Hai Vợ - Chương 7 (Hồ Biểu Chánh)

100 lượt xem
Trong vài năm tiếp đó, nhân dân ở vùng Gò Công từ Chợ Gạo xuống Vàm Láng cũng như từ Bao Ngược vô Cửa Tiểu, già trẻ đều sống trong khoảng đời khi mừng, khi sợ, khi giận, khi buồn.

Binh đội Pháp nhờ có súng lớn súng nhỏ, nên chiếm lại địa đầu. Nhưng nghĩa quân của cụ Trương Công Định có những vị đốc binh đàng hoàng là các cụ Đốc Là, Đốc Lựa, Đốc Tòng gây cảm tình giữa dân gian nên phân binh tản mác trong xóm trong làng, nay ẩn chỗ nầy, mai ẩn chỗ khác khuấy phá khắp nơi, không để cho người Pháp bình yên mà sắp đặt cuộc cai trị được. Binh Pháp rần rộ kéo đi tảo thanh thì bị dân chúng gạt gẫm cho lọt vào mấy ổ phục kích đặng lâm nguy thọ hại. Tức giận đốt nhà cửa, giết thường dân, thì gây nên oán hờn chớ không gì.

Cụ Trương Công Định với Đốc Tòng, Đốc Lựa, Đốc Là gây nỗi lo cho binh đội xâm lăng trót mấy năm, làm cho nhiều chiến trường như Cột Cờ, Lá Tối Trời, Vàm Láng, Gia Thuận, Giồng Tháp, Sơn Qui, Truông Cóc nổi danh trong lịch sử.

Sau người cầm binh Pháp dùng âm mưu xuất bạc mua lòng phản quốc của Đội Tấn, Đội Ngôn, chúng chỉ chổ ẩn núp của cụ Trương. Binh Pháp đến vây chặt, cụ Trương không thể thoát thân, cụ phải dùng dao mà tự sát cho toàn danh quốc sĩ.

Nhân dân hay tin ấy đều rơi lụy.

Nghĩa binh rút chí tan rã. Bộ tướng để cho giặc bắt, nhưng cả thảy 18 người chịu bắn chết, chớ không chịu đầu hàng.

Huỳnh Công Tấn được phong chức lãnh binh được thưởng Bắc Đẩu bội tinh, lại được nhập tịch theo dân Pháp.

Trong khoảng đó nhân dân xóm Tre chỉ có năm bảy tên cường tráng nhập theo nghĩa binh của cụ Trương, còn bao nhiêu thì lo làm ruộng làm vườn và lo bắt tôm bắt cá đặng nuôi sống. Chỉ lóng nghe tin tức, nghe nghĩa binh thắng thì mừng rỡ, còn nghe thất thì than van vậy thôi.

Ông Thuận tuy tối hai con mắt song ông mò đi trong nhà được, lại nhờ có cô Quyên vô ở luôn mà lo cơm nước cho ông Thuận, nên duy trì sức khỏe của ông không đến nỗi suy giảm cho lắm. Mọi việc trong nhà có cô Quyên lo lắng hết cũng như con gái của ông. Cha chồng với nàng dâu thuận thảo cùng nhau, chẳng khác nào cha con ruột thịt.

Còn việc ngoài đồng thì ông Bá hộ đã có cậy chú Hợi về ở chung với ông đặng lo cày cấy cùng đốn củi đi câu. Chú Hợi gần 50 tuổi mà không có vợ con. Chú làm chung ăn chung cũng như anh em trong nhà, nhờ cậy nhau giúp đỡ nhau, đồng sướng đồng khổ với nhau. Chú nhâm nhẹ, vui vẻ, siêng năng, mạnh dạn. Chú thấy ông Thuận tật nguyền nên chú chiều chuộng, thấy cô Quyên quyết thủ nghĩa nên chú mến yêu, bởi vậy ở trong nhà đầm ấm hiệp hòa, trên dạy dưới vâng lời, dưới làm trên vừa ý.

Từ ngày Lê Hữu Hào ra đi đến nay đã gần 6 năm, không ai nghe tin tức chi hết.

Ông Thuận đã mỏn chí đợi chờ, ông kể chắc con ông đã chết trong trận Chí Hòa, nên ông không nhắc nhở tới con nữa. Ông Bá hộ cũng như bà con trong xóm, ai cứ tới thăm ông Thuận thì kiếm chuyện vui mà nói sợ ông buồn nên không ai dám nhắc tới Hữu Hào.

Còn cô Quyên thì cô cứ tin chồng mình sẽ về, nhưng cô không nói ra, vì cô không có chứng cớ nào để trưng ra mà nói Hào còn sống được. Mai chiều gì cô vẫn cặm cụi lo săn sóc phụng sự cha chồng cho khỏi lỗi lời cô hứa năm xưa. Cô vẫn một mực quyết thủ tiết với chồng, dầu chồng về hay không về cũng vậy.

Một bữa chú Hợi dậy sớm nấu cơm ăn trước rồi hồi khuya, rồi trời mới đâm mây ngang thì chú đã đi ra đồng vần công nhổ mạ với người trong xóm.

Chừng mặt trời mọc ông Thuận mới thức dậy. Cô Quyên múc một tô nước bưng ra cho ông rữa mặt, rồi cô lăng xăng đi ra phía sau mà thả bầy vịt đẻ và lượm trứng đem vô cất trong buồng. Con heo đen lẩn quẩn đi theo cô ịch ịch đòi ăn. Con gà mái vàng dắt bầy con xẩn bẩn chung quanh đóng rơm, bơi kiếm trùng rồi túc túc kêu con xúm lại mà mổ ăn.

Làm việc trong nhà xong rồi, cô Quyên tiếp lo bữa cơm cho cha chồng. Nồi cơm của chú Hợi nấu ăn hồi khuya còn ấm ấm, khỏi nấu nồi khác, cô bèn bắt vài con cá bống dừa mà làm, rồi với lấy nắm rau dền cô hái hồi chiều hôm qua, cô nấu một tô canh cho cha chồng ăn, chớ cá kho với tép rang khô sợ cha ăn không được.

Nấu dọn một mâm cô bưng ra để trên ván rồi mời cha qua ăn. Cô cũng ngồi lại đặng mà gắp cá chan canh cho cha.

Cha con ăn được một chén mới bắt đầu ăn chén thứ nhì, cô Quyên bỗng nghe ngoài rạch có tiếng người nói chuyện, rồi một lát cô ngó ra trước bến có thấy một chiếc ghe bảng lồng đang ghé lại, người chèo đang lấy chèo mà cặp nên khua lộp cộp. Trong xóm không có ai có chiếc ghe như vầy, cô Quyên lấy làm lạ, không biết ghe ở đâu lại đây, mà ghé đến bến mình làm chi, bởi vậy cô chống đũa ngó trân trân.

Nước lớn đầy nên ghe đậu sát mé sân. Một người đàn ông tay vịn cây sào, chưn bước lên sân, bộ ốm yếu nên chậm chạp. Đứng vững rồi mới day lại vói đỡ một đứa nhỏ chừng vài tuổi đem lên để đứng một bên.

Một thiếu phụ bước lên bờ nữa. Bước gọn gàng tay xách một gói lớn. Hai bên nói tiếng người còn ở dưới ghe, rồi cùng nhau đi ngay vô cửa. Người đàn ông đi trước, chân đi nhút nhát nên không mau, lại tay dắt đứa nhỏ bặm trợn. Người thiếu phụ xách gói đi sau dơ dác ngó vô nhà, ngó hai bên, bợ ngợ với cảnh lạ.

Cô Quyên chăm chú ngó rồi buông đũa mà nói lớn:

- Ý! Anh Hào về cha à!

Ông Thuận để chén cơm xuống ván mà hỏi.

- Về ở đâu?

Cô Quyên vừa bước xuống đất vừa đáp:

- Ảnh về ghe. Ảnh vô tới giữa sân kìa kìa.

Cô hân hoan bước ra cửa đứng đón.

Ông Thuận hỏi tiếp:

- Thằng Hào nó về thiệt hay sao con? Hay là con nằm chiêm bao?

- Không. Thiệt anh Hào mà. Ảnh vô gần tới đây nè.

- Đâu. Biểu nó đi riết vô coi.

Cô Quyên nhìn không sai. Thiệt quả Lê Hữu Hào về, có dắt theo một thiếu phụ với một đứa nhỏ, cô không biết là ai. Nên nói phứt cho rồi. Đó là vợ con của Hào, vợ là Thị Chức, còn đứa con trai tên Hùng sanh mơi được 13 tháng.

Hào vô gần tới cửa, nghe cha biểu đi riết vô thì chàng buông tay thằng Hùng mà rán đi lẹ hơn vừa đi vừa nói: “Thiệt con về đây cha, chớ không phải hồn ma đâu”.

Hào bước vô nhà thấy cha đương ngồi bên mâm cơm thì nói:

- Con được về tới nhà, lại thấy cha còn mạnh con mừng quá.

Hào thấy cha huơi tay mà hỏi:

- Đâu? Hào đâu? Lại đây cho cha hỏi đâu nào.

Hào vừa đi lại vừa hỏi:

- Mắt cha hết thấy hay sao cha?

- Đui mà thấy gì được. Còn sống đây là may.

- Trời đất ơi! Khổ cho thân cha như vậy hay sa ông Thuận?

Ông Thuận huơi tay đụng Hào, ông nắm cánh tay đứng lại một bên, rồi ông khóc mà nói: “Mấy năm nay cha chắc con đã tử trận lúc thất bại đồn. Cha có dè đâu con còn sống về đây”.

Hào cũng ôm cha mà khóc.

Cô Quyên chưa biết Thị Chức là ai, thấy cô nọ xớ rớ dựa cửa, một tay xách gói một tay xách em nhỏ, thì cô mời vô ngồi tại bộ ván nhỏ dựa vách xông. Thị Chức để cái gói một bên và đở con lên ngồi một bên.

Cô Quyên bước lại mời ông Thuận ăn thêm cho no rồi sẽ nói chuyện. Ông Thuận nói: “Thôi, ăn no rồi, mừng quá ăn giống gì nữa được. Con dẹp đi rồi lo làm cá nấu cơm cho Hào ăn”.

Cô Quyên bưng hết mâm cơm đi vô trong, Hào ngó theo rồi hỏi cha:

- Cô Quyên vô đây ở với cha hay sao?

- Chớ sao? Nhờ có nó nên cha mới còn sống đây.

- Anh Tư Cầu ra ruộng hay đi đâu mà nãy giờ không thấy anh?

- Chết rồi. Chết gần ba năm nay. Nó theo đoàn phục kích tại Truông Cóc. Tuy nghĩa binh xóm Tre mình đại thắng song bị tử trận hết 2 người là thằng Cầu và con Hai Chỉ.

- Rủi quá! Cha mù quáng mà anh Tư Cầu lại chết, rồi cha làm sao mà sống?

- Cha nói có con Quyên. Con đi rồi thì đôi ba bữa nó vô thăm cha một lần. Hễ nó vô thì nó dọn dẹp quét tước, vá áo giặt đồ cho cha. Nó chăm nom miếng ăn, chỗ ngủ. Đến Chừng đại đồn thất thủ. Gò Công bị Tây chiếm, cha buồn rầu cha mang bịnh. Con Quyên vô ở đêm ngày mà nuôi cha. Nó lo cơm cháo, thuốc men vì thằng Cầu bị bận việc ngoài đồng nó có lo gì được. Cha đau trót mấy tháng trời mới mạnh mà rồi lại trở qua đau con mắt. Cũng con Quyên lo nuôi cha nữa. Xức đủ thuốc mà không hết rồi mây kéo bít con ngươi, hết thấy đường đi.

“Chừng ông lớn Định qui tụ nghĩa binh đánh lấy Gò Công lại, binh Tây thua chạy qua Truông Cóc bị xóm mình phục kích thắng một trận vẻ vang quá. Nhưng bên mình mất thằng Cầu với thằng Giác. Anh Bá hộ thấy cha mù quáng lại ở trơ trọi một mình, anh mới cho con Quyên vô ở luôn trong nầy mà nuôi cha. Anh lại cậy chú Hợi ở với cha thế cho thằng Cầu mà cày cấy và kiếm tôm cá. Nhờ có vậy cha mới sống được đây. Nếu không có nó thì chắc, cha phải chết năm mất Gò Công kìa chớ.”

Hào thở dài mà nói:

- Ân nghĩa nặng nề quá! Biết nói làm sao bây giờ!

Ông Thuận nói:

- Cha chắc con chết quá. Trong xóm tuy họ không nói ra, song ai cũng nghĩ như cha vậy. Duy có một mình con Quyên cứ cãi, nó nói con không chết. Nó chí quyết chờ con hoài, dầu thiệt con chết nó cũng thủ tiết. Bây giờ con về thì làm đám cưới, chớ có gì đâu mà khó.

Hào bước vô trong kêu Quyên mà nói:

- Em khoan nấu cơm đã em. Hồi sớm mơi có ăn cơm dưới ghe rồi, chưa đói đâu. Em ra ngoài cho qua nói chuyện một chút.

Cô Quyên rửa chén vừa rồi, chưa lấy gạo nấu cơm, kế nghe Hào kêu thì cô lật đật lau tay rồi múc một tô nước mưa bưng ra cho ông Thuận, vừa cười vừa nói: "Cha uống nước đây cha. Nãy giờ cha mắc nói chuyện. Mà lộn xộn rồi con quên lửng".

Ông Thuận cũng cười mà nói: "Cha mừng rồi cha cũng quên uống nước". Ông bưng uống hết nửa tô rồi trả tô Quyên đem để trên bàn.

Hào biểu cô Quyên ngồi, rồi chàng lại đứng trước mặt cô mà nói:

- Nãy giờ qua nghe cha thuật chuyện ở nhà em thay thế cho anh mà săn sóc, lo lắng tiếp dưỡng cha rất chu đáo. Qua rất cảm tình cảm nghĩa của em, tình nghĩa ấy dầu ngàn năm qua cũng không quên được. Qua nghĩ lại phận qua thì qua có ăn học nhiều, mà qua ăn ở không bằng em, qua lấy làm hổ thẹn. Qua xin em ngồi để cho qua tỏ thiệt việc của qua cho em với cha nghe. Em được biết rồi dầu em bắt tội qua cách nào, qua cũng phải chịu hết.

Hào day lại nói với ông Thuận:

- Thưa cha, cha đã thuật việc ở nhà cho con nghe rồi. Bây giờ con xin cha để con nói cho cha hiểu tại sao năm sáu năm nay con không về, mà cũng không cho cha biết tin tức chi hết. Số là năm đó con với mấy bạn học của con lên tới Chí Hòa vào trình diện. Viên quan coi sổ tướng sĩ mới chia tụi con ra mỗi người theo một đại đội, đóng riêng một chỗ. Con lo viết giấy tờ vậy thôi. Tiếc có một điều là mấy anh em con phân cách nhau nên có việc gì buồn không biết ai mà than thở.

Ông Thuận chặn mà nói:

- Chú Phó Tha có vô Sơn Qui kiếm cậu Minh đặng hỏi thăm con. Cậu cũng nói y như con vậy.

- Anh Minh còn mà về hay sao?

- Còn sống, song cậu nói bị cắt mỗi người ở một nơi cậu không gặp con nữa, nên không biết con tử trận hay còn sống.

- Anh em bạn học của con ai còn ai mất đến bây giờ con cũng không biết được. Riêng về phần con thì con nhập theo đội binh đóng tại Phú Thọ. Tướng sĩ trong đội binh này chủ yếu có gốc gác ở Long Hồ. Cả thảy đề cường trắng, lại có tinh thần chiến đấu mạnh lắm. Con ở đó cả năm không hiểu sao mà quan ta không ra lịnh tấn công đặng đoạt thành Gia Định lại. Nghe nói số binh của mình đã hơn một muôn đóng vòng cung bao quanh từ phía Gò Vấp vô tới Rạch Cát mà cứ lo xây thành đắp lũy, đào hố đào hầm lập thế thủ chớ không lập thế tiến công. Án binh bất động lâu ngày quá tướng sĩ chán nản, mất hăng hái hết. Bên địch lâu lâu cho một toán quân ra nhử thử coi bên mình chỗ nào mạnh, chỗ nào yếu, sao mình không chịu lập vài đoàn cảm tử quân mà cho len lỏi qua mặt Thị Nghè, Xóm Chiếu, rồi ra lịnh tổng tấn công toàn diện. Mấy đội cảm tử xung phong hảm thành. Mình đông chúng ít, chúng làm sao giữ thành cho nổi. Cư lo đắp lũy đào hầm hoài, đợi năm sau giặc thêm binh tiếp viện, có súng lớn súng nhỏ nhiều, chúng tấn công đại đồn, đại bác bắn nát thành lũy của mình hết. Binh mình không có chỗ núp nên phải tổn thất rất nhiều.

“Đội binh Phú Thọ của con bực tức về sự không đánh được mà lại phải chết với trái pháo, nên đồng lòng xung phong hảm trận. Con cũng bỏ bút nghiên mà cầm binh khí mà xông vào trận với tướng sĩ đồng đội. Binh ta thắng, giặc chết rất nhiều rượt vô tới vùng mã Ngụy hồi trước. Nhưng phần con rủi, nên con bị đạn nát ống chân mặt đây.

Hào kéo ống quần muốn trình cho cha xem, song chàng nhớ lại cha mù quáng làm sao mà thấy được, mới day lại trình với cô Quyên mà nói tiếp:

- Con bị đạn nên té quị nằm dài trên dám cỏ. Chớ chi mấy đội khác đều tấn mạnh được như đội Phú Thọ này thì giặc phải thua. Té ra chỗ tấn không nổi, có chỗ lại thối lui, rồi sau lại nghe đại binh ở Chí Hòa đã đổ, thành thử đội Phú Thọ phải thối ra cho khỏi bị giặc vây. Binh đi ngang có chỗ con nằm có người thấy con bên kề lưng cõng con chạy. May quá, vừa khỏi chiến trường thì gặp một chiếc xe bò chở đàn bà con nít đi trốn giặc cho khỏi lằn đạn. Binh lính mới gởi con cho xe bò đó chở giùm con đi. Trời đã sụp tối, giặc không rượt theo. Nội canh hai xe bò lên đến xóm Tham Lương, thấy có một cái nhà lớn họ mới ngừng xe vô xin trú ngụ. Họ dìu dắt con vô nhà. Chủ nhà kiếm đồ đâm và bó chân con lại mà cầm máu. Nhờ vậy nên máu hết chảy nữa. Vì đuối sức con nằm thở thoi thóp, con chắc chết không thể chịu nổi. Người ta nấu cháo ép con nằm mà ăn và mằn chân con rồi nói đạn xuyên qua bắp chuối chớ xương ống quyển không gãy.

Ông Thuận nói:

- Bị thương nặng như vậy cũng đủ chết được, cần gì đợi gãy ống quyển.

Hào nói:

- Đêm có binh của mình chạy ngang qua Tham Lương không ngớt. Mấy người đó sợ sáng mai giặc rượt theo thì nguy, nên qua canh tư họ đem con mà chở đi nữa, đi tới sáng qua khỏi Bà Điểm rồi nghe có tiếng súng nổ bên Thuận Kiều. Họ đi luôn không dám ngừng lại. Trưa qua khỏi Trầm Lạc, ghé xóm xin cơm ăn với nhau rồi đi nữa, đi tới chiều tối mới tới xóm đông kêu là xóm Củ Chi, chủ xe bò có người bà con ở xóm đó mới hỏi thăm nhà rồi ghé xin cho tá túc ít ngày đặng lánh nạn. Trong xóm người ta hay có người chạy giặc mới đến họ áp lại hỏi thăm lăng xăng. Có một bà hay con là chiến sĩ bị thương nặng, mới nói bà có người con trai lớn ở trong xóm biết thuốc xức ghẻ cùng vết thương bị dao mác chém, vậy để bà nhắn con bà ra làm thuốc cứu con. Bữa sau thiệt có Hai Lân là con bà đó, nghe người ta kêu là bà Năm, đến hỏi thăm bịnh con, rồi mượn người võng con lại nhà bà Năm nói rằng nhà bà rộng rãi, lại bà ở với một người con gái mà thôi, nên đem con để ở đó mà xức thuốc cho tiện và sẵn có người lo cơm cháo cho con. Con đau đớn nhức nhối quá, con chắc con sắp chết nên ai làm sao thì làm. Hai Lân hái lá cây nấu nước mà rửa vết thương cho con, coi rồi nói đứt vài cái gân, chớ không gãy xương nên có thể cho thuốc lành mạnh được. Anh làm thuốc và ở đó xức cho con vài ngày rồi anh về, dặn người em gái là Chức, người đưa con về đây, săn sóc con.

Hào nói tới đây thì đưa tay chỉ cô Chức đương ngồi với con bên vách xông, không nói chi hết. Cô Quyên day qua ngó cô Chức, còn ông Thuận không thấy được nên ông hỏi:

- Có ai đưa con về hay sao?

- Thưa có. Cô Chức đưa con qua bên Thủ Dầu một đặng mướn ghe đưa về, may có ghe chở đường xuống miệt Gò Công mà bán, nên cô hỏi rồi quá giang mới về được đây.

- Vậy mà nãy giờ cha có hay đâu. Có thầy có thuốc cứu con khỏi chét, mà con ở làm chi trên Củ Chi đến năm nay con mới về?

- Thưa, có phải xức thuốc mà hết liền đâu. Con phải chịu nhức nhối đau đớn gần một năm, ăn ngủ không được, nằm liệt một chỗ, thân thể ốm như tàu lá. Nhờ mỗi ngày cô nấu lá cây, lấy nước mà rửa máu mủ rồi xức thuốc, phải đút cho con từng muỗng cháo, phải thay quần áo mà giặt, phải bưng đổ đồ dơ cho con nữa. Con phải chịu khổ như vậy trót cả năm vết thương mới bắt đầu kéo da non nên hết nhức nữa. Con ngồi dậy được, nhưng cũng chưa đi đứng được. Con thấy mới khỏi chết. Con nóng nảy ở nhà cha mạnh giỏi thế nào, bà con xóm mình có chịu cuộc tang thương hay không, con tỏ ý muốn mướn ghe đưa con về. Mẹ con cô Chức nói Củ Chi có sông rạch gì đâu mà có ghe, lại theo an ủi con, nói vết thương của con chưa lành, thân thể con còn ốm yếu quá làm sao mà đi xa cho được.

“Con phải nương náu ở đó cho tới năm nay, vết thương mới lành, sức khỏe mới phục. Bà Năm thấy con đi còn nhút nhắt song đi được mới mướn xe bò rồi biểu cô Chức đem con qua chợ Thủ Dầu một đặng liếm ghe đưa con về Gò Công. May có ghe sửa soạn chở đường chở thuốc đem xuống đây bán nên con với cô Chức mới xin quá giang mà về được.”

- Cô Chức có công với con, cũng như cô Quyên ở nhà có công với cha vậy. Cô Chức săn sóc nuôi dưỡng con, đã cứu con khỏi chết mà còn chịu khó đưa con về tới nhà nữa. Công ơn thiệt lớn quá. Mà rồi đây biết làm sao mà đưa cô về Củ Chi nè?

Hào châu mày day lại ngó Cô Chức. Cô Quyên cũng ngó theo.

Hào du dự một chút rồi cương quyết nói:

- Thưa cha, cô Chức sẽ ở luôn dưới này.

- Ủa! Sao vậy?

- Con xin lỗi cha, mà anh cũng xin lỗi luôn với em Quyên nữa. Thưa cha, để con tỏ thiệt tâm sự của con cho cha với em Quyên hiểu. Con nói phứt ra cho rồi, không lẽ giấu hoài. Trong lúc bịnh nặng con thấy chết trước mắt, con chẳng khác nào người chơi vơi lặn hụp giữa dòng sông, gặp vật chi cũng quơ níu để duy trì sự sống. Cô Chức có lẽ là người có từ tâm, cô thấy thân con như vậy cô động lòng nên cô đưa tay cho con níu, rồi cô vớt con khỏi chết. Gần một năm thấy cái chết đã qua rồi, cô mừng công cực khổ của cô không phải vô ích, mà con cũng cảm ân đức của cô rất nặng dày. Một người vui làm ơn, một người cảm chịu ơn, hai người lại gái thơ trai trẻ, gần gũi nhau lâu ngày tự nhiên gây cảm tình với nhau. Tình ấy càng bữa càng thêm khắng khít, không thể ngăn cản lòng dục nổi nên mới sanh ra đứa con trai là thằng Hùng, đã được 18 tháng, biết đi biết nói đủ hết, con cũng có dắt nó về với con nữa.

- Mầy có dắt đủ vợ con mầy về đây hay sao? Mầy quá quắt lắm?… hết chỗ nói rồi!

Ông Thuận vừa nói vừa bước chân xuống đất mà đi qua giường của ông mà nằm.

Cô Quyên cũng đứng dậy bỏ đi vô trong.

Bây giờ Hào day lại ngó Cô Chức, thấy cô buồn hiu, đương nắm tay dắt con đi ra ngoài cửa. Chàng thắt ruột, lạnh lòng, thủng thẳng đứng lại gần bên cha mà nói:

- Thưa cha, con nhìn nhận con có lỗi với cha nhiều. Cha đã cầm trầu, cầm cau mà nói vợ cho con rồi. Lại trong mấy năm con vắng mặt cô Quyên ở nhà săn sóc cấp dưỡng cho cha châu đáo. mặc dầu chưa có lễ cưới, cô Quyên cũng phục dịch cha trọn đạo dâu con. Trong lúc ấy con lại quên cô mà giao duyên với người khác. Con đã lỗi với cha, mà con cũng lỗi với cô Quyên nhiều lắm. Lỗi của con thì con chịu không dám cãi chối. Con chỉ lạy mà xin cha xét giùm tình cảnh của con mà châm chế cho con nhờ vậy thôi. Cha dạy cách nào con cũng phải chịu, con không dám cãi. Con cũng xin cha thương luôn phận cô Chức là người có ơn cứu con khỏi chết, mới được về đây mà thấy mặt cha. Con lỡ ăn ở với người ta có một mặt con. Cô lại theo con xuống tới đây. Bây giờ cha đuổi mẹ con cô về nghĩ cũng tội nghiệp cho cô lắm.

Ông Thuận giận nói lớn:

- Mầy làm sao mầy làm. Tao không biết. Tao chỉ biết con Quyên là dâu của tao mà thôi. Tao không biết ai nữa hết.

Hào thấy lời năn nỉ không có hiệu quả, nên đứng buồn hiu một hồi lâu rồi bước ra ngoài. Chàng gặp cô Chức ngồi khóc dựa vách, có bé Hùng ngồi một bên. Chàng bước lại ngồi chum nhum một khóm rồi hai người xầm xì bàn bạc với nhau.

Trong nhà im lìm buồn bực. Hào bặt tin tới năm sáu năm, ai cũng tưởng chết. Té ra chàng còn sống lại được trở về nhà. Mà mừng chưa rồi mà lại gây buồn, cha bối rối phận cha, con bối rối phận con, cha khó xử với cô Quyên, con khó xử với cô Chức. Vì vậy mà cha nằm trên giường bịnh cha ưu phiển, con ngồi ngoài vách con rơi lệ.

Cô Quyên vô trong nảy giờ, cô cặm cụi làm cá nấu cơm dọn cho Hào với Chức ăn. Bưng mâm cơm ra để trên ván rồi cô bước ra ngoài kiếm Hào. Thấy Hào đương ngồi nói rù rì với Chức, cô mời hết hai người vô ăn cơm.

Hào muốn giả lả cho cô Quyên hết phiền mình, nên đứng dậy ép Chức dắt con vô ăn cho Quyên vừa lòng.

Hào với Chức mới ăn được vài miếng cơm thì thấy cô Quyên ở trong buồng bước ra, tay xách gói áo quần.

Hào hỏi:

- E tính đi đâu?

- Em về. Hồi năm trước, lúc ra đi, anh cậy em trong khi anh vắng mặt, em chăm nom giùm cha. Nay có anh về rồi thì phận sự của em chấm dứt, nên em xin từ mà về.

Ông Thuận nằm trên giường nghe cô Quyên nói như vậy thì ông tiếp mà nói:

- Ừ, thôi con về mà nghỉ. Cha cám ơn con lắm. Mấy năm nay cha nhờ có con cha mới còn sống đây. Dầu thế nào cha cũng kể con là con dâu của cha, chớ cha không biết ai hết.

Cô Quyên bước lại từ biệt ông Thuận nói chào Hào và Chức xách gói đi về.

Vợ chồng ông Bá hộ Cầm đương ngồi trong nhà nói chuyện với nhau, bỗng thấy cô Quyên lơn tơn đi vô sân, tay xách gói áo quần.

Ông bà đều lấy làm lạ, nên có ý chờ cô vô đặng hỏi coi về có việc gì hay không. Chừng Quyên bước vô nhà ông Bá hộ liền hỏi:

- Con về thăm nhà, sao lại đem áo quần về nữa?

- Có anh Hào về rồi, nên con đem áo quần về.

- Ủa! Hào về bao giờ? Sao không thấy nó đi ngang qua đây?

- Ảnh về hồi nửa buổi, đi ghe nên ghé bến ở trỏng.

- Té ra nó còn sống. May quá! Vậy mà anh sui cứ nói nó chết hoài. Nó có nói mấy năm nay nó làm giống gì ở đâu hay không? Tại sao nó không về, để cho người ta trông nó dữ vậy?

- Ảnh về có dắt vợ con ảnh về nữa.

- Trời đất ơi! Làm cái gì kỳ vậy? Vợ con ở đâu mà nó kiếm đó? Còn nó về có kè có cánh như vậy, ông già nó có nói làm sao hay không?

- Để rồi con thuật hết cho cha mẹ nghe.

Cô Quyên để cái gói lên ván, sau lưng mẹ.

Bà Bá hộ ngó con bà nói lẩm bẩm:

- Mấy năm nay con nhỏ cực khổ với ông già chồng nó hết sức. Té ra làm mọi mà không ơn. Ví như thằng Hào chết, dầu con mình phải nuôi cha chồng nó mãn đời mình cũng không phiền, chớ con mình chịu cực nuôi cha nó đặng nó cưới vợ khác, ăn ở ngược đời như vậy ai chịu nổi.

Ông Bá hộ can gián:

- Bà nó đừng nóng giận. Để thủng thẳng nghe cho rõ rồi sẽ liệu. Chắc cũng có duyên cớ sao đó nên mới sanh trặc trẹo như vậy. Chớ Hào học giỏi lại có tánh cẩn thận, có lẽ nào nó vong ân bội nghĩa đâu mà giận. Hào về nói làm sao đâu con Quyên thuật lại cho cha mẹ nghe thử coi con.

Cô Quyên bình tĩnh như thường, không giận mà cũng không buồn. Cô ngồi dựa bên mẹ chậm rãi lập lại cho cha mẹ nghe những lời Hào nói với ông Thuận lúc nãy. Cô thuật chuyện Hào ra trận xung phong bị đạn trúng chân nên té quị trên đám cỏ. May có người cõng đem ra gởi cho xe bò chở đi lánh nạn. Đi một đêm một ngày lên tới Củ Chi. Có bà Năm nghe chiến sĩ bị đạn bà động lòng thương nên chứa trong nhà mà nuôi bịnh. Người con trai của bà thì lo thuốc mà cứu, còn người con gái nhỏ thì lo săn sóc đêm ngày. Hào đau đớn nhức nhối, thấy cái chết trước mặt trót cả năm thân thể ốm yếu không ngồi dậy được. Nhờ có cô Chức tận tụy nuôi bịnh, xức thuốc đút cơm, chịu cực khổ chịu dơ dáy cô cũng không nệ, nên hmới khỏi tay tử thần mà phục sức lần lần lại được. Gần hai năm Hào mới đi đứng chút đỉnh trong nhà được, Hào muốn về ngặt vì ở Củ Chi không có sông rạch và ghe xuồng mà mướn đưa, còn đi bộ thì sức ốm yếu, lại chân có tật nên đi nhút nhắt làm sao mà đi xa cho nổi, trong lúc Hào ngoắc ngoải, hết sợ chết nữa, chàng mới cảm tình cô Chức. Cô nọ săn sóc lâu ngày rồi cô cũng cảm tình với chàng. Hai đàng gần gũi riết rồi giao tình với nhau mới sanh được một đứa con trai, bây giờ đã biết đi biết nói. Năm nay Hào thiệt mạnh rồi, còn ốm mà đi nhút nhắt mà thôi. Chàng nhớ xứ sở nên mới mướn xe bò đưa qua chợ Thủ Dầu Một kiếm ghe mà về. Cô Chức dắt con đưa đi. Qua Thủ Dầu Một may gặp ghe đường sửa soạn chở thuốc chở đường xuống Gò Công mà bán, nên Hào với Chức xin quá giang mà về đây.

Ông Bá hộ nhớ lại hồi nãy có người gánh đường với thuốc đem bán trong xóm. Nhà ông có mua. Bây giờ ông mới hay Hào về ghe đó.

Ông kêu bà mà nói:

- Hồi nãy tôi đoán trúng, bà nó thấy chưa? Phải có duyên cớ sao đó Hào mới làm như vậy, chớ đâu phải nó tính bỏ con mình nên cưới vợ khác. Nó nhờ cô Chức cứu nó khỏi chết, nên nó cảm tình cảm nghĩa mà gây cuộc tình duyên. Nếu thiệt nó có ý bỏ con Quyên thì nó về đây làm chi.

Bà Bá hộ nói:

- Chuyện nầy phải xử làm sao đây? Tôi coi khó lắm.

Ông Bá hộ hỏi cô Quyên:

- Hào về có dắt vợ con đùm như vậy rồi, ông Thuận có nói làm sao hay không?

Cô Quyên cười mà đáp:

- Ông già chồng con tối mắt nên hồi mới về ông vui mừng lắm, bởi vì ông có thấy mẹ con cô Chức đâu. Chừng anh Hào thuật chuyện, ảnh nói tới vợ con, thì ông nổi giận. Ông bỏ đi lại giường mà nằm, cứ nói: "Tao biết một mình con Quyên là con dâu của tao mà tôi. Tao không biết ai nữa hết. Vợ mầy thì mầy làm sao mầy làm". Hồi nãy con nói mà về, ông cũng còn nói như vậy. Ông kể một mình con là dâu thôi.

Ông Bá hộ cười mà nói:

- Anh đó khó lắm. Anh nói như rựa chém xuống đất vậy, không dễ gì mà cãi với ảnh. Chuyện nầy khó xử thiệt. Con Quyên thì nó bỏ trầu cau đủ lễ. Nó lại có công nuôi ông già chồng đến năm sáu năm. Cô Chức thì tình cờ ngẫu hiệp, không phải vợ của cha mẹ định, cũng không có cưới hỏi, nhưng mà có công nuôi dưỡng săn sóc Hào hơn ba năm Hào mới khỏi chết, cô lại ăn ở với Hào có một đứa con rồi, hai đàng đều có ơn nghĩa hết, bây giờ bắt đàng nào bỏ đàng nào cũng không khỏi bị phiền trách.

Cô Quyên xách gói quần áo đem vô buồng.

Vợ chồng ông Bá hộ ngồi bàn luận tiếp chuyện đó. Bà Bá hộ cho ông Thuận định phải, ý bà không chịu nhận cô Chức. Ông Bá hộ cãi với bà Bá hộ, ông nói mấy năm nay cô Chức đã ăn ở với Hào, cha mẹ cô bằng lòng, vợ chồng đã có con, chòm xóm đều hay hết, nếu ông Thuận làm gắt đuổi cô về xứ, thì cô mang tiếng xấu với thiên hạ, cô còn mặt mũi nào mà trở về với cha mẹ. Nếu ông Thuận đuổi cô Chức thì tội nghiệp cho thân phận của cô lắm. Còn nếu Hào phải vâng lời cha mà đuổi cô Chức về xứ đặng cưới con Quyên, vì thì đạo làm con Hào, không dám cãi, nhưng vì tình nghĩa Hào phải đau khổ trong lòng hoài, cưới Quyên về, ra vô thấy mặt, như nhắc chuyện cô Chức, thì làm sao Hào yêu Quyên cho được, mà sợ còn oán nữa là khác.

Trong lúc cô Quyên về thuật chuyện của Hào cho cha mẹ nghe đây thì trong nhà ông Thuận, cậu Hào bối rối hết sức. Ăn cơm rồi Hào nói nhỏ biểu cô Chức dọn dẹp, cứ làm công việc trong nhà như thường. Cậu dặn cô ở nhà với cha, để cậu đi thăm ông Bá hộ, là cha cô Quyên, coi ý vợ chồng ông Bá hộ như thế nào.

Hào ra thưa cho cha hay đặng đi thăm ông Bá hộ. Ông Thuận không cản, nhưng ông nói gay gắt.

- Đi thăm rồi nói giống gì? Còn tình nghĩa gì đâu mà thăm viếng?

Hào nói:

- Phải đi thăm mới khỏi thất lễ.

Hào nói rồi đi liền. Ra sân, Hào mới thấy ông chủ ghe đương đứng tại bến. Hào đi ngay lại mà hỏi ông tính ở đây bán mấy bữa rồi đi. Ông nói nội ngày nay chắc bán giáp xóm Tre hết. Người ta nói tại Vàm Rạch Băng bây giờ có nhóm chợ đông đảo có nhà cửa nhiều. Vậy ông tính chiều nay ông dời ghe ra đó đậu bán vài ba bữa, cho bạn gánh vô bán mấy xóm chung quanh. Như thuốc, đường còn nhiều thì ông mới liều mạng vô chợ Gò Công chớ vô đó có Tây u khó lòng quá. Hào nói cô Chức muốn quá giang ghe ông mà trở về Thủ. Vậy nếu ông dời ghe ra chợ Vàm mà không có cô Chức ra đó xin đi liền, thì chừng bán hết đồ rồi ghe về ngang đây xin ông ghé cho cô quá giang.

Ông chủ ghe chịu. Ông nói chắc ông sẽ ghé đặng mua ít chục giạ lúa chở về Thủ vì lúa ở đây giá rẻ quá.

Hào từ biệt ông rồi nhút nhắc đi ra nhà ông Bá hộ. Cậu đi ngang cửa ông Phó Tha, ông Tha ngó thấy, ông chạy ra mà mừng lăng xăng rồi để cho cậu đi. Ông hứa chừng cậu về ông sẽ lại nhà thăm đặng hỏi coi mấy năm nay cậu xiêu lạc xứ nào mà không có tin tức chi hết.

Hào ra tới nhà ông Bá hộ vừa bước vô sân thì gặp Hai Kỳ. Anh em mừng nhau, Kỳ nói Hào ốm quá, lại đau chân, Hào vén ống quần đưa thẹo cho Kỳ coi, rồi anh em dắt nhau vô nhà.

Vợ chồng ông Bá hộ chắc thế nào Hào cũng ra thăm, bởi vậy thấy Hào thì vợ chồng ông không lạ gì, nhưng cũng lại cửa đón mà mừng rể.

Bà Bá hộ thấy Hào ốm hơn xưa nhiều, mà chàng lại bước không gọn gàng ngay thẳng, bà hỏi bị đạn đến mang tật hay sao. Hào phải kéo ống quần trình thẹo ở bắp chân cho cha mẹ vợ xem nữa. Bà thấy thẹo lớn quá nên bà thấy động lòng mà chắc lưỡi. Bà quên giận bỏ hờn, hối Kỳ nhắc ghế cho Hào ngồi, vợ chồng bà với Kỳ ngồi chung quanh hỏi thăm chuyện của Hào lại cho rõ, vì sợ Quyên phiền rồi thêu dệt nhiều điều không đúng với sự thật.

Hào mới thuật hết đầu đuôi cho cha mẹ và anh vợ nghe, cũng như đã nói với ông cha ruột rồi hồi sớm mơi. Chàng kể chuyện kiến trúc đại đồn, cách sắp đặt phòng thủ. Trót cả năm bên địch được binh tiếp viện mới mở cuộc tấn công. Hào quăng bút cầm dao mà theo đội xung phong nên bị thương nặng tại bắp chân, may nhờ có người cõng giùm ra khỏi chiến trường rồi thì đại đồn thất thủ, binh ta tan vỡ. Hào được xe bò chở giùm đi lánh nạn, đi cả đêm ngày mới lên tới Củ Chi. Vết thương ra máu nhiều quá, Hào chắc sắp chết, không còn mong gì nữa. Có bà Năm là một góa phụ hảo tâm ở Củ Chi, bà rước về nhà cho con trai bà lo kiếm thuốc men và để cho đứa con gái là cô Chức, chăm nom đêm ngày thoa thuốc, đút cơm giặc áo quần, chịu dơ dáy. Hào nói phải chịu đau nhức cả năm mới thấy khỏi chết. Chàng tỉ mỉ kể cách tận tụy và cực nhọc của cô Chức đặng cứu chàng khỏi tay tử thần. Vì cảm ân nghĩa nặng nề, lại trai gái gần nhau lâu ngày mới gây cuộc tình duyên rồi sanh con. Chàng nói muốn về xứ sở lâu rồi, ngặt chàng còn ốm yếu quá, vết thương cũng chưa thiệt lành, lại Củ Chi cũng không có ghe xuồng, nên chàng phải nấn ná ở đó cho tới năm nay thiệt mạnh rồi cô Chức mướn xe bò đưa chàng qua Thủ Dầu Một kiếm ghe đi bán đường bán thuốc mà xin quá giang đặng đưa chàng đi luôn về đây.

Ông Bá hộ ngồi chăm chỉ nghe, nhứt là nghe cái đoạn thất đại đồn với cái đoạn cô Chức tận tụy chịu cực chịu khổ mà săn sóc cứu Hào cho khỏi chết.

Hào nói dứt rồi ông Bá hộ hỏi:

- Trước khi con phối hiệp với cô Chức con có nói cho cô biết con đã có hứa hôn với con Quyên rồi hay không?

- Thưa có. Con nằm dưỡng bịnh, cô xẩn bẩn một bên mà săn sóc. Lúc buồn cô hỏi thăm gốc gác và gia đạo của con. Con có tỏ thiệt hết cho cô nghe.

- Cô biết con đã có hứa hôn với người ta rồi, mà cô còn bằng lòng ăn ở với con, cô làm như vậy thì quấy lắm. Cô đoạt hôn của người ta.

- Thưa cha, gần nhau lâu ngày rồi trời khiến cô đem lòng thương con. Con có nhắc sự con có hứa hôn với cô Quyên, bỏ trầu cau rồi, nhưng vì có giặc nên chưa cưới. Cô nói cô thương con, cô không nề chi hết. Cô đã cứu con thoát khỏi tay tử thần, bây giờ cô phải lo tiếp dưỡng cho con thiệt mạnh, đặng con trở về xứ sở. Cô làm cợ con trong một năm cũng đủ cho cô vui lòng, vui vì cứu được mạng của một chiến sĩ. Chừng con mạnh con về thì cô ở lại nuôi mẹ già, thương nhau thì tưởng nhớ nhau cũng đủ. Năm nay con về. Ở với nhau có một đứa con. Cô không nỡ giành con vì nó là con trai, cô phải để nó theo cha đặng dạy dỗ. Sở dĩ cô đưa con xuống tới đây là vì thấy con còn yếu, không đành để cho con đi một mình. Lại cô cũng tríu con, nên muốn đưa nó đi tới nơi chốn đặng sau có nhớ thì biết chỗ mà đi thăm chớ không có ý chi khác.

- Nếu vậy thì cô Chức này biết đều quá. Bây giờ con dắt mẹ con cô về nhà, sớm mơi nầy anh sui tính lẽ nào?

- Con xin thưa thiệt với cha mẹ, khi ra đi cô Chức theo đưa con, mà con không cản, là vì con thầm tính về đây con tỏ hết sự tình cho cha mẹ hai bên biết, rồi con chịu lỗi với cha mẹ hai bên và chịu lỗi với cô Quyên nữa. Nếu cô Quyên nghĩ ân nghĩa nặng dày của cô Chức đối với con, rồi rộng dung để cho cô Chức lại đây để cô khỏi phân ly đứa nhỏ của cô thì tốt, cô khỏi buồn rầu khi xa con, còn con thì con được vuông tròn ân nghĩa. Chẳng dè về tới hồi sớm mơi, cha con nghe con có vợ con, thì cha con giận hờn, nói biết một mình cô Quyên là dâu mà thôi, chớ không nhìn nhận người nào khác. Mà con dòm thấy ý cô Quyên cũng không vui lòng, nên cô bỏ đi về. Thấy tình thế như vậy hồi nãy con có dò ý cô Chức coi cô tính lẽ nào. Cô nói cô tưởng thuận hòa thì cô xin cho cô ở lại đây, trước cô được sum hiệp với đứa con nhỏ dại, sau cô giúp đỡ nuôi dưỡng con yếu đuối. Bây giờ cô thấy cô vui thì nhiều người buồn. Vậy thì cô chịu buồn một mình đặng để cho nhiều người vui. Cô tính cô sẽ kiếm ghe đặng trở về nuôi mẹ, trời khiến cô chỉ được gần con ít năm mà thôi, thì cô phải vâng mạng trời chẳng phiền trách ai hết. Hồi mới gặp nhau cô khẩn vái cứu con khỏi chết đặng chung sống cùng nhau trong ít năm. Lời ước nguyện ấy đã thực hiện y như vậy. Cô không dám mong mỏi hơn nữa.

Ông Bá hộ với Hai Kỳ nghe như vậy thảy đều cảm động, cảm thấy cô Chức là gái phi thường, ham lo cho người hơn à lo cho mình, dám hy sinh để tạo hạnh phúc cho người hưởng.

Ông Bá hộ hổ thầm về cái ý ông tưởng cô Chức quyết đoạt hôn nhân của cô Quyên mà ông biểu lộ hồi nãy. Bởi vậy ông hồi tâm mà hỏi Hào:

- Mà bây giờ con đã có vợ có con, nhứt là có người vợ đã có công cứu con thoát chết, vậy con có tính cưới con Quyên hay là tính hồi hôn? Cha đã hiểu sự tình của con rồi, dầu con hồi hôn cha cũng không trách được.

- Thưa, duyên của con đối với cô Quyên là duyên cha mẹ định. Dầu thế nào con cũng phải cưới chớ đâu dám thay dạ đổi lòng.

Ông Bá hộ châu mày mà ngó vợ và nói:

- Hồi nãy bà nói chuyện nầy khó xử. Thiệt khó lắm chớ không phải dễ. Kỳ vô kêu con Quyên ra đây cho cha hỏi một chút.

Hai Kỳ vô trong kêu cô Quyên ra.

Ông Bá hộ nói:

- Quyên, nãy giờ Hào đã thuật hết công chuyện cho cha mẹ nghe rồi. Nó nói cũng y như lời con nói vậy. Nó lại nói cô Chức đưa cha con nó về đây là có ý muốn biết chỗ ở đặng sau có nhớ con thì lên xuống mà thăm. Chớ chi gia đạo của Hào xui thuận ấm êm bắt cô ở đây luôn đặng cô giúp chồng và nuôi con thì cô không nệ gì. Té ra cô thấy tại cô mà sanh ra xào xáo trong gia đình nên cô tính cô trở về nuôi mẹ. Còn Hào thì bắt con nó ở lại và cũng dâng lễ vật cưới con là duyên của cha mẹ định, cha muốn biết ý con thế nào.

Quyên lại đứng sau lưng mẹ mà nói:

- Thưa, cha mẹ định sao thì con phải nghe vậy. Con không dám cãi. Nhưng con nghĩ anh Hào đã có vợ có con rồi thì thôi. Anh còn cưới con nữa làm chi?

Ông Bá hộ nói:

- Cha chả, con nói gai gắt làm chi vậy con. Công chuyện đã rối lắm rồi, con còn khuấy cho rối thêm làm chi nữa.

- Thưa, con muốn gở rối chớ có tính khuấy rối đâu. Cô Chức ra công cứu anh Hào khỏi chết rồi ăn ở với anh đã được một mặt con. Nếu không có cô Chức thì anh Hào đâu còn mà trở về đặng xin cưới con. Ví như con kể mâm trầu cau mà giành anh Hào thì con hèn quá. Vì vậy nên con phải lui bước nhường anh Hào cho cô Chức là phải hơn. Anh Hào phải ăn ở luôn với cô Chức đặng tròn ơn tròn nghĩa. Con lấy thiệt tình mà nói, chớ không phải nói gay gắt. Con xin làm em của anh Hào, con ở độc thân, trọn đời mà phục dịch cha mẹ.

Ông Bá hộ ngồi suy nghĩ một chút rồi ông nói với Hào.

- Con biểu cô Chức khoan về. Để thủng thẳng cha tính coi, ví như cô chịu ở luôn dưới nầy rồi con cưới con Quyên hay không?

Hào vội vã đáp:

- Việc con cưới cô Quyên là việc cha mẹ hai bên quyết định. Dầu cô Chức ở hay về con cũng phải cưới. Con không được phép thối thác.

- Nếu cô Chức ở lại mà con cưới con Quyên nữa, té ra con hai vợ, rồi ai làm lớn ai làm bé? Cái đó càng khó xử nữa. Con ăn ở với cô Chức trước, lại có sanh con, nếu để cô làm lớn thì sợ con Quyên không vui.

- Thưa không, cô Quyên là vợ của cha mẹ định, lại định trước rồi nữa, tức thị cô ở ngôi chánh thất. Ai giành với cô được. Huống chi cô Chức có muốn tranh làm lớn làm bé chi đâu. Cô thường nói miễn cô được ở đặng phục dịch con và gần thằng nhỏ thì cô vui lòng, dầu cô ở địa vị nào cô cũng không kể.

- Nếu vậy thì dễ một chút. Bây giờ còn khó có anh sui ở trỏng mà thôi. Cha phải bàn lại với ảnh mới xong.

Cô Quyên nói:

- Thưa cha, vợ lớn vợ bé khó lòng, làm sao khỏi xích mích cho được. Con muốn anh Hào ở luôn với cô Chức, anh không cần cưới con nữa làm chi.

Ông Bá hộ trợn mắt mà nạt:

- É!con đừng có cãi. Trai năm thê bảy thiếp gái chính chuyên một chồng. Vợ lớn vợ bé sao lại khó lòng. Bực vua có tới cả trăm vợ. Còn quan thì có vợ rồi có thiếp, lại thêm có hầu nữa. Có xích mích gì đâu, nước mình có "chế độ đa thê" đàn ông có mấy vợ cũng được, bởi vậy mới có tục ngữ "Ba bà giúp một" đó chớ.

Cô Quyên không dám cãi nữa.

Ông Bá hộ nói với Hào:

- Thôi, con về mà nghỉ. Để xế mát cha vô, cha nói chuyện với anh sui rồi sẽ hay.

Hào đứng dậy từ cha mẹ vợ với Hai Kỳ và Quyên mà về.

Bà Bá hộ ngó theo mà nói với ông:

- Hồi con Quyên về nói Hào có dắt vợ con về nữa, tôi nghe tôi phát giận. Bây giờ tôi nghe Hào nói chuyện cô Chức tôi động lòng quá. Mình làm gắt tội nghiệp phận cô chớ. Ông nó tính để cô ở lại làm bé thì phải lắm.

Ông Bá hộ nói:

- Tôi nghỉ đuổi cô thì bất nhân bất nghĩa quá, nên tôi mới tính như vậy cho đâu đó vuông tròn. Ngặt lão Thuận gắt gao lắm. Không biết nói lão chịu hay không chớ.

Cô Quyên nói:

- Bộ giận lắm. Con sợ cha giải hòa không được đâu.

Cô nói rồi bỏ đi vô trong.

Bà Bá hộ chỉ theo mà nói với ông:

- Nó dựa hơi ông Thuận nên bộ nó không chịu bắt cô Chức ở lại làm bé thấy hôn.

Ông Bá hộ nói:

- Nó làm con, tôi biểu sao nó phải nghe vậy. Con nít mới lớn lên, nó có biết phải quấy gì đâu. Ở đời mình phải biết thương người. Mình muốn cho phần mình, ai chết mặc ai, ăn ở như vậy thì cất đầu lên sao nổi.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×