Người cán bộ cách mạng nhất định phải có đạo đức làm gốc
Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nơi mảnh đất xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, và sớm cảm nhận nỗi đau của thân phận những người dân mất nước. Tuy khâm phục, những vị tiền bối cách mạng giàu lòng yêu nước, nhưng khác họ, Hồ Chí Minh hướng đến phương Tây - một chân trời mới lạ, kỳ vọng tìm ra con đường đưa nhân dân ta thoát khỏi những đọa đầy đau khổ. Trong những năm tháng bôn ba nơi hải ngoại, tài sản tinh thần quý giá của đạo đức truyền thống dân tộc và tinh hoa đạo đức phương Đông Người luôn mang theo suốt bên mình, đó là tinh thần yêu nước, lòng bao dung nhân ái, tình thương người như thể thương thân, tinh thần ham học hỏi, chịu khó, ý chí vươn lên, v.v...
Và cũng trong những năm tháng gian nan đó, đạo đức của người cách mạng mà Hồ Chí Minh luôn hướng tới, kiên trì tu dưỡng rèn luyện trong mọi hoàn cảnh có xuất phát điểm từ khát vọng to lớn, từ ham muốn tột bậc của Người là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (1).
Trong hành trình vượt qua châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và cuối cùng lại trở về châu Á, Hồ Chí Minh đã đi nhiều, gặp gỡ với nhiều giai tầng trong xã hội, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, với những tư tưởng của thời đại và khi đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, trở thành người cộng sản Hồ Chí Minh, Người đã tự làm giàu cho chính bản thân mình bằng cách không chỉ “cởi mở tiếp thu” mà còn luôn biết “vượt gộp”, để thâu thái những tinh hoa của nhân loại. Mốc khởi đầu của một con đường đi đứng đã bắt đầu “đơm hoa”, khi Người quyết định lựa chọn con đường cứu nước trong thời đại mới – Con đường cách mạng vô sản. Vì vậy, không có già bất ngờ, khi Người nhận thức rõ rằng: Đạo đức là gốc rễ, tài là ngọn cành, người cách mạng muốn hoàn thành nhiệm vụ cách mạng phải có đủ cả hai đức tính quý báu đó
Là hiện thân đầy đủ nhất, cao đẹp nhất của tấm gương đạo đức cách mạng theo ý nghĩa và nội dung sâu rộng, cuộc đời Người, phong cách sống, lao động, học tập, tâm hồn, trí tuệ và nghị lực của Hồ Chí Minh tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách dân tộc Việt.
Sức mạnh đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người không phải chỉ ở lời nói, mà là những hành động trong thực tiễn. Người không chỉ chiến thắng những kẻ thù tàn bạo, Người còn luôn chiến thắng chính mình, dành trọn vẹn cuộc đời mình cho dân, cho nước.
Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng thời cũng là một tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của “những đức tính và đạo lý làm người cao cả nhất”. Hiển hiện lên từ Người là những đức tính quý báu, mang đậm phẩm chất và cốt cách Việt, và đó chính là sức mạnh tinh thần để Hồ Chí Minh vượt qua mọi khó khăn thử thách, trong hành trình đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, là sức mạnh nội lực giúp Người kiên định con đường đã lựa chọn.
Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt là những năm tháng lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh đã hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp cách mạng, khó khăn mấy cũng không nản lòng.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đồng thời cũng là một đảng viên của Đảng, Hồ Chí Minh từng nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, là độc lập, là hoà bình, ấm no, do đó, cán bộ, đảng viên của Đảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc và thời đại. Vì vậy, “để tự mình trở thành dân tộc”, để được thừa nhận và xững đáng với vai trò tiền phong, người cách mạng Hồ Chí Minh và các đảng viên cộng sản phải biết “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; biết coi khinh sự xa hoa, bởi xa hoa dễ dẫn đến lòng ham muốn về vật chất; có nếp sống giản dị, tiết kiệm; luôn phòng chống chủ nghĩa cá nhân, chống những căn bệnh vốn là hệ lụy của quyền lực, để mỗi việc họ làm, thực sự “không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”