LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Tân Phong nữ sĩ - Chương 3 (Hồ Biểu Chánh)

101 lượt xem
Qua năm sau.
Hơn 10 bữa rày, chẳng những là tại Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Kim Biên mà thôi, mà ở các tỉnh thành toàn xứ Đông Pháp, thậm chí ở trong mấy chợ nhỏ, đâu đâu cũng đều có dán những tờ quảng cáo màu xanh, hoặc màu đỏ, hoặc màu vàng mà tuyên bố tờ Nhựt báo „Tân Phụ Nữ” sẽ ra đời để giải phóng phụ nữ Việt Nam, để yêu cầu nam nữ bình quyền và để công kích hôn nhân hủ tục; bởi vậy bữa nay tờ báo xuất bản tại Sài Gòn, những người lãnh bán báo chia nhau đi các nẻo đường mà rao, thì mấy bà mấy cô giành nhau mà mua đặng giúp cho những người có công sáng lập cơ quan để mở đường tấn hóa cho phụ nữ, lại mấy ông mấy thầy cũng áp mua đặng coi cho biết tôn chỉ của tờ báo mới là thế nào. đến 12 giờ trưa, 5 ngàn số báo để bán lẻ tại Sài Gòn, thiên hạ đều mua hết, chẳng còn sót một số nào, mà đi đến đâu cũng nghe người ta nghị luận về tờ báo “Tân Phụ Nữ”, đờn ông thì ngợi khen văn chương, đờn bà thì mãn ý về tôn chỉ.
Báo quán dọn lai một cái nhà lầu rộng lớn ngó ra đại lộ Norodom. Từng dưới nhà phía trước thì dọn phòng để khách ngồi chờ với phòng của Ty quản lý làm việc, phía sau thì dọn chỗ cho ấn công sắp chữ và để máy chạy nhựt trình; còn hai bên thì một bên dọn phòng Tổng lý, một bên dọn phòng Chủ bút với phòng cho Bộ biên tập.
Đúng 5 giờ chiều, từng trên lầu đã trưng dọn trang hoàng. Trong cái phòng lớn chính giữa, có một cái bàn dài trải nappe[1] trắng tươi, trên bàn bánh với rượu dọn sẵn sàng.
Khách mời dự tiệc rượu khánh hạ tờ báo „Tân Phụ Nữ” ra đời, đã rải rác kẻ đi xe hơi, ngưới ngồi xe kéo mà tới báo quán.
Ông quản lý Trần Hạo Nhiên, vóc dáng to lớn, bộ mạnh dạn, mặc một bộ đồ nỉ den, giày đen, noeud đen, bâu cứng đứng tại cửa lớn mà tiếp khách rất vui vẻ rồi chỉ thang mà mời khách lên lầu.
Ở trên lầu, cô Hai Tân là Tổng lý báo „Tân Phụ Nữ” bây giờ cô nhập tịch vào làng báo nên cải tên là Tân Phong nữ sĩ, cô hiệp với hai chị em bạn đồng song mà cũng đồng chí, là cô Thiên Hương vợ của Bác vật Qui, lãnh trách nhiệm chánh chủ bút, và cô Thanh Lệ, chưa có chồng, lãnh trách nhiệm phó chủ bút, ba cô mặc y phục theo kiểu kim thời, song trang điểm có vẻ thanh nhã, đứng gần cầu thang mà rước khách bắt tay chào mỗi người, giọng nói hữu tình mà nghiêm nghị, miệng cười hữu duyên lại vui vẻ.
Nhiều văn sĩ trong làng văn, làng báo bực thượng lưu trí thức như giáo sư, bác vật, đốc tơ, trạng sư và hạng Tân Phụ Nữ ở Sài Gòn đều đến dự lễ khánh hạ nên khách kể trên một trăm người.
Ba cô dắt khách đi xem các phòng từ phòng Tổng lý cho tới phòng Tổng biên tập, từ chỗ sắp chữ cho tới chỗ phát báo. rồi khách vào tiệc rượu. Khi khách ngồi rồi, cô tổng lý Tân Phong nữ sĩ đứng dậy mà rằng: “Theo tục lệ xưa nay, hễ có cuộc lễ hoặc đám tiệc gì người chủ tịch phải đọc một bài diễn văn. Chị em chúng tôi lập tờ nhật báo “ Tân Phụ Nữ” thệ tâm giải phóng phụ nữ Việt Nam, thệ tâm yêu cầu nam nữ bình quyền, thệ tâm công kích hôn nhân hủ tục, nghĩa là chị em chúng tôi quyết đánh đổ tục lệ xưa, bởi vậy chị em chúng tôi nhứt quyết không làm diễn văn, chỉ lo hành động cho đạt được mục đích mà thôi. Nay quí ông, quí bà, quí cô đến khánh hạ ngày sanh cho tờ báo của chúng tôi, tức biểu đồng tình với cử chỉ của chúng tôi, vậy chị em chúng tôi xin nói “ Cám ơn” và xin chúc quí ông, quí bà quí cô ăn bánh uống rượu mà chứng giùm ngày nay là ngày chị em chúng tôi phất cờ kêu toàn thể phụ nữ Việt Nam mở mắt đứng dậy gỡ mà quăng cái ách của bực nam nhi hủ lậu mang vào cổ chúng ta xưa nay.
Cô Tân Phong nữ sĩ nói dứt lời, thì tiếng vỗ tay rộ lên như pháo nổ, rồi chủ khách đồng ăn bánh uống rượu, nói nói cười cười, trên mặt mỗi ngưới đều vui mừng hớn hở.
Tiệc rượu mãn rồi, ông quản lý Hạo Nhiên hối bồi dẹp hết bàn ghế và đặt máy pick-up cho khách khiêu vũ.
Ông Bác vật Qui bước lại cúi đầu chào cô tổng lý Tân Phong và mời cô mở cuộc khiêu vũ đặng khách vui chơi. Cô Tân Phong cặp tay ông bác vật Qui rồi thủng thẳng đi ra đứng giữa phòng tiếng nhạc trỗi lên, hai người bèn nhảy theo nhịp. Khách nam nữ, gần phân nửa, liền mời nhau bắt cặp mà nhảy theo.
Cuộc khiêu vũ dây dưa đến 8 giờ rưỡi mới bãi. Khách từ mà về. Cô Tân Phong, cô Thiên Hương và cô Thanh Lệ hiệp cùng ông quản lý Hạo Nhiên với ông bác vật Qui đứng tại cầu thang mà đưa và tạ ơn khách.
Ông Tạ Chí Thành, là một cự phú ở Chợ Lớn, có vườn cao su trên một ngàn mẫu trong tỉnh Biên Hòa, ông chừng 30 tuổi đẹp trai, mà y phục cũng đẹp; ông đợi khách lần lượt đi hết, rồi ông bước lại đứng trước mặt cô Tân Phong, mắt liếc, miệng cười mà nói rằng: ”Tôi rất kính phục chủ nghĩa của ba cô lắm. Vậy tôi khuyên cô bền chí vững lòng mà đuổi theo cho đến đạt mục đích. Nếu cô chẳng chê tôi là đứa thô, thì tôi xin phép đứng sau lưng cô luôn luôn, hễ cô có cần dùng tiền bạc, bất luận là mấy ngàn mấy muôn, đặng tán thành công việc của cô làm, cô cứ day lại ngó tôi, thì tôi sẵn lòng giúp đỡ, xin cô đừng ngại”.
Cô Tân Phong cười rất hữu duyên và cúi đầu tạ ơn. Ông Chí Thành bắt tay từ giã rồi mới xuống lầu.
Khách về hết rồi, cô Tân Phong bèn ngó cô Thiên Hương và cô Thanh Lệ mà cười và nói rằng: “Cuộc lễ khánh hạ của chúng ta kết quả rất mỹ mãn. Tôi vui lắm, mà cũng phấn chí lắm. Chúng ta còn phải bàn tính công việc của chúng ta. Vậy tôi xin mời hai chị đi lại nhà tôi đặng ăn cơm rồi nói chuyện luôn thể. Tôi cũng mời anh bác vật và anh quản lý nữa. Tôi có dặn bếp sắp đặt trước rồi, đừng ngại chi hết. Đã khuya rồi, thôi mau mau kẻo nguội hết rồi bếp nó phiền”.
Ai nấy không thể từ chối được, nên phải đi theo cô Tân Phong mà xuống lầu.
Vợ chống bác vật Qui có xe hơi riêng, cô Tân Phong mời cô Thanh Lệ với ông Hạo Nhiên lên xe của cô, rồi cô cầm tay lái mà chạy.
Cô Tân Phong mướn một cái nhà trệt mà ở tại đường Richaud. Nhà tuy nhỏ, song có sân rộng, trước có trồng bông đủ màu, chung quanh có cây lớn che tàn mát mẻ. Trong nhà cô dọn rất đẹp, có phòng tiếp khách, có phòng làm việc, chỗ ngủ chỗ ăn đều phân biệt.
Chủ khách về tới nhà, cô Tân Phong mời hết vô phòng ăn và kêu bồi bếp hối bưng đồ ăn. Ráp lại bàn ăn, cô Tân Phong mời vợ chồng ông bác vật Qui ngồi một bên, còn một bên thì cô ngồi giữa, cô mời cô Thanh Lệ ngồi phía tay mặt và ông Hạo Nhiên ngồi phía tay trái của cô.
Bác vật Qui vừa cầm đũa thì nói rằng: “Lễ khánh hạ vui quá, song tôi còn tiếc một điều là hai bác không đến dự tiệc rượu với mấy cô”.
Cô Thiên Hương nói rằng: “Hồi hôm tôi có đi với chị Tân Phong vô trong nhà, tôi năn nỉ hết sức mà hai bác không chịu đi. Bác trai tuy không chịu đi, song cũng còn hỏi thăm công việc của chị em tôi làm, duy có bác gái, coi bộ không vui, nên không bao giờ thèm hỏi tới ”.
Cô Tân Phong nói: “Thầy tôi có nói riêng với tôi. Thầy tôi nói muốn đến dự tiệc lắm, ngặt hễ đi thì má tôi phiền, vì vậy nên tính ở nhà đặng khỏi chọc giận má tôi ”.
Bác vật Qui hỏi:
- Nếu vậy thì cô lập nhựt trình đây bác gái không bằng lòng hay sao?
- Ghét lắm. Má tôi cứ theo ép tôi lấy chồng. Lấy chồng làm gì không biết. Để tôi ở độc thân, tôi làm gái đời nay thử coi hư đến bực nào mà.
- Còn bác trai lại bằng lòng hay sao?
- Thầy tôi chịu. Thầy tôi lén đưa bạc cho tôi hùn mà mua nhà in và dọn báo quán đó. Nhà nầy cũng thầy tôi mướn rồi dọn cho tôi ở đây. Thầy tôi có nói thầy tôi không lui tới nhưng mà tôi cứ làm đi, nếu thiếu tiền thì cho thầy tôi hay rồi thầy tôi sẽ phụ thêm.
- Bác trai ngộ quá há! Tuổi tác thì theo bậc lão thành, còn trí ý lại theo bọn thanh niên, người như vậy ít có lắm.
Cô Thiên Hương lại hỏi cô Thanh Lệ:
- Bữa hổm tôi dặn chị gởi thiệp mời ông đốc tơ Vĩnh Xuân. Chị có nhớ mà gởi hay không, sao hồi chiều không thấy ổng?
- Tôi có gởi thiệp chớ, có lẽ tại ổng mắc việc gì đó nên ông đến không được.
- Bao thơ chị để trúng địa chỉ hay không?
- Sao lai không trúng. Tôi đề Docteur Cao Vĩnh Xuân, Clinique Cochinchinoise, N`800 Rue de Verdun Saigon , đề như vậy có thể nào lạc được.
- Đề như vậy thì trúng lắm, mà tại sao ổng không đến, lại cũng không trả lời? Chắc là ổng nghe đờn bà con gái lập nhựt báo ổng ghét chớ gì.
- Hay là vợ ổng không cho ổng đi.
- Có lẽ nào! Thiệp mình mời đủ ông bà mà.
- Tôi nghi như vậy thôi nhưng mà có lẽ trúng đa chị. Bà đốc tơ Vĩnh Xuân coi bộ kỳ lắm, không phải như chị em mình đâu.
- Chị biết hay sao?
- Sao lại không biết. Người ở một tỉnh với tôi mà.
- Nếu chị quen thì bữa nào chị lên nhà mà thăm rồi xin quảng cáo được hôn?
- Có lẽ được. Bây giờ anh quản lý cứ gởi báo đi. Vợ đốc tơ Vĩnh Xuân giàu lắm, gởi báo trước rồi sau minh đòi tiền cũng được mà.
Cô Tân Phong hỏi Hạo Nhiên:
- Mình làm quảng cáo hôm nay, vậy mà công chúng đã có gởi thơ đến chịu mua báo được chừng bao nhiêu?
- Hồi trưa nầy tôi có coi sổ thì đã được 4 ngàn tám trăm rồi. Số đầu tôi cho chạy 12 ngàn tờ, tôi để 5 ngàn đặng bán lẻ tại Sài Gòn, Chợ Lớn. Từ sớm mơi đến 11 giờ thì hết ráo, không còn bán nữa. Tôi tính số mai phải chạy 15 ngàn mới đủ bán.
- Về việc bán báo và thâu xuất tiền bạc, chị em tôi phó thác hết cho anh. Anh ráng chăm nom giùm đặng chị em tôi rảnh trí mà lo bài vở.
- Xin cô hãy tin tôi. Đừng lo chi hết. Tôi sẽ tận tâm.
Hạo Nhiên đứng dậy. Cô Tân Phong hỏi:
- Anh ăn rồi hay sao? Sao ăn ít vậy?
- Tôi no rồi. Xin cho phép tôi vô lễ đi uống nước trước đặng tôi chạy xuống báo quán một chút mà coi chừng thúc ấn công sắp chữ riết đặng lên khuôn mà chạy cho sớm. Lúc ban đầu công việc còn lộn xộn chưa có mực thước, nên tôi phải chịu cực một chút. Phải đôi ba tháng thợ thầy quen lần rồi mình mới khỏe.
- Như anh muốn thì anh đi trước đi. Có lẽ một lát rồi chị em tôi cũng trở xuống báo quán làm việc. Anh muốn uống trà hay cà phê thì biểu bồi nó rót cho.
- Cảm ơn. Cô để cho tôi tự tiện.
Hạo Nhiên ăn tráng miệng và uống một tách cà phê đậm, rồi từ giã mỗi người, kêu xe kéo mà chạy xuống báo quán.
Cô Tân Phong nói: “Anh Hạo Nhiên coi bộ tận tâm với chị em mình lắm. Mình được người quản lý trung hậu ít nói mà siêng năng vậy, thiệt là có phước”.
Bác vật Qui nói: “Ảnh ít nói mà học giỏi lắm. Ảnh thi tú tài một lượt với tôi, song ảnh thi về khoa bút toán. Ảnh đậu với ”mention très bien”[2], bị cha mẹ nghèo nên ảnh đi Tây học thêm không được, chớ phải ảnh có tiền mà đi Tây thì dầu học khoa nào ảnh cũng nên hết thảy”.
Cô Thanh Lệ cười nói: “Tại ảnh đi Tây không được, nên ảnh giận, rồi ảnh thờ chủ nghĩa độc thân?”.
Cô Thiên Hương cãi: “Không phải vậy, Tôi có hỏi sao ảnh không cưới vợ, thì ảnh nói phận ảnh nghèo chưa lập được địa vị gì, nếu cưới vợ rồi làm sao có hạnh phước được ”.
Cô Thanh Lệ nói: “Với chị thì ảnh nói như vậy, còn với tôi thì ảnh nói ảnh chưa để ý đến cuộc vợ chồng, là vì ảnh chưa gặp người nào có đủ tư cách làm bạn trăm năm với ảnh. Coi bộ ít nói mà kén vợ dữ lắm”
Cô Tân Phong ngó cô Thanh Lệ mà nói: “Chị đã tính hiệp với tôi đặng mà thờ chủ nghĩa độc thân, mà chị còn nói việc vợ chồng làm chi không biết!”
Cô Thanh Lệ mắc cỡ, nên không trả lời.
Ăn cơm rồi chủ khách đi ra salon uống nước. Cô Thiên Hương nói với chồng rằng: “ Em phải trở xuống báo quán đặng coi như ấn công sắp bài của em rồi thì em đọc lại mới được. Có lẽ em phải viết lần bài cho số ngày mốt nữa. Mình về ngủ trước đi, nghe hôn mình, chừng nào em buồn ngủ em sẽ về. Mình đừng phiền em nghe”.
Bác vật Qui đáp: ”Em cứ lo phận sự”
Cô Thiên Hương ôm mặt chồng mà hun rồi đứng dậy rủ hai cô kia đi.
Bác vật Qui lên xe mà về Tân Định một mình, còn ba cô thì đi xe của cô Tân Phong mà xuống báo quán.
Ba cô bước vô báo quán thì thấy trong phòng quản lý đèn đốt sáng trưng, Hạo Nhiên ngồi chăm chỉ mà viết. Ba cô đi một vòng coi ấn công sắp chữ rồi mới lên lầu, ai vô phòng nấy mà làm việc.
Đến 12 giờ khuya, cô Thiên Hương buồn ngủ mới rủ hai cô kia về. Ba cô xuống lầu, thấy Hạo Nhiên vẫn còn làm việc thì kêu mà biểu về, không cho làm quá độ.
Cô Tân Phong mời hết lên xe, rồi cô đưa Thanh Lệ về đường Lagrandière là chỗ ở với chị làm nữ giáo sư trường Chợ Đủi, đưa Hạo Nhiên về đường Mayer và đưa Thiên Hương về Tân Định rồi cô mới về nhà riêng để nghỉ.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư