Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cần tìm đề học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 7

có ai có đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 7 thì cho mình tham khảo với !!!!
3 trả lời
Hỏi chi tiết
312
1
0
Nguyễn Nhật Thúy ...
05/04/2019 19:58:45
Câu 1 (1,0 điểm):
Trong bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung có đoạn:
Người ta bảo không trông
Ai cũng nhủ đừng mong
Riêng em thì em nhớ
a) Tìm các từ đồng nghĩa trong đoạn trích trên.
b) Chỉ ra các nét nghĩa của mỗi từ trong các từ đồng nghĩa mà em tìm được.
Câu 2 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn ngắn (khoảng mười dòng) nêu cảm nghĩ của em về vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa được thể hiện trong bài thơ sau:
BÁNH TRÔI NƯỚC
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Câu 3 (7,0 điểm):
Có ý kiến đã nhận xét rằng:
"Thơ ca dân gian là tiếng nói trái tim của người lao động. Nó thể hiện sâu sắc những tình cảm tốt đẹp của nhân dân ta."
Dựa vào những câu tục ngữ, ca dao mà em đã được học và đọc thêm, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 7
Câu 1 (1,0 điểm):
  • Xác định từ đồng nghĩa: bảo, nhủ (0,25 đ)
    • Chỉ ra nét nghĩa: bảo: nói cho biết để theo đó mà làm; nhủ: khuyên bảo người khác một điều gì đó. (0,25 đ)
  • Xác định từ đồng nghĩa: trông, mong, nhớ (0,25 đ)
    • Chỉ ra nét nghĩa: mong: trông ngóng, đợi chờ điều gì, việc gì đó xảy ra; trông: tương tự như mong; nhớ: nghĩ đến với tình cảm tha thiết, muốn được gặp, được thấy. (0,25 đ)
Câu 2 (2,0 điểm):
  • Về mặt hình thức: (1,0 điểm)
    • Đáp ứng yêu cầu của đề (có độ dài khoảng mươi dòng; văn viết trong sáng, biểu cảm, diễn đạt trôi chảy).
  • Về mặt nội dung: (1,0 điểm)
    • Nêu được cảm nghĩ về vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa được thể hiện trong bài thơ Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)
      • Vẻ đẹp: hình thức và nhân phẩm (tròn đầy, trong trắng, son sắt) được thể hiện qua hình ảnh của chiếc bánh trôi (vừa trắng vừa tròn; tấm lòng son)
      • Thân phận: nổi nênh, không tự định đoạt được số phận của mình được thể hiện qua sự nổi, chìm, rắn nát của chiếc bánh trôi (Bảy nổi ba chìm, rắn nát...)
Câu 3 (7,0 điểm):
1. Yêu cầu về kĩ năng và hình thức
  • Xác định đúng kiểu bài chứng minh nhận định về văn học dân gian (tục ngữ, ca dao).
  • Viết bài phải có bố cục rõ ràng, có luận điểm, luận cứ, luận chứng.
  • Trình bày sạch đẹp, câu chữ rõ ràng, hành văn giàu cảm xúc và trôi chảy.
2. Yêu cầu về nội dung
a) Mở bài
  • Dẫn dắt được vào vấn đề hợp lí.
  • Trích dẫn được nội dung cần chứng minh ở đề bài, đánh giá khái quát vấn đề.
b) Thân bài
* Thơ ca dân gian là gì? (thuộc phương thức biểu đạt trữ tình của văn học dân gian gồm tục ngữ, dân ca, ca dao...; thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, đa dạng và phong phú xuất phát từ những trái tim lao động của nhân dân; là cách nói giản dị, mộc mạc, chân thành nhưng thể hiện những tình cảm to lớn, cụ thể; "ca dao là thơ của vạn nhà" - Xuân Diệu; là suối nguồn của tình yêu thương, là bến bờ của những trái tim biết chia sẻ).
* Tại sao thơ ca dân gian là tiếng nói trái tim của người lao động (lập luận): Thể hiện những tư tưởng, tình cảm, khát vọng, ước mơ.. của người lao động.
* Thơ ca dân gian "thể hiện sâu sắc những tình cảm tốt đẹp của nhân dân ta":
  • Tình yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên (dẫn chứng).
  • Tình cảm cộng đồng (dẫn chứng: "Dù ai đi... mùng mười tháng ba; Bầu ơi thương ... một giàn; Nhiễu điều phủ lấy... nhau cùng; máu chảy ruột mềm, Môi hở răng lạnh.. ").
  • Tình cảm gia đình:
    • Tình cảm của con cháu đối với tổ tiên, ông bà (dẫn chứng: Con người có tổ.. có nguồn; Ngó lên nuột lạt.. bấy nhiêu; ...).
    • Tình cảm của con cái đối với cha mẹ (dẫn chứng: Công cha như ... là đạo con; Ơn cha ... cưu mang; Chiều chiều ra đứng ... chín chiều; Mẹ già như.. đường mía lau...).
    • Tình cảm anh em huynh đệ ruột thịt (dẫn chứng: Anh em như chân ... đỡ đần; Anh thuận em hoà là nhà có phúc; Chị ngã em nâng...).
    • Tình cảm vợ chồng (dẫn chứng: Râu tôm ... khen ngon; Lấy anh thì sướng hơn vua... càng hơn vua; Thuận vợ thuận ... cạn...).
  • Tình bằng hữu bạn bè thân thiết, tình làng xóm thân thương (dẫn chứng: Bạn về có nhớ... nhớ trời; Cái cò cái vạc... giăng ca; ...).
  • Tình thầy trò (dẫn chứng: Muốn sang thì bắc... lấy thầy...).
  • Tình yêu đôi lứa (dẫn chứng: Qua đình... bấy nhiêu; Yêu nhau cới... gió bay; Gần nhà mà ...làm cầu; Ước gì sông ... sang chơi....).
c) Kết bài
  • Đánh giá khái quát lại vấn đề.
  • Bộc lộ tình cảm, suy nghĩ của bản thân về vấn đề vừa làm sáng tỏ.
Thang điểm:
  • Điểm 6-7: Đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc phong phú, diễn đạt trong sáng. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ.
  • Điểm 4-5: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải làm nổi bật được trọng tâm, diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
  • Điểm 2-3: Đáp ứng được 1/2 yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải đầy đủ, làm rõ được trọng tâm, diễn đạt chưa hay nhưng rõ ràng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
  • Điểm 1: Chưa nắm được nội dung yêu cầu của đề bài, hầu như chỉ bàn luận chung chung hoặc hiểu không đúng tinh thần của đề bài, dẫn chứng nghèo nàn, phân tích còn nhiều hạn chế. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
  • Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Nguyễn Nhật Thúy ...
05/04/2019 19:59:14
Câu 1: (5 điểm)
"Mưa xuân. Không phải mưa. Đó là sự bâng khuâng gieo hạt xuống mặt đất nồng ấm, mặt đất lúc nào cũng phập phồng, như muốn thở dài vì bổi hổi, xốn xang... Hoa xoan rắc nhớ nhung xuống cỏ non ướt đẫm. Đồi đất đỏ lấm tấm một thảm hoa trẩu trắng".
(Vũ Tú Nam)
Xác định, phân tích giá trị các từ láy và biện pháp tu từ có trong đoạn văn trên để thấy được những cảm nhận của nhà văn Vũ Tú Nam về mưa xuân.
Câu 2: (15 điểm)
Nhà thơ Tố Hữu có đoạn thơ sau:
"Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa"
Em hãy làm rõ nội dung của đoạn thơ trên qua 3 tác phẩm sau đây: "Đêm nay Bác không ngủ" Minh Huệ , "Cảnh khuya" và "Rằm tháng riêng" Hồ Chí Minh
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 7
Câu 1:
  • Xác định được các từ láy và biện pháp tu từ có trong đoạn văn:
    • Từ láy: bâng khuâng, phập phồng, bổi hổi, xốn xang, nhớ nhung, lấm tấm.
    • Biện pháp tu từ:
      • Nhân hóa: mưa xuân bâng khuâng gieo hạt; mặt đất phập phồng, bổi hổi, xốn xang, hoa xoan nhớ nhung.
      • So sánh: mặt đất như muốn thở dài.
  • Phân tích:
    • Mưa được cảm nhận như là sự bâng khuâng gieo hạt, những hạt mưa xuân từ bầu trời xuống mặt đất một cách nhẹ nhàng, đem đến cho đất trời một sự nồng ấm.
    • Mặt đất đón mưa được cảm nhận trong cái phập phồng, chờ đợi. Có lẽ sự chờ đón đó rất lâu rồi nên mặt đất thở dài, xốn xang, bổi hổi.
    • Hoa xoan rụng được cảm nhận như cây đang rắc nhớ nhung.
    • Một loạt từ láy nói về tâm trạng, cảm xúc con người kết hợp biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa để diễn tả cảnh vật, thiên nhiên đất trời lúc mưa xuân: làn mưa xuân nhẹ, mỏng, đáng yêu, đem đến hơi thở, sự sống cho thiên nhiên đất trời của mùa xuân. Mưa xuân được cảm nhận hết sức tinh tế qua tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên của nhà văn Vũ Tú Nam.
Lưu ý:
  • Học sinh có thể kết việc chỉ ra các từ láy và biện pháp tu từ trong quá trình phân tích những cảm nhận của tác giả Vũ Tú Nam về mưa xuân, không nhất thiết phải tách riêng phần xác định các từ láy và biện pháp tu từ.
  • Khuyến khích những bài làm có khả năng phân tích, cảm nhận tốt, giám khảo có thể cân đối cho điểm phù hợp.
Câu 2:
Yêu cầu chung:
  1. Kiến thức: học sinh nắm được nội dung chính của đoạn thơ và biết làm rõ nội dung ấy qua 3 bài thơ đã học.
  2. Kĩ năng: học sinh biết cách vận dụng văn biều cảm về tác phẩm văn học, bước đầu biết vận dụng văn nghị luận vào để làm bài, diễn đạt dễ hiểu
A. Mở bài:
  • Giới thiệu tác giả Tố Hữu hoặc đề tài về Bác
  • Trích dẫn đoạn thơ.
B. Thân bài
1. Làm rõ nội dung đoạn thơ
Học sinh bám vào các từ ngữ trong đoạn thơ để làm rõ nội dung của bài thơ:
  • "thương": tình cảm yêu thương tha thiết thể hiện ở sự quan tâm chăm sóc.
  • "Thương cuộc đời chung": cảnh dân tộc và người dân Việt Nam trong vòng nô lệ, chịu nhiều khó khăn, vất vả.
  • "thương cỏ hoa": tình yêu dành cho những cảnh vật thiên nhiên (yêu trăng....)
  • "như dòng sông chảy nặng phù sa": nghệ thuật so sánh gợi lên sự cống hiến suốt đời âm thầm, lặng lẽ.
=> Đoạn thơ thể hiện tình cảm lo lắng cho dân,cho nước và tình yêu thiên nhiên tha thiết của Bác.
2. Làm rõ nội dung đoạn thơ qua 3 tác phẩm: học sinh biết cách vận dụng văn chứng minh và phát biểu cảm về tác phẩm văn học để làm bài.
a. Tâm trạng lo lắng trăn trở cho vận mệnh đất nước, cho cuộc sống của người dân
- Nhiều đêm không ngủ để suy nghĩ việc nước:
"Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm"
"Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc"
=> Các từ láy gợi lên hình ảnh Bác trong đêm khuya ngồi một mình đang lặng lẽ tập trung cao độ để suy nghĩ về việc nước.
"Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà"
=> Nghệ thuật so sánh khắc hoạ hình ảnh Bác nhiều đêm trằn trọc không ngủ vì vận mệnh của nước nhà.
"Giữa dòng bàn bạc việc quân"
=> Hình ảnh thơ vừa đẹp, lãng mạn khắc hoạ hình ảnh Bác vừa mang tâm hồn thi sĩ, vừa mang cốt cách chiến sĩ. Giữa bức tranh nên thơ đầy ắp ánh trăng Bác và các cán bộ đang bàn việc nước. Câu thơ toát lên một phong thái ung dung lạc quan của Bác.
- Lo lắng cho cuộc sống của người dân:
"Bác thương đoàn dân công
..........................................
Làm sao cho khỏi ướt."
"Người cha mái tóc bạc
......................................
Bác nhón chân nhẹ nhàng."
=> Hình ảnh Bác hiện lên lo lắng cho từng giấc ngủ của đoàn dân công, đi dém chăn cho từng chiến sĩ... Những câu thơ mang tính hiện thực gợi lên hình ảnh Bác cao cả với tấm lòng yêu thương mênh mông, gần gũi như người cha.
b. Tình yêu thiên nhiên tha thiết:
Tình yêu trăng:
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"
Hai câu thơ như một bức tranh quả đúng thật là "thi trung hữu hoạ". ánh trăng lồng vào lá cổ thụ tạo nên những mảng tối đậm nhạt, đen, trắng ... gợi nên cảnh chập chùng nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối. Nghệ thuật điệp từ tạo nên một bức tranh hoà hợp, quấn quýt, ấm áp.
=> Với những chi tiết, hình ảnh chọn lọc, đặc biệt việc sử dụng ba từ "xuân" trong một câu thơ tác giả đã cho ta thấy một bức tranh thiên nhiên đầy sắc xuân lung linh, huyền ảo, tràn ngập ánh sáng... Dù bận trăm công ngàn việc song lúc nào Bác vẫn dành cho trăng một tình cảm đậm sâu tha thiết. Các câu thơ giúp ta hiểu thêm những rung động nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp và tâm hồn thanh cao trong sáng của Bác.
C. Kết bài:
  • Đánh giá đoạn thơ.
  • Cảm nghĩ chung về hình ảnh Bác Hồ.
1
0
Nguyễn Nhật Thúy ...
05/04/2019 19:59:47
Câu 1: (8,0 điểm)
MẸ VÀ QUẢ
Nguyễn Khoa Điềm
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả mọc rồi lại lặn
Như mặt trời khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ vẫn chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn là một thứ quả non xanh?
a) Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ trên?
b) Trình bày cảm nhận của em về bài thơ trên bằng một bài viết ngắn gọn.
Câu 2. (12,0 điểm)
Bài thơ Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh (Sách Ngữ văn 7, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016) đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
Em hãy làm sáng tỏ nội dung trên đây bằng một bài văn nghị luận.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 7
PHÒNG GD&ĐT THÁI THỤYHƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: NGỮ VĂN 7
I. Hướng dẫn chung
  • Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm thi để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh trường hợp đếm ý cho điểm hoặc bỏ sót ý trong bài làm của học sinh.
  • Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có sáng tạo, có ý tưởng riêng và giàu chất văn.
  • Giáo viên cần vận dụng đầy đủ các thang điểm. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm (không làm tròn).
II. Đáp án và thang điểm
Câu 1
a) Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ trên?
Yêu cầu học sinh chỉ ra được 4 biện pháp tu từ: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ và câu hỏi tu từ:
  • So sánh: Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/Còn những bí và bầu thì lớn xuống...
  • Ẩn dụ quả xanh non, chỉ sự dại dột hay chưa trưởng thành của người con.
  • Hoán dụ: Bàn tay mẹ mỏi: chỉ sự già nua và sự ra đi của mẹ.
  • Câu hỏi tu từ: Mình vẫn còn là một thứ quả non xanh?
b) Trình bày cảm nhận của em về bài thơ trên bằng một bài viết ngắn gọn.
* Giới thiệu khái quát về bài thơ: Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết về tình cảm, sự mong đợi của người mẹ với con và lòng biết ơn chân thành của người con với mẹ.
* Cảm nhận về bài thơ:
  • Bằng sự trải nghiệm cuộc sống, với một tâm hồn giàu suy tư trăn trở trước lẽ đời, nhà thơ đã nhận thức được mẹ là hiện thân của sự vun trồng bồi đắp để con là một thứ quả ngọt ngào.
  • Giọt mồ hôi mẹ nhỏ xuống như một thứ suối nguồn bồi đắp để những mùa quả thêm ngọt thơm.
  • Quả không còn là một thứ quả bình thường mà là "quả" của sự thành công, là kết quả của suối nguồn nuôi dưỡng.
  • Bài thơ không chỉ ngợi ca công lao to lớn của mẹ, của thế hệ đi trước với thế hệ sau mà còn lay thức tâm hồn con người về ý thức trách nhiệm, sự đền đáp công ơn sinh thành của mỗi con người chúng ta với mẹ...
  • Bài viết có cảm xúc, hs có thể mở rộng bằng một số bài thơ, câu thơ, ca dao có cùng chủ đề làm phong phú bài cảm nhận.
Câu 2
Bài thơ Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh (Sách Ngữ văn 7, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016) đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
Em hãy làm sáng tỏ nội dung trên đây bằng một bài văn nghị luận.
Yêu cầu chung:
  • Văn nghị luận chứng minh: Dùng lí lễ và dẫn chứng tiêu biểu làm sáng tỏ một nhận định qua bài văn nghị luận.
  • Yêu cầu học sinh biết vận dụng kiến thức đã học về tập làm văn và văn học để làm bài, trong đó có kết hợp với phát biểu cảm xúc, suy nghĩ và mở rộng bằng một số bài văn, bài thơ khác để làm phong phú thêm cho bài làm.
  • Khuyến khích những bài làm có sự sáng tạo, có cảm xúc, giàu chất văn...
1. Mở bài:
  • Giới thiệu khái quát về nhà thơ Xuân Quỳnh: là nhà thơ nữ xuất sắc trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và cuộc sống thường ngày, biểu lộ những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết và đằm thắm.
  • Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài thơ: bài thơ được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ, bài thơ thể hiện vẻ đẹp trong sáng về những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước...
2. Thân bài:
Làm sáng tỏ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu được thể hiện qua bài thơ. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
* Ý thứ nhất: Bài thơ Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu: Trên đường hành quân, người chiến sĩ chợt nghe tiếng gà nhảy ổ, tiếng gà đã gợi về những kỉ niệm tuổi thơ thật êm đềm, đẹp đẽ:
  • Hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng đẹp như trong tranh hiện ra trong nỗi nhớ.
  • Một kỉ niệm về tuổi thơ dại: tò mò xem trộm gà đẻ bị bà mắng.
  • Người chiến sĩ nhớ tới hình ảnh người bà đầy lòng yêu thương, chắt chiu, dành dụm chăm lo cho cháu:
  • Niềm vui và mong ước nhỏ bé của tuổi thơ: được bộ quần áo mới từ tiền bán gà - ước mơ ấy đi cả vào giấc ngủ tuổi thơ...
* Ý thứ hai: Tình cảm bà cháu đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước:
  • Tiếng gà trưa với những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ, hình ảnh thân thương của bà đã cùng người chiến sĩ vào cuộc chiến đấu ...
  • Những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc và cũng vì người bà thân yêu của mình.
  • Qua những kỉ niệm đẹp được gợi lại, bài thơ đã biểu lộ tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của người cháu với hình ảnh người bà đầy lòng yêu thương, chắt chiu dành dụm chăm lo cho cháu.
  • Tình cảm bà cháu đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước của mỗi chúng ta. Tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu Tổ quốc bắt nguồn từ những tình cảm gia đình thật gần gũi, thân thương và cũng thật sâu sắc. Những tình cảm thiêng liêng, gần gũi ấy như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ, như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người để chiến thắng...
* HS có thể mở rộng và nâng cao bằng việc giới thiệu một số bài thơ khác có cùng chủ đề viết về bà, về mẹ ...
3. Kết bài:
  • Khẳng định lại nội dung bài thơ: Bài thơ Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
  • Học sinh có thể tự liên hệ bản thân, nêu cảm nghĩ về tình cảm gia đình - nguồn sức mạnh cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hôm nay, có thể mở rộng và nâng cao qua một số tác phẩm văn học khác nói về tình cảm gia đình...

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư