LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bến không chồng - Chương 6 (Dương Hướng)

83 lượt xem
Cậu trưởng nam con dòng họ Nguyễn đinh ninh rằng thế giới đang nổi loạn. Nó vừa mới thấy mọi người hân hoan chào đón hoà bình xong bây giờ lại thế này. Từ đường họ Nguyễn đã trở thành nhà tù cùm nhốt địa chủ và bọn phản động. Điều mà thằng Nghĩa ngỡ ngàng hơn cả là ông Xung lại là phản động, chú Xèng, chú Xình là Việt gian âm mưu phá hoại cống Linh. Thằng Nghĩa xét nét nhìn hai dân quân ở làng Hạ được điều về đây canh gác. Nhìn sắc mặt hằm hằm của hai dân quân cầm súng đứng ở cửa từ đường, Nghĩa đoán chắc tình hình nghiêm trọng lắm. Nghiêm trọng hơn cả ngày bộ đội về đánh bốt Linh. Đêm đánh bốt Linh thằng Nghĩa cũng thức suốt đêm. Chập tối bộ đội súng ống rậm rịch kéo về tập kết chật ba gian từ đường. Nghĩa thấy mẹ nó, mẹ bé Hạnh, ông Xung và cả thím Xeng tất bật nấu cơm cho bộ đội. Những nắm cơm bằng quả bưởi để đầy ra nia cho nguội. Mẹ nó gói mỗi nắm cơm kèm theo một ít muối vừng và bốn con tôm rảo kho, chia cho mọi người. Trong đội du kích đi đánh bốt Linh đêm ấy có cả chú Xeng chú Xèng, chú Xình nhà ông Xung. Đến chín giờ tối đoàn quân lặng lẽ kéo đi. Từ đường họ Nguyễn lại vắng hoe. Mẹ Nghĩa, mẹ cái Hạnh và mấy bà hàng xóm ngồi thì thầm chờ đợi giờ nổ súng. Tới nửa đêm, tiếng súng rộ lên. Nghĩa leo hẳn lên nóc từ đường nhìn về phía bốt Linh lửa cháy sáng cả góc trời. Chừng tiếng sau du kích khênh thương binh về để kín ba gian từ đường. Những cánh cửa lim hạ hết xuống làm bàn mổ, làm giường cho thương binh. Nghĩa còn cầm đèn soi cho y tá băng bó vết thương cho bộ đội. Ba gian từ đường màn trắng giăng kín. Lần đầu tiên Nghĩa nhìn thấy máu người. Sao trong người ta lại lắm máu thế?....
- Nghĩa! Vào đây mẹ bảo - Tiếng mẹ gọi giật - Nghĩa vào nhà thấy bố mẹ đang ngồi cùng với chủ tịch Đột.
- Ngồi xuống đây mẹ bảo, con phải nói thật, không được giấu điều gì. Từ trước đến giờ ông Xung, chú Xeng, chú Xèng, chú Xình cho con những gì?
Nhìn nét mặt nghiêm khắc của bố mẹ và chủ tịch Đột, Nghĩa biết không thể không nói. Nghĩa cố nhớ lại mọi chuyện.
- Ông Xung cho con một đồng mua bi, chú Xình cho con bốn bắp ngô, con cho ba anh em nhà cái Hạnh mỗi đứa một bắp, còn con một bắp.
- Đấy! Lời khai của thằng Nghĩa đúng như lời tố giác của bà con - Chủ tịch Đột sáng mắt nhìn bố mẹ Nghĩa.
- Nghĩa này - Bố nói - Chú Xình còn đưa cho con một cái thuổng nữa?
- Vâng ạ.
- Đấy mà! - Chủ tịch Đột vỗ "đét" một cái vào vai bố.
- Chú ấy bảo con mang thuổng xuống đám ruộng ngô nhà chú ấy đào hộ mấy lỗ chuột - Nghĩa nói và nhìn chủ tịch Đột - Hôm ấy con bắt được bao nhiêu là chuột to và cả ổ chuột con tý.
- Chính mày đã vẽ cây thánh giá trên đường?
Bố nói và nhìn Nghĩa lo lắng.
- Vâng ạ.
- Thôi thế là đủ rồi - Chủ tịch Đột nói - Chúng đã lợi dụng trẻ con rất tinh vi. Còn cái việc mày đã vẽ cái đường liên lạc từ cây thánh giá ấy đến nhà ông Xung thì nhiều người nhìn thấy - Chủ tịch Đột nói rồi đứng dậy bước ra cửa. Bố cũng lập cập đi theo chủ tịch Đột.
- Ối! Ối! Con ơi, sao con làm những chuyện dại dột thế hử?- Mẹ than vãn nhìn Nghĩa, mắt mẹ đỏ ngầu - Mày không biết cái vạch mày kẻ từ cây thánh giá về nhà ông Xung người ta đã phát hiện ra đó là đường dây liên lạc của bọn Quốc dân đảng từ nhà thờ tới nhà ông Xung. Chú Xèng và chú Xình đã lợi dụng sự ngây ngô của mày, cho mày mấy cái bắp ngô mà mày cũng đi làm những việc tầy đình. Mày đã đi vẽ đường cho bọn phản động.
- Mẹ nói gì lạ, con vẽ đường nào đâu. Con chỉ mượn mỗi cái thuổng của chú Xình đi đào chuột...
- À đúng rồi, hôm ấy con có kéo rê cái thuổng từ đoạn đường con vẽ cây thánh giá về trả cho chú Xình.
- Thôi mày câm mồm đi - Mẹ quát - Từ nay tao cấm mày làm bậy, có ngày vào tù đấy con ạ.
Nghĩa rất khổ tâm làm bố mẹ phải buồn phiền vì mình. Mọi sự cứ như trên trời rơi xuống, lẽ nào cậu lại vô tình vẽ đường cho bọn phản động. Chung quy cũng chỉ tại cậu đại lãn kéo rê cái thuổng trên đường làng.
Đến tối nghĩa ra sau nhà đi đái. Nghĩa còn đang đái tè tè thì có bóng người từ khóm chuối nhẩy bổ đến tóm lấy tay Nghĩa làm nó tý ngất xỉu, nước đái vãi ra ướt cả quần. Qua giọng nói, Nghĩa nhận ra tiếng thím Xeng, con dâu ông Xung:
- Thím đã giấu mấy nắm cơm ở chân đống rơm - Giọng thím Xeng run run - Cháu tìm cách nào mang vào từ đường, ông và chú Xèng chú Xình chết đói mất.
Nghĩa còn đang bủn rủn chân tay chưa kịp mở mồm thì thím Xeng đã vội lẩn vào vườn chuối như thể có ai đó đang rình bắt thím. Nghĩa còn đang hoang mang về câu chuyện ban sáng và ánh mắt buồn rầu lo lắng của bố mẹ, Nghĩa không muốn dính dáng đến chuyện của người lớn. Nhưng dù sao cũng không thể để ông Xung và chú Xèng chú Xình chết đói.
Nghĩa mò mẫm quanh đống rơm thấy túi cơm thím Xeng đã vùi vào đấy từ bao giờ. Mẹ giục Nghĩa đi học, Nghĩa bảo: "Con đau bụng". Hồi này từ người già đến trẻ con tối đến phải đóng cửa đi tập trung để ôn nghèo kể khổ đấu tố địa chủ, phát giác những hoạt động của bọn Quốc dân Đảng, Nghĩa thấy nhiệm vụ thím Xeng nhờ mang cơm vào từ đường cho ông Xung và các chú thật khó khăn. Hai dân quân vẫn liên tục đứng canh gác ở cửa từ đường. Bất chợt nghĩ ngay ra cái cửa tò vò phía sau hậu cung bị vỡ kính, Nghĩa có thể chui lọt. Nhân lúc hai dân quân bật lửa hút thuốc lào, Nghĩa đeo túi cơm lên cổ lao ra phía đầu hồi từ đường nhanh như một chú sóc. Ì ạch mãi Nghĩa mới tha được chiếc ghế hái chè ra sau hậu cung. Nghĩa leo lên ghế nhanh như chú khỉ, luồn qua lỗ tò vò. Trong hậu cung lâu nay không hương khói, lạnh tanh. Nghĩa rón rén bò tới nơi giam giữ ông Xung và các chú. Trước mặt Nghĩa lúc này là những thây ma ngồi rũ rượi dưới các trụ cột, chân bị cùm chặt. Nghĩa thấy buồn nôn vì mùi phân, mùi nước giải sực lên mũi, Nghĩa nhận ra ông Xung, chú Xèng, chú Xình và cả chú Ninh với mấy người trên làng Hồi, qua ngọn đèn dầu đỏ quạch ngoài cửa. Nghĩa vội vã bẻ cơm chia hết cho mọi người rồi chuồn thẳng. Vừa kéo được chiếc ghế hái chè ra giữa vườn thì nghe tiếng ông đội trưởng đội cải cách và tiếng cô Tý Hin, em gái chủ tịch Đột, Nghĩa hoảng sợ nghĩ là chuyện của mình mang cơm đã bị lộ. Dưới ánh trăng Nghĩa nhận ra ông đội trưởng và cô Tý Hin đi vòng ra phía hậu cung. Nghĩa vội nằm sụp xuống bụi dong riềng nín thở, dán mắt nhìn theo, hai người đi tới gốc mít bỗng ôm choàng lấy nhau đổ kềnh xuống đất giẫy giụa. Thế mà tối nào ông đội trưởng đội cải cách cũng bảo với dân chúng là đi tuần tra canh gác.
o O o
Tùng - tùng tùng - Tiếng trống dậy lên khắp các nẻo đường làng. Từ bà cụ già lọm khọm chống gậy, đến các chị con thơ tay bồng tay bế dắt díu nhau cơm đùm cơm gói đổ dồn về sân đình Đông. Thanh thiếu niên giương cờ, biểu ngữ khẩu hiệu đi trong dòng người luôn miệng hô vang:
- Đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ!
- Đả đảo - đả đảo - đả đảo!
- Đả đảo hai tên Việt gian phản động Xèng, Xình âm mưu phá hoại cống Linh!
- Đả đảo - đả đảo - đả đảo!
Những cánh tay giơ lên đều răm rắp theo những tiếng hô phẫn nộ.
Cái Hạnh nhớn nhác tìm cậu trưởng nam con dòng họ Nguyễn. Nhìn thấy mẹ nó và anh Hà, anh Hiệp, Hạnh long tong chạy lại gửi mẹ hai nắm cơm chú Vạn vừa đưa cho nó giữ. Tới sân đình nó đã thấy người ngồi chen đặc sân, có người đứng lên các bờ tường, có kẻ còn ngồi chồm hỗm trên nóc đình Đông. Hạnh chen dần lên sát kỳ đài. Kỳ đài cao ngất đỏ rực khẩu hiệu và biểu ngữ. Hạnh phải đứng lên lưng con chó đá mới nhìn thấy Nghĩa đang ngồi với bố mẹ ở hàng trên cùng dành riêng cho những người lên đấu tố. Khoảng giữa kỳ đài và dân chúng có một khoảng trống người ta đào một cái hố tròn như hố tăng - xê sâu đến ngực địa chủ Hào. Địa chủ Hào đứng dưới hố, tóc bạc phơ, mặt già khọm cúi gầm xuống đất. Hạnh liều chen lách tới ngồi vào chỗ Nghĩa. Nó nhìn thấy chú Vạn xách súng đi dẹp trật tự. Góc trái kỳ đài có mấy người bị trói chặt hai tay đứng chờ đến lượt mình phải nhẩy xuống hố để toà xử tội. Trong số người bị trói có cả ông Xung, chú Xèng, chú Xình. Như vậy là nhà ông Xung có mỗi vợ chồng chú Xeng và cô Thảo là không làm gián điệp. Mải để ý những người bị trói, lúc này cái Hạnh mới nhìn thấy những người ngồi oai nghiêm trên kỳ đài cao ngất còn có cả cô Tý Hin, em gái chủ tịch Đột. Ôi, sao lúc này cô Hin trông đẹp thế, đôi má cô cứ đỏ hồng hồng.
- Cô Hin trông oách nhỉ - Hạnh thốt lên.
- Oách đ....gì - Cậu trưởng nam buột miệng.
- Sao anh nói bậy thế? - Hạnh sững sờ nhìn Nghĩa.
- Tao bắt quả tang cô ấy ngủ lang với tay đội trưởng cải cách sau từ đường.
- Chết! Anh nói thế mà không sợ cô ấy bắt à?
- Mày đi mà mách với cô ấy.
Cái Hạnh im thít. Nó liếc trộm Nghĩa và thấy gương mặt Nghĩa buồn xỉu vẻ cáu bẳn. Đầu óc Hạnh thấy lung bung chất chứa bao điều kỳ lạ. Mọi người ngồi lặng dưới nắng với vẻ mặt căng thẳng, mặt đổ dồn lên kỳ đài. Phiên toà diễn ra mỗi lúc một sôi động. Hạnh giật bắn người khi nghe tiếng đập bàn chan chát lẫn tiếng hô, tiếng quát của những người ngồi trên kỳ đài. Qua những lời đấu tố và lời luận tội của toà, Hạnh chỉ hiểu đơn giản: Ông Xung mắc tội đi lấy lá chuối đêm trong vườn địa chủ Hào. Bác Hinh mắc tội thổi kèn lá chuối, chú Xèng chú Xình mắc tội đặt mìn phá Cống Linh.
Chả biết chú Xèng và chú Xình có phá cống hay không nhưng cái tội chú ném mìn đánh cá thì nó và anh Nghĩa nhìn thấy tận mắt. Anh Nghĩa cấm nó không được hé răng nói với ai nên chuyện này chỉ nó và anh Nghĩa biết.
Đến giờ nghỉ ăn trưa, mọi người tản ra tìm chỗ râm mát bỏ cơm nắm ra ăn. Hạnh đến chỗ mẹ lấy hai gói cơm nắm rồi vội đi tìm chú Vạn. Hạnh nhớn nhác tìm khắp sân đình mà vẫn không thấy bóng chú Vạn đâu. Chỗ nào Hạnh cũng thấy người túm tụm xì xào bàn tán gì đó. Người nhai cơm nắm cho con, người cho con bú, thỉnh thoảng lại có tiếng trẻ con khóc thét lên. Hạnh chạy vào trong đình thấy chú Vạn đang ngồi trước bàn cùng với chủ tịch Đột.
- Sáng nay anh không đấu lão Xung là anh hèn - Chủ tịch Đột nói - Có lẽ anh bị mất tinh thần đấy.
- Tôi xa quê hương từ bé biết gì đâu - Chú Vạn chống chế- Còn cái chuyện bắt được ông ấy ở vườn chuối thì tôi đã bắt ông ta lên xã rồi đấy thôi.
- Tôi biết anh còn nể nang họ tộc - Chủ tịch Đột gay gắt - Chúng ta không xử được thằng bố của hai tên phản động Xèng, Xình là lỗi phần nào ở anh. Anh phải nghiêm khắc kiểm điểm việc này. Thôi được - Đột chợt hạ giọng - Tới hôm xử bắn anh phải thể hiện cho mọi người thấy mình là một tay súng dũng cảm đã từng chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi là bạn nối khố của anh tôi mới góp ý chân tình. Sự dè chừng của anh hôm nay tôi tin là đồng chí đội trưởng sẽ hoài nghi về lập trường giai cấp của anh có vấn đề đấy.
- Tôi tình nguyện bắn địa chủ Hào - Vạn háo hức nói.
- Không được! Thằng Hào phải để cho tay súng của thằng Thước - Đột cười nheo cặp mắt hấp háy ghé sát vào tai Vạn - Đây là dịp ta thử thách lòng trung thành của thằng Thước với Đảng, nó là thằng con nuôi cưng nhất của thằng Hào từ nhỏ anh hiểu không. Còn nhiệm vụ của anh phải bắn vào đầu hai thằng họ Nguyễn nhà anh.
- Thôi được, tôi chấp nhận.
Nguyễn Vạn đứng dậy bước loạng choạng đến chỗ cái Hạnh đang đứng nép vào cột đình.
- Cháu đói rồi hả? Chú cháu mình bỏ cơm ra ăn ở đây cũng được.
Hai chú cháu bỏ cơm nắm ngồi ăn. Cái Hạnh tròn mắt nhìn chú Vạn.
- Chú định xung phong bắn chú Xèng chú Xình sao?
- Đấy là nhiệm vụ mà cháu. Nhiệm vụ của người chiến sỹ cách mạng phải tiêu diệt tận gốc rễ bọn Quốc dân Đảng, bọn phản động, mang cơm no áo ấm cho toàn dân.
- Chú Vạn ơi! - Hạnh ấp úng nhìn chú Vạn. Có phải chú và mẹ cháu giận nhau?
- Ai bảo cháu thế?
- Cháu biết! - Tại vì lúc nẫy cháu gặp mẹ cháu, mẹ cháu chả hỏi gì chú. Mọi lần cứ gặp cháu là mẹ cháu hỏi thăm chú rối cả lên..
o O o
Vạn lau súng. Trong đời Vạn đã không biết bao nhiêu lần lau súng. Nước thép khẩu súng Vạn giữ vẫn đen bóng. Vạn có cảm giác là lạ. Cái khó là mũi súng của Vạn lần này lại nhằm vào đầu hai thằng con trai ông Xung, mới hôm nào Vạn còn ngồi cùng mâm trong ngôi từ đường họ Nguyễn, cùng véo một đĩa xôi gấc đỏ au.
Nguyễn Vạn treo súng vào cột nhà rồi lững thững ra cửa. Con mụ Hơn, vợ thằng Công cắp thúng từ trong bếp lặng lẽ lướt qua mặt Vạn, có trời biết nó đang nghĩ gì? Chồng cắn lưỡi chết, bố chồng sắp bị xử bắn. Chắc là cô ả cắp thúng đi chạy ăn, sướng lắm bây giờ mới thấy cái nỗi khổ của ông bà nông dân.
Con dâu địa chủ có khác cứ mơn mởn. Thằng Công rõ khéo chọn vợ, mắt đen lay láy thắt đáy lưng ong, da đỏ hồng hồng. Thời thế không thay đổi, thằng Công không cắn lưỡi tự tử cứ gọi là nó còn đẻ ra ối địa chủ con. Có tiếng trẻ la hét ngoài vườn. Vạn ngó qua bờ tường giậu ngỡ ngàng nhìn bọn trẻ. Chúng thật tinh quái bày đặt trò chơi y như toà án huyện mở phiên toà xét xử thằng cu Tốn con mụ Hơn. Chúng bê gạch chồng lên làm khán đài. Thằng Tốn bị trói hai tay ngồi bệt xuống đất, chúng lấy gạch quây xung quanh thành vành móng ngựa. Ngồi trên "khán đài" có thằng Tý con bà Dĩ ngọng, thằng Tường con nhà Nhương điếc, con Hương con nhà Thạnh, nghèo rớt mồng tơi. Khán giả tham dự là mấy đứa bé lít nhít còn để truồng mũi thò lò miệng đầy rớt dãi ngồi trố mắt nhìn thằng Tốn bị xử bắn. Hai thằng choai choai con nhà Đan, nhà Hồng lấy quả xoan làm đạn giương súng cao su thi nhau nhằm vào đầu thằng Tốn bắn. Thằng cu Tốn khóc thét lên. Nguyễn Vạn chạy ra quát. Phiên toà của tụi trẻ tạm dừng. Vạn quan sát khắp vườn thấy tan hoang. Những trái đu đủ xanh bị chọc lỗ chỗ. Chúng vặt trụi những trái mít non vứt tướp xuống gốc, mấy khóm chanh bị đào bật tung rễ.
- Ai cho chúng mày phá phách thế này hả? - Vạn quát và nhìn hằm hằm bọn trẻ. Chúng đưa mắt nhìn nhau lặng thinh. Mãi lúc lâu thằng Tý mới nói:
- Dạ! Đây là chúng cháu muốn đào tận gốc trốc tận rễ bọn địa chủ đấy ạ.
- Mảnh vườn này không phải của địa chủ nữa hiểu chưa! Tao cấm chúng mày từ nay không được phá phách ở đây.
Tối nay cái Hạnh đòi về ngủ với mẹ nó một đêm. Nguyễn Vạn thấy trống vắng lạ. Một mình nấu niêu cơm ăn xong trời đã tối, Vạn thắp đèn ngồi uống chưa xong bát nước đã thấy vợ thằng Công nen nén vào nói vẻ hốt hoảng. Từ ngày Vạn về đây chưa một lần mụ ta nói với Vạn nửa lời. Mụ nhào đến quỳ xuống, hai tay chới với nắm lấy tay Vạn, mắt rực lên:
- Con lạy ông! Con cắn rơm cắn cỏ con lạy ông bà nông dân. Ông đi lâu ngày nên không biết rõ con. Con về làm dâu nhà này nhưng không ác với ai, không bóc lột ai. Con còn nén giúp đỡ nhiều người nghèo khổ ở thôn này. Gia đình đẻ con ở làng Hồi cũng nghèo lắm. Cũng vì ông trời sinh ra con có cái sắc hơn người một tý làm anh Công anh ấy mê con. Âu cũng là cái số con nó khổ thế này đây. Bây giờ đời con chỉ còn mỗi thằng con trai, thằng cu Tốn đấy. Chồng con đã chết rồi. Dù nó là con cháu địa chủ nhưng con hứa với ông bà nông dân cố gắng nuôi dạy nó thành người nghèo khổ. Vâng! Con cố nuôi dạy nó thành người nghèo khổ hu...hu...Con chắp tay lạy ông trăm lần ngàn lần đừng ghét bỏ nó, đừng để các con của ông bà nông dân đánh đập nó. Mấy ngày hôm nay thằng cu Tốn nhà con bị đánh sưng cả mặt mũi. Con nhìn thấy các ông con của ông bà nông dân đánh nó, xử tội nó mà con không dám hé răng nói nửa lời. Con sợ ông bà nông dân lại bảo con chống đối lại giai cấp nghèo khổ. Con đau khổ mà không dám nói cùng ai. Con liều đến cửa ông, ông ở gần bảo giúp hộ con.
Những lời cầu khẩn van xin của mụ Hơn làm Vạn bối rối. Việc để tụi trẻ không được đánh đập thằng Tốn thì Vạn đã làm được. Những trước mắt mụ Hơn, Vạn không thể hứa giúp đỡ con nó. Vạn ngồi ngây không giám nhìn vào mắt mụ Hơn. Mụ không thể hiểu được ý nghĩ của Vạn. Không thấy Vạn nói gì, mụ Hơn càng rối trí.
- Ông, nói hứa giúp con đi. Con lạy ông - Mụ Hơn cuống cuồng, nước mắt dàn dụa - Con đã nói với ông thật long, bây giờ con không còn gì...chỉ còn mỗi thằng cu Tốn và... cái thân con đây. Ôi cái thân con...Cái thân con đây con cũng chả tiếc. Hay là...Hay là...
Mụ Hơn ấp úng. Trong ánh mắt tuyệt vọng của mụ Hơn bỗng vụt lên một cái nhìn rực lửa, điên loạn - Vạn hoảng hốt khi những ngón tay mụ Hơn bấu chặt vào cánh tay Vạn.
- Hay là cái thân con đây, ông muốn làm gì thì làm, hu, hu..
Tấm thân mềm rũ của mụ Hơn đổ sụp vào ngực Vạn - Vạn lấy hết sức lực đẩy mụ Hơn ra và đứng vụt dậy.
- Nhà chị ra đi! Vạn rít lên khe khẽ - Chị ra đi. Tôi hứa!...Tôi hứa.
- Ông hứa cứu con - Chị ta hoảng hốt - Ôi con đội ơn ông. Con lạy ông - Mụ Hơn lại cúi rạp xuống chắp tay vái lia lại mấy cái rồi vội vã đứng dậy chạy vụt ra cửa.
o O o
Người ta dong kẻ phạm tội đi xử bắn. Cậu trưởng nam con và cái Hạnh phấp phỏng chạy theo sau. Ra tới cầu đá hai đứa trẻ lại chứng kiến cảnh náo động của làng Đông. Người ùn ùn từ khắp mọi nơi đổ dồn về cánh mả Rốt.
- Họ bắn vào đầu hả anh Nghĩa?
- Vào đầu chứ còn vào đâu.
- Thế họ có làm đám ma không?
Cái Hạnh nói câu này thì thằng Nghĩa chịu. Không biết họ có làm đám ma không? Nghĩa ngầm phục đầu óc bé con của cái Hạnh hay nghĩ ra những điều bất ngờ, chắc hôm nay chú Vạn chỉ huy đội dân quân gồm những tay súng cừ khôi ở làng Đông. Hai đứa theo chú Vạn ra tới cánh mả Rốt, dân chúng đã ngồi hết vào vị trí quy định riêng cho từng làng xã. Ranh giới giữa các địa phương là những đường dây thừng căng thành từng ô thẳng tắp có biển báo vị trí từng đơn vị. Cái Hạnh bám chặt tay thằng Nghĩa khi người ta dong từng tên tội phạm trói tội phạm vào những chiếc cột chôn dựng đứng thành một hàng ngang.
- Đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác!
- Đả đảo! Đả đảo.
- Đả đảo bọn Việt gian Quốc Dân Đảng!
- Đả đảo! Đả đảo!
Những tiếng hô vang dậy và những cánh tay đồng loạt giơ lên răm rắp như hôm ở sân đình Đông.
- Em sợ lắm.
- Sợ cái gì. Nghĩa trấn an Hạnh - Mày không trông chú Xèng, chú Xình bị trói vào cột kia mà chú ấy cũng không sợ. Đúng là đồ con gái nhát gan.
Cái Hạnh đưa mắt tìm chú Vạn. Người ta còn làm những thủ tục gì đó mà cái Hạnh không hiểu. Nó nhận ra chú Vạn đã nằm sẵn bên bệ bắn. Không gian chợt lắng đi. Hình như mọi người đều nín thở chờ đợi phút giây quan trọng nhất.
- Bịt mắt - Một mệnh lệnh từ đâu đó phát ra - Hạnh không hiểu có phải tiếng chú Xình bị trói chặt mà miệng vẫn hô rõ to.
- Đảng lao động Việt Nam muôn năm!
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
Mọi người thấy sữ sờ về tiếng hô "Hồ chủ tịch muôn năm" lại phát ra từ miệng tên tội phạm.
Một loạt tiếng nổ dậy lên. Cái Hạnh thấy choáng váng tai ù đặc, mắt hoa lên. Nó hoảng sợ ôm chặt lấy thằng Nghĩa không dám ngẩng lên nhìn những người bị bắn.
Cuộc đấu trường kết thúc. Hạnh chen lấn bám theo thằng Nghĩa đi về lối bờ sông.
- Cháy! Làng Đông cháy!
Tiếng ai đó hét lên thất thanh. Dòng người đi trên bờ sông chợt nháo nhác chen lấn nhau chạy uỳnh uỵch.
Chân tay Hạnh bủn rủn, mắt nhìn về làng Đông. Một cột khói bốc lên sau rặng tre, loáng cái đã bùng lên thành ngọn lửa đỏ rực, Nghĩa kéo cái Hạnh chạy về tới cầu đá nghe tiếng la hét:
- Ớ làng nước ơi!....Cháy! Cháy từ đường họ Nguyễn.
Thằng Nghĩa buông tay cái Hạnh vụt đi trước. Tiếng kêu gào lẫn tiếng nổ lụp bụp, đôm đốp như pháo. Bụi than cuộn lên bay khắp trời làng Đông. Chân tay cái Hạnh run bần bật nhớn nhác tìm thằng Nghĩa trong đám đông nhộn nhạo. Người thùng, người xoong chảo múc nước từ dưới ao chuyển lên dội vào những đám lửa còn cháy lem lém trên các cây cột cái, trên các vì kèo. Hai gian nhà của nhà Nghĩa phải dỡ tung mái tranh xuống để tranh lửa cháy tạt sang. Dập tắt lửa xong, người nằm người ngổi ngả ngốn trên sân, ngoài vườn, ngoài ngõ, bờ ao, giương mắt mệt mỏi nhìn ba gian từ đường họ Nguyễn trụi lủi đen thui cả mười sáu cái cột và bốn vì kéo nham nhở còn ngún khói đứng trơ trơ giữa trời. Cũng còn may cho họ Nguyễn còn lại được gian hậu cung. Các cụ ngày xưa mà không cuốn bằng gạch thì hôm nay cụ tổ cũng bị thiêu cháy.
- Mẹ thằng nào đốt từ đường họ?
- Làng Đông đi đấu trường hết thì còn ai vào đây nữa, ngoài mấy thằng Quốc dân đảng bên nhà thờ Thượng.
- Đem hai thằng dân quân canh gách mấy thằng phản động ra mà khảo.
- Họ gác tội phạm chứ có gác từ đường cho họ nhà các ông đâu.
- Tay Dĩ hôm nay không đi đấu trường. Tôi chạy về thấy gánh phân trâu của hắn quăng ở ngay đầu ngõ kia kìa.
- Gọi thằng Dĩ lại đây xem nào.
Chú Dĩ từ đâu chạy đến đứng trước đám đông đang tụ vạ ở giữa sân.
- Tôi không đốt từ đường - Chú thanh minh - Tôi đang gánh phân trâu tới ngang đây thì thấy có lửa cháy ở góc kia kìa - Chú Dĩ chỉ tay vào góc trái từ đường - Thế là tôi vất mẹ nó đấy chạy vào thấy hai tay dân quân đang ngủ gật ngủ gà ở cửa. Tôi hét "cháy" thế là hai tay dân quân làng Hạ hoảng hốt chạy vào đưa được ông Xung, chú Hinh và mấy tội phạm nữa ra ngoài chứ không thì nay cũng chết cháy hết.
Cái Hạnh tìm thấy thằng Nghĩa nằm vật ra bên khóm chuối ngoài vườn mặt đen nhềm bụi than. Cái Hạnh ngồi xuống bên thằng Nghĩa và bỗng dưng nó bật khóc hu hu. Vừa khóc nó vừa nhìn những cây chuối héo quắt lá, những tàu cau vàng khè vì sức nóng của đám cháy bốc lên.
- Anh Nghĩa ơi tối nay anh đến ngủ nhà em. Nhà anh thế kia thì tối nay anh ngủ ở đâu được.
o O o
Thằng Nghĩa và cái Hạnh mải mê chặt những cây chuối bị chết cháy ghép thành một cái mảng để chở cỏ từ bên kia sông. Hồi này tuy vẫn ở với chú Vạn nhưng thỉnh thoảng nó vẫn đi cắt rạ giúp mẹ. Bố mẹ Nghĩa đang chặt khóm tre bị cháy để ngâm xuống ao cho khỏi mọt. Ngoài đường bỗng rộ lên những tiếng kêu la và tiếng chân chạy rình rịch.
- Đánh bỏ mẹ chúng nó đi. Quân độc ác, điêu ngoa.
Bà Hinh, chị Ngọ, cô Tý Hin và cả chủ tịch Đột quần áo bị xé tả tới hoảng hốt chạy vụt tới, nhảy lên nền từ đường cháy rồi chui tọt vào trong hậu cung đóng sập cửa lại. Một đoàn quân với nét mặt hằm hằm mang gậy, đòn gánh bước tới trước mặt bố mẹ Nghĩa giọng phẫn nộ:
- Chúng mày giấu cái quân khốn kiếp ở đâu hả?
- Bố mẹ Nghĩa đứng ngây ra không nói được câu nào.
- Nó ở trong hậu cung đấy - Chú Hinh nói. Đoàn người xô vào đập cửa hậu cung rầm rầm.
- Mở cửa ngay!
- Giết chết chúng nó đi!
- Cắt lưỡi, nhét cứt vào mồm chúng nó!
- Khoan! Tất cả hãy khoan đã - Chú Vạn tập tễnh xách súng chạy vào đứng giữa sân quát. Mọi người đứng lặng nhìn chú Vạn.
- Đây! Súng đây - Chú Vạn ném khẩu súng xuống đống rạ giữa sân - Các người muốn trả thù cho hả giận thì hãy bắn vào Nguyễn Vạn đây này - Nguyễn Vạn giật cúc áo phanh bộ ngực đầy sẹo loang lổ, nhìn mọi người.
Cái Hạnh run rẩy lao vào ôm chầm lấy chú Vạn. Chú Vạn cứ đứng trơ ra. Không ai ngờ ông Xung lại là người đầu tiên ném chiếc đòn gánh trên tay xuống sân rồi nhẩy bổ lên nền từ đường. Ông dang hai tay ôm ghì lấy cột từ đường bị cháy trụi. Mặt ông Xung trừng trừng nhìn mãi lên bầu trời xanh cao lồng lộng. Ông thét lên một tiếng kêu "trời" rồi bỗng cười khùng khục như điên dại. Trong khoé mắt của ông vẩn đỏ lên những tia máu.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư