Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bối cảnh lịch sửCách mạng tháng Tám thành công, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử Lê Đức Thọ đón Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Sau đó, Hồ Chí Minh về ở căn gác số 48, Hàng Ngang rồi hàng ngày đến làm việc tại nhà số 12 phố Ngô Quyền — trụ sở của Chính phủ lâm thời. Trong các ngày 28 và 29 tháng 8, Hồ Chí Minh dành phần lớn thời gian viết ra bản Tuyên ngôn độc lập.
Việc chọn ngàySau ngày 19 tháng 8, Hồ Chí Minh và các cộng sự của ông bàn bạc việc chọn ngày ra mắt quốc dân để đọc Tuyên ngôn độc lập. Có nhiều ý kiến đề nghị chọn ngày gần sau đó là ngày 25 hoặc 28 tháng 8. Nhưng Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh dẫn lời kể của Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng, một nhân chứng trong thời điểm đó rằng: ông Vũ Đình Tụng, bác sĩ riêng của ông Hồ Chí Minh và cũng là một giáo dân Công giáo, đã đề xuất lấy ngày 2 tháng 9 năm 1945. Ông Hồ Chí Minh hỏi vì sao thì ông Tụng giải thích: nó rơi vào ngày Chủ nhật nên mọi người được nghỉ việc, ngày 2 tháng 9 cũng là ngày Chúa Nhật kính các vị tử đạo Việt Nam, là lễ trọng nên giáo dân đều đi dự lễ; thời đó chỉ có phía Công giáo mới có các đoàn thể với áo quần đồng phục, đội ngũ chỉnh tề nên dễ vận động đồng bào Công giáo tham gia mít-tinh sau khi tan lễ.
Sau đó, ông Hồ Chí Minh cho người liên lạc với bên phía tòa giám mục Hà Nội. Đến ngày 22 tháng 8, ông Hồ Chí Minh đến thăm Nhà thờ lớn Hà Nội. Tại đây, khi thấy giáo dân đang chuẩn bị cờ, hoa trang trí nhà thờ, chuẩn bị mừng lễ các vị tử đạo Việt Nam vào ngày 2 tháng 9 sắp tới, Hồ Chí Minh suy nghĩ một lúc rồi nói: "Tôi sẽ làm cho ngày đó thêm ý nghĩa nữa". Có lẽ ý tưởng này đã đưa đến việc ông chọn ngày 2 tháng 9 là ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, hơn 50 vạn người dân Hà Nội đã tụ họp tại quảng trường Ba Đình chào mừng thành lập chính phủ mới. Thay mặt cho toàn thể chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương 1, điều 13, mục 4 khẳng định: "Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945".
Những hoạt động chính vào ngày Quốc khánhTheo lịch nghỉ Lễ, Tết năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dịp Quốc khánh 2/9, người dân cả nước được nghỉ liên tiếp 3 ngày từ ngày 2/9 đến ngày 4/9. Trong năm 2015, do ngày 2/9 rơi vào thứ tư nên chỉ được nghỉ một ngày. Tương tự, năm 2013 cũng chỉ được nghỉ một ngày. Riêng năm 2014, cả nước được nghỉ đến 4 ngày.
Vài năm qua, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thường bắn pháo hoa vào dịp lễ Quốc khánh của cả nước. Vào năm 2016, chỉ có TP.HCM bắn pháo hoa ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (tầm thấp) và ở hầm vượt sông Sài Gòn (tầm cao) với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra UBND thành phố còn tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 diễn ra lúc 7h30 ngày 31/8 trên đường Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi, lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng...
Kì nghỉ lễ Quốc khánh năm nào cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm, giải trí nghệ thuật thu hút rất nhiều người xem do đây là kì nghỉ lễ lớn và quan trọng đối với Việt Nam.