Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Chứng minh tính lãng mạn trong các bài thơ: Nhớ rừng, Quê hương, Ngắm trăng

3 trả lời
Hỏi chi tiết
6.017
4
2
Trinh Le
02/04/2017 23:02:42
​Tính lãng mạn trong bài thơ Nhớ rừng:
Sau khi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thổi một luồng gió mới vào trong thi ca, dạo những bản đàn đầu tiên cho cuộc hòa nhạc tàn kì (Hoài Thanh) thì một trào lưu thơ ca lãng mạn đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Thế Lữ là người đi tiên phong trong trào lưu ấy. Ông đã góp vào thơ ca một hồn thơ thật mới mẻ: hồn thơ rộng mở (Hoài Thanh). Tiêu biểu cho hồn thơ rộng mở của Thế Lữ là bài thơ: Nhớ rừng đầy ấn tượng.
Mạch cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Nhớ rừng là cảm hứng lãng mạn. Mạch cảm hứng ấy đã tạo nên một tâm hồn lãng mạn với vẻ đẹp kì thú, lấp lánh ánh sáng nhân văn.

Nhân vật lãng mạn ở đây tuy thân tù hãm nhưng hồn vẫn sôi sục khát vọng tự do. Cảm thấy bất hoà sâu sắc với thực tại tầm thường, tù túng, tuy không chịu làm lành với thực tại nhưng không có cách gì thoát ra được, nhân vật chỉ còn biết thoát li vào mộng tưởng, tìm đến với một thế giới rộng lớn, khoáng đạt, cao cả, phi thường.

Hình ảnh con hổ trong bài thơ là hình tượng hóa thân của nhân vật lãng mạn.

Từ địa vị một bậc anh hùng, vị chúa tể đầy quyền uy, đang tự do vùng vẫy ở chốn nước non hùng vĩ, con hổ sa cơ rơi vào cảnh nhục nhằn tù hãm. Vì thế nó trở thành người anh hùng bại trận. Và một tâm sự u uất đè nặng trong tâm hồn nó:

Gậm một khối căm hờn trong củi sắt
…………………………………………
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu.

Người đọc dễ dàng cảm thông với tâm trạng uất hận của con hổ. Bởi cái thế giới nó dang sống tù túng quá, giả dối quá, tầm thường quá:

Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối 
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng 
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng 
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu,
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Cái trật tự mà con hổ đang sống- trật tự ở vườn bách thú là do bàn tay con người sắp đặt. Đó chính là cái trật tự tù túng, tầm thường của xã hội đương thời đang đè nặng lên tâm hồn u uất của cả một thế hệ. Trong cái trật tự ấy, đã có những kẻ buông xuôi chấp nhận. Những kẻ ấy, trong con mắt của nhân vật lãng mạn, chỉ là bọn dở hơi, vô tư tư đáng ghét đáng khinh.

Chế Lan Viên cũng dã từng có cảm nhận:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp,
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp,
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

Càng nghĩ mà càng thấy ngao ngán! Con hổ cũng vậy. Một tâm hồn lãng mạn và phóng túng, ngang tàng, làm sao có thể chấp nhận! Nó không chịu làm lành với thực tại mà chỉ thấy căm, khinh, hận, ghét. Nó muốn thoát ra khỏi cái thực tại ấy mà không có cách gì thoát ra được bởi cái "cũi sắt" kia nặng nề quá, chắc chắn quá. Con hổ rơi vào một tâm trạng bi kịch. Liệu nó có chịu nằm dài trông ngày tháng dần qua?

Tuy bất lực nhưng con hổ không chịu buông xuôi. Bất hòa với thực tại, con hổ tìm cách thoát li khỏi thực tại. Và tâm hồn lãng mạn, thanh cao của con hổ đã tìm được một cách thoát li lí tưởng: thoát li vào mộng tưởng.

Đã có không ít tâm hồn lãng mạn thời đó tìm cách thoát li ra khỏi cái thực tại xã hội tù túng, tầm thường bằng mộng tưởng. Tản Đà tìm cách thoát li ngông nghênh: lên cung trăng làm bạn với Hằng Nga để vừa xa lánh được cõi trần bụi bặm, vừa thỏa được cái thói phong tình; có thể ngạo mạn trông xuống thế gian cười.

Thế Lữ lại khác. Tuy khát vọng thoát li cũng rất mãnh liệt nhưng Thế Lữ không tìm cách thoát li lên cõi tiên, ông muốn làm một lữ khách trên trần thế, đi săn tìm cái đẹp nơi trần thế. Vì thế ông đã cho nhân vật trữ tình của mình thoát li bằng cách thả hồn vào mộng tưởng, tìm đến với một miền đất mới.

Trong giấc mơ của tâm hồn lãng mạn, một miền đất tự do rộng mở trước mắt:

…cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
… bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.

Đó là núi rừng đại ngàn mà cái gì cũng lớn lao, phi thường, cũng mãnh liệt, dữ dội và đầy hoang vu, bí mật. Thế giới trong mộng tưởng của con hổ, đối lập hẳn với thế giới tù hãm đang giam cầm thân xác nó. Trong cái thế giới vườn bách thú, con hổ chỉ còn là thứ đồ chơi. Còn trong thế giới của rừng thiêng, nó có một vị thế khác hẳn: chúa tể của muôn loài. Và chúa sơn lâm oai phong, hùng vĩ, bước giữa giang sơn của mình:

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc,
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

Giấc mơ của con hổ không dừng lại ở đó, mà còn đi xa hơn. Trong giấc mơ đẹp, con hổ đang ngự trị giang sơn hùng vĩ của mình:

Nào đâu những đèm vàng bên bờ suối 
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan 
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng,
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật ?

Cuộc sống trong thê giới mộng tưởng thật lãng mạn: vừa êm đềm, thơ mộng, vừa mãnh liệt dữ dội, vừa rộn rã tưng bừng, vừa âm thầm bí mật. Trong cuộc sống ấy, cái tôi cá nhân được khẳng định và phát triển. Vì thế, trong tâm trạng nhân vật trữ tình, một niềm vui tràn ngập, một trạng thái say mê đến ngất ngây, những tiếng reo vui náo nức. Cuộc sống ấy thật có ý nghĩa!

Từ trong nỗi khát khao của con hổ, lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn và ánh sáng nhân văn.

Tâm trạng của con hổ trong vườn bách thú là tâm trạng của nhà thơ lãng mạn và cũng chính là tâm trạng của cả một thế hệ.

Bút pháp độc đáo của nhà thơ đã tạo nên một vẻ đẹp khó quên cho tâm hồn lãng mạn, khắc tạc nó vào giữa lòng người đọc.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
4
0
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
03/04/2017 07:04:29
​Chứng minh tính lãng mạn trong các bài thơ: Quê hương
Quê hương luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt đối với các thi sĩ. Mỗi người có một cách nhìn, cách cảm nhận riêng, đặc trưng về quê hương của mình. Chúng ta bắt gặp những bài thơ viết về quê hương của Đỗ Trung Quân, Giang Nam, Tế Hanh. Trong đó sự nhẹ nhàng, mộc mạc của bài “Quê hương” tác giả Tế Hanh khiến người đọc xốn xang khi nhớ về nơi đã chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mình.

“Quê hương” là hai tiếng thân thương, được tác giả dùng làm nhan đề của bài thơ. Mở đầu bài thơ bằng sự mộc mạc, chân thành mà sâu sắc:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Hai câu thơ như một lời kể tâm tình rất đỗi bình dị nhưng đã khiến người đọc hình dung được mảnh đất mà tác giả đáng sống là một vùng một biển, làm nghề chài lưới. Một ngôi làng giản dị, chân chất. Hình ảnh “nước”, “biển” rất đặc trưng cho một vùng quê làng biển. Có lẽ những điều bình dị đó khiến cho tác giả vẫn luôn mong ngóng, nhớ nhung khi xa quê hương.

Những câu thơ tiếp theo gợi tả lên một khung cảnh tuyệt đẹp mỗi khi sáng mai thức dậy. Sự tinh tế của ngôn từ và cảm xúc khiến cho vần thơ trở nên trữ tình, tuyệt đẹp:

Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Một loạt từ ngữ mang tính chất liệt kê khung cảnh, không gian thanh bình, tươi đẹp của cảnh biển vào buổi sáng. “Gió nhẹ”, “sớm mai hồng” là những gì còn neo giữ trong lòng của tác giả khi nhớ về quê hương. Và một hoạt động vẫn diễn ra đầu ngày là “bơi thuyền đi đánh cá” được tác giả vẽ nên rất nhẹ nhàng nhưng khỏe khoắn.

Chiếc thuyền hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Nếu những câu thơ trên nhẹ nhàng, tinh tế bao nhiêu thì hai câu thơ này càng mạnh mẽ , quyết liệt và khỏe khoắn bao nhiêu. Với hai động từ “hăng”, “phăng” kết hợp với phép so sánh độc đáo khiến cho bức tranh đi đánh cá trở nên giàu chất tạo hình, giàu đường nét và giáu cá tính mạnh. Với động từ “phăng” đã phần nào gợi tả lên sự khéo léo kết hợp sự tinh tế và khỏe mạnh của những người dân vùng chài lưới.

Hai câu sau lại trở về với vẻ lãng mạn đến bất ngờ:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

Một hình ảnh bình dị, thân quen như cánh buồm nhưng trong thơ của Tế Hanh lại có hồn, đậm chất thơ. Phép so sánh cánh buồn “như mảnh hồn làng” có sức gợi rất sâu sắc, bởi rằng đối với những người làm nghề chài lưới thì cánh buồm chính là biểu tượng cho cuộc sống của họ. Một sự so sánh hữu hình và vô hình đã làm nên sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Con thuyền đã mang theo cả tin yêu, hạnh phúc và hi vọng của những người dân nơi đây.

Phân tích “Quê hương” – Tế Hanh (văn lớp 8)
Câu thơ khỏe khoắn và tự nhiên đã phần nào làm toát lên được khí thế hào hùng trong công cuộc chinh phục biển khơi.

Tế Hanh đã miêu tả nên một bức tranh thiên nhiên và bức tranh lao động sáng tạo tuyệt vời nhất. Đó là niềm tự hào, sự ca ngợi quê hương, đất nước.

Đặc biệt, khung cảnh dân chài lưới chào đón thành quả sau một ngày căng thẳng vất vả được miêu tả chân thực và đầy niềm vui:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn giời biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Hình ảnh dân làng “ồn áo”, “tấp nập” đã phần nào tái hiện được không khí vui tươi và phấn khởi của người dân chài sau một ngày hoạt động hết công suất. Những con cá “tươi ngon” nằm im lìm là những thành quả mà họ đạt được.

Và có lẽ hình ảnh con người mạnh mẽ, khỏe khoắn là hình ảnh trung tâm không thể thiếu trong bức tranh ấy

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Hình ảnh thơ mặn mòi, đậm chất biển, vừa khỏe khoắn, vừa chân chất vừa mộc mạc toát lên được vẻ đẹp của những con người vùng biển quanh năm vất vả. Tế Hanh đã phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn đó như một điều bình dị trong cuộc sống này.

Và có lẽ những hình ảnh thân quen nơi làng quê ấy đã khiến cho Tế Hanh dù đi xa nhưng vẫn không thể nào quên, vẫn nhớ về đau đáu:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh cá bạc chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.

Một khổ thơ dạt dào tình cảm, nghèn nghẹn ở trong trái tim tác giả khi nhớ về mảnh đất thân yêu một thời. Nỗi nhớ quê dạt dào không nguôi khi những hình ảnh thân quen ấy cứ ùa về.

Thật vậy bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh không chỉ là riêng tình cảm của tác giả giành cho quê hương; mà bài thơ này còn nói hộ rất nhiều tấm lòng khác đang ở xa quê hương. Chúng ta càng trân trọng hơn nữa mảnh đất chân rau cắt rốn, yêu hơn nữa những điều bình dị nhưng thiêng liêng.
0
0
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
03/04/2017 07:05:52
Chứng minh tính lãng mạn trong các bài thơ: Ngắm trăng
Bài thơ rút trong "Nhật ký trong tù"; tập nhật ký bằng thơ được viết trong một hoàn cảnh đoạ đầy đau khổ, từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943 khi Bác Hồ bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ. Bài thơ ghi lại một cảnh ngắm trăng trong nhà tù, qua đó nói lên một tình yêu trăng, yêu thiên nhiên tha thiết. Đọc bài thơ đầu ẩn chứa một nụ cười thoáng hiện.

"Trong tù không rượu cũng không hoa Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ"
Hai câu thơ đầu ẩn chứa một nụ cười thoáng hiện. Đang sống trong nghịch cảnh, và đó cũng là sự thật "Trong tù không rượu cúng không hoa" thế mà Bác vẫn thấy lòng mình bối rối, vô cùng xúc động trước vầng tăng xuất hiện trước cửa ngục đêm nay. Một niềm vui chợt đến cho thi nhân bao cảm xúc, bồi hồi. Trăng, hoa, rượu là ba thú vui tao nhã của khách tài tử văn chương. Đêm nay trong tù, Bác thiếu hản rượu và hoa, nhưng tâm hồn Bác vẫn dạt dào trước vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên. Câu thơ bình dị mà dồi dào cảm xúc. Bác vừa băn khoăn, vừa bối rối tự hỏi mình trước nghịch cảnh: Tâm hồn thì thơ mộng mà chân tay lại bị cùm trói, trăng đẹp thế mà chẳng có rượu, có hoa để thưởng trăng?

Nhưng cũng chính vào những phút giây căng thẳng như thế, Hồ Chí Minh lại cũng tìm được cách để giành lấy một sự thư thái, nó là trạng thái cân bằng không thiếu được, nói như cách nói tâm lý học: ông đã tự phân thân để có một cuộc sống thứ hai - nghĩa là từ trong tâm thức, ông đã mang sẵn cốt cách một thi nhân. Và ở đây ta đang nói đến những ngày tù ngục trong nhà tù Quốc dân Đảng Trung Quốc, cuộc sống thứ hai trong khung cảnh tù đày của Hồ Chí Minh là cuộc sống bên trong, cuộc sống hướng nội. Hướng nội - trong cách nhìn sự vật, trong cách độc thoại với chính mình, và hướng nội cả trong cách "vượt ngục" bằng "ý tại ngôn ngoại" của những vần thơ tù.

Ở đây sự "vượt ngục" đã hoàn thành một cách thần kỳ, sự phấn đấu trở nên hài hòa, hồn nhiên, thư thái: "Trong tù không rượu cũng không hoa, Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ; Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ". "Trong tù không rượu cũng không hoa" là việc cố nhiên. Nhưng "Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ" không phải việc cố nhiên nữa. Chúng ta sống trong cõi đời tự do mà còn chẳng để ý đến sự tròn khuyết của vầng trăng ngay trên đầu, nói chi đến một người tù. Câu thứ hai đã là một tâm hồn thi nhân - hiền triết trong sáng và tinh tế. Thấy trăng đẹp mà bối rối cả tâm trí: "làm thế nào bây giờ" quả là một tâm hồn thơ mộng. Cái thơ mộng này sóng đôi với cái thực tế trên tạo nên một thi vị rất "uá mua" của Hồ Chí Minh. ông yêu rất nghệ sĩ vầng trăng trên đầu, nhưng ông cũng không quên rất cụ thể cái cùm sắt dưới chân. Thơ mộng nhưng không viển vông. Thiết thực nhưng không chặt đi đôi cánh lãng mạn của trí tưởng. Ba yếu tố rượu, hoa, trăng thì thiếu mất hai rồi. Nhưng tâm hồn nhà thơ vẫn dọn một bữa tiệc thưởng nguyệt độc đáo:

"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"
Ít thấy ai thương trăng trong cái tư thế lạ kỳ này. Đọc lại nguyên văn chữ Hán để thấy rõ hơn vị trí của ba "nhân vật": người, trăng và cái song sắt nhà tù. "Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt, Nguyệt tòng song khích khán thi gia". Nhân, nguyệt rồi nguyệt, thi gia ở hai đầu câu thơ, cái song sắt chắn giữa. Trong mối tương giao tri kỷ tri âm giữa con người và vầng trăng, cái song sắt hiện lên thật thô bạo và bất lực. Hồ Chí Minh ngắm trăng rất giống người xưa trong niềm say mê cái đẹp thiên nhiên nhưng cũng khác người xưa trong sự phát hiện vẻ đẹp của cõi người. Người xưa ngắm trăng thấy trăng đẹp trăng trong càng ngậm ngùi cho cõi đời trầm luân cát bụi. Với Hồ Chí Minh, người ngắm trăng, mê trăng thì trăng cũng mê người. Đây không chỉ là cái hay của bút pháp mà chính là vẻ đẹp của một nhân sinh quan. Cũng cần chú ý thêm: để biểu hiện con người, ở đầu câu thơ trên tác giả dùng chữ nhân, ở cuối câu thơ dưới tác giả dùng thi gia. Hai chữ ấy, cố nhiên, vẫn chỉ là một đối tượng, nhưng đã có sự biến đổi: trước cuộc ngắm trăng, đấy là người tù, sau cuộc ngắm trăng người tù biến mất và xuất hiện nhà thơ. Rõ ràng đã có một cuộc "vượt ngục", và như đã nói trên: cuộc "vượt ngục" đã hoàn thành một cách thần kỳ.

Bác đã quên đi trong phút chốc cái hiện thực phũ phàng, nghiệt ngã chố lao tù để thảnh thơi mà "thưởng nguyệt" như cái thú thanh cao của thi sĩ muôn đời. Vẻ đẹp thiên nhiên ở đây giản dị mà độc đáo : ánh trăng soi qua khung cửa sổ nhà lao và trở thành tri âm, tri kỉ của người tù.

Ngắm trăng, thưởng trăng đối với Bác Hồ là một nét đẹp của tâm hồn rất yêu đời và khát khao tự do. Tự do cho con người. Tự do để tận hưởng mọi vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương xứ sở.Dù trong hoàn cảnh ngục tù đau khổ thiều thốn nhưng Bác vẫn tự tạo cho mình 1 tư thế ngắm trăng tuyệt đẹp.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo