Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Bàn về cống hiến và hưởng thụ

5 trả lời
Hỏi chi tiết
7.658
7
5
Huyền Thu
17/05/2017 16:09:22
Cống hiến là dâng tặng, không đòi trả công 
Cống hiến hết mình là dâng tặng trí tuệ, công sức không có hạn định. Thí sinh cần diễn đạt rõ cống hiến nhất định không đơn thuần là làm việc kiếm sống, mà trong đó phải có động cơ là niềm đam mê, có lòng tin vào ý nghĩa công việc của mình. Mà khi đã có đam mê hay niềm tin thì không thể có mục đích duy nhất là thu nhập. Để rồi từ đó đòi hỏi cao về mức độ hưởng thụ tối đa.
Nói vậy cũng có nghĩa là nếu bản thân người cống hiến nếu chỉ hòng được hưởng thụ thì cống hiến đã không còn là cống hiến. Thế nên cái chưa thật đúng ở câu nói này là ở phía người cống hiến, không đặt vấn đề cống hiến để có hưởng thụ.  Và lại càng không thể đưa ra hạn mức phải đạt “hưởng thụ tối đa”.
Phần đúng ở câu nói này nên nhìn từ phía người đánh giá cống hiến. Nhà quản lý trong một xã hội văn minh và nhân văn cần ý thức hưởng thụ là điều kiện để cống hiến, là đáp đền xứng hợp cho cống hiến. Nhà lãnh đạo cần đánh giá được năng lực của người có cảm hứng và sự hết mình trong dâng tặng. Từ đó để đối đãi xứng đáng, bởi như thế mới đảm bảo công bằng. Để tránh sự cào bằng khiến người tài nản mệt, người cống hiến bị những kẻ lười nhác, ỉ lại.
Có thể học sinh không hiểu sâu theo hai phía cống hiến và đánh giá cống hiến như nêu trên, nhưng khi làm bài lại rất cần viết được người ta cần có những cống hiến hết mình trong học tập, trong công việc. Vì đó là thái độ sống tích cực, hữu ích cho đời.
Hưởng thụ tuy cần nhưng…
Khi bàn về hưởng thụ, thí sinh nên bày tỏ rằng mỗi người con đều cần hiểu sâu hoàn cảnh của gia đình mình, mỗi người dân đều cần biết rõ về lịch sử đất nước mình để biết rằng không thể đòi hỏi xứng hợp tuyệt đối cho cống hiến - thứ vốn là vô giá. Nếu khăng khăng đòi công bằng thì không còn là cống hiến, không còn là hy sinh và dâng tặng.
Xin thử hỏi, đã là hợp lý chưa, khi có một số học sinh học hành chểnh mảng trong khi cha mẹ thì vất vả mỗi ngày? Đã hợp lẽ chưa, khi thầy cô vượt lên nhiều vất vả để trụ với nghề, mà trò lại không chăm học.
Nếu đòi sự đáp trả ngang bằn, chúng ta cần nghĩ đến mỗi ngày ta đang hưởng thụ tối đa sự hòa bình cũng là chưa công bằng với những người cống hiến. Vì biết bao người con đất Việt đã hiến dâng đời xanh, hiến dâng máu xương cho Tổ quốc hôm nay. Chúng ta đều đang hưởng thụ nền hòa bình khi những chiến sĩ cống hiến nằm lại vô danh trên những quả đồi bạt ngàn mênh mang, dọc miền Trung gió Lào cát trắng. Hay như ở Thành cổ Quảng Trị, nơi nghĩa trang không mộ, mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều ghi dấu vô vàn những hy sinh.
Đất nước thân yêu của chúng ta được hình thành từ muôn thế hệ cống hiến. Và có lẽ, với nhiều trường hợp, chúng ta không thể trả ơn cho người cống hiến sự hưởng thụ, cho dù là tối thiểu. Thế nên đặt vấn đề hưởng thụ tối đa, nghe thật xót xa và ngập tràn áy náy, trước những hy sinh không gì có thể đáp đền.
Ngày hôm nay, khi thí sinh đang ngồi thi để xây những ước mơ tương lai thì ngoài khơi xa, trên vùng biển của quần đảo Hoàng Sa máu thịt, các chiến sĩ hải quân, các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân bám biển đang với đối mặt với hiểm nguy. Nơi mà dàn khoan trái phép Hải Dương 981 vẫn ngang nhiên ở đó, với hàng trăm con tàu ngang ngược gây hấn trong thềm lục địa, trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta.
Và chỉ cách đây mấy ngày, các chiến sĩ của Quân chủng Phòng không - Không quân tham gia huấn luyện nhảy dù cũng đã hy sinh. Sĩ quan phi công lái chiếc máy bay gặp nạn đã dũng cảm tránh khu dân cư để tránh tổn thất cho những người dân ở Hoà Lạc. Thử hỏi, nếu áp đặt máy móc quan điểm sống được coi là hiện đại rằng đã cống hiến hết mình thì phải hưởng thụ tối đa, mà đem đặt ra ở đây, sẽ lạc lõng đến thế nào?

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
11
3
Huyền Thu
17/05/2017 16:09:39
Sau đây là một gợi ý :
- Cuộc sống của con người là một bài ca kì diệu. Có những cuộc sống thăng hoa bất tử nhưng cũng có những cuộc đời để lại những ngậm ngùi, tủi hổ. Điều đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến vai trò không thể thiếu được của quan niệm sống. Trong giai đoạn hiện nay, có người quan niệm rằng “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Chúng ta nghĩ gì về quan niệm này? 
- Cống hiến là hành động đóng góp cái quý giá của mình vào sự nghiệp chung, sự nghiệp của tập thể. Hưởng là có được cho mình, có được để sử dụng. Hưởng thụ là hưởng của xã hội trong quan hệ với cống hiến. Quan niệm trên khẳng định giá trị của sự cống hiến hết mình và hưởng thụ tối đa. Quan niệm đó cho rằng Cống hiến hết mình và hưởng thụ tối đa là phương châm sống có ý nghĩa tích cực và luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.
- Cống hiến và hưởng thụ là hai khía cạnh có quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể chỉ có cống hiến mà không có hưởng thụ. Cũng như không thể chỉ hưởng thụ mà không cống hiến. Cống hiến là điều kiện để được hưởng thụ và hưởng thụ là hệ quả tất yếu khi người ta cống hiến cho tập thể, cho xã hội. Con người trong thời đại ngày nay là con người của thời kì hội nhập , giao lưu rộng mở với mối quan hệ đa dạng, phong phú và phức tạp. Cống hiến hết mình và biết hưởng thụ là một phương châm sống có ý nghĩa tích cực. Đây là phương châm sống của người hành động, nó hoàn toàn khác với kiểu sống của người thụ động. Phương châm này có ý nghĩa và tác dụng lớn đối với con người. Về năng lực, sống cống hiến hết mình sẽ giúp người ta phát huy cao nhất năng lực có thể của bản thân. Giúp người ta có một cuộc sống có giá trị và mang lại nhiều đóng góp cho tập thể, cho xã hội. Hưởng thụ giúp người ta tái tạo sức lao động về thể chất và tinh thần. Hưởng thụ giúp người đã cống hiến có được trạng thái tinh thần thư giãn, giải tỏa áp lực tinh thần, mang lại tâm thế tự do giúp con người cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa và sau đó có điều kiện để tiếp tục phát huy năng lực tinh thần đã có ở bản thân.
- Nhưng phương châm đó không phải luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Vì sao? Bản thân con người là hữu hạn. Dù có muốn cống hiến hết mình, con người cũng có những giới hạn về thể chất và tinh thần nhiều khi rất khó vượt qua. Trong khi, hưởng thụ phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của tập thể, xã hội. Do đó không thể đòi hỏi hưởng thụ tối đa. Ngoài ra, khao khát hưởng thụ dễ dẫn người ta đi đến tư tưởng hưởng lạc, một xu hướng tâm lý dễ dẫn đến sự tha hóa, suy đồi.
- Vì vậy, con người cần thấy mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ cũng như tác dụng to lớn của nó. Từ đó có những suy nghĩ đúng đắn và cần thiết về cống hiến và hưởng thụ. Cống hiến và hưởng thụ một cách hài hòa là phương châm sống cần có của bản thân mỗi người. Cống hiến hết mình cần được soi sáng bởi một mục đích cao đẹp, một tư duy sáng suốt để không rơi vào sự mê muội, bị lừa dối. Hưởng thụ chính đáng, phù hợp với nhu cầu chân chính, với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình, xã hội, đất nước. 
- “Cống hiến hết mình và hưởng thụ phải chăng” nên là phương châm sống của con người hiện đại hôm nay.
3
6
Trần Thị Huyền Trang
17/05/2017 16:10:11
Cống hiến là sống và làm việc hết mình theo một lý tưởng nào đó, một chủ trương. Cống hiến là tận tụy, quan tâm hết mình tới công việc. Những chiến sĩ, những vị anh hùng bộ đội đã ngã xuống, cống hiến xương máu của mình cho cách mạng, cho lý tưởng tự do của mình. Đó là một sựcống hiến to lớn về tinh thần mà không gì bù đắp nổi.

Hướng thụ là lối sống tự do chỉ muốn nghỉ ngơi, chơi bời mà không nghĩ đến học tập, làm việc. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đường như giới trẻ chúng ta đang ngày càng mờ nhạt bởi sự hưởng thụ ăn chơi mà không quan tâm đến thế giới bên ngoài.

Cống hiến hết mình cho lý tưởng, con đường của mình là một điều tốt nhưng ‘cống hiến’ thế nào, kết quả của nó mới là điều đáng hoan nghênh. Có người quá say mê với công việc mà không để ý tới những người xung quanh, không quan tâm đến gia đình mình để rồi gia đình tan vỡ lúc nào không hay. Đó quả là một vấn đề đáng tiếc. Có nên chăng cống hiến quá mức. Hưởng thụ cũng vậy. Hưởng thụ không phải là xấu. Sau một ngày làm việc vất vả, bạn có thể thưởng cho mình một bữa ăn ngon lành tại một nhà hàng hay thích thú phát hiện mình đang ở một rạp phim với bộ phim ưa thích.

Đó là một món quà cho sự cống hiến của bạn. Nhưng sẽ thật không hay nếu như buổi sáng bạn la cà hết hàng này quán nọ để rồi buổi tối lại đi ăn, chơi bời khắp nơi đó là sự hưởng thụ không xứng đáng. Lối sống hiện đại, quá dư thừa đường như đã làm cho giới trẻ quên đi rằng ngoài việc hưởng thụ ra vẫn còn rất nhiều vấn đềcần quan tâm đó là làm việc và cống hiến hết sức mình. Cống hiến cũng là một kiểu hưởng thụ. Khi bạn làm việc, bạn sẽ nhận được nhiều kiến thức bạn chưa biết, khám phá ra nhiều vấn đề lạ lãm. Khi bạn làm việc, bạn sẽ trưởng thành hơn, có nhiều mối quan hệ và vui vẻ hơn. Khi bạn cống hiến, bạn không chỉ được nhiều thứ mà bạn còn được sự tôn trọng, quý mến. Mỗi người có nhiều cách cống hiến. Những nhà khoa học cống hiến bộ óc và trí thông minh, những người còng nhân cống hiến đôi tay và sức lao động, những người nông dân cống hiến những giọt mồ hôi và cả một mùa màng bội thu.

Chúng ta không cần một con người suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào công việc, chúng ta cũng không cần một con người chỉ biết hưởng lạc. Cái chúng ta cần là một con người tận tụy với công việc, quan tâm tới người thân, để ý tới những điều xung quanh.

Đối với tôi ‘cống hiến’ hay ‘hưởng thụ’ cũng vậy thôi, cái chính là chúng ta có biết phân định rạch ròi biết ‘cống hiến’ và biết ‘hưởng thụ’.
5
3
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
17/05/2017 16:39:43
Sống ở trên đời, ai mà chẳng muốn hưởng thụ ? Hưởng thụ, đó là ăn ngon, mặc đẹp, là cuộc sống đủ đầy, là nhà lầu xe hơi, là gia thất đề huề, là bạc vàng châu báu… Mỗi một con người sống trên cõi đời này, ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, ai cũng có quyền được hưởng thụ. Nhưng những thứ ấy chẳng bao giờ tự dưng mà có. Muốn có những thứ ấy, con người phải một đời chịu khó, quanh năm chiu chắt, suốt tháng tảo tần, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt (có khi phải đổ máu) mới giành được! Muốn có những thứ ấy, con người phải lao động. Phải lao động cật lực. Phải lao động hết mình. Phải lao động với một ý thức tổ chức kỷ luật cao, với một tay nghề giỏi giang và thành thạo, phải làm ra thật nhiều của cải vật chất, của cải tinh thần với những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, có giá trị sử dụng tốt nhất và giá thành hạ nhất. Lao động trước hết là để giải quyết vấn đề lớn nhất, vấn đề thường xuyên nhất, lâu dài nhất của đời sống. Đó là vấn đề ăn cho con người. Tục ngữ có câu “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Có làm thì có hưởng. Không làm thì không được hưởng. Nhưng thật buồn khi trên đời này còn có một số người lười nhác chỉ muốn ăn mà không muốn làm, chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến. Thậm chí có những người tuổi còn trẻ nhưng không chịu học hành, không chịu tu dưỡng rèn luyện, không chịu làm việc gì, chỉ lang thang lông bông đua đòi ăn chơi, chỉ tìm mọi cách để lừa lọc, ăn chặn, ăn cắp (thậm chí là ăn cướp) của người khác. Lại có những người lợi dụng chức quyền, lợi dụng danh nghĩa “người đầy tớ trung thành của nhân dân” để tham ô, tham nhũng, để đục khoét hàng tỉ đồng (thậm chí hàng chục tỉ đồng) công quỹ. Những con người ấy thực chất cũng chỉ là những kẻ ăn chặn, ăn cắp, ăn cướp mà thôi.

Các cụ ta xưa đã có câu “Của ông bà để trên gác, của chú bác để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. “Của phù vân” là của do cơ may (hoặc một nguyên nhân không do sức lao động của mình làm ra) mà kiếm được. Cái của ấy chỉ là thứ để ở ngoài ngõ, có thể mất bất cứ lúc nào. Huống chi là của do ăn chặn, ăn cắp, ăn cướp mà có… Những thứ ấy sẽ bị pháp luật Nhà nước và dư luận xã hội buộc phải trả về cho chính chủ của nó. Nếu vì lý do nào đó mà pháp luật chưa hoặc không xử lý, thì những kẻ sử dụng bất chính những thứ đó sẽ một đời ăn không ngon, ngủ không yên và chết không nhắm mắt được. Chỉ có những gì do mồ hôi nước mắt (và cả máu) của mình làm ra thì mới đáng quý. Những của cải vật chất và của cải tinh thần do mình làm ra không thể mất, không bao giờ mất được. Nó còn mãi mãi, trường tồn mãi mãi với phẩm giá của những con người lao động chân chính – những CON NGƯỜI viết hoa của chúng ta.
4
3
The Future In Study ...
18/05/2017 17:34:03
Khi trở thành một phần của lịch sử, mỗi con người không chỉ sống cuộc sống của riêng mình mà còn sống đời sống của cộng đồng, cùng tồn tại và phát triển với môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh. Trong sự tồn tại ấy, có biết bao vấn đề mà con người phải nhận thức và giải quyết để có thể duy trì và nâng cao chất lượng sự sống. Cống hiến và hưởng thụ là hai trong số những phương diện  như thế. Nhận thức về vấn đề này, có ý kiến cho rằng : Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến.

Sinh ra trên đời, mỗi người đã được thừa hưởng những thành quả vật chất và tinh thần mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng và để lại. Một cách tự nhiên và bằng kết quả lao động của mình, con người được phép thu nhận, sử dụng cho bản thân những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, từ cái ăn, cái mặc, phương tiện đi lại đến tri thức khoa học, các hoạt động nghệ thuật, giải trí… Có được những cái đó là nhờ sự cống hiến của biết bao người trong cộng đồng : người nông dân làm ra hạt gạo, người thợ làm ra vải vóc, người kĩ sư thiết kế ra xe cộ, người thầy giáo truyền thụ kiến thức, người nghệ sĩ sáng tạo ra các sản phẩm văn nghệ… Đến lượt mình, mỗi người lại phải cống hiến sức lực và trí tuệ của bản thân để tạo ra nguồn của cải phục vụ cộng đồng, góp phần làm cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu hưởng thụ là thu nhận, thừa hưởng những tiện nghi của đời sống thì cống hiến là đóng góp, dâng hiến những khả năng của bản thân cho cộng đồng. Cống hiến và hưởng thụ, nói chung, là như thế. Nhưng với riêng mỗi người, mối quan hệ giữa chúng lại không hề giản đơn. Nhận thức vấn đề này thế nào để có thể sống tốt và sống đẹp là điều mà rất nhiều người, nhất là tuổi trẻ quan tâm. Ý kiến trên đây có thể coi là một định hướng : đừng chỉ nghĩ đến việc tìm mọi cách để thụ hưởng thành quả lao động của người khác mà nên tìm mọi cách để sống có ích, đóng góp sức mình vào sự tiến bộ chung của cộng đồng, nhân loại.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ai đó đã đưa ra tư tưởng, nhận thức về vấn đề cống hiến và hưởng thụ như trên. Bởi như chúng ta đều biết, hưởng thụ và cống hiến là hai mặt quyền lợi và trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau mà mỗi người khi sống trong cộng động cần phải có. Là một thành viên của cộng đồng nhỏ – gia đình, cộng đồng lớn – xã hội và nhân loại, mỗi người vừa có quyền, có điều kiện thừa hưởng, tiêu dùng những thành quả mà các thế hệ đi trước đã tạo ra nhưng trở lại phải có nghĩa vụ đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của các cộng đồng ấy. Đấy là hai mặt biện chứng của cặp khái niệm “cho” và “nhận” mang tính triết học, phản ánh một quy luật tất yếu của đời sống mà nhà thơ Tố Hữu khi sinh thời đã có lần viết trong thơ :

“Đã làm con chim, chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(Một khúc ca)

Không chỉ có vậy, cống hiến và hưởng thụ còn là vấn đề đạo đức, đạo lý làm người: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”… “Ăn quả” và “Uống nước” là hưởng thụ. “Nhớ kẻ trồng cây”, “nhớ nguồn” là thái độ biết ơn, nhưng không hẳn là biết ơn thuần túy bằng tấm lòng, tình cảm, bằng lời hay ý đẹp mà phải bằng hành động thực tiễn – những hành động lao động có ích để làm cho cái “cây” ấy mãi mãi tươi xanh, “nguồn” “nước” kia đời đời không vơi cạn.

Mặt khác, ý kiến trên cũng nhấn mạnh : nếu chỉ tìm mọi cách để hưởng thụ, con người sẽ chỉ nghĩ đến việc hưởng lạc, đến lạc thú mà quên nghĩa vụ đóng góp, dựng xây của mình đối với cộng đồng. Nếu cứ như vậy, dần dần anh sẽ trở thành kẻ lười lao động, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, từ đó hình thành thói ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội. Tìm mọi cách để hưởng thụ là biểu hiện của lối sống gấp, sống như thể ngày mai sẽ chết, bất chấp những gì diễn ra xung quanh. Sống như thế có khác gì nước ở biển Chết trong câu chuyện “Hai biển hồ” (Trích Quà tặng cuộc sống). Trong khi đó, tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội. Cống hiến càng tốt, càng nhiều thì xã hội càng nhanh tiến bộ, văn minh và bản thân mỗi người càng có cơ hội nhiều hơn để hưởng thụ và nâng cao chất lượng của sự thụ hưởng. Tìm mọi cách để cống hiến là lý tưởng đẹp đẽ, hành động cao cả đáng được ngợi ca, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong đời sống. Đó cũng là một trong những cách để mỗi chúng ta sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn và để được xã hội tôn vinh. Cho nên, “một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình : một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa, một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình, “sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết” (Theo Quà tặng cuộc sống). Đó là chưa kể, những hành động trao đi cao cả, những cống hiến vĩ đại cho loài người sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận và ngợi ca, như nguyên Tổng thống Ấn Độ – Găng-đi đã từng nói : “Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc”.

Câu nói “Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến” thực ra không nhằm phê phán việc hưởng thụ. Bởi ai cũng thấy hưởng thụ là một nhu cầu chính đáng, một hoạt động có ích cho cuộc sống của mỗi người. Hưởng thụ chính là một trong những cách tốt nhất để giảm stress, giảm những áp lực trong cuộc sống mà mỗi người thường xuyên phải đối mặt. Chẳng phải thế mà sau bao những bộn bề, vất vả của cuộc sống mưu sinh, con người thường có nhu cầu đến các điểm vui chơi, những nơi có thắng cảnh, di tích văn hóa, những bờ biển đẹp… để thụ hưởng, tiêu dùng các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần mà cuộc sống đã dành cho. Hưởng thụ, do đó, sẽ không chỉ giúp chúng ta thỏa mãn nhu cầu chính đáng của mình mà còn giúp ta tái sản xuất sức lao động, có thêm động lực, tinh thần để cống hiến được nhiều hơn và tốt hơn cho cộng đồng. Trong xã hội hiện đại ngày nay, không biết hưởng thụ, thậm chí còn bị coi là lạc hậu, là “ngố”, là kém văn minh. Vì thế, biết hưởng thụ cũng là biết sống, yêu sống, trước hết là sống cho mình, rồi đến là sống cho mọi người (mình vì mọi người). Tựu trung lại, con người có cống hiến và cũng có quyền được hưởng thụ với nhiều cách thức khác nhau, ở nhiều dạng thức không giống nhau, tùy theo nhu cầu, sở thích, khả năng, điều kiện của bản thân.

Tuy nhiên, ta không nên lạm dụng cái quyền được hưởng thụ để cho phép mình lãng quên hoặc tiết giảm những nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi người cần phải cân mực hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Thậm chí, trong những hoàn cảnh nào đó của đời sống, cần biết hi sinh hoặc chấp nhận những thiệt thòi về bản thân để toàn tâm, toàn trí cho việc cống hiến. Bởi trong thực tế, việc đòi hỏi sự cân bằng tuyệt đối giữa hưởng thụ và cống hiến là chuyện không tưởng. Sự đãi ngộ dành cho những cống hiến của con người còn phải tùy thuộc vào điều kiện chung, mức sống chung của cộng đồng, xã hội. Vả lại, có những công việc, những cống hiến không thể lấy vật chất ra để đo, đếm. Vì thế, nhận thức về tương quan giữa hưởng thụ và cống hiến cần hài hòa và linh hoạt, có như thế ta mới dễ sống, dễ thăng tiến trong công việc của mình.

Tất nhiên, lý thuyết là như vậy, thực tiễn đôi khi lại là những câu chuyện khác, phong phú và phức tạp bội phần. Trong thực tế, mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ có ba biểu hiện cơ bản, từ đó hình thành ba lối sống : có người chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến hoặc khá hơn một chút là cống hiến ít nhưng đòi hỏi hưởng thụ phải thật nhiều; có người yêu cầu hưởng thụ phải cân bằng với cống hiến nên trước khi cống hiến thường đặt ra điều kiện thụ hưởng, nếu không sẽ không làm; có người nghĩ đến cống hiến nhiều hơn hưởng thụ, trước khi hưởng thụ. Loại thứ nhất là biểu hiện của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa cực đoan, lười biếng, làm trì trệ xã hội, rất đáng phê phán. Loại thứ hai dễ được chấp nhận hơn song thiên về lối sống vật chất, chịu ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, “tiền trao cháo múc”, vì thế cũng không được đề cao. Kiểu suy nghĩ và hành động thứ ba là biểu hiện của lối sống đẹp, có lý tưởng, hoài bão cao cả, rất đáng khuyến khích, nhất là ở tuổi trẻ, như lời của một bài hát : “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Vâng, hãy lấy cống hiến làm lẽ sống để hăng hái, xung phong đi vào những nơi khó khăn nhất, những phần việc gian nan nhất để có thể phát huy được nhiều nhất sức trẻ của mình đóng góp cho xã hội. Như Paven Cooc-sa-ghin trong “Thép đã tôi thế đấy” (N.Ôt-xtơ-rốp-xki), như “Gạo đem vào giã bao đau đớn. Gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Sống ở trên đời người cũng vậy. Gian nan rèn luyện mới thành công” (Hồ Chí Minh), trong quá trình cống hiến không mệt mỏi đó, các bạn trẻ sẽ trưởng thành về mọi mặt, cả tư tưởng, tâm hồn, vốn sống, kiến thức, kĩ năng… Xã hội sẽ không quên chúng ta và tiền đồ sẽ mở rộng trước mắt mỗi người.

Nhà khoa học Mô-ri-son có lần nói : “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ đâu phải được tính bằng thời gian”. Mỗi chúng ta cần phải xác định rõ tư tưởng : hãy nghĩ đến cống hiến nhiều hơn là hưởng thụ. Có tích cực cống hiến thì mỗi chúng ta mới có hạnh phúc, có điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ và giá trị bản thân. Vận dụng vào thực tiễn đời sống, thanh niên, HS cần học tập, tu dưỡng thật tốt để tích cực chuẩn bị cho việc cống hiến sau này. Hãy phấn đấu trở thành những người cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc, cho nhân dân. Khi đó sự hưởng thụ chính đáng sẽ đến với chúng ta và đất nước sẽ không bao giờ quên những gì mà chúng ta đã đóng góp.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo