Nón lá là hình tượng đẹp không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, nón lá còn trở thành một trong những đề tài được đưa vào bộ đề Ngữ văn 8. Dưới đây là bản hướng dẫn chi tiết cách làm bài văn chủ đề Thuyết minh về chiếc nón lá. Các con hãy tham khảo.
Mở bài
Giới thiệu khái quát về chiếc nón lá:
Bên cạnh hình ảnh hoa sen, tà áo dài, lũy tre xanh,…khi nhắc đến đất nước Việt Nam xinh đẹp, chúng ta còn có thể tự hào với chiếc nón lá – một trong những vật dụng gắn liền với nền văn hóa lâu đời và mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Thân bài
Luận điểm 1: Nguồn gốc
– Từ xưa, người Việt cổ đã biết dùng lá kết lại làm vật che mưa che nắng. Trải qua nhiều thời kì phát triển, nón lá được hoàn thiện và trở thành vật dụng quen thuộc.
Luận điểm 2: Cấu tạo
– Vật liệu: Nón lá có thể được làm bằng nhiều loại lá khác nhau như lá cọ, rơm, lá tre, lá cối, lá hồ… nhưng chủ yếu là lá nón.
– Hình dạng: Nón lá có hình khối chóp nhọn ở đỉnh. Tuy nhiên vẫn có một số loại nón rộng bản và phẳng (nón quai thao).
– Để làm ra chiếc nón lá, ta xếp lá vào khuôn gồm các nan tre nhỏ uốn hình vòng cung. Tiếp đó dùng sợi chỉ hoặc tơ tằm, sợi cước để cố định lại.
Luận điểm 3: Cách làm nón lá
– Nguyên liệu: Lá nón, mành tre, bẹ tre, sợi cước, một dải lụa nhỏ.
– Cách làm:
+ Bước 1: Lấy khoảng 24 – 25 chiếc lá nón đã phơi dệt phẳng rồi dùng kéo cắt nhọn đầu trên, cố định các đầu lá lại với nhau sau đó xếp đều trên khuôn nón. Do lá nón khá mỏng và dễ bị ướt nên người ta thường lấy bẹ tre khô kẹp giữa 2 lớp lá nón giúp nón cứng và bền hơn.
+ Bước 2: Dùng sợi cước cố định các lá nón với khuôn lại với nhau rồi dùng chỉ khâu thành hình chóp.
+ Bước 3: Nón sau khi thành hình được quết một lớp dầu bóng để chống thấm nước. Đồng thời, tăng độ bền và tính thẩm mĩ cho nón. Người nghệ nhân cũng có thể vẽ hoặc dán một số hình ảnh lên nón để nón trông đẹp hơn.
+ Bước 4: Ở giữa nan thứ 3 và 4 người thợ dùng chỉ đôi kết đối xứng hai bên để buộc quai. Quai thường được làm từ nhung, lụa, the với các màu sắc như tím, hồng đào, đỏ,…
– Phân bố: Nón lá được làm và sử dụng phổ biến trên mọi vùng miền Việt Nam. Tuy nhiên, nhắc đến nón lá, người ta thường nghĩ đến đầu tiên đó là nón ngựa Bình Định (nón được làm bằng lá dứa, dùng khi cưỡi ngựa), nón quai thảo ở đồng bằng Bắc Bộ (nón phẳng), nón lá bài thơ ở Huế (nón lá trắng, mỏng, có vẽ hình hoặc in một vài câu thơ)…
Luận điểm 4: Công dụng và cách bảo quản
– Công dụng chính của nón là là dùng để che mưa, che nắng. Bên cạnh đó nón lá cũng có thể dùng để đựng đồ hoặc để quạt mát,…
– Nón lá với tính thẩm mĩ còn có thể dùng như một công cụ biểu diễn nghệ thuật: Nón quai thao trong các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, múa nón,…
– Cách bảo quản: Để nón ở nơi khô ráo, có thể quết dầu bóng hoặc dùng nilong bọc lại để nón bền hơn.
Luận điểm 5: Ý nghĩa
– Nón lá tồn tại trong tiềm thức của con người Việt Nam như một nét văn hóa, truyền thống lâu đời. Nón lá chính là một trong những biểu tượng đặc trưng, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Hình ảnh nón lá như một lẽ tự nhiên đã đi vào biết bao trang thơ, trang văn, biết bao câu hát, điệu hò của con người Việt Nam trên mọi vùng miền tổ quốc và trở thành món quà quý giá, đặc biệt đối với các du khách nước ngoài khi đến tham quan, khám phá nền văn hóa nước ta.
Kết bài
Cảm nghĩ chung về nón lá Việt Nam: Nón lá là một trong những đồ dùng gắn liền với con người Việt Nam. Đặc biệt nó như tô thêm nét duyên dáng, hiền dịu cho người phụ nữ như trong câu ca dao:
“Ra đường nghiêng nón cười cười
Như hoa mới nở, như người trong tranh”
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết của Novateen nhằm giúp các con học tốt môn Ngữ văn 8. Để không bỏ lỡ những bài học tuyệt vời, các con hãy đến với Novateen ngay hôm nay.