Học tập là một quá trình quan trọng theo suốt cuộc đời mỗi con người. Từ xưa đến nay, các bậc học giả, hiền triết đều khuyên chúng ta có một phương pháp học tập đúng đắn để thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích, đạt được những thành công trong cuộc sống. Một trong số những phương pháp đó là học đi đôi với hành. Nguyên lí này cũng được La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đề cập trong bài tấu “Bàn về phép học” gửi vua Quang Trung.
Vậy, thế nào là “học đi đôi với hành”, hay như Nguyễn Thiếp nói, đó là “theo điều học mà làm”. Học là quá trình tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về mọi mặt. Còn hành là thực hành, nghĩa là áp dụng những kiến thức học được vào thực tế đời sống.
Học và hành có mối quan hệ mật thiết với nhau. Học được xem như gốc rễ của cây, gốc có bền vững thì cây mới cứng cáp, khỏe mạnh. Học là ngọn đèn soi sáng, dẫn đường để chúng ta thực hiện mọi công việc trong đời sống. Thế nhưng, “lí thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Lí thuyết mà không áp dụng vào thực tế chỉ là lí thuyết suông, việc học mất đi giá trị, tốn công sức, thời gian và tiền bạc.
Trong thời đại khoa học công nghệ như hiện nay, việc áp dụng lí thuyết vào thực tiễn để lao động và làm việc là vô cùng cần thiết. Chính Bác Hồ- người lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã vận dụng thành công và sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê-nin vào con đường cách mạng của dân tộc ta, dẫn dắt nhân dân, giành lại nền độc lập cho đất nước. Thực hành là khâu sau cùng để kiểm tra và chứng thực quá trình học tập lâu dài và bền bỉ của chúng ta. Thế nhưng, thực hành cần có một cái gốc vững chắc là lí thuyết để làm nền tảng cho mọi hành động sau này. Thiếu lí thuyết, việc thực hành sẽ gặp nhiều trở ngại, con người sẽ trở nên lúng túng, bối rối.
Là một người học sinh, chúng ta cần nhận thức rõ về mối quan hệ gắn bó giữa học và hành để đạt được nhiều thành công trong học tập và cuộc sống. Trước tiên, chúng ta cần nắm vững kiến thức từ những bài giảng của thầy cô, tìm hiểu thêm kiến thức từ sách vở, những phương tiện truyền thông và ngoài đời sống. Từ cơ sở những hiểu biết tích lũy được, còn cần áp dụng một cách khéo léo và sáng tạo vào việc giải quyết những vấn đề, công việc trong thực tế. Bên cạnh đó, việc xác định cho mình một mục đích học tập rõ ràng, một phương pháp học tập đúng đắn cũng vô cùng cần thiết.
Tổ chức UNESCO từng đề xuất một mục đích học tập, đó là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy nghe theo lời dạy của Nguyễn Thiếp, phối hợp chặt chẽ, nhuần nhị giữa học và hành để có thể thành công trong mọi mặt đời sống, chứng minh được năng lực của bản thân và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.