Trong tình bạn, mọi người luôn dành cho nhau những tình cảm thân thương và sự quan tâm chân thành...Chính tôi cũng đã hiểu lầm người bạn của mình.
Hồi đầu năm lớp 5, Lan chuyển đến lớp tôi học. Cậu ấy ngồi trên tôi một bàn, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ nói với nhau nửa lời. Chẳng là lúc ấy tôi không ưa Lan tẹo nào! Cậu ấy là người hiền lành, tốt bụng và luôn suy nghĩ cho người khác nhưng lại không bao giờ thể hiện ra bên ngoài, cũng chẳng tâm sự với ai chuyện gì. Có lần trên đường đi học, tôi bắt gặp Lan. Nhìn cậu ấy buồn lắm, thấy thế tôi bèn ghẹo Lan để cậu ấy vui lên, nhưng Lan chỉ mỉm cười, rồi lẳng lặng đi. Tôi thầm nghĩ: “Sao lúc nào cậu ấy cũng im lặng thế nhỉ, hay Lan khinh mình? Học hành đã chẳng đâu vào đâu rồi còn tỏ vẻ! Được rồi, từ giờ thì đừng có hòng tớ nói với cậu một chữ nào nữa!”. Từ đó, tôi không bao giờ bắt chuyện với Lan nữa.
Một hôm, vào tiết Mỹ Thuật, cô giáo yêu cầu chúng tôi hoạt động nhóm để thảo luận về bức tranh “Phố cổ - Sơn Dầu, 1987” của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Cả lớp thi nhau kết nhóm, tôi cũng được mấy đứa bạn thân rủ vào một nhóm. Bỗng Lan bước đến trong sự bất ngờ của tôi: “Này, hay bọn mình làm chung không?”. Tôi đáp lại: “Cậu gọi tớ hả?”. Lan trả lời khiến tôi sững sờ: “Ừ, tớ không giỏi môn này lắm! Tớ muốn làm chung với cậu!”. Tôi bèn nghĩ: “Chẳng lẽ hôm nay Lan bị làm sao? Tự nhiên bắt chuyện với mình, còn rủ vào nhóm nữa chứ? Thôi kệ cứ thử xem sao!”. Nghĩ vậy, tôi bảo Lan: “Ừ được đấy!”. Lan vui lắm, hẹn 5 giờ chiều chủ nhật đến nhà cậu ấy cùng thảo luận, nói rồi đưa cho tôi một mẩu giấy nhỏ, trong đó ghi: “Địa chỉ: Số 134, Ngõ 14 Nguyễn Thái Học (Hẻm cạnh hàng xôi đầu ngõ)”. Chiều chủ nhật, tôi lần theo đường Nguyễn Thái Học, tìm đến ngõ 14 như trong mẩu giấy, nhưng mãi vẫn chưa tìm được đúng địa chỉ nhà Lan. Chợt tôi nhìn thấy bà lão hàng xôi đầu ngõ, bèn lễ phép thưa: “Cháu chào bà, bà cho cháu hỏi bà có biết nhà bạn Lan không ạ?”. Bà đáp: “Con bé Lan đấy hả, nhà nó tít tận trong kia cơ, cháu mới đến lần đầu thì có mà tìm đến tối, để bà chỉ cho, đi theo bà.”. Bà dẫn tôi tới một ngôi nhà cuối hẻm, vừa chật chội vừa xập xệ. Trời, Lan sống ở chỗ này sao? Đến nơi, bà lão bảo: “Lan nó ở đây này, haizzz, giờ này cháu đến tìm thì nó không có nhà đâu!”. Nghe bà nói, tôi giận Lan lắm, rõ ràng đã hẹn mình 5 giờ chiều rồi mà lại đi đâu. Tôi định bỏ về nhà thì bà lão tiếp lời: “À, trước khi đi nó dặn bà nếu có bạn đến tìm thì bảo bạn chờ nó một lát, 5 giờ 10 nó về!”. Em ngạc nhiên: “Ơ, sao lại thế ạ, rốt cuộc là Lan đi đâu vậy bà?”. Đến đây, bà lão kể bằng giọng buồn bã: “Chẳng giấu gì cháu, bố mẹ mất sớm nên Lan sống với bà nội, phải tự lập từ nhỏ. Mấy năm nay bà nội nó bệnh nặng, nghe nói phải chữa trị tốn rất nhiều tiền. Lan muốn cứu bà nên nó giấu bà ấy đi làm thuê làm mướn cho người ta, phải tiết kiệm từng đồng từng cắc một... Nhiều khi nghĩ cũng thấy thương nó lắm, nhưng chả biết làm sao. Đầu năm nay nó định nghỉ học để tập trung đi làm kiếm tiền, nhưng sợ bà nội biết nên vẫn đến trường!”. Tôi thấy có lỗi với Lan lắm, thầm nghĩ: “Ôi, vậy là mình đã hiểu lầm bạn rồi sao! Trời, không ngờ, gia đình Lan lại có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Bảo sao lúc nào cậu ấy cũng trầm tư, im lặng và không thể chuyên tâm học tập. Biết thế mình đã đối xử với Lan tốt hơn!”. Bà cụ vừa dứt lời thì Lan về đến nhà, tôi liền chạy ra nói với bạn: “Lan, tớ xin lỗi, tớ không nghĩ rằng cậu vất vả như thế nên....”. Lan nhìn tôi trìu mến: “Không sao đâu, tớ quen rồi, từ giờ bọn mình là bạn nhé.”. Nói rồi Lan dắt tay tôi vào nhà, chúng tôi thảo luận thật vui vẻ và rôm rả. Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng sang nhà chơi với bạn, kèm bạn học bài. Dần dần, bạn đã có nhiều tiến bộ trong học tập. Cuối năm, cả hai chúng tôi đều là học sinh xuất sắc. Tôi và Lan vui lắm!
Đối với tôi, Lan là một người bạn tuyệt vời. Dù lên lớp 6 không được học cùng nhau nữa, nhưng Lan vẫn sẽ là người bạn mà tôi nhớ nhất trong đời.
Bạn có thể thay bằng tên khác nha