Nhận xét về Cao Bá Quát, từ điển Văn học (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983) viết: “Ông sống nghèo khổ nhưng khinh bỉ những kẻ khom lưng uốn gối để được giàu sang và tin rằng mình có thể tự thay đổi đời mình”. Họ Cao một đời tang bồng ngang dọc chọc trời khuấy nước, không một lần vì công danh mà chịu “khom lưng uốn gối”, nhưng lại vì một loài hoa mà suốt đời trân trọng “cúi đầu” như trong một câu đối (của ông) được hậu thế truyền tụng:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
Nhứt sinh đê thủ bái mai hoa.
[Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm cổ kiếm,
Một đời (ta chỉ) cúi đầu sùng bái hoa mai].
Mai là một trong “tuế hàn tam hữu” (ba người bạn trong cơn giá rét) gồm tùng, trúc và mai, tượng trưng cho đức tính cao thượng trong sạch, luôn giữ tròn khí tiết của bậc chính nhân quân tử, theo quan niệm của người xưa. Bởi vào ngày đông tháng giá, trong khi các loài cây khác đều rụng lá khô cằn thì riêng tùng vẫn xanh, trúc vẫn tươi và mai vẫn nở hoa. Hoa mai nở cuối tháng chạp đầu tháng giêng âm lịch, trước tất cả các loài hoa khác, cho nên người xưa gọi bảng yết tên những người đỗ đầu trong kỳ thi Hội (vào mùa xuân) là bảng mai.
Hình tượng hoa mai đẹp đẽ cao khiết là thế, cho nên khi Cao Bá Quát tâm niệm: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” có nghĩa là đã chọn cho riêng mình một lẽ sống trọng nghĩa khinh tài, một lý tưởng thiêng liêng cao cả, suốt đời dốc lòng hiến dâng cho cái đẹp, cho điều thiện. Cao Bá Quát xuất thân từ một làng quê Kinh Bắc không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ mượt mà, mà còn cả về thơ văn và khoa bảng của những con người hiếu học. Cha ông dù không đỗ đạt gì như nhiều người khác trong dòng họ, nhưng là một nhà nho danh tiếng. Người cha kỳ vọng vào con đường khoa cử của con cái. Ông đặt tên cho hai người con sinh đôi của mình là Bá Đạt và Bá Quát theo tên hai trong tám kẻ sĩ đời Chu (bên Tàu), với ước mong hai con cũng sẽ trở thành những bậc hiền nhân. Cao Bá Quát tự đặt tên cho mình là Chu Thần cũng ngụ ý đó.
Cao Bá Quát được rèn luyện nhân cách và tài năng theo khuôn khổ giáo điều của đạo Khổng: nâng cao học vấn, tu dưỡng bản thân, hết mình thờ vua giúp nước. Ông mơ tưởng một chế độ phong kiến tốt đẹp, trên có vua thánh tôi hiền, dưới có muôn dân yên vui no ấm. Thơ văn ông bàng bạc ánh trăng thanh và lấp lánh sắc mai vàng từ một tình yêu vẻ đẹp thiên nhiên, trăn trở trên từng bước đường thiên lý một nỗi cực nhục của phận người lầm than nô lệ. Không bằng lòng với cảnh thiên nhiên và con người đang mún manh rệu rã, ông “quyết xoay bạch ốc lại lâu đài”, muốn vẽ nên bức tranh toàn bích về một xã hội như thời Thuấn Nghiêu, khởi nguyên từ những hạt mai trên núi đá và rực rỡ một mùa xuân đầy hương sắc chung cho mọi người:
Đầu non nắm hạt mai gieo
Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi
Nữa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho người xem chung
(Tài mai - Trồng mai, Hoàng Tạo dịch thơ)
Chàng thi sĩ - họa sĩ - chiến sĩ ấy lên đàng, lòng đầy ắp mộng mơ cùng túi thơ bầu rượu, hăm hở ra tài trị nước yên dân như hai nhà chính khách Y Doãn, Phó Duyệt đời Thương ngày trước (Tài tử đa cùng phú). Thế nhưng, đường cử nghiệp không mấy hanh thông, bước hoạn đồ lại ba chìm bảy nổi. Chàng ra đi, những mong trút hết can trường cho một cuộc sống nhân quần cao đẹp hơn, nào hay chí khí ngút trời ấy đã bị những kẻ có quyền thế là đám vua quan ngày ấy vùi dập, siểm gièm. Ngoài biên thùy bọn thực dân Anh, Pháp lăm le âm mưu thôn tính đất nước, đời sống nhân dân lầm than khổ cực, trong khi đó vua quan lại quen thói xa hoa phung phí. Chí làm trai, mộng kẻ sĩ thôi thúc chàng vạch một chí hướng vượt lên trên những xấu xa, đớn hèn để đạt đến những phẩm giá cao quý của bậc chính nhân quân tử:
Những bản thảo cũ đầy bụi, chất đống trong bồ rách
Cây mai con cũng cố ngoi lên vượt bức tường cao.
(Kiến Bắc nhân lai, nhân thoại cố hương tiêu tức)
Cũng vì cảm phục trước tài năng của những người trai trẻ mà Cao Bá Quát không chút đắn đo, dùng muội đèn chữa bài thi phạm húy cho các thí sinh, quên rằng hành vi nầy có thể dẫn đến chỗ mất đầu như bỡn. Mấy phen vào tội ra tù, lên voi xuống chó, con người tự ví mình như cây mai võ, như con chim có sức bay cao mà bị nhốt trong lồng không thể cam lòng chịu để cho sóng gió cuộc đời vùi dập vẻ sáng lấp lánh của hai chữ Thiên lương:
Thương cho mình hai chân quá ngắn
Cũng may còn giữ được tấm lòng bản sinh.
(Vãn Lưu Nguyệt Trì Bắc thành khuyết vi diện biệt, phụng ký nhị thủ)
Lý Bạch, nhà thơ vĩ đại Trung Quốc có ảnh hưởng khá lớn đến các nhà thơ Việt Nam - đặc biệt là Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Với họ Cao, người đọc nhận ra thơ văn ông chan chứa một tấm lòng yêu nước, một thương cảm sâu sắc với nỗi khổ của nhân dân, một tinh thần phản kháng xã hội đen tối. Có mười một thế kỷ ngăn cách giữa Lý - Cao, thế nhưng tư tưởng của hai con người khát khao mải miết đi tìm cái Thiện, cái Mỹ ấy đã đồng hành vượt qua hạn giới thời gian. Trong đêm thanh vắng, nếu Lý Bạch đối diện với lòng mình:
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
(Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương).
thì Cao Bá Quát, vào những đêm như thế, tự vấn lòng mình không thấy thẹn với gông cùm đang mắc vào người (Trường giang thiên - Vịnh cái gông dài). Họ Cao chỉ cúi đầu trước hoa mai, còn khi ngẩng đầu thì ngước nhìn tận ngoài trời, những muốn vin vào mây mà lên cao mãi (Du vân). Những cái cúi đầu và ngẩng đầu như thế đã làm cho con người trở nên cao quý hơn, lớn lao hơn. Điều ấy giải thích vì sao thơ văn Lý ở Trung Quốc và Cao ở Việt Nam đã độc chiếm những tình cảm rất mực chân thành trong trái tim mọi người. Cũng như họ Lý, Cao Bá Quát nghèo hèn chẳng đổi thay, uy vũ không khuất phục, coi thường vương hầu, ngạo mạn phóng túng, dù đến chết vẫn một mực giữ tròn khí tiết người quân tử:
Ở đỉnh núi Nguyệt Hằng,
Trên đó có cây tùng cây bách chết một nửa
Nhưng vẫn cùng nhau đứng trơ trơ giữa trời giá rét.
(Đằng tiên ca - Bài ca cái roi song)
Một đời chỉ bái lạy hoa mai, họ Cao giữ lòng mình như cánh hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, được thẳng ngay như thân sen, tỏa hương thanh khiết như hoa sen. Giữa một xã hội nhiễu nhương như thế, ông chẳng buồn quan tâm đến chuyện bị khối kẻ cười vào cái phong cách mà họ cho là “quân tử tàu” của ông, miễn được “tay cầm cành sen mỉm cười mình tự biết mình” là đủ (Vãn du Sài Sơn vũ hậu đăng sơn đầu đề bích, tứ thủ). Mà đâu chỉ một mình Cao tự biết mình, một Miên Thẩm cũng đã nhận ra Cao qua mối tình vong niên tri kỷ. Hay một Nguyễn Văn Siêu vẫn còn cảm kích con người khí khái cao thượng ấy mà viếng một câu đối tiếc thương:
Thương thay tài điệu tót vời, khó anh khó em, một cặp cùng sinh lại cùng thác,
Thôi nhỉ sự có đến vậy, đáng yêu đáng ghét, nghìn năm dây xấu cũng dây thơm.
(Trúc Khê dịch)
Cái án “tru di tam tộc” mà nhà nước phong kiến dành cho Cao Bá Quát càng làm cho nhân dân thêm yêu thương ông. 1.353 bài thơ và 21 bài văn xuôi của ông còn lưu truyền đến ngày nay đã nói lên điều đó. Cao Bá Quát, người đời sau có thể trìu mến gọi ông một cái tên mà không sợ nhầm lẫn: “Chiến sĩ bảo vệ cái Đẹp”. Thật vậy, cái “cúi đầu” kính cẩn trước hoa mai của ông đã trở thành biểu tượng cho bản lãnh hướng thượng của con người. Là “tín đồ” của một giáo phái có tên là Cái Đẹp, ông suốt đời tìm kiếm cho mình và cho cả mọi người một hướng đi lên về phía Chân Thiện Mỹ. Nhân loại đã đang và sẽ còn mãi mãi chiến đấu vì cái đẹp - “Cái đẹp đã lên ngôi thay thế cho cái xấu xa, thấp hèn, cái đẹp nâng đỡ con người” (Dostoievski).
“Cây mai võ” của làng Phú Thị ngày ấy đã trút hết tinh lực cho những cánh hoa làm đẹp cuộc đời từ hơn trăm năm trước, thế nhưng chút hương mà hoa muốn gửi gắm vẫn còn lưu lại trong lòng hậu thế. Ôi, cái con người suốt đời cần mẫn cúi đầu lạy hoa mai ấy, mọi người yêu thương và quý trọng cái “cúi đầu” của ông biết bao - một cái cúi đầu đã khiến ông trở thành bất tử!./.