Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài thơ nói với con

phân tích bài thơ nói với con ( giúp mai mình thi rồi ) ko quá dài dòng + ý chính là đc rồi huhu ( 30-35 dòng là đc )

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
327
1
1
Nguyễn Nguyễn
11/05/2021 19:45:19
+5đ tặng

Tình cảm gia đình, tình phụ tử, tình mẫu tử thiêng liêng vốn không phải là một đề tài quá mới mẻ trong nền văn học Việt Nam, đã có rất nhiều những sáng tác hay và độc đáo về đề tài này. Điều này cũng ít nhiều gây ra những áp lực cho những nhà văn, nhà thơ thế hệ sau khi muốn chắp bút viết về gia đình,về tình phụ mẫu...Nhưng, đến lượt mình, nhà thơ Y Phương không những không hề tỏ ra lúng túng, áp lực trước những tác phẩm đã quá thành công trước đó, ông lựa chọn một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ ở đề tài tưởng chừng như rất quen thuộc này, bài thơ "Nói với con" chính là một minh chứng tiêu biểu cho sự sáng tạo ấy.

"Nói với con" là một bài thơ tha thiết, đầy xúc động trước lời của người cha dặn dò đứa con trai của mình, đó là những lời khuyên nhủ, những lời nhắc nhở đầy chân thành, tha thiết. Cách thể hiện của nhà thơ Y Phương cũng rất mới lạ, độc đáo, lời thơ mang cái vẻ giản dị, mộc mạc nhưng rất đỗi chân thành của những người con dân tộc. Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã gợi liên tưởng về những bước chân nhỏ bé được sự khuyến khích, động viên của người cha, cùng với đó là những lời nói đầy dịu dàng:

"Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai tiếng chạm tiếng cười"

Câu thơ đã gợi cho người đọc liên tưởng đến những bước đi chập chững của đứa trẻ khi đang bắt đầu tập đi, những bước đi đầu tiên ấy hướng về người bố, người mẹ tức là những người gần gũi, thân thiết nhất với đứa trẻ ấy "Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ", và dõi theo từng bước chân nhỏ bé ấy là những ánh mắt đầy âu yếm của những người cha, người mẹ, mỗi một bước chân đều làm cho những bậc cha mẹ ấy vui mừng khôn xiết, mọi niềm vui, tiếng nói, tiếng cười cũng xuất phát từ sự tiến bộ của con mình. Nhưng trong những câu thơ này ta cũng có thể hiểu theo cách khác, đó chính là quá trình trưởng thành của người con, từ khi biết đi đến khi biết nói, biết cười, và mỗi giai đoạn trưởng thành ấy đều được người cha ghi nhớ, lưu giữ trong kí ức của mình.

"Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài đan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa"

Những câu thơ trên là lời tâm sự đầy tha thiết của người cha với con, người cha nói với con của mình về những người thân thương, những người cùng sinh sống trong một không gian, người cha dùng những từ ngữ đầy gần gũi "người đồng mình", đó là những con người chân quê nhưng luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương gắn bó nhất, họ vui với hoạt động sản xuất lao động "Đan lờ cài đan hoa", cuộc sống tuy vất vả nhưng họ vẫn luôn yêu đời, lạc quan với những tiếng hát ngân nga, thân tình "Vách nhà ken câu hát". "Rừng cho hoa" thì hoa ở đây chính là những nguồn tài nguyên, những nguồn sống có thể duy trì, nuôi dưỡng sự sống của con người.

"Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ nhớ mãi về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời"

Tiếp đó, người cha muốn nói về sự gia đời của đứa con yêu thương, đó chính là kết tinh yêu thương của hai tấm lòng, hai trái tim cùng chung nhịp đập "Con đường cho những tấm lòng", và trong kí ức của cha thì ngày đẹp nhất, ý nghĩa nhất trên đời, đó là "ngày cưới", ngày kết nối hai tấm lòng yêu thương. Nói về những kí ức vui vẻ, người cha như muốn nói với con mình về mái nhà hạnh phúc của mình, bởi đứa con được sinh ra trong tình yêu thương, gắn kết của cha mẹ, đó là một gia đình đầy hạnh phúc.

"Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh,
Sống trong thung không chê thung nghèo đói"

Đây có thể xem là những câu thơ hay nhất của bài thơ này, là lời dạy của người cha với con trai của mình, lời dạy đầy chân thành nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Những "người đồng mình" không chỉ biết yêu thương, gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống mà còn là những con người tài giỏi, có chí lớn. Những nỗi buồn của quê hương, của dân tộc được đo bằng chiều cao của núi, thâm trầm nhưng không lãng quên mà ấp ủ chí lớn. Dù cuộc sống có nghèo đói, có khó khăn thì nên thích nghi, cố gắng phấn đấu cải tạo nó chứ không chê bai hay phủ nhận nguồn gốc, cội nguồn của mình "Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói".

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
1
Lương Huy
11/05/2021 19:46:47
+4đ tặng

Tình cảm gia đình luôn là một chủ đề lớn, thu hút được sự quan tâm của các tác giả. Mỗi người có những khám phá, phát hiện riêng về chủ đề này, làm phong phú thêm kho tàng văn học Việt Nam. Góp một phần nhỏ bé nhưng cũng không kém phần đặc sắc đó là bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương. Tác phẩm là những lời nói chân thành của người cha với con, qua đó thể hiện được những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc của ông.

Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh của một đứa trẻ thật ngây thơ, đáng yêu với những bước chân chập chững: “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ/ Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước tới tiếng cười”. Nhưng câu thơ không chỉ dừng lại ở đó, mà sâu xa hơn tác giả muốn nói về cội nguồn con được sinh ra là từ tình yêu thương của cha mẹ.

Câu thơ với nhịp 2/3 thật nhịp nhàng, hài hòa kết hợp với biện pháp lặp cấu trúc, phép liệt kê “chân trái - chân phải”, “một bước – hai bước” “tiếng nói – tiếng cười”, tác giả đã tạo ra âm điệu vui tươi, quấn quýt, hòa hợp với nhau. Từng bước con đi luôn được cha mẹ quan tâm, chăm chút; từng tiếng con cười luôn là niềm vui, niềm hạnh phúc cho cha mẹ. Từ đó tác giả muốn hướng đến một điều cao cả hơn đó là con được sinh ra trong hạnh phúc và lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, gia đình là cái nôi ấm áp nuôi dưỡng mỗi chúng ta trưởng thành, khôn lớn.

Bảy câu thơ tiếp theo lại vẽ ra khung cảnh lao động tươi vui của người đồng mình, và con cũng được lớn lên trong chính tình đồng bào ấm áp, thuận hòa ấy. Cuộc sống của người đồng mình diễn ra hết sức vui tươi: Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát. Cách gọi người đồng mình thật giản dị, thân thương, đó là những người miền mình, sống cùng trên một mảnh đất quê hương.

Với ngôn từ đậm màu sắc địa phương tác giả đã vẽ ra không khí lao động vui vẻ: những chiếc lờ bắt cá dưới đôi bàn tay khéo léo của họ tạo nên những bông hoa đẹp đẽ; vách nhà không chỉ được ken bằng tre nứa mà còn được làm từ những câu hát. Câu thơ không chỉ cho thấy sự tài hoa, khéo léo của người đồng mình mà còn thấy lối sống lạc quan, yêu đời của họ. Các động từ “cài, ken” đi kèm danh từ “nan hoa, câu hát” vừa cho thấy đôi bàn tay khéo léo vừa cho thấy cuộc sống ngập tràn niềm vui.

Thiên nhiên nơi đây luôn bao bọc, che chở cho con người, hai câu thơ vừa khái quát vừa có sức gợi lớn. Núi rừng quê hương không chỉ thơ mộng mà luôn tràn đầy tình nghĩa. Chính thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng con cả về tâm hồn và lối sống. Quê hương đã cho con những gì tốt đẹp nhất để nuôi dưỡng con trưởng thành. Và đây chính là chiếc nuôi thứ hai nuôi con khôn lớn.

Người đồng mình không chỉ tài hoa, khéo léo mà còn mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp. Trước hết họ là người có ý chí, nghị lực kiên cường vượt qua mọi khó khăn: “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”. Trong cuộc sống họ phải đối mặt với không ít gian nan, trắc trở nhưng họ luôn có ý chí, nghị lực để vượt qua mọi thử thách ấy. Câu thơ như một lời khẳng định: cuộc sống nhiều gian truân, vất vả chỉ rèn thêm ý chí, nghị lực cho con người.

Họ còn có tấm lòng thủy chung với quê hương: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Câu thơ vừa khẳng định vẻ đẹp phẩm chất của người đồng mình vừa như một lời dặn dò con phải luôn có lối sống thủy chung, tình nghĩa với quê hương. Họ còn sống phóng khoáng, lạc quan, điều này được tác giả khắc họa qua hình ảnh so sánh đặc sắc “sống như sông như suối” kết hợp với thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” gợi nên cuộc sống lao động đầy vất vả, thế nhưng họ vẫn “không lo cực nhọc” rất lạc quan, yêu đời.

Họ tự tin, bản lĩnh, yêu đời và họ tự tay xây dựng lên phong tục, tập quán quê hương mình: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục”. Câu thơ đã cho thấy những công việc hàng ngày của họ thật dung dị nhưng chính nó làm nên nét phong tục, đặc trưng cho nơi đây. Bởi vậy câu thơ đã khái quát tinh thần tự tôn, ý thức xây dựng và phát triển, bảo vệ cội nguồn của tác giả. Qua đó người cha mong muốn con hãy kế tục và phát huy truyền thống quê hương, hãy lấy đó làm hành trang để vững bước vào đời:

"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con"

Hai tiếng “con ơi” vang lên thật trìu mến, tha thiết, dồn nén biết bao tin tưởng, hi vọng của người cha vào đứa con bé bỏng, đáng yêu. Lời nói như một lời cổ vũ, động viên con hãy cố gắng trên bước đường đời để ghi dấu ấn mình trong cuộc sống. Lời thơ còn mang ý nghĩa khái quát không chỉ là lời cha nói với con mà còn là lời trao gửi, động viên đến biết bao thế hệ.

Bài thơ được viết bằng giọng điệu thơ tha thiết, trìu mến. Xây dựng những hình ảnh cụ thể mà vẫn hết sức khái quát, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị mà sâu sắc vô cùng. Xây dựng bố cục thơ chặt chẽ, hợp lí, cách dẫn dắt tự nhiên, hấp dẫn.

Qua bài thơ tác giả đã khái quát được một thứ tình cảm thiêng liêng bất diệt trong mỗi con người đó là tình cảm gia đình mà rộng ra là niềm tự hào quê hương, đất nước. Chính những yếu tố này nâng bước, dìu dắt mỗi chúng ta trên đường đời đầy giông bão. Kết hợp với ngôn ngữ tự nhiên, giọng điệu chân thành đã tạo nên sức hấp dẫn và thành công cho tác phẩm.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×