Với dãy bờ biển đẹp nằm trải dài, lại nằm ở vị trí vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ ra biển Thái Bình Dương của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…
Đến với Tp.Đà Nẵng, điều gây ấn tượng với du khách là bầu không khí hết sức trong lành và mát mẻ mà không phải thành phố nào cũng có được. Thành phố có dòng sông Hàn thơ mộng nằm yên bình, êm ả để du khách có thể dạo bộ hoặc ngồi tĩnh lặng ngắm dòng sông hiền hòa trôi. Hằng đêm du khách có thể ngồi trên du thuyền cùng gia đình tận hưởng cảm giác bồng bềnh và hơi mát của sóng nước….Nơi đây còn nổi tiếng với những cây cầu xinh đẹp như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng…Hàng năm cũng chính trên dòng sông Hàn là nơi tổ chức các sự kiện như Lễ hội pháo hoa quốc tế, đua thuyền…
Đà Nẵng còn có khu du lịch Bà Nà, quanh năm khí hậu ôn hoà, đây thực sự là một khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho gia đình. Núi Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là một thắng cảnh nổi tiếng cũng nằm trên địa phận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam ngay trên tuyến đường Đà Nẵng- Hội An. Hay những núi đá vôi nằm rải rác trên diện tích khoảng 2km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong…
Cách trung tâm Tp. Đà Nẵng khoảng 7km còn có bán đảo Sơn Trà có diện tích gần 4400ha, hiện đang được xây dựng thành một số khu du lịch với những bãi tắm thơ mộng, có nơi thích hợp với du lịch mạo hiểm hoặc du lịch lặn và vùng biển bao quanh Sơn Trà trong tương lai là một trong 15 khu bảo tồn biển quốc gia. Ở Bán đảo Sơn Trà du khách có thể ngâm mình dưới làn nước mát trong xanh trên những bãi tắm tuyệt đẹp với nhiều quẩn thể san hô gần bờ. Ngoài ra, ở đây du khách còn được thưởng thức nhiều món đặc sản như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo rất đặc trưng của vùng miền, cùng hải sản tươi ngon; tham gia các sự kiện du lịch lớn như: cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, cuộc thi dù bay quốc tế…
Với những lợi thế của mình, theo thống kê của ngành du lịch, chỉ tính riêng đoạn 2006 – 2010, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân hàng năm của Tp. Đà Nẵng đạt 22% (tăng 8% so với kế hoạch đề ra), từ 774.000 lượt (năm 2006) lên 1.770.000 lượt (năm 2010). Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt 25% (tăng 7% so với kế hoạch), từ 435 tỷ đồng (năm 2006) lên 1.239 tỷ đồng (năm 2010). Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng từ 958 tỷ đồng (năm 2006) lên 3.097 tỷ đồng (năm 2010).
Hiện nay Tp. Đà Nẵng cũng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình công cộng để phục vụ dân sinh và phát triển du lịch; đẩy mạnh các dự án đầu tư du lịch; mở rộng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; xây dựng hàng loạt sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch; triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thừa Thiên-Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam…Bên cạnh đó, việc các đường bay quốc tế và các đường bay thuê chuyến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Đức, Úc, Mỹ,… đến Đà Nẵng ngày càng được mở rộng khiến lượng khách du lịch từ các thị trường này tăng dần…
Trong phương hướng phát triển du lịch Tp.Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2015, ngành du lịch Đà Nẵng đã xác định 3 đích cụ thể là: phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái; phát triển du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; và phát triển du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo. Ngành du lịch Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đón được 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế và 3 triệu lượt khách nội địa; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân hàng năm đạt 18%. Thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của Đà Nẵng là các nước khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc); Đông Nam Á (Singapore, Malayxia, Thái Lan); Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan…); Bắc Mỹ (Mỹ, Canada); Úc và Đông Âu (Nga). Doanh thu du lịch đạt 3.420 tỷ đồng, tăng bình quân 23%, nâng tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP của thành phố từ 5,12% lên 7%.