Mỗi học sinh muốn trở thành một công dân có ích, một người đóng góp cho xã hội, một người thành công trên cả hai con đường sự nghiệp và thành người thì chỉ có một con đường duy nhất là học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận không nhỏ học sinh đang chạy theo những cách học tiêu cực là "học vẹt" và "học tủ" không chỉ đem lại tác hại cho bản thân mà còn cho cả xã hội.
"Học tủ" là cách học chọn lọc những kiến thức mà mình cho rằng sẽ ra trong bài kiểm tra hoặc bài thi. Cách học này mang tính may rủi rất cao và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất là đối với những bạn đoán sai đề mà học sinh hay gọi là "lệch tủ". "Học vẹt" là cách nói ẩn dụ, ví cách học của học sinh với con vẹt bắt chước, nói nhại lại nhưng không hiểu gì. Khi trả bài thì đọc rất trôi chảy, lưu loát nhưng không nắm được nội dung, học một cách máy móc, thụ động và chỉ cần quên một từ là có thể quên cả bài.
Tuy khái niệm về hai phương pháp học này là khác nhau nhưng nó đều có cùng một nguyên nhân. Trước hết phải kể đến nguyên nhân khách quan từ xã hội. Do mặt trái trong tiến trình phát triển của xã hội, định hướng giáo dục còn chưa thực sự phù hợp. Ba mẹ luôn bắt ép con em mình phải luôn luôn học tập, đạt được những thành tích nhất định. Nếu bị điểm kém thì la rầy, trách mắng khiến cho học sinh không còn tìm thấy niềm hứng thú trong học tập. Họ mang trong mình suy nghĩ "Học cho cha mẹ chứ không học cho mình". Ba mẹ gây áp lực khiến con em mình luôn phải "oằn" mình để gánh lấy ước mơ lớn lao của họ. Mặt khác do chương trình học quá nặng nề về kiến thức, kiến thức khô khan, cứng nhắc, ít có điều kiện thực hành khiến nhiều học sinh chán nản, học chống đối bằng cách "học tủ", "học vẹt". Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính bản thân mỗi học sinh ngay từ đầu đã không có mục đích học rõ ràng dẫn đến lười học, học chưa đúng phương pháp. Một phần khác là do học sinh không có ý thức tự giác, chây lười trong học tập.
Hai cách học trên mang tính đối phó, không thực sự coi trọng việc tiếp thu kiến thức để tích lũy và nâng cao vốn hiểu biết. Vì "học vẹt", "học tủ" mà không tư duy nên không hiểu, không nắm chắc kiến thức dẫn đến không biết vận dụng vào thực tế. Việc học như thế dẫn đến tốn thời gian, tiền bạc của cha mẹ. Ngoài ra, hai cách học trên phụ thuộc vào sự may mắn nên rất dễ xảy ra may rủi, có thể đem lại kết quả không như mong đợi. Do đó gây ra chán nản, thiếu tự tin vào bản thân. Đồng thời nó cũng tạo một thói quen xấu làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc học và trở thành những người không trung thực. Việc "học vẹt", "học tủ" không chỉ gây hại cho mỗi bản thân học sinh mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Thử hỏi xem, trong một đất nước mà học sinh chỉ biết gian dối, học chống đối không có kiến thức thực chất thì đất nước đó phát triển ra sao? Xã hội sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục của đất nước, chất lượng giảm sút, ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập và phát triển.
Vì vậy, việc khắc phục tình trạng "học vẹt", "học tủ" là vô cùng quan trọng. Trước hết học sinh cần thay đổi lại cách học cho phù hợp với bản thân, hiểu được ý nghĩa của việc học, học cho bản thân mình chứ không phải cho ai khác. Khi học tập nên kết hợp với giải trí để đầu óc được thoải mái, không bị áp lực. Ba mẹ cần thay đổi lại suy nghĩ của mình, không nên ép buộc, con cái mà phải luôn động viên, giúp đỡ con em mình những lúc gặp khó khăn trong học tập. Ngoài ra nhà trường cần thay đổi lại chương trình giáo dục cho phù hợp, tránh nặng về kiến thức mà tạo điều kiện thực hành nhiều hơn. Chỉ có cách "học đi đôi với hành" chúng ta mới tránh được cách "học vẹt", "học tủ" tai hại kia.
"Giáo dục là chìa khoá của tương lai". Vì vậy học sinh cần có phương pháp học tập, rèn luyện đúng đắn để giáo dục có thể dẫn mỗi người bước đến cánh cửa thành công. Loại trừ phương pháp học tập "học vẹt" và "học tủ", học sinh sẽ có kiến thức đầy đủ, hành trang cần thiết để bước vào đời, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.