Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Suy nghĩ của em về hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong qua đoạn trích "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
974
0
0
Ori
02/05/2019 13:28:23
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi (1971) được sáng tác ngay giữa những tháng ngày khốc liệt, cam go của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Bằng những trải nghiệm và hiểu biết của mình về cuộc sống những thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, nhà văn Lê Minh Khuê đã khắc họa một cách hấp dẫn và xúc động về ba cô gái thuộc tổ trinh sát mặt đường như những đại diện tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh.
Thảo, Nho và Phương Định là linh hồn của truyện, ba nhân vật vừa có những điểm chung vừa có những nét riêng đầy ấn tượng. Chung hoàn cảnh sống, chung nhiệm vụ chiến đấu, chung vẻ đẹp trong sáng, phẩm chất anh hùng và chung những nét tâm lý đáng yêu nữ tính, điểu đó giúp họ trở thành một khối thống nhất. Trước hết, họ cùng nhau chia sẻ hoàn cảnh sống khắc nghiệt, mọi sinh hoạt đểu diễn ra trong một hang núi dưới chần cao điểm. Nhìn rộng ra, đó chỉ là một điểm sống mong manh giữa vùng trọng điểm chết chóc của tuyến đường Trường Sơn. Mặt khác, không giống những cô gái nép mình trong phòng khuê của văn học trung đại, ba cô thanh niên xung phong gánh vác nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm là trinh sát mặt đường. Cụ thể hơn “Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Không đối đầu trực tiếp với kẻ thù nhưng nhiệm vụ của các cô vô cùng nguy hiểm. Họ đối mặt với thần chết mỗi ngày mà “thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom”. Ba nhân vật được đặt trong bức tranh tuyến đường Trường Sơn khốc liệt, ở đó hàng ngày chỉ có “đất bốc khói, không khí bàng hoàng”, “máy bay rít, bom nổ’. Và đương đẩu với nó, con người ta phải “thẩn kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa”...
Hình ảnh những cô gái trinh sát băng mình trên tuyến đường khốc liệt cũng chính là hình ảnh cả dân tộc Việt Nam vươn mình qua tăm tối để đi vững con đường lịch sử của mình. Những tưởng ở nơi chết chóc, nỗi sợ hãi sẽ thống trị; ở nơi hoang tàn, tâm hổn sẽ cằn khô. Nhưng không, ba nhân vật khiến người đọc thấy xúc động trước vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất anh hùng và cả những nhịp điệu tâm hồn trẻ trung ở họ. Cả ba người đểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, thể hiện lòng dũng cảm phi thường và tình đồng đội gắn bó. Phẩm chất anh hùng của thế hệ trẻ thời chống Mĩ có khi được bộc lộ một cách giản dị và chân thực biết bao qua tinh thần chiến đấu của họ “Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lẩn. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lãn thứ hai?”. Tinh thẩn đồng đội là một trong những điểm chung đẹp đẽ ở những cô gái đang hi sinh những tháng ngày đẹp nhất tuổi thanh xuân giữa mịt mù bom đạn. Tình đồng đội được gắn kết bởi sự sát cánh bên nhau cùng thực hiện nhiệm vụ và sự thân thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Nổi bật nhất, tình đồng đội bộc lộ trong tình huống Nho bị thương ở gần cuối truyện. Khi phát hiện Nho bị đất vùi vì sập hầm, Thao ngay lập tức hoảng hốt “chị vùng ra, mở mắt to, mờ trắng đi như không còn sự sống” và mất bình tĩnh vì lo lắng. Trong khi đó, Phương Định bình tĩnh hơn và chăm sóc được vết thương cho Nho vì không sợ máu. Dù là biểu hiện bên ngoài hay lo lắng bên trong, ở họ là tình đổng đội sâu sắc và chân thành. Bên cạnh đó, Thao, Nho, Phương Định đều là những cô gái trẻ trung, dễ xúc động, hay mơ mộng và nung nấu trong lòng những ước mơ. Sự trẻ trung thể hiện ngay trong cách gọi nhau tếu táo “những con quỷ mắt đen” khi cả gương mặt lấm lem chỉ có đôi mắt lấp lánh và nụ cười lóa lên, cách các cô vui đùa trêu chọc các anh lái xe. Nhưng nổi bật ở họ là tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và nhạy cảm, niềm vui trong trẻo của họ trong cơn mưa đá ở cuối truyện phần nào gợi cho ta hiểu được điểu đó.
Ba nhân vật vừa có những điểm chung đại diện cho thế hệ trẻ thời chống Mĩ, vừa có những nét riêng thật khó quên và không bị nhầm lẫn với với nhân vật nào. Ta sẽ nhớ mãi một Thao có thói quen nhai bánh quy một cách bình tĩnh những lúc sắp xảy ra việc nguy hiểm, nhưng lại tái mét khi thấy máu, đôi lông mày tỉa nhỏ như cái tăm, áo lót luôn thêu chỉ màu. Đó cũng lại là cô gái cương quyết trong công việc và lo lắng cháy lòng khi thấy Nho bị thương. Ta cũng sẽ không quên một Nho hiện lên ngộ nghĩnh như que kem trắng trong liên tưởng của Phương Định, và “da xanh đi, mắt nhắm nghiền, quẩn áo đầy bụi” bị thương lúc sập hẩm, hay niềm vui hổn nhiên: “Nào, mày cho tao mấy viên nữa” khi tận hưởng cơn mưa đá. Nhưng Phương Định là nhân vật nổi bật nhất và được Lê Minh Khuê dụng công miêu tả
Người con gái Hà Nội xinh đẹp, mê ca hát và có ý thức về vẻ đẹp của bản thân “tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn...”. Ở Phương Định vừa có nét ngây thơ của cô thiếu nữ, vừa có những suy nghĩ thật đáng trân trọng “trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mủ” hay sự can trường của cô trong cảnh phá bom nguy hiểm. Toàn bộ cảnh vật, con người và không khí của truyện đểu được tái hiện qua điểm nhìn trong sáng, đáng yêu mà cũng rất đỗi rõ ràng, cương trực của Phương Định. Cô gái ấy cũng mang một trái tim giàu tình cảm luôn nhớ vể những kỉ niệm thân thương của gia đình và quê hương: “tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên hầu trời thánh phố...”. Tiếng reo cùng hành động “chạy ra, vui thích cuống cuồng” của cô gái trẻ giữa cơn mưa đá hồn nhiên thật khiến người đọc yêu mến và hiểu thêm giá trị của hai tiếng hòa bình.
Ba nhân vật Thao, Nho, Phương Định đã để lại ấn tượng đẹp và khiến người đọc cảm phục sâu sắc. Với ngòi bút chân thành, Lê Minh Khuê tái hiện những cô thanh niên xung phong bằng một cốt truyện đơn giản mà thấm thìa, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật nữ đầy tinh tế, ngôn ngữ trần thuật đối thoại tự nhiên và kể chuyện qua điểm nhìn nhân vật.
Chiến tranh đã qua đi nhưng dư âm thì còn lại mãi mãi. Điều lay động chúng ta nhất chưa hẳn là niềm kiêu hãnh về chiến công phi thường của một dân tộc đói nghèo đánh thắng đế quốc khổng lổ, mà chính là những người đã làm nên chiến công ấy như những cô thanh niên xung phong Thao, Nho, Phương Định. Họ là một phần của vô vàn những anh bộ đội cụ Hồ, cô thanh niên xung phong, bà mê' kháng chiến, em nhỏ liên lạc... những con người bình dị băng mình qua gian nguy và mất mát để làm nên màu xanh hòa bình của bầu trời hôm nay. Họ chiến đấu ở nơi xa xôi nơi cao điểm nhưng là những vì tinh tú lấp lánh và ý nghĩa. Và trong cuộc sống hòa bình ngày hôm nay, chúng ta có trở thành những vì tinh tú hay không? Và chúng ta đang ở đâu, đang làm gì cho cuộc đời thêm tươi đẹp? Không ai khác, chính tôi và các ban sẽ trả lời cho câu hỏi đó.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Kẻ bí ẩn
02/05/2019 16:10:28
Nhắc đến khoảng trời Trường Sơn là nhắc đến biết bao sự hy sinh mất mát, nơi mà lính Mỹ đã thả bom dồn dập nhằm ngăn cản bước tiền dũng mãnh của các đoàn quân tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam. Nhưng Trường Sơn đâu chỉ mang trong mình bao sự thương đau, Trường Sơn con là nơi ghi dấu của những tâm hồn tự nhiên, lạc quan của những người chiến sĩ lái xe không kính, những chàng trai cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tuổi trẻ để cống hiến cho đất nước. Là một người đã từng gắn bó với khoảng trời bom đạn ấy, nhà văn Lê Minh Khuê đã khai thác đề tài quen thuộc đã làm nên nhiều tên tuổi lớn trân văn đàn chống Mỹ nhưng cùng với sự sáng tạo và một chút lãng mạn của mình, "Những ngôi sao xa xôi" của bà, đã khắc họa hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong, mà tiêu biểu là nhân vật Phương Định với những vẻ đẹp hồn nhiên vốn có của tuổi trẻ Việt Nam trong thời chống Mỹ.
Câu chuyện kể về ba cô gái, ba cô gái thanh niên xung phong Nho, Thao và Phương Định, sống trên một cao điểm giữa mênh mông khói bụi Trường Sơn, nơi mà "màu đất đỏ, trắng lẫn lộn". Công việc của họ là "ngôi đây","khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hồ bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom". Trong lúc đơn vị thường làm việc khi mặt trời lặn, thì tổ trinh sát lại làm việc ban ngày, khi thần chết luôn "lẩn trong ruột những quả bom", khi mà lính Mỹ thả bom nhiều nhất và cái chết luôn theo sát ba cô gái ấy. Công việc của họ là công việc quan trọng và cũng đầy gian khổ hy sinh, đòi hỏi tinh thần dũng cảm, sự nhạy bén quyết đoán và sự nhanh nhẹn. Trong hoàn cảnh ấy, ta mới thấy sáng ngời lên là những phẩm chất cao đẹp của ba nhân vật, và đặc biệt là Phương Định, nhân vật chính của truyện.
Phương Định là một cô gái Hà Nội, "một cô gái khá", chỉ vừa mới bước ra khỏi cuộc đời hồn nhiên vô tư lự của mình. Cô có vẻ bề ngoài đáng yêu trẻ trung và xinh xắn, " hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn", còn đôi mặt thì có "cái nhìn sao mà xa xăm". Những nét đẹp của cô đã được những anh lái xe để ý đến, bằng chứng là những bức thư dài gửi đường dây mặc dù có thể chào nhau hằng ngày, nhưng Phương Định cũng không săn sóc vồn vã, cô gái vẫn hay đứng ra xa, khoanh tay trước mặt và nhìn đi nơi khác mỗi khi một đám con gái xúm lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy. Một hành động đó thôi đã làm Phương Định trở nên thật kiêu kì, cái điệu của cô thật đáng yêu và cũng thật phù hợp với một người con gái như vậy.
Tâm hồn cô giữa khoảng trời Trường Sơn thật làm cho người ta thật ngạc nhiên. Cô mê hát, "thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát", lời cô bịa lộn xộn ngớ, ngẩn ngởn đến không ngờ, đôi lúc nó cũng làm cho cô bò ra mà cười một mình, cô thích "những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận", cô thích "dân ca quan họ mềm mại dịu dàng" và kể cả "Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô", " ngồi bó gối mơ màng: "Về đây khi mái tóc còn xanh xanh"". Và Phương Định hát khi có sự im lặng không bình thường, "tiếng máy bay trinh sát rè rè", cô hát để cổ động viên hai người đồng đội Nho, Thao và cũng là hát để động viên chính bản thân mình. Chính những lúc mê hát ấy đã làm cô quên đi cái sự buồn chán của cuộc sống Trường Sơn, quên đi mùi khói bom đạn mà cô vẫn tiếp xúc hằng ngày, và đó cũng là bước đà để cô có được một tâm hồn mơ mộng khi cơn mưa đá vừa ập đến. Mang theo tuổi trẻ của mình vào Trường Sơn, Phương Định còn mang theo cả những kỉ niệm đẹp về góc phố Hà Nội của mình, đó là hình ảnh người mẹ, cái cửa sổ, tiếng rao của bà bán xôi có cái mủng đội trên đầu, kể cả những cú sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Cơn mưa đá đi nhanh cũng như lúc nó vừa đến, nhưng lại mang những dòng kí ức tuổi thơ về cho Phương Định, và tất cả như xoáy mạnh trong tâm trí cô. Có lẽ chính những điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cô gái, để cô luôn nghĩ rằng, gia đình, bạn thân và cả những kỉ niệm kia sẽ luôn theo cô trong suốt quãng đời ở Trường Sơn.
Tâm hồn, tính cách của Phương Định hồn nhiên như thế, nhưng nổi bật lên trên tất cả vẫn là tinh thần dũng cảm, vượt lên trên hiểm nguy luôn ẩn chứa trong thân hình nhỏ bé của cô gái Hà Nội kia. Đó là những lúc mà bom của giặc Mỹ vẫn còn chưa nổ, và cô phải làm nhiệm vụ của mình, còn thần chết thì có vẻ vẫn đang "lẩn trong ruột những quả bom" chờ đợi cô. Tuy vậy, Phương Định vẫn tỏ ra thật bình thản, cái chết thì cô có nghĩ đến nhưng lại là "một cái chết mờ nhạt, không cụ thể", mà cô quan tâm nhất là liệu bom có nổ hay không, không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai, cô luôn đặt nhiệm vụ của mình lên hàng đầu. Và trong những lúc phá bom như vậy, ta vẫn còn thấy thấp thoáng cái sự nhạy cảm, tinh tế trong cảm xúc của cô, "một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! ! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành.", phải là một người bình tĩnh mới có dược những cảm nhận chân thực như vậy. Chính những lúc đó, ta mới thấy được cái sự dũng cảm của cô gái. Công việc không có một chút gì là an toàn, nhưng do "quen rồi", ngày nào cũng phải phá bom đến năm lần, ngày nào ít thì ba lần, mà Phương Định luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Và trong cái sự dũng cảm ấy, ta vẫn thấy Phương Định luôn thường trực một tình cảm đồng chí đồng đội nồng ấm và chân thành. Đó là tấm lòng vị tha với mọi người mà cô quan tâm, cô lo lắng khi Thao lên cao điểm chưa về, cô tận tình, vỗ về chăm sóc Nho khi cô ấy bị thương lúc phá bom. Ngược lại, chính tình cảm đồng chí đồng đội, đã làm cho Phương Định thêm một chút tự tin, ấm lòng khi được sống giữa tình yêu thương của mọi người. Hiểu được công việc của mình là gian khổ, nhưng Phương Định vẫn luôn ngưỡng mộ "những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ" bởi họ là những đẹp nhất, thông mình, can đảm và cao thượng nhất. Những lúc chạy đi phá bom, vẫn mang một chút lo sợ trong người, nhưng nhờ những cái nhìn của những người chiến sĩ, đã dập tan đi nỗi sợ trong cô và chỉ còn một mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, " cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi mà có thể đàng hoàng mà bước tới".
Trong truyện ngắn, nhân vật kể chuyện cũng là nhân vật chính, điều đó giúp cho tác phẩm càng trở nên chân thực, những cảm xúc, thế giới nội tâm của nhân vật đều được thể hiện tự nhiên rõ nét, vẽ lên một khoảng trời mộng mơ ngay giữa Trường Sơn mênh mông và ác liệt.
Mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, Phương Định xứng đáng là biểu tượng của những cô gái thanh niên thời chồng Mỹ, là hình tượng người con gái Việt Nam trong thời gian chiến đấu, là đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Cũng giống như tựa đề "Những ngôi sao xa xôi", những con người được ví như vì sao lấp lánh giữa bầu trời đêm, mang trong mình những phẩm chất đáng quý, "xa xôi" là bởi vì phải ngắm nhìn thật kỹ thì mới có thể thấy được những tâm hồn cao đẹp ấy

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×