Sống mòn - Phần 6 (Nam Cao)

161 lượt xem
Oanh càng ngày càng quá quắt. Y nói suốt ngày. Y không bằng lòng vì lũ học trò, về lão chủ nhà, về thằng Mô, về bọn trẻ con, về những người láng giềng và cả về người nhân tình ở xa xôi. Y kêu ca một mình, trước mắt Thứ và San. Y kêu ca thẳng với Thứ và San. Làm như Thứ và San có họ xa, họ gần với những kẻ đã làm cho y khó chịu. Thứ thấy cái cử chỉ ấy vô lý quá. Y không còn giữ nổi vẻ thản nhiên. Chỉ trông thấy Oanh, nghe tiếng Oanh, đã đủ cho mặt gờm gờm những cái run ghét giận rồi. Thường thường, y phải quay đi hoặc lảng ra chỗ khác. Sự bực tức của San lại càng bộc lộ hơn. Y thường bĩu môi hay cười mỉa mai để chọc tức Oanh. Nhiều khi cãi lại Oanh. Y bênh vực người nọ người kia chẳng phải vì thấy những người ấy đáng bênh, nhưng chỉ vì muốn mạt sát Oanh cho bõ ghét. Những bữa ăn đã trở nên náo nhiệt. Không mấy bữa Oanh và San không to tiếng với nhau. Họ cãi nhau toang toang như họp việc làng. Họ làm như nói đùa, bới móc nhau từng cái con con. San tính rành mạch cho Oanh nghe từng xu rau, từng hào đậu, từng tí nước mắm trong một bữa cơm để báo thù lại Oanh cứ luôn luôn kêu rằng mình thổi cơm tháng cho San và Thứ như vậy lỗ. Thứ không chịu thực tế và tỉ mỉ quá như vậy được. Kèn cựa với nhau vì đồng tiền cũng đã đủ ngượng lắm rồi, huống chi còn kèn cựa nhau vì chuyện ăn! Y thấy mặt nóng bừng mỗi khi Oanh và San to tiếng quá, hàng xóm có thể nghe thấy được. Tuy vậy, y cũng hơi hả dạ. Vốn tính cả nể, y không bạo nói như San, y không thể sống sượng bảo thẳng cho Oanh biết tất cả mỗi tham lam, biển lận của Oanh, y không thể vạch rõ cho Oanh thấy được việc giao thiệp giữa đôi bên thì chính Oanh là người được lời, là kẻ gian giảo, là người phải chịu ơn chứ không phải là kẻ bị thiệt như Oanh vẫn nói, tưởng bịt mắt được y là một anh chàng ngờ nghệch, không quen tính toán, cố nhiên là phải lấy làm khoái, vì bây giờ đã có San tính toán thay y và nói hộ y. Trước những con số quá rạch ròi, Oanh đành cứng miệng ra, không còn biết nói sao. Thứ tránh được cái nạn nghe Oanh một đôi khi lại giở cái giọng danh nghĩa với y. Nhưng cũng vì thế mà Oanh cũng chẳng còn cần phải giữ gìn gì, y dần dần phô hết tất cả bộ mặt thật của y ra: y lại càng đáng ghét. San quả quyết rằng Oanh đếm từng bát cơm mỗi người ăn. Oanh chỉ ăn vội vàng mỗi bữa ba lượt xới rồi vội nhìn những người khác ăn, để những người khác ngượng mà không ăn được. Chưa bao giờ Thứ ngờ rằng Oanh có thể ác và nhỏ nhen đến thế. Nhưng Thứ cũng chợt nhớ ra rằng đã có lần Oanh hỏi Thứ ăn mỗi bữa mấy lượt cơm. Một lần khác Oanh tỏ ý lấy làm lạ vì Thứ ăn khỏe thế mà vẫn gày gò và nhân tiện khoe rằng mình chỉ ăn mỗi bữa ba lượt xới bội, có đói một chút cũng không ăn nữa. Nghe San nói, Thứ đột nhiên thấy những câu nói ấy của Oanh có một ý nghĩa riêng. Thứ rất căm Oanh. Y sẵn lòng tin đối với San rằng Oanh đong thứ gạo xấu nhất, mua quá ít đồ ăn, hà tiện đến cả từ tí nước mắm trở đi, là cố ý cho mọi người chỉ ăn được ít cơm. Cái ấy do tính bủn xỉn của Oanh. Nhưng biết đâu Oanh lại chả muốn đầy đọa Thứ và San nữa đấy? Đầy đọa thế để báo thù họ đã ngang bướng, đòi chia với Oanh cái quyền được ở gác nhà trường. Và nhân tiện để xua đuổi họ. Thứ ngờ như vậy. Đã nhiều lần Oanh phàn nàn với y ở đông người như thế này thì đến ốm cả mất thôi. Oanh lại kêu nhà bẩn thỉu, bừa bộn luôn luôn. Làm như San và Thứ đi đến đâu thì đem sự bẩn thỉu, sự bừa bộn theo đến đấy! Thứ bất bình lắm. Nhưng Thứ không nói gì. Y chỉ nghĩ rằng: mình ở chung với nhiều người nhỏ nhen lắm, tất có ngày cũng đến thành nhỏ nhen như họ mất thôi. Chứng cớ là y đã không còn có thể chỉ đem sự khinh bỉ ngấm ngầm ra mà đối với Oanh. Y không còn có thể tự bảo y: "Chấp làm gì?... ". Một đôi khi y đã thấy cần phải trả miếng lại Oanh. Một lần, ăn mới xong một bát cơm mà đã hết cả thức ăn, San cầm lấy cái đĩa đựng đậu kho chỉ còn có đĩa không với một tí nước và vài cái lá hành, đổ cơm vào trộn đi, trộn lại sạch như lau. Trộn xong, y trút vào bát của y, thong thả và cẩn thận gạt từng hạt cơm dính trong lòng đĩa xuống. Rồi y đặt cái đĩa không ra hẳn ngoài mâm, thủng thỉnh nói một mình:
- Để riêng nó ra đấy. Sạch lắm rồi. Lát nữa không cần phải rửa, thằng Mô tha hồ thích nhé!
Biết là San có ý xỏ Oanh, Thứ cố nín cười. Y mải mốt vồ lấy cái đĩa, cự San:
- Anh phí của vừa vừa chứ! Tôi còn đang ăn cơm nhạt đây. Làm xái nhất rồi cũng phải để cho người khác nhờ cái xái nhì chứ lại!...
Y sẻ một ít cơm vào cái đĩa đã chẳng còn hơi một chút mắm muối nào, vờ trộn lại. San khoái trá vì cái trò cay độc ấy, đập đôi đũa xuống đùi, cười hẳn cả cơm ra. Lũ trẻ cũng cười. Chỉ có Oanh là buông xuôi mặt chẳng nói năng gì. Y vội vàng và hết bát cơm rồi quăng bát đũa, đứng lên. San và Thứ ăn nốt chỗ cơm dở cũng đứng lên. Nhưng họ sai Mô đi mua một chục cái bánh chưng về. Mời mọc mãi Oanh và lũ trẻ con, chẳng ai ăn, hai người bèn ăn luôn hết cả chục cái bánh chưng. Rồi họ lên giường nằm để nghỉ trưa. Thỉnh thoảng San vẫn còn rúc rích cười. Nhưng Thứ thì đã bắt đầu thấy như ân hận. Cái cử chỉ của y vừa rồi tàn nhẫn đã đành. Nhưng nó chả thô tục hay sao? Thô tục mà lại đê tiện nữa. Nó tỏ ra là một người quá để ý đến miếng ăn. Xưa nay y có phải là hạng người như thế đâu? Y có thể kèn cựa, tèm nhèm, nhỏ nhặt đến thế ư? Y lấy làm nhục cho y lắm. Cả buổi chiều hôm ấy, y luẩn quẩn với những ý buồn bã về nhân cách của y. Đứng trước bọn học trò, y thấy ngượng ngùng. Y có cảm giác như cái cử chỉ hạ tiện của y lúc ban trưa còn để lại một chút vết tích gì trên nét mặt của y. Những cặp mắt long lanh của học trò chăm chú nhìn y, ý thấy như có vẻ soi mói hay ngạc nhiên, chế nhạo thế nào. Y mất hẳn cái giọng nói chắc nịch mọi ngày. Y có còn đáng mặt giảng giải và khuyến khích những điều hay, nết tốt nữa đâu? Bọn học trò xưa nay vẫn mến y, vẫn phục y, vẫn coi y như cái kiểu mẫu để mà theo. Những lời nói của y đều được coi là những châm ngôn mà chính y đã thực hành mãi mãi rồi. Chao ôi! Nếu chúng biết rằng đó chỉ là những câu giáo dục suông, những lời nói dối! "Làm theo những điều ta bảo, chớ đừng làm những điều ta làm!". Như thế nghĩa là gì? Cái kẻ khuyên người ta làm những việc chẳng thể làm hay chẳng muốn làm chỉ là một kẻ lừa dối, một người bịp bợm. Bản tính thẳng thắn và giàu tự trọng, Thứ thường rất nghiêm khắc với chính y, với cái nghề dạy học của y. Kể ra thì y cũng đã cẩn thận trong cái việc cư xử lắm rồi. Thế mà luôn luôn có thể nói hằng ngày, y nhận ra những dịp phải trách mình. Nhìn rõ những cái hèn, những cái yếu của lòng mình, hy sinh dễ dãi trong việc xét người và hơi bi quan về người. Ờ, nghĩ cho cùng thì Oanh có quả thật là một người đáng chê trách đến thế không? Oanh nhỏ nhen, ích kỷ, tham lam, vì những cái đó, âu cũng là bản tính của loài người. Ít ra đó là những tật chung của loài người, như ta đang hiện thấy quanh ta. Từ lời dạy lòng người hướng dẫn những hành động của con người, ai cũng phải nghĩ đến mình để sống. Chừng nào người còn phải giật của người từng miếng ăn thì mới có ăn, chừng nào một số người còn phải giẫm lên đầu những người kia để nhô lên thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ. Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái cuộc sống lầm than, nó đã bắt buộc người ta ích kỷ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam... Thứ vượt cao quá cái địa điểm của y. Y nhìn rộng lớn hơn. Tự nhiên y thấy không dễ kể cái trường học của y, những hằn học của y với Oanh ăn chèn của y mỗi tháng mấy chục đồng. Những cái ấy bị chìm, bị lấn vào một cái khác lớn lao rộng rãi hơn. Chúng chẳng qua là một ngọn sóng cỏn con, lẩn vào muôn nghìn đợt sóng khác của trùng dương. Có thấm tháp vào đâu? Phí sức mình vào những nỗi bất bình! Hãy dành sự uất hận cho những cơ hội lớn, những công việc lớn... Y nghĩ như vậy. Và những ý nghĩ ấy, có lẽ đẹp thì có đẹp nhưng khó khỏi quá viển vông, quá huênh hoang, cũng có ích cho y được một đôi phần ngay lúc bấy giờ: chúng khiến lòng y bình tĩnh lại. Y không cần phải hậm hực với mình? Trong một lúc, y có cả một cái ảo tưởng đẹp đẽ rằng mình cũng là một vĩ nhân, một anh hùng vượt lên bên trên sự tầm thường để chỉ nghĩ đến một cái gì vĩ đại mà thôi. Y nghĩ đến những phương kế để xoay ngược lại, đồng thời xếp đặt cho sự giao tiếp giữa người với người ổn thỏa hơn. Y gần như quên hẳn được chính y. Trước mắt y, chỉ còn là một cái nhân loại mênh mông, rất bao la, rộng rãi, cái nhân loại hỗn độn đang bị khổ cực, đau đớn, điên cuồng vì những lỗi lầm của mọi người, một cái nhân loại đang sống một lối sống tối ư ích kỷ. Y náo nức một dự một phần vào việc xây dựng lại cái nhân loại ấy. Dù như thế nào, y chưa biết, mặc dầu vậy, y cũng đã hưởng được một chút say sưa trong lòng rồi.
Nhưng chẳng bao lâu, y lại phải trở về thực tế, với cuộc đời chật hẹp của y. Sau buổi học chiều, y lại phải gặp Oanh. Hai người tránh nhìn nhau. Oanh cau có hơn, gắt gỏng nhiều hơn, có lẽ chỉ vì cần giữ vẻ tự nhiên. Nhưng Thứ cho rằng Oanh gắt gỏng thế vì y. Một vài câu của Oanh lại có vẻ như nói cạnh, nói khóe y. Tự nhiên y lại thấy ghét Oanh. Lúc ăn cơm y chẳng nói năng gì, ăn hơi nhanh, đôi mắt chúc xuống, mặt hầm hầm. Oanh cũng giấu đôi mắt của mình đi. Nhưng cái mặt Oanh khinh khỉnh, vênh vênh, trông khiêu khích lạ lùng. Thứ tưởng như Oanh muốn chọc tức y. Y lại càng hậm hực, nghẹn ngào. San thấy Thứ hôm nay đột nhiên không giữ cái địa vị của y mọi ngày để gây sự với Oanh, có vẻ hài lòng. Được một hôm để làm người tử tế, y cũng làm người tử tế chơi! Y hết nhìn trộm Thứ lại nhìn trộm Oanh, nói nói cười cười. Giọng nói của y hôm nay rất vui vẻ, rất ôn hòa. Người ta tưởng như y muốn hòa giải Thứ và Oanh. Nhưng cả Thứ và Oanh cùng để cho y nói một mình! Y quay ra nói với lũ trẻ con. Y có tất cả nỗi sung sướng của một tâm hồn thư thái, không giận ghét.
Ăn cơm xong, San xếp sách vở đi học ngay, tuy còn sớm, có lẽ vì thấy trời hôm nay nhẹ nhõm hơn. Trước khi đến chỗ học, y còn muốn đi loanh quoanh mấy phố chơi. Thứ cũng thấy cần phải ra ngoài. Y bảo San đợi, để cùng đi. Oanh như biết trước họ đi với nhau là chỉ để nói xấu mình, sa sầm mặt. Thứ đoán ra cái ý nghĩ ấy của Oanh. Y chắc Oanh đang nghĩ bụng khinh y. Mà nếu quả thật y có cái định tâm hèn nhát ấy - cái định tâm đi với San để cùng San nói xấu Oanh - thì y cũng đáng cho Oanh khinh thật. Bởi thế y nhất định sẽ không nói gì về Oanh cả. Hai người đi bên nhau một quãng dài. Nhưng đợi mãi không thấy Thứ nói gì, y đành khơi chuyện trước. Y vừa cười vừa bảo:
- Anh nghĩ trưa hôm nay, chúng mình làm thế, Oanh có tức không?
Thứ ngần ngừ. Y không muốn đáp. San cũng chẳng cần y phải đáp. Y cười phì một cái ra đằng mũi và đáp lấy:
- Cố nhiên là có tức. Anh tính chúng mình chơi thế có khác gì chửi vào mặt en. Còn tệ hơn chửi nữa.
Thứ cười nhạt khẽ. Y cười ngượng nghịu. San đoán ra những hối hận của y và phản đối ngay:
- Kể ra chúng mình làm thế có hơi quá thật. Nhưng không thế cũng không xong. En nó nể chúng mình đâu mà chúng mình phải nể en? Chúng mình có muốn đểu giả làm gì? Nhưng bởi en đểu giả nên chúng mình cũng hóa ra đểu giả.
Thứ không thể nhịn được nữa. Cái ý nghĩ ngấm ngầm của y, gặp được một ý bạn, xộc ra:
- Ấy thế nên tôi vẫn bảo rằng: ở với những người tồi rồi chính mình cũng sinh tồi.
- Đúng vậy! Họ tồi mà mình vẫn xử tử tế, vẫn cao thượng thì mình thiệt. Không những thế họ không chịu biết cho mình rằng mình không thèm chấp, mình không muốn tồi như họ, họ lại cho là mình quích. Mình không muốn quích, cố nhiên là cũng phải tồi như họ. Hay nói thí dụ như chúng mình...
San bắt đầu kể những cái tử tế của Thứ và y, và những cái không tử tế của Oanh, Thứ lẳng lặng nghe. Nói cho đúng thì y lẳng lặng, chỉ muốn để cho San nói. Bởi vì những điều San nói, y đã nói mãi rồi. Thứ nghe mãi đã nhàm. Y chỉ đợi San ngừng lại. Thứ vội vàng kết luận:
- Thế cho nên tôi nghĩ chúng mình nên tìm một chỗ nào khác ở riêng ra, cho nó khỏi nặng mình.
Thứ nhìn mặt San để dò ý tứ. San cười hở cả lợi ra:
- Thế hở? Anh cũng phải nghĩ thế kia à?
- Tôi đã nghĩ từ lâu, nhưng chỉ vì chưa tìm được chỗ nào, nên chưa tiện nói ra.
- Tôi tưởng chỉ có mình tôi!
- Anh tưởng thế đấy chứ tôi nhức óc đã từ lâu rồi.
- Tôi thì không những nhức óc. Tôi còn sợ ở với en mãi thì chúng mình đến biết tay. Thật tình thì tôi thấy, ít lâu nay chúng mình ăn uống kham khổ quá. Gạo thì gạo đã lên hơi, mới ngửi thấy đã nhức đầu, thức ăn thì rau muống luộc không đủ mà ăn nửa bữa cơm. Còn lấy gì làm chất bổ. Chúng mình thằng nào cũng làm việc mỗi ngày mười mấy giờ như Nã-phá-luân, ăn uống thế thì đến ho lao mất.
- Anh thử nghĩ xem quanh đây nhà nào chúng mình có thể ở trọ không?
- Anh thử hỏi bọn học trò xem. Chắc cũng có nhiều đứa nhà rộng rãi.
Thứ nghĩ ngợi một lát rồi tặc lưỡi:
- Kể ra thì cũng hơi phiền. Tôi ngại nhất là cái việc khuân đồ đạc đi.
- Đồ đạc thì anh bảo chúng mình có quái gì?
- Chính vì thế mà tôi ngại.
San hiểu ý y. Y ngẫm nghĩ một chút rồi cũng bảo:
- Nhất là chúng mình lại chẳng thằng nào có lấy một bộ quần áo mặc nhà cho nó ra hồn. Chăn màn cũng chẳng ra hồn.
- Chính vậy đó. Mấy cái chăn như chăn của ăn mày mà khuân đến nhà người ta thì cũng ngượng.
Họ thấy ngài ngại đi. Và Thứ lại trách San:
- Thế mới biết chỉ chúng mình ở với nhau như trước là dễ chịu. Ai bảo anh cứ khăng khăng trả lại nhà?
Nhưng San bảo:
- Thì ai không biết vậy? Nhưng anh tính không trả lại nhà thì chúng mình lấy tiền đâu?... Chúng mình chỉ còn có hai thằng, không chịu nổi. Nếu chịu nổi thì bây giờ chúng mình lại đi thuê nhà, thuê thằng ở, có khó khăn nỗi gì? Nếu anh tính đủ thì anh cứ làm chủ đi. Tôi còn mười đồng mỗi tháng thì tôi xin đưa cả cho anh.
Thứ cười...
Ngày hôm sau, Thứ hỏi học trò xem có anh nào ở gần trường mà nhà rộng rãi. Chẳng anh nào đáp lại y. Y không hiểu rằng đó là chúng khiêm tốn mà thôi. Y khó chịu, buồn buồn. Y rất yêu học trò và cần được biết rằng chúng đã yêu y. Có lần y đã dọa chúng rằng y sắp xuống dạy lớp trẻ con để cho cô giáo hay là một người nào khác thay y dạy lớp nhất, lớp nhì, cố ý thử lòng chúng xem sao. Y sung sướng khi thấy hầu hết chúng đều lộ vẻ tiếc y và hoặc khẩn khoản, hoặc nũng nịu nài y xem bao giờ cô giáo ấy lên. Chỉ có hai đứa bạn ngồi bàn trên cũng ngước đôi mắt đen lay láy và long lanh những tia vui lên để nhìn y. Mấy đứa ấy xưa nay cũng rất ngoan, rất lễ phép với y. Chẳng có gì tỏ ra rằng chúng ghét y. Nhưng chúng có vẻ thích cô giáo dạy. Và Thứ đã buồn nản suốt cả chiều hôm ấy. Lần này cũng vậy, thấy cả lớp ngồi im, y tự hỏi sao chúng lại hững hờ với y đến thế?
Thứ bàn với thằng Mô. Mô bảo:
- Cậu hỏi cha mẹ chúng nó, chứ hỏi chúng nó thì chúng nó biết gì?
- Đã đành, nhưng cũng phải bảo chúng nó hỏi qua ý kiến bố mẹ chúng nó xem họ có bằng lòng không đã chứ! Họ không bằng lòng mà mình cứ đến hỏi họ sinh khó nghĩ.
- Thế thì cậu thử hỏi thằng Tuệ xem. Ông bố nó làm chánh hội. Nhà nó cũng nhà gạch hẳn hoi. Hai cậu có ở trọ thì cũng phải ở trọ những nhà như thế.
Thứ hỏi Tuệ. Y thất vọng ngay. Nhà thì rộng rãi nhưng mà có hai người chị. Hai cô đều trên dưới hai chục tuổi mà lại chưa chồng cả. Thứ không ưa những nhà lắm đàn bà. Mình phải giữ gìn hơn, mất cả tự do. Huống chi đây lại là hai cô gái chưa chồng. Mà lại đúng hai cô. Thứ và San cũng hai người. Y đã đoán trước ra những lời bàn tán của những người con trai quanh đấy. Cũng chẳng sao, miễn là mình giữ được lòng mình. Nhưng Thứ không tin hẳn ở San. Y cũng không muốn cho ai có thể ngờ, dù chỉ ngờ vực bâng quơ. Y rất tinh vi. Hồi mới lấy vợ, y đã phải đau đớn khá nhiều vì những ngô nghê rất không đâu. Y ghen với bất cứ người đàn ông nào có dịp ở gần Liên. Y ghen với anh hàng xóm, với những người làm, với cả thằng ở nhà Liên. Ghét cái tật chung của những anh con trai quá yêu, mới bắt đầu yêu. Biết đâu hai cô gái mà y và San định đến trọ nhà lại đã chẳng có nhân tình hay ít ra, có những anh chàng yêu vụng nhớ thầm. Y và San rất có thể đứng thành kẻ thù của những người mà họ rất không ngờ.
Một điều chắc chắn rằng hai người con gái ấy có một ngày phải lấy chồng. Biết đâu hai người chồng ấy sau này lại không chỉ vì nghĩ ngày trước, có lần, đã có hai thằng đàn ông trẻ tuổi, cùng bằng trạc ấy, trọ ở nhà vợ của họ khi vợ họ chưa lấy họ, mà mất ăn mất ngủ? Biết đâu Thứ đã chẳng vô tình làm hư hỏng cái hạnh phúc yêu đương của những người rất yêu đương? Thứ chẳng hạn, y sẽ sung sướng biết bao nhiêu, nếu những khi gần gũi Liên, sự ngờ vực không nhoi nhói trồi ra như một mũi kim trong một cái bọc nhung. Nó làm cái tình yêu của y bao giờ cũng pha lẫn chua cay. Nó khiến y yêu một cách đau khổ vô cùng. Nhiều lần, đang ôm ấp Liên, một ý nghĩ chợt lóe ra, ấy thế là đột nhiên mặt y co rúm lại, y nghiến chặt răng, mắt nẩy lửa, hai cánh tay phũ phàng riết chặt lấy người yêu. Những lúc ấy thật tình y muốn lay, muốn lắc, muốn vò tan, xé nát, nghiến ngấu người yêu, nuốt tọt người yêu đi cho hả. Hỡi ôi! Thứ đã đau đớn quá nhiều vì sự nghi ngờ. Y muốn tránh cho những người khác nỗi đau đớn vô ích ấy...
Thứ hỏi Mô xem còn nhà nào khác không. Mô kể ra luôn bốn năm nhà. Nhưng nó kể ra để lần lượt gạt đi cả. Theo ý nó thì mấy nhà ấy, chẳng nhà nào tiện cho Thứ và San. Nhà thì quá chật chội, bẩn thỉu, tồi tàn. Nhà thì rặt những đàn bà. Phần nhiều đều ăn uống xềnh xoàng, sợ các ông giáo ăn sang, cánh nánh không muốn để cho hai ông trọ. Thứ cười chua chát:
- Mày tính cơm nước thế nào mà chúng tao ăn chả được! Cơm nhà mày mà còn nuốt được nữa là!...
Mô cũng bật cười:
- Đã đành rằng vậy, nhưng họ biết đâu. Người ngoài ai biết mình kham khổ thế nào, mà cũng không nên để cho họ biết.
Mặt nó tần ngần rồi mân mê cái đòn gánh, nói:
- Thưa cậu, con không phải như con sen, thằng nhỏ nhà người ta, đem chuyện của chủ nhà đi nói với mọi người. Con xin thề với cậu, nội quanh đây có ai biết con ở với cô giáo, mỗi tháng công có một đồng, là con phải tội. Ai cũng tưởng công con ít ra mỗi tháng ba, bốn đồng. Tội gì mình để cho người ta nhòm vào ruột? Thật chính con, con cũng giữ tiếng cho cô giáo nhiều. Lúc làm bếp, bao giờ con cũng đóng cửa, không để ai vào. Đi chợ, bao giờ con cũng mang cái bị đi. Cậu tính chỉ có mấy mớ rau với vài bìa đậu thôi chứ có quái gì! Cầm một tay cũng hết thừa. Nhưng con phải cho vào bị, xách về, để không ai biết mình mua ít, mua nhiều ra sao. Người ta biết, người ta cười chết! Nhiều khi bà thợ giặt hay bà Ngọt thấy con chẳng mua gì, chỉ mua mấy mớ rau rồi về, các bà ấy hỏi thì con lại bảo: "Nhà hãy còn nhiều thức ăn mua tối qua". Có khi các bà ấy hỏi sao không mua thịt, con bảo: "Nhà tôi không ai ưa ăn thịt, nhiều bữa có đĩa thịt lợn đem lên, lại đem xuống, còn nguyên".
Thứ hơi đỏ mặt. Y cố cười thật to, làm như chỉ thấy trong những lời Mô một câu chuyện ngộ nghĩnh, buồn cười. Thật ra thì y xấu hổ vô cùng. Y tưởng tượng ra nét mặt của bà Ngọt, bà thợ giặt, những bà láng giềng khác, bàn tán to nhỏ với nhau về những ông giáo với cô giáo bên trường. Cái môi nứt nẻ, bết quết của bà Ngọt bĩu ra. Bà thợ giặt cười một cái cười nặng nề, làm những cục thịt ở mặt nổi hết cả lên. Bà béo thì làm bộ không tin để những bà kia tức mình, phải nói quả quyết hơn, đem những chứng cớ rõ rệt ra. Rồi một bà chẩu môi, rên lên, hạ một câu bình phẩm thế mà bấy lâu nay không ai biết, cũng mang tiếng ông giáo với bà giáo, quần áo là, sơ mi trắng, thắt ca vát, giầy tân thời, thứ Năm, Chủ Nhật diện ngất, tưởng mà mỡ lắm, thế mà kì thực bụng chứa đầy rau muống luộc!... Tiếng cười vỡ lở ra ằng ặc, hi hi, hô hố... Thứ nóng bừng cả mặt. Y chợt nhớ đến Tư, đến một buổi tối nhờ có San khuyến khích và ủng hộ, y đã đánh bạo theo Tư, trong một cuộc chợ phiên, đến đôi mắt nhí nhảnh và tiếng cười nghịch ngợm của Tư hôm ấy. Y nhớ đến một vài thiếu nữ quen mặt khác, sáng sáng các cô cắp rổ hay xách làn mây đi qua trước cửa trường, y vẫn làm ra vẻ bạo dạn, ra đứng hiên gác nhìn họ để được thấy họ rất tự nhiên. Những lúc ấy chắc mặt y cũng phải vênh váo lắm đấy chứ chẳng chơi đâu! Rõ thật dơ! Giáo khổ trường tư mà cũng đòi nhìn mắt gái tân thời! Liệu lương có đủ tiền cho người ta mua phấn đánh không. Bụng toàn rau muống luộc đấy, ai mà còn chẳng biết! Thứ tưởng tượng ra những lời nói chanh chua ấy. Y thấy mình lố vô cùng. Và y biết chẳng bao giờ y còn dám nhìn Tư lần nữa. Hơn thế ấy, y sẽ phải cúi mặt trước đôi mắt ranh mãnh của Tư, y sẽ phải lảng vào nhà, giấu mặt đi, khi thoáng thấy Tư đằng xa, hay bóng dáng một thiếu nữ người ở vùng này, đi tới. Một cục gì nghèn nghẹn ở cổ y. Y không khát, y nhắc chén nước lên, nhấp từng ngụm nhỏ như một người uống trà tàu, đôi mắt đờ đẫn nhìn bức tường đen mốc nhà bên cạnh. Y làm như đang nhấm nháp, đang phân tích, ngẫm nghĩ cái hương vị của chén trà. Nhưng thứ nước y đang uống không phải là trà tàu. Nó chẳng có một chút hương vị gì... Nó chỉ là nước lã đun sôi đổ vào chai mà cả bọn vẫn thường tự dối mà khen là thanh đạm, vệ sinh, uống nước lã đun sôi là một cách giữ sức khỏe tốt nhất. Nhắp chén nước, vừa nghĩ đến cái vị nhạt phèo của đời y. Làm đến chết người đó, chỉ để được ngày vài bữa cơm rau đổ vào mồm, rồi đêm ngủ một mình, tưởng nhớ đến vợ con. Trong khi ở nhà quê cũng vậy, làm đến chết người, cũng chỉ vì mỗi ngày mấy bữa cơm, ngoài ra, chẳng hề có một cái lạc thú gì khác nữa, chẳng có một cái hy vọng gì hơn nữa. Cuộc đời như thế kéo dài đã mấy năm rồi. Nó còn kéo dài ra năm năm, mười năm, hai mươi năm... biết đến bao giờ? Thứ hoảng hốt nhận ra rằng đời y rất có thể cứ thế này mãi mãi, suốt đời. Hoảng hốt như là y mới nhận ra cái điều thất vọng ấy lần đầu. Thì xưa nay y vẫn ngấm ngầm hy vọng vào một cái gì mãi đó ư? Y vẫn cho rằng cuộc đời hiện tại của y chỉ là một cuộc sống tạm bợ mà thôi. Y vẫn đợi chờ một cái gì, một cuộc đổi thay. Căn cứ vào đâu? Thứ mở to đôi mắt, sợ hãi, nhận ra rằng bao nhiêu năm nay y đã sống như mơ ngủ vậy. Ôi chao! Còn cách gì có thể thay đổi được đời y? Y không đánh bạc, không mua vé số, không có vốn để đi buôn, cái đời công chức, có lẽ chẳng hơn cái đời y được bao nhiêu, mà lại có phần bó buộc hơn, chán nản hơn. Y chán ngay từ lúc chưa vào. Vậy thì y còn có thể [1] ... Mẹ của y, người đàn bà mắn con ấy. Y có sáu đứa em thì ba đứa sẽ phải cưới vợ, ba đứa phải gả chồng, rồi lại phải giúp cho chúng có nghề nghiệp, có cơ sở làm ăn. Y là con cả. Y đã được học nhiều. Cái bổn phận của y cố nhiên là phải to tát lắm. Y có rất nhiều gánh nặng. Càng nhìn xa, y càng thấy đời y càng ngày càng thắt chặt vào, càng chật chội thêm. Y chỉ có thể khổ hơn thế, không có thể sướng ra. Hết việc nọ đến việc kia, toàn những việc phải tiêu. Y đúng như một con ngựa còm, cứ vừa mới ỳ ạch qua cái dốc này thì lại đến ngay dốc khác. Tương lai sầm tối. Thứ vụt đã lại đã biến thành con người thực tế hơn. Y không còn dám nghĩ gì đến những thú vui, những hy vọng cao xa. Y chỉ còn dám nghĩ đến cơm áo hằng ngày của vợ con. Giả sử như y không đi dạy học được thì sao? Cố nhiên là y sẽ phải ăn nhờ cơm vợ, cơm con. Nhưng vợ y sẽ làm gì cho cả nhà đủ gạo ăn? Khổ lắm, nghĩa là cả nhà y sẽ đói, sẽ chết đói nữa, là thường lắm. Vậy thì y đi dạy học cũng còn là phúc đấy. Y quên hết cả những cái thiếu, cái khổ, cái buồn, cái nhục. Trước mắt y toàn những cái lo. Y thành nhút nhát hơn. Y quý đồng tiền. Y lại thấy ngại đi tìm nhà trọ khác. Ở chỗ khác, y sẽ phải trả nhiều tiền hơn bây giờ, có thể gấp hai. Số tiền gửi về nhà quê, số tiền để dành sẽ hụt đi. Vợ con y sẽ khổ thêm. Mà biết đến bao giờ y mới sạch công nợ, có được một số vốn con con để đỡ lo một chút? Vả lại ở nhà quê, vợ, các con y, bố mẹ y chả ăn uống khổ sở hàng đời người rồi hay sao, còn có bao giờ được no xôi chán chè lấy hai bữa, lấy vài tháng còn có bao giờ họ biết mùi thịt cá luôn, hay cũng chỉ cơm hẩm cá hiu thôi? Vậy thì y được như hiện nay cũng là đủ lắm rồi. Tại sao y lại muốn sung sướng một mình trong khi cả nhà còn đói khổ? Y nhớ đến một lần y ở Hà Nội về quê. Hồi ấy vợ chồng y mới ăn riêng. Cái cảnh riêng tây còn là một sự chưa quen đối với y. Chưa bao giờ y nghĩ rằng có một ngày, gia đình y và gia đình bố mẹ y lại là hai gia đình khác hẳn nhau. Bởi vậy lúc ăn cơm, khi thấy bà, bố mẹ và các em ngồi một mâm, y thấy ngường ngượng mà lại buồn buồn. Khó chịu như là ở mâm y lại có một đĩa cá kho, còn mâm kia chỉ toàn là rau. Y cau mặt khẽ trách Liên. Liên chưa kịp trả lời thì bà mẹ y nhận thấy, đã cười và đáp hộ Liên:
- Dào ôi! Nhà chẳng có đâu. Chúng tôi ở nhà thì đến cơm cũng chẳng có mà ăn, còn có tiền đâu mà sắm thức ăn? Mọi khi nó cũng chỉ có rau không. Đây là hôm nay, cụ Bá thấy nói con rể cụ về, sợ con rể cụ xưa nay chỉ ở tỉnh thành, chịu kham khổ không quen nên bảo vợ mày đem về cho mày một đĩa cá kho đấy chứ! Nó chẳng mua đâu mà mắng nó.
Y chép miệng:
- Hừ! Khéo vẽ!... Ăn thế nào mà chẳng được.
Rồi y bảo lấy một đĩa nữa, xé đĩa cá ra, bỏ sang mâm kia một nửa cho bà và các em ăn với. Nhưng mọi người nhao nhao phản đối. Bà mẹ gắt lên:
- Thôi! Để đấy mà ăn. Chúng nó thì đến ăn cơm với tương cũng còn nhẵn cả nồi đấy, lọ là phải thức ăn ngon! Có thức ăn ngon cho bọn chúng nó ăn thì đến nồi mười cơm cũng chẳng xuể!
- Thì mẹ cứ để cho chúng nó ăn, mẹ cũng xơi nhân thể.
Nhưng bà cụ đã vội và nốt bát cơm, buông đũa đứng lên.
- Thôi, tôi ăn xong rồi. Mỗi người có vài vực cơm, nhiều nhặn gì mà phải cá?
Thứ hơi phật ý. Y tưởng như bà và mẹ mỉa mai. Nhưng nghĩ cho kỹ, thì có lẽ các cụ chỉ nhường nhịn đó thôi. Các cụ sợ nếu các cụ nhận ăn một lần thì lần sau, có món ăn gì Thứ cũng lại chia cho. Nhà quá đông người. Nếu muốn mua thức ăn cho chồng mà vợ Thứ cứ phải mua cho đủ mọi người ăn thì y lấy đâu ra tiền mà mua như vậy? Huống chi đĩa cá kho lại là của ông bố vợ Thứ cho y. Ông cho y thì để y ăn, người khác ăn vào, mang tiếng. Thứ đoán như vậy, cái lý luận ngấm ngầm của những kẻ quê mùa ấy. Y thấy họ thận trọng quá nhiều đối với một đĩa cá kho. Một đĩa cá kho, giá trị chỉ độ nửa đồng hào, mà to tát đến thế ư? Y nhớ đến những bữa ăn hàng, y tiêu tốn đến hàng đồng và thấy lòng ân hận. Suốt một bữa cơm, y nghĩ vẩn vơ. Y chẳng còn biết gì ngon. Và nếu không trông thấy mặt Liên buồn buồn, hai mắt nhìn xuống như có ý tủi thân, thì có lẽ y đã chẳng chạm đũa vào đĩa cá... Buổi chiều hôm ấy, y còn được dịp nghĩ ngợi nhiều hơn. Vừa mới chập tối, bà y đã đi nằm. Bà mẹ, đang ngồi nói chuyện với y ở đầu hè, đột nhiên cũng đứng lên:
- Kìa! Nó đã dọn cơm kia kìa! Đi mà ăn cơm!
Bà chực lảng vào buồng, Thứ hỏi:
- Nhà chưa ăn kia à?
- Chưa, lát nữa mới ăn
Bà mẹ y vừa nói vừa tủm tỉm cười. Mấy đứa em y ngồi gần đấy cũng tủm tỉm cười. Y chợt đoán ra.
- Ở nhà không ăn.
Bà mẹ đáp, sau một thoáng ngập ngừng:
- Không. Chúng nó ăn khỏe, ăn dồn cả vào một bữa cho đỡ lách ca lách cách. Đằng nào cũng chỉ có bằng ấy gạo; chia ra hai bữa thì cũng thế.
Thứ thấy lòng sầm tối lại. Vợ y đặt trước y một cái mâm con, trên lỏng chỏng có một bát cơm lồng, một đôi đũa, một cái bát con và đĩa cá kho trưa còn thừa lại. Cơm là cơm nguội. Mọi ngày Liên cũng chỉ ăn một bữa thôi. Nhưng biết chồng từ bé đến nay, chưa phải ăn một ngày một bữa bao giờ, bữa trưa y đã lấy thừa ra một suất cơm. Lúc xới cơm, y đã xới ba lượt đầy, lồng lại, cất đi. Đó là bữa tối cho Thứ... Thứ thấy vô lý quá. Trong hai vợ chồng y, nếu có người nào cần phải ăn hơn thì người đó phải là Liên: Liên đã phải luật quật suốt ngày, lại phải lo đủ sữa để nuôi con. Vả lại, ngoài Liên ra, lại còn bà Thứ, già ngoài bảy mươi tuổi rồi mà vẫn đang còn nằm nhịn đói kia. Lại còn mẹ y, cũng luật quật suốt ngày và cũng có con thơ. Lại còn cha y, bữa trưa ăn ba lượt cơm như mọi người thì mới đầy được một góc dạ dày. Lại còn các em y, chưa đáng phải chịu những cay cực của đời và tạng phủ đang cần được tẩm bổ nhiều để đủ sức lớn lên; chúng gầy guộc, ngơ ngác, nhút nhát, buồn rầu, có lẽ chỉ vì phải nhịn đói, phải vất vả, phải mắng chửi suốt ngày, ngay từ cái lúc mà đáng lẽ chúng phải được ăn no rồi chạy nhẩy nhởn nhơ, mặt trong trẻo và lòng vô tư lự. Thứ đang độ trẻ trung. Y không phải lao lực như bất cứ ai trong nhà. Y lại cũng được no mãi rồi, bây giờ có đói một vài bữa cũng không sao, mà có lẽ cũng là sự công bình. Ấy thế mà tại sao y lại cứ cần phải ăn, phải no một mình như vậy? Thứ suy rộng ra và chua chát nhận ra rằng cái sự buồn cười ấy lại là một sự rất thường, chẳng riêng gì trong một nhà y, mà có lẽ chung cho khắp mọi nơi. Bao giờ và ở đâu đâu thì cũng thế thôi. Thằng nào đã chịu khổ quen rồi thì cứ thế mà chịu mãi đi! Mà thường thường những kẻ ăn nhiều nhất, hưởng nhiều nhất thì lại chính là những kẻ không cần ăn một tí nào hoặc không đáng hưởng một ly nào cả. Anh chẳng cần nhích chân, nhích tay làm một việc gì ư? Phần anh tất cả những cái gì ngon lành, béo bổ ở trên đời! Còn cái thằng phu xe nó đang thở hồng hộc vì vừa mới kéo anh qua một quãng đường dài hăm lăm cây số ngần kia, nó chỉ đáng hưởng một bữa ba lượt cơm gạo vàng và một cái đầu cá diếc của một mụ hàng cơm toét mắt và cạu nhạu. Vô lý quá!... Thứ nhìn qua bát cơm lồng để cho y. Chẳng còn được bao nhiêu mà bõ chia cho mọi người ăn. Y nghĩ xem những người nào đáng ăn hơn. Y chạy vào, mời bà dậy xơi cơm. Bà cụ không ăn và khi Thứ cố nài thì bà cụ kêu đầy. Ông bố, bà mẹ thì cố nhiên không đời nào chịu ăn rồi. Những đứa em lớn, dù có đói cho chết, cũng chẳng dám ăn. Vả lại cũng không thông. Y đành gọi hai đứa em bé nhất. Bà mẹ đã vội vàng gạt ngay đi.
- Thôi! Còn ít để anh ăn. Trưa chúng nó ăn nhiều rồi. Một tí cơm ấy mà cả chúng nó ăn nữa thì không bõ dính răng!
- Còn nhiều đấy, con chẳng ăn hết đâu, mẹ cứ để cho các em ăn.
- Khốn, nhưng rồi chúng quen đi thì chết đấy! Cứ bắt chúng nó nhịn cho quen chứ!
- Úi chào!...
Y cố bắt các em ăn. Nhưng cũng chẳng đứa nào chịu ngồi ăn. Chúng chối đây đẩy và chạy cả. Nhưng y biết chúng vừa chạy mà nuốt nước bọt. Có lúc nào chúng nghĩ đến được ăn một bữa thật là no? Y cực quá. Y ngồi thần mặt, buông đũa, quên cả đường ăn. Y chợt nhận ra bà y, mẹ y, vợ y, các em y thật là khổ không kém gì mình phải khổ. Quả thực lúc ấy, y muốn được nhịn đi cho bà, cho mẹ, hay vợ, hay các em, hay là ngay cả con ở nữa, ăn thay. Nhưng mà không thể nhường cho ai. Y cũng không thể ngồi ăn, không hiểu sao y thấy thèn thẹn, không muốn cho ai đoán được rằng y thương bà, thương mẹ, thương vợ, thương các em quá đến nỗi không ăn được. Y đành một mình lủi thủi ngồi ăn. Nhưng y vừa ăn, vừa nghĩ ngợi gần xa thế nào mà nước mắt ứa ra. Miếng cơm nghẹn lại, y phải duỗi cổ ra để nuốt đi. Và thiếu một chút nữa là y đã òa lên khóc...
Những kỉ niệm ấy, biết bao nhiêu lần, đã trở về trí óc y. Chúng trở về mỗi khi y định thực hành hay là sẽ thực hành xong một cái mộng ăn chơi. (Hỡi ôi! Đó chỉ là một bữa chả bánh đa hay một buổi chớp bóng ban ngày, thu nửa tiền!... ). Chúng trở về để can ngăn y hay nghiền nát y. Biết bao nhiêu lần, đang đi đến một tiệm ăn, y sực nhớ đến bà, mẹ, vợ, em mà lại thấy chân rời rã, bước ngập ngừng hơn một chút, rồi đột nhiên quay gót lại. Biết bao nhiêu lần, giữa một bữa ăn vui do một người bạn có tiền mời, hình ảnh một cụ già nuốt nước bọt thèm hay một đứa em lấm lét nhìn trộm nồi cơm để ước lượng xem nó có còn hy vọng gì được thêm một lượt xới nữa chăng, đột nhiên hiện ra, khiến y đang ăn uống ngon lành, bỗng ngẩn mặt, thẩn thơ, mân mê cốc rượu để trên bàn và thở dài khe khẽ. Lúc này đây, những hình ảnh ấy lại hiện ra. Thứ ảo não buồn. Y trách y về từng việc từ hôm lĩnh lương tới giờ mà y đã dám tiêu phí gần đây: mấy hào lấy vé hạng ba xem chớp bóng, lại tiền thợ húi đầu, một bánh xà phòng, một bộ quần áo giặt là, một đồng bạc bánh chưng hôm nọ... Tất cả món tiền ấy, góp lại chẳng đủ cho vợ ăn nửa tháng đó ư? Y tiếc xót xa. Y tự bảo rằng: không những y chẳng nên đi đâu cho đỡ tốn kém hơn, mà y lại còn phải tiêu sẻn đi nhiều. Y sẽ bỏ cái lệ ba xu xôi mỗi sáng đi. Y sẽ ít đi phố để tránh những lúc hứng đi ăn hàng hay uống nước chanh. Y sẽ đưa quần áo thưa hơn. Có lẽ y sẽ bỏ cả tờ báo hàng tuần vẫn đọc chiều thứ Bảy hay buổi sáng Chủ Nhật. Tiền! Cần phải có tiền trước đã!... Y quay lại nhìn Mô, Mô thấy y mải trầm ngâm, đã cầm lấy cái bút của Oanh và đang ngoẹo đầu, ngoẹo cổ, vạch những chữa a, chữ b xiên vẹo lên những chỗ trống của một tờ báo cũ. Nó toét môi, cười:
- Cậu trông con viết có đẹp không?
- Mày học đến đâu rồi?
- Con học hết cả phần vần rồi, đã biết đánh vần, nhưng viết thì chưa biết.
Nó xoay ra nửa đùa nửa thật.
- Con phải cố học cho đọc được, viết được để viết thư cho cậu Đích, nói cho cậu Đích bảo cô giáo cho con đồng bạc.
- Mày học được thì ích vào thân mày, chứ cậu Đích được gì mà mày bắt cậu ấy phải cho mày đồng bạc?
- Thưa cậu, con bảo: "Con xin... ", chứ con có dám bắt đâu? Chả cái hôm cậu Đích còn ở nhà, cậu Đích bảo con: "Bao giờ mày đọc được báo, viết được thư thì tao thưởng cho đồng bạc".
Thứ chẳng nói gì, Mô ngừng lại một lát, rồi lại bĩu môi:
- Con nói thật với cậu chứ đợi lúc cậu Đích cho con đồng bạc ăn quà thì con cũng đến chết già rồi, còn ăn gì được nữa. Vả lại, dẫu cậu Đích có gửi thư về bảo cho, thì cô giáo cũng chả cho nào!... Thôi thì con học cho biết viết để mà biên tiền chợ.
Nó cười hùng hục. Thứ cũng cười để khỏi lộ vẻ lạnh lùng. Thật ra thì y đã hơi khó chịu vì cái giọng mỉa mai ấy. Mô chê Đích và Oanh, đã đành rằng làm tăng giá trị cho y. Xưa nay y vẫn xử rộng rãi với Mô. Mỗi tháng y vẫn cho nó dăm hào. Khi sai nó trả tiền giặt hay mua thức gì còn năm ba xu, một vài hào, y thường cho nó luôn. Nhưng cho rồi y vẫn thường tiếc ngấm ngầm. Bởi vì, những số tiền cho lặt vặt ấy, góp lại, trong một tháng, có thể thành đến hàng đồng. Thế mà y có thể chắc chắn rằng những đứa em đói rách của y chẳng hạn, chúng sẽ run lên và tưởng như mình ngủ mơ, nếu được người ta đặt cả một đồng bạc vào tay. Mà có riêng gì chúng nó đâu! Một lần bà mẹ y ở chợ về, kiểm tra lại tưởng đã đánh rơi mất một đồng, hay trả nhầm lẫn cho ai. Và đến lúc bà lục lại tất cả các túi, lại tìm ra, thì bà rú hẳn lên, mắt sáng ngời, mặt đỏ bừng, cười sằng sặc một tiếng cười khoái trá không sao hãm được. Đồng bạc có tầm thường như y vẫn làm ra bộ rẻ rung nó quá thế đâu? Y thấy cũng to, cũng đáng cho y phải xít xoa... Và đã hơn một lần, y nghĩ rằng mình không nên hào phóng quá với Mô. Nếu y không thể bỏ hẳn hay rút bớt số tiền vẫn cho Mô, có lẽ chỉ vì tự ái đó thôi. Y không muốn Mô coi mình giảm giá đi. Nhưng để bù vào chỗ quăng ra để giữ thể diện kia, thường thường y vẫn phải làm khổ y một cách đáng thương. Y nhịn món nọ, rút món kia, đi bộ hàng ba, bốn cây số, để tránh một cái vé xe điện năm xu, rồi trở về mệt nhoài ra nằm thẳng cẳng cho đã. Có lẽ vì lâu nay đã cố giữ thể diện với Mô, cố giữ cho được Mô khỏi nghĩ xấu về mình, bỗng bây giờ lại nghĩ quanh và thấy tức tối với Mô. Thấy Mô mỉa mai Đích và Oanh, y cười nhạt ngoài mặt nhưng trong lòng thì y nghĩ ngay rằng: "Thôi đi cậu! Người ta chẳng dại như tôi! Được tiếng tốt với cậu thì cũng đau ruột lắm!... ".
Mô chủm mỏ, lắc đầu, nói tiếp:
- Chịu! Nội đời con, con chưa thấy ai kiệt như cô giáo. Trong tay lúc nào cũng có bạc trăm mà cấm chi li đi đâu một xu. Ăn uống khổ hơn nhà thuyền thợ.
Thứ vẫn chỉ cười nhạt, chẳng nói gì. Mô tưởng Thứ không tin. Nó sừng sộ bảo:
- Thật! Con nói dối cậu, con chết bằng này tuổi! Nhà bà thợ giặt, nhà bác Hải làm ở Ô mền, còn ăn uống sang gấp mấy nhà ta. Thịt, cá luôn. Nhất là nhà thằng Bình, mở cái hiệu thợ cúp khổ ở chỗ kia kìa. Thưa cậu, nhà cửa nhà nó chỉ có thế đấy thôi, thế mà chó tây nhà nó ngày nào cũng được ăn thịt bò tử tế.
Cái ý nghĩ một anh thợ cạo vẫn nhận của y dăm xu diêm thuốc cho thêm, mà cũng chơi chó nòi và nuôi chó bằng thịt bò như một ông chủ đồn điền, khiến Thứ phải bật cười. Mô cũng cười theo. Thứ hỏi:
- Chó tây nhà nó ăn thịt bò thì mỗi ngày hết mấy hào?
- A, thưa cậu, có sáu xu.
- Thịt bò mà chỉ có sáu xu?
Vâng, thịt bò nhà da ấy mà! Ở những cái da mới đưa vào, còn dính những cái thịt bò, người ta nạo ra, thằng Bình khoán cho một người làm trong ấy, mỗi ngày sáu xu, để người ta đem chỗ thịt vụn ấy về cho chó tây nhà nó.
- Kể ra thế thì cũng rẻ. Sao mày không bàn ngay với cô giáo nhà mày, lấy tháng cái thịt bò ấy về mà ăn?
- Gớm! Gớm! Thế thì cậu khinh cô giáo con quá.
Mô ngửa mặt lên cười rồi lại nghiêm nét mặt và hạ giọng nói cho thấp xuống.
- Thưa cậu, không phải là con nói đùa, nhưng cứ kể ăn uống như nhà ta thì không được bằng những nhà thuyền thợ thật. Đại như dưới nhà bà cụ nhà con thật là nghèo nhất hạng rồi, thế mà ăn cũng còn được hột gạo ngon hơn, mà thức ăn chẳng có gì thì cũng phải có bát canh, bát riêu, đĩa tôm, đĩa tép, lúc đói trông thấy còn muốn nuốt, chứ không đến nỗi như cơm nhà này. Hai cậu không liệu thế nào mà cứ ở đây mãi thì chịu làm sao được?
- Mày bảo còn liệu làm sao?
- Hay là hai cậu lại thuê nhà?
- Tiền đâu?
Thứ tặc lưỡi một cái rồi nói tiếp:
- Với lại cô mày chịu được thì chúng tao cũng chịu được.
Mô có vẻ cụt hứng:
- Vâng, đã đành rằng thế, nhưng tội gì hai cậu khổ?
- Tội gì! Tội không có tiền! Chỉ tại không có tiền đó thôi. Có nhiều tiền thì chẳng thiếu gì nơi sung sướng.
Mặt y chua chát và giọng y gay gắt. Mô cười nhạt. Nó tìm cách lảng:
- Thôi, con đi sang nhà thợ giặt là nhờ cái áo. Thưa cậu, cậu có quần áo đưa không ạ?
- Quần áo hở?... Có lẽ không.
Và Thứ giơ tay lên, bĩu môi "ồ" một tiếng lúc lắc đầu vẻ tởm lợm và chán nản. Chẳng có cớ gì chính đáng. Y ngồi xuống ghế. Y khẽ đập tay xuống bàn một cái, ngồi thừ ra một lúc, như chú ý một ý nghĩ gì vụt đến. Đó cũng chỉ vẫn lại là bộ điệu. Y vẫn thường có những phút thích đóng kịch một mình như vậy, chẳng để làm gì cả. Rồi y nhấc cái bút giơ tay với lấy tập vở học trò ở cạnh bàn bên trái, bắt đầu làm việc. Y đặt một quyển vở trước mặt, nhìn cái bìa sách. Hoàng Thị Thu... Hoàng Thị Thu... Y vừa giở một quyển ở ngay trên cùng...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×