Lâu nay, khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn được xem là biểu tượng của nền văn hiến, của trí tuệ Việt Nam, mà trong đó, Khuê Văn Các là hình ảnh tiêu biểu nhất. Việc chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là sự khẳng định, Hà Nội là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội luôn đóng vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, kinh tế, đồng thời là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước. Hiện nay, Hà Nội tập trung nhiều trung tâm khoa học, trung tâm đào tạo hàng đầu của cả nước. Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo của Hà Nội luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước về thành tích dạy và học. Năm học 2011-2012, thành phố có 125 học sinh đoạt các giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có mười giải nhất. Học sinh Thủ đô đoạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Mặt bằng giáo dục liên tục được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, vẫn còn một số hạn chế như số lượng viện nghiên cứu, số nhà khoa học nhiều, nhưng chất lượng các công trình nghiên cứu chưa cao. Chất lượng giáo dục của Thủ đô chưa đồng đều. Khu vực nội thành, các lớp học bị quá tải về số lượng học sinh. Trong khi đó, ở một số huyện vùng sâu, vùng xa như Ba Vì, Thạch Thất... vẫn còn tình trạng phòng học bị xuống cấp. Vì vậy, thành phố cần phối hợp các cơ quan nghiên cứu khoa học, tạo những cơ chế đặc thù để phát huy chất xám của đội ngũ nhà khoa học đóng trên địa bàn, đưa khoa học ứng dụng vào thực tiễn, góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố cũng phải nỗ lực để giảm tải về số lượng học sinh, nâng cao điều kiện học tập của trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Trong lĩnh vực văn hóa, Hà Nội tự hào là mảnh đất thanh lịch, văn minh trong văn hóa ứng xử, là địa bàn tập trung nhiều di sản văn hóa quý báu. Song, văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô đang bị phai nhạt. Chính vì điều này, thành phố đang triển khai Chương trình Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, song song với nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, thành phố đặc biệt chú trọng xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh.
Chúng ta không thể có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khi kinh tế, hạ tầng cơ sở còn yếu kém. Thành phố cũng không thể xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh nếu không quản lý dân cư tốt. Triển khai Luật Thủ đô một cách đồng bộ, phối hợp với triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác là nền tảng để nâng cao chất lượng dân cư của Thủ đô. Chất lượng dân cư thể hiện rõ nét ở mức độ hưởng thụ văn hóa, nếp sống văn hóa, chất lượng của khoa học, giáo dục. Chỉ khi thực hiện tốt điều này, thành phố mới thật sự xứng tầm với truyền thống văn minh, thanh lịch của Thủ đô nghìn năm văn hiến.