Góc sân sau nhà tôi có một bụi chuối sứ. Cây chuối mẹ là do em tôi cùng cô học trò của nó đã hì hụi đào, bươi, kéo, khiêng đem về cho tôi, khoảng 7 năm trước.
Cây chuối dài cả sải tay đó tôi xuống đất, sống lớn mạnh, cao khỏi nóc nhà mấy thước. Tới mấy năm sau cây vẫn im ru, chưa thấy có trái gì hết, lá nào cũng bị gió tước cho tơi tả. Nhìn cây lá héo queo buồn ủ rũ tôi bèn cưa ngang gốc sau khi có vài cây con nhú lên xung quanh. Tôi định bụng, chuối nầy chắc là chuối kiểng, vậy mình bỏ cây lớn, nuôi cây con, cùng với hai cây đu đủ và dàn bông giấy đỏ ối để làm cảnh, vừa đẹp cái sân vừa có màu sắc quê hương.
Thế nhưng, hai năm sau, cây chuối con lớn nhất lại trổ ra buồng. Buồng chuối thật lạ, nó có hồi nào mình không hay. Chẳng là, một hôm tưới cây, nhìn cây chuối bắt đầu có vẻ ủ rũ như cây mẹ lúc trước, tôi định bụng, không ra trái thì chắc phải đốn bỏ, dẹp luôn cho rồi vì bụi chuối lấn đất và hao nước quá đi. Vài hôm sau ra thăm thì bỗng dưng tôi thấy cái gì đó màu đỏ tím từ ngọn thòng xuống. Nhìn kỹ thì là cái bắp chuối. Ối trời! vậy là cây chuối có trái rồi. Về sau, có kinh nghiệm, tôi cứ ngắm cái đọt của mấy cây kia, khi thấy lá chuối từ ngọn u u bự ra ở cuống thì là nó trổ bắp đó, vài ngày sau là cái bắp chuối sẽ từ từ thòng xuống, rồi từng lớp từng lớp nải chuối sẽ bung ra.
Nghe người ta thường ngâm:
Mẹ già như chuối chín câyGió lay mẹ rụng con rày mồ côi...
Mùa Vu Lan năm nay, 2017, cây chuối nhà tôi có một buồng chuối, đếm được 12 nải.
Chuối trên cây nhà tôi xanh rất là lâu, cứ xanh hoài...