Một nếp sống thôn dã chất phác, cần cù, bình dị đáng yêu. Một cuộc đời thanh bạch, ấm áp cây đời và tình người rất đáng tự hào. Chúng ta như cảm thấy Nguyễn Khuyến đang dắt tay bạn ra thăm vườn cây ao cá, tận hưởng thú vui dân dã của một ông quan về quê ở ẩn. Phép đối hợp cách, chặt chẽ: cảnh với cảnh, thượng hạ, trắc - bằng phân minh, tạo nên một giọng thơ nhẹ nhàng, vui tươi, lời thơ cân xứng, hòa hợp như cảnh vườn tược xinh xắn, hữu tình:
"Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà"
Các tính từ (sâu, cả, rộng, thưa), các trạng từ chỉ tình trạng (khôn, khó), các trạng từ chỉ sự tiếp diễn của hành động (chửa, mới, vừa, đương) hô hứng, bổ trợ cho nhau, được sử dụng thần tình, khéo léo, dung dị và tự nhiên. Những từ ngữ ấy được đặt bên cạnh những chi tiết miêu tả chấm phá đã làm hiện lên khung cảnh vườn tược, cây cối đang đơm hoa kết trái, ẩn chứa một sức sống tiềm tàng, gần gũi và mến yêu:
"Cải chửa ra cây, cà mới nụ"
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Dân gian có câu: "Khách đến chơi nhà không gà cũng vịt. Qua các câu thơ trên, ta thấy Nguyễn Khuyến đang giãi bày với bạn: trong nhà ngoài vườn có bao nhiêu thứ, nhưng thực ra chẳng có gì để thết bạn, đãi bạn vì tất cả mọi thứ, mọi thức chưa đến lúc, đến thời! Cầu thơ thứ bảy tiếp nối và mở rộng ý thơ trên, khẳng định luôn cái "không có".
"Đầu trò tiếp khách trầu không có"
Phải chăng cái nghèo của cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã đến mức ấy ư? "Vẻ chi một mớ trầu cay ” (Ca dao). Nhà thơ đã thậm xưng hóa cái nghèo, thi vị hóa cái nghèo. Một ông quan to triều Nguyễn về quê ở ẩn, với một cơ ngơi “chín sào tư thổ là nơi ở” thì không thể "miếng trầu là đầu câu chuyện" để tiếp bạn cũng "không có". Đây là một lời thơ hóm hỉnh, pha chút tự trào vui vui, để bày tỏ một cuộc sống thanh bạch, một tâm hồn thanh cao của một nhà nho khước từ lương bổng của thực dân Pháp, lui về sống bình dị giữa xóm làng quê hương.
Câu kết là một sự "bùng nổ" về ý và tình. Tiếp bạn chẳng cần có mâm cao, cỗ đầy, cao lương mĩ vị, cơm gà cá gỡ, mà chỉ có một tấm lòng, một tình bạn chân thành, thắm thiết:
"Bác đến chơi đây, ta với ta"
Lần thứ hai, chữ "bác" đã xuất hiện trong bài thơ, thể hiện một sự trìu mến, kính trọng. Bác đã không quản tuổi già sức yếu, không quản đường sá xa xôi đến thăm hỏi, còn gì quý hóa bằng! Tình bạn là trên hết. Không một thứ vật chất nào có thể thay thế được tình bạn tri âm tri kỉ. Mọi cái đều "không có" nhưng lại có tình bằng hữu thân thiết. Chữ "ta" là đại từ nhân xưng, trong bài thơ này là "tôi", là “bác ”, là "hai chúng ta", không có gì cách bức nữa. Cụm từ "ta với ta" biểu lộ một niềm vui trọn vẹn, tràn đầy và lắng dọng trong tâm hồn, tỏa rộng trong không gian và thời gian.
Với cụm từ "ta với ta" trong câu thơ "Một mảnh tình riêng ta với ta" của Bà Huyện Thanh Quan là nỗi buồn cô đơn của khách li hương khi đứng trên đỉnh Đèo Ngang lúc hoàng hôn, còn ở đây, trong câu thơ của Nguyễn Khuyến lại ấm áp tình đời và sâu nặng tình bạn. Qua đó, ta cảm nhận được phần nào tính cá thể hóa của ngôn ngữ và sắc điệu trữ tình tạo nên giá trị vãn chương trong những bài thơ cổ.
Có đọc qua một số bài thơ của Nguyễn Khuyến viết về tình bạn, ta mới thấy hết cái hay, cái ý vị của bài thơ "Bạn đến chơi nhà".
"Từ trước bảng vàng nhà sẵn có,
Chẳng qua trong bác với ngoài tôi"
(Gửi bác Châu Cầu)
"Đến thăm bác, bác đang đau ốm,
Vừa thấy tôi bác nhổm dậy ngay.
Bác bệnh tật, tôi yếu gầy,
Giao du rồi biết sau này ra sao? "
(Gửi thăm quan Thượng thư họ Dương)
Bài thơ “Bạn đến chơi nhà ” viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, niêm, bằng trắc và đối chặt chẽ, hợp cách. Ngôn ngữ thuần nôm, không có một từ Hán - Việt nào, đọc lên nghe thanh thoát, nhẹ nhàng, tự nhiên. Ta có cảm giác như Nguyễn Khuyến xuất khẩu thành chương. Đặc biệt bố cục bài thơ không theo quy cách: đề, thực, luận, kết - mà lại cấu trúc theo: (1 + 6 + 1 ) câu đầu nói lên niềm vui khi bạn đến; 6 câu giữa hóm hỉnh, cười vui không có gì để tiếp bạn; câu cuối chỉ có tình bạn đẹp mà thôi!
Bài thơ nôm khó quên này cho thấy một hồn thơ đẹp, một tình bằng hữu thâm giao, chân tình, một tấm lòng hồn hậu, đẹp đẽ. Tình bạn của Nguyễn Khuyến trong sáng, thanh bạch, đối lập với nhân tình thế thái “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử - Hết cơm hết rượu hết ông tôi ” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kịch liệt lên án. Hai nhà thơ sống cách nhau mấy trăm năm mà có chung một tâm hồn lớn: nhân hậu, thủy chung, thanh bạch.
Tâm hồn đó, tấm lòng đó của tiền nhân đối với thế thái nhân tình ngày nay vẫn xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người soi chung. Nguyễn Khuyến không những là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam mà còn là nhà thơ của tình bạn trong sáng, thủy chung và cao đẹp rất đáng yêu, đáng kính.