Bến không chồng - Chương 7 (Dương Hướng)

97 lượt xem
Những cột kèo cháy trên nền từ đường họ Nguyễn đứng phơi sương nắng đã bảy năm nay. Cậu trưởng nam con dòng họ Nguyễn đã là một chàng trai khoẻ mạnh cường tráng. Trong cặp mắt sáng của cậu luôn ánh lên nỗi khát vọng sâu kín mà trên đời này có lẽ chỉ có mỗi mình Hạnh hiểu. Bao dữ kiện của quãng đời thơ ấu đã ngấm vào máu thịt Hạnh. Mỗi lần cậu nhìn lên nền từ đường cháy, dấu tích của dòng họ Nguyễn suy sụp, lòng cậu lại nhói đau. Cậu ngấm ngầm nuôi hy vọng sẽ tạo dựng lại trên nền từ đường cháy một ngôi nhà mới bằng sức lực của chính cậu. Nghĩa thổ lộ ý định của mình cho bố. Mắt ông Khiên sáng lên vỗ bốp vào vai nghĩa:
- Mày khá lắm! Xứng đáng là vị trưởng nam tương lai của dòng họ Nguyễn, bố mẹ cũng đã lo tính từ lâu nhưng khổ nỗi vừa rồi lo được đám cưới cho chị Cả mày là nhẵn túi.
Nghĩa biết bố mẹ hay có tinh thương người nên đã gả chị cả cho anh Đông. Bố mẹ Đông mất sớm nên anh Đông ở với vợ chồng người chị gái nghèo kiết xác. Bố mẹ Nghĩa phải bỏ tiền ra tổ chức đám cưới cho cả họ ăn uống linh đình. "Dù có phải ăn cháo nhưng việc đạo - đời vẫn phải lo cho đầu cuối. Mình là trưởng tộc phải làm gương sang cho cả họ".
Ngôi từ đường cháy bảy năm nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thủ phạm. Khi thấy bố con Nghĩa chuẩn bị rục rịch làm nhà trên nền từ đường, có người độc miệng bảo: "Có khi ngày xưa ông Khiên âm mưu đốt từ đường họ để bây giờ dựng nhà riêng cho cậu con trai quý tử".
Trước khi làm nhà trên nền từ đường, hai bố con Nghĩa phải đến lần lượt từng nhà trong họ để xin phép. Tất nhiên không ai nỡ phản đối vì để mãi cái khung nhà cháy cứ trơ trơ ra đấy, nó giống như cái gai đâm nhói vào đầu mỗi khi nghĩ đến tổ tiên.
Ngôi nhà bố con Nghĩa dựng xong trên nền từ đường họ trông khá khang trang. Bố Nghĩa nắn nót khắc lên hai trụ tường cửa đôi câu đối bằng chữ nho: "Tiễu trừ loạn tặc thiêu đường tổ - Vạn sự bất công oán hận trường". Bố Nghĩa giải thích: phải tiêu diệt kẻ phản loạn đốt từ đường họ. Mối căm thù phải nhớ đời. Ngôi nhà mới, bố dành hẳn một gian làm buồng. Bố bảo:"Buồng của thằng Nghĩa". Bố đặt mọi niềm tin vào cậu con trai, sau này sẽ khôi phục lại dòng họ Nguyễn đã suy suy sụp. Nghĩa trưởng thành được như ngày nay là chịu sự răn dạy rất nghiêm ngặt của của bố. Bố Nghĩa học chữ nho từ ông đồ Thảo đỗ tú tài từ lâu mà đến bây giờ bố vẫn không quên ơn ông thầy của mình. Nhà vẫn đói ăn, nhưng mồng một tết năm nào bố cũng bắt Nghĩa đi cùng để đội lễ bánh chưng và rượu đến biếu ông đồ Thảo. Mỗi lần đi tết ông đồ, bố bảo Nghĩa: "Tiên học lễ, hậu học văn - Con người ta muốn có chữ trước hết phải học đạo". Đối với Nghĩa, bố vừa thương yêu chiều chuộng lại vừa nghiêm khắc đến nghiệt ngã. Bố mua đàn, nhị, sáo về cho Nghĩa tập. Thời gian đầu Nghĩa bị tra tấn bởi tối nào bố cũng mời ông Tang thầy cúng dạy Nghĩa tập đàn chanh. Tối nào ông Tang không sang bố dạy Nghĩa chơi đàn bầu, dần cũng thấy ham, đi chăn trâu Nghĩa cũng giắt cây sáo vào cạp quần. Ra tới bờ sông Nghĩa ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo và thấy cuộc đời cũng vi vu lắm. Ngày ấy bé Hạnh cứ quấn lấy Nghĩa có lẽ cũng vì Hạnh mê tiếng đàn sáo của Nghĩa. Cô bé mà mới ngày nào còn nằm lọt thỏm trong ổ lá chuối khô với Nghĩa bây giờ đã rực lên như bông hoa cúc trước cửa từ đường. Mái tóc Hạnh gióng tóc mẹ, dài và đen óng. Khuôn ngực đầy lên phập phồng, mỗi khi nhìn Nghĩa ánh mắt Hạnh lại rực cháy lên ngọn lửa thiêu nóng trái tim cậu trưởng nam con dòng họ Nguyễn. Từ ngày Hạnh không ở với chú Vạn nữa, Nghĩa ít được gần hạnh. Mỗi ngày nghĩa không thể không tìm cách để được nhìn thấy Hạnh.
Nhiều lúc nghĩa lại cứ ngỡ Hạnh là cô Ngà từ trong câu truyện "mắt tiên" mà ông nội đã kể.
Đúng là Hạnh có nhiều nét khêu gợi của tiên nữ. Không biết rồi đời Hạnh có gặp điều gì oan ức như cô ngày xưa? T ừ ngày hai dòng họ có mối thù hận, chưa cặp trai gái nào yêu nhau được chọn vẹn.
Buổi tập văn nghệ ở nhà chú Vạn xong. Hạnh trộm véo vào sườn Nghĩa có ý bảo anh ở lại. Nghĩa vờ ra bờ ao rửa chân rồi quay vào nhà. Hạnh ôm ghì lấy nghĩa, hai đứa cấu véo nhau trên giường chú Vạn cười rinh rích.
- Chả nhẽ chúng mình lại cứ phải vụng chộm mãi thế này mãi sao?
Hạnh nói giọng buồn buồn và trong mắt lại có ngọn lửa đang cháy.
- Hay là lát nữa chờ chú Vạn về chúng mình xẽ nói thật với chú? Chỉ có chú Vạn là người thông cảm và hiểu chúng mình nhất...
Buổi tối làng Đông yên tĩnh. Con mèo đen nhà mụ Hơn nhảy từ mái nhà lao vào cửa. Nó giương mắt lạ lẫm nhìn Hạnh và Nghĩa.
o O o
Từ sự kiện từ đường họ bị cháy, chú Vạn phải để cho Hạnh về ở với Mẹ. Cả họ Nguyễn đều bất bình quan hệ "mờ ám" của chú Vạn với mẹ cái Hạnh. Người ta bảo các cụ Tổ nổi giận vì cả họ đã để cho Nguyễn Vạn vi phạm lời nguyền của cụ Tổ. Nguyễn Vạn không duy tâm, người chiến sỹ cách mạng không được tin vào thầnh thánh ma quỷ. Chẳng có thần thánh ma quỷ nào phạt được Vạn. Vạn không sợ thần thánh mà chỉ sợ làm sai lời Đảng dạy. Cả xã này không có Nguyễn Vạn thì đừng hòng có ai dám xung phong đứng lên phá nổi ngôi đình Đông để làm trụ sở uỷ ban xã. Đấy! Bây giờ ngôi nhà uỷ ban cứ sáng rực lên trên nền đình Đông cũng chẳng ai chết vì chuyện phá đình. Đến như ngôi miếu ở đầu làng linh thiêng có tiếng ai đi qua cũng không dám nói tục. Vậy mà hôm phá miếu, Vạn còn đến sớm đái cả lên bệ thờ mà cũng chẳng sao hết. Đã bảo là Vạn không tin vào thần thánh ma quỷ. Điều đáng sợ nhất với Vạn là để mất lòng tin với dân với Đảng. Từ một việc nhỏ Vạn cũng phải cân nhắc xem có phải đây là ý dân ý Đảng. Lâu nay Vạn xét lại lòng mình và thấy rằng Vạn đã yêu thương chị Nhân. Đấy là do những giây phút yếu hèn không kìm nén được. Lý trí không cho phép Vạn làm điều ấy. Điều ấy là lỗi lầm đáng tiếc không xứng đáng với người chiến sĩ cách mạng, không xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của dân làng, họ mạc. Thời trai trẻ của Vạn đã qua. Vạn sống với niềm kiêu hãnh Vạn đã có.
Mối nghi ngờ về sự quan hệ của Vạn và chị Nhân đã dịu đi giờ lại đến chuyện con Hạnh và thằng Nghĩa. Nỗi khổ là xưa nay ngôi nhà của Vạn ở lại là nơi hai đứa cứ quấn quýt với nhau. Thực lòng Vạn yêu thương cả hai đứa, nhưng không nghĩ rằng chúng lại có thể yêu nhau. Mấy năm trước Vạn đã kể cho hai đứa nghe về câu chuyện hận thù của hai dòng họ. Chúng cứ trố mắt nhìn nhau. Bây giờ Vạn gợi lại chuyện ấy chúng chỉ nháy nhau bịt miệng cười rinh rích ngay trước mũi Vạn.
Sáng nay trước lúc đi họp xã. Vạn thấy con Hạnh đến mượn nhà để tập văn nghệ. Vạn đưa chìa khoá cho nó và dặn khi nào về tạt qua uỷ ban đưa cho chú. Bây giờ đã là chín giờ tối mà vẫn không thấy con Hạnh đến. Có lẽ chúng nó tập cả tối. Tan họp, Vạn thập thễnh bước về. Nhà mụ Hơn đã tắt đèn đi ngủ. Bước tới cửa Vạn chợt nghe tiếng con Hạnh và tiếng thằng Nghĩa cười nói trong nhà. Vạn đứng sững lại - Thì ra chúng nó tập văn nghệ là thế này đây. Hỏng! Con bé hồi này láu cá đến thế là cùng. Mọi tội vạ lại đổ lên đầu mình mất thôi. Vạn thấy hơi nóng mặt đẩy cửa bước vào. Lại một bất ngờ nữa: Con Hạnh đang nằm với thằng Nghĩa trên giường vội vàng choàng dậy. Cả hai đứa không hề ngượng mà lại còn tủm tỉm cười mừng rỡ nữa chứ.
- Chúng mày làm trò gì thế hả?
- Dạ! Chúng cháu chỉ đùa nhau một tý - Con Hạnh vừa cười vừa nói.
- Từ nay tao cấm chúng mày không được đùa cái kiểu chết người như vậy.
- Làm sao mà chết được người ạ? - Con Hạnh che miệng cười như thể trêu tức chú Vạn.
- Không chết người nhưng cái trò trai gái như thế này rồi có ngày ễnh cái bụng ra. Chúng mày nên nhớ là mọi chuyện rồi lại đổ lên đầu tao. Cả làng này lại bảo tao là người dắt chúng mày vào con đường tội lỗi.
- Nhưng mà chúng cháu có làm điều gì tội lỗi đâu ạ?
- Hạnh! Đừng giấu chú Vạn làm gì nữa - Nghĩa chạy tới nắm lấy tay chú Vạn - Cháu và Hạnh yêu nhau chú ạ. Chúng cháu không thể sống thiếu nhau. Cháu...cháu thấy chỉ có chú...Vâng! Chỉ có mình chú là hiểu chúng cháu và chỉ có chú mới nói được với bố mẹ cháu và mẹ Hạnh.
Chú Vạn đứng lặng nhìn hai đứa. Chú không ngờ sự thể lại dẫn tới mức độ trầm trọng. Tuổi trẻ chúng nó bây giờ nói tới chuyện yêu đương cứ như không. Hồi chú bằng tuổi chúng nó đã biết quái gì chuyện trai gái. Hai đứa mà thế này thì bằng giết chú. Cả cái làng này sẽ bảo chú không lấy được mẹ cái Hạnh bây giờ lại dẫn mối cái Hạnh cho thằng Nghĩa. Hạnh thấy chú Vạn im lặng liền nhào tới nắm lấy tay chú:
- Chú là người duy nhất để chúng cháu trông cậy. Chú hãy giúp chúng cháu.
- Cút đi! Cút xéo khỏi đây ngay - Chú Vạn rít lên, mặt hằm hằm nhìn hai đứa.
Hạnh và Nghĩa ngỡ ngàng nhìn chú Vạn một lúc rồi dắt nhau bước ra cửa.
Nguyễn Vạn chợt bừng tỉnh ra điều gì đó. Xưa nay chưa bao giờ Vạn đối xử tàn ác với chúng nó. Vạn lập cập bước ra cửa.
- Hạnh - Chú gọi với - Cả thằng Nghĩa nữa vào đây chú bảo.
Hai đứa lại thản nhiên vào đứng trước mặt chú Vạn.
- Chú hơi nóng - Vạn nói - Chú có lỗi với hai cháu. Chú đã để hai cháu đi quá xa. Bây giờ chú nói thế này. Cái việc yêu đương của hai cháu trước sau gì cũng sẽ đổ vỡ mất thôi. Chú van các cháu hãy tĩnh trí lại. Các cháu không thấy đã có bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra. Điều này thì thằng Nghĩa phải hiểu cho rõ hơn. Cháu đang khôi phục lại dòng họ Nguyễn chả lẽ bây giờ cháu lại tự tay thiêu đốt nó một lần nữa sao. Hạnh ơi cháu không hiểu đâu - Vạn run run đưa tay nắm lấy bàn tay con Hạnh - Chú đây cũng có thời yêu mẹ cháu. Nếu như chú mà không vững vàng giữ mình thì bây giờ cũng đã mất mát hết cả.
- Chú hèn lắm! - Hạnh nói - Chú là người không có tim.
Lại một lần nữa Nguyễn Vạn ngớ ra đứng sững nhìn con Hạnh kéo tay thằng Nghĩa bước ra cửa, Nguyễn Vạn thấy ngực đầy lên tưng tức. Trời oi nồng, Vạn muốn ra ao tắm cái cho mát, rồi phải sang nhà thằng Nghĩa bảo với bố mẹ nó về cái sự kiện tầy trời vừa rồi. Ra tới cầu ao, Vạn sững lại. Dưới cầu ao lát gạch, vợ thằng Công đang bì bõm phơi tấm lưng trần trắng lốp dưới trăng. Nguyễn Vạn định quay ngoắt lại đã nghe tiếng mụ Hơn gọi. Giọng mụ cứ ngân lên ngọt xớt:
- Bác Vạn ơi, Bác cũng đi tắm đấy à? Em xong rồi đây. Chà! mát quá đi mất - Mụ Hơn vừa nói vừa đứng dậy kéo tấm áo ướt che ngực tong tong chạy lên lướt qua mặt Vạn - Tý nữa bác tắm xong vào em bảo bác cái này.
Nguyễn Vạn bước vội xuống cầu ao - Mụ Hơn định nói chuyện gì nữa? Lại dửng mỡ. Có khi mụ Hơn lại tưởng mình đứng rình trộm mụ tắm. Vạn bước về đến sân đã thấy cửa nhà mụ Hơn mở toang. Nguyễn Vạn định sang ngay nhà ông Khiên thì mụ Hơn đã ngấp ngó ngoài cửa gọi:
- Bác Vạn ơi! Vào đây em bảo cái này đã.
Mụ Hơn vừa thay chiếc áo phin trắng cắt kiểu mặc ngủ hở cả nách. Mụ đon đả rót nước mời Vạn.
- Bác uống đi. Mang tiếng liền cửa liền hè mà chẳng mấy khi nói chuyện được với bác.
- Tôi bận.
- Em biết rồi, lâu nay bác cứ bận mải đâu đâu. Em vẫn thường nói với cháu nó về bác. Bác tốt quá. Thằng cháu nhà em không có bác giúp thì...
- Chuyện xưa! Nhắc lại làm gì.
- Ấy bác cứ làm như em là kẻ vô ơn - Mụ Hơn cười liếc mắt nhìn Vạn rồi cúi xuống vờ e thẹn mân mê chén nước.
- Lâu nay em cứ nghĩ mãi, không hiểu sao bác không chịu lấy vợ.
- Tôi già rồi, lại què quặt thế này ai người ta lấy.
- Già! Hí hí...Bàc mà già! - Mụ Hơn che miệng cười. Vạn nghĩ là mụ Hơn cười mỉa mình cái chuyện nhìn trộm mụ ta tắm.
- Cái nhà chị này hay nhỉ - Vạn gắt - Tôi lấy vợ hay không thì liên quan gì đến nhà chị. Chị cứ tự nhìn mình ấy. Sao chị không đi kiếm thằng nào để mà hú hý cho sướng.
- Bác Vạn này! Em cũng định nói với bác cái chuyện ấy đấy - Mụ Hơn hạ giọng - Hồi nọ em cứ ngỡ bác với mẹ cái Hạnh, hoá ra không phải. Em thấy bác làm sao ấy. Em hỏi thật bác điều này... Bác thấy em thế nào? Giá mà bác ưng thuận em...Chúng ta sẽ ở chung ngôi nhà bác đang ở. Chỗ này ta làm bếp. Thằng Tốn nhà em nó được nhờ vả bác. Chính cái giường bác đang nằm em thấy nó vẫn gần gũi với em. Em cũng đã từng...
- Cái nhà chị này rõ là là...hay nhỉ.
Nguyễn Vạn hoảng hốt đứng vụt dậy lập cập bước ra cửa Vạn bước vội trên đường làng thấy bóng mình cứ nhảy nhót dưới trăng. Đường làng Đông vắng tanh. Cái con mụ Hơn đến là dơ. Dơ không chịu được. Trông hai con mắt nó cứ rừng rực. Không biết nó kính phục mình thật hay chỉ tí tởn để nỡm mình? Nó còn dám nhắc cả đến chuyện cái giường mà ngày xưa nó đã từng chềnh ễnh lên với chồng nó. Cũng chỉ tại ngày xưa mình hứa giúp bênh vực con nó nên bây giờ nó mới nhờn vậy...Trăng đã lên cao, bóng cây quéo cứ lừng lững giữa trời đêm lồng lộng. Ngôi nhà uỷ ban sáng rực lên màu vôi trắng. Bước lên cầu đá, Vạn thấy bóng mình nghiêng nghiêng một nửa trên cầu, một nửa gãy gập in trên mặt sông.
Có tiếng nước lội bì bõm, Vạn chợt nhận ra một bóng người chấp chới từ mép sông đi lên như bóng ma. A! Lại lão Xung. Lão để truồng vận mỗi manh áo cũn cỡn, tay khuơ khuơ như người tập võ. Lúc này Vạn mới nhận ra lão Xung còn cầm một chiếc gậy. Vừa đi lão vừa vung gậy hát nghêu ngao bài đèn cù "Khen ai khéo kết cái đèn cù - Ngựa chó í a ngựa chó - Tít mù nó lại vòng quanh - Bao giờ...Bao giờ ông bó í a chiếu manh...".
Người làng Đông đã nghe nhàm tai cái bài "Đèn cù" của lão Xung. Bạ đâu lão cũng hát. Hễ gặp người lão càng hát to hơn. Lúc này hát chán, lão lại chống gậy xuống đất ngửa mặt lên nhìn trăng cười hềnh hệch. Tiếng cười của lão Xung vang lên trong đêm vắng nghe rờn rợn. Lão điên điên khùng khùng từ cái hôm từ đường họ Nguyễn bị cháy và cũng đúng vào ngày thằng Xèng thằng Xình bị xử bắn. Lúc đầu người ta bảo lão già vờ điên để khỏi phải bị cùm chân. Sau thấy lão điên thật người ta bảo lão xót thương hai thằng con trai bị bắn. Người làng Đông vẫn còn nhớ ngày thằng Xình còn bé bị ông Xung bó chiếu cắp đi doạ chôn sống vì tội thằng Xình mải chơi bỏ trâu ăn lúa. Người ta bảo lão ác với con cái và nóng như lửa vậy mà cũng yếu đuối. Lão Xung lóc cóc bước tới đầu cầu, gặp Vạn lão đứng sững lại trừng mắt nhìn.
- Ông Xung! - Vạn quát - Ông về ngay. Không tôi bảo dân quân bắt nhốt bây giờ.
- Bắt b...tao đây. Mày là thằng nào? A thằng Nguyễn Vạn hả. Mày đã thuộc lời nguyền cụ tổ chưa hả. Tao sẽ dạy cho mày thuộc. Ha ha lão Xung cười, cất giọng rè rè - Tà rình...Tà rình...Nước sông Đình í a ngàn năm không cạn - Cầu Đá Bạc í a vạn kiếp trơ trơ.. - Lão Xung lại ngêu ngao.
Điên!
Vạn lẩm bẩm bỏ đi và bỗng thấy hoang mang. Có lẽ họ Nguyễn bị động mả tổ thật.
o O o
Hai đứa đi bên nhau dọc bờ sông. Đã lâu lắm, từ cái lần Hạnh đòi Nghĩa dẫn đi xem cống Linh, nay hai đứa mới lại đi với nhau trên đoạn sông này. Vẫn là một ông trăng trên trời và một ông trăng dưới nước trôi theo bước chân hai đứa. Chỉ riêng có cuộc sống là thay đổi biến động. Ngày xưa mọi sự với Hạnh đều bí ẩn. Giờ đây Hạnh đã hiểu được mọi cội nguồn của cuộc sống con người. Hạnh tin vào tình yêu trong sáng của Hạnh đối với Nghĩa.
- Thì ra chú Vạn cũng đã yêu mẹ Hạnh.
- Em biết. Một mối tình bị vùi dập.
- Chúng mình bây giờ là người đầu tiên dám đương đầu với dư luận.
- Liệu anh có đủ can đảm để vượt qua không?
- Anh chỉ lo cho em.
- Còn em lại chỉ lo cho anh.
- Người ta bảo khi yêu mọi điều đều tốt đẹp. Anh mơ ước điều thật giản đơn là được sống hạnh phúc với em trong căn buồng bố mẹ đã dành cho anh trên nền từ đường họ. Hạnh biết không? Chuyện này mà thực hiện được nó có ý nghĩa rất lớn lao cho cuộc đời của anh. Anh sẽ trị vì dòng họ Nguyễn. Anh sẽ tuyên bố với họ tộc xoá bỏ lời nguyền độc của cụ tổ. Hai dòng họ sẽ không còn hận thù. Trai gái hai họ sẽ được tự do yêu nhau. Làm đám cưới xong, anh sẽ đẵn khóm tre ngoài vườn, đan một cái thuyền. Chúng mình sẽ chèo thuyền chui qua cống Lĩnh ra sông cái vớt bèo tây về ủ phân, nuôi lợn...
- Trăng sáng thật là đẹp. Kìa, anh Nghĩa! Anh cứ nhìn rặng cau trước cửa từ đường kia cao nhất làng đấy.
- Các cụ bảo đất từ đường là đất thánh. Trồng cây gì cũng tốt.
Hai đứa về tới đầu làng đã nghe tiếng ông Xung nghêu ngao hát bài "Lời nguyền cụ tổ".
- Chạy đi anh! Em sợ ông Xung lắm.
- Sợ gì. Ông ấy điên thế thôi nhưng không đánh ai đâu.
Bước vào ngõ nhà Nghĩa, Hạnh bỗng thấy tim đập mạnh, mặt nóng bừng.
- Em cứ để mặc anh lo mọi chuyện.
Trời nóng nên bố mẹ Nghĩa vẫn còn trải chiếu ngồi giữa sân. Nhìn thấy có Hạnh về cùng, ông bà Khiên hơi ngỡ ngàng.
- Chúng mày đi đâu về mà khuya thế hả?
Bà Khiên hỏi mắt len lén nhìn chồng. Ông Khiên tay về thuốc lào, lặng thinh.
- Chúng con có chuyện muốn thưa với bố mẹ.
- Lại ba cái chuyện văn nghệ chứ gì? - Ông Khiên nói - Khi nào duyệt thử, cứ gọi tao một câu là tao đến liền.
- Bố! Không phải chuyện văn nghệ đâu.
- Chuyện gì?
- Dạ! Chuyện quan trọng. Con thưa với bố mẹ, con và Hạnh tìm hiểu nhau...
Bà Khiên mở mắt thao láo nhìn con trai rồi nhìn Hạnh. Ông Khiên đang kéo dở hơi thuốc lào bỗng ho sặc sụa. Ông vứt chiếc xe điếu xuống nhìn Nghĩa như thể ông không tin là kẻ vừa nói đó lại chính là thằng Nghĩa con trai ông.
- Mày không đùa đấy chứ?
- Dạ! Ai lại dám đùa ạ. Chúng con yêu thương nhau từ lâu rồi.
- Dẹp. Chúng mày hãy dẹp ngay cái chuyện nhăng nhít ấy đi.
Ông Khiên ngửa mặt nhìn trời như thể ông đang cầu nguyện điều gì đó.
- Chớ có dại con ạ - Bà Khiên phụ hoạ - Cả con Hạnh nữa, cứ về hỏi mẹ cháu thì biết. Hai bác đây không ghét bỏ gì cháu. Đất họ Nguyễn không phải nơi để cháu xây dựng hạnh phúc. Cháu không thấy đã có bao nhiêu tai hoạ xẩy ra.
- Mẹ không nên nói thế. Tai hoạ là do con người gây ra chứ không phải do đất. Chả lẽ con và Hạnh thương yêu nhau lại là chuyện xấu sao? - Nghĩa nói, mắt nhìn bố mẹ vẻ khổ hạnh.
- Thưa hai bác! Hạnh ngập ngừng, mặt cúi xuống không giám nhìn thẳng vào mặt ông bà Khiên - Cháu tin cả hai bác cũng không ghét bỏ cháu. Ngôi từ đường này xưa bị cháy, ông Xung bị điên, chú Xèng, chú Xình bị bắn, lại đổ lỗi tại mẹ cháu và chú Vạn thương yêu nhau sao? Hôm nay cháu muốn nói với hai bác điều mà cháu nghĩ từ lâu. Cháu thương anh Nghĩa. Hai bác có thương cháu hay không thì đấy là quyền ở hai bác. Cháu xin phép hai bác cháu về.
Hạnh bước nhanh ra ngõ.
- Hạnh! Đứng lại bác nói đã - Ông Khiên gọi giật giọng, bối rối - Bác cũng linh cảm từ lâu là cháu thương yêu thằng Nghĩa nhà bác. Nhưng cháu phải hiểu rằng từ đời các cụ Tổ đã gây nên mối thù hận thì đời con cháu phải chịu. Cháu phải nên biết rằng cả gia đình nhà bác đang ở trên đất từ đường họ. Ôi cháu không thể tưởng tượng nổi đâu. Cả cái họ Nguyễn nhà bác họ sẽ bảo là ông trưởng tộc rước kẻ thù về ở đất từ đường. Chuyện này nó kinh khủng cũng giống như cái chuyện rước voi về giày mả tổ vậy.
- Kìa bố! Nghĩa thốt lên, chúng con sẽ xin đất làm nhà ra nơi khác.
- Mày quên bổn phận của mày sau này cũng là trưởng tộc sao? Làm sao mày có thể bỏ đất tổ này đi được. Hạnh ơi bác van cháu, bác lạy cháu hãy buông tha nó ra. Ôi cái gia đình này sẽ tan nát mất thôi. Bà Khiên bỗng ôm lấy Nghĩa tu lên khóc. Hạnh hoảng sợ bỏ chạy về nhà nằm vật ra giường khóc tấm tức.
- Mày làm sao vậy Hạnh? - Tiếng mẹ khẽ thì thầm bên tai Hạnh. Hạnh quay sang ôm choàng lấy mẹ.
- Ôi sao con khổ thế này? Mẹ!...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×