Hai Vợ - Chương 3 (Hồ Biểu Chánh)

115 lượt xem
Thuở đó, xóm Tre nầy là một xóm dân cư trù mật hơn hết trong Huyện Tân Hòa. Nhà ở trong xóm kể tới vài trăm, mà nhà nào nếu không giàu thì đủ ăn, chớ không nghèo lắm.
Sở dĩ xóm Tre dân số đông, sinh hoạt dễ, ấy là nhờ vị trí có nhiều bề thuận lợi hơn xóm khác. Trước xóm có sông Bạo Ngược tôm cá không thiếu gì. Dọc theo mé sông là dừa mọc đám nào đám nấy dây bịt, đốn lá đó mà lợp nhà, khỏi đi đâu xa cho mất công. Có nhiều rạch và xẻo từ ngoài sông cái đâm vô xóm giúp cho ghe ra vô rất dễ.
Còn phía sau xóm thì ruộng đất đã khai khẩn lâu năm rồi, hễ cày cấy thì chắc có lúa, khỏi lo thất mùa đói rách. Hết ruộng thì tới rừng, cái giăng rừng Truông Cóc cây cối không biết làm gì cho hết. Người ta nhờ đó mà có cột, có cây cất nhà, lại thêm có củi mà chụm.
Lại phía Rạch Nhợ, gò Xoài gần đó, hễ đến tháng 11, tháng chạp nước mặn dưới sông Bao Ngược tràn lên ruộng, chừng nước giựt ruộng khô, muối đọng cùng trên mặt đất. Người ta xúc muối đó gánh về nấu đặng lọc lại mà dùng, khỏi xuất tiền mua hay là gánh lúa đi đổi.
Dân xóm Tre đương vui vẻ với cảnh đời ấm no yên tịnh thình lình nghe ông Thuận nói chuyện Tàu Pháp chở binh do cửa Cần giờ và hạ thành Gia Định, thì ai nấy tuy miệng nói cứng, song trong bụng có hơi lo.
Sáng bữa sau người trong xóm chuyền miệng nói với nhau trong một lát thì từ đầu xóm đến cuối xóm ai cũng hay tin có giặc trên Gia Định. Ông Bá hộ Cầm ở đầu xóm, phía gần đường cái, ông cũng hay nữa. Ông là người giàu có hơn hết, nên ông lo nhiều hơn người khác.
Ông Hà Văn Cầm giỏi có nghề phá rừng mở ruộng, chớ ông không có ăn học. Mà ông nhờ nghề riêng của ông nên mỗi năm ông có lúa chứa đầy lẫm. Quan tỉnh Gia Định không có lúa gạo cho binh lính ăn, bèn tư tờ cho quan huyện Tân Hòa dạy phải cậy nhà nông trong huyện giúp lúa. Ông Hà Văn Cầm hiến cho nhà nước 5.000 giạ. Nhờ cái nghĩa cử ấy quan tỉnh mới chạy tờ về Triều rồi vua mới ban cho ông Cầm tước Bá hộ.
Ông chiếm một miếng đất rộng lớn, trước có sân, sau có vườn, ông trồng tre chung quanh cuộc ông ở. Nhà lớn cất ba căn hai chái nằm giữa, phía sau thì nhà bếp với chuồng heo, chuồng vịt. Hai bên chái ông kềm hai lẫm lúa rộng lớn đủ chứa đến lúa muôn. Còn hai bên sân thì có chuồng ngựa với chuồng trâu, ngựa có một con, còn trâu đến một chục rưỡi.
Ông Bá hộ Hà Văn Cầm năm nay được 52 tuổi, còn bà vợ là Huỳnh Thị Hậu tuổi mới 49. Vợ chồng khỏe mạnh, nhà cửa kinh dinh, tôi tớ rần rộ, làm chủ cả trăm mẫu đất, trên ruộng có trâu, dưới bến có thuyền. Tuy vợ chồng dốt nát, song tánh tình chơn chánh, ăn ở hiền lành, có một con trai lớn là Hà Văn Kỳ, 25 tuổi, đã có vợ con, ở trong nhà phụ giúp với cha mẹ trong công việc ruộng rẫy. Vợ chồng còn có thêm một đứa con gái tên Hà Thị Quyên mới 22 tuổi, chưa có chồng.
Nhà ông Lê Hữu Thuận ở đầu xóm phía trong, còn nhà ông Bá hộ Cầm ở đầu xóm phía ngoài, bởi vậy những người ở vùng trong muốn ra đường cái đặng đi vô phía Sơn Qui và vô huyện lỵ, đều phải đi ngang qua trước cửa nhà ông Bá Hộ.
Ông Bá hộ Cầm giàu mà đốt. Ông nhận thấy cái dốt của cha con ông làm cho nhà ông lắm khi bị thiệt thòi, bởi vậy khi cô Quyên là con gái ông lớn lên, ông thầm tính chọn người hay chữ mà gả cô, không cần giàu hay nghèo, miễn có chàng rể hay chữ đặng nó coi giùm giấy tờ hoặc nó thay mặt vào ra chốn công đường cho ông khỏi cực lòng bực trí.
Ông thấy trong xóm có chàng Lê Hữu Hào, con của ông Thuận, tánh nết đàng hoàng, ông lại nghe chàng có danh học giỏi, chàng là môn đệ cao nhất của ông Nhiêu Hiền trong Sơn Qui. Từ năm ngoái ông đã muốn mời ông Thuận ra nhà đặng ông nói chuyện làm sui, nhưng vì ông nghe Hào đương chăm chú học đặng năm tới đi thi, ông sợ nói không đắc lời, nên ông chưa dám mở miệng.
Buổi sớm mai nầy Phó Tha nhơn dịp đi thăm ruộng ghé nhà ông Bá hộ Cầm nói cho ông hay cậu Hào, là con ông Thuận, ở học trong Sơn Qui, cậu mới mang gói trở về nói giặc Pháp đã khởi đánh xứ ta và đã đoạt thành Gia Định rồi, vậy cả thảy nhân dân phải sắp đặt việc nhà đặng đi lính mà giữ gìn đất nước.
Ông Bá hộ nhà có cơm tiền, lại có một con trai đương tuổi cường tráng, nghe có giặc thì ông lo sợ. Ông biểu vợ con lo cơm nước cho ông ăn sớm, đặng ông vô nhà ông Thuận hỏi thăm việc giặc giã cho rõ ràng.
Cha con ông Thuận ăn cơm sớm mới vừa rồi thì thấy ông Bá hộ vác dù lơn tơn đi vô sân. Cha con ông vui vẻ tiếp chào mời khách vào nhà. Hào kêu Tư Cầu biểu lo trầu nước.
Ông Bá hộ giản dị, biểu đừng lo trầu nước chi hết, để ông hỏi thăm việc giặc giã mà thôi. Cậu Hào mới thuật lại cho ông hay mấy chuyện cậu đã nghe trong Sơn Qui, chuyện chắc chắn có giặc nên ông Nhiêu Hiền mới thôi dạy để cho học trò về lo làm phận sự con dân của đất nước.
Ông Bá hộ nghe rõ rồi ông mới nói với Hào:
- Nghe nói cậu đương đi học rút đặng đi thi. Mà nếu có giặc lộn xộn như vậy thì thi giống gì được.
- Qua sang năm trong Gia Định mới có khoa thi. Nếu giặc dẹp được mau, thì có lẽ sẽ thi được. Còn nếu giặc kéo dài cù nhầy thì khóa thi tới đây chắc phải đình lại.
- Cậu không học nữa. Bây giờ trở về đây cậu tính làm việc gì?
- Để coi phải đi lính hay không. Nếu không đi lính thì tiếp học ôn sách vở mà chờ thời vận.
Ông Thuần tiếp nói:
- Hôm qua thằng Hào về nói làm trai, hễ có giặc thì ai cũng phải đi ra đi lính đặng dẹp giặc giữ nước cứu dân. Tôi nghĩ thuở nay ở tỉnh nào nhà nước cũng có sẵn những đội vệ binh. Có giặc thì gom binh lính lão luyện đó mà xua ra trận, chớ dân làng có tập rèn chi đâu mà biết đánh giặc. Huống chi tôi già mà có một mình nó, lại thuở nay nó học chữ, chớ có biết võ nghệ đâu mà đi lính. Vậy nó cứ ở nhà mà học ôn, chừng nào có lịnh quan trên dạy làm sao rồi sẽ hay.
Ông Bá hộ cũng có con trai, ông nghe như vậy ông rất hài lòng, nên ông nói:
- Lời anh phân nghe được lắm. Tôi cũng có một thằng con trai chen ngoẻn như anh. Nếu tôi cho nó đi lính thì tôi cụt tay, còn làm việc gì được.
Ông Thuận tiếp nói:
- Hồi hôm tôi lại chơi đằng nhà chú Phó Tha, gặp anh em trong xóm có bàn luận với nhau về chuyện đi lính. Ai cũng nói ở tỉnh nào ở huyện nào cũng có dân hết thảy. Giặc đánh chỗ nào thì dân chỗ đó phải chống cự. Nếu thiếu số thì đem vệ binh chỗ khác tới tiếp sức. Giặc đánh trên Gia Định, nếu trai tráng của mình ở đây đều phải lên trển hết, chừng giặc tràn tới xứ mình mới lấy ai mà cự địch. Phải có người ở nhà đặng luyện tập mà giữ làng chớ.
Ông Bá hộ càng thêm khoái chí nên ông nói:
- Anh em nói như vậy thì đúng quá. Tôi phục ngay. Trong nước có giặc cả thảy thần dân phải lo cứu nước cứu dân, tốp chinh chiến ở ngoài, tốp phòng bị ở trong, kẻ ra trận người cấy cày, mới có cơm gạo nuôi nhau mà đánh giặc chớ.
Ông Thuận nói:
- Anh em tính bây giờ trong xóm mình đây mỗi nhà đều phải mướn thợ rèn làm dao mác cho sẵn để khi hữu sự mình có binh khí mà ra trận.
- Ai bày kế đó thật là hay. Phải lo trước như vậy mới được. Anh biểu anh em sắm binh khí đi. Ai không có tiền thì nói cho tôi biết tôi sẽ tiếp sức cho.
- Cha chả, mà có binh khí rồi con em nó không biết cách dùng thì có ích gì đâu.
- Anh hỏi thăm coi chỗ nào có thầy dạy nghề võ anh rước về đây mà nuôi để dạy bà con anh em trong xóm. Tôi lãnh tôi nuôi cho. Tôi chịu tiền công cho thầy nữa. Đừng lo sự tiền bạc.
- Được vậy thì tốt. Để tôi bàn lại với anh em.
- Ừ, anh tính đi. Phải làm cho gấp. Có thầy dạy nghề võ thì tôi cho con tôi, anh cho con anh cũng luyện tập như họ. Cậu Hào học nho giỏi. Cậu tập nghề võ, cậu cưới vợ rồi cậu ở đây cầm đầu đội binh xóm tre của mình được mà. Này, tôi mời anh với anh Phó Tha xế mát qua nhà tôi nhậu nhẹt rồi anh em mình bàn tính chuyện đó lại cho kỹ đặng bắt đầu thực hành cho sớm.
- Được. Xế tôi ra.
- Hồi sớm mơi anh Phó Tha đi thăm ruộng, bây giờ chắc anh chưa về tới. Để tôi về tôi ghé tôi mời nhắn với vợ con ảnh. Đến xế anh đi ngang cửa anh kêu ảnh đi với anh.
- Được. Xế mát tôi sẽ dắt ảnh ra.
Bá hộ Cầm từ giã xách dù đi về. Cha con ông Thuận đưa khách ra cửa. Ông Bá hộ đứng lại nói: "Cậu Hào ở nhà có buồn thì ra ngoài tôi nói chuyện chơi. Cậu muốn ra chừng nào cũng được hết. Tôi ít đi đâu".
Hào gặc đầu đáp lễ. Ông Bá hộ giương dù che đi về.
Đến xế ông Thuận sửa soạn đi ra nhà ông Bá hộ. Ông hỏi Hào muốn đi theo chơi hay không, Hào nói Hào ít uống rượu nên xin phép để bữa khác rồi Hào sẽ đi thăm.
Ông Thuận dặn con chiều ở nhà ăn cơm, đừng chờ ông, rồi ông đi.
Hào lấy một quyển sách đem lại võng nằm đọc.
Con heo quắn ở ngoài sân đi vô, đứng tại cửa kêu ịch ịch ít tiếng rồi co giò nằm phịch xuống đó, mắt lim nhim, đuôi ngúc ngoắc.
Tối một lát Ông Thuận mới trở về tới. Ông bước vô nhà có con chó vàng chạy theo ngoắt đuôi mừng.
Hào hỏi ông ăn cơm hay chưa, thì ông cười đáp:
- Còn ăn gì được nữa mà con hỏi. Ông Bá hộ đãi một tiệc quá xá, mời một mình cha với chú Phó Tha, mà ông làm một con vịt lại kềm thêm một con gà nữa, làm ăn no muốn nứt bụng.
- Nhà có cơm tiền, không mấy khi mời khách nên xài lớn một lần, có hại gì. Lại vịt gà nuôi trong nhà sẵn, có mua chát gì mà sợ tốn tiền.
- Con có biết tại sao mà bữa nay ông bày tiệc như vậy hay không? Ổng nghe có giặc ổng sợ, nên ổng trút hồ bao ra. Nhà ổng có tiền lúa nhiều, nếu giặc tới bà con trong xóm bỏ chạy vô rừng mà trốn hết thì giặc ráp vác tiền xúc lúa ráo, ổng còn gì mà giàu nữa.
- Ông mời cha với chú Phó Tha mà ổng đãi rồi ổng tính làm sao?
- Ông tính nhiều chuyện ngộ lắm con à. Ổng tính chuyện lợi ích chung trong làng trong xóm, mà cũng ích lợi riêng cho ổng luôn cho nhà mình nữa.
- Sao mà ích lợi riêng cho nhà mình?
- Ây, để thủng thẳng cha nói cho con nghe. Ông Bá hộ nói nếu có giặc đến đây bà con trong xóm phải đấu cật đấu lưng mà chiến với giặc một trận cho chúng nó biết danh người xóm tre nầy. Mà muốn chiến đấu cho đắc thắng, thì ngay bây giờ phải:
“Thứ nhứt: kiếm rước một ông thầy nghề võ thiệt giỏi để rèn tập đàn ông con trai trong xóm cho biết cách chiến đấu. Nuôi và trả tiền công cho thầy dạy võ thì ông Bá hộ bao hết, người trong xóm khỏi lo khoảng đó.
Thứ nhì: kiếm rước một anh thợ rèn về trong xóm đặng nổi lò rèn mác thong, đại đao, đoản đao, chĩa ba, để dùng làm binh khí, ai có sắt có thép thì đem lại lò đặng thợ rèn cho. Ai có tiền thì trả tiền công cho thợ. Ai không có tiền thì ông Bá hộ giúp cho.
Thứ ba: vô rừng đốn cây đem về chặt ra làm nọc mà chặn mấy nẻo đi vô xóm, tổ chức canh phòng thủ cho chắc chắn, hễ nghe động gần xóm thì ngày đêm phải phải cắt người canh chừng. Đốn cây thì lấy ghe của ông mà chở, chỗ nào không có rạch cho ghe vô thì ông cho mượn trâu với xe mà kéo về.
- Ông Bá hộ tính mấy việc đó thì hay quá. Có giặc thì phải làm như vậy mới được, chớ giặc tới bỏ chạy hết thì giặc dọn đồ hết rồi đốt nhà càng khổ. Thà chết cho biết mặt dân Việt Nam nầy cũng có khí hùng dõng, dầu không hơn thì cũng bằng họ, chớ có thua đâu. Ông Bá hộ tính như vậy rồi cha với chú Phó Tha chịu hay không?
- Chịu lắm chớ. Chú Phó Tha nói chú có quen với một thầy nghề võ trong giồng Tháp, ngày mai bổn thân chú vô đó chú cậy ra đây mà dạy trai trong xóm. Còn thợ rèn thì trên vàm sông Tra có chú thợ Phi rèn đồ bén lắm. Ông Bá hộ nói để ổng cậy thằng Hai Chỉ bơi xuồng lên nói chuyện với chú. Như chú chịu xuống ở đây mà rèn binh khí cho mình sẽ cho ghe lớn lên rước chú và chở lò về đây cho chú ở làm.
- Còn đốn cây làm nọc mà chặn mấy nẻo vô xóm, biết sai ai? Biểu họ đi làm họ chịu hay không? Mình có quyền gì mà ép họ?
- Cái đó khó một chút, bởi vậy ông Bá hộ cậy hai cha con mình. Ông nói trong xóm có một mình con học giỏi, ai cũng vị con. Ông cậy cha, ngày mai cha con mình đi từ đầu xóm đến cuối xóm mời hết mỗi nhà cho một người thay mặt sáng mốt tựu trên sân Bá hộ. Con đứng ra nói chuyện giặc giã rồi cắt nghĩa các cách mình sắp đặt phòng thủ cho mọi người biết. Rồi đó con lật sổ biên tên họ và tuổi hết thảy đàn ông con trai từ 18 tuổi sắp lên ở trong xóm, đặng biết số cường tráng là bao nhiêu, số lão hạng được bao nhiêu. Nhân dịp đó ông Bá hộ mới cho ai nấy biết phần ông muốn giúp cho bà con trong xóm nên ông lãnh nuôi thầy dạy nghề võ và ai không đủ sức sắm binh khí thì ông tiếp giúp cho. Còn việc đốn cây để lập hệ thống phòng thủ, thì ông sẽ cho tôi tớ đi đốn cây liền để làm gương. Ông sẽ khuyên bà con trong xóm ai cấy rồi nên rảnh rang thì ra công đi đốn cây đem về để làm lợi ích chung. Cha đã hứa lời với ông rồi. Sáng mai cha sẽ sai Tư Cầu đi mời bà con trong xóm trưa mốt tựu lại sân ông Bá hộ đặng nghe bàn việc công ích.
- Được. Lập sổ kiểm điểm đàn ông con trai thì con giúp cho. Cắt nghĩa về sự lợi ích của việc phòng thủ trong xóm thì con cũng nói được. Mà theo lời cha nói nảy giờ, thì con thấy việc tính làm đó có lợi chung trong xóm và lợi riêng cho nhà ông Bá hộ, chớ có lợi riêng gì cho nhà mình đâu.
- Có. Cái lợi của mình cha chưa nói tới. Bây giờ để cha nói cho con nghe. Hòi chiều ăn uống mà bàn tính cuộc đề phòng giặc giã xong rồi, ông Bá hộ mới nói thuở nay ổng thấy con nhà nghèo mà ham học ổng thương. Ổng có tính sẽ gả con gái của ổng cho con. Con Quyên năm nay đã 22 tuổi rồi. Bây giờ có giặc giã con học không được nữa, còn cuộc thi cử thì không biết chừng nào mới mở khóa thi được. Con về ở nhà đọc sách chớ không biết làm việc gì. Vậy ổng hỏi như cha bằng lòng thì ổng gả con Quyên cho con. Ổng thương ổng gả nên ổng không đòi lễ vật chi hết.
- Ổng nói như vậy cha chịu hay không?
- Cha thấy ông Bá hộ thiệt tình, cha nghĩ con Quyên dễ coi lại có hạnh, lại thêm có chú Phó Tha đốc riết, chú nói con với con Quyên xứng đôi vừa lứa lắm, bởi vậy cha hứa lời với ông Bá hộ rồi.
Thuở nay người Việt chăm học chữ nho, không biết chữ Pháp, hoặc chữ Anh hoặc chữ Huê kỳ như bây giờ, mà sách nho thì không có dạy cái thuyết tự do kết hôn. Trong gia đình bề cư xử đều do phong hóa cổ truyền. Việc cưới vợ gả chồng thuộc quyền cha mẹ định, dầu trai dầu gái cũng vậy, cha mẹ định đâu thì phải chịu đó, không được phép cãi.
Hữu Hào nghe cha nói đã hứa cưới con gái ông Bá hộ Cầm cho chàng thì chàng châu mày nhưng không dám cãi chỉ nói:
- Chớ chi con biết bữa nay ông Bá hộ mời cha ăn uống đặng nói chuyện gả con gái, thì con thưa trước với cha khoan nhận lời của ổng.
- Sao vậy?
- Việc giặc giã không biết nó biến chuyển thế nào. Nếu con phải đi lính, thì có vợ sẽ thêm một mối lo cho con nữa.
- Ai cũng nói con không có đi lính đâu mà lo. Mà dù con có ra giúp nước đi nữa, thì để vợ ở nhà càng có ích chớ đâu có hại. Cha suy nghĩ kỹ rồi cha mới nhận lời. Con vào làm rể nhà ông thì con vinh vang chớ có nhục nhã chi đâu. Việc thi cử coi thế hết trông mong, mà con cũng cưới vợ được chỗ giàu sang, vậy cũng có phước. Còn một điều nầy nữa mình bây giờ chỉ có hai cha con, không còn thân tộc nào hết. Thằng Cầu là cháu họ, nhưng nó khùng khịu không đáng kể. Đời giặc giã ví như con phải đem thân ra giúp nước, cha đã 60 tuổi rồi, cha ở nhà một mình, khi mưa gió thì tắt lửa tối đèn cha biết cậy nhờ ai. Cưới vợ cho con, dầu có bề nào ít nữa cũng có được con dâu ở nhà hủ hỉ với cha. Lại làm sui với ông Bá hộ là người có cơm tiền, nhưng con phải đi lính, cha ở nhà rủi cha có chết, thì có lẽ ông sui sẽ chôn cất giùm, chớ không lẽ làm ngơ.
- Cha nghĩ như vậy thì phải lắm. Nhưng việc giặc giã lôi thôi đây không hiểu thế cuộc sẽ xoay cách nào. Vậy con xin cha chịu lời với ông Bá hộ thì chịu, nhưng phải chậm chậm mà xem thế cuộc, chớ không nên nài cưới gấp. Nếu như giặc yên mau, thì năm tới sẽ có khoa thi. Con cần phải rảnh trí để mà học, chừng con thi rồi sẽ cưới. Còn nếu như giặc tràn lan khắp trong xóm, thì cũng để con rảnh đặng lo, bổn phận làm trai, chừng nào giặc xong rồi sẽ hay.
- Con muốn như vậy thì được. Để bữa nào cha nói chuyện lại với ông Bá hộ. Nếu ổng muốn gả con thì cha xin bỏ trầu cau, cũng như cắm hàng rào thưa vậy thôi, đợi thời cuộc thuận tiện rồi sẽ làm lễ thân nghinh.
Bàn tính xong rồi cha con mới gài cửa tắt đèn đi ngủ.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×