Thế kỉ X là thế kỷ xác lập nền độc lập sau hàng ngàn năm ngoại thuộc. Ít có giai đoạn nào trong lịch sử có những biến động mang cá tính thời đại lại ôm trùm gần sít sao với sự phân chia của thời gian quy ước đến như thế: từ họ Khúc cầm quyền thay thế quyền bính trung ương của đế quốc trên vùng đất phủ Đô hộ An Nam đến khi họ Lê nhường cho người khác mở một giai đoạn mới cho nước Đại Cồ Việt độc lập; thế kỷ X ghi dấu trong lịch sử Việt Nam như một bước mở đầu riêng biệt, có căn bản vững chãi mà trên bề mặt thì dao động, rung rinh.
Nhưng tìm hiểu được cái quá khứ ấy cũng thật là khó khăn bởi những lệch lạc do thời gian xa cách mà cũng còn là sự đòi hỏi chi li, chính xác của người thời bấy giờ. Đối với các thời đại xa, bao giờ sử gia ngày nay cũng chỉ có một lời than vãn. Tuy nhiên, có thể so sánh với các nước Ấn Độ hoá phía Nam để thấy ư thế về tình trạng lưu giữ quá khứ ở đất An Nam cũ. Chứ Hán kèm với thói quen ghi chép, truyền thống sử biên, triển vọng in ấn đang mở rộng ở Trung Quốc (bản in trong động Đôn Hoàng thuộc thế kỷ VIII, nhưng năm 953 triều đình mới bán kinh sách Nho in và cuối thế kỷ X mới in sử), tất cả thành quả ấy sẽ được các thủ lĩnh mới nối tiếp trong thực tế của phần đất cựu thuộc địa tận cùng phương Nam này. Trong khi đó Chân Lạp, Chiêm Thành dù có các đền đài choáng ngợp, hấp dẫn, nhưng thật hà tiện lời qua một số bia đá mang nội dung có tính cách tụng ca nhiều hơn là ghi sự kiện, và những tài liệu chép tay khá muộn, không nhiều. Truyền thống sử biên của nước Việt tuy muộn nhưng họp với các tài liệu phương Bắc lại là chiếc cầu nối cho một nước thành lập trước bám lấy để hiện diện rõ hơn: Lịch sử Chiêm Thành, từ thế kỷ X được biểu hiện qua những giao tiếp với Đại Việt và với tình trạng tài liệu như thế người ta không thể nào chép lịch sử nước này khác hơn là đem vào một chương của Đại Việt. Vậy thì từ sự so sánh đó hãy cứ bằng lòng tạm với những gì đã ghi được trên vùng đất An Nam đang chuyển mình.
Nhưng chữ Hán chỉ có thể phát huy khả năng biểu hiện quá khứ với điều kiện có nhiều sự biến phải ghi chép, mà “sự biến đáng ghi chép” luôn luôn bao hàm sự tăng cường giá trị của chủ thể liên quan đến chúng. Nền độc lập xây dựng trên phủ Đô hộ An Nam cũ đã nâng cao giá trị của tập đoàn người ở đây và do đó đem lại ý nghĩa cần thiết phải lưu tâm ghi chép. Hãy nghĩ rằng nếu từ thế kỷ X ở đây có một thời thuộc Tống thì cũng chỉ sẽ có chuyện các ông quan thất sủng đổi tới – có thể Vương An Thạch của thế kỷ sau không cho Tô Đông Pha dừng lại ở Quảng Đông, chỉ sẽ có chuyện một số “thổ hào” nổi dậy, sẽ có loáng thoáng vài thuộc dân đỗ đạt cao… Một chính quyền tự trị rồi độc lập ở An Nam làm dồi dào thêm các vấn đề giao tiếp – trong hoà bình hay chiến tranh, để động tới các kinh đô địa phương hay trung ương của Trung Quốc, bắt buộc sử thần, quan lệnh, nho sĩ nơi đây cầm cây bút lên.
Cho nên, về thế kỷ X ở vùng đất từ phủ Đô hộ An Nam tàn tạ qua nước Đại Cồ Việt, ta có các chứng liệu đương thời ghi nhận từ phía bắc còn dưới dạng nguyên gốc hay chuyển đạt xê dịch chút ít ở thời sau. Đồng thời cũng có những dấu vết tại chỗ do ý thức tự biểu hiện mà thời gian không thể xoá nhoà được. Trước khi có phong trào khai quật khảo cổ học, người dân đã biết đến các đồng tiền Thái Bình có chữ Đinh của Đinh Tiên Hoàng, đồng tiền Thiên Phúc có chữ Lê (hay không) của Lê Đại Hành, Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) tuy dẫn chứng qua sách Trung Quốc có vẻ không biết đến đồng Thái Bình, nhưng cũng thấy tận mắt tiền Thiên Phúc “nay cũng còn, nhưng ít lắm”. Từ khi người ta chú ý học hỏi các vật nằm dưới đất thì các thứ tiền “ít lắm” đó cũng lần lượt xuất hiện, tuy vẫn là ít.
Dù sao thì chữ viết cũng đã xác định những địa điểm xảy ra biến cố, cho nên các khai quật khảo cổ học nơi những vùng liên hệ cũng nêu được những bằng cớ hoặc đưa sử gia ngày nay tiếp cận với đương thời, hoặc xa rời sự hoài nghi hơn.
Ví dụ, có dấu hiệu là sự phát triển đột ngột ở địa phương do tình trạng cát cứ đã được khảo cổ học chứng minh nơi di chỉ Đồng Đậu. Những người khai quật và khuynh hướng khảo cổ học chính thống của nhà nước muốn giải thích rằng địa điểm này “góp phần vào việc tìm hiểu diện mạo nền văn hoá đồng thau trước nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ”. Nhưng cho dù niên đại tuyệt đối ở lớp IV là 3.330 (+/-100) cách ngày nay (1950), sự khác biệt cư dân sinh hoạt thuộc các lớp khác nhau thật lớn lao: dân cư ở các lớp dưới sống từng tập đoàn nhỏ vài ba người trong các huyệt đất sâu, rồi thay đổi như thế nào đó trong huyệt cạn dần đến khi các bếp lửa nằm ngay mặt đất mà vẫn không có dấu vết về nhà rộng, vững chãi. Xét các bảng phân loại đồ vật, ta thấy lớp II nổi bật, riêng biệt với một tình trạng phát triển đột biến: công cụ đồng dùng vào việc sản xuất – đồng thời cũng có thể là vũ khí, công cụ vũ khí (mũi tên chiếm 25% tổng số đồ vật trong lớp này), khuôn đúc (6/7 tiêu bản ở lớp II, 1/7 thuộc lớp trên, lớp dưới không có), hoa tai, đồ gốm có văn chải khuôn nhạc, những vật nghi là các linga…Điều thay đổi này có vẻ phù hợp với truyền thuyết ở địa phương ghi nhận rằng sứ quân Nguyễn Thái Bình (Nguyễn Khoan) đã từng lấy gò Đồng Đậu làm nơi trú ngụ, đóng bản doanh. Từ lớp đất II trở lên không có dấu vết đột biến chứng tỏ có sự chuyển hướng của địa điểm này qua vị thế quân sự do nhu cầu cát cứ đòi hỏi. Lớp II của Đồng Đậu có thể thuộc thế kỷ X vậy.
Về Ngô Quyền, người có hành động quyết liệt bằng trận chiến thắng quân Nam Hán (938), có bằng cớ muộn nhưng vững chắc vì khắc trên bia đá còn để lại ở đình xã Cam Lâm, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Sơn Bình. Bia khắc năm 1390, cách biến động đến 4 thế kỷ rưỡi nhưng ghi rõ: “trích gia phả… họ, tóm thuật ghi vào bia để truyền lại lâu đời”. Truyền thống, tài liệu trung gian nối kết (gia phả của dòng họ thứ sử Ngô Mẫn thời Nam, Bắc triều) lấp khoảng trống thời gian đòi bằng cớ trực tiếp đã xoá tan mối phân vân do An Nam chí lược, An Nam kỷ yếu (dẫn bởi Cương Mục) đem lại (“Quyền người Ái Châu”), tuy Đại Việt sử ký toàn thư đã nói đúng. Mà Toàn thư tuy có những đoạn xưa hơn bia vẫn lẫn lộn của các tác giả về sau nên có thể gây ra thắc mắc. Bia đó và Việt sử lược (1377) là bằng cớ đối chiếu đồng thời, nhưng VSL không quan tâm tới việc dẫn gia phả.
Thủ đô Cổ Loa hình như không lưu giữ được gì về 5 năm cầm quyền của Ngô Quyền và 21 năm của những người kế nghiệp, nhưng kinh đô Hoa Lư thì đưa nhiều vết tích hơn về Đinh, Lê. Kết quả là do những khám phá tình cờ (1963-1964) và các cuộc “khai quật sưu tầm” 1965, 1966, 1967. Ở đây có những dấu vết ít ra từ thời Bắc thuộc (kết quả đo mẫu bằng C14: 1295 (+/-100) tức 655 năm sau Công nguyên và người khai quật cũng nhận ra rằng Hoa Lư vẫn phồn thịnh sau khi đô đã dời về Thăng Long (1010) vì di vật Lý, Trần còn lại thật nhiều. Có điều phải bàn cãi là có thêm tác giả tán thành cho thành Hoa Lư còn lại là của họ Đinh, họ Lê xây cất.
Sự cả quyết thành Hoa Lư là của Đinh, Lê thật cưỡng ép bởi vì đã rõ ràng là có các viên gạch in chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình niên đạo” (1057 của Lý Thành Tông), cùng một nghi chép niên đại như gạch ở chùa Phật Tích mà từ Thế chiến thứ II người ta đã căn cứ vào đó để tìm hiểu lịch sử nghệ thuật thời Lý. Các tác giả ngày nay viện dẫn truyền thuyết nói động Thiên Tôn là khu nhà tiền tế tiếp quan khách của nhà Đinh, Lê, dựa vào viên gạch vỡ chỉ còn chữ “bình” mà bảo là “(Thái) bình của Đinh, không nghĩ rằng “Long Thuỵ Thái Bình” cũng được vậy. (Sự phân tích nơi báo cáo chưa chi li thành thử không biết cỡ gạch có đủ chỗ cho 4 chữ hay không). Luận cứ có vẻ vững chắc là dựa vào sử thấy Đinh, Lê xây thành, đào hào, dựng cung điện, trong khi năm 1057 thì không có chứng tích gì hết. Từ đó họ phải dẫn giải để huỷ bằng cớ, rằng gạch Đại Việt quốc quân thành chứng tỏ Đại Việt là từ nghiêm chỉnh của Đại Cồ Việt. Đây là một méo mó rơi rớt của quan niệm “nôm na là cha mách qué” sau này. Phải đọc lại sử về thái độ ngênh ngang của Lê Hoàn để không thể gán ghép ý tưởng tự ti đó cho ông. Còn về lý do tại sao sử không chép việc xây thành gạch (sớm nhất) vào năm 1057 đó thì ta cũng không tìm được câu trả lời, tuy có thể lưu ý rằng các kiến trúc cung đình chỉ được nói đến nhiều trong thời kỳ dời đến Thăng Long và sau đó thì chùa quán xây cất thật nhiều lấn át các xây cất thế tục.
Nhưng Hoa Lư cũng có các di vật Đinh, Lê, bằng cớ ít mà thật rõ ràng, quý giá. Xưa nhất là “gần 20 chiếc” những cột đá bát giác, đầu có ngõng, dài từ 20 đến 80cm, đường kính từ 15-50cm trong đó hai cột khắc chữ. Một cột dài 70cm có mỗi mặt hai dòng chữ khắc kinh và hàng chữ “Đệt tử Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Nam Việt vương Đinh Liễn tạo bảo tràng nhất bách, tạo thời Quý Dậu tuế”(973). Cột thứ hai lớn hơn, cao 80cm, mỗi mặt ba dòng chữ khắc bài Phật chú và bài kệ chữ Hán. Ông Hà Văn Tấn cho biết vào năm 1969 phát hiện một cột thứ ba có thể như cột thứ hai. Theo phân tích của ông, kinh ở hai cột đều như nau, cột 2 bổ túc những dấu vết mờ ở cột 1. Kinh (bài chú) là theo một bản dịch âm của thế kỷ VIII và là một kinh phổ biến của Mật Tông.
Các cột đá Hoa Lư vì thấp nên chỉ có thể coi như trụ đá, bệ đá mà thôi. Chi tiết kiến trúc ở một đầu (cái ngõng) khiến những người khai quật nghĩ rằng chúng là bệ thờ bên trên đặt pho tượng chẳng hạn. Chúng ta cũng tiếc rằng tên của Đinh Liễn không được phát giác toàn vẹn, phần đọc được là phần đã biết rồi.
Nhưng năm 995, Lê Hoàn còn ở ngôi, nếu lập bào tràng thì phải dâng cho cha ông mới hợp với chữ “Lê tổ” – điều này lại không hợp với công đức tán tụng. Phải nghĩ rằng trụ tạo năm 1005 – năm ông chết, do Long Đĩnh lập, năm có sự kiện lớn liên quan là việc rước kinh Đại Tạng (“Thuyền bát nhã… vượt biển đem [kinh] về”), tuy cũng khó hiểu vì sao người xưa đã khắc thiếu chữ nhị (“nhị thập lục niên”), vì sao lại có sơ suất đến thế. Mặc khác, chữ khắc đính chính tôn hiệu của Đinh Tiên Hoàng mà Lê Hoàn kế thừa qua Dương hậu: Đại thánh minh hoàng đế chứ không phải là Đại thắng minh hoàng đế. Đáng chú ý là Lê Hoàn đã có tôn hiệu lòng thòng 14 chữ thế mà con cháu vẫn dùng tôn hiệu của họ trước. Cột đã rõ ràng là của Long Đĩnh lập.Không thấy nói đến dấu vết gì khác ở cột đá 3m, kính 1m, dính líu tới Lê Hoàn, tìm thấy cách khu vực cột đá Đinh 2km nên không thể đoán già rằng đó là vết tích duy nhất của một “ngôi chùa nhất trụ” còn lại. Trụ đó khắc kinh Lăng Nghiêm, và xét lời tán tụng kèm theo, người ta đoán là trụ tạo năm 995: “Đại thánh minh hoàng đế Lê tổ tự thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên đại”