Ở nước ta, thói quen dùng nước giải khát hàng ngày thì mỗi miền mỗi kiểu, miền Bắc thích trà, miền Trung thích chè tươi, còn miền Nam lại thích cà phê. Nhưng hiện nay số người thích cà phê đang ngày càng tăng, đặc biệt là giới trẻ, không kể nam hay nữ. Uống cà phê đã trở thành thói quen của một số người. Buổi sáng không có tách cà phê thì người uể oải, chân tay bải hoải, phải có một ly thì mới làm việc được. Vậy cà phê là gì mà mọi người thích vậy?
Nguyên nhân chính là do caffeine có trong cà phê. Và không chỉ cà phê mới có chất này, mà nhiều loại cây khác như lá trà, hạt cocoa, chocolate…. cũng có chứa caffeine. Đây là chất kích thích hệ thần kinh trung ương và lợi tiểu. Khi uống, caffeine sẽ được hấp thu và phân tán nhanh chóng. Sau khi hấp thu, caffeine đi vào não, làm cho ta sảng khoái, vui vẻ, hưng phấn, ý nghĩ đến nhanh.
Caffeine không tích lũy trong máu cũng không dự trữ trong cơ thể, mà sẽ được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu vài giờ sau khi uống. Nó cũng không làm giảm các tác dụng của rượu, mặc dù có nhiều người tin rằng uống một tách cà phê sẽ làm người say tỉnh rượu.
Caffeine còn được dùng để điều trị chứng đau đầu migrain và làm giảm lo âu hay buồn ngủ trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, chất này thường được kết hợp trong những thuốc bán không cần kê toa như thuốc giảm đau, thuốc cảm. Nó không có vị và có thể được tách ra khỏi thực phẩm bằng quá trình hoá học gọi là khử caffeine.
Điểm bất lợi của caffeine là làm giảm hấp thu một số vi khoáng chất như sắt, can xi, kẽm, magiê, kali và làm mất vitamin nhóm B, vitamin C. Uống nhiều cà phê sẽ làm tuyến thượng thận tiết ra adrenalin và tuyến tuỵ tiết ra glucagon. Hai hormone này sẽ chuyển glycogen dự trữ trong gan thành glucose, làm đường máu tăng lên. Có giả thuyết cho rằng caffeine làm tăng tác dụng của insulin nên giúp chuyển glucose vào tế bào, ngăn ngừa được phần nào bệnh tiểu đường týp 2. Nhưng đây chỉ là giả thuyết và bên cạnh tác dụng này nó cũng còn nhiều tác dụng không có lợi lắm cho những người lớn tuổi.
Caffeine còn làm tăng tích trữ cholesterol, tức tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, uống nhiều sẽ có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim gấp hai lần so với người không uống.
Phụ nữ đang mang thai không nên uống nhiều cà phê vì nồng độ cao có thể sẽ gây sẩy thai hoặc đẻ non, do caffeine được hấp thu qua nhau thai. Đối với phụ nữ thời kỳ mãn kinh cũng nên hạn chế sử dụng cà phê vì nó có khuynh hướng tăng nguy cơ loãng xương.
Uống quá nhiều cà phê sẽ làm nhịp tim nhanh, tiểu nhiều, buồn nôn, nôn, kích thích, lo lắng, bồn chồn, run rẩy và khó ngủ.
Bỏ cà phê đột ngột có thể gây nhức đầu, chóng mặt, kích thích, buồn nôn, nôn và những triệu chứng khác. Nếu bỏ từ từ thì sẽ giảm được các triệu chứng này.
Ngoài hoạt chất chính là caffeine như đã trình bày ở trên thì trong cà phê còn có nhiều chất nữa, cả chất có lợi như chất chống oxy hoá. Nhưng cũng có cả những chất có hại cho sức khoẻ như: chlorogenic, neochlorogenic, mercaptan…
Trong thể thao, caffeine có tên trong danh sách doping của Ủy ban Thế vận hội quốc tế (IOC). Tuy nhiên, hàm lượng tiếp thu vào trong người đủ để bị cấm là rất cao (định nghĩa dương tính đối với caffeine là khi nồng độ trong nước tiểu trên 12 microgam/ml). Vì vậy, các vận động viên có thể uống một tách cà phê trong bữa ăn sáng.
Trong chế độ dinh dưỡng không cần có cà phê. Nhưng nếu uống cà phê với liều trung bình thì cũng không có nguy cơ nào về sức khoẻ. Ba tách cà phê mỗi ngày (250 mg caffeine) được xem là liều trung bình. Mười tách mỗi ngày được xem là quá nhiều.
Sự nhạy cảm với cà phê là từ để chỉ những tác dụng bất lợi do cà phê gây ra. Tuy vậy, sự nhạy cảm đối với cà phê cũng tuỳ mỗi người, có người chỉ uống một tách là mất ngủ nhưng có người uống năm, bảy tách cũng chẳng sao.
Vì vậy, việc sử dụng cà phê là tuỳ cân nhắc của bạn, mỗi buổi sáng thư giãn với ly cà phê, trao đổi vài câu chuyện phiếm với bạn bè cũng hay đó chứ, nhưng đừng quá nhiều bạn nhé.