Câu 2:
Chính vì cảnh vật thiên nhiên nơi miền núi vào xuân đã tác động đến tâm trạng của Mị. "Những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ". Đám trẻ con chơi quay ầm cả bản. Gió heo may, cỏ vàng ửng.... Cảnh vật vào xuân, cả bản ăn Tết. Đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha bổi hổi cứ vang vọng. Ngoại cảnh đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi tâm trạng của Mị. Và rồi Mị lén uống rượu. "Mị uống ừng ực từng bát". Uống "ừng ực" như để trôi đi, nguôi đi cái buồn, cái khổ. Mị uống như để quên đi cái đau khổ của phầm đời đã qua. Mị uống cái khao khát của phần đời chưa tới. Nhưng Mị uống chỉ say về thể xác còn tâm hồn cô lại như được thức tỉnh sau bao ngày bị tê liệt, đày đọa. "Chén rượu tiêu sầu, sầu càng sầu thêm". Mị càng uống, Mị càng tỉnh. Mị nhớ về những kỉ niệm ngày xưa. "Ngày xưa Mị thổi sáo giỏi", Mị có tài thổi lá hay hơn thổi sáo. Những đêm tình mùa xuân, trai bản đứng nhẵn cả đầu buồng Mị. Rồi Mị thấy "phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng". Mị ý thức được "mình còn trẻ lắm". Điều đí đã dẫn tới ý định Mị "muốn đi chơi xuân". Nhớ lại kỉ niệm ngày xưa Mị lại trở về thực tại. Mị ý thức được cuộc đời, số phận của mình. Mị ý thức được tình cảnh đau xót của mình. "Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn sống lại nữa". Tiếng sáo lại rập rờn trong đầu Mị cùng tiếng hát " Anh ném pao, em không bắt- Em không yêu, quả pao rơi rồi". Tiếng sáo và tiếng hát cứ tha thiết như mời gọi lại vừa như giận hờn. Tiếng sáo cứ rập rờn bay bổng thể hiện cho khát vọng tình yêu và tự do. Tiếng sáo ấy cùng men rượu nồng nàn đã thổi bùng lên tâm hồn Mị. Điều đó đã dẫn tới hành động Mị chuẩn bị đi chơi xuân.
Cũng như bao cô gái khác trong làng, họ vẫn đi chơi xuân ngay cả những người đã có chồng cũng vậy. "Huống hồ Mị và A Sử chẳng có lòng với nhau". Thế là "Mị vào buồng, quấn lại tóc, với lấy cái váy hoa". Mị "xắn thêm mỡ" để thắp sáng căn buồng âm u, thắp sáng ngục tù tối tăm, thắp sáng ngọn lửa khát vọng trong lòng mình. Mị chuẩn bị đi chơi xuân. Phải, đúng như vậy. Nhưng thật không may, A Sử đã nhìn thấy điều đó. Hắn ta không cho Mị đi. Hăn trói đứng Mị trong căn buồng tối tăm ấy. Nhưng A Sử đâu biết rằng, hắn chỉ có thể trói được thể xác còn tâm hồn Mị vẫn theo các cuộc chơi. Mị vừa mơ vừa tỉnh. Mị vùng bước đi theo các cuộc vui nhưng sợi dây trói lại kéo Mị trở về thực tại. Tiếng sáo tha thiết cứ đưa hồn Mị bay theo thì Mị lại trở về thực tại với tiếng chân ngựa đạp vào vách. Mị lại nhận ra mình không bằng con ngựa. Khát vọng chơi xuân của Mị đã bị chặn đứng. Mị phải trở về thực tại. Tô Hoài đã đặt sự hồi sinh của Mị vào tình huống bi kịch. Khát vọng mãnh liệt của Mị đối lập hoàn toàn với hiện thực phũ phàng. Nhưng điều đó không làm tắt đi sức sống trong Mị mà càng khiến cho sức sống ấy thêm mãnh liệt. Chính khát vọng này của Mị đã thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác phẩm. Mặc dù bị chà đạp nhưng sức sống của Mị vẫn còn. Nó như một đốm than nhen nhóm trong đống tro tàn chỉ chờ dịp để bùng cháy. Ngòi bút nhân đạo của Tô Hoài đã không dửng dưng trước khát vọng đó của Mị.
Qua nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, Tô Hoài đã tạo một ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Ông đã khiến cho trang văn của mình không nhuốm màu u uất và tối tăm mà vẫn chứa chan ánh sáng của sự sống. Tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân như một bước "chuyển nhịp" cho tác phẩm. Nó mang đến màu sắc mới cho truyện ngắn. Chính khát vọng sống tiềm tàng, ẩn chứa trong Mị đã làm nên điều đó.