Tỉnh mộng - Chương 10 (hết) (Hồ Biểu Chánh)

83 lượt xem

Kỳ-Tâm ra về rồi, bà Phủ không yên trong lòng, nằm ngồi không đặng, nên đi dạo ngoài vườn cho khuây lãng. Yến-Tuyết bồng con ra để nằm trên ván, rồi lại đứng dựa cửa sổ mà ngó ra sân. Trời gần tối mà lại chuyển mưa, nên gió thổi cây lá lào-xào, mây giăng tứ bề đen kịt. Bà Phủ ở ngoài vườn bước vô hối đốt đèn rồi dọn cơm ăn. Hai mẹ con ngồi ăn cơm, không ai nói tới ai, xem ra dường như mỗi người đều có việc lo riêng mà không thế tỏ bày với nhau cho đặng vậy. Ngoài sân mưa ào-ào, nước máng xối chảy vô lu nghe rổn-rổn. Gió tạt ngọn đèn xao xuyến, làm cho trong nhà lúc mờ lúc tỏ không chừng; chớp nhoáng đầu nhành sáng trưng coi ra ngoài vườn chỗ đỏ chỗ đen phát sợ.

Ăn cơm rồi Yến-Tuyết thì ngồi trên ván mà cho con bú, còn bà Phủ thì ngồi bên kia mà ăn trầu. Ngoài sân giọt mưa đã dứt, nhưng mà nước đọng trên nhành còn rơi lộp-độp bên vách tường; sau vườn luồng gió chưa tan, bởi vậy lòn vào trong nhà mà phất bay phơ che cánh cửa. Bà Phủ mới nói với Yến-Tuyết rằng: “Nhờ có thầy hai che đậy giùm, nên từ năm ngoái đến năm nay mẹ con mình bình an, khỏi tiếng tăm chi hết. Không biết sao mà thằng Tổng nó giận nó muốn đuổi thầy. Má sợ thầy giận, rồi thầy ra khỏi nhà thầy kiếm chuyện xấu của mình thầy nói bậy nói bạ mình chịu sao đặng. Thầy biết chuyện nhà của mình hết, hễ thầy đi rồi thì lẽ gì thầy không nói. Nếu thầy viết trong mấy tờ nhựt-trình thì Lục-tỉnh họ hay hết, cha chả là khổ …” Yến-Tuyết nghe mẹ nói thì không cãi lẽ, cứ ngồi ngó ngay vào vách, nước mắt rưng-rưng, mà mặt coi giận lắm chớ không phải buồn, bà Phủ tằng-hắng vừa muốn nói nữa, bỗng nghe ngoài ngõ có tiếng kêu rằng: “Quới a, Quới, ra mở cửa, nghe không”

Bà Phủ kêu tiếp thằng Quới rồi nói với Yến-Tuyết rằng: “Bữa nay thầy hai sao lại về ban đêm. Mà trời mưa dông ướt-át thẩy về làm gì kìa?”

Yến-Tuyết thở ra, bồng con vào trong buồng. Thằng Quới mở cửa ngỏ rồi, thấy Kỳ-Tâm xâm-xâm đi vô, mình mặc bộ đồ tây xám, bâu rách, cửa tay xười, chơn mang giày đen cũng cũ; bộ đồ nầy là đồ mặc trong lúc gặp Tế-Thế bên Mỹ-Tho. Bà Phủ thấy nón của thầy bị giọt mưa lốm-đốm, quần của thầy bị bùn văng lấm ống, bà mới hỏi rằng:

- Thầy đi xe hay là đi bộ?

- Thưa, tôi đi bộ. Trời mưa xe kéo rút về nghỉ nên kêu không được cái nào hết.

- Bữa nay mưa mà trời lại dông dữ quá.

Kỳ-Tâm kéo ghế ngồi, rồi lấy thuốc ra mà hút không nói chi hết. Bà Phủ nghi cho Kỳ-Tâm vô là có ý tỏ việc chi đây nên bà ngồi cứ liếc dòm Kỳ-Tâm hoài. Cách một hồi Kỳ-Tâm mới đứng dậy mà nói rằng: “Thưa bà, tôi là đứa chán đời muốn thấy nhơn tình cho đáo để nên mới giúp đặng danh tiếng giùm cho nhà bà và thầy Cai. Tôi có ham giàu sang như họ vậy đâu, giàu sang như họ đó mà tốt gì, còn nghèo hèn như tôi đây có xấu đâu. Hơn một năm nay có lẽ bà cũng biết tánh tình của tôi chút đỉnh. Bà nghĩ lại mà coi, tôi có làm hoặc tính điều chi trái với phận sự của tôi chăng? Đâu có! Ngày nay thầy Cai muốn lấy nghĩa làm thù, muốn đổi ơn ra oán; thuở nay tôi biết nhơn-tình đã nhiều, mà tôi chưa thấy việc như vậy; nay tôi biết thêm một điều nữa thiệt là tôi mừng vô cùng. Tôi vô đây là vô đặng mà thưa cho bà hay rằng sáng mai tôi đi, bởi vì thầy Cai không muốn cho tôi ở nữa thì tôi đi, chớ tôi cưới vợ coi tiệm có ích lợi chi cho tôi, mà tôi phải cố lỳ để cho kẻ giàu sang họ khinh bỉ”

Bà Phủ tuy thấy Kỳ-Tâm với Trường-Xuân cãi cọ với nhau hồi trưa thì bà đã nghi Kỳ-Tâm không chịu ở nữa, song bà nghe Kỳ-Tâm nói mấy lời thì bà bối rối vô cùng. Bà sợ hễ Kỳ-Tâm ra khỏi nhà rồi anh ta nói bậy, rơi tiếng xấu cùng trong xứ, bởi vậy khí thì mát mẻ mà bà muốn đổ mồ-hôi. Bà khóc và nói bệu-bạo rằng: “Thằng Tổng nó nóng giận, thầy chấp nó làm chi. Nhờ ơn thầy bảo bộc nên hơn một năm nay danh tiếng của mẹ con tôi mới đặng vuông tròn, nếu thầy ra khỏi nhà thì chắc mẹ con tôi xấu-hổ lắm. Vậy xin thầy có làm ơn thì làm giùm cho trót, dầu thế nào thầy cũng nghĩ bụng mẹ con tôi chớ nếu thầy không thương chắc là mẹ con tôi khốn-khổ lắm”.

Kỳ-Tâm nghe nói tức cười rồi đáp rằng: “Thưa bà, mấy lời bà nói đó làm cho tôi buồn nhiều hơn nữa. Bà sợ hễ tôi ra khỏi nhà rồi tôi đem chuyện xấu của nhà bà mà rao ra cho thiên-hạ biết hay sao? Thưa bà, thuở nay người ta thường làm như vậy, hễ thương thì nói tốt, giận thì nói xấu. Mà khi tôi vô làm tốt giùm cho bà, là làm cầu vui chớ có phải là vì thương bà đâu, nay tôi ra là tại tôi hết muốn ở nữa, chớ tôi cũng chẳng giận ai mà bà sợ tôi nói. Xin bà chớ tưởng bụng tôi như bụng thiên-hạ vậy mà tội nghiệp cho tôi.”

Bà Phủ tuy là người nói chuyện giỏi, biết tráo trở, biết dịu ngọt, biết cân lời nặng tiếng nhẹ, biết dẫn tích xa lý gần, song bà chưa từng nghe ai nói giọng dị kỳ như giọng của Kỳ-Tâm vậy, nên ngơ-ngẩn không đối đáp đặng, bà cứ năn nỉ Kỳ-Tâm đừng giận, để thinh thoảng rồi sẽ tính. Hai người nói chuyện đến 10 giờ, Kỳ-Tâm muốn kiếu từ về tiệm, bà Phủ lại theo cầm ở lại mà ngủ. Lúc ấy trời mưa lớn, phần thì không có xe, nên Kỳ-Tâm phải vưng lời ở lại nhà bà mà nghỉ.

Kỳ-Tâm mở giày cổi áo rồi nằm tại bộ ván ngoài. Bà Phủ kêu thằng Quới biểu đóng cửa rồi đi theo nó xuống nhà sau, đưa cho nó một đồng bạc mà dặn rằng: “Nầy, con ngủ rồi khuya thức dậy cho sớm, đi xe lửa qua Bến-Tranh mời thằng Tổng qua lập tức cho bà nói chuyện nghé. Như nó có hỏi bà có chuyện gì, thì con thưa rằng thầy hai thầy phiền, muốn bỏ tiệm lúa mà đi làm việc trên Sài Gòn, nên nó phải qua mà tính công chuyện chớ để trễ không đặng. Con nhớ nói rõ ràng, nghe không con.”

Khuya thằng Quới thức dậy đi qua Bến-Tranh. Trường-Xuân nghe nói Kỳ-Tâm tính bỏ tiệm mà đi, thì cũng sợ anh ta ra khỏi rồi đem chuyện xấu của mình mà bán rao, nên ngồi xe hơi lật-đật đi liền. Đi dọc đường Trường-Xuân nhớ những lời mình nói nặng-nề với Kỳ-Tâm hôm qua thì ăn-năn lắm. Anh ta thầm nghĩ chớ chi mình dùng lời dịu ngọt mà dụ dỗ thì cõ lẽ đặng việc hơn. Thôi, để qua đây mình năn-nỉ cho nó ở lại, rồi sau sẽ tính; nếu nó không chịu, mình hứa cho nó tiền nhiều thì chắc nó mê chớ gì. Anh ta đã tính như vậy mà cũng không yên lòng, bởi vậy qua đến Tân-An anh ta ghé nhà Tế-Thế mà thuật sơ chuyện Kỳ-Tâm đòi đi cho Tế-Thế nghe, rồi mượn Tế-Thế đi với mình vô nhà bà Phủ mà nói giùm. Ngày ấy nhằm chúa nhựt, mà hơn một năm nay Tế-Thế mượn tiền bạc của Trường-Xuân cũng nhiều rồi nên người ta cậy không lẽ từ chối, nên lật-đật thay áo đổi quần mà đi với Trường-Xuân.

Sáng bữa ấy bà Phủ không cho mở cửa mà cũng không cho nói chuyện lớn, bởi vậy Kỳ-Tâm nằm đắp mền ngủ hoài, đến tám giờ nhờ có Kỳ-Phùng trong buồng khóc om-sòm, anh ta mới giựt mình thức dậy. Bà Phủ đã sai chín Hữu đi mua đồ ăn sẵn rồi, nên Kỳ-Tâm rửa mặt thay đồ vừa xong bà hối bưng cà-phê bánh mì ra cho Kỳ-Tâm lót lòng. Bà Phủ ân cần tiếp đãi, tính cầm Kỳ-Tâm ở lại mà chờ Trường-Xuân qua. Bà cứ theo can gián hoài và xin Kỳ-Tâm thương bụng bà. Kỳ-Tâm đã quyết định bỏ mà đi, nên thấy bà hậu đãi thì cười thầm trong bụng, có ý để coi bà làm thế nào. Chẳng dè đến 9 giờ rưỡi nghe xe hơi ngừng ngoài cửa, rồi thấy Trường-Xuân với Tế-Thế thủng-thẳng đi vô. Kỳ Tâm dòm thấy vậy thì hiểu ý bà liền, song để coi mưu kế thể nào, nên ngồi cười không nói chi hết.

Trường-Xuân với Tế-Thế bước vô, Kỳ-Tâm đứng dậy chào hỏi lơ-là, chớ không niềm-nỡ như mấy lần gặp trước. Bộ Trường-Xuân coi bợ ngợ lắm, còn bà Phủ muốn nói, song không biết làm sao mà khởi đầu, Tế-Thế thấy vậy mới hỏi Kỳ-Tâm rằng:

-   Tôi nghe có việc gì mà lộn-xộn đó vậy anh?

-   Có việc gì lộn-xộn đâu?

-   Nghe nói anh tính đi đâu đó?

-   Ừ, phải. Hồi đó anh Tổng có giao hễ chừng nào anh biểu thôi, thì tôi phải thôi liền. Nay ảnh không muốn cho tôi ở nữa thì tôi đi, chớ có chi đâu mà lộn-xộn.

- É! Bậy lắm nà! Đi đâu? Anh đi rồi tiệm lúa ai coi?

-   Vậy đó có phải là việc của tôi đâu mà anh hỏi vậy. Ai coi tự ý hội chớ. Tôi làm giùm mà chơi đặng cho thiên-hạ khen bà đây có rể buôn bán giỏi vậy thôi, chớ tôi có lợi gì mà tôi lo.

-   Anh nói vậy sao phải?

-   Anh thiệt giống thiên-hạ quá! Phải, tôi là đứa nghèo hèn có nói lời nào là lời phải đâu! Anh cũng là tụi bợ đít kẻ giàu sang, học như anh vậy mà học làm gì?

Tế-Thế mắc cỡ ngồi lặng thinh không biết nói sao đặng. Trường-Xuân mới đứng dậy mà đốt thuốc hút và nói rằng:

-   Dượng hai …

-   Bây giờ còn kêu tôi bằng dượng nữa mà làm gì?

-   Hôm qua tôi nóng giận tôi nói lỡ nhiều lời nặng, xin dượng chớ phiền. Nếu dượng giận tôi dượng bỏ đi thì khó cho tôi lắm, bởi vì hễ dượng đi thì tôi phải dẹp tiệm lúa chớ ai mà coi …

-   Thầy thiệt là một người giả dối không ai bằng. Mỗi việc thầy đều làm giả hết thảy.

-   Tôi có dối dượng việc nào đâu mà dượng nói như vậy?

-   À, nếu thầy muốn biết xin thầy ngồi xuống, rồi tôi nói hết cho thầy nghe. Phàm đàn-ông con trai đi cưới vợ là có ý muốn lập nên gia-thất rồi sanh con đẻ cháu đặng nối nghiệp lâu dài. Thầy đi cưới vợ không có ý đó, muốn cậy thế bên vợ mà làm sang trọng, chớ không kể chi là gia thất, dường ấy không phải là thầy dối đời hay sao? Thầy có vợ rồi mà bà đây là dì ruột của thầy, cô hai ở nhà là em thầy, thầy lại không kể nghĩa bà con, thầy làm cho hư danh tiết của em gái thầy, rồi thầy chạy sấp chạy ngửa kiếm người nôm giùm đặng che miệng thiên-hạ, nếu thầy nói rằng thầy đây không giả dối, vậy chớ thầy làm chi vậy? Ngày nay thầy đặng làm ông Tổng rồi, thầy nghĩ dầu bây giờ vợ thầy có hay cũng chẳng hại gì, bởi vậy thầy muốn đuổi tôi đi đặng cho thầy qua lại nhà nầy cho dễ, mà thầy không chịu nói thiệt rồi thầy lại kiếm cớ khác mà nói. Rồi bây giờ tôi đi, thầy sợ tôi ra khỏi đây tôi báng rao xấu hổ, mà thầy lại bày chuyện nói rằng tôi đi thì không ai coi tiệm lúa, thầy nghĩ lại mà coi có phải là thầy dối luôn với tôi nữa hay không? Trước khi tôi chịu giúp thầy thì tôi có buộc thầy dầu việc gì cũng phải thiệt tình với nhau, bởi vì tôi chịu làm chàng rể giả là ý tôi muốn dối thiên-hạ đặng giúp giùm cho thầy mà thôi, chớ tôi không chịu dối thầy. Nay thầy bội ước thì tôi không thế giúp nữa. Bề nào tôi cũng đi, thầy đừng có nhiều lời vô ích. Song trước khi tôi từ giã thầy, tôi làm ơn nói giùm ít lời cho thầy biết; tuy là đời nầy thiên-hạ đều giả dối hết thảy, song nếu mình muốn cho hơn thiên-hạ thì đừng thèm giả-dối mới đặng. Thầy giàu mà thiếu gì người khác giàu hơn thầy. Nếu thầy đừng giả dối thì tự nhiên không ai bằng thầy đặng. Mà thầy có tiền nhiều, có quyền lớn, thiên-hạ họ vị thầy, nên làm quấy họ không dám cười trước mặt thầy, nhưng thầy dám chắc sau lưng họ cũng còn khen thầy nữa sao? Ví như phong đồi tục bại ngu muội hết thảy, cứ khen kẻ giàu sang, chớ không kể chi là phải quấy gì nữa, thầy làm quấy không ai cười thầy, song có lẽ thầy thấy cỏ cây thầy cũng hổ thầm chớ. Nếu thầy không biết hổ thầm thì thôi, tôi nói nữa cũng vô ích.

Trường-Xuân nghe Kỳ-Tâm nói một hơi, thì hổ-thẹn quá nên ngồi gục mặt, không cãi chi đặng hết. Cách một hồi anh ta định tĩnh mới năn nỉ rằng: “Dượng giận nên dượng nói nặng nề, tôi cũng chẳng cố chấp làm gì. Thôi xin dượng đừng có phiền nữa. Bây giờ dượng muốn sao tôi cũng chịu hết, dượng coi tiệm muốn ăn lương một tháng bao nhiêu cũng đặng, hay là bây giờ dượng cần dùng bao nhiêu tiền tôi cũng đưa cho mà xài”.

Kỳ-Tâm cười ngất mà đáp rằng: “Cử-chỉ của thầy kỳ quá, tôi chịu không đặng nữa. Thầy thấy thiên-hạ ham tiền, thuở nay có việc gì thầy cũng vãi tiền ra mà mua lòng người ta, rồi thầy tưởng tôi đây cũng như thiên-hạ vậy, nên thầy lấy đồng tiền mà khiêu lòng tôi. Tôi nói cho thầy biết, thầy lầm lắm! Tôi không phải như họ vậy đâu. Tôi trọng là trọng người chơn chánh, tôi mến là mến người biết nghĩa, chớ tiền bạc của thầy có nghĩa-lý gì đâu. Thôi, tôi không muốn nói chuyện nhiều với thầy nữa. Xin bà với hai thầy ở lại đây mà an hường hiển-vinh, để cho tôi đi, phận tôi nghèo hèn thì tôi phải tìm chốn nghèo hèn mà nương dựa”.

Kỳ-Tâm dứt lời liền đứng dậy chấp tay xá bà Phủ rồi dợm bước ra cửa. Bà Phủ bối-rối quá nên biểu rằng: “Thầy hai, thầy có đi thì thủng-thẳng để cho tôi phân đôi lời rồi sẽ đi”. Kỳ-Tâm lắc đầu, bộ không muốn nghe. Tế-Thế thấy vậy mới chạy lại nắm tay của Kỳ-Tâm mà kéo lại. Bốn người đang chộn-rộn, bỗng thấy Yến-Tuyết ở trong buồng bồng con đi ra, lại đứng ngay trước mặt Kỳ-Tâm mà nói rằng: “Thầy hai, xin thầy chậm-chậm đợi em nói ít lời rồi sẽ đi”. Kỳ-Tâm thấy Yến-Tuyết ra cản thì chưng-hửng. Bấy lâu nay anh ta đã có ý khinh-thị Yến-Tuyết, bởi vậy anh ta ngó ngang Yến-Tuyết một cái rồi day mặt chỗ khác mà hỏi rằng: “Tôi với cô có chuyện gì đâu mà nói?” Yến-Tuyết đáp rằng: “Thưa phải. Tôi đã biết thầy rồi, nên không cần phải nói ra làm gì. Tôi muốn nói là nói với má tôi, song xin thầy tạm ngồi nghe tôi nói rồi sẽ đi, chờ tôi một chút thì cũng chẳng muộn gì”.

Bà Phủ nghe Yến-Tuyết nói mấy lời, bà không hiểu ý con muốn nói việc gì, nên bà lóng tai mà chờ. Còn Trường-Xuân và Tế-Thế thì ngồi chưng-hửng, nên hai người ngó nhau rồi kéo ghế mà ngồi. Kỳ-Tâm thấy vậy cũng ngồi tạm trên đầu bàn mà chờ coi Yến-Tuyết phân đều chi.

Yến-Tuyết đi lại gần bà Phủ, để con nằm ngửa trên ván, rồi cô ta ngồi bẹp dưới gạch, cúi đầu lạy Bà Phủ và nói rằng: “Thưa má phận con là con gái, mà con không biết giữ gìn danh giá, làm cho mất tiết mất trinh, để cho má nhọc lòng lo lắng hơn một năm nay, con nghĩ lại tội của con dầu tái sanh mấy đời con cũng chưa chuộc đặng. Việc của con làm thì đã xấu thân con, mà lại còn nhơ nhuốc lây cho tới cha mẹ ông bà, lẽ thì con phải tự vận mà chết liền, như con đã tính hồi thuở ban đầu mới phải. Nhưng vì trong lúc ấy con còn ngu muội, không rõ đường nào là đường chánh, nẻo nào là nẻo tà, nên những lời má khuyên con thì con tưởng là phải hết, con mới xuôi thuận để cho người đi coi rồi cưới, tưởng là làm như vậy danh tiếng con khỏi nhục khỏi nhã. Nào dè từ hôm qua đến bây giờ con nghe những lời của thầy hai bày tỏ thì con hối ngộ, nhớ tới những việc sắp đặt đặng mà giấu giếm thiên hạ đó thì con hổ thẹn vô cùng. Mình đã xấu mà còn muốn làm người phải thì giả dối thái quá, con không thế nào chịu nữa đặng. Thưa má, con đã lỡ mang tội thất hiếu với má rồi, kiếp nầy con không biết sao mà chuộc đặng. Vậy con lạy má xin thứ tội cho con; con nguyện kiếp sau như con đặng tái sanh làm người, thì con sẽ tận tâm tận lực mà báo bổ nghĩa cù lao, đền bồi ơn cúc dục, chớ kiếp nầy má đừng kể thân con nữa làm gì”.

Yến-Tuyết và nói và lạy và khóc. Bà Phủ động lòng nên cũng khóc òa. Yến-Tuyết lạy mẹ rồi mới bồng con đi lại đứng dựa bên Kỳ-Tâm mà nói rằng: “Thưa thầy, việc nhà tôi đã tính xong rồi, vậy thì thầy tính đi đâu tôi cũng đi theo với”

Kỳ-Tâm nghe nói chưng-hửng, nên đứng dậy ngó Yến-Tuyết mà hỏi rằng:

-   Cô theo tôi làm chi?

-   Thưa thầy, thầy hỏi sao kỳ vậy? Thầy đã cưới tôi làm vợ, thì chồng đâu vợ đó, chớ sao mà thầy hỏi kỳ vậy.

-   Tôi đã có giao kết rằng tôi cưới cô là cưới giả đặng che miệng thế gian giùm cho cô mà thôi, chớ có nghĩa vợ chồng gì mà bây giờ cô theo tôi.

-   Thưa thầy, tôi cũng biết vậy lắm chớ!

-   Nếu cô biết sao cô còn tính theo tôi.

-   Thưa thầy, phận tôi tuy ngu muội, nhưng mà tôi cũng biết phải quấy chớ chẳng không, bởi vậy khi tôi lầm lỗi rồi thì tôi tự nguyện phải chết mới khỏi nhục. Ngặt vì má tôi già yếu, hiu quạnh một mình, nếu tôi chết thì tôi chẳng khỏi để sầu cho mẹ. Đã vậy mà má tôi lại theo khuyên giải khóc lóc hoài, biểu để làm theo thói đời kiếm thế mà khỏa lắp tiếng nhơ, nên bất đắc dĩ tôi phải chịu vậy. Tuy vậy mà tôi đã tự nguyện cho đến ngày chết tôi cũng chẳng dám thác thân cùng ai nữa.

-   Nếu cô biết hổ như vậy, mà sao ngày tôi đến coi và ngày tôi đến cưới, cô dám chường mặt, không chút thẹn thùa?

-   Thưa thầy, tại thầy không rõ việc riêng của tôi, nên thầy chê tôi như vậy cũng phải, chớ tôi ở trong buồng nghe thầy đến nhà thì tôi hổ ngươi nên tôi khóc lu bù, má tôi phải làm giận làm hờn, tôi mới lau nước mắt mà bước ra đó.

Kỳ-Tâm đứng suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:

-   Tôi là đứa nghèo hèn, ham tiền ham sang nên đã biết cô là gái hư mà còn đi cưới cô, vậy thì tôi có xứng đáng gì mà làm chồng cô?

-   Từ hôm qua cho đến bữa nay tôi nghe những lời thầy bày tỏ, thì tôi mới biết thầy là chân chánh quân tử, còn họ gian dối tiểu nhân, chớ thiệt thuở nay tôi đã tập quen theo thế- thái nhơn tình, nên tôi trọng kẻ giàu sang còn khinh thường người hèn hạ. Chẳng giấu chi thầy từ năm ngoái cho đến nay thiệt tôi khinh bỉ thầy lắm, bây giờ biết đặng bụng thầy tôi mới kính phục thầy.

-   Tôi đây cũng vậy. Khi tôi chịu cưới giùm, thì tôi nghĩ cô là gái biết điều, bởi vậy tôi mới buộc bữa tôi đi coi và tôi đi cưới cô không đặng khóc, bởi vì nếu cô biết hổ cô khóc, mà tôi không biết hổ tôi cưới, thì tôi là người gì. Chẳng dè đến coi thì bộ cô tự nhiên, mà đến cưới bộ cô cũng tự nhiên, bởi vậy tuy tôi không nói ra chớ trong trí tôi chê thầm cô lắm.

Yến-Tuyết nghe nói như vậy thì lau nước mắt rồi cười. Kỳ-Tâm day lại thấy bà Phủ với Tế-Thế đang ngồi chăm chỉ mà nghe, còn Trường-Xuân thì đi vòng lại đứng gần cửa sổ. Kỳ-Tâm thở dài ra rồi nói rằng:

-   Cô theo tôi không đặng.

-   Sao vậy? Hay thầy ngại vì chút con nầy chăng?

-   Không. Nó mới năm sáu tháng mà biết gì. Đã vậy mà theo khai sanh thì nó là con của tôi, nếu tôi nuôi dưỡng nó thì lớn nó giống tôi, chớ nó theo ai mà tôi ngại.

-   Vậy chớ tại sao thầy dụ-dự. Hay là thầy chê tôi gái hư thất tiết, nên thầy không đành kết duyên với tôi chăng? Thưa thầy, tôi tuy hư hèn, nhưng mà nhờ thầy chỉ đường hắc bạch, nên bây giờ tôi đã biết lẽ chánh tà rồi, lẽ nào tôi dám đèo bồng lạm dự bố kinh[1]. Tôi xin theo thầy đây là vì mang ơn thầy bảo bọc danh tiếng cho tông-môn, lại thấy thầy như nhánh bông sen, ở dưới bùn vượt lên mà không lấm bùn, nên tôi nguyện đi theo trước là đền ơn cứu giúp, sau nữa học đời thanh-bạch.

-   Không. Cô là con nhà quan, tôi là đứa hèn hạ, tôi đâu dám chê cô. Mà theo lời cô nói nãy giờ thì tuy gương trinh của cô đã đục rồi, song tấm lòng của cô không chút bợn. Tôi mà đặng vợ như cô thì may mắn biết chừng nào. Ngặt vì tôi là đứa chán đời, đã không màng giàu sang, mà lại còn khinh-khi màu son phấn, bởi vậy tôi sợ cô theo tôi thì cô cực khổ mà lại chẳng vui nữa chớ.

-   Thưa thầy, thói giàu sang tôi đã chán ngán rồi, giàu chừng nào càng bất nhơn, sang chừng nào càng gian dối, chớ giàu sang như họ vậy mà quí gì.

-   Ví như tôi nghèo cực lắm, cô cũng theo hoài nữa sao?

-   Chừng nào tôi chết mới thôi. Thầy có cơm tôi ăn cơm, thầy có cháo tôi ăn cháo. Nếu cháo cơm không có phải ăn bắp ăn khoai tôi cũng chịu.

-   Ví như ngày sau cô hay tôi là đứa ăn trộm cô cũng còn chịu làm vợ tôi nữa sao?

-   Không lẽ thầy là người gian. Mà đời nay thiên-hạ họ giựt tiền nhau, ai giựt đặng nhiều họ lại khen là giỏi, bởi vậy thầy có ăn trộm đi nữa, bất quá cũng như họ, chớ không quấy gì hơn.

Kỳ-Tâm nghe Yến-Tuyết nói tới đó thì động lòng rưng-rưng nước mắt, rồi thò tay vào túi móc ra một bó bạc quăng ngay trước mặt Trường-Xuân mà nói rằng: “Một lời tri kỷ quí hơn ngàn vàng. Vậy thì lấy 18 ngàn đồng bạc nầy không làm gì. Đó, tôi trả lại cho anh đó! Trường-Xuân, Tế-Thế và bà Phủ thảy đều ngẩn ngơ, không nói chi đặng hết. Kỳ-Tâm chắp tay xá bà Phủ rồi bước ra đi. Yến-Tuyết bồng con đi theo. Bà Phủ lật-đật chạy theo níu áo con và rể rồi bà khóc lóc mà nói rằng: “Con ôi! Con đành bỏ má mà đi sao con? Nếu con đi thì má còn ai mà hủ-hỉ nữa. Thà là con mang tiếng hư má cũng ít buồn, chớ hễ con mà bỏ má thì má rầu chắc má sống không đặng. Thiệt con đành giết má hay sao?”

Yến-Tuyết, nghe mẹ nói mấy lời, nước mắt tuôn dầm dề, đi thì đau lòng, ở thì nhọc trí, bởi vậy không biết nói sao cho đặng. Kỳ-Tâm thấy mẹ con bận-bệu, càng thêm động lòng, nên thưa với bà Phủ rằng: “Bẩm bà, chẳng phải tôi muốn làm ngặt bà mà làm chi. Tôi bỏ đi đây là vì nhân tình giả-dối, làm cho tôi chán-ngán việc đời, nên tôi ở không đặng nữa”. Yến-Tuyết tiếp lời mà nói rằng: “Nếu má muốn cho hai vợ chồng con ở đây với má, má phải đuổi quân gian-dối ra khỏi nhà, rồi cấm tuyệt đừng cho léo hánh tới nữa, hoặc may vợ chồng con mới ở đặng”.

Bà Phủ liền buông Yến-Tuyết với Kỳ-Tâm, chạy trở vào nhà, rồi chỉ ngay mặt Trường-Xuân mà nói lớn rằng: “Đi, mầy phải đi ra khỏi nhà tao cho mau. Mầy là thằng làm ô danh xủ tiết con tao mầy đừng có lai vãng đến đây nữa. Từ rày tao không biết dì cháu nào nữa. Mầy giàu sang trối kệ mày, giàu như mầy càng thêm nhục”.

Trường-Xuân với Tế-Thế hổ-thẹn nên riu-ríu lên xe hơi mà về. Yến-Tuyết với Kỳ-Tâm mới dắt nhau vô nhà, rồi hai mẹ con ôm nhau mà khóc. Kỳ-Tâm thấy tình cảnh như vậy lấy làm đau lòng, song cứ ngồi im-lìm để cho hai mẹ con bày tỏ chút tình dan-díu. Bà Phủ khóc một hồi rồi lau nước mắt mà nói với Kỳ-Tâm rằng: “Con có lòng quảng đại, đã cứu vớt giùm danh tiếng cho nhà má, mà còn lại chỉ vẽ giùm đường ngay cho má đi nữa. Ơn nghĩa của con má chẳng biết lấy chi mà đền đáp cho vừa. Vậy nếu con chẳng chê Yến-Tuyết là gái hư, thì má xin con vui lòng ở đây với má, đặng má dạy nó hết lòng sửa trấp nưng khăn cho con, ngõ trả chút nghĩa dài ân nặng.”

Kỳ-Tâm đáp rằng: “Thân tôi nghèo hèn, theo đời nay thì tôi chẳng bằng ai hết. Nay bà thương tôi bà nói như vậy, tôi sợ ngày khác bà thấy họ cao sang rồi bà ăn năn chăng”. Kỳ-Tâm tỏ chưa hết ý thì Yến-Tuyết hớt mà nói rằng: “Thầy tuy nghèo hèn, nhưng mà chân-chánh quân-tử; những bực giàu sang đời nay ai mà dám sánh với thầy. Tôi e là e tôi không xứng kết duyên cùng thầy mà thôi, chớ sao thầy lại ngại rằng ngày sau mẹ con tôi ăn-năn”.

Kỳ-Tâm ngó Yến-Tuyết rồi chúm-chím cười, làm cho Yến-Tuyết mắc cỡ phải day mặt chỗ khác.

Kỳ-Tâm đã não-nề nhân tình ấm-lạnh nên tính sống là sống đặng coi đời thử mà chơi, chớ không kể chi thất gia. Còn Yến-Tuyết đã hổ vì danh tiết nhơ-nhuốc, nên tính sống là sống đặng nuôi mẹ cho đến già, chớ không còn mong tơ tóc nữa. Mà nay vì chữ đồng thinh đồng khí, nhờ có thế tình khúc trực mà trai rõ đặng lòng gái, gái biết đặng chí trai, rồi kẻ đổi ý người quên nguyền, tác thành giai ngẫu, nghĩ thiệt cũng kỳ.

Kỳ-Tâm viết thơ giao tiệm lúa lại cho Trường-Xuân, không thèm làm tổng-lý nữa, rồi ở nhà với Yến-Tuyết, khi sửa kiển trồng cây, khi thì ngâm thi đọc sách, quyết vui thú gia-đình, không màng thế tục.

Có bữa trời chiều mát-mẻ, vợ chồng dắt nhau ra ngoài cầu thang mà ngồi, rồi móc mồi thả cần mà câu, chồng ôm con cầm sách mà đọc. Hễ chồng đọc đến đoạn nào hay thì cắt nghĩa lại cho vợ nghe, hễ vợ giựt đặng con cá nào lớn thì kêu chồng giùm gỡ.

Có khi chồng cầm dao đi cắt bông, thì vợ xách giỏ dắt con theo sau mà lượm, thấy cái bông nào tốt thì vợ chồng xúm lại mà nhìn. Có đêm trăng tỏ trời trong vợ chồng nhắc ghế ra để trước sân mà nằm, rồi luận thế thái nhân tình, ý hiệp ý, tâm đồng tâm, thiệt là tương đắc.

Những người biết tâm-sự của Kỳ-Tâm với Yến-Tuyết, kẻ thì khen Kỳ-Tâm có phước, thân nghèo mà cưới đặng vợ giàu sang, còn kẻ thì khen Yến-Tuyết có phần, đã thất tiết rồi mà cũng còn có chồng đặng. Bà Phủ nghe lời dị nghị ấy bà không buồn mà bà lại cười rồi nói rằng: “Biết ai là có phước, mà biết ai là có phần? Nếu Kỳ-Tâm mà không gặp cảnh gia-đình nguy biến, thì đâu chắc chồng nầy vợ đó. Còn nếu Yến-Tuyết mà không lỡ nếm mùi đời đắng cay, thì cũng không chắc vợ nầy chồng đó. Đường đời hiểm trở, có người khổ cho tới già, mà chưa biết khôn đặng, thiệt là tội nghiệp”.

Thiệt vậy lắm chút!

HẾT

(Theo bản in của NXB Phương Nam Sài Gòn 1952)
 

[1] quần bố, trâm gai: ý nói người vợ hiền thục


 
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×