Chùa Thiên Ấn – Danh lam thắng cảnh Quảng Ngãi. Núi Thiên Ấn xưa kia có tên là núi Hó, cao khoảng 105m, đỉnh núi bằng phẳng, rộng độ 10ha. Từ phía Đông nhìn lên, núi trông giống như cái ấn trên sông. Xưa kia, ở núi có nhiều đá son dùng mài mực son chấm quyển chữ Nho. Từ thời Nguyễn, Thiên Ấn đã được liệt vào hàng danh thắng.
Chùa Thiên Ấn do Thiền sư Pháp Hóa khai sơn vào khoảng cuối thế kỉ XVII. Ngài tên là Lê Diệt, người Phúc Kiến, hiệu là Minh Hải Phật Bảo, sinh năm 1670, đã trụ trì chùa trong 60 năm. Bên cạnh chùa có một giếng nước sâu 21m, đường kính miệng giếng 2m, nước mát ngọt, là công trình của nhà sư. Núi cao, đá cứng, thiếu dụng cụ, nhưng ngài vẫn kiên trì đào giếng suốt bốn năm ròng. Một hôm, có vị tăng trẻ đến phát nguyện cùng đào giếng với nhà sư. Ba tháng sau, họ mới chuyển được một tảng đá chắn ngang, từ đó, mạch nước mới tuôn ra. Nhưng đó là lúc vị sư trẻ đi biệt tích. Ngài viên tịch vào năm 1754.
Các ngài kế thế trụ trì là: Thiệt Ý Khánh Vân, Toàn Chiếu Bảo Ấn, Chương Khước Giác Tánh, Ấn Tham Hoằng Phúc, Chơn Trung Diệu Quang, Như Lợi Huyền Đạt, Hạnh Trình.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chùa Thiên Ấn còn giữ được nhiều pho tượng cổ. Đại hồng chung ở chùa nổi tiếng là linh thiêng. Theo tư liệu của nhà chùa, quả chuông này cao 2m, đường kính miêng chuông 0,7m, được dân làng Chí Tượng đúc cho chùa nhưng đánh không kêu. Năm 1845, Thiền sư Bảo Ấn đang tham thiền thì thấy một vị Hộ Pháp tới bảo thỉnh quả chuông ấy về. Trong ngày lễ khai chuông, ngài đã chú nguyện, và sau đó, đánh tiếng chuông ngân nga khắp vùng. Chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn Tự” vào năm 1716.
Năm 1947, Chùa Thiên Ấn bị hỏng hoàn toàn. Ngôi chùa nổi tiếng ngày nay được xây dựng từ năm 1959, hoàn thành năm 1961. Chùa được trùng tu vào các năm 1992 – 1993 và năm 2000 – 2001.
Thiên Ấn là ngôi cổ tự danh tiếng của miền Trung. Một trong những bài thơ nổi tiếng viết về chùa là bài Vịnh Thiên Ấn niêm hà của Nguyễn Cư Trinh (1716 – 1767). Bài thơ có đoạn: