Bến không chồng - Chương 21 (Dương Hướng)

87 lượt xem
Những ngày sau đó Thuỷ sống trong tâm trạng phấp phỏng chờ đợi một điều gì đó xảy ra với mình. Có thể mình sẽ có con với Nghĩa hoặc người đàn ông nào đó sẽ ve vãn mình?
Chiều thứ bảy, Thuỷ xin phép bố về thăm mẹ, hy vọng sẽ biết rõ hơn về Nghĩa. Ăn bữa cơm trưa với mẹ xong, Thuỷ lấy xe, đạp lên làng Đông. Con đường ruột huyện đang sửa chữa lổn nhổn những gạch vỡ. Vừa đi, Thuỷ vừa lục lại số bạn học ở xã trên xem có ai ở làng Đông. Từ bé chưa bao giờ đặt chân lên xã Nghĩa, không biết địa phận làng Đông từ đâu. Thuỷ cứ lấy cây quéo làm đích. Tới dốc cầu Đá Bạc, Thuỷ nhảy xuống dắt xe, mặt nóng ran nghĩ thấy mình rõ vớ vẩn. Thuỷ vờ dựng xe bên cầu xuống sông rửa chân. Trong sân uỷ ban xã có mấy người đàn ông bước ra đưa mắt nhìn Thuỷ. Dưới bến sông, một phụ nữ đang mải mê giũ những sợi đay ngâm, một tay chị ta cầm chiếc gậy nhỏ đập bôm bốp trên mặt nước. Nước sông sóng sánh gợn lên dưới ánh nắng chói chang. Thuỷ vén quần lân la đến gần, chị ta nghiên nón nhìn Thuỷ chằm chặp.
- Ô, ai như cái Thuỷ hả?
Thuỷ sáng mắt nhìn chị ta quen quen mà quên béng mất tên.
- Mày quên tao là phải - Chị ta thở dài nói - Tao biết tao già quá rồi mà. Cũng chỉ vì tao học dốt nên phải ở lại cái xó quê chân lấm tay bùn này. Chúng mày được bay nhảy sướng thật.
- Thao hả? Thuỷ reo lên nhào lại nắm tay người phụ nữ - Mày thông cảm, cũng vì lâu ngày quá không gặp nhau.
- Mày đi đâu lên đây?
- Tao...tao muốn hỏi nhà cái Xoan - Thuỷ ấp úng nói bừa.
- Cái Xoan đâu ở đây. Thao nói. Nó ở làng Hồi cơ mà.
- Thế à, tao cứ nghĩ ở làng Đông.
Thuỷ nhanh nhảu cúi xuống giũ những sợi đay cùng Thao. Gặp được Thao lúc này thuỷ mừng như vớ được vàng.
- Mày chồng con gì chưa hả? Thuỷ hỏi.
- Có mà có hai con mắt. Ế rồi.
Hai đứa vừa giũ sợi đay vừa nói chuyện. Thuỷ lấy xe đạp chở luôn số đay về nhà Thao. Thuỷ đâu có biết mình đã lần đúng vào đất tổ họ Nguyễn. Phơi xong đay, Thao dẫn Thủy vào nhà.
- Giới thiệu với bố mẹ, đây là Thuỷ bạn học con, bây giờ làm bác sĩ bệnh viện tỉnh đấy bố ạ.
- Vậy như! Ông Xung vẫn ngồi bên sợi đay trước cửa. Mời chị xơi nước.
Thuỷ ngồi lơ đãng nghe Thao nói toàn những chuyện đâu đâu. Mãi Thuỷ mới lúng túng tìm được lời hỏi thăm về Nghĩa.
- Thao này, Thuỷ vờ gợi chuyện - Ở xã này ngày xưa có tay gì học trên mình một lớp, anh ta học giỏi nhất trường í?
- Thằng Nghĩa nhà này chứ ai - Thao nói có vẻ tự hào.
- Đúng đây, tao nhớ rồi, anh ấy tên là Nghĩa.
- Hắn là cháu tao đấy. Xin thưa với cô bây giờ nó đã là thiếu tá quân đội có xe đưa xe đón oai nhất làng đấy. Chỉ tội mỗi chuyện vợ con chẳng ra sao. Cưới nhau mười bốn năm nay chẳng con cái gì. Cánh mình chưa chồng đã đành, đằng này chồng rồi mà không có con nó thế nào ấy. Khổ cả thân mình, khổ chồng, khổ cả gia đình nhà chồng. Thao bất ngờ háo hức nắm chặt lấy tay Thuỷ - Mày là bác sĩ, thử đến nhà khám cho bà già nó hộ tao xem bà ấy mắc bệnh gì. Đã mấy bữa nay bà ấy nằm liệt giường chẳng ăn uống gì được. Tối đến tao phải sang đấy ngủ với bà ấy. Đêm đến bà ấy nói mê lảm nhảm suốt.
- Vợ anh ta đâu mà mày phải sang đấy ngủ?
- Vợ Nghĩa nó cũng ốm, bỏ về nhà mẹ đẻ rồi. Chả lẽ hai mẹ con đều ốm nằm đấy nhìn nhau à. Bố ở nhà con dẫn bạn con sang khám bệnh cho bà Khiên.
- Khám sao được cái bệnh trời đầy - Ông Xung gắt - Như tao, như thằng Xeng xưa, ai khám mà cũng khỏi.
- Thấy buồn cười thật, cứ để bạn con đến khám cho bà ấy, lỡ ra...
Thao kéo Thuỷ sang nhà Nghĩa. Bà Khiên ngồi thu lu trên giường mở cặp mắt mệt mỏi nhìn Thuỷ. Chú Vạn ngồi trước bàn đang nói gì đó với bà Khiên, thấy khách tới liền im bặt.
- Em dẫn bác sĩ đến khám bệnh cho bà - Thao nói và vén màn ngồi xuống cạnh bà Khiên. Thuỷ khẽ chào Chú Vạn rồi ngồi cạnh Thao, đưa mắt nhìn mẹ Nghĩa.
- Cháu không mang theo đồ nghề khám bệnh - Thuỷ nói - Tiện gặp cô Thao, cháu đến xem qua bệnh tình của bác.
Chị cả Nghĩa đang hý hoáy dưới bếp chạy lên. Thao giới thiệu Thuỷ với chị, cặp mắt chị chợt sáng lên, giọng xúc động:
- Trăm sự nhờ cô xem giúp mẹ tôi bệnh gì.
Thủy cầm tay bà Khiên nghe mạch, xem mắt rồi vén áo xem qua người bà, Thủy đoán bà Khiên bị suy nhược cơ thể do lo nghĩ nhiều. Nhìn gương mặt tiều thuỵ, thân thể còm nhom của mẹ Nghĩa, Thuỷ cố nén xúc động để khỏi bật khóc. Thuỷ đâu ngờ tình cảnh của gia đình Nghĩa đến nông nỗi này. Thuỷ lặng lẽ đưa mắt quan sát trong nhà ngoài sân, Chị cả Nghĩa rót nước mời Thuỷ.
- Gia đình nên thu xếp cho bà đi bệnh viện.
- Đấy! Tôi đã bảo mà - Chú Vạn nói - Chị nghe thấy bác sĩ nói gì không. Chị phải đi viện. Nhà cửa tôi trông cho.
Chị cả và Thao tiễn Thuỷ ra đến ngõ. Thuỷ căn dặn chị cả cách làm thủ tục nhập viện và cho biết tên mấy cô bạn của Thuỷ cùng học trường y hiện đang công tác ở bệnh viện huyện.
Đạp xe ra đến Cầu Đá, Thuỷ vẫn còn bàng hoàng. Bỗng dưng cái làng Đông, và gia đình nhà Nghĩa lại gần gũi với Thuỷ đến vậy. Mãi tới lúc này Thuỷ mới để mắt nhìn ngắm làng quê anh. Dòng sông uốn lượn, nước dềnh lên giữa miền quê xanh ngắt bóng tre. Nắng lấp loá trên mặt nước. Nhịp cầu đá mòn nhẵn bao bước chân người qua lại.
o O o
Hồi này Nguyễn Vạn vào đội trồng cây với các cụ không mấy khi ở nhà. Sáng dậy sớm nấu mỗi niêu cơm, ăn xong Vạn đứng dậy lấy chiếc túi vải đong một bò gạo, cho một đôi đũa, chiếc bát vào túi rồi vác con dao rựa đi. Bao giờ Nguyễn Vạn cũng đi sớm hàng tiếng đồng hồ la cà vào các nhà uống nước. Sáng nay vào nhà cụ Được, mai nhà ông Khi, kia nhà chú Sách. Cứ thế Nguyễn Vạn đi hết lượt từng nhà rồi lại quay sang vòng hai vòng ba.... Cũng bắt đầu là cụ Được, nhà ông Khi, nhà chú Sách. Cứ thế, cứ thế hết ngày này sang tháng khác giống như chiếc kim đồng hồ quay đủ hai bốn giờ là sang ngày khác và người ta nhìn Nguyễn Vạn là chiếc đồng hồ báo giờ. Mấy bà hàng xóm, sáng ra cứ nhìn thấy Nguyễn Vạn thập thễnh xách túi gạo là cuống cà kê, người chửi con, người mắng chồng: "Ông Vạn đã đi làm rồi kia kìa, ối giời ơi cái thằng phải gió, còn ngủ chết trương lên không dậy mà nốc...". Có hôm vừa bước vào ngõ nhà ông Khi, bà vợ ông đã hét lên: "Ông ơi, ông có bắt trói cho tôi con lợn nhanh không muộn chợ. Chú Vạn đã đi làm rồi đây này...".
Đến bây giờ Nguyễn Vạn mới thấy mình nhận phần chia ngôi nhà lão Hào là sai lầm. Giá ngày ấy mình tự làm lấy gian nhà có phải bây giờ sướng không. Thân một mình cần chi phải nhà to, chỉ mỗi gian là đủ, lại đỡ phải quét dọn. Sáng ra cứ bước chân khỏi ngõ ngôi nhà ấy là Vạn thấy sướng cái bụng. Vạn không muốn nhìn thấy mặt mẹ con mụ Hơn. Rõ rau nào sâu ấy. Thằng Tốn rước đồ tư bản về xây được nhà lầu lấy được vợ đẹp thì con mẹ nó cũng nhảy tưng tưng lên như bò động đực. Mụ Hơn ngứa nghề quá nên mới phưỡn bụng ra. Chết ở chỗ, bụng con dâu và bụng mẹ chồng lại cùng to một lúc. Hai mẹ con đều xấu hổ đố có dám nhìn thẳng vào mặt nhau. Đến bữa ăn cơm, hai cái bụng cứ trương ềnh ra trước mâm cơm. Chung qui lại cũng tại mấy cái đồ tư bản. Tại mấy cái xu chiêng mút hồng hồng và mấy cái sơ líp đo đỏ Sài Gòn thằng Tốn mang về không biết nó có cho mẹ nó không hay mụ Hơn đánh thó để mặc. Mụ muốn mặc nhưng lại không dám công khai, khi giặt phải đem phơi vụng trộm ngoài vườn chuối sau nhà. Một buổi nhá nhem tối Vạn đi đái thấy có cái gì đo đỏ ngỡ cây chuối mới ra hoa, khi tới gần, đưa tay sờ thấy nhun nhũn như da thịt đàn bà, Vạn mới hiểu là cái su chiêng mút của mụ Hơn. Đúng vào thời kỳ mụ hơn thèm chua hay ra đập khế ngoài bờ ao. Vạn cứ ngỡ mụ đập khế kho cá. Đến tối mụ Hơn tắm rửa, gội đầu xà phòng thơm nức, tay mụ cầm miếng khế nhảy vào nhà Vạn cười lả lơi:
- Bác có muối cho em xin tẹo chấm khế chua.
Vạn ngờ ngợ. Dễ nhà nó không có muối. Mụ Hơn xông thẳng vào góc nhà lục muối. Cái lọ muối Vạn đề sờ sờ ra đấy mà mụ Hơn tìm mãi không ra.
- Gớm cái bác này có tý muối mà cũng giấu kỹ, không vào chỉ cho người ta với. Bác để ở chỗ nào hả?
- Ở chỗ ấy đấy thôi.
- Chỗ ấy là chỗ nào? Hay là tiếc tý muối mai đi chợ mua trả hẳn một bát.
Nguyễn Vạn tức tối xông vào lấy muối cho mụ. Trong xó tối, không hiểu mụ Hơn vô tình hay cố ý đâm sầm vào Nguyễn Vạn. Bàn tay Vạn khẽ chạm vào ngực mụ Hơn.
- Rõ dơ! Thích hử - Mụ Hơn nói nhỏ và chộp lấy tay Vạn đặt nhanh lên ngực mụ - Thích thì cho sờ một tý đỡ thèm. Người gì mà khổ vậy, cả đời chả biết mùi đàn bà ra làm sao.
Mụ Hơn thở hổn hển. Nguyễn Vạn cũng thấy bủn rủn cả chân tay. Cũng tại cái xu chiêng mềm mềm trên ngực mụ nó như ma lực hút kiệt mất lý trí Vạn. Bàn tay Vạn run rẩy đang gây tội lỗi mà Vạn không biết. Khi hai cánh tay của mụ Hơn choàng lên cổ Vạn và cái mùi xà phòng tư bản lẫn mùi hôi nách của mụ xộc lên mũi, Vạn mới bừng tỉnh. Vạn hoảng sợ chạy vụt ra ngoài ngồi bệt xuống chiếc chiếu ở giữa nhà. Ngọn đèn dầu đỏ quạch không bóng ngun ngút khói hoa lên trước mắt Vạn. Mụ Hơn che miệng cười khung khúc lững thững bước ra ngồi ngả ngốn lên chiếc giường của mụ xưa. Cúc áo ngực của mụ Hơn vẫn mở phanh ra trước mắt Vạn, lộ ra chiếc coócxê. Đúng là chiếc coócxê mầu hồng ở ngoài vườn chuối.
- Đóng vào đi - Vạn gắt.
Mụ Hơn tủm tỉm cười chạy ra đóng cửa.
- Không phải đóng cửa - Vạn ấp úng - Chị đóng cái cúc vào.
Mụ Hơn vờ e thẹn cúi xuống nhìn ngực mình đưa tay cài cúc áo.
- Bác không thích thật sao? Mụ Hơn nói - Lạ nhỉ. Thôi bây giờ em bàn với bác thế này, em không xui dại bác đâu. Em thấy thương bác. Già khọm đến nơi rồi mà chả con cái gì cũng tội. Em sẽ cho bác đứa con. Đã bao giờ bác nghĩ đến mình sẽ có con chưa? Ôi từ ngày thằng Tốn nó lấy vợ, suốt ngày nó hú hý với vợ nó em lại thấy tủi cái thân mình. Nó quý vợ nó hơn cả mẹ. Lúc này em lại thích mình có đứa trẻ nó ríu rít cho vui. Có thể cả đời bác chưa có con nên bác không thấy vui ở trẻ. Trẻ con bao giờ cũng là niềm vui của tuổi già đấy. Bác cứ hình dung ra, ngồi thế này uống nước có đứa trẻ nó cứ tâng tâng nhảy nhót, nó bá lấy cổ em, nó nhào vào lòng bác "bố ơi, làm ngựa cho con đi". Em đảm bảo lúc ấy bác sẽ thích thú chổng mông lên làm ngựa cho nó cưỡi nhong nhong. Sau này nó lớn, nó sẽ gây dựng lại cơ ngơi này cũng giống như cái cơ ngơi của thằng Tốn. Thằng Tốn nó sẽ giúp đỡ em với bác...
- Tôi không cần bám vào cái thằng tư bản - Vạn quát lên - Mụ xéo đi.
Nguyễn Vạn đứng dậy hung hăng lôi mụ Hơn ra cửa. Mụ dam xúc phạm thanh danh người chiến sĩ Điện Biên như Vạn.
Bây giờ nghĩ lại giây phút ấy Vạn mới thấy mình sắt đá chứ như người khác thì bị mụ ấy đưa vào tròng rồi. Hôm ấy Vạn mà yếu đuối nghe mụ ngon ngọt dỗ dành quệt vào mụ ấy một cái thì bây giờ mụ sẽ lu loa lên khoe với cả làng mụ đã ngủ với Nguyễn Vạn. Và thế là đứa con của thằng chết dẫm nào đó đang lớn dần trong bụng mụ Vạn phải nuôi suốt đời.
Mụ Hơn hồi này ì ạch mang bụng to như cái thúng úp, gặp Vạn mụ lại cúi gầm mặt xuống e thẹn. Nhưng hễ lúc nào có ai chọc tức, mụ lại xưng xỉa nổi máu đồng bóng lên với Vạn. Rõ là đàn bà. Vạn tức mà không dám gây chuyện, chỉ sợ mụ lu loa chuyện Vạn đã trót sờ tý mụ một lần mụ sang xin muối thì nguy. Mẹ kiếp, mình mới chỉ sờ tý thì chửa thế quái nào được. Vạn căm thù cái thằng nào đó ngủ với mụ mà không dám ra mặt. Đã mấy lần đang đêm nghe tiếng động Vạn cũng choàng dậy rình xem nhưng không nhận ra cái thằng nó mò đến với mụ là thằng nào. Tốt nhất là mặc xác mụ, không nên tiếp xúc gần mụ là hơn. Thời kỳ Vạn đi trồng cây với các cụ mãi dưới đường mới, trưa phải góp gạo nấu cơm chung. Những ngày làm gần quanh xóm, trưa đến ai về nhà ấy nhưng Vạn cũng chả thèm về nhà. Có trưa vào nằm nghỉ dưới gốc quéo, gặp mưa Vạn lại nhảy vào cửa uỷ ban ngồi. Có bữa, Vạn lại chui vào nhà kho hoặc xuống gầm cầu Đá Bạc làm một giấc.
Đã hơn tháng nay bà Khiên đi bệnh viện. Nguyễn Vạn sang ở trông nhà cho bà Khiên. Tối đến Vạn không còn lang thang đi nhà này nhà nọ như trước. Mấy ngày nay cả cái họ Nguyễn cứ đồn ầm lên, đổ tội cho vợ chồng thằng Nghĩa phá hậu cung từ đường nên con Hạnh mới bị ốm. Bà Khiên đi bệnh viện huyện một tuần, lại phải chuyển lên bệnh viện tỉnh. Nguyễn Vạn không duy tâm nhưng tối nào thím Xeng cũng thắp hương lầm rầm khấn làm Vạn cũng thấy lo lo. Gương ông Xung, gương chú Xeng bị điiên, giờ lại đến bà Khiên không biết có qua khỏi bệnh tình này không? Con Hạnh thì vừa mới dậy được là sáng qua đã phải lên trông nom bà Khiên thay cho chị cả nó về nhà mấy hôm. Thế mà bây giờ chị cả vẫn chưa thấy về. Tình hình trên biên giới đang có đánh nhau to, thằng Nghĩa chắc gì đã nhận được điện mẹ ốm mà về. Ngày xưa bố chết, xanh cỏ thằng Nghĩa mới được về, bây giờ mẹ ốm cũng không hay. Rõ là cái số thật. Cái số con Hạnh cũng long đong, mồ côi bố từ ngày còn bé tý, lớn lên đi lấy chồng, cưới cheo cũng chẳng ra làm sao. Mười năm xa chồng biền biệt, hoà bình chồng mang vinh quang về đã tưởng sung sướng, ai ngờ đến bây giờ lại khổ hơn cả ngày xưa. Buồn đằng nhà chồng, về với mẹ đẻ thấy mẹ cô độc một mình lại càng buồn hơn....
Nguyễn Vạn khẽ thở dài đứng dậy đi ra cửa. Trong nhà thím Xeng vẫn ngồi với mấy bà trong họ trước bàn thờ tổ rì rầm khấn vái. Khói hương thơm ngát. Đêm buồn lặng. Có tiếng chị cả về tới đầu ngõ. Chỉ cả quăng chiếc túi xách lên hiên rồi ngồi bệt xuống thở phào.
- Mẹ mày thế nào hả? - Nguyễn Vạn hỏi.
- Nhờ trời mẹ cháu khoẻ rồi. Chị cả nói. Mấy bà và thím Xeng nhẩy bổ ra quấn quả:
- Thế bao giờ thì mẹ mày về được hả? - Thím Xeng nói - Lạy thánh mở bái cầu cho bà ấy tai qua nạn khỏi.
- Độ một tuần nữa là mẹ cháu về được. Cũng phúc cho mẹ cháu lên bệnh viện tỉnh lại gặp ngay được bác sĩ Thuỷ bạn cô Thao nhà ta chứ không thì chết. Hồi đầu mẹ cháu bị ngất liên tục, bác sĩ Thuỷ còn cho cả máu mẹ cháu. Trên đời này cháu chưa thấy có ai lại tốt như cái cô bác sĩ Thuỷ. Hôm nào cô ấy trực đêm ở bệnh viện, cô ấy lại đưa cháu về nhà cô ấy nghỉ. Hai bố con cô ấy ở căn nhà, điện nước đầy đủ, quạt máy vù vù suốt đêm. Cần gì cũng có, thiếu gì cũng giúp. Thầy thuốc thế mới là thầy thuốc. Nay mai cậu Nghĩa về phải bảo cậu ấy sắm lễ lên mà tạ người ta.
Chị Cả nói một hồi rồi đưa mắt nhìn chú Vạn.
- Cháu phải về đây, chú chịu khó trông nhà cho mẹ cháu ít hôm nữa. Cháu mới đi xa có ít ngày mà nhớ bọn trẻ quá.
Chị cả xách túi tất tả bước ra ngõ.
- Cái con bé rõ vô tâm - Thím Xeng nói - Về đến nhà mà không vào lạy tổ.
o O o
Mọi sự ào đến với Hạnh như một cơn lốc cuốn phăng mọi thứ. Hạnh không còn gì hết, mất hết tất cả, chỉ còn lại thân xác vật vờ trôi giữa dòng đời. Người ấy cứ lởn vởn trước mặt Hạnh. Cái cổ cao trắng mịn, khuôn mặt đẹp phúc hậu, ánh mắt đen, dịu hiền và đầy ma lực cứ nhìn xoáy vào Hạnh. Hạnh thấy rõ sức mạnh của người ấy chứa ẩn trong tấm áo choàng trắng và sự khéo léo tài hoa của đôi bàn tay mềm mại với những ngón tay thon dài đẹp đến kỳ lạ. So với người ấy Hạnh chỉ là đứa nhà quê đen đủi hẩm hiu. Với Hạnh, người ấy vừa là nữ thần vừa là bóng ma ám ảnh Hạnh mãi.
- Chị chưa thể về được! - Người ấy nói và cầm cổ tay Hạnh xem mạch - Nhịp tim chị yếu lắm, chị phải nằm đây vài ba hôm nữa. Tôi đi lấy ít sữa, chị phải uống chút cho khoẻ.
Người ấy bước đi, cánh cửa phòng khép lại. Giọng nói ấy vẫn ngân lên bên tai Hạnh. Hạnh hoảng hốt vùng dậy khẽ mở cửa lẻn ra ngoài. Ra tới đường phố, Hạnh cắm đầu chạy khỏi bệnh viện. Hạnh chạy trên đường phố đầy người mà ngỡ như chẳng còn ai trên thế gian này. Ra tới bến xe, Hạnh đứng ngơ ngác tìm mẹ chồng và cô Thao. Vừa thấy bóng cô Thao đang bước lên chiếc xe khách về huyện, Hạnh nhào đến bám được vào thành xe thì người ấy đã lao đến nắm chặt lấy cổ tay Hạnh. Hạnh đứng trơ ra như bị thôi miên trước ánh mắt đen láy của người ấy. Những ngón tay thon dài nắm chặt lấy cổ tay Hạnh, giọng chị ấy ngân lên:
- Tôi thành thật khuyên chị hãy ở lại. Chị không thể...
Chiếc xe xình xịch nổ máy rung lên bần bật.
- Không! Tôi về - Giọng như lạc đi, chân tay bải hoải. Hạnh cố lấy hết sức tuột khỏi những ngón tay thuôn dài của người ấy và nhảy lên xe. Người phụ lái đóng sầm cánh cửa xe lại. Chiếc xe lao đi. Hạnh ngoái lại nhìn thấy người ấy đứng chới với trên bên. Chiếc áo choàng trắng sáng lên trong nắng chiều.
- Mày cứ như con điên - Cô Thao mắng - Người ta khuyên ở lại vài hôm cho khoẻ hãy về.
- Chị ấy thật là tốt - Bà Khiên nói. Trên đời này sao lại có người tốt vậy.
Hạnh ngồi chết lặng trên xe. Đường xấu, thỉnh thoảng xe lại nhảy lên chồm chồm.
- Ra tiền! Người phụ xe vỗ "bốp" lên vai Hạnh. Vừa mới lên xe đã lại say rồi.
Hàng ghế sau Hạnh, mấy người đang bàn tán tình hình chiến sự trên thế giới:
- Thằng cu nhà tôi vừa biên thư về nói chuyến này nó phải đi Căm - Pu -Chia.
- Cái đất nước này chỉ có giỏi đánh nhau. Có ai đó nói to.
- Ông này rõ lạc hậu. Kẻ cướp đến nhà không đánh ngồi yên để nó cắt cổ sao?
- Mẹ kiếp, cũng tại nước mình nó giống như một cô gái đẹp nên nhiều thằng nó ghẹo.
- Con người ta cực thông minh mà cũng cực ngu. Lại một nhà hùng biện lên tiếng, ngu là vì tìm mọi cách để bảo vệ sự sống, nhưng rồi cũng lại tìm mọi cách để tiêu diệt nó. Con người càng văn minh thì vũ khí tiêu diệt nó càng hiện đại. Khiếp thật. Đùng một cái chết sạch, từ con người đến con sâu cái kiến.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×