Nguyễn Huệ là con người có hành động mạnh mẽ, quyết đoán.
+ Nghe tin quân Thanh tiến vào Thăng Long, ông không hề nao núng. Lòng căm thù giặc sôi sục, ông định thân chinh cầm quân đi ngay, nhưng lòng yêu nước đã đưa ông đến quyết định đúng đắn. Ông đã biết lắng nghe lời mưu sĩ, chỉ trong một tháng, ông đã làm được nhiều việc lớn: lên ngôi Hoàng đế, ra lệnh ân xá làm yên lòng dân, đoàn kết mọi người góp thêm sức mạnh ra trận, tuyển quân lính, mở cuộc duyệt binh, ra lời phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch đánh giặc ...
+ Lời phủ dụ giống như một bài hịch ngắn, hào hùng, khích lệ tinh thần quân sĩ, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm xả thân vì Tổ quốc. Trong lời phủ dụ, ông đã khẳng định mỗi nước có chủ quyền riêng nhưng từ xưa đến nay, phong kiến phương Bắckhông nguôi dã tâm xâm lược nước ta. Ông muốn mọi người phát huy truyền thống đấu tranh của dân tộc ta, đập tan dã tâm xâm lược. Những lời lẽ ấy cho thấy trí tuệ sáng suốt, nhạy bén của người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ.
+ Trí tuệ sáng suốt, nhạy bén thể hiện trong việc xét đoán và dùng người. Việc lui quân về Ninh Bình theo ý của Ngô Thì Nhậm là đúng.Khi đến Tam Điệp, Sở và Lân ra đón, nhà vua vẫn nói những lời để giữ kỉ cương, quân pháp: "Các ngươi đem thân thờ ta, ... thì quả đúng là như vậy." Đồng thời vần khẳng định chủ trương lui quân là hoàn toàn đúng đắn.
- Nguyễn Huệ là người anh hùng có ý chí quyết thắng, tầm nhìn xa trông rộng. Mới khởi binh đã định ngày chiến thắng, ngày mồng 7 hẹn quân ăn Tết ở Thăng Long. Nguyễn Huệ còn tính sắn kế hoạch ngoại giao sau chiến thắng.
- Chân dung người anh hùng dân tộc được phác hoạ với tài dụng binh như thần. Nguyễn Huệ cho mở tiệc khao quân, chia quân thành 5 đạo. Ngày 25 tháng chạp xuất quân ở Phú Xuân (Huế), ngày 29 đã tới Nghệ An, vượt 350 km đường núi đèo chỉ trong 4 ngày. Ở đây, ông tuyển thêm quân lính, tổ chức đội ngũ, duyệt binh lớn. Ngày 30 tiếp tục lên đường ra Thăng Long, tất cả đều đi bộ. Ngày mùng 5 tết đến Thăng Long, vượt kế hoạch 2 ngày, hành quân liên tục nhưng cờ nào đội nấy vẫn chỉnh tề. Phải nói rằng tài cầm quân của Nguyễn Huệ thật tuyệt vời.
- Đặc biệt, hình ảnh được tô đậm nhất là hình ảnh người chỉ huy tài tình, oai phong lầm liệt của Quang Trung Nguyễn Huệ trong chiến trận. Đến gần Thăng Long cho bắt sống bọn do thám, không để cho quân Thanh biết tin. Đêm mùng 3, cho bao vây làng Hà Hồi, rồi bắc loa truyền gọi, quân lính dạ ran, tước khí giới của đồn. Ngày mùng 5 tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Trong không khí khói toả mù trời, hình ảnh vua Quang Trung vần hiện lên oai phong lầm liệt. Quân thanh đại bại, tướng giặc là Sầm Nghi Đống tự tử ...