Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài thơ sang thu

phân tích bài thơ sang thu

4 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
473
2
2
Thiên sơn tuyết liên
09/05/2021 10:06:14
+5đ tặng

Hữu Thỉnh là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, thơ ông thường chứa đựng cảm xúc tha thiết, chân thành và rất giàu chất suy tư, triết lý. Sang thu cũng là một tác phẩm như vậy. Bài thơ được khơi nguồn cảm xúc từ khoảnh khắc giao mùa nhưng đằng sau đó còn là cảm xúc của tác giả về đời người lúc sang thu.

Tính chất suy tư, triết lí trong thơ Hữu Thỉnh được thể hiện ngay từ nhan đề bài thơ. Sang thu không chỉ là khoảnh khắc giao mùa của đất trời khi hè đã qua và mùa thu đang cựa mình đi tới. Mà sang thu còn ẩn dụ về cuộc đời con người. Đây là thời điểm con người đã sang thu, đã trải qua biết bao sóng gió, bởi vậy cũng trở nên vững vàng hơn trước mọi cơn giông bão của cuộc đời.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Tín hiệu đầu tiên mà tác giả cảm nhận được chính là hương ổi, một mùi hương thật dung dị, đậm chất thôn quê. Hương ổi thật chủ động, tự nhiên “phả vào trong gió se”. Với động từ “phả” tác giả đã miêu tả được hương thơm đậm đà như sánh lại, quyện lại và ùa vào gió se đầu thu. Sau sự cảm nhận về thính giác, tác giả tiếp tục cảm nhận mùa thu bằng thị giác với những đám sương chùng chình đi qua ngõ. Nghệ thuật nhân hóa cùng từ láy “chùng chình” đã làm cho làn sương trở nên sinh động, có hồn. Câu thơ như gợi ra trước mắt người đọc hình ảnh những hạt sương li ti, bé nhỏ, giăng mắc với nhau tạo thành màn sương mỏng nhẹ. Dáng đi của nó cũng thật chậm rãi, thong thả trước cửa ngưỡng mùa thu, như còn đang lưu luyến, bịn rịn với mùa hè.

Trong giờ phút giao mùa ấy, lòng nhà thơ như đắm chìm vào không gian bàng bạc chất thu. Đó là cảm giác bất ngờ khi gặp tín hiệu thu về “bỗng” - là sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một niềm vui, một thoáng xúc động trước những khoảnh khắc thu thật thu, con người thoát khỏi bộn bề cuộc sống để hòa mình vào thiên nhiên. Và tiếp đến là những mong manh cảm xúc, một chút bối rối tự hỏi mình “hình như”. Tình thái từ thể hiện rõ sự bâng khuâng, xao xuyến trong lòng thi nhân khi nhận ra những tín hiệu mùa thu. Hữu Thỉnh quả là người có giác quan vô cùng nhạy cảm thì ông mới có những cảm nhận tinh tế đến vậy về phút giao mùa.

Sang đến khổ thơ thứ hai, bức tranh mùa thu đã có những chuyển biến rõ ràng, đậm nét hơn. Từ không gian ngõ vườn nhỏ bé, Hữu Thỉnh vươn ngòi bút của mình đến không gian rộng lớn hơn, không gian bầu trời, sông nước. Dòng sông hiền hòa, thong thả chảy không còn cuồn cuộn, đỏ ngầu như những ngày nước lũ mùa hè. Đối lập với hình ảnh dòng sông là hình ảnh những cánh chim vội vã. Dường như những cơn gió se lạnh đã đâu đó len lỏi trong không gian bởi vậy những loài chim phải vội vã bay về phương nam tránh rét. Cách ông dùng từ cũng hết sức tinh tế: “bắt đầu”, chỉ mới là bắt đầu chứ chưa hẳn là vội vã bởi thu cũng chỉ mới chớm sang thôi. Mọi sự vật hiện tượng chuyển động thật thong thả, khẽ khàng bởi vậy chỉ có những tâm hồn tinh tế mới nhận thấy được.

Hai câu thơ sau là một điểm nhấn, tạo nên sự độc đáo cho bức tranh mùa thu: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Đây là trường liên tưởng hết sức mới mẻ, độc đáo, gợi ra khung cảnh một làn mây mỏng nhẹ, đang uyển chuyển cựa mình chuyển bước sang thu. Đồng thời cũng có thấy tâm trạng lưu luyến, bịn rịn của đám mây: nửa lưu luyến mùa hạ, nửa háo hức nghiêng mình hẳn sang thu. Ở đoạn này tác giả tỏ ra hết sức tài tình khi mượn cái hữu hình của đám mây để gợi ra cái vô hình của không gian, ranh giới giao mùa. Thể hiện trường liên tưởng thú vị này không chỉ là cảm nhận bằng thị giác mà còn được cảm nhận chính bằng tâm hồn tinh tế nhạy cảm và lòng yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ.

Bức tranh mùa thu dường như được hoàn chỉnh, rõ nét hơn qua hai câu thơ tiếp theo: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa”. Mùa thu hiện ra rõ nét hơn qua sự thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên: mưa, sấm – vốn là những dấu hiệu đặc trưng của mùa hạ, nay cũng “vơi dần”, “bớt bất ngờ”, mùa thu ngày một đậm nét hơn. Sau những cảm nhận ấy, lắng lại là những suy tư chiêm nghiệm của tác giả về con người về cuộc đời:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Câu thơ trước hết mang ý nghĩa tả thực: sang thu những cơn mưa lớn kèm sấm đã vơi dần, bớt dần, đồng thời trải qua một mùa hè đầy giông bão những hàng cây đã không còn giật mình bởi những tiếng sấm mùa hạ nữa. Nhưng bên cạnh đó, câu thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng: “sấm” là những vang động, những biến cố mà con người đã trải qua trong cuộc đời; “hàng cây đứng tuổi” là những con người trưởng thành đã từng trải qua bao thăng trầm, biến cố. Từ ý nghĩa đó nhà thơ gửi gắm suy tư, chiêm nghiệm của mình: khi con người đã trải qua những giông bão của cuộc đời sẽ bình tĩnh hơn trước những bất thường, những tác động của ngoại cảnh. Câu thơ chất chứa biết bao suy tư, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, về con người.

Hữu Thỉnh sử dụng thể thơ năm chữ tài hoa, giàu nhịp điệu. Bài thơ có nhịp điệu chậm, nhẹ nhàng, sâu lắng như chính bước đi chậm trãi của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Lớp ngôn từ giản dị, giàu giá trị tạo hình: phả, vắt, chùng chình, dềnh dàng, vội vã,… diễn tả tinh tế những dấu hiệu mùa thu. Ngoài ra ông còn có những trường liên tưởng bất ngờ, độc đáo làm tứ thơ sinh động, hấp dẫn hơn. Hình ảnh thơ có chọn lọc, đặc sắc mang nét đặc trưng của thời tiết lúc giao mùa: hạ - thu.

Tác phẩm đã đem đến cho thi ca Việt Nam một bức tranh phong cảnh sang thu thật đặc biệt, ý nghĩa. Đồng thời qua bài thơ ta còn thấy được những cảm nhận tinh tế của tác giả trong việc tái hiện khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa: đất trời khi sang thu, đời sống sang thu và đời người sang thu.



Xem thêm tại: https://doctailieu.com/phan-tich-bai-tho-sang-thu#van_mau_phan_tich_sang_thu

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
1
Snwn
09/05/2021 10:06:33
+4đ tặng
Nhà thơ Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1963, Hữu Thỉnh nhập ngũ, vào binh chủng Tăng - Thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hóa, tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ. Ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa III, IV, V. Từ năm 2000, Hữu Thỉnh giữ chức vụ Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều và có một số bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn. Bài thơ Sang thu được sáng tác vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ. Nội dung thể hiện tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ trước những chuyển biến tinh tế của trời đất và là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của nông thôn đồng bằng Bắc bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu.
 
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
 
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
 
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
 
Từ cuối mùa hạ sang đầu mùa thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Những biến chuyển này đã được Hữu Thỉnh cảm nhận bằng sự rung động của trái tim thi sĩ và thể hiện qua những hình ảnh thơ mộng, giàu sức biểu cảm.
 
Ở khổ thơ đầu, dấu hiệu của mùa thu không phải là Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu như trong thơ cổ; cũng không phải là Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống; lệ ngàn hàng như trong thơ Xuân Diệu cách đây hai phần ba thế kỉ. Vốn hiểu biết nhiều về nông thôn nên Hữu Thỉnh đã đưa vào bài thơ những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc mà vô cùng quen thuộc của quê hương
 
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
 
Đây là khung cảnh một sáng chớm thu ở làng quê Bắc Bộ. Trước hết nhà thơ bất chợt nhận ra tín hiệu của sự chuyển mùa từ ngọn gió mang hương ổi chín. Gió se là làn gió nhẹ, thoáng chút hơi lạnh, còn gọi là gió heo may. Hương ổi gắn liền với bao kỉ niệm của thời thơ ấu, là mùi vị của quê hương đã thấm đẫm trong tâm tưởng nhà thơ và cứ mỗi độ thu về thì nó lại trở thành tác nhân gợi nhớ.
2
1
Anh Daoo
09/05/2021 10:07:03
+3đ tặng

Mùa thu là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca, chỉ một cái mùa thu ấy thôi nhưng giới văn nhân nghệ sĩ đã biết bao lần cảm thán, rồi tự sáng tác riêng cho mình những vần thơ, những câu hát rất riêng, rất đặc sắc. Ví như Xuân Diệu viết trong Đây mùa thu tới bằng một cảm xúc sầu não, ủ rũ khi “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” với “Hơn một loài hoa đã rụng cành” và “Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”. Có thể thấy rằng đề tài mùa thu trong thi ca Việt Nam và cả thi ca phương Đông là không mới, nét đặc sắc, riêng biệt của mỗi thi phẩm về mùa thu đến từ xúc cảm cá nhân, cách dùng từ, nghệ thuật và tài năng của từng tác giả,... Hữu Thỉnh chính là một trong các nhà thơ tiêu biểu khi viết về thu với một nét rất riêng, ông không viết về cuối thu, giữa thu mà ông chọn một khoảnh khắc tương đối nhạy cảm là thời điểm giao mùa, sang thu. Thế nhưng khoảnh khắc ấy khi vào thơ, đã được tác giả diễn tả một cách vô cùng mượt mà và tinh tế trong bài thơ Sang thu.

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Khoảnh khắc nhà thơ nhận ra mùa thu đã về cũng thật đặc biệt, khác hẳn với những tác giả từ xưa tới nay thường nhận định mùa thu qua những thứ rất đặc trưng như tiếng lá xào xạc rơi, sắc vàng của khi vào thu như Lưu Trọng Lư từng viết trong Tiếng thu những vần thơ rất ngộ “Con nai vàng ngơ ngác/Đạp lên lá vàng khô”. Cũng không phải là cái cảnh trời xanh cao vời vợi như trong Thu điếu của Nguyễn Khuyến, lại càng không phải hương cốm mới, cúc họa mi, hay cơn gió heo may lạnh mà người ta vẫn nhắc khi nghĩ về mùa thu ở Hà Nội. Cái khoảnh khắc chớm thu của Hữu Thỉnh nói dân dã, giản dị lắm, nó đến từ “hương ổi” thơm ngào ngạt, ngọt ngào, một thức quà quê quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Cái hương ổi ấy, nó không phải chỉ thoang thoảng mà “Phả vào trong gió se” hòa quyện, đặc quánh, khiến thi nhân cảm nhận được một cách rõ nét và ý thức được sự chuyển giao giữa mùa hạ và mùa thu. Đồng thời “cơn gió se” mang hương ổi ấy, cũng phần nào gợi cho người ta cảm giác khô ráo, se se lạnh của mùa thu. Bên cạnh hương ổi chín trong làn gió se lạnh, khoảnh khắc giao mùa còn được thể hiện thông qua một hình ảnh rất độc đáo và đặc biệt mà có lẽ cũng như hương ổi, từ trước đến nay chưa từng thấy thi nhân nào lại hình dung về mùa thu độc lạ thế. “Sương chùng chình qua ngõ”, từ láy “chùng chình” ấy gợi cho độc giả cảm giác chậm rãi, giăng mắc của làn sương sớm, dường như màn sương ấy đang cố nán lại quanh ngõ nhỏ cùng với hương ổi chín để báo hiệu với nhà thơ rằng “Hình như thu đã về”. Hoặc trong một cảm nhận khác, đôi khi người ta nghĩ rằng cái màn sương chùng chình ấy tựa như một dải khăn lụa trắng đang vắt ngang giữa cái ranh giới của mùa hạ và mùa thu, có lẽ còn chút gì đó vấn vương cái ấm áp của mùa hạ chưa muốn chuyển hẳn sang mùa thu hiu lạnh chăng. Đến câu thơ cuối đoạn “Hình như thu đã về” vừa là lời khẳng định mùa thu đã chính thức bắt đầu với những dấu hiệu rõ nét bao gồm hương ổi ngọt ngào, gió se se lạnh và màn sương chậm rãi chùng chình. Nhưng đồng thời câu thơ cũng thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của thi nhân trước khoảnh khắc mùa thu tới.

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Ở khổ thơ tiếp theo, sự chuyển giao mùa đã không còn nằm trong hương ổi hay làn sương sớm mà nó thể hiện một cách rõ rệt thông qua sự chuyển biến của thiên nhiên đất trời, mở ra một không gian cao rộng và khoáng đạt của đất trời mùa thu. Đó là hình ảnh dòng sông “dềnh dàng” đại diện cho mặt đất, đang chậm rãi chảy, khác hẳn với với một dòng sông của mùa hạ liên tục đón nhận những cơn mưa nặng hạt, những dòng nước cuồn cuộn vội vã. Và có lẽ người ta cũng phần nào cảm nhận được cái vẻ đẹp hiền hòa của dòng sông thu, giống như cái vẻ đẹp mà Nguyễn Khuyến đã nhắc đến trong Thu điếu “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”, thì nước sông mùa thu có lẽ cũng mang những vẻ tương tự vậy, trong trẻo, thanh khiết và dịu dàng. Cái vẻ đẹp tuyệt diệu mà Nguyễn Du đã từng dùng để miêu tả vẻ đẹp của cô Kiều rằng “Làn thu thủy, nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Trái ngược với vẻ “dềnh dàng”, thư thả của dòng sông, thì cánh chim mùa thu lại mang một vẻ vội vã, khẩn trương “Chim bắt đầu vội vã”. Cánh chim chính là đại diện cho bầu trời khoáng đạt rộng lớn, mùa thu đến cũng có nghĩa là thời tiết bắt đầu chớm lạnh, cánh chim ấy có lẽ bắt đầu vội vã đi kiếm ăn, xây tổ cho kiên cố để đợi đông về, hoặc cũng có thể loài chim đang vội vã bay về phương Nam tránh rét. Chung quy lại sự đối lập, tương phản giữa dòng sông dềnh dàng và cánh chim vội vã mục đích làm nổi bật lên cái khoảnh khắc giao mùa vốn dĩ mờ mờ trong không gian, chính điều này đã thể hiện được tâm hồn vô cùng tinh tế, óc quan sát tỉ mỉ của thi sĩ trước thời khắc chuyển mùa. Hai câu thơ “Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu” là một đột phá nghệ thuật, là cách liên tưởng rất thú vị của Hữu Thỉnh trong thời điểm chuyển giao giữa hạ và thu. Tác giả dùng phép nhân hóa đám mây tạo cho nó một dáng vẻ, một hành động giống như một con người, có chút gì đó lười biếng, có chút gì đó vấn vương lắm cái mùa hạ nên mới chỉ “vắt nửa mình sang thu”. Đồng thời câu thơ còn lần nữa nhấn mạnh vào chủ đề của bài thơ là “Sang thu” tức là chưa bước hẳn vào mùa thu thực thụ.

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Đây là khổ thơ đúc kết nhiều triết lý mà tác giả muốn gửi gắm tới độc giả sau khi đã bước qua nhiều những năm tháng của cuộc đời. Bằng sự trải nghiệm và óc quan sát tinh tế tỉ mẩn của mình, Hữu Thỉnh đã đưa ra những nhận định so sánh về hai mùa hạ và thu rồi cho ra một cảm nhận rất sâu sắc về khoảnh khắc giao mùa. Ở thời điểm giao mùa hạ - thu nắng tuy vẫn còn đó thế nhưng nó đã kém đi cái phần gay gắt, bức bối của mùa hạ mà trở nên dịu dàng, ấm áp xen lẫn chút se lạnh của mùa thu, đem đến cho con người khoảnh khắc dễ chịu và thư thái. Cùng với đó nếu như mưa của mùa hạ là những cơn mưa dài, nặng hạt thì mưa những lúc đầu thu - cuối hạ đã bớt đi cái tính dồn dập, triền miên, mà chỉ là những cơn mưa phùn nhẹ, thưa thớt. Đi từ cảm xúc của sự trải nghiệm, Hữu Thỉnh đã để lại cho độc giả những triết lý rất hay về cuộc đời trong hai câu thơ cuối bài “Sấm đã bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”. Sấm là một hiện tượng tự nhiên thường đi kèm với những cơn mưa, khi mưa bớt dần thì tiếng sấm cũng thưa đi. Thế nhưng ngoài ra tiếng sấm này còn tượng trưng cho những giông bão của cuộc đời, của những năm tháng tuổi trẻ, mà khi con người đã ngả mình sang thu tức là đã bước qua dốc bên kia của cuộc đời, đã là “hàng cây đứng tuổi”, thì bấy nhiêu giông bão ấy, bấy nhiêu tiếng sấm vốn đã từng gây bất ngờ, chao đảo nay lại trở nên bình thường. Bởi một lẽ đương nhiên rằng ai cũng phải trải qua những năm tháng non dại bồng bột, những vấp ngã trong cuộc đời thì mới có thể trưởng thành và con người ta khi có trải nghiệm rồi thì cũng dần trở nên quen thuộc với sự thay đổi của cuộc sống, trở nên vững vàng và nhìn đời bằng đôi mắt bình thản và chậm rãi hơn hẳn.

Sang thu được viết khi tác giả đã bước vào ngưỡng tuổi 35, tức là hơn một phần ba chặng đường đời, có lẽ khi ấy ngay cái lúc mà Hữu Thỉnh nghe thấy hương ổi chín, ông đã ngạc nhiên, giật mình nhận ra thu về, đồng thời cũng chợt nghĩ đến dải đời đang bước sang thu của mình. Để rồi Hữu Thỉnh, cố viết cái khoảnh khắc chuyển giao ấy thật chậm rãi, thế nhưng cũng không ngăn được cái bước đi vội vã của thời gian, thu đến bất ngờ, thời trai trẻ cũng trôi đi vùn vụt. Bao nhiêu năm tháng rực rỡ huy hoàng như mùa hạ cuối cùng cũng đang lưu luyến rời đi để lại trong lòng tác giả nhiều xúc cảm.

3
1
Chi
09/05/2021 10:10:32
+2đ tặng

     Vào cuối năm 1977, khi chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình lập lại, trong một buổi chiều thu, ra ngoại thành Hà Nội, đến thăm một vườn ổi chín, hương vị dịu dịu... một chút ngỡ ngàng, một chút xao xuyến, Hữu Thỉnh tức cảnh sinh tình. Trong ánh nắng hoàng hôn vàng óng, bài thơ Sang thu ra đời. Hãy tưởng tượng ta đang cùng với nhà thơ đứng giữa vườn ổi mà ngâm nga bài thơ tuyệt vời của ông.
                           "Bỗng nhận ra hương ổi
                            Phả vào trong gió se
                            Sương chùng chình qua ngõ
                            Hình như thu đã về
                           Sông được lúc dềnh dàng
                           
Chim bắt đầu vội vã
                           Có đám mây mùa hạ
                          Vắt nửa mình sang thu
                         Vẫn còn bao nhiêu nắng

                          Đã vơi dần cơn mưa
                         Sấm cũng bớt bất ngờ
                         Trên hàng cây đứng tuổi"
     Bài thơ được viết theo thể thơ 5 chữ, cô đọng, súc tích. Cả bài thơ là giọng điệu nhẹ nhàng, đôi lúc trầm lắng suy tư. Bài thơ là sự rung động của hồn thơ trước thiên nhiên khi đất trời sang thu, một bức tranh giao mùa tuyệt đẹp.
Mở đầu bài thơ, người đọc có thể nhận ra ngay cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh khi tiết trời sang thu:

                      "Bỗng nhận ra hương ổi
                      Phả vào trong gió se".
     Từ "bỗng" thể hiện sự đột ngột, bất chợt trong cảm nhận. Nhưng chính cái bất ngờ ấy mới thật nên thơ và đáng yêu trong một buổi chiều thu ở làng quê Bắc Bộ, nhà thơ đã chợt nhận ra điều gì? "Hương ổi phả vào trong gió se". Vì sao lại là hương ổi chứ không phải là các hương vị khác? Người ta có thể đưa vào bức tranh mùa thu các hương vị ngọt ngào của ngô đồng, cốm xanh, hoa ngâu... nhưng Hữu Thỉnh thì không. Đứng giữa vườn ổi chín vàng, giữa tiết trời cuối hạ đầu thu, ông nhận ra hương vị chua chua, ngòn ngọt của những quả ổi chín vàng ươm. Hương vị ấy đơn sơ, mộc mạc, đồng nội, rất quen thuộc với quê hương. Thế mà ít ai nhận ra sự hấp dẫn của nó. Bằng cảm nhận thật tinh tế, bằng khứu giác, thị giác, nhà thơ đã chợt nhận ra những dấu hiệu của thiên nhiên khi mùa thu lại về. Chúng ta thật sự rung động trước cái "bỗng nhận ra" ấy của tác giả. Chắc hẳn nhà thơ phải gắn bó với thiên nhiên, với quê hương lắm, nên mới có được sự cảm nhận tinh tế và nhạy cảm như thế?
Dấu hiệu của sự chuyển mùa còn được thể hiện qua ngọn gió se mang theo hương ổi chín. Gió se là làn gió nhẹ, thoáng chút hơi lạnh, còn gọi là gió heo may. Ngọn gió se se lạnh, se se thổi, thổi vào cảnh vật, thổi vào lòng người một cảm giác mơn man, xao xuyến. Từ "phả" được dùng trong câu thơ "Phả vào trong gió se" mới độc đáo làm sao! Nó diễn tả được tốc độ của gió, vừa góp phần thể hiện sự bất chợt trong cảm nhận: hương ổi có sẵn mà chẳng ai nhận ra, thế mà Hữu Thỉnh đã bất chợt nhận ra và xao xuyến vì cái hương đồng gió nội ấy.
     Không chỉ có hương ổi trong "gió se", tiết trời sang thu còn có hình ảnh:
                    "Sương chùng chình qua ngõ"
     Từ "chùng chình" gợi nhiều liên tưởng. Tác giả nhân hóa làn sương nhằm diễn tả sự cố ý đi chậm chạp của nó khi chuyển động. Nó bay qua ngõ, giăng mắc vào giậu rào, hàng cây khô trước ngõ xóm đầu thôn. Nó có cái vẻ duyên dáng, yểu điệu của một làn sương, một hình bóng thiếu nữ hay của một người con gái nào đấy. Đâu chỉ có thế, cái hay của từ láy "chùng chình" còn là gợi tâm trạng. Sương dềnh dàng hay lòng người đang tư lự hay tâm trạng tác giả cũng "chùng chình"?
     Khổ thơ thứ nhất khép lại bằng câu thơ: "Hình như thu đã về".
     "Hình như" không có nghĩa là không chắc chắn mà thể hiện cái ngỡ ngàng, ngạc nhiên và chút bâng khuâng. Từ ngọn gió se mang theo hương Ổi chín thơm, vàng ươm nơi vườn tược đến cái duyên dáng yểu điệu của một làn sương cứ chùng chình không vội vàng trước ngõ, tác giả đã nhận ra sự chuyển mình nhẹ nhàng nhưng khá rõ rệt của thời tiết và thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa bằng đôi mắt tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ yêu thiên nhiên, yêu mùa thu gắn bó với cuộc sống nơi làng quê, của một người lính đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh. Nếu không phải là Hữu Thỉnh, liệu ta có cảm nhận được cái duyên hương thu, có được cái tâm trạng như nhà thơ không?
               Dùng dằng hoa quan họ
              Nở tím bên sông Thương
              Nắng thu đang trài đẩy
              Đã trăng non múi bưởi
             Bến cần con nghé đực
            Cả chiều thu sang sông?
            (Chiều sông Thương)

     Sang thu đậm chất dân gian làng quê dân dã, mang đậm hơi thở của ruộng đồng, nhưng vẫn rõ nét triết lí.
              "Sấm cũng bớt bất ngờ
               Trên hàng cây đứng tuổi".
     Mưa bớt dần, sấm mùa hạ ít đi khi sang thu, hàng cây không còn phải giật mình đột ngột. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng hai câu thơ còn có ý nghĩa hàm ngôn: "Sấm" là những âm vang, tiếng động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. "Hàng cây đứng tuổi" chính là những con người từng trải, đứng tuổi và họ sẽ vững vàng hơn trước tác động của ngoại cảnh.
     Khi sáng tác Sang thu, Hữu Thỉnh cùng với dân tộc vừa trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Cuộc chinh chiến ấy như một mùa hạ oi ả, bức bối. Sống những năm tháng hòa bình, vào một buổi chiều thu êm ả thanh bình ở làng quê, tác giả cảm nhận sự thanh thản trong tâm hồn như "sông được lúc dềnh dàng" bởi trước kia dẫu muốn con người cũng chẳng thể dềnh dàng, chùng chình, cho nên dẫu có gặp sóng gió cuộc đời, tác giả vẫn "bình tĩnh chấp nhận đương đầu, không trở ngại nào đánh gục được". Hai câu thơ chất chứa suy tư và trải nghiệm về con người và cuộc sống.
     Nếu ở khổ 1, trạng thái cảm xúc của tác giả mới chỉ là "bỗng", "hình như", thì ở khổ còn lại, sự vận động của mùa thu đã được cụ thể hóa bằng những sắc thái đổi thay của tạo vật:
                     "Sông được lúc dềnh dàng
                      Chim bắt đầu vội vã".
     Vì sao sông thì "dềnh dàng" còn chim lại "vội vã"? Đây là những cảm nhận rất tinh tế và có cơ sở khoa học nhưng vẫn giàu sức biểu cảm. "Sông được lúc dềnh dàng" vì sang thu sông bắt đầu cạn, chảy chậm lại, không cuồn cuộn ào ạt như mùa hè, rất thư thả và chuyển động chậm rãi. Còn những đàn chim vội vã vì mùa hè chim trú mưa, ít có cơ hội kiếm mồi. Bây giờ sang thu khô ráo hơn, chúng tranh thủ đi kiếm mồi và trú rét ở phương Nam khi trời ấm áp. Hai hoạt động dường như có vẻ đối lập nhau, nhưng với lối nhân hóa, Hữu Thỉnh đã phả hồn người vào vật, tác giả đã làm cho con sông trở nên duyên dáng, gần người hơn, thể hiện một không gian đẹp, khơi gợi hồn thơ.
     Dấu hiệu sang thu còn được miêu tả rất sinh động qua hình ảnh:
               "Có đám mây mùa hạ
                Vắt nửa mình sang thu".
     Đây là một liên tưởng sáng tạo, thú vị. Mây mùa hạ thường xám xịt, đen kịt tạo cảm giác nặng nề. Mây mùa thu trong vắt, xanh ngắt. "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt" (Nguyễn Khuyến). Sự thật, không hề có đám mây nào như thế. Vì sao có sự phân chia rạch ròi, mắt nhìn thấy được trên bầu trời. Đó là đám mây trong liên tưởng, tưởng tượng của tác giả. Nhưng chính cái hình ảnh mùa hạ nối với mùa thu bởi nửa đám mây lững lờ, cũng dềnh dàng, chùng chình, bảng lảng trên tầng không làm cho người đọc cảm nhận không gian và thời gian lúc chuyển mùa mới đẹp làm sao! Có thể nói đây là hai câu thơ đẹp nhất trong bài và tiêu biểu nhất của tiết trời sang thu.
     Nhà thơ cảm nhận những biểu hiện nào khác của thời tiết khi chuyển hạ qua thu?
              "Vẫn còn bao nhiêu nắng
               Đã vơi dần cơn mưa".
     Đại từ phiếm chỉ "bao nhiêu" diễn tả số nhiều. Không đếm được. Làm sao đếm được nắng, nhưng tác giả cảm nhận rằng cuối hạ đầu thu đã bớt nồng nàn, oi ả, tia nắng đã bớt rực rỡ và những cơn mưa rào ào ạt cũng đã thưa dần, không chỉ vơi mà mưa cũng ít dần.
     Hữu Thỉnh cũng đã có những câu thơ, đoạn thơ gần tứ thơ này nhưng không tài hoa, bất ngờ, thú vị bằng. Chẳng hạn:
              "Đi suốt cả ngày thu
               Vẫn chưa về tối nao"
     Sang thu là một khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thị triết lí, đã nối tiếp hành trình thơ thu dân tộc, góp một tiếng thu đằm thắm về mùa thu quê hương, đem đến cho chúng ta tình quê hương đất nước qua nét đẹp mùa thu Việt Nam.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×