Tây Sơn bi hùng truyện - Chương 6 (Lê Đình Danh)

77 lượt xem

Nhắc lại Nguyễn Nhạc dẫn hai em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cùng các thủ hạ lên Tây Sơn Thượng. Tuyết hay tin ra nghênh đón rồi tất cả cùng vào doanh trại.

Sau khi yên vị Nhạc nói:

- Ngày mai ta về Quy Nhơn để nhận chức Biện lại huyện Vân Đồn. Nguyễn Huệ em kế của ta sẽ thay ta điều binh khiển tướng, huấn luyện binh sĩ, xây dựng doanh trại để phòng thủ. Hẹn ba tháng sau ta mang lương thảo về rồi cùng nhau khởi sự.

Nguyễn Văn Tuyết hậm hực bước ra nói:

- Từ ngày tôi theo phò chủ tướng đã năm năm nay. Nguyện Huệ dù là em ruột của chủ tướng nhưng có tài cán gì, vả lại, tuổi còn nhỏ dại nay thay chủ tướng điều khiển ba quân tôi e có nhiều người không phục.

Huệ điềm đạm nói:

- Thưa đại huynh, việc người thay thế hãy khoan bàn đến, Xin đại huynh hãy cho duyệt binh xem quân thế uy dũng ra sao, tiến thoái thế nào?

Nhạc khen:

- Lời em rất phải.

Nói xong liền ra ngoài doanh trại tập hợp binh sĩ, bảo Nguyễn Văn Tuyết:

- Tướng quân chỉ huy binh sĩ luyện tập xem sao!

Huệ đứng nhìn thấy năm trăm quân hàng ngũ lộn xộn, chỉ luyện tập võ nghệ không có hiệu lệnh tiến thoái gì cả.

Chờ Tuyết luyện quân xong Huệ nói:

- Tướng quân võ nghệ hơn người nên luyện tập binh sĩ khí thế dũng mãnh một có thể địch hai, ba. Nhưng nếu dùng hiệu lệnh bảo quân tiến thì thế nào, lui thế nào và sang tả, hữu thì sao, xin tướng quân vui lòng chỉ dạy.

Tuyết ngập ngừng đáp:

- Tôi chỉ luyện quân gặp giặc thì đánh, địch ở đâu thì tiến về phía ấy vậy chẳng đúng hay sao?

Huệ nói:

- Binh pháp có dạy: quân ngũ phải chỉnh tề, quân pháp phải nghiêm minh, tiến thoái đúng theo hiệu lệnh thì nhuệ khí mới mạnh mẽ, ba quân vững dạ, địch quân trông thấy ắt là nao núng có khi chưa đánh đã tan. Xin tướng quân xét lại.

Tuyết chẳng nói gì. Nhạc xen vào hỏi:

- Theo ý em thì nên thế nào?

Huệ đáp:

- Lúc qua đèo Mang em quan sát địa hình thấy gần đỉnh đèo có hai hòn núi(1) ở hai bên đường cách nhau vài dặm. Ta cho quân đắp lũy nối hai núi này, đường đèo làm cổng lên Tây Sơn Thượng đề phòng binh triều đến đánh. Trong chỉnh đốn đội ngũ, cứ mười quân làm một toán, mười toán làm một đội, mười đội làm một cơ có toán trưởng, đội trưởng chưởng cơ đứng đầu. Tập binh tiến thoái theo hiệu cờ và trống lệnh. Người Thượng có tài bắn cung nỏ bách phát bách trúng, họ vốn mang ân đức của đại huynh đem muối lên phân phát. Nay ta chiêu mộ người Thượng lập thành đội xạ thủ, thì dù quân triều có thiên binh vạn mã cũng không thể vượt khỏi đèo Mang hiểm trở, nói gì đến việc lên vùng Tây Sơn Thượng.

Nhạc mừng rỡ nói:

- Em quả nhiên có tài thao lược. Nay có em điều binh khiển tướng ta mới yên lòng.

Nhạc quay sang Tuyết, cười hỏi:

- Chẳng hay ý song đao tướng quân Nguyễn Văn Tuyết thế nào?

Tuyết vòng tay đáp:

- Tôi thọ ơn chủ tướng chẳng dám sai lời, nhưng lòng này không phục.

Nhạc hỏi:

- Như thế nào tướng quân mới phục?

Tuyết hai tay vịn hai chuôi đao đeo sau lưng đáp:

- Nếu Huệ thắng được song đao của tôi, thì dù bảo nhảy vào lửa Tuyết cũng xin vâng.

Bỗng có tiếng quát:

- Một ngọn giáo của ta cũng đủ, cần gì phiền đến nhị ca.

Mọi người nhìn lại thấy Vũ Văn Nhậm đã vác giáo đứng giữa sân, Phan Văn Lân tiến đến can:

- Giáo của Vũ huynh vừa chém đầu tham quan giữa chợ ai cũng biết tài. Hãy để trường thương của tôi xem song đao vô địch biến hóa thế nào.

Tuyết thấy Văn Lân mặt mày trắng trẻo, dáng dấp thư sinh liền cười lớn:

- Song đao của ta đâu dùng để đánh tên học trò trói gà không chặt như ngươi!

Văn Lân thân người mảnh khảnh nhưng tính nóng như lửa, nghe Tuyết cười mình, hơi giận bốc lên vung thương toan xông đến. Huệ trừng mắt quát:

- Văn Lân không được vô lễ.

Lân hậm hực lui ra, Huệ trỏ vào một cây rừng ở giữa giáo trường hỏi Nhạc và Tuyết:

- Ở trước doanh trại nên dựng cột treo cờ cho thêm vẻ oai nghiêm. Dám hỏi đại huynh cùng tướng quân Văn Tuyết, cây hoang mọc trước doanh trại là cây gì? Vì sao không chặt đi?

Tuyết đáp:

- Ấy là cây sơn núi, giống cây này có nhựa màu đen nếu chạm phải nhựa ấy liền bị nhức nhối khắp mình. Nếu thế thôi thì cũng có thể chặt được, riêng cây này chẳng rõ vì sao lại rất độc, quân lính đã mấy phen chặt thử, nhưng mới chặt vào một dao, nhựa ứa ra hơi độc xông lên liền sưng phù mình mẩy, nhức nhối ngay tại chỗ nên không ai dám chặt. Vả lại tôi xét thấy cũng chẳng hại gì nên đành thôi vậy.

Huệ hỏi:

- Sao không chất lửa đốt đi?

Nhạc đỡ lời:

- Những cây sơn khác nếu đốt khói độc xông lên người ngựa đều mắc bệnh, huống hồ cây này, nên không dám đốt.

Huệ đến gần quan sát thấy cây độc cao vài chục thước, chu vi vừa tràm hai gang tay, bèn nói:

- Tôi có cách này không cần chặt, cũng không cần đốt lại có thể loại bỏ được cây độc.

Nhạc cùng các tướng đồng thanh hỏi:

- Cách nào?

Huệ đáp:

- Nhổ đi.

Tuyết vỗ tay cười lớn:

- Nãy giờ chỉ nghe ông nói thì hay lắm nhưng chẳng thấy làm. Nếu được như lời ta xin dập đầu bái phục.

Huệ chẳng nói chẳng rằng xắn tay áo, rùn chân xuống tấn ôm lấy thân cây, hét lên một tiếng nhổ bật cả gốc rễ, buông tay ra cây đã đổ ầm xuống đất. Ba quân vỗ tay hoan hô như sấm. Tuyết quỳ xuống vái lạy:

- Tôi có mắt không tròng, chẳng thấy núi Thái Sơn trước mặt, xin tướng quân miễn chấp. Nguyện một lòng tuân theo lời sai khiến của tướng quân.

Huệ đỡ Tuyết đứng dậy nói:

- Nếu tôi có điều gì mạo phạm ấy cũng vì lo đại cuộc mà thôi. Xin tướng quân chớ để bụng.

Nhạc mừng rỡ nói với các tướng:

- Ngày mai ta về thành Quy Nhơn nhận chức Biện lại Vân Đồn để lo việc lương thảo. Em ta là Nguyễn Huệ tạm thời thay ta điều binh khiển tướng. Còn ai không phục nữa chăng?

Tướng sĩ đồng thanh hô:

- Chúng tôi xin bái phục.

*

* *

Một hôm Huệ cùng các tướng Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Tuyết, Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm đang luyện tập quân sĩ bỗng có quân canh vào báo.

- Bẩm tướng quân, có người Thượng ở trên đèo Măng Giang đến báo, có con voi trắng một ngà dẫn đầu đàn voi vào làng phá hoại nhà cửa, hoa màu rất dữ. Nhờ tướng quân đem quân giết voi cứu dân.

Huệ truyền lệnh:

- Văn Tuyết, Văn Nhậm, cô Xuân ở lại giữ doanh trại. Văn Lân, Văn Sỡ dẫn theo một trăm tên xạ thủ cùng ta đến đấy xem sao.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân bước ra thưa:

- Ngày trước thầy tôi là ông nội của tướng quân Ngô Văn Sở, tên Ngô Mãnh, nguyên làm chức Đô thống cấm vệ quân của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, theo hộ giá chúa Nguyễn đến Quy Nhơn để mất ngựa Xích Kỳ của chúa. Phúc Loan mượn cớ làm tội, nên thầy tôi mới trốn vào ẩn ở Tây Sơn, dạy võ nghệ cho tôi cùng Văn Lân, Văn Sở. Thầy tôi có dạy cho tôi cách thuần phục voi rừng. Dù voi dữ cũng chớ giết đi mà uổng. Tôi xin đem theo một trăm quân đến tùy cơ ứng biến, nếu thuần phục được chúng lập thành đội tượng binh thì sức mạnh của quân ta tăng lên gấp bội. Xin tướng quân chấp thuận.

Huệ khen:

- Cô Xuân thật là nữ nhi hào kiệt đáng làm hổ thẹn đấng mày râu. Nhưng mình cô đi ta thật chẳng yên lòng. Văn Lân, Văn Sở hãy theo giúp nữ tướng Bùi Thị Xuân, nếu việc thành thì công lao của các ngươi thật là to lớn đó.

Văn Tuyết xen vào hỏi:

- Dám hỏi thầy của nữ tướng giờ đây sức khỏe thế nào?

Văn Sở đáp:

- Ông nội tôi lâm bệnh đã mất cánh đây hai năm rồi.

Tuyết bước đến cầm tay Sở, bùi ngùi nói:

- Ông nội tướng quân phải gian truân xa quê chết nơi đất khách chính là lỗi do tôi!

Văn Sở còn đang kinh ngạc thì Văn Lân hỏi:

- Tuyết tướng quân nói gì chúng tôi không hiểu?

Nguyễn Huệ đỡ lời:

- Ta nghe đại huynh kể lại rằng: Ngày trước chúa Nguyễn xa giá vào Quy Nhơn có tên thích khách chúa không thành bèn cướp ngựa Xích kỳ của chúa trốn đi chính là song đao Nguyễn Văn Tuyết đó. Nay nghe Đô thống Ngô Mãnh vì mất ngựa mà phải tội nên trong lòng áy náy đó thôi.

Văn Sở điềm đạm nói:

- Ông tôi dù còn sống cũng đâu vì thế mà trách cứ tướng quân. Có đáng trách là lũ quan tham bạo chúa để muôn dân oán ghét mà thôi. Âu cũng là ý trời muốn anh hung hội tụ đất Tây Sơn, chúng ta hãy bỏ qua chuyện cũ thề một lòng phò chủ tướng vì nước cứu dân.

Nguyễn Huệ rót rượu cho các tướng nâng ly đồng thanh hô lớn: “Xin thề.” Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân bái biệt lên đường.

Bùi Thị Xuân cùng Sở, Lân dẫn đầu đến nơi bỗng nghe tiếng voi gầm. Lân quay lại bảo xạ thủ:

- Quân sĩ chuẩn bị cung tên, voi dữ sắp đến.

Xuân lắng nghe rồi bảo:

- Tiếng gầm nghe bi ai đau đớn chắc là voi bị nạn, hai em có thấy thế không?

Văn Sở gật đầu nói:

- Chị Xuân nói rất đúng, loài voi tuy dữ nhưng rất có nghĩa, trọng ơn. Nếu cứu được chúng đó là trời giúp ta vậy.

Văn Lân hối:

- Nếu vậy anh Sở ở lại đây bố trí ba quân, tôi cùng chị Xuân lần theo tiếng voi gầm, vào đấy xem sao.

Nói xong vọt ngựa đi liền, Xuân giục ngựa đuổi theo. Đến gần tiếng voi gầm hai người thấy con voi trắng một ngà to lớn đang bị một con trăn dài chừng trăm thước, to ngót thân người quấn chặt. Voi không cựa quậy được gầm lên đau đớn. Không chút chậm trễ, Xuân liền lấy cung rút tên độc bắn một phát cắm ngập vào đầu trăn. Trăn quằn quại nhả dần, nhả dần rồi rơi xuống đất. Xuân nhảy xuống ngựa tiến lại gần voi. Voi một ngà quỳ hai chân trước cúi đầu co vòi lạy người cứu mạng.

Xuân đến gần nói:

- Ta không có ý hại ngươi, chỉ khuyên ngươi đừng nhiễu hại dân làng. Nếu hiểu được lời thì hãy theo ta về phò vua giúp nước.

Voi phủ phục cho Xuân leo lên cổ rồi ngoan ngoãn đứng dậy theo Văn Lân đang đi trước dẫn đường.

Bùi Thị Xuân cưỡi voi trắng một ngà cùng Văn Sở, Văn Lân về doanh trại. Nguyễn Huệ thân hành ra đón, khen rằng:

- Nhờ tài xạ tiễn cô Xuân thu phục được voi rừng, thật xưa nay hiếm có nữ nhi nào như thế. Nếu thời thế tạo anh hùng thì ắt có thể sánh bằng bà Triệu, bà Trưng ngày xưa vậy.

Thị Xuân khiêm tốn nói:

- Được như vậy là nhờ hồng phúc của chủ tướng mà thôi. Chứ nếu voi dữ không gặp nạn thì dễ gì đem được về đây?

Huệ nói:

- Còn việc thành lập đội tượng binh cô Xuân định làm thế nào?

Xuân đáp:

- Tướng quân chiêu mộ vài mươi quản tượng. Còn tôi, xin một mình dẫn voi trắng đầu đàn lên rừng thuần phục đàn voi ấy. Sau đó theo hiệu cờ và trống lệnh quản tượng sẽ dạy cho chúng tiến thoái thành đội ngũ. Như thế chắc rằng ta có thể thành lập nên một đội tượng binh hùng mạnh.

Huệ khen:

- Hay! Hay lắm đúng là nữ nhi anh kiệt, chưa ra trận đã tỏ rõ tài thao lược, đáng khen thay.

Nói đoạn lập tức sai người tuyển chọn quản tượng. Từ ấy về sau ngày ngày Thị Xuân cưỡi voi trắng vào rừng bắt voi hoang đem về doanh trại.

*

* *

Một hôm, Xuân vào rừng bỗng nghe tiếng cọp gầm rung chuyển núi đồi, lại nghe có tiếng người hét vang. Xuân cưỡi voi về phía ấy, thấy giữa trảng cỏ tranh một thanh niên tay cầm đại đao đang đánh nhau với cọp dữ. Phút chốc cọp bị đao chém chết ngay. Không ngờ một con hổ khác từ sau lưng vồ tới, người ấy lách mình tránh khỏi nhưng bị cọp tát văng mất đại đao. Người ấy không hề nao núng, tay không đánh nhau với hổ dữ suốt nửa giờ không phân thắng bại.

Bùi Thị Xuân ngồi trên bành voi gương cung lắp tên bắn một phát nhằm giữa trán hổ. Cọp dữ ngã ra chết ngay. Người ấy giật mình quay lại, thấy kẻ cầm cung là một thiếu nữ mặt hoa má phấn, mười phần xinh đẹp liền bước đến thi lễ.

- Tạ ơn nữ hiệp đã ra tay cứu giúp, nếu không mạng tôi chưa biết thế nào!

Xuân từ lưng voi nhảy xuống:

- Xin tráng sĩ đừng nên khách sáo, gặp nguy khốn giúp nhau là chuyện thường tình. Dám hỏi tráng sĩ là người phương nào, cớ sao một mình vào chốn rừng sâu?

Người ấy đáp:

- Tôi tên Trần Quang Diệu quê ở Bồng Sơn đi đường núi vào Tây Sơn tìm bạn nên gặp cọp giữa đường. Còn cô nương sao cưỡi voi vào rừng làm chi, thân nữ nhi coi thường nguy hiểm, bắn tên bách phát bách trúng thật làm Diệu tôi khâm phục vô cùng.

Thấy Trần Quang Diệu mày tăm mắt phụng tướng mạo khôi ngô, Xuân e thẹn trả lời:

- Tôi tên Bùi Thị Xuân quê ở Tây Sơn Hạ, theo chủ tướng là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ dấy binh ở Tây Sơn Thượng. Nay vào rừng săn voi mới tình cờ gặp tráng sĩ tay không đánh cọp, tài năng thật hiếm thấy trên đời. Tráng sĩ vào đây tìm bạn ở đâu, tôi có thể chỉ giúp được chăng?

Diệu mừng rỡ đáp:

- Nếu cô nương theo Nguyện Huệ dấy binh thì thật là may cho tôi quá, bạn tôi chính là Nguyễn Huệ đó.

Xuân vội đỡ lời:

- Hay quá! Vậy mời tráng sĩ cùng lên lưng voi về doanh trại.

Diệu ngập ngừng:

- Kẻ nam người nữ điều ấy có tiện hay chăng? Cô nương cứ để mặc tôi đi bộ theo sau cũng được rồi.

Xuân cúi đầu đáp:

- Vẫn biết rằng: “Nam nữ thọ thọ bất tương thân.” Nhưng từ đây về bản trại đi bộ mất nửa ngày đường mà trời đã xế chiều. Vả lại tráng sĩ chẳng nghe chuyện vị cao tăng cõng cô gái qua sông mà tâm chỉ nghĩ về Phật pháp hay sao. Nếu đã cùng nhau lo đại sự còn chấp nê chuyện nhỏ nhặt làm gì.

Quang Diệu chẳng biết nói sao đành lên lưng voi cùng Bùi Thị Xuân về doanh trại.

Đến nơi Quang Diệu vào yết kiến Nguyễn Huệ. Huệ mời ngồi rồi nói:

- Tôi có nghe cô Xuân kể rằng, gặp tráng sĩ đánh cọp giữa rừng lại tự xưng là bạn của Huệ. Huệ tôi không bao giờ dám quên tình xưa nghĩa cũ, nhưng quả thật không nhớ rằng đã gặp tráng sĩ ở đâu?

Diệu cười lớn:

- Tôi nghe tiếng Nguyễn Huệ là người thường vì kẻ khác quên mình, sức mạnh như thần, võ nghệ tuyệt luân, gồm tài thao lược đang chiêu hiền đãi sĩ nên vượt núi rừng đến xin kết bạn. Chẳng hay huynh trưởng chê tôi là người hèn mọn hay chăng?

Huệ cười ha hả nói:

- Kẻ anh hùng trong bốn biển đều là huynh đệ. Người đức độ ai cũng muốn bớt thù thêm bạn, nay có bậc hào kiệt đến kết giao chẳng phải là điều may mắn hay sao?

Nói xong sai quân đem rượu thịt thết đãi.

Quang Diệu nói:

- Chẳng giấu gì tướng quân, tôi hiện đang chiêu mộ được vài trăm tráng sĩ, hằng ngày có kết giao với Đặng Văn Long vốn cùng tướng quân là huynh đệ đồng môn. Nghe Văn Long nói tướng quân chiêu hiền đãi sĩ ở Tây Sơn nên trước đến xem sự thể thế nào, sau sẽ đem quân đến hầu trước tướng.

Huệ vội hỏi:

- Văn Long trước cùng tôi chia tay khi nghe tin mẹ bệnh. Có hẹn trước cùng nhau tụ nghĩa ở Tây Sơn, nay chẳng biết gia cảnh thế nào mà Văn Long chưa đến.

Diệu đáp:

- Mẹ Văn Long đã mất nên ở nhà chịu tang ba năm.

Huệ ngậm ngùi:

- Văn Long là người hiếu nghĩa, thích ngao du sơn thủy xem nhẹ công danh. Nay vì chữ hiếu đành chôn chí tang bồng hồ thỉ, thật đáng tiếc thay.

Chợt nhớ ra điều gì Huệ hỏi:

- Từ Bồng Sơn vào đây sao tướng quân không đi đường đại lộ qua thành Quy Nhơn rồi theo hướng Tây Sơn Hạ vượt đèo Mang lên Tây Sơn Thượng mà lại theo đường núi cho lắm gian nguy đến thế?

Diệu đáp:

- Tôi vốn mộ quân lập căn cứ ở núi rừng phía Tây Bồng Sơn nên có quen biết với người Thượng. Họ có đường băng rừng từ Quảng Ngãi có thể vào đến Tây Sơn, có thể ra đến Quảng Nam, Thuận Hoá. Nên tôi mới đi trước dò đường vì khi đưa hai trăm quân vào đây không thể nào qua thành Quy Nhơn mà chẳng bị sự truy cản của quan quân.

Huệ mừng rỡ nói:

- Trời đưa tướng quân về với ta chính là trời giúp ta vậy.

Diệu nói:

- Tôi có tài cán gì mà chủ tướng quá khen thế.

Huệ chợt hỏi:

- Không có tài cán gì mà tay không dám đánh nhau với cọp dữ? Nhưng tại sao tướng quân bị mất đao?

Diệu đáp:

- Tôi bị cọp vồ từ sau lưng, may mà tránh kịp, nhưng bị cọp tát văng mất đại đao.

Huệ trầm ngâm nói:

- Nếu ta có con đường thượng đạo ấy bất ngờ đánh vào sau lưng kẻ địch, ví như cọp vồ từ sau lưng tướng quân đó.

Diệu giật mình đứng dậy chắp tay.

- Lời Văn Long nói quả không sai, chủ tướng nhìn xa thấy rộng. Diệu tôi vô cùng bái phục.

Huệ nắm tay Diệu thân mật nói:

- Khi về tướng quân hãy vì tôi đem quân mở đường theo lối mòn của người Thượng từ Bồng Sơn vào đây rồi cùng hội quân ở Tây Sơn Thượng. Sau đó tôi sẽ cấp thêm quân lương cho tướng quân, cứ theo dãy núi Trường Sơn mở đường từ Nam ra Bắc, sau này đạo binh đi theo đường thượng đạo đánh vào sau lưng địch quân chính là của tướng quân đó. Bây giờ mời tướng quân hãy vào trong trướng nghỉ ngơi, ngày mai sẽ lên đường.

Diệu vâng lệnh lui ra.

Chú thích:

(1): Hai hòn núi này nay được mang tên là núi ông Nhạc và núi ông Bình (một tên khác của Nguyễn Huệ).

 


Chọn Tập
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×