Phạm Ngũ Lão là vị tướng không xuất thân từ khoa bảng, mà từ một nông dân chất phác nhà nghèo, làm lụng vất vả nuôi mẹ già. Ông sinh năm Ất Mão (1255) tại làng Phù Ủng đúng vào lúc vương triều Trần đang động viên sức dân cả nước chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai.
Việc xuất thân của ông như là chuyện huyền thoại dân gian. Phạm Ngũ Lão có chí khí khác thường từ thuở nhỏ, tính tình khẳng khái. Trong dịp làng có người đỗ tiến sĩ (Bùi Công Tiến) tổ chức ăn mừng, cả làng kéo đến chúc tụng, riêng Ngũ Lão thì không. Mẹ ông hỏi tại sao không đến, ông thưa: “Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ với đất nước, con chưa lập được bằng người, đi mừng người là nhục lắm”.
Cũng thời gian ấy, Hưng Đạo Vương có việc quân qua vùng Phù Ủng. Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt (giỏ) bên đường, mãi nghĩ về cuốn sách Binh Thư nên không biết quan quân đang tới. Một người lính dẹp đường quát đuổi, Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi yên. Người lính bèn dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường, người đan sọt cũng không hay biết.
Hưng Đạo Vương lấy làm lạ, bèn cho quân dừng lại, hỏi đầu đuôi sự việc. Phạm Ngũ Lão lúc bấy giờ mới nhìn lên, thấy vị tướng đã đứng tuổi, cằm vuông mắt sáng, chòm râu đen, nét mặt uy nghi, bèn đứng dậy, vòng tay cúi đầu đảnh lễ: “Thưa Đức ông, thần họ Phạm, tên Ngũ Lão quê ở Phù Ủng. Nhà nghèo, ruộng không có, phải làm nghề đan sọt nuôi mẹ già. Thần mãi nghĩ mấy câu trong Binh Thư nên không biết có quân của Đức ông qua đây. Xin Đức ông xá tội.”
Thấy chàng trai khôi ngô, khẩu khí đàng hoàng; Hưng Đạo Vương hỏi thêm chuyện, thấy ông khá thông thạo Kinh Truyện và Binh Thư. Qua đối đáp trôi chảy của chàng trai nông dân, Hưng Đạo biết người này sẽ là một vị lương tướng của triều đình. Ông sai lính lấy thuốc dịt vết thương rồi cho về triều.
Về kinh đô, Hưng Đạo Vương tiến cử Phạm Ngũ Lão lên Triều đình với chức cai quản quân Cấm vệ. Vệ sĩ biết ông là nông dân thì không phục bèn xin tâu được cùng ông thử sức. Phạm Ngũ Lão bằng lòng, nhưng trước khi thi đấu, ông xin về quê ba tháng.
Ở quê, ngày nào Phạm Ngũ Lão cũng ra gò đất ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên, nhảy mãi cho đến khi gò đất bị sạt mất một nửa mới thôi. Hết hạn, ông trở về kinh, cùng các vệ sĩ so tài. Thấy ông tiến thoái như bay, tay đấm, chân đá thoăn thoắt, xem ra sức có thể địch nổi cả vài chục người. Từ đó, quân vệ sĩ bái phục ông.
Như vậy, xuất thân làm quan của Phạm Ngũ Lão không qua khoa cử mà đi bằng con đường đặc biệt là lọt vào mắt xanh của vị thánh tướng triều Trần, cho thấy cách chiêu mộ hiền tài của vương triều bấy giờ để phát huy sức mạnh toàn dân chống ngoại xâm.(1) Với tài năng bẩm sinh và chí hướng đúng đắn của mình, lại được đích thân Trần Quốc Tuấn rèn cặp, Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc trong hai lần đánh tan giặc xâm lược Nguyên - Mông. Ông được vua Trần phong hàm Hạ phẩm Phụng ngự. Sau này, khi phò tá ba đời vua Trần, Phạm Ngũ Lão liên tiếp lập chiến công, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới.
Về các chiến công của Phạm Ngũ Lão, theo sử ghi thì phần lớn là đánh dẹp Ai Lao và Chiêm Thành, nhưng thực ra, tài năng quân sự của ông đã được thể hiện và khẳng định ngay từ khi tham gia cuộc trường chinh đánh quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Tháng 9 năm 1284, để đối phó với tình hình căng thẳng từ sức ép chiêu hàng của triều đình nhà Nguyên và sự lung lay giữa đánh hay hòa của nội bộ triều Trần, Trần Quốc Tuấn cho tổng duyệt toàn quân tại Đông Bộ Đầu để nâng cao sĩ khí quân binh, củng cố tinh thần chiến đấu của quan, quân.
Trong cuộc đại duyệt ấy, Trần Quốc Tuấn đã cắt cử bố phòng và điều những tướng tài giỏi nhất lên các mặt trận quan trọng, Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách đưa quân bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc. Thượng tướng quân Trần Nhật Duật bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc, cho thấy sự tin cậy tuyệt đối của Trần Quốc Tuấn cũng như các vua Trần vào vị tướng trẻ không cùng dòng tộc họ Phạm (ông mới 30 tuổi). Bố trí Phạm Ngũ Lão phòng thủ trên mặt trận Đông Bắc, nơi 50 vạn quân do Thoát Hoan dẫn đầu chuẩn bị đánh sang là một tính toán cao thâm của Trần Quốc Tuấn. Bởi nếu là một vị tướng Tôn Thất khác, trước lực lượng hùng mạnh của quân xâm lược sẽ rất dễ dao động.
Trên thực tế, những ngày đầu chiến đấu chống lại đội quân xâm lược, quân ta thất lợi và liên tiếp phải lui binh, bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản kích. Nếu không phải là một tướng giỏi, am tường chiến lược chiến tranh lâu dài sẽ không thể thực hiện được và sự thất bại của cả một vương triều là không thể tránh khỏi (Trần Ích Tắc đã đầu hàng giặc).
Khi nhận trọng trách phòng thủ hướng chính diện mà đại quân Thoát Hoan tiến đánh ồ ạt như triều dâng thác đổ, Phạm Ngũ Lão đã bố phòng ở các cửa ải chặn giặc, cùng dân binh đánh những trận đầu tiên khi chúng vừa vào vùng đất Tổ quốc. Lúc thấy quân ta yếu thế, Phạm Ngũ Lão đã khôn khéo từng bước lui binh theo chiến lược đã định. Phạm Ngũ Lão đã đem hết sở học và tài năng quân sự của mình trong chiến cuộc lui binh thần kỳ sau khi đã dốc toàn lực đánh giặc tại các cửa ải Nội Bàng, Chi Lăng... và chiến thuật lui binh thành công về Vạn Kiếp.