Thầy thông ngôn - Chương 10 (Hồ Biểu Chánh)
Hope Star | Chat Online | |
03/08/2019 19:56:13 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Thầy thông ngôn - Chương 11 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Thầy thông ngôn - Chương 12 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Thầy thông ngôn - Chương 9 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Thầy thông ngôn - Chương 8 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Làm đàn ông ai gặp cảnh đau đớn như thầy thông Phong đây cũng đều buồn rầu, một là buồn vì nỗi căn duyên lỡ dỡ, hai là buồn cho con thơ ngây mà phải ly biệt mẹ hoặc cha. Mà sự buồn của ai tưởng không bằng sự buồn của thầy thông, bởi vì thầy đã buồn vì danh dự, vì con thơ, mà thầy lại còn buồn chỗ ước mơ của thầy nữa, bởi vì nếu thầy để vợ thì sự phú quý thầy vào tay rồi ắt sẽ thành như một giấc chiêm bao, mừng chưa xong đã tan nát.
Thầy ở Phú-hội trở về đến nhà thì đồng hồ đã gõ mười hai giờ khuya rồi. Thầy không có ăn cơm chiều mà vì chí thầy buồn rầu quá, nên bụng không biết đói. Thầy lên lầu chong đèn ngồi lấy tay chóng càm ngó vào vách mà khóc. Một lát thằng Jean cựa mình nó khóc, làm thầy thêm đứt ruột nát gan.
Thầy muốn tỏ tâm sự của thầy cho người khác nghe đặng trút bớt nỗi buồn, mà trong nhà con vú với thằng Lung là tôi tớ, không lẽ thầy nói chuyện riêng của thầy cho chúng nó nghe được, còn mấy thầy ở Châu-đốc bình nhựt thì thầy thường coi thầy cao hơn người ta nên không giao hảo với ai, bây giờ thầy biết ai yêu thầy mà thầy bày lòng với họ. Cùng thế rồi thầy mới lại bàn viết gởi thơ về cho cha mẹ. Thầy viết tới ba giờ khuya, viết đầy trọn hai tờ giấy.
Thầy kể hết nỗi sầu thảm cùa thầy cho cha mẹ nghe nào là vợ ăn hiếp chồng, khinh khi cha mẹ, nào là vợ ỷ tiền lớn tiếng, ham bài bạc không biết thương con, nào là vợ sinh tâm lấy trai, mà cha mẹ vợ binh con không biết đâu là phải quấy. Thầy kể đủ mọi đều rồi than rằng: “Bây giờ con như đứa không hồn. Con tưởng cưới vợ giàu sang là phước mà phước chưa thấy chỉ thấy rầu mà thôi. Con chắc không thể nào con ở đời với vợ con được.”
Viết thơ bỏ vô bao rồi thầy mới chung vô mùng mà nằm.
Thầy nằm mà nước mắt tuôn ướt gối, thấy chỗ vợ nằm bỏ trống lấy làm chua xót trong lòng, tuy nằm giường đồng nệm bông mà cũng như nằm chỏng tre trải chiếu rách.
Bữa sau thầy đi hầu, đến trưa về nghe con vú thỏ thẻ nói bà Cai Tổng qua ghé nhà mở tủ lấy hết quần áo của cô thông rồi đi qua nhà ông Hội đồng.
Chiều lại ăn cơm rồi thầy men men qua nhà Hội đồng Hữu có ý dọ coi mẹ vợ ra nói chuyện gì và dọ luôn ý ông Hội đồng coi ai phải ai quấy. Thầy nghĩ ông Hội dồng Hữu là người có học, chắc ông sẽ kiếm lời nhơn nghĩa mà khuyên giải thầy, chẳng dè thầy bước vô ông Hội đồng làm mặt giận trách thầy sao được cao sang rồi vội quên lúc thấp hèn, đã được vợ tử tế sao lại còn làm phách kiếm chuyện xấu mà vu oan cho vợ.
Thầy nghe nói thầy càng phiền lòng hơn nữa, nên thầy phải lấy lời cứng cỏi mà đối đáp với ông Hội đồng. Ông nghe thầy cãi ông càng giận thầy, bởi vậy lúc thầy từ mà về ông Hội đồng nói rằng:
- Thầy phải biết rằng: ở Châu-đốc nầy anh em tôi không thua ai hết. Thầy muốn cứng thì tôi cứng cho mà coi.
Đêm ấy thầy tính dầu thế náo thầy cũng không ở với vợ được nữa, bỡi vì vợ đã hư như vậy mà cha mẹ vợ với cậu vợ cứ theo binh hoài, nếu thầy còn quyến luyến thì thên nhục chớ không ích gì, thà phân ly phức cho rồi đặng khỏi nhọc lòng cực trí.
Chiều bữa sau đi hầu về thầy ghé nhà của thầy thông ngôn của quan chánh tòa mà hỏi thăm coi muốn để vợ phải làm thế nào. Thầy thông nói rằng theo luật lệ hễ vợ lấy trai thì xin để được, song lấy trai phải bắt tại trận, hoặc bắt được thơ từ cho đủ bằng cớ, chớ chuyện của thầy đây, thầy bắt trai không được, còn bức thơ không có ký tên và cũng không đề gởi cho ai, nên sợ không đủ chứng cớ mà xin để được.
Thầy thông Phong bối rối không biết liệu lẽ nào. Tối thằng Lung đi chơi đến tàu tây chạy rồi nó về nó lại nói, nó ngó thầy ông Hội đồng Hữu xuống tàu đi Sài-gòn.
Nhơn tình thiệt là kỳ. Thầy gặp cảnh gia đình rối loạn, mà sự rối loạn ấy không phải tại thầy mà ra, song những người quen biết coi ý họ đã không biết thương dùm, mà họ lại còn có hơi khinh khi ngạo báng. Thầy thấy vậy lại càng thêm phiền, nên đi hầu về thầy đóng cửa mà chơi với con, không thèm tới nhà ai hết.
Cách mười bữa có giấy quan trên đổi thầy lên làm việc trên Hớn-quản. Thầy được giấy thì biết ông Hội đồng hữu giận nên mới làm cho thầy bị đổi. Tuy thầy giận, song thầy đã có ý đi khỏi xứ Châu–đốc, nên thầy cũng chẳng thấy chi mà buồn.
Thầy mướn ghe tính dọn hết đồ đạc trong nhà mà chở đi. Chẳng dè mới sửa soạn đồ thì có Trưởng toà lại ngăn cản nói rằng đồ trong nhà là đồ của ông Cai Tổng Luông mua, món nào củng có toa vé, chớ không phải đồ của thầy mà thầy được chở.
Thầy nghĩ vợ còn không kể, thứ bàn ghế còn xá gì, nên thầy không thèm đối nại. Thầy năn nỉ con vú đi theo nuôi dùm con thầy cho đến chừng dứt sữa rồi sẽ thôi.
Con vú nói rằng nó có chồng nên không thể bỏ chồng mà đi được, và xin thầy mướn vú khác cho em bú đặng nó trở về Phú-hội. Việc đã gấp rồi biết nên mướn ai, nhứt là đi lên Hớn-quản, ai chịu đi mà mướn.
Thầy cậy con vú đưa dùm em về Tầm-vu nó cũng không chịu, túng thế thầy phải đánh dây thép về nhà xin mẹ lên Tân–an đón tại ga xe lửa mà rước thằng Jean, rồi thầy sắp áo vô rương, mua sữa bò vú sữa và bồng con xuống tàu mà đi.
Khi lên Châu-đốc có một cái rương bây giờ từ xứ Châu-đốc mà đi cũng có một cái rương mà thôi! Khi lên Châu-đốc vui vẻ bao nhiêu bây giờ bỏ Châu-đốc mà đi cũng buồn thảm bấy nhiêu. Sự ước mơ nghĩ lại cũng như mây bay, sự sang giàu coi ra cũng như bọt nước, ở đời chữ phước biết đâu mà tìm, chữ hoạ biết đâu mà tránh. Nào là vợ xinh nào là nhà tốt, nào là quan yêu, nào là dân sợ, bây giờ còn những vật gì đâu.
Thầy thông Phong nằm dưới tàu nghĩ các điều ấy rồi day lại nhìn con, thì thầy ngao ngán thầm tủi vô cùng.
Thầy nhớ lại những bạn tác của thầy hồi nhỏ, họ không đi học, cứ ở trong làng làng ruộng mà ăn, thì thầy trách số mạng của thầy khiến cho thầy đeo đuổi công danh phú quí mà chi, cho ngày nay thầy phải chịu đau lòng cực trí.
Tàu chạy lúc ban đêm thằng Jean ngủ êm không la khóc chi hết. Đến sáng tàu qua khỏi chợ Thủ rồi, nó thức dậy khát sữa đòi bú. Thầy lật đật khuấy sữa đổ vô ve và gắn núm vú mà cho bú. Nó không quen bú ve nên không chịu ngậm, lại nó vắng hơi con vú nên la khóc om sòm. Thầy bồng mà dỗ hết sức không được, nên rưng rưng nước mắt, lấy làm thân thiết với con. Có một người đàn bà đi dưới tàu thấy cha con líu-nhíu chiu–chít như vậy thì động lòng thương, nên chạy lại bồng mà dỗ giùm cho thầy.
Đàn bà họ biết cách bồng, thạo cách đỗ, bởi vậy dỗ một lát thằng Jean nín khóc, bà lấy ve sữa bò cho bú no rồi mới trao nó lại cho thầy bồng. Thầy bồng lào thào lợt thợt, lại bồng một lát thì mõi rụng hai cánh tay, song cũng phải rán mà bồng con, chớ không lẽ cậy người ta giữ con cho mình. Tàu xuống tới Sa–đéc đương tốp máy cặp cầu. Thầy bồng con đứng mà coi, trên cầu thiên hạ lao nhao lố nhố. Thình lình thầy thấy cô Lý, là em vợ của thầy ký Trượng ở Cà–Mau, mặc áo quần và choàn khăn đều bằng lụa trắng hết thảy, đi giày thêu kim tuyến, tay xách bốp đầm, mặt giồi phấn trắng trong môi thoa son đỏ lói, đương chen lấn bước xuống tàu Thầy muốn tránh cô nên lật đật bồng con bước vô phòng mà ngồi.
Tàu mở dây chạy rồi mà thầy không biết cô Sáu Lý có xuống tàu mà đi hay không, nên thầy không dám ló ra. Cách chẳng bao lâu cô Sáu Lý lại đứng ngay cửa phòng ngó thầy và cười và hỏi rằng:
- Thầy thông thầy đi đâu vậy?
Thầy thấy cô thì bợ ngợ hết sức, không biết nói thế nào cho xuôi, nên bồng con đứng dậy và nói ú ớ rằng:
- Tôi đi Sài Gòn.
- Vậy hay sao? Tôi nghe nói bây giờ thầy ở trên Châu – đốc phải hôn?
- Phải
- Con của ai mà thầy bồng đó? Thế bây giờ thầy nghèo lắm nên ở mướn giữ con cho người ta hay sao?
- Không, con của tôi.
- Ủa! Té ra con của thầy, vậy chớ không có ai giữ hay sao, còn mẹ nó đi đâu không bồng, mà thầy phải bồng vậy?
Thầy nghe hỏi tới đó phần thì đau đớn, phần thì hổ thẹn không biết sao mà trả lời, túng thế thầy cúi mặt và đáp nho nhỏ rằng:
- Mẹ nó chết!
- Tội nghiệp dữ hôn! Tôi nghe hồi thầy đổi lên Châu Đốc có vợ giàu lớn lắm mà. Vậy chớ vợ thầy chết để phần ăn lại cho thầy mấy muôn?
Thầy nghe mấy lời cay đắng thêm hổ thẹn, nên ứa nước mắt mà đáp rằng:
- Thôi cô, tội nghiệp tôi lắm mà, cô nói gay gắt làm chi.
Cô Sáu Lý không hiểu tâm sự của thầy, thấy bộ thầy nhỏ nhẹ cô động lòng thương. Cô không ghẹo thầy nữa, lại cười rồi thò tay bồng thằng Jean đem ra ngoài, kéo ghế bố mà ngồi. Cô nựng mà nói rằng:
- Tuồng mặt thấy ghét quá, nó giống hệt thằng cha nó. Con biết dì hôn, nầy, chừng lớn phải rán học cho giỏi nghe hôn, mà đừng có học theo cái tánh thằng cha con đó, dì đánh chết đa.
Cô nựng rồi hôn trơ hôn trấc, coi bộ cô thương thằng Jean lắm. Thầy thấy tánh ý cô như vậy thì thầy cảm xúc vô cùng nên đứng xớ rớ gần đó mà không dám ngó mặt cô. Cô hỏi thăm thầy vậy chớ mấy năm nay làm ăn có khá hay không. Thầy kiếm lời mà đối đáp cho xuôi vậy thôi, chớ không dám đem tâm sự mà tỏ cho cô biết.
Cô hỏi thăm chuyện thầy rồi cô mới thuật chuyện của cô. Cô nói thiệt chớ không giấu giếm chi hết, thầy mới hay rằng khi thầy đổi lên Long Xuyên rồi, cô đụng ông chủ sự sở Thương chánh bây giờ vợ chồng cô ở tại Sa–đéc.
Cô cứ bồng thằng Jean hoài, mà thằng nhỏ coi ý nó cũng chịu cô, nên không buồn, không khóc. Thầy khuấy sữa đổ vô ve rồi mựơn cô cầm mà cho bú giùm, thì thằng nhỏ bú đến no mới thôi, chớ không chúng chứng.
Tàu xuống tới Vĩnh Long, cô hun thằng Jean một hồi nữa rồi mới trao lại cho thầy và từ biệt mà lên. Cô bước lên cầu rồi day lại ngó thầy, liếc mắt hữu tình và nói với rằng:
- Thầy thông, khi nào thầy có dịp lại Sa–đéc thì ghé lại nhà tôi chơi nghe hôn. Nhà tôi ở phía bên tòa bổ đó. Chồng tôi tử tế lắm, không hại gì đâu mà ngại.
Cô Sáu Lý là con mồ côi không ai dạy dỗ. Đã vậy mà lúc còn nhỏ lại mang tiếng trắc nết. Khi trước ở Cà–mau thầy đã phụ bạc cô, dẫu ngày nay gặp thầy cô tỏ ý khinh bỉ thầy cũng không trách cô được. Cô đã không khinh bỉ thầy, mà nghe thầy nói vợ chết, cô lại tỏ lời ái truất, thấy thầy bồng con nhỏ cô lại rước bồng giùm, mà bồng rồi cô nựng nịu hun hít chẳng khác nào như con ruột của cô.
Còn Như Hoa là con nhà giàu sang, cha mẹ có cho ăn học. Vợ chồng cưới hỏi đủ lễ, ở với nhau hơn hai năm, lại sanh được một đứa con trai, mà cô đối với chồng không có một chút tình, đối với con không có một chút nghĩa, giàu sang như cô Như Hoa thì có hơn nghèo hèn của cô Sáu Lý được đâu.
Thầy nghĩ tới đó thì thầy phiền trách Như Hoa vô cùng, thầy giận vợ rồi thầy giận luôn hết thảy các con gái nhà giàu sang, giàu mà không biết nhơn nghĩa thì giàu làm chi, sang mà không biết sĩ nhục mà sang sao được.
Tàu tới Mỹ tho rồi thầy lên xe lửa mà đi Sài Gòn xe qua tới Tân An thì bà Hương sư Sắc chực sẵn rước thằng Jean. Thầy đã lấy áo quần của con mà gói riêng ra rồi, nên chừng xe ngừng thầy thấy mẹ, lật đật bồng con trao cho mẹ, trao luôn gói áo với ve sữa nữa. Bà Hương sư mặt mày buồn xo, tay bồng lấy cháu, mắt liếc ngó con và hỏi rằng:
- Vậy chớ ở trển xuống tới dưới nầy, con đi có một mình hay sao? Sao con không biểu con vú nó ở giùm thêm ít tháng?
Thầy lắc đầu, nước mắt chảy rưng rưng, muốn nói mà không nói ra tiếng. Xe hoét súp–lê rút chạy. Thầy ló đầu ra ngoài nói với rằng:
- Má mua sữa bò mà cho nó bú đỡ. Để con lên trển ít bữa rồi con sẽ xin phép về thăm.
Xe chạy lên tới cầu mà thầy dòm lại thấy mẹ hãy còn bồng thằng Jean đứng ngó theo.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!