Ô nhiễm môi trường đang trở thành một trong những vấn đề mang tính chất toàn cầu, thu hút sự quan tâm đặc biệt của tất cả các quốc gia. Các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới hiện nay cho rằng việc môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến hiện tượng tuyệt chủng nhiều loài sinh vật, đang là mối nguy cơ lớn nhất đe dọa hành tinh của chúng ta.
Các tài liệu nghiên cứu được tạp chí Nature công bố đầu năm 2004 cho biết đến năm 2050 sẽ có khoảng 25% các loài sinh vật trên trái đất bị tuyệt chủng hoàn toàn do nhiệt độ nóng lên và những biến đổi về khí hậu trên thế giới nói chung. Một tài liệu khác nói rằng khoảng 30% các loài cá, 25% các loài bò sát và động vật có vú, 20% các loài lưỡng cư, 12% các loài chim, 10% các loài thực vật hiện có trên trái đất đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong vòng 30 năm tới. Tạp chí New Scientist số ra tháng 5 vừa qua cũng công bố một tác phẩm nghiên cứu cho rằng khoảng 200 con sông lớn nhất trên thế giới sẽ thay đổi dòng chảy và giảm thủy lượng của mình trong vòng 300 năm tới do trái đất nóng lên, làm ảnh hưởng sự sống của các loài sinh vật dưới nước. Trong số các con sông này, sông Nin sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, sẽ mất đi 18% lượng nước hiện nay.
Các nhà khoa học cho rằng sự tuyệt chủng không phải là hiện tượng mới mẻ trên trái đất. Kể từ khi có sự sống trên bề mặt trái đất khoảng 550 triệu năm đến nay đã có ít nhất năm lần tuyệt chủng. Ðiều đáng chú ý là những loài sinh vật hiện có trên trái đất chỉ còn chiếm 2% so với khi sự sống xuất hiện, tức là 98% các loài sinh vật đã bị tuyệt chủng qua các thời kỳ. Trong lịch sử hình thành sự sống, có hai lần xảy ra sự tuyệt chủng lớn nhất trên trái đất. Ðó là sự tuyệt chủng lần thứ ba xảy ra cách đây khoảng 250 triệu năm, khi 95% các loài sinh vật lúc đó đã biến mất và sự tuyệt chủng lần thứ năm xảy ra cách đây khoảng 65 triệu năm làm mất đi 70% các loài sinh vật lúc đó, quan trọng nhất là loài khủng long và các loài bò sát khổng lồ.
Về nguyên nhân của sự tuyệt chủng này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa ai có thể khẳng định được. Nhiều ý kiến cho rằng sự va chạm của các thiên thạch là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng lần thứ ba. Giả thuyết này cho rằng một thiên thạch khổng lồ hoặc một hành tinh nhỏ lúc đó đã va quệt vào trái đất, gây ra sự tàn phá ghê gớm, làm hủy hoại phần lớn các loài sinh vật của thời kỳ đó. Nhiều người đã tin vào giả thuyết này. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện một giả thuyết mới được nhiều người tán thành, cho rằng các loại hơi độc chưa rõ nguyên nhân đã được phát ra phủ một lớp dày trên bề mặt trái đất lúc đó đã gây ra sự tuyệt chủng của các loài sinh vật.
Chung quanh sự tuyệt chủng lần thứ năm làm biến mất loài khủng long, người ta cũng đưa ra những giả thuyết tương tự, nhưng đến nay vẫn chưa có ai khẳng định được nguyên nhân thật sự của các lần tuyệt chủng trước đây là gì.
Nhiều nhà nghiên cứu khoa học cho rằng trái đất của chúng ta hiện nay đang bước vào giai đoạn tuyệt chủng lần thứ sáu. Nguyên nhân của sự tuyệt chủng lần này không phải do các tai họa của thiên nhiên như trước đây, mà là do những việc làm sai trái của chính con người và những vi phạm có hệ thống của họ đối với môi trường. Người ta tính toán rằng chỉ trong vòng 50 năm trở lại đây, do các hoạt động bừa bãi của con người, đã có hàng trăm nghìn loài sinh vật biến mất. Ðiều này có nghĩa là tốc độ tuyệt chủng đã tăng nhanh gấp 40 lần so với thời kỳ trước cuộc cách mạng công nghiệp. Theo các báo cáo của các tổ chức quốc tế về môi trường, hiện nay cứ 20 phút lại có một loài động vật hoặc thực vật bị tuyệt chủng. Những sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay lên tới hơn 12 nghìn loài, trong số đó phải kể đến tê giác, gấu Pan-đa, vượn, báo châu Á, chuột nước Ê-ti-ô-pi-a, chim hạc Ai Cập, lạc đà hai bướu và các loài xương rồng gai.
Ðiều đáng buồn là chính con người đã và đang gây ra sự suy giảm và tuyệt chủng của các loài sinh vật hiện nay. Việc con người khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên như săn bắn vô tội vạ, nạn phá rừng, sử dụng quá mức đất đai canh tác, làm ô nhiễm mặt nước, làm khô cạn các hồ ao và phải kể đến các cuộc chiến tranh tàn khốc, v.v... đang góp phần vào việc hủy hoại môi trường.
Các hoạt động du lịch thiếu bền vững, việc xây dựng thiếu quy hoạch, thăm dò và khai thác dầu khí, các hoạt động công nghiệp tạo ra các nguồn khí thải độc hại, làm cho khí hậu nóng lên, tạo ra những lỗ hổng của tầng ozone... đang đe dọa trực tiếp đến sự sống trên trái đất. Nếu cứ tiếp tục những việc làm sai trái này, nếu chỉ nhìn vào lợi ích vật chất trước mắt thì về lâu dài, chúng ta sẽ phải chuốc lấy những thiệt hại vô cùng to lớn không thể lường hết được và không loại trừ khả năng sẽ tạo ra nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loại sinh vật trong đó có cả loài người.
Nhiệm vụ cấp bách hiện nay đòi hỏi tất cả mọi người, tất cả các nước trên thế giới phải có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống trên trái đất.
đấy nhé!~