Hỏi đáp tổng hợp Gửi câu hỏi Gửi khảo sát

Trên cây cam có những loại bệnh nào? Nguyên nhân và tác hại? Có những loại sâu nào? Nguyên nhân và tác hại?

Phan Thế Hùng
11/11/2016 12:27:11
11.115 lượt xem
Trả lời / Bình luận (1)
NoName.976
11/11/2016 16:20:47
Một số bệnh chính trên cây có múi và cách phòng trị: (Cam, quýt, chanh,...)
1. Bệnh thối gốc chảy nhựa, chảy gôm (bệnh Phytophthora)
- Tác nhân: Do hai loại nấm chính là Phytophthora citrophthora và Phytophthora parasitica gây ra. Chúng tấn công trên rễ, thân, cành, lá và trái làm giảm năng suất và chất lượng.
- Triệu chứng: Bệnh thường xuất hiện trên thân cây ở phần sát gốc, cổ rễ hoặc tại các vết ghép. Nấm xâm nhập vào thân gây ra những vết thối màu nâu trên vỏ, những vết nứt theo chiều dọc của thân để lộ ra phần gỗ có màu nâu, chảy nhựa, lúc đầu có màu vàng, sau đó khô lại có màu nâu trong (gôm). Bệnh có thể phát triển nhanh bao quanh thân làm thân xì mủ hoặc trên rễ chính làm rễ bị thối, trên lá làm cho các lá bị vàng, nhất là gân lá, sau đó lá rụng đi, chồi bị xoăn, cành bị khô và chết, tấn công trên trái làm trái bị thối nâu.
- Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh: Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp (15-250C), ẩm độ cao, đất trồng ẩm ướt thường xuyên, thoát nước kém trong mùa mưa, vườn trồng dầy, ít được tỉa cành tạo tán, bón phân không cân đối.
- Cách phòng trị:
+ Sử dụng các giống, cây kháng bệnh có nguồn gốc từ các Viện ngiên cứu, Trường Đại học, các cơ sở nhân giống đúng kỹ thuật…
+ Dùng gốc ghép kháng bệnh như cam chua, cam 3 lá... vết ghép phải cách mặt đất 30-50cm để hạn chế nấm bệnh xâm nhập qua vết ghép.
+ Đất trồng phải thoát nước tốt, không nên tủ gốc trong mùa mưa, tưới ẩm cho cây trong mùa khô.
+ Trồng với mật độ thích hợp, hàng năm cần vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành quá sát mặt đất để cây thông thoáng.
+ Tránh gây những vết thương cơ giới ở vùng rễ và thân gần gốc khi chăm sóc, trèo hái trái.
+ Dọn sạch tàn dư trong vườn tránh mầm bệnh lưu tồn.
+ Sử dụng các loại phân có chứa đầy đủ đạm, lân, kali và các chất trung vi lượng.
+ Diệt côn trùng đặc biệt là mối.
+ Khi phát hiện bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc: Aliette 80WP, Ridomil MZ 72WP, Ridomil Gold 68 WP… để phun xịt lên cây, phun 7-10 ngày/lần.
+ Những cây đã bị thối ở vỏ, thân, gốc và rễ cái thì dùng dao cạo sạch vết bệnh rồi quét lên đó dung dịch Booc-đô 1% hoặc Aliette 80WP pha nồng độ 10-15% (10-15ml thuốc với 85-90ml nước). Sau một thời gian vết bệnh sẽ lành, vỏ cây sẽ được tái sinh.
2. Bệnh Tristeza
- Tác nhân: Tác nhân gây bệnh là một loại virus gọi có tên Citrus Tristera Virus (CTV). Virút xâm nhập qua các chồi non do rầy mềm màu đen, hay qua bộ phận ghép.
- Triệu chứng: Virus CTV làm rễ cây bị chùn lại, cây lùn, vặn vẹo, trái nhỏ, lá nhỏ, hơi cong, mất màu xanh tươi bình thường, không láng bóng. Sau một thời gian cây bị rụng lá, toàn bộ cây còi cọc. Cây bị bệnh thường có quả sớm nhưng bệnh phát triển nặng làm cây tàn lụi và rụng quả non, vỏ xanh vàng. Phần lớn các loại cây có múi đều bị bệnh này, chanh thì có sức chống chịu với bệnh này cao hơn.
- Cách phòng trị:
+ Sử dụng các giống sạch bệnh, các giống có khả năng chống được bệnh do virus gây hại.
+ Không trồng các cây họ cam quýt trong vườn như cần thăng, kim quýt… vì đây là cây ký chủ phụ có khả năng thu hút rầy chổng cánh.
+ Diệt trừ rầy chổng cách để cắt đứt nguồn lây truyền bệnh: Khi rầy xuấtt hiện, dùng các loại thuốc để diệt như Actara 25WG, Bassa 50EC…
+ Những cây đã bị nhiễm bệnh cần chặt bỏ, đem ra khỏi vườn tiêu hủy.
3. Bệnh vàng lá gân xanh (Greening) hay (Huanglongbing)
- Tác nhân: Bệnh vàng lá gân xanh (Greening) hay (Huanglongbing) do vi khuẩn gram âm Liberobacter asiaticum gây ra.
- Triệu chứng: Cây bị nhiễm bệnh có lá nhỏ, biến vàng, tán lá không đều, gân xanh như hiện tượng cây bị thiếu magiê và kẽm. Cành bị khô, quả bị lệch tâm, nhỏ, có vị chua, dễ rụng.
- Điều kiện phát sinh phát triển: Bệnh greening lan truyền nhờ côn trùng nhóm chích hút, trong đó chủ yếu là rầy chổng cánh.
- Cách phòng trị:
+ Chọn và trồng các tổ hợp (gốc ghép và mắt ghét) kháng và chịu bệnh greening.
+ Trừ côn trùng môi giới bằng cách bón phân tập trung để các đợt lộc ra đều, thuận tiện cho việc trừ rầy chổng cánh. Phát triển các loại thiên địch của rầy như việc nuôi kiến vàng trong vườn cây. Nếu rầy xuất hiện nhiều cần dùng các loại thuốc đặc trị để tiêu diệt.
+ Các cành, cây bị bệnh cần tỉa bỏ, thu gom và tiêu hủy.
4. Bệnh scab
- Tác nhân: Do nấm sphaceloma fancetii var. scabiosa gây nên.
- Triệu chứng: Trên lá non vết bệnh ban đầu là một điểm nhỏ màu vàng, vết bệnh lan dần màu hồng nâu, xung quanh có quầng vàng hẹp. Vết bệnh nổi lên trên mặt lá và lõm ở mặt dưới lá. Vết bệnh thường hóa bần, kích thước nhỏ hơn 3mm. Bệnh nặng làm lá bị biến dạng, co dúm hoặc nhăn nheo. Trên cành vết bệnh thường lớn hơn làm cành khô chết. Trên quả non vết bệnh nổi gờ nhú lên hình chóp, màu nâu vàng, vết bệnh hóa bần, nằm rải rác hoặc nối thành từng đám. Vết bệnh không ăn sâu vào múi nhưng quả biến dạng, nhỏ, vỏ dày, phẩm chất giảm.
- Điều kiện phát sinh phát triển: Bệnh sẹo phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ từ 20-230C. Bệnh hại nặng ở chanh, quýt.
- Cách phòng trị:
+ Cắt tỉa cành, lá bị bệnh đem tiêu hủy, vệ sinh vườn ngay sau khi thu hoạch.
+ Không làm nước bị ứ đọng trong vườn cây vào mùa mưa.
+ Phun thuốc phòng bệnh vào các đợt ra lộc, khi rụng hoa, thời kỳ quả non. Sử dụng các loại thuốc như Benomyl 50 WP, Champion 77 WP, Ridomil 72 WP…
5. Bệnh loét (Canker)
- Tác nhân: Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas canpestris pv. citri gây ra. Chúng thường tấn công trên các bộ phận non của cây như lá, cành non hay trái non qua các vết thương cơ học hay các vết tấn công do sâu vẽ bùa hay ấu trùng bướm phượng (Papilionidae).
- Triệu chứng: Trên lá non vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ đường kính dưới 1mm thường thấy ở mặt dưới lá, màu trắng nhạt hoặc nâu nhạt. Xung quanh vết bệnh có quầng tròn dạng giọt dầu màu vàng hoặc xanh tối. Khi vết già rắn lại nổi gờ giống như ghẻ, loét, sần sùi, mặt dưới sù sì, mặt trên nứt nẻ màu xám tro. Vết bệnh ở quả cũng như ở lá, vết bệnh rắn, sù sì, màu nâu, hơi lõm, mép ngoài có gờ nổi lên, ở giữa mô bệnh chết rạn nứt. Vết bệnh không ăn sâu vào ruột nhưng làm quả biến dạng, ít nước, khô sớm, dễ rụng. Vết bệnh trên cành và thân cây con cũng như trên lá nhưng bị sùi lên, ở giữa không bị lõm xuống, xung quanh không có quầng vàng. Vết bệnh lớn nối liền với nhau bao quanh thân non và cành làm phía trên bị khô héo, dễ gãy.
- Điều kiện phát sinh phát triển: Bệnh loét phát triển trong điều kiện nhiệt độ cao (20-30 độ C), ẩm độ cao. Bệnh gây gại nặng ở những cây còn non, chưa thành thục. Sâu vẽ bùa cũng là môi giới truyền bệnh tạo vết thương để bệnh xâm nhiễm và gây hại.
- Cách phòng trị:
+ Thu dọn sạch tàn dư, bộ phận bị bệnh trong vườn ươm cũng như vườn sản xuất đem đi tiêu hủy.
+ Dùng các giống chống chịu bệnh loét.
+ Bón phân cân đối giúp cây phát triển khỏe, tăng sức đề kháng sâu, bệnh. Trồng các cây chắn gió xung quanh vườn hoặc xen kẽ các hàng cây.
+ Phun các loại thuốc vào các đợt ra lộc (đọt) bằng các loại thuốc Kocide hay thuộc có gốc đồng như: Booc-đô, Champion hoặc dầu HMO…

Một số sâu bệnh trên cây có múi và cách phòng trị:
1. Sâu vẽ bùa
- Đặc điểm: Sâu đục ở mặt dưới lá thành những đường ngoằn ngoèo có ánh bạc. Lá bị tấn công bị quăn queo, chồi non không phát triển được.
- Thuốc sử dụng: Gammalin Super 170EC, Sulfaron 250EC, Azimex 20EC, Etimex 2.6EC, Phironin 50SC
2. Rầy chống cánh
- Đặc điểm: Rầy chổng cánh thường xuất hiện giai đoạn ra chồi non để gây hại và truyền bệnh Greening. Rầy non và trưởng thành chích hút nhựa ở các đọt non, chồi ngọn làm cho lá cong queo, nếu nặng lá và trái bị rụng.
- Thuốc sử dụng: Secso 500WP, Phironin 50SC, Kongpi-da 151WP, Gammalin Super 170EC
3. Ngài chích hút trái
- Đặc điểm: Ngài chỉ gây hại trên cam và quít tiều, quít đường ở giai đoạn trái chín bằng cách chích hút dịch trái bên trong vỏ trái. Vết chích có màu nâu, mềm do nấm bệnh và vi khuẩn tấn công làm trái thối vàng và rụng. Trái thối rụng sẽ hấp dẫn bướm từ nơi khác đến tiếp tục gây hại.
- Thuốc sử dụng: Phironin 50SC, Gammalin Super 170EC
4. Rệp sáp
- Đặc điểm: Rệp có lớp sáp trắng bao phủ quanh thân. Gây hại bằng cách chích hút lá, cành, trái, cuống, trái. Nếu bị nặng lá vàng rụng, cành bị khô và chết. Mật ngọt do rệp tiết ra hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển.
- Thuốc sử dụng: Gammalin Super 170EC, Azimex 20EC, Etimex 2.6EC, MegaShield 525EC
5. Rầy mềm (Rệp)
- Đặc điểm: Rầy có dạng hình trái lê, kích thước rất nhỏ, gây hại bằng cách chích hút lá và chồi non làm chồi biến dạng, lá cong queo. Rầy truyền bệnh Tristeza và thu hút nấm bồ hóng.
- Thuốc sử dụng: Secso 500WP, Gammalin Super 170EC, MegaShield 525EC
6. Rệp dính
- Đặc điểm: Loại này có lớp vỏ cứng che phủ thân, hình vảy, ít di chuyển, cũng chích hút nhựa như rệp sáp làm trái, cành, lá bị héo khô.
- Thuốc sử dụng: Gammalin Super 170EC, MegaShield 525EC, Secso 500WP
7. Bọ xít xanh
- Đặc điểm: Bọ xít có màu xanh lá cây. Thành trùng và ấu trùng đều chích hút dịch trái non và trái già làm cho trái bị chai vàng rồi thối rụng, nơi vết chích có một quầng vàng màu nâu.
- Thuốc sử dụng: Phironin 50SC, Gammalin Super 170EC, MegaShield 525EC
8. Sâu đục vỏ trái
- Đặc điểm: Gây hại nhiều trên bưởi. Sâu có màu xanh, đục vào vỏ trái để ăn phá (nhưng không ăn phần múi), tạo ra vết u sần trên trái.
- Thuốc sử dụng: Phironin 50SC, Gammalin Super 170EC, Sulfaron 250EC, MegaShield 525EC
9. Sâu ăn lá (Bướm phượng)
- Đặc điểm: Sâu ăn lá là đối tượng gây hại quan trọng nhất trên cam, quít, chanh. Sâu non chỉ ăn lá non và chỉ gậm khuyết bìa lá, Khi lớn sâu có thể ăn cả chồi hoặc thân non.
- Thuốc sử dụng: Gammalin Super 170EC, Sulfaron 250EC, Azimex 20EC, Etimex 2.6EC, MegaShield 525EC
10. Nhện vàng
- Đặc điểm: Nhện có màu vàng tươi, hình thon dài, gây hại bằng cách cạp và hút dịch của vỏ trái làm trái bị nám có hiện tượng da lu, da cám. Tập trung nhiều trên phần vỏ trái hướng ra ngoài trảng.
- Thuốc sử dụng: Gammalin Super 170EC, Sulfaron 250EC, Etimex 2.6EC, MegaShield 525EC
11. Nhện đỏ
- Đặc điểm: Nhện chích hút trên lá non và trái non tạo thành những chấm li ti ở mặt trên lá, khi bị nặng lá mất màu xanh khô dần và rụng. Nhện chích hút biểu bì trái non làm cho vỏ trái bị sần sùi có màu vàng. Gây ra bệnh “da cám”.
- Thuốc sử dụng: Gammalin Super 170EC, Sulfaron 250EC, Azimex 20EC, Etimex 2.6EC, MegaShield 525EC
12. Nhện trắng
- Đặc điểm: Nhện trắng gây hại trên cả lá và trái đường kính khoảng 2 – 2.5cm trong tán cây, nặng nhất trên cây con trong vườn ươm làm cho lá nhỏ, bị cong queo, bìa lá uốn ngược vào phía trong. Mặt dưới lá bị hại thường phủ một lớp vảy màu nâu sáng hay màu trắng bạc, trắng xám giống màu chì. Trên trái vết chích hút có màu nâu bẩn. Trái bị hại có vỏ dày, nhỏ, nhẹ cân và vỏ trái đổi thành màu xám.
- Thuốc sử dụng: Gammalin Super 170EC, Sulfaron 250EC, Azimex 20Ec, 40EC, Etimex 2.6EC, MegaShield 525EC
13. Bọ trĩ
- Đặc điểm: Bọ trĩ ẩn trong lá đài chích hút nhựa từ biểu bì vỏ trái gần cuống trái, khi trái phát triển có những mảng màu nâu nhạt hay xám bạc có dạng vòng tròn chung quanh cuống trái. Bọ trĩ gây hại nặng nhất vào giai đoạn ra hoa rộ đến khi có trái. Tập trung gây hại phía ngoài trảng.
- Thuốc sử dụng: Kongpi-da 151WP, Phironin 50SC, Gammalin Super 170EC, MegaShield 525EC
2 0
Gửi câu trả lời / bình luận của bạn tại đây (*):
Hình ảnh (nếu có):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có câu hỏi cần giải đáp, hãy gửi cho mọi người cùng xem và giải đáp tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi câu hỏi
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Mua sắm thỏa thích với Temu +150K
×
Gia sư Lazi Gia sư