Hai Vợ - Chương 5 (Hồ Biểu Chánh)

96 lượt xem
Lê Hữu Hào đi rồi thì cuộc sắp đặt nghình địch ở xóm Tre có mòi lơi lần lần.
Binh khí đã rèn đủ rồi, nên thợ Phi về Vàm sông Tra ăn Tết không thấy trở xuống nữa.
Trần Khoan, là thầy dạy nghề võ, cũng về giồng Tháp từ hôm Tết rồi mỗi tháng trở lên dượt học trò đôi ba ngày mà thôi chớ không ở lâu.
Hàng trai tráng thì không có thầy kèm thúc, lại còn mắc bận việc ruộng rẫy, nên tập võ cũng dãi đãi, chỉ có tập ban đêm mà thôi.
Chí nghinh địch ở xóm Tre suy giảm như vậy không phải tại lòng dân mòn mỏi. Người làm đầu trong xóm vẫn còn hăng hái hoài. Người ta không còn hoạt động như năm trước nữa, ấy là vì cuộc phòng thủ sắp đặt xong, nhứt là nhờ có dịp Hào bị đòi nhập ngũ tùng chinh, người ta được hay binh ta cả muôn đương vây chặt quân đội Pháp trong thành Gia Định, nên giặc không thể quy động được mà phải lo.
Nhân dân xóm Tre tiếp tục sống một chuỗi ngày bình an thanh tịnh trót cả năm, đến mùa mưa theo cày cấy lệ thường, lóng nghe binh đội của ta đương xây dựng đại đồn tại Chí Hòa, đặt quân phòng thủ hẳn hoi từ ngọn Rạch Cát vòng qua tới vùng GòVấp. Tin ấy giúp cho người ta càng vững bụng hơn nữa.
Trong xóm chỉ có một mình ông Thuận có con ra giúp nước mà thôi, không nhà nào được cái vinh hạnh đó, vì vậy nên cả xóm đều kiên nể ông, làm cho ông thêm hảnh diện như là người có công lớn với dân với nước.
Vợ chồng ông Bá hộ Cầm đã có lòng thương mến Hào, lại nghĩ ai nấy đều được no ấm vui sướng, chỉ có một mình Hào phải vùi thân nơi chiến trường, có lẽ lại phải chịu bữa no bữa đói,chịu nắng nằm sương, thì tội nghiệp cho phận của rể. Bà Bá hộ nhớ Hào lúc từ giã ra đi có lời gởi gắm cha già cho vợ, nên bà thường nhắc cô Quyên phải vô thăm ông Thuận cho chọn nghĩa cha con.
Cô Quyên không quên lời cô đã hứa với Hào mà lại còn nghe mẹ nhắc nhở nữa, bởi vậy cô sốt sắng đi thăm cha chồng, thường đôi ba ngày cô vô một lần, có món ngon vật lạ cô đem vô hiến cho ông Thuận ăn. Bữa nào cô vô mà Tư Cầu mắc đi câu hay đi ra ruộng thì cô lấy chổi quét nhà, dọn dẹp trong bếp cho sạch sẽ. Cô thường hỏi ông Thuận nếu có quần áo rách thì đưa cho cô đem về cô vá, nếu có mua vải may đồ mới thì cô lãnh cắt may giùm.
Tuy chưa có lễ cưới, song cô Quyên phục dịch nhà chồng cũng như nàng dâu đã cưới rồi, cha chồng nàng dâu tiếp xúc với nhau cả năm, tình nghĩa cha con càng thêm mặn nồng sự thân thiết đôi bên càng lâu càng thêm chặt chẽ.
Mùa gặt tới nữa, mà chiến cuộc vẫn chưa có tin tức gì. Người ở xóm Tre lo chở lúa về sân, rồi đạp mà ví để giành nuôi sống.
Ông Thuận có Tư Cầu giúp sức nên mùa nầy ông có được 50 giạ lúa trong nhà. Nhà có sẵn lúa gạo, sông có nhiều cá tôm, đời sống của ông được thảnh thơi, chỉ còn trông cho mau hết giặc cho con về, đặng cưới vợ rồi tiếp tục ra công sách đèn mà chờ khoa cử.
Vừa hết mùa khô, thình lình có tin đến xóm Tre nói rằng binh ta đã thất đại đồn Chí Hòa, sau một cuộc quyết chiến kéo dài tới mấy ngày đêm. Hai bên đều bị tổn thất nặng nề, nhưng giặc lại nhờ có súng nhiều và đại bác thần công mạnh quá bắn nát đồn lũy của ta hết. Binh ta không có chỗ nương dựa mà kháng cự tự nhiên phải đổ, một phần phải qua sông Bến Nghé thối lui về hướng Biên Hòa, nhưng phần lớn thì tán loạn chạy về mé Ba Cụm Bến Lức.
Tin bất tường ấy làm chấn động cả xóm Tre. Nhân dân xao xuyến hỏi nhau bây giờ phải làm sao. Ông Bá hộ sợ dân tán đởm ngã lòng mà gây thêm tai họa, bèn cho mời ông Thuận với Phó Tha mà ra định kế tấn thối.
Ông Thuận nói:
- Binh giặc chắc đông lại có súng nhiều nên trên Gia Định quan ta có cả muôn binh mà chống giữ đại đồn không nổi đến phải đổ. Mình ở xóm Tre kể hết già trẻ chỉ có một trăm, lại cầm dao mác, chớ không có súng. Tình thế như vậy nếu giặc đến đây làm sao mà chống cự cho nổi binh giặc cũng có lẽ đôi ba trăm, mà xuống đây chắc giặc sẽ đi tàu. Xóm mình nằm sát mé sông cái, nếu giặc ở dưới tàu sạ súng vào xóm thì mình chết hết, chết vô lối, vì có được xáp gần mà đâm chém giặc được đâu. Không phải tôi nhát mà kiếm kế cho anh em trong xóm ngã lòng, đợi giặc tới mà ta bái qụy mà xin đầu giặc. Năm nay tôi đã 62 tuổi rồi dầu có chết cũng nên cái mồ. Mà chết với đất nước thì vinh dự quá, chết như vậy đáng chết lắm chớ. Ngặt cái chết vô ích tôi không chịu. Phải làm sao đánh vùi với giặc, phải giết giặc cho được rồi dầu có chết tôi cũng vui lòng.
Ông Bá hộ với Phó Tha đồng khen ông Thuận nói phải, nhưng không tìm ra kế cho dân trong xóm xáp lại với giặc mà đánh, song khỏi bị súng đạn.
Ông Thuận mới nói:
- Tôi muốn bàn kế nầy: nếu hay tàu giặc vô sông Bao Ngược thì hết thảy những đàn bà con nít cùng hạng già cả phải chạy hết vô trong rừng rồi tản mác trốn. Còn tốp trai trẻ cường tráng thì thối vô Truông Cóc mà mai phục hai bên truông. Nếu giặc đánh huyện mình tự nhiên chúng phải đổ lên đây rồi do ngả Truông Cóc mà kéo binh vô huyện lỵ. Chúng phân binh đi qua Truông thì dân mai phục ở đó xông ra mà đánh. Chúng bị kích thình lình tự nhiên phải loạn hàng ngũ. Mình thừa thắng mà giết từng tốp. Làm như vậy chắc chắn giặc sẽ đại bại.
Ai nấy điều cho chiến lược đó là hay nhất, nên quyết áp dụng mà trừ giặc.
Nhưng mà ông Bá hộ suy nghĩ rồi hỏi ông Thuận:
- Mình phải vô rừng vô Truông hết rồi nhà cửa lúa thóc Trâu, bò bỏ hay sao?
- Để đó không hại gì.
- Sợ giặc đốt quá chớ.
- Mình ở lại đó cũng không giữ nổi, mà còn phải chết vô lối nưũa.
Ông Bá hộ dụ dự không đành bỏ nhà cửa nhưng ông không tìm ra kế nào khác để giữ của mà khỏi chết, bởi vậy ông phải lặng thinh mà chịu.
Bây giờ phải cắt người thay phiên nhau mà canh chừng tàu luôn ngày đêm, hễ thấy tàu thì đánh mõ cho hay đặng kéo nhau vô rừng vô Truông.
Canh cả tháng mà không thấy tàu bè chi hết, dân canh tự nhiên vãi đãi. Một bữa, lúc gần sáng có hai chiếc tàu chạy vô mà người canh ngủ quên không hay. Chừng tàu chạy khỏi xóm Tre rồi có người thức dậy sớm thấy mới la lên. Nhưng nghĩ tàu không ngừng mà đổ bộ nên không cho người canh đánh mỏ báo động. Tuy vậy mà nghe sạo sực trong xóm ai cũng hay hết, nhưng hay rồi kéo nhau ra mé sông ngó 2 chiếc tàu vẫn chạy luôn bởi vậy không có người nào tính rút vô rừng.
Ngày đó dân trong xóm Tre cứ dụm năm dụm bảy mà bàn luận, không ra ruộng, không đi câu, song cũng không nghe có việc chi hết.
Cách hai ngày mới hay hai chiếc tàu đó chở binh Pháp vào Vàm sông Tra và chiếm huyện lỵ Gò Công. Lính đóng mấy đồn Gò Gừa và Sơn Qui không chống cự, nên giặc không có bắn một phát súng.
Nhân dân xóm Tre nghe như vậy tức quá, tiếc giặc không đổ bộ xóm mình đặng gây ra trận Truông Cóc cho giặc ghi nhớ phải chết sống mới đoạt nguồn Khổng Tước được.
Tuy vậy mà bắt đầu mọi người chán nản. Mà trong ít ngày sau càng chán nản hơn nữa, và lần lượt nghe huyện Cần Guộc bị giặc chiếm rồi phủ Tân An cũng mất nữa, sau hết lại hay phủ Định Tường cũng không còn.
Ông Bá hộ ngồi khanh tay rầu rỉ tối ngày. Ông Thuận với Phó Tha bực tức mà đau, tức không biết Triều đình ở đâu, quan quyền làm việc gì để cho ngoại bang hống hách hoành hành mà chiếm đất đoạt thành như vào nhà không chủ.
Ông Thuận còn đau khổ về nỗi con; đại đồn đã thất thủ, đại binh đã tan hoang mà Hào ở đâu sao không thấy trở về, còn sống xót mà tản lạc theo đám đại binh để lập thế phục thù hay là chốn sa trường đã ngả gục, phơi thây chiến sĩ.
Cô Quyên vô thăm cha chồng thấy ông buồn rầu lại bịnh hoạn, cô phải lo cơm cháu cho ông. Ông Thuận thấy dâu, ông càng thêm nhớ con. Mặc dầu Quyên kiếm lời an ủi đủ cách, cô cũng không làm cho ông nguôi được.
Bữa nào Tư Cầu cũng phải ra ruộng hoặc đi câu, Quyên không nỡ để cho cha chồng bịnh mà nằm hiu quạnh một mình, nên cô thưa cho cha mẹ hay rồi mỗi ngày cô vô mà săn sóc giúp đỡ ông Thuận.
Ông Bá hộ hay ông Thuận bịnh ông lật đật vô thăm, rồi về sai người nhà đi kiếm thuốc cho ông Thuận uống. Phó Tha lại thăm ông Thuận thường thường, kiếm lời an ủi cho ông bớt buồn và chạy thuốc giùm cho ông uống.
Ông Thuận đau cả tháng, nhờ dâu chăm nom săn sóc và nhờ bạn tìm kiếm thuốc men, nên ông đã hết nóng lạnh nhức đầu. Nhưng vì tuổi lớn, lại hôi cơm tanh cá ăn uống không được, nên ông giảm sức rất nhiều. Ông đã ốm mà bây giờ cặp mắt của ông lại đỏ. Anh em trong xóm đi kiếm thuốc mắt cho ông xức con mắt. Thiệt nhờ có thuốc nên hết xốn và bớt đỏ. Nhưng nhãn quang của ông càng bữa càng thêm lu lờ, ban ngày mà ông thấy mờ mờ như ban đêm, ai vô nhà ông không nhìn mặt được, phải nói ra tiếng ông mới biết; còn đến bữa ăn cô Quyên phải ngồi gắp cá bỏ vào chén cho ông ăn, vì ông không thấy mà ăn một mình được.
Đó là một nỗi lo lắng và cực nhọc thêm cho cô Quyên nữa, thế mà cô không buồn, không than, cứ một mực chăm nuôi cha chồng, mặc dầu chưa cưới mà lại bặt tin tức.
Ông Bá hộ nghe trong Rạch Băng có một thầy thuốc trị con mắt. Ông cậy người chèo ghe vô rước thầy ra coi mà cho thuốc. Thầy vạch cặp mắt ông Thuận mà coi rồi nói mây kéo gần bít con ngươi, trong ít tháng nữa mây kéo giáp rồi ông Thuận không còn phân biệt ngày đêm gì nữa được. Bây giờ phải làm sao có thuốc xức tan đám mây đó mới thấy. Ngặt thầy không biết thuốc đó, nên thầy không dám lãnh mà trị.
Thế thì ông Thuận phải đành chịu mang tật đui, không biết đêm ngày, hết thấy trời đất, chớ không làm sao được.
Mà cô Quyên cũng phải đành chịu mang cực nhọc lo phục dịch một cha chồng mù quáng, để vẹn lời hứa với người chồng chưa cưới mà cha mẹ đã định hôn, dầu cực nhọc đến chừng nào cô cũng phải cam lòng, không được phép lẳng lơ lỗi đạo.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×