Chốn vắng - Chương 14 (Dương Thu Hương)
Phương Như | Chat Online | |
12/07/2019 07:15:13 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
130 lượt xem
- * Chốn vắng - Chương 15 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 16 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 13 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 12 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
Vào những sáng thu, thung lũng nở một loài hoa li ti giống những giọt sương màu lục thẫm. Ðó có thể là loài hoa phù du nhất trong kiếp các loài hoa vì nó chỉ sống tất thảy vài giờ. Cỡ bảy giờ, bảy rưỡi sáng, mặt trời thu se khô cỏ, các nụ hoa bắt đầu xòe cánh. Quãng tám giờ cánh hoa đã nở hết cỡ và bông hoa sống khoảnh khắc viên mãn nhất với sắc đẹp dị thường. Hoa nở từng chùm, đong đưa muôn ngàn giọt lục trên những tầng lá dày đặc màu cẩm thạch có ánh bạc như phủ lông nhung. Mười giờ hoặc mười rưỡi, các cánh hoa mong manh đã bắt đầu héo, xoăn lại nơi mép cánh và đúng ngọ, năm cánh hoa teo tóp nhăn nhúm cuộn thành một chấm đen. Chưa họa sĩ nào vẽ nổi màu lục kì lạ của loài hoa này, cũng chưa thi sĩ nào miêu tả được vẻ đẹp cực mong manh huyền ảo của loài hoa này.
Vốn là lũ bẻm mép và lười biếng, họ không thể lặn lội tới một miền xa xôi như Xóm Núi, các nàng thơ của họ thường chỉ bay lượn quanh bàn rượu, hoặc bàn rượu sang trọng nơi màu vang đỏ điệp với sắc các bông hồng, hoặc bàn rượu hạ lưu nơi lũ ruồi vo ve bên đĩa lòng lợn luộc hay đĩa nộm da bò với thính. Bôn không phải thi sĩ nhưng sớm nay, bất chợt bắt gặp cả thung lũng bừng lên một màu lục thẫm, màu lục trong suốt long lanh tựa ánh trời ngân tụ, anh bỗng sững sờ. Ðây là quê hương, vùng đất mòn nhẵn dấu chân anh, vậy sao mãi tới hôm nay anh mới nhìn thấy loài hoa kỳ lạ. Phải chăng nó vừa mọc lên trong những năm anh xa nhà, do loài chim di trú bay ngang thả hạt xuống, hoặc tuổi thơ cơ cực không cho anh một khoảnh khắc dư thừa để ngắm cảnh vật? Anh không dám chắc đâu là sự thật, chỉ biết loài hoa mong manh kia giống đám mây lục sà xuống thung lũng, xao động giữa các búi cỏ lau trắng bạc và những thân soan dại khô cằn bồng bềnh trong ánh mặt trời thu, ánh mặt trời không còn chói chang đã ngả màu rơm mới. Vẻ đẹp của nó khiến anh ngơ ngẩn. Anh ngồi bệt xuống cỏ, nhìn ánh nắng trôi dạt trên triền hoa, bỗng dưng muốn khóc, muốn rã rời đứt đoạn chân tay, muốn ai đó hoặc xiên một lưỡi lê qua trái tim anh để kết thúc cuộc đơn hành khốn khổ trên cõi đời, hoặc quắp lấy anh như đại bàng quắp một con gà chiếp mang đi thật xa, thật xa, thả anh xuống một hoang đảo, một sa mạc, một miền xa lắc xa lơ cách biệt hẳn cõi người, để anh tạo lập một cuộc sống mới cùng cỏ cây muông thú. Cuộc sống đó có thể cực khổ hơn nhưng không nhục nhã đọa đầy như cuộc sống ở nơi đây...
Tiếng kêu be be của bầy dê nhà ai vọng tới. Theo thói quen, Bôn đưa tay rờ cây liềm và chiếc bao tải giắt lưng. Rồi nỗi chán chường khiến anh dật phắt chúng ra, ném xuống cỏ... Cây liềm ấy đã cắt bao nhiêu tạ lá Dâm dương hoắc, anh không còn nhớ... Ðã bao ngày trời anh kiên trì uống thứ thuốc ông già Phiều tốt bụng kê đơn: Dâm dương hoắc - Nữ trinh tử - Tật lê tử. Ông cho anh hai vị Nữ trinh tử và Tật lê tử. Anh theo chân loài dê lên núi cắt lá dâm dương hoắc. Già Ðọt cho anh rượu mạnh nấu bằng gạo nếp nương nhà. Mọi người cưu mang anh như cưu mang kẻ tật nguyền. Nỗi ê chề anh không mường tượng ra và không chịu thấu nhưng nó là sự thật.
Bôn nhận ra rằng giấc mơ xây đắp hạnh phúc ngày về làng chỉ là ảo giác, giống như châu báu được tạo bằng những hạt sương buổi lê minh. Anh bắt đầu hiểu ra điều đó từ buổi sáng ở nhà Xá chột quay về.
Khi cánh cổng nhà Xá khép lại sau lưng, anh đứng phân vân chẳng biết đi đâu. Con thuyền hy vọng đã đắm. Nhưng sau rốt, anh vẫn quyết định đến nhà già Ðọt, cầu may ở câu chuyện cổ tích về những món gia tài giấu trong hang đá hoặc chôn dưới đất đen. Nhà bà chị ruột của mẹ anh nhỏ hơn ngôi nhà cha mẹ anh để lại nhưng là nhà gạch đàng hoàng, tường trát vữa quét vôi và mái lợp ngói. Dù nước vôi mấy thập kỷ không được thay đã mọc rêu nhưng dẫu sao trông ngôi nhà vẫn sáng sủa vững chãi. Già Ðọt có vườn cây rộng, tuy không còn lam làm được bao nhiêu nhưng bà khéo điều khiển nhờ cậy đám trai trẻ trong làng nên khu vườn vẫn tươi tốt, mùa nào thu hoạch quả mùa nấy. Khi Bôn tới, bà đang ngồi tựa lưng vào tường ngủ gà ngủ gật. Hai đứa con nhỏ của Tá ngồi chọc rổ khoai luộc ngoài hiên, còn đứa lớn đã theo mẹ nó đi làm thuê ở làng bên.
Thấy cháu trai vào bà già mở choàng mắt, tức khắc tỉnh ngủ ngay:
- Vào đây... cháu già vào đây...
Hớn hở như bắt được của bà lục lọi khắp nơi tìm quả chín cho anh ăn, pha trà cho anh uống và kể tràng giang đại hải những câu chuyện về ông bà anh, bố mẹ anh, những người họ hàng thân thuộc và những kỷ niệm chia sẻ giữa bọn họ... Ðó là thế giới của những người đã chết, bà già sống với cái thế giới ấy, bởi nó thuộc về bà, và bà cũng thuộc về nó. Bôn nhìn bà lão hiểu rằng anh chẳng còn mảy may hy vọng. Anh đứng dậy cáo từ:
- Chờ già đã... chờ già đã.., cháu ơi, ta có cái này... Dành cho riêng cháu.
Bà lật đật vào buồng ở trong đó rất lâu, lục đục mở hết hòm này tới hòm kia, sau rốt bà quay ra với một bọc lá chuối khô. Bà đem gói đó tới trước mặt anh, lần lượt giở từng lớp lá chuối khô thận trọng như người ta mở lớp lụa gói đồ pha lê dễ vỡ:
- Này đây... phần cháu đây...
Dưới năm lượt lá chuối là lớp giấy dầu. Trong lớp giấy bọc sau chót là những cục đường phèn:
- Già phải gói kĩ thế này nó mới không chảy nước.
Bôn nhìn những cục đường phèn, hiểu kho châu báu anh mường tượng chính là đây. Anh cảm ơn bà lão, cầm gói đường phèn ra về. Ðường rợp bóng cây. Mẫu đơn nở trong các khu vườn. Tiếng chim vườn hòa cùng tiếng chim từ thung lũng xa vẳng tới, khung cảnh êm đềm nơi Xóm Núi bao năm dài anh mong nhớ đang hiển hiện trước mắt anh, chỉ cần giơ tay là hái được mẫu đơn, chỉ cần ngước mắt lên là thấy lũ chim nhỏ nhảy nhót trên cành, chỉ cần lắng tai là nhận ra điệu hót của những con chim rừng lạc vào vườn... Nhưng giờ đây, anh chẳng còn ham muốn. Nỗi nhớ mong thời cũ đã xa. Những khi nằm võng đong đưa vừa nhai lương khô vừa mơ tới vườn cây xóm Núi.
Những cuộc hành quân khô khát, nhớ dòng suối chốn rừng quê tưởng như nó chẳng còn là suối mà là con sông hòa trộn điệp trùng cả ký ức cùng ước mộng... Xóm Núi bây giờ là Xóm Núi của ai đó có bạc có tiền nhà cao cửa rộng nương cà phê san sát nương tiêu, mảnh đất quê hương anh biến thành quê hương của những người đã cắm chân vững chắc trong cơ ngơi, đã thâu tóm trong tay sản nghiệp...
Xóm Núi không còn là của anh, kẻ trắng tay, đang bước về nơi trú ẩn trong túi chẳng đủ tiền mua một gói thuốc lào. Anh đã trở thành kẻ xa lạ ngay chính trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Và anh chẳng còn một quê hương nào khác, sự cứu rỗi nào khác ngoài Miên, người đàn bà anh yêu. Anh phải bám lấy chị như bám vào mảnh ván cuối cùng trong cơn hồng thủy, bởi anh tin ngày một ngày hai, chị sẽ hiểu rằng trên đời này, trên cõi đất này không một người nào yêu chị hơn anh, ngưỡng mộ chị hơn anh, quỵ lụy chị hơn anh, chịu nhiều cay đắng gian truân vì chị hơn anh.
Bôn về nhà lúc Miên đang khâu vá. Chị ngước mắt lên:
- Anh đã về...
- Ờ, tôi đã về...
Anh hy vọng chị hỏi anh câu thứ hai, rằng anh đi đâu, có việc gì, và có được việc hay không?
Một câu hỏi đại loại như thế để anh có thể mở đầu câu chuyện nhưng Miên đã cúi xuống chăm chúi đẩy mũi kim như đường chỉ đang khâu là tất cả những gì tồn tại trước mặt chị. Bôn đi vào rồi đi ra, hết mở lại đóng ngăn kéo mà anh biết rõ chẳng có gì ngoài vỏ hộp nhựa đựng kẹo bạc hà ngậm ho giờ đựng thuốc lào. Dường như những hành động kỳ cục của anh khiến Miên khó chịu. Chị ngẩng lên hỏi:
- Anh đói rồi hay sao?
- Không... À à...
Miên bỏ cây kim xuống:
- Thôi được, em đi nấu cơm.
Chị dém gọn mớ đồ đang khâu dở vào góc giường rồi quơ chân tìm đôi dép. Anh đứng đần độn nhìn vợ:
Ta không biết mở đầu câu chuyện ra sao? Không lẽ ta tiếp tục nói dối? Bạn anh vừa gặp nạn, hứa năm sau đưa tiền... Chẳng kẻ nào dám hứa như vậy, nói dối cũng không dễ...
Ngoài sân, đứa con gái ba tuổi của Tá bỗng khóc thét. Miên chạy ra dẫn nó lên thềm, phủi kiến bám đầy hai cái mông đít bẩn thỉu của con bé rồi vào nhà lấy hộp dầu cù là bôi vào nốt kiến cắn.
Miên vốn là người nhân hậu, dù Tá là kẻ chẳng ra gì, cô ấy vẫn bao dung những đứa bé bẩn thỉu kia... Ta chẳng còn cách nào hơn là nói thẳng với Miên ngay bây giờ, ngay lúc này...
Bôn nghĩ, ra đứng ngay gần cửa, chờ Miên bôi dầu cho đứa trẻ quay vào anh sẽ lên tiếng. Nhưng một nỗi ê chề không sao lảng tránh vẫn đối diện sừng sững với anh.
Anh nhớ ngày thứ hai trong cuộc sống chung của họ. Buổi sáng anh dậy muộn vì đêm trước, sau cuộc làm tình thất bại anh chỉ ngủ thiếp đi một giấc mệt ngắn ngủi rồi sau đó gần như cả đêm thức trắng. Khi Miên tắm xong, trở vào giường mang theo mùi Thạch trinh hương sực nức, anh đã nằm im không động cựa, không dám hé mắt nhìn, chỉ giỏng đôi tai nghe ngóng xem chị thở than hay nguyền rủa. Nhưng Miên im như thóc.
Hơi thở chị rất nhẹ nên anh không thể biết chị ngủ hay thức.
Giống như kẻ tội đồ chờ lời phán quyết anh cứ giỏng đôi tai, căng hết dây thần kinh chờ đợi một tiếng thở dài, một lời lẩm bẩm tự nguyền rủa số kiếp hay oán trách trời già hòng qua đó biết được sự toan tính của chị. Nhưng anh không đón nhận được bất cứ tín hiệu nhỏ nhặt nào. Người đàn bà nằm bên anh câm như thóc, hoặc nói cho đúng hơn im lặng, lạnh lùng như pho tượng một pho tượng thơm ngát mùi nước tẩy trần. Cuộc thám thính tuyệt vọng của anh kéo dài tới tận lúc đài hàng xóm báo giờ tập thể dục, tiếng những người lên rú hái củi gọi nhau ơi ới ngoài đường thôn anh mới ngủ thiếp đi. Lúc Bôn trở dậy, nắng đã ngang mày, ít nhất cũng chín giờ hoặc chín rưỡi. Nhà vắng lặng. Anh bổ ra vườn, không thấy Miên nhổ cỏ hay cào lá khô. Ra ngõ cũng chẳng thấy bóng dáng chị. Máu Bôn dường như đông cứng trong huyết quản.
Cô ấy đã quay về với người đàn ông kia, không một lời đôi hồi không cáo biệt...
Anh không kịp suy nghĩ gì thêm, cũng không kịp khóa cửa buồng cứ thế xăm xăm ngược lên con đường chính. Con đường ấy dẫn đến nhà dì Huyên và sau đó là nhà cũ của Miên. Anh không biết anh sẽ làm gì nếu gặp chị hoặc nếu không gặp chị, anh chỉ biết mình phải đi tìm người đàn bà đó, bất cứ ở đâu, dù lội xuống địa ngục:
Hoặc cô ấy phải quay về, hoặc chúng ta cùng đi tàu suốt...
Bất đồ, Miên đứng trước mặt anh như cây cột:
- Anh Bôn... Anh Bôn...
Chị gọi. Và anh thất thần khi nhìn thấy chị đứng sững cặp mày nhíu lại một cách giận dữ:
- Anh đi đâu vậy?
Bôn đớ ra, bối rối. Nhìn mắt chị anh hiểu rằng chị đã đọc được tất thảy những ý nghĩ điên rồ, tăm tối của anh. Chị không hề sợ. Cứ nhìn những tia lửa giận dữ bắn ra từ cặp mắt long lanh của chị là rõ.
Chắc mặt ta thâm tím, mắt ta u ám và vầng trán ta hằn lên dấu ấn của kẻ sát nhân... Miên biết rõ. Cô ấy không hề sợ hãi...
Anh nghĩ. Và chính anh bắt đầu sợ. Anh đứng trước mặt chị co ro cúm rúm như thằng học trò không thuộc bài đứng trước ông thầy nghiêm khắc. Mồm anh lắp bắp không ra hơi:
- Tôi... tôi đi...
Miên nhắc lại, lần này nhỏ hơn nhưng các thanh âm bị cắt rời từng khúc. Anh có cảm giác mỗi chữ chị thốt khỏi miệng là một viên đá đập thẳng vào sống mũi anh, khiến anh choáng váng mặt mày, tê bại đầu óc:
- Anh đi tìm ai? Anh định gây sự với ai?
Anh lắp bắp, và bỗng nhiên chân tay anh run lên bần bật:
- Tôi đi... tôi đi tìm Miên... Tôi không thể ở nhà... một mình. Tôi...
Chị nhếch mép cười khẩy:
- Anh là đứa trẻ lên ba ngồi nhà một mình sợ ma bắt, đúng không?
Anh câm lặng, không tìm được lời nào chống trả. Và Miên nói tiếp:
- Anh đừng làm trò cười cho người trong làng ngoài xóm... Nếu anh nghĩ rằng em quay về sống với anh vì sợ kẻ liều thân là anh nhầm. Xưa nay em chỉ sợ bậc quân tử, không sợ bọn cố cùng... Chẳng cứ riêng em, người đời nói chung cũng vậy...
Nói tới đó, chị dừng lại vì người gánh dao kéo rong đi tới. Miên hạ giọng:
- Về thôi.
Chị đi trước, Bôn bước theo. Lúc ấy, anh mới thấy chị xách một con cá còn đang giẫy và mớ rau cải. Họ im lặng cho tới lúc vào tận gian buồng. Miên hỏi:
- Khi đi sao anh không khóa cửa.
Bôn không dám trả lời. Anh vừa sung sướng vì chị đã trở lại vương quốc của anh, vừa nhục nhã vì hiểu mình lố bịch. Người đàn bà cao giọng:
- Nếu hôm nay em không có tiền đi chợ, anh định ăn muối rang hay ra nhổ cỏ vườn lên luộc? Nhà người khác còn có thể bòn được nắm rau dền hay rau me đất nấu bát canh... Vườn nhà anh chắc chỉ hái được cỏ...
Bôn biết điều đó là sự thật. Trong vương quốc của anh không có cái gì có thể nuôi sống con người. Nó là cõi riêng của sự bần hàn. Anh hiểu sự bần hàn đi đôi cùng nhục nhã. Không chờ anh đáp lời Miên hỏi tiếp:
- Ngày hôm nay ăn hết con cá này, mớ rau này, ngày mai anh tính sao?
Và anh, bấn loạn lên bởi những câu hỏi của chị, không thể ghìm nén cơn run rẩy sâu xa trong tâm hồn:
Phải, ta biết tính sao đây? Món tiền định vay còn nằm trong túi. Con gà nhép cô Soan cho đã ăn hết hôm qua. Nếu Miên không có tiền chợ hôm nay chắc ta ra hái cỏ...
Một nỗi chua chát không sao ghìm nén được bỗng cuộn trào. Cơn run rẩy của thân xác hòa nhập với cơn run rẩy trong tâm hồn và anh không ghìm được. Anh khóc. Nước mắt anh lặng lẽ tuôn tràn, tay chân không ngừng run... Ðừng khóc, không được khóc... Khóc là nhục, rên là hèn, van yếu đuối... Ta đã từng đọc bài thơ đó bao nhiêu lượt với Bình kều...
Nhưng nước mắt cứ ràn rụa chảy, không sao cầm giữ nổi, tựa hồ nó đã tích lũy từ tuổi thơ côi cút của anh cho tới lúc này, và bởi quá đầy, chỉ cần một cớ nhỏ để xối xả tuôn ra cho vơi nhẹ. Và cùng với nước mắt, một giọng thì thào cay đắng bên tai:
Cứ khóc đi, còn danh giá nỗi gì mà gìn giữ? Ta nhục thật, ta hèn thật và ta chẳng còn lý do gì để sĩ diện với ai...
Anh đã khóc rất lâu, rất lâu, không biết Miên ra khỏi buồng lúc nào. Khi đã hết cơn hờn tủi, anh tự thấy mình lố bịch. Anh ra giếng rửa mặt rồi xuống bếp. Miên đang nấu cơm trong đó. Anh tới, ngồi sau lưng chị, luồn những cành củi nhỏ lẫn trong đám lá khô cho chị và nói:
- Tôi xin lỗi Miên... Tôi cũng không muốn sự thể như thế này...
Nhưng Miên đã thương tôi, xin thương cho trót... Tôi xin thề từ nay về sau không dám nghĩ điều xằng bậy, không dám làm những việc điên rồ. Và chị buồn rầu nhìn ngọn lửa, đáp:
- Người đàn ông chẳng nên sẵn lời thề thốt... Nhưng tình cảnh đã bấn bíu như thế này, anh phải tỉnh trí mà sống. Ði ra đi vào phải biết khóa cửa... Có mấy đồng bạc trong hòm mà mất, chắc ra vườn hái cỏ về ăn...
Lát sau Miên bưng mâm cơm lên, không ai nhìn ai. Bôn hiểu rằng anh đã bó giáo quy hàng, và cuộc sống dây leo sẽ đặt anh vào một tình thế khác.
Từ đó tới nay đã bao nhiêu ngày qua nhưng Bôn vẫn không quên cảm giác buốt rát trên mặt lẫn trong tâm hồn anh vào lúc anh nói với Miên những lời lẽ ấy. Dường như ngọn lửa bếp không đun nồi cơm chị đang nấu mà thiêu đốt con tim anh, da thịt anh.
Gian bếp lụp xụp khói mù. Từ bên kia chuồng lợn, hai con lợn còi nhà Tá kêu hộc lên đòi ăn. Mùi phân chuồng lẫn phân người bốc sang cùng tiếng lợn kêu. Miên không nói gì, chị vẫn đẩy que cời lửa liên tục giữa đám cỏ khô cho bớt khói. Nhưng anh cảm thấy chị cũng đang phải cố gắng ghìm nén một điều gì đó, và chị cũng khốn khổ không kém gì anh...
- Nín đi... Và không được xuống sân nữa...
Miên bôi dầu cù là cho đứa con của Tá xong, đặt nó ngồi lên tấm ván đầu hè. Chị cầm hộp dầu quay vào buồng. Không hiểu sao lúc chị đi ngang qua anh lại đứng dẹp sang một bên nhường đường cho chị và ngước mắt nhìn vơ vẩn lên những ngọn soan ngoài vườn làm như anh đang theo đuổi một ý nghĩ nào xa xôi lắm. Người đàn bà lẳng lặng lấy rá đong gạo nấu cơm. Ngay lúc ấy, đứa con trai lớn nhất của Tá vác rá sang:
- Mự cho tui vay vài lon gạo.
Nó nói cụt lủn, giọng lấc cấc. Chưa đầy sáu tuổi mà mặt đã cằn cỗi như đứa bé mười hai mười ba. Nó đứng ngay cửa buồng, cặp mắt láo liên sục sạo. Thấy Miên không đáp, nó cao giọng nhắc lại:
- Nhà tui hết gạo, mạ tui bảo mự cho vay mấy lon...
Bôn nóng bừng mặt. Miên vẫn không nói gì nhưng sau đó vài giây chị cúi xuống chum xúc thêm gạo để xẻ cho thằng bé. Ðược gạo rồi, nó cắp rá quay ngoắt đi không nói một lời, dường như quyền vay gạo nghiễm nhiên thuộc về nó còn đong gạo cho vay là bổn phận của bà mự giàu có kia. Từ ngày Miên về đây, gần như thành lệ, hai ba ngày một lượt đứa con trai Tá vác rá sang "vay gạo," thứ vay mà cả người đi vay lẫn người cho vay đều hiểu không có ngày trả. Ngay bữa cơm thứ ba của vợ chồng Bôn, Tá đã xui lũ con vác bát sang:
- Cho tui khúc cá, mự...
- Cho tui miếng thịt heo, miếng kia nờ...
- Răng nó hai khúc cá, tui có một? Cho tui cái đầu cá kia để tui san cho mạ tui một miếng...
Lần nào đó, Tá đứng sau lưng lũ con há miệng hông hốc cười:
- Mự giàu thế, không san sẻ cho chị cho em, để làm chi?
Miên không đáp. Không bao giờ chị hé răng nói nửa lời. Giá như chị phàn nàn, cãi cọ mắng chửi anh vì chuyện đó, hoặc giá chị thẳng thừng từ chối hết thảy những xin xỏ, vay mượn vô liêm sỉ của mẹ con Tá anh còn đỡ khổ... Nhưng chị im lặng, như đá, như cây, như chị với anh không cùng loài giống không chung tiếng nói.
Và anh biết những người ruột thịt của anh nhân thêm nỗi thống khổ anh phải chịu, nhân thêm gánh nặng nhục nhã anh phải gánh:
Mẹ cha ơi, sao lại đẻ ra một loại người vô sỉ như thế, sao đày đọa con đến nhường này? Chẳng có họ, con cũng đã quá nhục quá ê chề rồi...
Một ngày, rình lúc Miên đi vắng và mấy mẹ con Tá ở nhà, Bôn bước sang:
- Mấy người phải biết nhục chớ? Tôi đã chẳng có tiền bạc, sống trên lưng người ta, mấy người còn bám vào tôi làm gì?
Tá thản nhiên đáp:
- Cậu là em ruột tui, cậu lấy được vợ giàu nhất vùng, tui không bám vào cậu hóa tui ngu hơn bò ư?
Bôn nhìn người đàn bà ngồi trước mặt anh, người chung cội rễ chung tuổi thơ cùng san sẻ quãng đời sung sướng nhất, thấy một nỗi nhục sâu đậm thấm đến tận đáy tâm hồn. Phải, chị ruột của anh là thứ sản vật dơ dáy của ông Trời, ở lưng chừng giữa loài người với cỏ cây muông thú. Nhưng cho dù anh có băm nát chị ta ra hay oán hận những người đã chết, anh cũng không đảo ngược nổi tình thế: Ðó là chị ruột của anh, người gần gũi nhất với anh về huyết mạch. Ðiều đó giống dấu ấn bằng sắt nung đóng trên mặt nô lệ hoặc tù binh thời mông muội. Anh không còn cách nào hơn là to tiếng sỉ nhục Tá:
- Chị là đồ khốn. Từ rày còn cho lũ con vác rá sang bên tôi, tôi đuổi...
Nói xong, anh ân hận vì quá nhẫn tâm. Không ngờ, Tá vếch mặt lên:
- Tui thách cậu sập được cánh cửa, thách cậu không mở chum gạo nhà cậu cho tui vay...
Bôn không nói được gì thêm. Anh chịu thua. Cuộc "vay gạo" theo lệ thường của Tá tiếp diễn. Mỗi lần thằng cháu cấc lấc đứng chìa rá trước cửa, mặt Bôn lại nóng dừ lên. Và lần nào anh cũng không mở miệng nổi để mắng chửi hoặc đuổi đứa trẻ, cũng không mở miệng nổi để xin Miên lượng thứ... Cuộc sống của anh đã đầy rẫy những cầu xin rồi. Anh không thể lặp nó từng ngày như một gã ăn mày chuyên nghiệp:
Ta là một thằng ăn mày nghiệp dư nên chưa thể nào thành đạt. Có lẽ phải tìm cách chuyên nghiệp hóa nghề này...
Anh tự nhủ, mắt vẫn không rời những ngọn soan... Những cây soan già cằn già lụi kia đã từng có lúc non tươi, xanh rờn lá. Lúc ấy, chàng Bình kều và Bôn đã ôm vai nhau đọc thơ:
Khóc là nhục, rên là hèn, van yếu đuối
Và dại khờ là những kẻ lặng câm...
Chính anh đã tập cho Bình ngâm thơ những đêm liên hoan văn nghệ. Giọng cậu ta thật ấm. Anh thổi sáo hoặc gảy đàn bàu. Cây sáo và cây đàn bầu đã mất bởi sau khi anh đi lính, Miên trở về ngay nhà dì Huyên. Không ai giữ cho anh các kỷ vật:
Nếu cô ấy thật sự yêu ta như cô Soan yêu Xá chột, hẳn đã mang theo cây sáo với cây đàn...
Ý nghĩ ấy vụt đến nhưng Bôn xua đuổi đi ngay bởi anh biết nếu còn nghĩ tiếp, máu trong huyết quản anh sẽ tự khô kiệt và anh chỉ còn là một thây ma di động giữa cõi người:
Ta luôn vơ lấy những điều cắc cớ... Có lẽ vì ta vô công rỗi nghề... Có lẽ ta cần tự vỡ đất làm nương trước khi thuê thợ... Và chắc hẳn Bình kều sẽ...
Anh dừng lại vì biết anh bắt đầu tự dối gạt mình... Cái phao cuối cùng để anh bấu víu trên mặt biển đã mất. Bình cũng là kẻ chìm tàu. Dù anh có đọc lại một ngàn lần bài thơ cũ, dù anh có rảy nước phép cho những cây soan già kia trở lại non tơ, anh cũng chẳng thể vãn hồi tuổi trẻ.
Khóc là nhục, rên hèn, van yếu đuối...
Bất giác anh bật thành lời. Ðứa con nhỏ của Tá ngồi trên tấm ván đầu hè ngoảnh cổ nhìn anh:
- Cậu Bôn hát à?
Anh vội vã lắc đầu:
- Không, không... Mày hát cho cậu nghe đi...
Con bé nói:
- Tui... Tui hát xong cậu cho cái kẹo...
Bôn bảo:
- Ðược.
Con bé bắt đầu ê a hát. Bài hát lũ trẻ mẫu giáo Xóm Núi thường hát. Hẳn trong lúc lê la chơi ngoài đường nó học lỏm được. Anh vào buồng tìm trong chiếc làn đựng đồ vặt của Miên mấy chiếc kẹo đưa cho đứa cháu, vừa lúc chị bưng mâm cơm lên. Họ ăn cơm. Như thường lệ, bữa cơm im lặng. Có lẽ bữa ăn của các dòng tu khắc khổ cũng chỉ im lặng như thế. Xong bữa, Miên định đứng lên, anh giơ tay giữ vạt áo chị lại:
- Miên hãy ngồi xuống... Tôi có chuyện muốn nói...
Chị ngồi xuống, mắt chị nhìn anh... Cái nhìn lơ đãng. Tâm trí chị đang rong chơi đâu đó, nơi xa lắc xa lơ, ngoài không gian họ đang sống, chẳng dính líu gì tới gian buồng lợp lá này:
Miên ơi, sao em không nhìn tôi lấy một lần? Xưa kia, ta đã từng nhìn nhau, mắt soi trong mắt. Em hãy nhớ xem dưới gốc phượng già năm ấy, ta hôn nhau lâu đến nhường nào. Tôi vẫn nhớ rõ vết bầm xung quanh cổ em, những vết sau ót dưới chân tóc...
Anh nghe con tim mình rên rỉ.
Nhưng Miên không nghe thấy tiếng rên rỉ ấy và chị vẫn theo đuổi cuộc rong ruổi của riêng mình. Bôn nghiến răng một cách vụng lén và anh cúi mặt xuống e ngại Miên nhận biết những ý nghĩ đang vụt qua óc não:
Cô độc ác lắm, giờ đây cô đã hoàn toàn quên tôi và chỉ còn tơ tưởng đến...
Anh thấy cơn ghen tuông điên giận đang quanh quất đâu đây đợi phút nhảy xổ vào. Nhưng rồi tự ghìm giữ được anh đuổi con ác thú đó đi. Một giọng đểu giả cợt nhạo vang lên:
Ðừng quên thân phận mày. Tài không, tiền không, lại cộng thêm chứng thối mồm... Xá nói đúng, bằng bất cứ giá nào cũng phải chữa cho được căn bệnh khốn kiếp ấy... Nhưng ai trả tiền chữa bệnh cho mày đây? Nếu không phải người đàn bà ngồi kia... Hãy biết thân, kẻ hèn không được quyền thịnh nộ...
Anh nuốt nước bọt, nói:
- Miên này...
Những lời nói ngẫm nghĩ trên đường từ nhà Xá chột trở về bỗng bay biến, lưỡi anh như co rút lại. Tai anh ù ù kêu, mặt anh lúc nóng lúc lạnh cứ như ai liên tục quạt hai thứ gió vào. Anh đã ậm ừ, lúng túng rất lâu. Lâu lâu đến nỗi Miên sốt ruột, trái với thói quen kiên nhẫn của chị. Chị hỏi:
- Có chuyện gì vậy, anh cứ nói ra...
Lúc đó, anh mới bật được lời:
- Tôi cần phải xuống thành phố chữa bệnh. Miệng tôi mấy năm nay bỗng dưng sinh nặng mùi... Xá hứa ngày mai đưa tôi đi khám. Nghe nói anh ta có người bác họ bốc thuốc...
Anh nói mà không dám nhìn vào mắt chị. Nhưng anh biết chị vừa nghe vừa chẳng nghe gì hết. Chờ anh nói xong, chị hỏi:
- Anh cần tiền?
Anh thu hết can đảm gật đầu:
- Phải, tiền thuốc... Cậu bạn hứa cho tôi vay tiền đã vào Ðà Nẵng thăm người anh cả. Khi nào cậu ấy quay ra tôi sẽ đưa lại cho Miên.
Dứt câu, người anh tái dại:
Ta đã nói dối lần thứ hai... Và ta sẽ phải tái diễn... Rồi sẽ đi đến đâu?
Anh hình dung chị đang cười khẩy, hoặc chị cố nén sự khinh bỉ trong lòng, mím chặt đôi môi. Anh cũng thấy lớp da trên mặt anh dày hẳn lên, như da trâu, da ngựa, da voi, da tê giác hoặc loài thú rừng nào đấy...
- Anh cần bao nhiêu?
- Tôi... Tôi không rõ lắm... Có lẽ cũng không nhiều... Chỉ là tiền thuốc, cả thuốc tây và thuốc Bắc, Xá chột nói rằng cần uống cả hai thứ...
Chị mở túi áo, lấy tiền đưa cho anh. Bôn cầm tiền, đút vào túi vội vã như kẻ ăn cắp lần đầu nhét tang vật vào xó kín để không ai nhìn thấy và chính y cũng không nhìn thấy. Sau đó, anh mới dám đưa mắt nhìn chị. Ðôi mắt đẹp của chị vẫn phóng thẳng vào khoảng trời riêng, tồn tại ngay giữa bốn bức tường xù xì không tô trát này, trong gian buồng chật hẹp nghèo nàn này, nhưng là cõi xa lạ với anh chẳng dính líu gì đến anh, chẳng dính líu đến cái không gian anh đã gắng tu tạo điểm tô để vãn hồi tình yêu cũ. Anh đưa mắt nhìn những bông hoa riềng đỏ thắm cắm lẫn mấy nhành thạch thảo, mấy màu sắc của chúng thừa thãi và vô dụng... như anh... như kẻ đã dụng công sửa sang tỉa lá ngắt cành và cắm chúng vào bình. Phải, chị không hề để ý tới anh, đến căn bệnh của anh, đến những khổ tâm anh phải chịu... Không như những người đàn bà keo kiệt khác mỗi lần rút một đồng xu khỏi túi phải căn dặn chồng con, phải toan tính cả trăm lần, chị đưa tiền cho anh một cách hào phóng bao dung nhưng đó chẳng phải món tiền vợ đưa cho chồng, ấy là thứ tiền ban cho kẻ tàn tật, phế nhân vào lúc người ta có nhu cầu làm từ thiện... Anh nhìn lần nữa vào đôi mắt trong veo của chị, thấy trong chất nước thủy tinh kia giá buốt mùa đông. Nỗi đau và nhục kéo lưng anh gù xuống. Không chỉ mái đầu mà đôi vai anh cũng hạ xuống theo. Tựa hồ ruột trong bụng anh đang bị cơn đau hiểm nghèo co rút, nếu anh ngồi thẳng lưng lên chúng sẽ đứt ra hàng trăm khúc rã rời. Anh cứ ngồi như thế rất lâu, móng tay bấm xuống thành giường thành vết lõm. Vào khoảnh khắc tận cùng cơn đau, một tiếng thét vụt lên. Không chỉ là tiếng thét mà là sấm sét, giông bão. Những ý nghĩ sáng lòa như chớp, nổ ầm ầm như bửa đầu anh thành muôn mảnh:
Tôi là phế nhân. Giờ đây tôi chỉ là phế nhân. Tôi phải ngửa tay cầm những đồng tiền của lòng thương hại... Nhưng với những đồng tiền của cô tôi sẽ hồi phục, sẽ trở thành kẻ có khả năng tình dục vô biên như người chị nghèo hèn của tôi, có thể gieo hạt giống một lần cho hàng chục hàng trăm người đàn bà. Tôi sẽ bắt cô đẻ cho tôi một lũ đống con. Chúng là xiềng xích trói chân cô lại. Cô sẽ mãi mãi là người đàn bà của tôi, mệt mỏi và tàn tạ đi, chẳng còn trơn lông đỏ da chẳng còn kiêu hãnh được với đời... Rồi ngày nào đó cô sẽ phải còng lưng xuống vì đau khổ như tôi hôm nay, giây phút này. Cô sẽ phải ngước mắt lên van nài cầu khẩn tôi ngồi lại với cô vì những người đàn bà trẻ hơn, xinh đẹp hơn đang chờ tôi đến... Phải, sẽ tới ngày hôm đó...
Anh thấy con tim bớt đau. Người nhẹ dần.
Anh ấn bàn tay xuống thành giường nâng đôi vai và ngồi thẳng lưng dậy:
Phải, sẽ đến ngày ấy... Tôi chờ cái khoảnh khắc cô phải nhìn tôi với ánh mắt đắm say, vâng phục mười bốn năm xưa...
Anh nhìn chị, mỉm cười đắc ý. Nhưng chị chẳng biết đến nụ cười đầy hàm ý lẫn cơn giông bão vừa nổ ra trong đầu anh. Chị đứng dậy bê mâm ra giếng...
Hôm sau, Xá cưỡi chiếc Ja-ma-ha cũ tới đón Bôn lúc tinh mơ và đèo anh xuống thành phố. Gã bạn ấu thơ thường gãi đầu gãi tai nhờ anh gà bài hộ giờ biến thành thần hộ mạng lẫn kẻ bảo trợ cho anh. Ðưa Bôn tới cổng viện, Xá giơ tay nhìn đồng hồ, giao hẹn:
- Tôi rẽ qua chợ mua ít đồ. Mười một giờ kém mười lăm sẽ quay lại. Tôi chờ cậu trước quán cơm Thiên Nga.
Ðoạn Xá giơ tay chỉ quán cơm bên kia đường, trưng tấm bảng kẻ hàng chữ đỏ choét: Thiên Nga - Kính chào quý khách.
- Cậu phải nhớ kỹ quán Thiên Nga, kẻo lại lạc nhau. Người ở chỗ này lúc nào cũng nhung nhúc như cá nhốt trong ang vậy.
Nói rồi chàng cựu chiến binh trèo lên con chiến mã già, nổ máy ầm ầm tuôn luồng khói đen mịt mù nơi ống xả. Con chiến mã khạc nhổ ầm ĩ một hồi mới lao đi, Xá biến vào đám đông. Bôn đưa mắt nhìn lần nữa tấm biển kẻ chữ Thiên Nga bên kia đường. Thật khó phân biệt vì dãy phố dài có tới ba bốn chục quán cơm, quán nọ kề quán kia. Quán nào cũng trưng tấn biển sơn lòe loẹt. Quán nào cũng ám khói cũng có một bếp than cháy rừng rực bên phải và tủ kính lớn bày đồ ăn bên trái. Anh đưa mắt lướt qua dãy biển: Bạch Tuyết, Thanh Lan, Thanh Nga, Hồng Vân, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Cẩm Thúy...
Ðến những tấm biển cũng khó phân biệt, chúng gần như cùng kích cỡ và trang trí cùng kiểu, biển nào cũng vẽ năm bảy đĩa thức ăn khói bốc nghi ngút như khói tàu... Sau rốt, Bôn nhìn kỹ lần nữa quán Thiên Nga, thấy bà chủ quán đang bốc thức ăn sau tủ kính, mặc may-ô đàn ông màu đen, cỡ trên dưới ba mươi nhưng đã nặng ước tám chục kí, thịt cổ thịt vai dâng ngồn ngộn. Anh yên tâm có thể tìm được quán cơm Xá hẹn, với ngoại hình bà chủ. Sau đó, anh kiếm lại chứng minh thư, giấy giới thiệu của ủy ban xã và món tiền Miên đưa hôm qua. Nó gần gấp năm lần số tiền anh nhận ngày xuất ngũ:
Ðây là những đồng tiền của người đàn ông ấy...
Anh nghĩ nhưng lập tức dập tắt ngay ý nghĩ đó bằng cách xăm xăm đi tới phòng khám bệnh. Ở đấy, đã có hàng đống người chờ đợi. Người ta bảo anh xếp giấy giới thiệu trước một khuôn cửa hình tổ tò vò. Và sau đó, anh kiếm chỗ ngồi chờ.
Ba tiếng sau mới tới lượt anh. Cuộc khám nghiệm diễn ra rất chóng vánh. Anh có cảm tưởng rằng người bác sĩ không muốn chịu đựng sự đối diện với anh mặc kệ lương tâm nghề nghiệp lẫn chiếc khẩu trang may đúp hai lần đeo nơi miệng. Ông kê cho Bôn cái đơn dài, nói rằng chứng bệnh của anh không nguy hiểm nhưng phải kiên trì và chịu tốn kém mới có thể chữa trị, bởi các cơ chằng có chức năng đóng mở van thực quản của anh đã mất sức đàn hồi không còn khép mở được chặt và nhạy như những người khỏe mạnh. Vì thế, trước hết anh phải nâng thể lực toàn thân, theo một chương trình luyện tập lâu dài khó nhọc, kết hợp với việc uống thuốc đều đặn và kiểm tra kết quả đều đặn trong vòng từ một đến hai năm mới có cơ suy giảm...
Bôn cầm lá đơn, mồ hôi vả đầy lưng: Một căn bệnh hoàn toàn không nguy hiểm nhưng tốn gấp năm lần ca đại phẫu thuật hoặc điều trị bệnh lao thời kỳ cuối... Anh chẳng kịp chào bác sĩ, ra luôn.
Căn phòng tròng trành, cả những dãy ghế dài còn ít người chờ cũng tròng trành theo. Bôn ra thẳng khuôn viên bệnh viện. Ðứng ở đó một hồi anh mới trấn tĩnh được và quay lại phòng bán thuốc. Mua thuốc xong đã thấy Xá đứng chờ ngay cổng bệnh viện, chiếc Ja-ma-ha đen trũi sau lưng:
- Tôi đứng ở quán cơm mười lăm phút mới sang đây... Thế nào?
- Phải chờ ba tiếng mới tới lượt... Ðông quá thể.
- Họ bảo sao?
- Họ bảo bệnh không nguy hiểm nhưng muốn chữa phải tốn rất nhiều tiền và rất nhiều thời gian.
- Cái chính là tiền. Thời gian có vô thiên lủng... Lính quèn về làng chứ vương tướng gì mà thiếu thời gian.
- Tôi sợ khó theo nổi...
- Ai đưa tiền cho cậu... Già Ðọt à?
- Không, già tôi chẳng có tiền... ấy là Miên...
- Vợ cậu cũng chẳng kiếm nổi tiền... Tiền ấy tay Hoan đưa... Cảnh này về lâu về dài không ổn...
Xá thở dài đánh hực rồi thượt mặt ra nghĩ ngợi. Lúc sau, anh ta chép miệng:
- Nhưng thôi, kệ mẹ sự đời, đi kiếm vài bát cơm dằn bụng đã, dạ dày tôi sủi bong bóng từ lúc nãy...
Hai người vào quán Thiên Nga, Xá gọi hai chai bia nhỏ, một đĩa thịt lợn luộc chấm mắm chua, một đĩa rau cải trắng xào thịt bò và hai con cá khô nướng:
- Tôi trả tiền... Ðứng lo. Nào, uống đi đã. Mọi chuyện sẽ tính sau.
Cô chủ quán bưng tới đĩa dưa chua:
- Món này quán đãi khách không tính tiền.
Cô đặt dĩa dưa xuống bàn, không quên cong ngón tay út trên bàn tay béo mập và bóng loáng mỡ lên làm điệu. Xá đưa mắt liếc dãy nhẫn to xù, toàn vàng gộc đeo kín các ngón tay cô, cười:
- Cảm ơn bà chủ, cảm ơn người đẹp nhá... Ðĩa dưa hôm nay ngon hơn mọi hôm đấy...
Chủ quán cười, hai chiếc bình tích rung lên bần bật. Khi cô ta trở lại quầy thức ăn, Xá ghé tai Bôn nói nhỏ:
- Cho không đĩa dưa năm xu lại tính chai bia đắt hơn một hào. Dân thành phố chẳng đứa nào tử tế. Cậu đã nhìn tay mụ béo chưa?
Mỗi cái khoong ấy mua được năm tạ thóc đấy. Ðám dân quê mình cầy ruộng hay lên rú đốt than cũng phải rạc cẳng, quắt cả hai hột cà mới được tạ thóc. Ở đây kiếm đồng tiền ngon ơ... Phi thương bất phú mà... Tôi không có nghề mộc với nghề sơn tràng, ắt cũng đói rã họng...
Nói rồi, anh cầm cốc bia:
- Nào, uống đi không tan hết đá.
Họ ăn xong, Xá đứng lên trả tiền rồi quay lại bảo anh:
- Giờ tôi đèo cậu đến hiệu thuốc Bắc. Nhà ông bác bên họ mẹ tôi... Họ bắn súng ca-nông mới tới... Nhưng dẫu sao cũng còn hơn người dưng.
Anh lại ngoan ngoãn ngồi sau lưng bạn, thắc thỏm chờ một cơ may một phép thần, một bậc thánh y tái thế có thể chữa cho anh canh bệnh hổ thẹn này. Ở nhà ông bác Xá, người ta bảo anh vượng cơn hỏa trong tỳ, trong vị, và họ bốc cho anh mười thang thuốc nhằm hạ cơn hỏa đang cấp táo để hơi thở anh bớt mùi nồng nặc.
Trả tiền thuốc xong, anh vẫn còn khá tiền, nhưng anh cất kỹ vào túi áo, cài khuy cẩn thận. Anh cần tiền, cần rất nhiều tiền... và không có cách kiếm tiền nào khác là ngửa tay trước Miên. Mỗi lần người đàn ông ngửa tay ra với vợ, là một lần tụt sâu xuống nấc thang đi vào địa ngục, anh đã có kinh nghiệm về điều đó.
Thời xưa, cái thời xa lắc xa lơ, có những người đàn bà cả đời nuôi chồng đi học, mong ngày đức lang quân vinh quy bái tổ. Nhưng trong đám một vạn bà đồ nuôi chồng đèn sách, chỉ vài ba người được hưởng cảnh: Võng anh đi trước, võng nàng theo sau...
Còn đa số phải an phận lèo lái con thuyền gia đình để người chồng trở thành một thi sĩ tại gia suốt ngày ngâm ngợi thơ phú, trà thuốc với đám bạn chữ nghĩa và đôi khi cao hứng mài mực, múa bút viết bài thơ nịnh vợ...
Khi Bôn lớn lên, cảnh tượng ấy không còn, nó chỉ còn trong hồi ức xa xôi của các ông già bà lão. Thời của anh, đàn ông là kẻ đứng mũi chịu sào, là người lo toan nền tài chính trong mỗi gia đình. Hình ảnh ông đồ ngồi múa bút vịnh trăng chỉ là một ảo ảnh mong manh và xa mờ, gần như mộng mị. Bây giờ, đôi khi anh thèm quay lại thời xưa cũ, thèm thân phận những ông đồ hay chữ, cả đời sống trong sung sướng an nhiên mà không cần kiếm ra đồng tiền cắc bạc...
Thời đi học, Bôn đã từng là niềm hy vọng của bao nhiêu ông thầy. Và nếu có một thời đèn sách cũ, biết đâu chẳng có lúc anh đưa người đàn bà anh yêu vào giấc mơ: Võng anh đi trước, võng nàng theo sau?
Nhưng những cơn mơ thức, những giấc mộng giữa ban ngày như thế giống như những sợi tơ trời, êm nhẹ thoáng quệt vào má, vương trên mặt ta trong vài giây, bồng bềnh như gợn mây ấy, anh càng nhận biết rõ hơn thân phận chính anh: Anh không phải kẻ lèo lái con thuyền gia đình, cũng chẳng là người chung lưng đấu cật với Miên để lo toan cuộc sống. Anh là bóng ma dĩ vãng, ăn lộc thừa dĩ vãng, cuộc sống chung của anh với Miên giờ đây là sự ghép đôi một thân thể hừng hực sinh lực của cuộc đời hiện tại với thây ma nhợt nhạt từ cánh rừng duy nhất để duy trì cuộc chung sống này bắt buộc anh trở thành một gã đàn ông hùng mạnh, đầy năng lực giao phối để cấy hạt giống vào thân thể nõn nà quyến rũ của Miên, bắt chị buôn chung với anh chuyến hàng tương lai. Ngày xưa, Phật dạy:
Con cái là những sợi xích bằng vàng...
Anh biết điều đó tuyệt đối đúng. Anh phải có con bằng mọi giá, để trói buộc người đàn bà anh yêu mê bằng những sợi xích vàng...
Người bảo trợ của anh có óc thiết thực. Không chỉ một lần mà đã ba lần Xá bảo anh:
- Trước hết, phải trị được chứng thối mồm. Ðéo con đàn bà nào chịu được thứ mùi ấy, cho dù cậu là vua buồi vàng dái bạc cặc lưu ly... Nhưng bây giờ cậu cũng phải trị luôn chứng thiếu năng đực. Chứng đó cũng tốn tiền của và thời gian chứ chẳng chơi. Giờ thì đừng tính chuyện làm nương với vườn cho rách việc. Túm được đồng nào nhét thật chặt vào túi mà lo chữa bệnh bởi tôi biết, tiền Miên đưa cho cậu cũng chẳng phải thực sự tay cô ấy làm ra. Chính anh chồng kia đưa cho cô ta. Phải thừa nhận tay ấy đáng mặt đàn ông, nếu Miên có nặng tình với anh ta cũng là lẽ thường. Như thế, Trời đã cho cậu ăn lộc người dưng, chẳng phải ai ai cũng vớ được món bở như vậy. Tiền của ai rơi vào túi Miên cũng thành tiền của cô ấy. Cô ấy hiện tình là vợ cậu. Vậy cậu có thể tận dụng cơ may này để sống và chữa bệnh... Có sức khỏe trước hết đã, mới tính được mọi việc khác sau... Kể như thế cũng mặt dày thật. Nhưng biết làm sao? Túng thì phải tính... Chẳng ai muốn trở thành thứ mặt dày, nhưng đôi khi người ta cũng phải mặt dày để sống...
Những lời lẽ sống sượng ấy đó tạt vào mặt anh một thứ cường toan. Nhưng khi anh nghe lần thứ hai, rồi lần thứ ba, chất cường toan kia không còn làm anh cháy bỏng mặt mày. Anh hiểu con người có thể làm quen với mọi thứ. Chấp nhận sự thật, anh làm đúng những điều Xá chột khuyên. Ngày ngày anh kiên trì sắc thuốc Bắc uống làm ba lần, mỗi lần một bát. Kèm theo các thứ thuốc Tây trước và sau bữa ăn.
Uống thuốc được ba hôm, anh tìm đến nhà cụ Phiều. Anh đã may mắn gặp được một người tốt bụng bẩm sinh, một kẻ lạc quan bẩm sinh thứ quái nhân hiếm hoi trên cõi đời. Lão già đa tình bảy mươi đó vẫn hăm hở nói đủ thứ chuyện tiếu lâm, vẫn hấp háy cười khi chỉ cho anh cảnh con dê đực đầu đàn của lão đứng ở cửa chuồng ban mai, chờ các con cái qua cửa, lần lượt nhảy lên lưng từng con hệt như cỗ máy giao phối.
- Thế nào? Ðã phát thèm chưa anh lính?
Ông lão hỏi Bôn rồi cất tiếng cười sằng sặc. Bôn kinh ngạc. Anh không hình dung một người ở tuổi bảy mươi lại có tiếng cười khiêu khích như vậy. Hồi anh còn ở làng, ông Phiều mới ngoài năm mươi và ở lứa tuổi đó tính cách như ông không phải là một thứ trò lạ mắt khiến dân chúng phải tò mò...
Nhưng mười bốn năm qua, những người đồng lứa với ông đã trở về già, thôi ham hố chuyện trăng hoa, thôi dòm ngó đàn bà với con mắt dục tình, đã thích bó gối ngồi ở nhà trông cháu, hoặc lơ mơ nhìn mưa nắng ngoài sân kể chuyện ngày xửa ngày xưa...
Chỉ riêng ông vẫn còn ở lại tuổi năm mươi cũ, vẫn không chịu rời bỏ thời chín dục của giống đàn ông, thời mà các kinh nghiệm làm tình trở thành một thứ thuốc phiện kích thích ái ân và khao khát sống như than cháy hết cường độ trong lò tỏa ánh sáng mê cuồng trước khi tắt lụi.
- Sao nom sướng mắt hả?
Ông cụ cất tiếng hỏi Bôn lần nữa, mấy ngón tay đưa lên vê món râu cằm. Trông ông cũng từa tựa con dê đầu đàn, một con dê bá quyền và thông thái:
- Sao, anh thử phát biểu cảm tưởng của người chiến sĩ nhân dân trước cảnh tượng này? Loài vật nào nhảy cái cũng mệt mãi, cũng khốn khổ, cũng thở hồng hộc như sắp đứt ruột gan, cạn hơi cạn sức chỉ riêng loài dê nhảy cái như bỡn như chơi không mảy may mệt nhọc... Thế nên phải xếp nó vào hàng tổ phụ của các giống dâm đực, chủ tịch một nước có xứ tên là Xứ Dâm...
Dứt lời, ông lão tinh quái ra sân, ra lệnh cho thằng con mười ba tuổi lùa dê lên núi, bảo cô vợ pha trà xanh và lấy bánh mật mời Bôn. Người đàn bà chưa đầy bốn mươi tuổi nhưng trẻ hơn tuổi rất nhiều, cổ lẫn hai má đỏ hây hây, mông lẫn ngực núng na núng nính. Chị ta ngoan ngoãn đem bình trà ủ trong quả dừa khô và một đĩa bánh mật nóng rồi vác cuốc ra nương.
Cụ Phiều có tới ba nương tiêu, hai vườn cà phê rộng, vào hàng điền chủ giàu nhất mấy xã. Vợ con trong nhà ngót hai mươi người răm rắp làm việc dưới sự điều khiển của vị gia trưởng, và dù là cảnh vợ nọ con kia, chưa bao giờ xóm giềng nghe thấy một lời nói to dưới mái nhà này. Chờ vợ con đi hết, ông lão bắt đầu bài giáo huấn:
- Người đàn ông dâm chưa chắc đã mạnh dục tình. Cứ nhìn thằng dê cụ kia là rõ. Nó có kéo quần tốc váy sờ mông nắn vú giống cái như mấy thằng đàn ông dâm đãng đâu... nhưng nó vẫn là chúa tể giữa đám vật cường dục, hoạt động như có máy trời chạy bên trong. Muốn có thứ máy trời như nó phải bỏ công rèn dưỡng thân thể...
Tới đó ông lão dừng lại uống hết bát chè tươi nóng rồi bóc bánh ăn. Nhìn ông lão ăn uống, Bôn biết rằng khi uống trà ông đã uống cả vị thơm đồi núi, khi ăn bánh ông thưởng thức cả vị mật bốc lên từ những vườn mía và mùi nếp mới, thứ mùi hương anh tưởng nhớ suốt những năm dài chiến tranh...
Anh biết rõ như vậy, nhưng anh không cảm thấy hương vị của thứ nước anh uống, miếng bánh anh đang ăn. Chính anh, kẻ có chữ và biết tưởng tượng sự thụ hưởng đời sống trở thành vô năng trước cuộc đời thật sự. Anh lặng lẽ nhìn hai hàm răng đều tăm tắp, chắc như đá của lão già bảy mươi nhai bánh ngon lành, nhìn cách ông cụ uống một hơi cạn bát trà xanh nóng hổi, thèm thuồng và chua xót. Ăn uống xong, gương mặt ửng hồng của ông toát đầy mồ hôi, mồ hôi đọng từ chân tóc xuống tận cổ. Ông lão chờ mồ hôi ra hết mới rút tấm khăn bông phơi trên dây lau khô. Toàn bộ những cử chỉ đó toát ra từ sự tự tin và bình thản. Buông tấm khăn, ông nhìn Bôn:
- Sao ăn uống uể oải vậy? Người ta ăn cho tận một miếng bánh quê còn bổ ích hơn ăn bát cháo yến trong cung đình cách miễn cưỡng... Các anh chẳng hiểu gì về phép sống...
Phải, ta chẳng biết gì phép sống. Ðó là những kiến thức hoàn toàn khác biệt kinh nghiệm chiến tranh. Ta đã bắt đầu cuộc sống với tư cách người lính và giờ đây phần đời còn lại đòi hỏi ở ta những tư cách khác...
- Anh còn trẻ...
Ông lão vẫn tiếp tục:
- Anh còn sống nhiều... Sống mà không biết phép sống chẳng khác chi kẻ ngậm ngải tìm trầm mà không biết phân biệt đâu là cây quế đâu là những loài cây tầm thường khác... Thế nên người ta phải học... anh lính ạ...
- Dạ.
Bôn đáp.
- Tôi bảo anh rằng muốn sống cho lành mạnh phải biết rèn và dưỡng. Phải vừa rèn vừa dưỡng chứ không thể chú tâm đến một việc. Ðám nhà giàu dưới thành phố thường chỉ dưỡng thân mà không rèn. Trong nhà họ lúc nào cũng sẵn hàng chục bình rượu bổ: nào sâm nhung quế phụ nào hải mã, bìm bịp, nào Tam xà Ngũ xà... Họ hưởng đủ của ngon vật lạ nhưng đã mấy ai vượt nổi bậc tám mươi trong khi dân vùng núi trên dưới trăm tuổi mới chịu bỏ cõi ra đi là sự thường tình. Có chuyện ấy bởi họ chỉ dưỡng không rèn, uống rượu bổ ăn đồ ngon ngủ với đàn bà nhưng không chịu lao động. Mồ hôi không thoát ra được nên máu huyết khó thông, cơ bắp không va đập ắt phải sớm chảy nhão... Anh thấy đấy, tôi lấy đâu ra tiền mà bồi bổ được như họ? Không sâm nhung quế phụ không hải mã hải sâm, thứ bổ dưỡng duy nhất tôi dùng là thịt dê, huyết dê, sữa dê, tinh hoàn dê, cao dê... Toàn cây nhà lá vườn không tốn kém. Nhưng tôi hơn họ vì ngày nào tôi cũng đi vài bài thái cực quyền, rồi tôi lên nương hoặc rảy cỏ vườn trồng rau trồng đậu... Anh kém tôi bao nhiêu tuổi? Già non bốn chục, đúng không? Vậy mà anh chẳng thể theo chân bầy dê leo lên những ngọn núi bên kia thung lũng Hươu Ðen, tôi tin chắc như vậy. Kể cả lũ trai hai mươi hai mốt cũng nhiều đứa bỏ cuộc. Nhưng tôi, tôi có thể đi với bầy dê tới con vực cuối cùng... Ông cụ ngừng lời, rót nửa bát trà, uống cạn. Bôn nhìn hai hàm răng ông lão chắc kìn kịt như có thể nhai được cả gỗ, bật lên hỏi:
- Bác còn ăn được mía không?
Ông già nhướng mắt nhìn anh:
- Tôi á?
Cất tiếng hỏi lại Bôn rồi, ông tủm tỉm cười bỏ xuống nhà ngang nơi chất chồng đám mía nhổ chiều hôm trước đoạn trở lại với một cây mía vừa dài vừa to vật vã, tì lên gối bẻ làm đôi, đưa cho Bôn khúc trên còn phần mình khúc dưới. Và rồi không róc vỏ không chặt khúc, cầm nửa cây mía dài ngang ngửa một thước tây ông róc vỏ ăn cho tới đốt cuối cùng mới ném rễ ra sân:
- Không phải vì lấy vợ trẻ mà tôi thích khoe khoang nhưng nhiều khi thiên hạ hay đánh đố những trò ngớ ngẩn... Thôi, bây giờ ta nói đến việc của anh... Anh còn trẻ, còn thời gian cải thiện quãng đời trước mặt. Nhưng đừng quên rằng anh đã qua hơn mười năm chiến tranh, sống cuộc sống bất ổn và hoàn toàn khác biệt với cuộc sống quê nhà... Ở đây, tuy cũng có bom đạn nhưng vẫn làng xóm ấy, rừng núi ấy, khí trời ấy, rau cỏ cây cối ấy... Trong những năm xa nhà, có thể anh đã phải uống nước độc, ăn những thứ độc rồi lam sơn chướng khí ngấm vào. Giờ, tôi sẽ bày cho anh những bài tập và các thứ thuốc uống để thanh lọc cơ thể, đẩy khí độc thoát qua đường nước tiểu và mồ hôi. Sau, tôi sẽ cho anh các bài thuốc và những món ăn tráng dương bổ khí...
Từ hôm ấy, mỗi tuần anh đến nhà ông lão hai lần để thực hiện các bài tập nhằm củng cố cơ quan nội tạng, lọc máu, thanh tâm. Chương trình này kéo dài hơn một tháng. Bôn thấy người sảng khoái bớt những cơn choáng váng và nước tiểu trong hơn nhưng khả năng tình dục dường như không thay đổi. Anh nói cụ Phiều và ông già bảo:
- Không thể nóng vội như vậy được... Cổ nhân dạy rồi: Dục tốc bất đạt... Anh phải nghe tôi...
Nhưng ba tuần sau anh đã phải nhắc lại lời thỉnh cầu:
- Bác cho cháu bài thuốc tráng dương... Cháu cần phải có con, càng nhanh càng tốt.
Ông già lắc đầu nhưng cũng chiều ý anh, cho anh bài Dâm dương hoắc Nữ-trinh tử-tật lê tử ngâm rượu. Ông còn dạy anh cách uống rượu dê với những món ăn tương hợp, cách nấu lẩu tinh hoàn dê với hạt sen củ sen củ súng, cách hấp tinh hoàn dê với hành tỏi ngũ vị hương và rượu mạnh, cách ăn gan dê nướng vào lúc người đang tháo mồ hôi và cách uống sữa dê vào buổi sớm...
Không điều răn bảo nào của ông Phiều, anh không thực hiện. Bôn lần mò xuống các làng xa mua hạt sen, củ sen, củ súng. Anh ngồi nhẫn nại hàng ngày bóc hạt sen, thông tim sen để có thể nấu món lẩu tinh hoàn dê tuyệt vời. Anh tìm những hòn đá già lớn gấp đôi viên gạch, nung nóng để nướng gan dê theo đúng cách cổ truyền. Mùi gan dê ướp gia vị nướng sém thơm nức, quyến rũ không chỉ lũ cháu đói của anh mà cả đến Miên...
Nhưng anh quyết không san sẻ những món ăn bổ dưỡng đó cho bất cứ ai, dù bị mang tiếng là kẻ tham ăn, quân phàm phu tục tử... Ðó chẳng phải những món ăn theo nghĩa thông thường, đó là vũ khí của anh để tái chiếm những thành trì đã mất:
Ta nhất quyết phải có con... Bằng mọi giá...
Cuộc mã hồi ngày càng gấp rút. Ngoài các thứ thuốc và các món ăn bổ dưỡng, Bôn sắc lá Dâm dương hoắc lên uống thay nước chè, kiểu như đám đàn bà đẻ phải uống nước lá gừng, và mỗi lần uống thứ nước khó ngửi ấy, anh lại tơ tưởng đến hình ảnh oai vệ của con dê đực đầu đàn, đứng ghếch chân trước cửa chuồng ban mai phân phối ái tình cho cả đàn dê cái, không bỏ sót mụn nào...
Một lần, tới nhà Xá chột chơi anh gặp bạn cùng trường cũ. Năm Bôn và Xá nhập ngũ, cậu ta đi thanh niên xung phong. Sau chiến tranh được học khóa trung cấp nấu ăn và giờ làm đầu bếp cho khách sạn lớn nhất thành phố. Cậu đầu bếp béo lặc lè, đỏ hồng tưởng như nhìn rõ cả đám vi huyết quản dưới lớp da láng mịn và mỏng như da trẻ nhỏ. Hồi cùng học cấp ba, cậu ta gầy gò xiêu vẹo như kẻ ốm đói trường niên. Bôn hỏi vì sao anh ta thay đổi đến thế? Cậu bạn nhăn nhó phàn nàn rằng cậu ta không muốn béo thêm và mỗi ngày chỉ dám ăn một bát cơm với rau quả nhưng vì nấu nướng nhiều chất dinh dưỡng thấm qua khứu giác lẫn da thịt nên cơ thể cứ tăng trưởng không sao kìm hãm. Nghe chuyện, Xá vỗ đùi bôm bốp:
- Vậy là mày có lá phổi thực vật trong cơ địa... Giống các loài cây hấp thụ dinh dưỡng trực tiếp qua lá, qua lớp biểu bì thân chứ không cần tới rễ... Thế nào mà một trăm anh đầu bếp một trăm linh một anh tròn thu lu...
Bôn im lặng, nhưng một ý nghĩ lóe lên trong đầu:
Nếu cơ thể con người có thể hấp thụ dinh dưỡng theo kiểu lá phổi thực vật thì từng bộ phận trên cơ thể cũng có khả năng đó, vì con người là bộ máy hoàn chỉnh và mọi bộ phận đều liên đới với nhau...
Hôm sau, trong khi chọc tiết dê, anh hứng một phần tiết vào chiếc gáo dừa. Chờ lúc Miên đi vắng, anh chốt chặt cửa buồng bắt đầu cuộc thí nghiệm lá phổi thực vật với bộ phận truyền giống của mình. Trước hết, anh hòa nửa phần rượu vào tiết dê đựng trong gáo. Sau đó, anh lựa một tư thế ngồi thích hợp để ngâm bộ phận sinh dục vào. Vừa ngâm, Bôn vừa lấy ngón tay nhẹ nhàng xoa vuốt để quá trình thẩm thấu diễn ra nhanh hơn. Vài giây đầu cái của quý đó mát rượi. Nhưng vài giây sau, nó nóng rần lên. Anh đã nức nỏm mừng thầm, không còn cảm giác hổ thẹn như lúc đầu khi cúi nhìn bộ phận mẫn cảm nhất cơ thể mình bỗng nhiên biến thành một loài động vật kỳ lạ tựa một thứ ếch nhái dị hình bơi lội lóp ngóp trong gáo nước lầy nhầy đỏ... Anh xoa vuốt niềm hy vọng của mình một cách hào hứng hơn. Nhưng dần dần, lớp da không còn ấm nóng mà bắt đầu xon xót và hơi rát. Ðiểm rát nhất chính là nơi đường tiểu thoát ra:
Cần phải kiên trì chịu đựng...
Anh tự nhủ. Nhưng lúc đó Miên gõ cửa buồng. Hẳn chị quay về vì sợ mưa. Bôn cuống quýt. Anh vội vã lấy chiếc quần đùi ném trên giường lau của quý để mặc quần dài. Rồi anh ra mở cửa. Trong lúc vội vã anh đá phải chiếc gáo dừa đang gá vào hòn gạch cạnh chân giường. Cái gáo lăn kềnh, chảy lênh láng khắp nền thứ máu dê hòa rượu. Miên sửng sốt khi thấy thứ nước đỏ kỳ quặc kia chảy đến tận nơi chị đứng:
- Anh làm cái gì vậy?
Chị hỏi:
- Không... tôi có làm gì đâu...
Anh đáp yếu ớt, mặt nóng bừng vì biết mình đã nói dối một cách ngu xuẩn. Nhưng Miên không hỏi gì thêm, đi ra khỏi buồng. Chị để cho anh thời gian thu dọn. Chị hiểu đó là một thứ thuốc thang ăn uống trong chương trình tu bổ sức khỏe của anh. Cái chương trình đã làm hao tổn túi tiền của chị một cách vô nghĩa lý. Ðã từ lâu, anh có thói quen xin tiền chị, cũng từ lúc ấy chị đưa tiền cho anh một cách lặng lẽ, không thèm hỏi han, căn vặn. Mỗi bận anh mua chung với ai một con dê hay đụng một đùi bê để làm thuốc hoặc tẩm bổ chị đều lẳng lặng đứng nhìn như một khán giả đứng xem trận bóng đá diễn ra trước mặt mà trong đó bên thắng lẫn bên thua đều chẳng liên quan tới chị.
- Xong rồi... Miên vào đi...
Anh vừa loay hoay lau đám rượu tiết dê trên sàn nhà vừa gọi. Máu dê thấm vào các mạch vôi không thể cọ sạch. Ðồng thời, cái bộ phận quý báu của anh sưng phỏng trong quần. Tối hôm đó, anh không dám mặc quần đùi đành lấy tấm khăn bông lớn quấn quanh hông đi ngủ. May là trời lạnh nên anh có thể trùm chăn tức khắc và Miên không thấy. Chị không nhìn anh bao giờ. Hoặc chị nằm thẳng đuột nhìn lên đỉnh màn, tay gác trán, hoặc chị quay lưng lại với anh. Và chị cố gắng tránh những va chạm có thể xảy ra giữa hai thân xác. Ðó là nỗi tủi nhục thường trực đày đọa anh. Nhưng vào lúc tai nạn nó lại trở thành điều may mắn. Miên không hay biết gì. Anh giữ kín bí mật trong hai tuần cho tới khi bộ phận bị tổn thương hoàn toàn bình phục.
Mọi nỗ lực của Bôn không vô ích. Sức khỏe anh khá hơn đôi chút. Anh ăn mỗi bữa thêm nửa bát cơm, có thể theo lũ dê tới những dốc núi để hái lá Dâm dương hoắc. Sự cải thiện ấy khiến anh phấn chấn nhưng vào lúc làm tình với vợ, niềm tin ở bản thân anh rơi mất.
Giường chiếu chẳng phải chiến trường, ở nơi đó người ta không thể thắng bởi cánh tay giơ lên trước quân kì thề "Quyết tâm tiêu diệt địch...". Anh biết ý chí của anh còn mạnh anh biết anh được may mắn gieo hạt giống trên một mảnh đất mở màu một miền đất hứa bất cứ người đàn ông nào cũng thém khát. Anh tự củng cố xác tín bản thân bằng cách lặp đi lặp lại những khát vọng tốt đẹp nhất như người theo đặo đọc kinh sáng kinh chiều để những ước vọng thâm nhập vào tâm hồn cùng thể xác và biến thành sức mạnh vậ chất...
Nhưng lúc trèo lên bụng vợ, thấy chị nằm bất động như khúc gỗ, gương mặt xa vắng hướng về nơi nào đó, tâm trí chị trôi dạt nơi chân trời góc bể nào đó, anh bỗng hụt hơi. Anh bỗng thấy anh trơ trọi như kẻ lạc rừng, hoảng hốt như đứa trẻ leo cây mà chẳng có ai đứng phòng hờ dưới gốc, hoang mang như kẻ bơi thuyền trong mù sương chẳng thấy giải bờ, và nỗi thất vọng khiến ngọn lửa sinh lực trong anh lụi tàn mau chóng... ngày mỗi ngày, anh càng giống kẻ bơi ngược dòng thác, bất cứ lúc nào cùng có cơ bị thác xô vào mỏm đá ngầm hoặc rơi xuống vực thẳm nhưng chẳng ai đưa cặp mắt lo âu rõi nhìn anh, chẳng ai giơ cánh tay vẫy gọi anh cất tiếng cảnh báo anh trước luồng nước xoáy hoặc reo hò cổ vũ khi anh vượt qua cơn sóng dữ...
Anh côi cút. Anh đơn chiếc tột cùng.
Miên đứng ở giải bờ xa ngái, cặp mắt đẹp phóng về chân trời riêng của chị, chân trời đó còn ngái xa hơn nơi chị đứng. Người đàn bà tồn tại bên anh như kẻ mộng du, chị chìm đắm liên miên trong cõi riêng của chị, cõi ấy không thuộc về anh.
Còn người chị ruột thịt của anh với lũ con bẩn thỉu chẳng khác chi lũ bò, lũ bê, bụi cây trên bờ sông... họ sống kiếp thú hoang và thảo mộc, họ không có ý thức về chính cuộc đời của họ huống hồ những đau đớn của anh?
"Con ơi, mẹ ra đi chẳng tiếc nuối gì... chỉ thương con côi cút."
Câu nói ấy mẹ anh đã thốt khỏi miệng bà trước khi tắt thở. Câu nói ấy giờ đây đập vào óc não anh mỗi ngày như điệp khúc của rừng già đập vào các lèn đá. Ngày ấy, anh còn nhỏ, giờ đã trưởng thành và anh hiểu thế nào là côi cút:
Khốn nạn thật, sao loài người lại chế tác ra cái từ ngữ ác độc ấy? Có lẽ, nó còn dữ hơn hổ báo, độc hơn rắn rết, tâm hồn con người tàn lụi, tan mủn nhanh hơn hết thảy các chất cường toan...
Trong buổi sớm thu này, những chùm hoa màu lục thẫm khiến tim anh tan vỡ. Chúng vừa như nhung lụa êm đềm vừa là chất cường toan độc hại hủy diệt một lần cả ý chí lẫn sự nhẫn nại trong anh. Anh ném chiếc liềm và bao đưng lá Dâm dương hoắc sang một bên, lăn xuống cỏ. Anh muốn gào, muốn thét, muốn đập vỡ khoảng trời thanh bình trên thung lũng, nhưng đàn dê nhà ai đó đang ăn lá quanh quẩn bên kia đồi, mấy gã chăn dê cũng lẩn khuất đâu đây, anh sợ họ coi anh là một gã điên. Nếu không thận trọng chỉ cần vài lần hành động rồ dại như vậy họ sẽ tống anh vào trại điên và như thế anh sẽ trở thành lột thằng điên toàn phần chết rũ giữa những bức tường giam hãm. Anh đánh đấm thùm thụp vào hai bắp đùi, hai bên hông, rồi đấm lên ngực. Nhưng nỗi đau thân xác không làm anh nguôi dịu. Một miền hoa lang bạt, một biển lục ngang trời, chao rỡn những con sóng cẩm thạch, chao rỡn lũ bướm trắng bướm vàng hoang lạc, chao rỡn lũ chuồn chuồn vô gia cư đang kì động cỡn. Cớ sao anh không được sống kiếp sống nhởn nhơ của muôn loài? Cớ sao anh không hóa thành thứ hoa kì bí kia, chỉ sống vài giờ thôi, nhưng là những khoảnh khắc viên mãn tột cùng, hạnh phúc tột cùng và kiêu hãnh tột cùng?
Rồi không nén được, anh kêu:
- Tiểu đội trưởng ơi, em khổ quá...
Tiếng kêu vẫn bị nén lại một phần trong họng vì anh chưa quên lũ dê lẫn bọn người coi dê bên kia đồi. Cổ họng anh rung rung vì đám âm thanh cuồng nộ bị giam hãm:
- Tiểu đội trưởng ơi...
Anh cất tiếng kêu lần thứ hai, vừa gọi vừa nhìn con bọ rùa lưng đỏ bò trên cọng cỏ trước mặt. Con bọ rùa lung linh như ngâm trong nước hoặc anh nhìn nó qua giọt lệ vừa trào lên khóe mi anh... dứt tiếng gọi, Bôn thấy tiểu đội trưởng ngay bên cạnh mình. Anh mừng rỡ định ngồi lên nhưng anh ấy giơ tay cản lại:
- Cứ nằm cho đỡ mỏi.
- Tiểu đội trưởng ơi, em khổ quá...
- Ờ, tôi biết.
- Tiểu đội trưởng ơi, em nhớ anh.
- Tôi cũng vậy.
- Sao anh không về chơi với em?
- Tôi cũng muốn nhưng âm dương đôi ngả. Ai vượt được cửa nhà trời?
- Em không muốn sống nữa.
- Đừng nói bậy.
- Em không thể...
- Tôi biết cậu khổ tâm, nhưng chẳng có cách nào... dù sao, cũng phải can đảm mà sống. Đã vượt qua ngần ấy năm chiến tranh không được phép chết.
- Nhưng em không muốn...
Anh hét lên và tiểu đội trưởng giơ tay phác một chỉ tỏ ý bất đồng:
- Đừng có ầm ĩ lên như vậy.
Anh im lặng nhìn Bôn vài giây, trách móc:
- Đàn ông gì mà bệt thế? Mà kìa, cậu lại còn khóc nữa...
Nói rồi anh khẽ lắc đầu.
Con bọ dừa lung linh trong nước. Thời gian lặng lẽ trôi theo từng bước nhích của con bọ có tấm lưng đỏm dáng. Tiểu đội trưởng đưa mắt nhìn cánh đồng hoa trước mặt, buông tiếng thở dài:
- Mà thôi... khóc cũng được... khóc đi một chút cho vơi lòng...
Vốn là lũ bẻm mép và lười biếng, họ không thể lặn lội tới một miền xa xôi như Xóm Núi, các nàng thơ của họ thường chỉ bay lượn quanh bàn rượu, hoặc bàn rượu sang trọng nơi màu vang đỏ điệp với sắc các bông hồng, hoặc bàn rượu hạ lưu nơi lũ ruồi vo ve bên đĩa lòng lợn luộc hay đĩa nộm da bò với thính. Bôn không phải thi sĩ nhưng sớm nay, bất chợt bắt gặp cả thung lũng bừng lên một màu lục thẫm, màu lục trong suốt long lanh tựa ánh trời ngân tụ, anh bỗng sững sờ. Ðây là quê hương, vùng đất mòn nhẵn dấu chân anh, vậy sao mãi tới hôm nay anh mới nhìn thấy loài hoa kỳ lạ. Phải chăng nó vừa mọc lên trong những năm anh xa nhà, do loài chim di trú bay ngang thả hạt xuống, hoặc tuổi thơ cơ cực không cho anh một khoảnh khắc dư thừa để ngắm cảnh vật? Anh không dám chắc đâu là sự thật, chỉ biết loài hoa mong manh kia giống đám mây lục sà xuống thung lũng, xao động giữa các búi cỏ lau trắng bạc và những thân soan dại khô cằn bồng bềnh trong ánh mặt trời thu, ánh mặt trời không còn chói chang đã ngả màu rơm mới. Vẻ đẹp của nó khiến anh ngơ ngẩn. Anh ngồi bệt xuống cỏ, nhìn ánh nắng trôi dạt trên triền hoa, bỗng dưng muốn khóc, muốn rã rời đứt đoạn chân tay, muốn ai đó hoặc xiên một lưỡi lê qua trái tim anh để kết thúc cuộc đơn hành khốn khổ trên cõi đời, hoặc quắp lấy anh như đại bàng quắp một con gà chiếp mang đi thật xa, thật xa, thả anh xuống một hoang đảo, một sa mạc, một miền xa lắc xa lơ cách biệt hẳn cõi người, để anh tạo lập một cuộc sống mới cùng cỏ cây muông thú. Cuộc sống đó có thể cực khổ hơn nhưng không nhục nhã đọa đầy như cuộc sống ở nơi đây...
Tiếng kêu be be của bầy dê nhà ai vọng tới. Theo thói quen, Bôn đưa tay rờ cây liềm và chiếc bao tải giắt lưng. Rồi nỗi chán chường khiến anh dật phắt chúng ra, ném xuống cỏ... Cây liềm ấy đã cắt bao nhiêu tạ lá Dâm dương hoắc, anh không còn nhớ... Ðã bao ngày trời anh kiên trì uống thứ thuốc ông già Phiều tốt bụng kê đơn: Dâm dương hoắc - Nữ trinh tử - Tật lê tử. Ông cho anh hai vị Nữ trinh tử và Tật lê tử. Anh theo chân loài dê lên núi cắt lá dâm dương hoắc. Già Ðọt cho anh rượu mạnh nấu bằng gạo nếp nương nhà. Mọi người cưu mang anh như cưu mang kẻ tật nguyền. Nỗi ê chề anh không mường tượng ra và không chịu thấu nhưng nó là sự thật.
Bôn nhận ra rằng giấc mơ xây đắp hạnh phúc ngày về làng chỉ là ảo giác, giống như châu báu được tạo bằng những hạt sương buổi lê minh. Anh bắt đầu hiểu ra điều đó từ buổi sáng ở nhà Xá chột quay về.
Khi cánh cổng nhà Xá khép lại sau lưng, anh đứng phân vân chẳng biết đi đâu. Con thuyền hy vọng đã đắm. Nhưng sau rốt, anh vẫn quyết định đến nhà già Ðọt, cầu may ở câu chuyện cổ tích về những món gia tài giấu trong hang đá hoặc chôn dưới đất đen. Nhà bà chị ruột của mẹ anh nhỏ hơn ngôi nhà cha mẹ anh để lại nhưng là nhà gạch đàng hoàng, tường trát vữa quét vôi và mái lợp ngói. Dù nước vôi mấy thập kỷ không được thay đã mọc rêu nhưng dẫu sao trông ngôi nhà vẫn sáng sủa vững chãi. Già Ðọt có vườn cây rộng, tuy không còn lam làm được bao nhiêu nhưng bà khéo điều khiển nhờ cậy đám trai trẻ trong làng nên khu vườn vẫn tươi tốt, mùa nào thu hoạch quả mùa nấy. Khi Bôn tới, bà đang ngồi tựa lưng vào tường ngủ gà ngủ gật. Hai đứa con nhỏ của Tá ngồi chọc rổ khoai luộc ngoài hiên, còn đứa lớn đã theo mẹ nó đi làm thuê ở làng bên.
Thấy cháu trai vào bà già mở choàng mắt, tức khắc tỉnh ngủ ngay:
- Vào đây... cháu già vào đây...
Hớn hở như bắt được của bà lục lọi khắp nơi tìm quả chín cho anh ăn, pha trà cho anh uống và kể tràng giang đại hải những câu chuyện về ông bà anh, bố mẹ anh, những người họ hàng thân thuộc và những kỷ niệm chia sẻ giữa bọn họ... Ðó là thế giới của những người đã chết, bà già sống với cái thế giới ấy, bởi nó thuộc về bà, và bà cũng thuộc về nó. Bôn nhìn bà lão hiểu rằng anh chẳng còn mảy may hy vọng. Anh đứng dậy cáo từ:
- Chờ già đã... chờ già đã.., cháu ơi, ta có cái này... Dành cho riêng cháu.
Bà lật đật vào buồng ở trong đó rất lâu, lục đục mở hết hòm này tới hòm kia, sau rốt bà quay ra với một bọc lá chuối khô. Bà đem gói đó tới trước mặt anh, lần lượt giở từng lớp lá chuối khô thận trọng như người ta mở lớp lụa gói đồ pha lê dễ vỡ:
- Này đây... phần cháu đây...
Dưới năm lượt lá chuối là lớp giấy dầu. Trong lớp giấy bọc sau chót là những cục đường phèn:
- Già phải gói kĩ thế này nó mới không chảy nước.
Bôn nhìn những cục đường phèn, hiểu kho châu báu anh mường tượng chính là đây. Anh cảm ơn bà lão, cầm gói đường phèn ra về. Ðường rợp bóng cây. Mẫu đơn nở trong các khu vườn. Tiếng chim vườn hòa cùng tiếng chim từ thung lũng xa vẳng tới, khung cảnh êm đềm nơi Xóm Núi bao năm dài anh mong nhớ đang hiển hiện trước mắt anh, chỉ cần giơ tay là hái được mẫu đơn, chỉ cần ngước mắt lên là thấy lũ chim nhỏ nhảy nhót trên cành, chỉ cần lắng tai là nhận ra điệu hót của những con chim rừng lạc vào vườn... Nhưng giờ đây, anh chẳng còn ham muốn. Nỗi nhớ mong thời cũ đã xa. Những khi nằm võng đong đưa vừa nhai lương khô vừa mơ tới vườn cây xóm Núi.
Những cuộc hành quân khô khát, nhớ dòng suối chốn rừng quê tưởng như nó chẳng còn là suối mà là con sông hòa trộn điệp trùng cả ký ức cùng ước mộng... Xóm Núi bây giờ là Xóm Núi của ai đó có bạc có tiền nhà cao cửa rộng nương cà phê san sát nương tiêu, mảnh đất quê hương anh biến thành quê hương của những người đã cắm chân vững chắc trong cơ ngơi, đã thâu tóm trong tay sản nghiệp...
Xóm Núi không còn là của anh, kẻ trắng tay, đang bước về nơi trú ẩn trong túi chẳng đủ tiền mua một gói thuốc lào. Anh đã trở thành kẻ xa lạ ngay chính trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Và anh chẳng còn một quê hương nào khác, sự cứu rỗi nào khác ngoài Miên, người đàn bà anh yêu. Anh phải bám lấy chị như bám vào mảnh ván cuối cùng trong cơn hồng thủy, bởi anh tin ngày một ngày hai, chị sẽ hiểu rằng trên đời này, trên cõi đất này không một người nào yêu chị hơn anh, ngưỡng mộ chị hơn anh, quỵ lụy chị hơn anh, chịu nhiều cay đắng gian truân vì chị hơn anh.
Bôn về nhà lúc Miên đang khâu vá. Chị ngước mắt lên:
- Anh đã về...
- Ờ, tôi đã về...
Anh hy vọng chị hỏi anh câu thứ hai, rằng anh đi đâu, có việc gì, và có được việc hay không?
Một câu hỏi đại loại như thế để anh có thể mở đầu câu chuyện nhưng Miên đã cúi xuống chăm chúi đẩy mũi kim như đường chỉ đang khâu là tất cả những gì tồn tại trước mặt chị. Bôn đi vào rồi đi ra, hết mở lại đóng ngăn kéo mà anh biết rõ chẳng có gì ngoài vỏ hộp nhựa đựng kẹo bạc hà ngậm ho giờ đựng thuốc lào. Dường như những hành động kỳ cục của anh khiến Miên khó chịu. Chị ngẩng lên hỏi:
- Anh đói rồi hay sao?
- Không... À à...
Miên bỏ cây kim xuống:
- Thôi được, em đi nấu cơm.
Chị dém gọn mớ đồ đang khâu dở vào góc giường rồi quơ chân tìm đôi dép. Anh đứng đần độn nhìn vợ:
Ta không biết mở đầu câu chuyện ra sao? Không lẽ ta tiếp tục nói dối? Bạn anh vừa gặp nạn, hứa năm sau đưa tiền... Chẳng kẻ nào dám hứa như vậy, nói dối cũng không dễ...
Ngoài sân, đứa con gái ba tuổi của Tá bỗng khóc thét. Miên chạy ra dẫn nó lên thềm, phủi kiến bám đầy hai cái mông đít bẩn thỉu của con bé rồi vào nhà lấy hộp dầu cù là bôi vào nốt kiến cắn.
Miên vốn là người nhân hậu, dù Tá là kẻ chẳng ra gì, cô ấy vẫn bao dung những đứa bé bẩn thỉu kia... Ta chẳng còn cách nào hơn là nói thẳng với Miên ngay bây giờ, ngay lúc này...
Bôn nghĩ, ra đứng ngay gần cửa, chờ Miên bôi dầu cho đứa trẻ quay vào anh sẽ lên tiếng. Nhưng một nỗi ê chề không sao lảng tránh vẫn đối diện sừng sững với anh.
Anh nhớ ngày thứ hai trong cuộc sống chung của họ. Buổi sáng anh dậy muộn vì đêm trước, sau cuộc làm tình thất bại anh chỉ ngủ thiếp đi một giấc mệt ngắn ngủi rồi sau đó gần như cả đêm thức trắng. Khi Miên tắm xong, trở vào giường mang theo mùi Thạch trinh hương sực nức, anh đã nằm im không động cựa, không dám hé mắt nhìn, chỉ giỏng đôi tai nghe ngóng xem chị thở than hay nguyền rủa. Nhưng Miên im như thóc.
Hơi thở chị rất nhẹ nên anh không thể biết chị ngủ hay thức.
Giống như kẻ tội đồ chờ lời phán quyết anh cứ giỏng đôi tai, căng hết dây thần kinh chờ đợi một tiếng thở dài, một lời lẩm bẩm tự nguyền rủa số kiếp hay oán trách trời già hòng qua đó biết được sự toan tính của chị. Nhưng anh không đón nhận được bất cứ tín hiệu nhỏ nhặt nào. Người đàn bà nằm bên anh câm như thóc, hoặc nói cho đúng hơn im lặng, lạnh lùng như pho tượng một pho tượng thơm ngát mùi nước tẩy trần. Cuộc thám thính tuyệt vọng của anh kéo dài tới tận lúc đài hàng xóm báo giờ tập thể dục, tiếng những người lên rú hái củi gọi nhau ơi ới ngoài đường thôn anh mới ngủ thiếp đi. Lúc Bôn trở dậy, nắng đã ngang mày, ít nhất cũng chín giờ hoặc chín rưỡi. Nhà vắng lặng. Anh bổ ra vườn, không thấy Miên nhổ cỏ hay cào lá khô. Ra ngõ cũng chẳng thấy bóng dáng chị. Máu Bôn dường như đông cứng trong huyết quản.
Cô ấy đã quay về với người đàn ông kia, không một lời đôi hồi không cáo biệt...
Anh không kịp suy nghĩ gì thêm, cũng không kịp khóa cửa buồng cứ thế xăm xăm ngược lên con đường chính. Con đường ấy dẫn đến nhà dì Huyên và sau đó là nhà cũ của Miên. Anh không biết anh sẽ làm gì nếu gặp chị hoặc nếu không gặp chị, anh chỉ biết mình phải đi tìm người đàn bà đó, bất cứ ở đâu, dù lội xuống địa ngục:
Hoặc cô ấy phải quay về, hoặc chúng ta cùng đi tàu suốt...
Bất đồ, Miên đứng trước mặt anh như cây cột:
- Anh Bôn... Anh Bôn...
Chị gọi. Và anh thất thần khi nhìn thấy chị đứng sững cặp mày nhíu lại một cách giận dữ:
- Anh đi đâu vậy?
Bôn đớ ra, bối rối. Nhìn mắt chị anh hiểu rằng chị đã đọc được tất thảy những ý nghĩ điên rồ, tăm tối của anh. Chị không hề sợ. Cứ nhìn những tia lửa giận dữ bắn ra từ cặp mắt long lanh của chị là rõ.
Chắc mặt ta thâm tím, mắt ta u ám và vầng trán ta hằn lên dấu ấn của kẻ sát nhân... Miên biết rõ. Cô ấy không hề sợ hãi...
Anh nghĩ. Và chính anh bắt đầu sợ. Anh đứng trước mặt chị co ro cúm rúm như thằng học trò không thuộc bài đứng trước ông thầy nghiêm khắc. Mồm anh lắp bắp không ra hơi:
- Tôi... tôi đi...
Miên nhắc lại, lần này nhỏ hơn nhưng các thanh âm bị cắt rời từng khúc. Anh có cảm giác mỗi chữ chị thốt khỏi miệng là một viên đá đập thẳng vào sống mũi anh, khiến anh choáng váng mặt mày, tê bại đầu óc:
- Anh đi tìm ai? Anh định gây sự với ai?
Anh lắp bắp, và bỗng nhiên chân tay anh run lên bần bật:
- Tôi đi... tôi đi tìm Miên... Tôi không thể ở nhà... một mình. Tôi...
Chị nhếch mép cười khẩy:
- Anh là đứa trẻ lên ba ngồi nhà một mình sợ ma bắt, đúng không?
Anh câm lặng, không tìm được lời nào chống trả. Và Miên nói tiếp:
- Anh đừng làm trò cười cho người trong làng ngoài xóm... Nếu anh nghĩ rằng em quay về sống với anh vì sợ kẻ liều thân là anh nhầm. Xưa nay em chỉ sợ bậc quân tử, không sợ bọn cố cùng... Chẳng cứ riêng em, người đời nói chung cũng vậy...
Nói tới đó, chị dừng lại vì người gánh dao kéo rong đi tới. Miên hạ giọng:
- Về thôi.
Chị đi trước, Bôn bước theo. Lúc ấy, anh mới thấy chị xách một con cá còn đang giẫy và mớ rau cải. Họ im lặng cho tới lúc vào tận gian buồng. Miên hỏi:
- Khi đi sao anh không khóa cửa.
Bôn không dám trả lời. Anh vừa sung sướng vì chị đã trở lại vương quốc của anh, vừa nhục nhã vì hiểu mình lố bịch. Người đàn bà cao giọng:
- Nếu hôm nay em không có tiền đi chợ, anh định ăn muối rang hay ra nhổ cỏ vườn lên luộc? Nhà người khác còn có thể bòn được nắm rau dền hay rau me đất nấu bát canh... Vườn nhà anh chắc chỉ hái được cỏ...
Bôn biết điều đó là sự thật. Trong vương quốc của anh không có cái gì có thể nuôi sống con người. Nó là cõi riêng của sự bần hàn. Anh hiểu sự bần hàn đi đôi cùng nhục nhã. Không chờ anh đáp lời Miên hỏi tiếp:
- Ngày hôm nay ăn hết con cá này, mớ rau này, ngày mai anh tính sao?
Và anh, bấn loạn lên bởi những câu hỏi của chị, không thể ghìm nén cơn run rẩy sâu xa trong tâm hồn:
Phải, ta biết tính sao đây? Món tiền định vay còn nằm trong túi. Con gà nhép cô Soan cho đã ăn hết hôm qua. Nếu Miên không có tiền chợ hôm nay chắc ta ra hái cỏ...
Một nỗi chua chát không sao ghìm nén được bỗng cuộn trào. Cơn run rẩy của thân xác hòa nhập với cơn run rẩy trong tâm hồn và anh không ghìm được. Anh khóc. Nước mắt anh lặng lẽ tuôn tràn, tay chân không ngừng run... Ðừng khóc, không được khóc... Khóc là nhục, rên là hèn, van yếu đuối... Ta đã từng đọc bài thơ đó bao nhiêu lượt với Bình kều...
Nhưng nước mắt cứ ràn rụa chảy, không sao cầm giữ nổi, tựa hồ nó đã tích lũy từ tuổi thơ côi cút của anh cho tới lúc này, và bởi quá đầy, chỉ cần một cớ nhỏ để xối xả tuôn ra cho vơi nhẹ. Và cùng với nước mắt, một giọng thì thào cay đắng bên tai:
Cứ khóc đi, còn danh giá nỗi gì mà gìn giữ? Ta nhục thật, ta hèn thật và ta chẳng còn lý do gì để sĩ diện với ai...
Anh đã khóc rất lâu, rất lâu, không biết Miên ra khỏi buồng lúc nào. Khi đã hết cơn hờn tủi, anh tự thấy mình lố bịch. Anh ra giếng rửa mặt rồi xuống bếp. Miên đang nấu cơm trong đó. Anh tới, ngồi sau lưng chị, luồn những cành củi nhỏ lẫn trong đám lá khô cho chị và nói:
- Tôi xin lỗi Miên... Tôi cũng không muốn sự thể như thế này...
Nhưng Miên đã thương tôi, xin thương cho trót... Tôi xin thề từ nay về sau không dám nghĩ điều xằng bậy, không dám làm những việc điên rồ. Và chị buồn rầu nhìn ngọn lửa, đáp:
- Người đàn ông chẳng nên sẵn lời thề thốt... Nhưng tình cảnh đã bấn bíu như thế này, anh phải tỉnh trí mà sống. Ði ra đi vào phải biết khóa cửa... Có mấy đồng bạc trong hòm mà mất, chắc ra vườn hái cỏ về ăn...
Lát sau Miên bưng mâm cơm lên, không ai nhìn ai. Bôn hiểu rằng anh đã bó giáo quy hàng, và cuộc sống dây leo sẽ đặt anh vào một tình thế khác.
Từ đó tới nay đã bao nhiêu ngày qua nhưng Bôn vẫn không quên cảm giác buốt rát trên mặt lẫn trong tâm hồn anh vào lúc anh nói với Miên những lời lẽ ấy. Dường như ngọn lửa bếp không đun nồi cơm chị đang nấu mà thiêu đốt con tim anh, da thịt anh.
Gian bếp lụp xụp khói mù. Từ bên kia chuồng lợn, hai con lợn còi nhà Tá kêu hộc lên đòi ăn. Mùi phân chuồng lẫn phân người bốc sang cùng tiếng lợn kêu. Miên không nói gì, chị vẫn đẩy que cời lửa liên tục giữa đám cỏ khô cho bớt khói. Nhưng anh cảm thấy chị cũng đang phải cố gắng ghìm nén một điều gì đó, và chị cũng khốn khổ không kém gì anh...
- Nín đi... Và không được xuống sân nữa...
Miên bôi dầu cù là cho đứa con của Tá xong, đặt nó ngồi lên tấm ván đầu hè. Chị cầm hộp dầu quay vào buồng. Không hiểu sao lúc chị đi ngang qua anh lại đứng dẹp sang một bên nhường đường cho chị và ngước mắt nhìn vơ vẩn lên những ngọn soan ngoài vườn làm như anh đang theo đuổi một ý nghĩ nào xa xôi lắm. Người đàn bà lẳng lặng lấy rá đong gạo nấu cơm. Ngay lúc ấy, đứa con trai lớn nhất của Tá vác rá sang:
- Mự cho tui vay vài lon gạo.
Nó nói cụt lủn, giọng lấc cấc. Chưa đầy sáu tuổi mà mặt đã cằn cỗi như đứa bé mười hai mười ba. Nó đứng ngay cửa buồng, cặp mắt láo liên sục sạo. Thấy Miên không đáp, nó cao giọng nhắc lại:
- Nhà tui hết gạo, mạ tui bảo mự cho vay mấy lon...
Bôn nóng bừng mặt. Miên vẫn không nói gì nhưng sau đó vài giây chị cúi xuống chum xúc thêm gạo để xẻ cho thằng bé. Ðược gạo rồi, nó cắp rá quay ngoắt đi không nói một lời, dường như quyền vay gạo nghiễm nhiên thuộc về nó còn đong gạo cho vay là bổn phận của bà mự giàu có kia. Từ ngày Miên về đây, gần như thành lệ, hai ba ngày một lượt đứa con trai Tá vác rá sang "vay gạo," thứ vay mà cả người đi vay lẫn người cho vay đều hiểu không có ngày trả. Ngay bữa cơm thứ ba của vợ chồng Bôn, Tá đã xui lũ con vác bát sang:
- Cho tui khúc cá, mự...
- Cho tui miếng thịt heo, miếng kia nờ...
- Răng nó hai khúc cá, tui có một? Cho tui cái đầu cá kia để tui san cho mạ tui một miếng...
Lần nào đó, Tá đứng sau lưng lũ con há miệng hông hốc cười:
- Mự giàu thế, không san sẻ cho chị cho em, để làm chi?
Miên không đáp. Không bao giờ chị hé răng nói nửa lời. Giá như chị phàn nàn, cãi cọ mắng chửi anh vì chuyện đó, hoặc giá chị thẳng thừng từ chối hết thảy những xin xỏ, vay mượn vô liêm sỉ của mẹ con Tá anh còn đỡ khổ... Nhưng chị im lặng, như đá, như cây, như chị với anh không cùng loài giống không chung tiếng nói.
Và anh biết những người ruột thịt của anh nhân thêm nỗi thống khổ anh phải chịu, nhân thêm gánh nặng nhục nhã anh phải gánh:
Mẹ cha ơi, sao lại đẻ ra một loại người vô sỉ như thế, sao đày đọa con đến nhường này? Chẳng có họ, con cũng đã quá nhục quá ê chề rồi...
Một ngày, rình lúc Miên đi vắng và mấy mẹ con Tá ở nhà, Bôn bước sang:
- Mấy người phải biết nhục chớ? Tôi đã chẳng có tiền bạc, sống trên lưng người ta, mấy người còn bám vào tôi làm gì?
Tá thản nhiên đáp:
- Cậu là em ruột tui, cậu lấy được vợ giàu nhất vùng, tui không bám vào cậu hóa tui ngu hơn bò ư?
Bôn nhìn người đàn bà ngồi trước mặt anh, người chung cội rễ chung tuổi thơ cùng san sẻ quãng đời sung sướng nhất, thấy một nỗi nhục sâu đậm thấm đến tận đáy tâm hồn. Phải, chị ruột của anh là thứ sản vật dơ dáy của ông Trời, ở lưng chừng giữa loài người với cỏ cây muông thú. Nhưng cho dù anh có băm nát chị ta ra hay oán hận những người đã chết, anh cũng không đảo ngược nổi tình thế: Ðó là chị ruột của anh, người gần gũi nhất với anh về huyết mạch. Ðiều đó giống dấu ấn bằng sắt nung đóng trên mặt nô lệ hoặc tù binh thời mông muội. Anh không còn cách nào hơn là to tiếng sỉ nhục Tá:
- Chị là đồ khốn. Từ rày còn cho lũ con vác rá sang bên tôi, tôi đuổi...
Nói xong, anh ân hận vì quá nhẫn tâm. Không ngờ, Tá vếch mặt lên:
- Tui thách cậu sập được cánh cửa, thách cậu không mở chum gạo nhà cậu cho tui vay...
Bôn không nói được gì thêm. Anh chịu thua. Cuộc "vay gạo" theo lệ thường của Tá tiếp diễn. Mỗi lần thằng cháu cấc lấc đứng chìa rá trước cửa, mặt Bôn lại nóng dừ lên. Và lần nào anh cũng không mở miệng nổi để mắng chửi hoặc đuổi đứa trẻ, cũng không mở miệng nổi để xin Miên lượng thứ... Cuộc sống của anh đã đầy rẫy những cầu xin rồi. Anh không thể lặp nó từng ngày như một gã ăn mày chuyên nghiệp:
Ta là một thằng ăn mày nghiệp dư nên chưa thể nào thành đạt. Có lẽ phải tìm cách chuyên nghiệp hóa nghề này...
Anh tự nhủ, mắt vẫn không rời những ngọn soan... Những cây soan già cằn già lụi kia đã từng có lúc non tươi, xanh rờn lá. Lúc ấy, chàng Bình kều và Bôn đã ôm vai nhau đọc thơ:
Khóc là nhục, rên là hèn, van yếu đuối
Và dại khờ là những kẻ lặng câm...
Chính anh đã tập cho Bình ngâm thơ những đêm liên hoan văn nghệ. Giọng cậu ta thật ấm. Anh thổi sáo hoặc gảy đàn bàu. Cây sáo và cây đàn bầu đã mất bởi sau khi anh đi lính, Miên trở về ngay nhà dì Huyên. Không ai giữ cho anh các kỷ vật:
Nếu cô ấy thật sự yêu ta như cô Soan yêu Xá chột, hẳn đã mang theo cây sáo với cây đàn...
Ý nghĩ ấy vụt đến nhưng Bôn xua đuổi đi ngay bởi anh biết nếu còn nghĩ tiếp, máu trong huyết quản anh sẽ tự khô kiệt và anh chỉ còn là một thây ma di động giữa cõi người:
Ta luôn vơ lấy những điều cắc cớ... Có lẽ vì ta vô công rỗi nghề... Có lẽ ta cần tự vỡ đất làm nương trước khi thuê thợ... Và chắc hẳn Bình kều sẽ...
Anh dừng lại vì biết anh bắt đầu tự dối gạt mình... Cái phao cuối cùng để anh bấu víu trên mặt biển đã mất. Bình cũng là kẻ chìm tàu. Dù anh có đọc lại một ngàn lần bài thơ cũ, dù anh có rảy nước phép cho những cây soan già kia trở lại non tơ, anh cũng chẳng thể vãn hồi tuổi trẻ.
Khóc là nhục, rên hèn, van yếu đuối...
Bất giác anh bật thành lời. Ðứa con nhỏ của Tá ngồi trên tấm ván đầu hè ngoảnh cổ nhìn anh:
- Cậu Bôn hát à?
Anh vội vã lắc đầu:
- Không, không... Mày hát cho cậu nghe đi...
Con bé nói:
- Tui... Tui hát xong cậu cho cái kẹo...
Bôn bảo:
- Ðược.
Con bé bắt đầu ê a hát. Bài hát lũ trẻ mẫu giáo Xóm Núi thường hát. Hẳn trong lúc lê la chơi ngoài đường nó học lỏm được. Anh vào buồng tìm trong chiếc làn đựng đồ vặt của Miên mấy chiếc kẹo đưa cho đứa cháu, vừa lúc chị bưng mâm cơm lên. Họ ăn cơm. Như thường lệ, bữa cơm im lặng. Có lẽ bữa ăn của các dòng tu khắc khổ cũng chỉ im lặng như thế. Xong bữa, Miên định đứng lên, anh giơ tay giữ vạt áo chị lại:
- Miên hãy ngồi xuống... Tôi có chuyện muốn nói...
Chị ngồi xuống, mắt chị nhìn anh... Cái nhìn lơ đãng. Tâm trí chị đang rong chơi đâu đó, nơi xa lắc xa lơ, ngoài không gian họ đang sống, chẳng dính líu gì tới gian buồng lợp lá này:
Miên ơi, sao em không nhìn tôi lấy một lần? Xưa kia, ta đã từng nhìn nhau, mắt soi trong mắt. Em hãy nhớ xem dưới gốc phượng già năm ấy, ta hôn nhau lâu đến nhường nào. Tôi vẫn nhớ rõ vết bầm xung quanh cổ em, những vết sau ót dưới chân tóc...
Anh nghe con tim mình rên rỉ.
Nhưng Miên không nghe thấy tiếng rên rỉ ấy và chị vẫn theo đuổi cuộc rong ruổi của riêng mình. Bôn nghiến răng một cách vụng lén và anh cúi mặt xuống e ngại Miên nhận biết những ý nghĩ đang vụt qua óc não:
Cô độc ác lắm, giờ đây cô đã hoàn toàn quên tôi và chỉ còn tơ tưởng đến...
Anh thấy cơn ghen tuông điên giận đang quanh quất đâu đây đợi phút nhảy xổ vào. Nhưng rồi tự ghìm giữ được anh đuổi con ác thú đó đi. Một giọng đểu giả cợt nhạo vang lên:
Ðừng quên thân phận mày. Tài không, tiền không, lại cộng thêm chứng thối mồm... Xá nói đúng, bằng bất cứ giá nào cũng phải chữa cho được căn bệnh khốn kiếp ấy... Nhưng ai trả tiền chữa bệnh cho mày đây? Nếu không phải người đàn bà ngồi kia... Hãy biết thân, kẻ hèn không được quyền thịnh nộ...
Anh nuốt nước bọt, nói:
- Miên này...
Những lời nói ngẫm nghĩ trên đường từ nhà Xá chột trở về bỗng bay biến, lưỡi anh như co rút lại. Tai anh ù ù kêu, mặt anh lúc nóng lúc lạnh cứ như ai liên tục quạt hai thứ gió vào. Anh đã ậm ừ, lúng túng rất lâu. Lâu lâu đến nỗi Miên sốt ruột, trái với thói quen kiên nhẫn của chị. Chị hỏi:
- Có chuyện gì vậy, anh cứ nói ra...
Lúc đó, anh mới bật được lời:
- Tôi cần phải xuống thành phố chữa bệnh. Miệng tôi mấy năm nay bỗng dưng sinh nặng mùi... Xá hứa ngày mai đưa tôi đi khám. Nghe nói anh ta có người bác họ bốc thuốc...
Anh nói mà không dám nhìn vào mắt chị. Nhưng anh biết chị vừa nghe vừa chẳng nghe gì hết. Chờ anh nói xong, chị hỏi:
- Anh cần tiền?
Anh thu hết can đảm gật đầu:
- Phải, tiền thuốc... Cậu bạn hứa cho tôi vay tiền đã vào Ðà Nẵng thăm người anh cả. Khi nào cậu ấy quay ra tôi sẽ đưa lại cho Miên.
Dứt câu, người anh tái dại:
Ta đã nói dối lần thứ hai... Và ta sẽ phải tái diễn... Rồi sẽ đi đến đâu?
Anh hình dung chị đang cười khẩy, hoặc chị cố nén sự khinh bỉ trong lòng, mím chặt đôi môi. Anh cũng thấy lớp da trên mặt anh dày hẳn lên, như da trâu, da ngựa, da voi, da tê giác hoặc loài thú rừng nào đấy...
- Anh cần bao nhiêu?
- Tôi... Tôi không rõ lắm... Có lẽ cũng không nhiều... Chỉ là tiền thuốc, cả thuốc tây và thuốc Bắc, Xá chột nói rằng cần uống cả hai thứ...
Chị mở túi áo, lấy tiền đưa cho anh. Bôn cầm tiền, đút vào túi vội vã như kẻ ăn cắp lần đầu nhét tang vật vào xó kín để không ai nhìn thấy và chính y cũng không nhìn thấy. Sau đó, anh mới dám đưa mắt nhìn chị. Ðôi mắt đẹp của chị vẫn phóng thẳng vào khoảng trời riêng, tồn tại ngay giữa bốn bức tường xù xì không tô trát này, trong gian buồng chật hẹp nghèo nàn này, nhưng là cõi xa lạ với anh chẳng dính líu gì đến anh, chẳng dính líu đến cái không gian anh đã gắng tu tạo điểm tô để vãn hồi tình yêu cũ. Anh đưa mắt nhìn những bông hoa riềng đỏ thắm cắm lẫn mấy nhành thạch thảo, mấy màu sắc của chúng thừa thãi và vô dụng... như anh... như kẻ đã dụng công sửa sang tỉa lá ngắt cành và cắm chúng vào bình. Phải, chị không hề để ý tới anh, đến căn bệnh của anh, đến những khổ tâm anh phải chịu... Không như những người đàn bà keo kiệt khác mỗi lần rút một đồng xu khỏi túi phải căn dặn chồng con, phải toan tính cả trăm lần, chị đưa tiền cho anh một cách hào phóng bao dung nhưng đó chẳng phải món tiền vợ đưa cho chồng, ấy là thứ tiền ban cho kẻ tàn tật, phế nhân vào lúc người ta có nhu cầu làm từ thiện... Anh nhìn lần nữa vào đôi mắt trong veo của chị, thấy trong chất nước thủy tinh kia giá buốt mùa đông. Nỗi đau và nhục kéo lưng anh gù xuống. Không chỉ mái đầu mà đôi vai anh cũng hạ xuống theo. Tựa hồ ruột trong bụng anh đang bị cơn đau hiểm nghèo co rút, nếu anh ngồi thẳng lưng lên chúng sẽ đứt ra hàng trăm khúc rã rời. Anh cứ ngồi như thế rất lâu, móng tay bấm xuống thành giường thành vết lõm. Vào khoảnh khắc tận cùng cơn đau, một tiếng thét vụt lên. Không chỉ là tiếng thét mà là sấm sét, giông bão. Những ý nghĩ sáng lòa như chớp, nổ ầm ầm như bửa đầu anh thành muôn mảnh:
Tôi là phế nhân. Giờ đây tôi chỉ là phế nhân. Tôi phải ngửa tay cầm những đồng tiền của lòng thương hại... Nhưng với những đồng tiền của cô tôi sẽ hồi phục, sẽ trở thành kẻ có khả năng tình dục vô biên như người chị nghèo hèn của tôi, có thể gieo hạt giống một lần cho hàng chục hàng trăm người đàn bà. Tôi sẽ bắt cô đẻ cho tôi một lũ đống con. Chúng là xiềng xích trói chân cô lại. Cô sẽ mãi mãi là người đàn bà của tôi, mệt mỏi và tàn tạ đi, chẳng còn trơn lông đỏ da chẳng còn kiêu hãnh được với đời... Rồi ngày nào đó cô sẽ phải còng lưng xuống vì đau khổ như tôi hôm nay, giây phút này. Cô sẽ phải ngước mắt lên van nài cầu khẩn tôi ngồi lại với cô vì những người đàn bà trẻ hơn, xinh đẹp hơn đang chờ tôi đến... Phải, sẽ tới ngày hôm đó...
Anh thấy con tim bớt đau. Người nhẹ dần.
Anh ấn bàn tay xuống thành giường nâng đôi vai và ngồi thẳng lưng dậy:
Phải, sẽ đến ngày ấy... Tôi chờ cái khoảnh khắc cô phải nhìn tôi với ánh mắt đắm say, vâng phục mười bốn năm xưa...
Anh nhìn chị, mỉm cười đắc ý. Nhưng chị chẳng biết đến nụ cười đầy hàm ý lẫn cơn giông bão vừa nổ ra trong đầu anh. Chị đứng dậy bê mâm ra giếng...
Hôm sau, Xá cưỡi chiếc Ja-ma-ha cũ tới đón Bôn lúc tinh mơ và đèo anh xuống thành phố. Gã bạn ấu thơ thường gãi đầu gãi tai nhờ anh gà bài hộ giờ biến thành thần hộ mạng lẫn kẻ bảo trợ cho anh. Ðưa Bôn tới cổng viện, Xá giơ tay nhìn đồng hồ, giao hẹn:
- Tôi rẽ qua chợ mua ít đồ. Mười một giờ kém mười lăm sẽ quay lại. Tôi chờ cậu trước quán cơm Thiên Nga.
Ðoạn Xá giơ tay chỉ quán cơm bên kia đường, trưng tấm bảng kẻ hàng chữ đỏ choét: Thiên Nga - Kính chào quý khách.
- Cậu phải nhớ kỹ quán Thiên Nga, kẻo lại lạc nhau. Người ở chỗ này lúc nào cũng nhung nhúc như cá nhốt trong ang vậy.
Nói rồi chàng cựu chiến binh trèo lên con chiến mã già, nổ máy ầm ầm tuôn luồng khói đen mịt mù nơi ống xả. Con chiến mã khạc nhổ ầm ĩ một hồi mới lao đi, Xá biến vào đám đông. Bôn đưa mắt nhìn lần nữa tấm biển kẻ chữ Thiên Nga bên kia đường. Thật khó phân biệt vì dãy phố dài có tới ba bốn chục quán cơm, quán nọ kề quán kia. Quán nào cũng trưng tấn biển sơn lòe loẹt. Quán nào cũng ám khói cũng có một bếp than cháy rừng rực bên phải và tủ kính lớn bày đồ ăn bên trái. Anh đưa mắt lướt qua dãy biển: Bạch Tuyết, Thanh Lan, Thanh Nga, Hồng Vân, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Cẩm Thúy...
Ðến những tấm biển cũng khó phân biệt, chúng gần như cùng kích cỡ và trang trí cùng kiểu, biển nào cũng vẽ năm bảy đĩa thức ăn khói bốc nghi ngút như khói tàu... Sau rốt, Bôn nhìn kỹ lần nữa quán Thiên Nga, thấy bà chủ quán đang bốc thức ăn sau tủ kính, mặc may-ô đàn ông màu đen, cỡ trên dưới ba mươi nhưng đã nặng ước tám chục kí, thịt cổ thịt vai dâng ngồn ngộn. Anh yên tâm có thể tìm được quán cơm Xá hẹn, với ngoại hình bà chủ. Sau đó, anh kiếm lại chứng minh thư, giấy giới thiệu của ủy ban xã và món tiền Miên đưa hôm qua. Nó gần gấp năm lần số tiền anh nhận ngày xuất ngũ:
Ðây là những đồng tiền của người đàn ông ấy...
Anh nghĩ nhưng lập tức dập tắt ngay ý nghĩ đó bằng cách xăm xăm đi tới phòng khám bệnh. Ở đấy, đã có hàng đống người chờ đợi. Người ta bảo anh xếp giấy giới thiệu trước một khuôn cửa hình tổ tò vò. Và sau đó, anh kiếm chỗ ngồi chờ.
Ba tiếng sau mới tới lượt anh. Cuộc khám nghiệm diễn ra rất chóng vánh. Anh có cảm tưởng rằng người bác sĩ không muốn chịu đựng sự đối diện với anh mặc kệ lương tâm nghề nghiệp lẫn chiếc khẩu trang may đúp hai lần đeo nơi miệng. Ông kê cho Bôn cái đơn dài, nói rằng chứng bệnh của anh không nguy hiểm nhưng phải kiên trì và chịu tốn kém mới có thể chữa trị, bởi các cơ chằng có chức năng đóng mở van thực quản của anh đã mất sức đàn hồi không còn khép mở được chặt và nhạy như những người khỏe mạnh. Vì thế, trước hết anh phải nâng thể lực toàn thân, theo một chương trình luyện tập lâu dài khó nhọc, kết hợp với việc uống thuốc đều đặn và kiểm tra kết quả đều đặn trong vòng từ một đến hai năm mới có cơ suy giảm...
Bôn cầm lá đơn, mồ hôi vả đầy lưng: Một căn bệnh hoàn toàn không nguy hiểm nhưng tốn gấp năm lần ca đại phẫu thuật hoặc điều trị bệnh lao thời kỳ cuối... Anh chẳng kịp chào bác sĩ, ra luôn.
Căn phòng tròng trành, cả những dãy ghế dài còn ít người chờ cũng tròng trành theo. Bôn ra thẳng khuôn viên bệnh viện. Ðứng ở đó một hồi anh mới trấn tĩnh được và quay lại phòng bán thuốc. Mua thuốc xong đã thấy Xá đứng chờ ngay cổng bệnh viện, chiếc Ja-ma-ha đen trũi sau lưng:
- Tôi đứng ở quán cơm mười lăm phút mới sang đây... Thế nào?
- Phải chờ ba tiếng mới tới lượt... Ðông quá thể.
- Họ bảo sao?
- Họ bảo bệnh không nguy hiểm nhưng muốn chữa phải tốn rất nhiều tiền và rất nhiều thời gian.
- Cái chính là tiền. Thời gian có vô thiên lủng... Lính quèn về làng chứ vương tướng gì mà thiếu thời gian.
- Tôi sợ khó theo nổi...
- Ai đưa tiền cho cậu... Già Ðọt à?
- Không, già tôi chẳng có tiền... ấy là Miên...
- Vợ cậu cũng chẳng kiếm nổi tiền... Tiền ấy tay Hoan đưa... Cảnh này về lâu về dài không ổn...
Xá thở dài đánh hực rồi thượt mặt ra nghĩ ngợi. Lúc sau, anh ta chép miệng:
- Nhưng thôi, kệ mẹ sự đời, đi kiếm vài bát cơm dằn bụng đã, dạ dày tôi sủi bong bóng từ lúc nãy...
Hai người vào quán Thiên Nga, Xá gọi hai chai bia nhỏ, một đĩa thịt lợn luộc chấm mắm chua, một đĩa rau cải trắng xào thịt bò và hai con cá khô nướng:
- Tôi trả tiền... Ðứng lo. Nào, uống đi đã. Mọi chuyện sẽ tính sau.
Cô chủ quán bưng tới đĩa dưa chua:
- Món này quán đãi khách không tính tiền.
Cô đặt dĩa dưa xuống bàn, không quên cong ngón tay út trên bàn tay béo mập và bóng loáng mỡ lên làm điệu. Xá đưa mắt liếc dãy nhẫn to xù, toàn vàng gộc đeo kín các ngón tay cô, cười:
- Cảm ơn bà chủ, cảm ơn người đẹp nhá... Ðĩa dưa hôm nay ngon hơn mọi hôm đấy...
Chủ quán cười, hai chiếc bình tích rung lên bần bật. Khi cô ta trở lại quầy thức ăn, Xá ghé tai Bôn nói nhỏ:
- Cho không đĩa dưa năm xu lại tính chai bia đắt hơn một hào. Dân thành phố chẳng đứa nào tử tế. Cậu đã nhìn tay mụ béo chưa?
Mỗi cái khoong ấy mua được năm tạ thóc đấy. Ðám dân quê mình cầy ruộng hay lên rú đốt than cũng phải rạc cẳng, quắt cả hai hột cà mới được tạ thóc. Ở đây kiếm đồng tiền ngon ơ... Phi thương bất phú mà... Tôi không có nghề mộc với nghề sơn tràng, ắt cũng đói rã họng...
Nói rồi, anh cầm cốc bia:
- Nào, uống đi không tan hết đá.
Họ ăn xong, Xá đứng lên trả tiền rồi quay lại bảo anh:
- Giờ tôi đèo cậu đến hiệu thuốc Bắc. Nhà ông bác bên họ mẹ tôi... Họ bắn súng ca-nông mới tới... Nhưng dẫu sao cũng còn hơn người dưng.
Anh lại ngoan ngoãn ngồi sau lưng bạn, thắc thỏm chờ một cơ may một phép thần, một bậc thánh y tái thế có thể chữa cho anh canh bệnh hổ thẹn này. Ở nhà ông bác Xá, người ta bảo anh vượng cơn hỏa trong tỳ, trong vị, và họ bốc cho anh mười thang thuốc nhằm hạ cơn hỏa đang cấp táo để hơi thở anh bớt mùi nồng nặc.
Trả tiền thuốc xong, anh vẫn còn khá tiền, nhưng anh cất kỹ vào túi áo, cài khuy cẩn thận. Anh cần tiền, cần rất nhiều tiền... và không có cách kiếm tiền nào khác là ngửa tay trước Miên. Mỗi lần người đàn ông ngửa tay ra với vợ, là một lần tụt sâu xuống nấc thang đi vào địa ngục, anh đã có kinh nghiệm về điều đó.
Thời xưa, cái thời xa lắc xa lơ, có những người đàn bà cả đời nuôi chồng đi học, mong ngày đức lang quân vinh quy bái tổ. Nhưng trong đám một vạn bà đồ nuôi chồng đèn sách, chỉ vài ba người được hưởng cảnh: Võng anh đi trước, võng nàng theo sau...
Còn đa số phải an phận lèo lái con thuyền gia đình để người chồng trở thành một thi sĩ tại gia suốt ngày ngâm ngợi thơ phú, trà thuốc với đám bạn chữ nghĩa và đôi khi cao hứng mài mực, múa bút viết bài thơ nịnh vợ...
Khi Bôn lớn lên, cảnh tượng ấy không còn, nó chỉ còn trong hồi ức xa xôi của các ông già bà lão. Thời của anh, đàn ông là kẻ đứng mũi chịu sào, là người lo toan nền tài chính trong mỗi gia đình. Hình ảnh ông đồ ngồi múa bút vịnh trăng chỉ là một ảo ảnh mong manh và xa mờ, gần như mộng mị. Bây giờ, đôi khi anh thèm quay lại thời xưa cũ, thèm thân phận những ông đồ hay chữ, cả đời sống trong sung sướng an nhiên mà không cần kiếm ra đồng tiền cắc bạc...
Thời đi học, Bôn đã từng là niềm hy vọng của bao nhiêu ông thầy. Và nếu có một thời đèn sách cũ, biết đâu chẳng có lúc anh đưa người đàn bà anh yêu vào giấc mơ: Võng anh đi trước, võng nàng theo sau?
Nhưng những cơn mơ thức, những giấc mộng giữa ban ngày như thế giống như những sợi tơ trời, êm nhẹ thoáng quệt vào má, vương trên mặt ta trong vài giây, bồng bềnh như gợn mây ấy, anh càng nhận biết rõ hơn thân phận chính anh: Anh không phải kẻ lèo lái con thuyền gia đình, cũng chẳng là người chung lưng đấu cật với Miên để lo toan cuộc sống. Anh là bóng ma dĩ vãng, ăn lộc thừa dĩ vãng, cuộc sống chung của anh với Miên giờ đây là sự ghép đôi một thân thể hừng hực sinh lực của cuộc đời hiện tại với thây ma nhợt nhạt từ cánh rừng duy nhất để duy trì cuộc chung sống này bắt buộc anh trở thành một gã đàn ông hùng mạnh, đầy năng lực giao phối để cấy hạt giống vào thân thể nõn nà quyến rũ của Miên, bắt chị buôn chung với anh chuyến hàng tương lai. Ngày xưa, Phật dạy:
Con cái là những sợi xích bằng vàng...
Anh biết điều đó tuyệt đối đúng. Anh phải có con bằng mọi giá, để trói buộc người đàn bà anh yêu mê bằng những sợi xích vàng...
Người bảo trợ của anh có óc thiết thực. Không chỉ một lần mà đã ba lần Xá bảo anh:
- Trước hết, phải trị được chứng thối mồm. Ðéo con đàn bà nào chịu được thứ mùi ấy, cho dù cậu là vua buồi vàng dái bạc cặc lưu ly... Nhưng bây giờ cậu cũng phải trị luôn chứng thiếu năng đực. Chứng đó cũng tốn tiền của và thời gian chứ chẳng chơi. Giờ thì đừng tính chuyện làm nương với vườn cho rách việc. Túm được đồng nào nhét thật chặt vào túi mà lo chữa bệnh bởi tôi biết, tiền Miên đưa cho cậu cũng chẳng phải thực sự tay cô ấy làm ra. Chính anh chồng kia đưa cho cô ta. Phải thừa nhận tay ấy đáng mặt đàn ông, nếu Miên có nặng tình với anh ta cũng là lẽ thường. Như thế, Trời đã cho cậu ăn lộc người dưng, chẳng phải ai ai cũng vớ được món bở như vậy. Tiền của ai rơi vào túi Miên cũng thành tiền của cô ấy. Cô ấy hiện tình là vợ cậu. Vậy cậu có thể tận dụng cơ may này để sống và chữa bệnh... Có sức khỏe trước hết đã, mới tính được mọi việc khác sau... Kể như thế cũng mặt dày thật. Nhưng biết làm sao? Túng thì phải tính... Chẳng ai muốn trở thành thứ mặt dày, nhưng đôi khi người ta cũng phải mặt dày để sống...
Những lời lẽ sống sượng ấy đó tạt vào mặt anh một thứ cường toan. Nhưng khi anh nghe lần thứ hai, rồi lần thứ ba, chất cường toan kia không còn làm anh cháy bỏng mặt mày. Anh hiểu con người có thể làm quen với mọi thứ. Chấp nhận sự thật, anh làm đúng những điều Xá chột khuyên. Ngày ngày anh kiên trì sắc thuốc Bắc uống làm ba lần, mỗi lần một bát. Kèm theo các thứ thuốc Tây trước và sau bữa ăn.
Uống thuốc được ba hôm, anh tìm đến nhà cụ Phiều. Anh đã may mắn gặp được một người tốt bụng bẩm sinh, một kẻ lạc quan bẩm sinh thứ quái nhân hiếm hoi trên cõi đời. Lão già đa tình bảy mươi đó vẫn hăm hở nói đủ thứ chuyện tiếu lâm, vẫn hấp háy cười khi chỉ cho anh cảnh con dê đực đầu đàn của lão đứng ở cửa chuồng ban mai, chờ các con cái qua cửa, lần lượt nhảy lên lưng từng con hệt như cỗ máy giao phối.
- Thế nào? Ðã phát thèm chưa anh lính?
Ông lão hỏi Bôn rồi cất tiếng cười sằng sặc. Bôn kinh ngạc. Anh không hình dung một người ở tuổi bảy mươi lại có tiếng cười khiêu khích như vậy. Hồi anh còn ở làng, ông Phiều mới ngoài năm mươi và ở lứa tuổi đó tính cách như ông không phải là một thứ trò lạ mắt khiến dân chúng phải tò mò...
Nhưng mười bốn năm qua, những người đồng lứa với ông đã trở về già, thôi ham hố chuyện trăng hoa, thôi dòm ngó đàn bà với con mắt dục tình, đã thích bó gối ngồi ở nhà trông cháu, hoặc lơ mơ nhìn mưa nắng ngoài sân kể chuyện ngày xửa ngày xưa...
Chỉ riêng ông vẫn còn ở lại tuổi năm mươi cũ, vẫn không chịu rời bỏ thời chín dục của giống đàn ông, thời mà các kinh nghiệm làm tình trở thành một thứ thuốc phiện kích thích ái ân và khao khát sống như than cháy hết cường độ trong lò tỏa ánh sáng mê cuồng trước khi tắt lụi.
- Sao nom sướng mắt hả?
Ông cụ cất tiếng hỏi Bôn lần nữa, mấy ngón tay đưa lên vê món râu cằm. Trông ông cũng từa tựa con dê đầu đàn, một con dê bá quyền và thông thái:
- Sao, anh thử phát biểu cảm tưởng của người chiến sĩ nhân dân trước cảnh tượng này? Loài vật nào nhảy cái cũng mệt mãi, cũng khốn khổ, cũng thở hồng hộc như sắp đứt ruột gan, cạn hơi cạn sức chỉ riêng loài dê nhảy cái như bỡn như chơi không mảy may mệt nhọc... Thế nên phải xếp nó vào hàng tổ phụ của các giống dâm đực, chủ tịch một nước có xứ tên là Xứ Dâm...
Dứt lời, ông lão tinh quái ra sân, ra lệnh cho thằng con mười ba tuổi lùa dê lên núi, bảo cô vợ pha trà xanh và lấy bánh mật mời Bôn. Người đàn bà chưa đầy bốn mươi tuổi nhưng trẻ hơn tuổi rất nhiều, cổ lẫn hai má đỏ hây hây, mông lẫn ngực núng na núng nính. Chị ta ngoan ngoãn đem bình trà ủ trong quả dừa khô và một đĩa bánh mật nóng rồi vác cuốc ra nương.
Cụ Phiều có tới ba nương tiêu, hai vườn cà phê rộng, vào hàng điền chủ giàu nhất mấy xã. Vợ con trong nhà ngót hai mươi người răm rắp làm việc dưới sự điều khiển của vị gia trưởng, và dù là cảnh vợ nọ con kia, chưa bao giờ xóm giềng nghe thấy một lời nói to dưới mái nhà này. Chờ vợ con đi hết, ông lão bắt đầu bài giáo huấn:
- Người đàn ông dâm chưa chắc đã mạnh dục tình. Cứ nhìn thằng dê cụ kia là rõ. Nó có kéo quần tốc váy sờ mông nắn vú giống cái như mấy thằng đàn ông dâm đãng đâu... nhưng nó vẫn là chúa tể giữa đám vật cường dục, hoạt động như có máy trời chạy bên trong. Muốn có thứ máy trời như nó phải bỏ công rèn dưỡng thân thể...
Tới đó ông lão dừng lại uống hết bát chè tươi nóng rồi bóc bánh ăn. Nhìn ông lão ăn uống, Bôn biết rằng khi uống trà ông đã uống cả vị thơm đồi núi, khi ăn bánh ông thưởng thức cả vị mật bốc lên từ những vườn mía và mùi nếp mới, thứ mùi hương anh tưởng nhớ suốt những năm dài chiến tranh...
Anh biết rõ như vậy, nhưng anh không cảm thấy hương vị của thứ nước anh uống, miếng bánh anh đang ăn. Chính anh, kẻ có chữ và biết tưởng tượng sự thụ hưởng đời sống trở thành vô năng trước cuộc đời thật sự. Anh lặng lẽ nhìn hai hàm răng đều tăm tắp, chắc như đá của lão già bảy mươi nhai bánh ngon lành, nhìn cách ông cụ uống một hơi cạn bát trà xanh nóng hổi, thèm thuồng và chua xót. Ăn uống xong, gương mặt ửng hồng của ông toát đầy mồ hôi, mồ hôi đọng từ chân tóc xuống tận cổ. Ông lão chờ mồ hôi ra hết mới rút tấm khăn bông phơi trên dây lau khô. Toàn bộ những cử chỉ đó toát ra từ sự tự tin và bình thản. Buông tấm khăn, ông nhìn Bôn:
- Sao ăn uống uể oải vậy? Người ta ăn cho tận một miếng bánh quê còn bổ ích hơn ăn bát cháo yến trong cung đình cách miễn cưỡng... Các anh chẳng hiểu gì về phép sống...
Phải, ta chẳng biết gì phép sống. Ðó là những kiến thức hoàn toàn khác biệt kinh nghiệm chiến tranh. Ta đã bắt đầu cuộc sống với tư cách người lính và giờ đây phần đời còn lại đòi hỏi ở ta những tư cách khác...
- Anh còn trẻ...
Ông lão vẫn tiếp tục:
- Anh còn sống nhiều... Sống mà không biết phép sống chẳng khác chi kẻ ngậm ngải tìm trầm mà không biết phân biệt đâu là cây quế đâu là những loài cây tầm thường khác... Thế nên người ta phải học... anh lính ạ...
- Dạ.
Bôn đáp.
- Tôi bảo anh rằng muốn sống cho lành mạnh phải biết rèn và dưỡng. Phải vừa rèn vừa dưỡng chứ không thể chú tâm đến một việc. Ðám nhà giàu dưới thành phố thường chỉ dưỡng thân mà không rèn. Trong nhà họ lúc nào cũng sẵn hàng chục bình rượu bổ: nào sâm nhung quế phụ nào hải mã, bìm bịp, nào Tam xà Ngũ xà... Họ hưởng đủ của ngon vật lạ nhưng đã mấy ai vượt nổi bậc tám mươi trong khi dân vùng núi trên dưới trăm tuổi mới chịu bỏ cõi ra đi là sự thường tình. Có chuyện ấy bởi họ chỉ dưỡng không rèn, uống rượu bổ ăn đồ ngon ngủ với đàn bà nhưng không chịu lao động. Mồ hôi không thoát ra được nên máu huyết khó thông, cơ bắp không va đập ắt phải sớm chảy nhão... Anh thấy đấy, tôi lấy đâu ra tiền mà bồi bổ được như họ? Không sâm nhung quế phụ không hải mã hải sâm, thứ bổ dưỡng duy nhất tôi dùng là thịt dê, huyết dê, sữa dê, tinh hoàn dê, cao dê... Toàn cây nhà lá vườn không tốn kém. Nhưng tôi hơn họ vì ngày nào tôi cũng đi vài bài thái cực quyền, rồi tôi lên nương hoặc rảy cỏ vườn trồng rau trồng đậu... Anh kém tôi bao nhiêu tuổi? Già non bốn chục, đúng không? Vậy mà anh chẳng thể theo chân bầy dê leo lên những ngọn núi bên kia thung lũng Hươu Ðen, tôi tin chắc như vậy. Kể cả lũ trai hai mươi hai mốt cũng nhiều đứa bỏ cuộc. Nhưng tôi, tôi có thể đi với bầy dê tới con vực cuối cùng... Ông cụ ngừng lời, rót nửa bát trà, uống cạn. Bôn nhìn hai hàm răng ông lão chắc kìn kịt như có thể nhai được cả gỗ, bật lên hỏi:
- Bác còn ăn được mía không?
Ông già nhướng mắt nhìn anh:
- Tôi á?
Cất tiếng hỏi lại Bôn rồi, ông tủm tỉm cười bỏ xuống nhà ngang nơi chất chồng đám mía nhổ chiều hôm trước đoạn trở lại với một cây mía vừa dài vừa to vật vã, tì lên gối bẻ làm đôi, đưa cho Bôn khúc trên còn phần mình khúc dưới. Và rồi không róc vỏ không chặt khúc, cầm nửa cây mía dài ngang ngửa một thước tây ông róc vỏ ăn cho tới đốt cuối cùng mới ném rễ ra sân:
- Không phải vì lấy vợ trẻ mà tôi thích khoe khoang nhưng nhiều khi thiên hạ hay đánh đố những trò ngớ ngẩn... Thôi, bây giờ ta nói đến việc của anh... Anh còn trẻ, còn thời gian cải thiện quãng đời trước mặt. Nhưng đừng quên rằng anh đã qua hơn mười năm chiến tranh, sống cuộc sống bất ổn và hoàn toàn khác biệt với cuộc sống quê nhà... Ở đây, tuy cũng có bom đạn nhưng vẫn làng xóm ấy, rừng núi ấy, khí trời ấy, rau cỏ cây cối ấy... Trong những năm xa nhà, có thể anh đã phải uống nước độc, ăn những thứ độc rồi lam sơn chướng khí ngấm vào. Giờ, tôi sẽ bày cho anh những bài tập và các thứ thuốc uống để thanh lọc cơ thể, đẩy khí độc thoát qua đường nước tiểu và mồ hôi. Sau, tôi sẽ cho anh các bài thuốc và những món ăn tráng dương bổ khí...
Từ hôm ấy, mỗi tuần anh đến nhà ông lão hai lần để thực hiện các bài tập nhằm củng cố cơ quan nội tạng, lọc máu, thanh tâm. Chương trình này kéo dài hơn một tháng. Bôn thấy người sảng khoái bớt những cơn choáng váng và nước tiểu trong hơn nhưng khả năng tình dục dường như không thay đổi. Anh nói cụ Phiều và ông già bảo:
- Không thể nóng vội như vậy được... Cổ nhân dạy rồi: Dục tốc bất đạt... Anh phải nghe tôi...
Nhưng ba tuần sau anh đã phải nhắc lại lời thỉnh cầu:
- Bác cho cháu bài thuốc tráng dương... Cháu cần phải có con, càng nhanh càng tốt.
Ông già lắc đầu nhưng cũng chiều ý anh, cho anh bài Dâm dương hoắc Nữ-trinh tử-tật lê tử ngâm rượu. Ông còn dạy anh cách uống rượu dê với những món ăn tương hợp, cách nấu lẩu tinh hoàn dê với hạt sen củ sen củ súng, cách hấp tinh hoàn dê với hành tỏi ngũ vị hương và rượu mạnh, cách ăn gan dê nướng vào lúc người đang tháo mồ hôi và cách uống sữa dê vào buổi sớm...
Không điều răn bảo nào của ông Phiều, anh không thực hiện. Bôn lần mò xuống các làng xa mua hạt sen, củ sen, củ súng. Anh ngồi nhẫn nại hàng ngày bóc hạt sen, thông tim sen để có thể nấu món lẩu tinh hoàn dê tuyệt vời. Anh tìm những hòn đá già lớn gấp đôi viên gạch, nung nóng để nướng gan dê theo đúng cách cổ truyền. Mùi gan dê ướp gia vị nướng sém thơm nức, quyến rũ không chỉ lũ cháu đói của anh mà cả đến Miên...
Nhưng anh quyết không san sẻ những món ăn bổ dưỡng đó cho bất cứ ai, dù bị mang tiếng là kẻ tham ăn, quân phàm phu tục tử... Ðó chẳng phải những món ăn theo nghĩa thông thường, đó là vũ khí của anh để tái chiếm những thành trì đã mất:
Ta nhất quyết phải có con... Bằng mọi giá...
Cuộc mã hồi ngày càng gấp rút. Ngoài các thứ thuốc và các món ăn bổ dưỡng, Bôn sắc lá Dâm dương hoắc lên uống thay nước chè, kiểu như đám đàn bà đẻ phải uống nước lá gừng, và mỗi lần uống thứ nước khó ngửi ấy, anh lại tơ tưởng đến hình ảnh oai vệ của con dê đực đầu đàn, đứng ghếch chân trước cửa chuồng ban mai phân phối ái tình cho cả đàn dê cái, không bỏ sót mụn nào...
Một lần, tới nhà Xá chột chơi anh gặp bạn cùng trường cũ. Năm Bôn và Xá nhập ngũ, cậu ta đi thanh niên xung phong. Sau chiến tranh được học khóa trung cấp nấu ăn và giờ làm đầu bếp cho khách sạn lớn nhất thành phố. Cậu đầu bếp béo lặc lè, đỏ hồng tưởng như nhìn rõ cả đám vi huyết quản dưới lớp da láng mịn và mỏng như da trẻ nhỏ. Hồi cùng học cấp ba, cậu ta gầy gò xiêu vẹo như kẻ ốm đói trường niên. Bôn hỏi vì sao anh ta thay đổi đến thế? Cậu bạn nhăn nhó phàn nàn rằng cậu ta không muốn béo thêm và mỗi ngày chỉ dám ăn một bát cơm với rau quả nhưng vì nấu nướng nhiều chất dinh dưỡng thấm qua khứu giác lẫn da thịt nên cơ thể cứ tăng trưởng không sao kìm hãm. Nghe chuyện, Xá vỗ đùi bôm bốp:
- Vậy là mày có lá phổi thực vật trong cơ địa... Giống các loài cây hấp thụ dinh dưỡng trực tiếp qua lá, qua lớp biểu bì thân chứ không cần tới rễ... Thế nào mà một trăm anh đầu bếp một trăm linh một anh tròn thu lu...
Bôn im lặng, nhưng một ý nghĩ lóe lên trong đầu:
Nếu cơ thể con người có thể hấp thụ dinh dưỡng theo kiểu lá phổi thực vật thì từng bộ phận trên cơ thể cũng có khả năng đó, vì con người là bộ máy hoàn chỉnh và mọi bộ phận đều liên đới với nhau...
Hôm sau, trong khi chọc tiết dê, anh hứng một phần tiết vào chiếc gáo dừa. Chờ lúc Miên đi vắng, anh chốt chặt cửa buồng bắt đầu cuộc thí nghiệm lá phổi thực vật với bộ phận truyền giống của mình. Trước hết, anh hòa nửa phần rượu vào tiết dê đựng trong gáo. Sau đó, anh lựa một tư thế ngồi thích hợp để ngâm bộ phận sinh dục vào. Vừa ngâm, Bôn vừa lấy ngón tay nhẹ nhàng xoa vuốt để quá trình thẩm thấu diễn ra nhanh hơn. Vài giây đầu cái của quý đó mát rượi. Nhưng vài giây sau, nó nóng rần lên. Anh đã nức nỏm mừng thầm, không còn cảm giác hổ thẹn như lúc đầu khi cúi nhìn bộ phận mẫn cảm nhất cơ thể mình bỗng nhiên biến thành một loài động vật kỳ lạ tựa một thứ ếch nhái dị hình bơi lội lóp ngóp trong gáo nước lầy nhầy đỏ... Anh xoa vuốt niềm hy vọng của mình một cách hào hứng hơn. Nhưng dần dần, lớp da không còn ấm nóng mà bắt đầu xon xót và hơi rát. Ðiểm rát nhất chính là nơi đường tiểu thoát ra:
Cần phải kiên trì chịu đựng...
Anh tự nhủ. Nhưng lúc đó Miên gõ cửa buồng. Hẳn chị quay về vì sợ mưa. Bôn cuống quýt. Anh vội vã lấy chiếc quần đùi ném trên giường lau của quý để mặc quần dài. Rồi anh ra mở cửa. Trong lúc vội vã anh đá phải chiếc gáo dừa đang gá vào hòn gạch cạnh chân giường. Cái gáo lăn kềnh, chảy lênh láng khắp nền thứ máu dê hòa rượu. Miên sửng sốt khi thấy thứ nước đỏ kỳ quặc kia chảy đến tận nơi chị đứng:
- Anh làm cái gì vậy?
Chị hỏi:
- Không... tôi có làm gì đâu...
Anh đáp yếu ớt, mặt nóng bừng vì biết mình đã nói dối một cách ngu xuẩn. Nhưng Miên không hỏi gì thêm, đi ra khỏi buồng. Chị để cho anh thời gian thu dọn. Chị hiểu đó là một thứ thuốc thang ăn uống trong chương trình tu bổ sức khỏe của anh. Cái chương trình đã làm hao tổn túi tiền của chị một cách vô nghĩa lý. Ðã từ lâu, anh có thói quen xin tiền chị, cũng từ lúc ấy chị đưa tiền cho anh một cách lặng lẽ, không thèm hỏi han, căn vặn. Mỗi bận anh mua chung với ai một con dê hay đụng một đùi bê để làm thuốc hoặc tẩm bổ chị đều lẳng lặng đứng nhìn như một khán giả đứng xem trận bóng đá diễn ra trước mặt mà trong đó bên thắng lẫn bên thua đều chẳng liên quan tới chị.
- Xong rồi... Miên vào đi...
Anh vừa loay hoay lau đám rượu tiết dê trên sàn nhà vừa gọi. Máu dê thấm vào các mạch vôi không thể cọ sạch. Ðồng thời, cái bộ phận quý báu của anh sưng phỏng trong quần. Tối hôm đó, anh không dám mặc quần đùi đành lấy tấm khăn bông lớn quấn quanh hông đi ngủ. May là trời lạnh nên anh có thể trùm chăn tức khắc và Miên không thấy. Chị không nhìn anh bao giờ. Hoặc chị nằm thẳng đuột nhìn lên đỉnh màn, tay gác trán, hoặc chị quay lưng lại với anh. Và chị cố gắng tránh những va chạm có thể xảy ra giữa hai thân xác. Ðó là nỗi tủi nhục thường trực đày đọa anh. Nhưng vào lúc tai nạn nó lại trở thành điều may mắn. Miên không hay biết gì. Anh giữ kín bí mật trong hai tuần cho tới khi bộ phận bị tổn thương hoàn toàn bình phục.
Mọi nỗ lực của Bôn không vô ích. Sức khỏe anh khá hơn đôi chút. Anh ăn mỗi bữa thêm nửa bát cơm, có thể theo lũ dê tới những dốc núi để hái lá Dâm dương hoắc. Sự cải thiện ấy khiến anh phấn chấn nhưng vào lúc làm tình với vợ, niềm tin ở bản thân anh rơi mất.
Giường chiếu chẳng phải chiến trường, ở nơi đó người ta không thể thắng bởi cánh tay giơ lên trước quân kì thề "Quyết tâm tiêu diệt địch...". Anh biết ý chí của anh còn mạnh anh biết anh được may mắn gieo hạt giống trên một mảnh đất mở màu một miền đất hứa bất cứ người đàn ông nào cũng thém khát. Anh tự củng cố xác tín bản thân bằng cách lặp đi lặp lại những khát vọng tốt đẹp nhất như người theo đặo đọc kinh sáng kinh chiều để những ước vọng thâm nhập vào tâm hồn cùng thể xác và biến thành sức mạnh vậ chất...
Nhưng lúc trèo lên bụng vợ, thấy chị nằm bất động như khúc gỗ, gương mặt xa vắng hướng về nơi nào đó, tâm trí chị trôi dạt nơi chân trời góc bể nào đó, anh bỗng hụt hơi. Anh bỗng thấy anh trơ trọi như kẻ lạc rừng, hoảng hốt như đứa trẻ leo cây mà chẳng có ai đứng phòng hờ dưới gốc, hoang mang như kẻ bơi thuyền trong mù sương chẳng thấy giải bờ, và nỗi thất vọng khiến ngọn lửa sinh lực trong anh lụi tàn mau chóng... ngày mỗi ngày, anh càng giống kẻ bơi ngược dòng thác, bất cứ lúc nào cùng có cơ bị thác xô vào mỏm đá ngầm hoặc rơi xuống vực thẳm nhưng chẳng ai đưa cặp mắt lo âu rõi nhìn anh, chẳng ai giơ cánh tay vẫy gọi anh cất tiếng cảnh báo anh trước luồng nước xoáy hoặc reo hò cổ vũ khi anh vượt qua cơn sóng dữ...
Anh côi cút. Anh đơn chiếc tột cùng.
Miên đứng ở giải bờ xa ngái, cặp mắt đẹp phóng về chân trời riêng của chị, chân trời đó còn ngái xa hơn nơi chị đứng. Người đàn bà tồn tại bên anh như kẻ mộng du, chị chìm đắm liên miên trong cõi riêng của chị, cõi ấy không thuộc về anh.
Còn người chị ruột thịt của anh với lũ con bẩn thỉu chẳng khác chi lũ bò, lũ bê, bụi cây trên bờ sông... họ sống kiếp thú hoang và thảo mộc, họ không có ý thức về chính cuộc đời của họ huống hồ những đau đớn của anh?
"Con ơi, mẹ ra đi chẳng tiếc nuối gì... chỉ thương con côi cút."
Câu nói ấy mẹ anh đã thốt khỏi miệng bà trước khi tắt thở. Câu nói ấy giờ đây đập vào óc não anh mỗi ngày như điệp khúc của rừng già đập vào các lèn đá. Ngày ấy, anh còn nhỏ, giờ đã trưởng thành và anh hiểu thế nào là côi cút:
Khốn nạn thật, sao loài người lại chế tác ra cái từ ngữ ác độc ấy? Có lẽ, nó còn dữ hơn hổ báo, độc hơn rắn rết, tâm hồn con người tàn lụi, tan mủn nhanh hơn hết thảy các chất cường toan...
Trong buổi sớm thu này, những chùm hoa màu lục thẫm khiến tim anh tan vỡ. Chúng vừa như nhung lụa êm đềm vừa là chất cường toan độc hại hủy diệt một lần cả ý chí lẫn sự nhẫn nại trong anh. Anh ném chiếc liềm và bao đưng lá Dâm dương hoắc sang một bên, lăn xuống cỏ. Anh muốn gào, muốn thét, muốn đập vỡ khoảng trời thanh bình trên thung lũng, nhưng đàn dê nhà ai đó đang ăn lá quanh quẩn bên kia đồi, mấy gã chăn dê cũng lẩn khuất đâu đây, anh sợ họ coi anh là một gã điên. Nếu không thận trọng chỉ cần vài lần hành động rồ dại như vậy họ sẽ tống anh vào trại điên và như thế anh sẽ trở thành lột thằng điên toàn phần chết rũ giữa những bức tường giam hãm. Anh đánh đấm thùm thụp vào hai bắp đùi, hai bên hông, rồi đấm lên ngực. Nhưng nỗi đau thân xác không làm anh nguôi dịu. Một miền hoa lang bạt, một biển lục ngang trời, chao rỡn những con sóng cẩm thạch, chao rỡn lũ bướm trắng bướm vàng hoang lạc, chao rỡn lũ chuồn chuồn vô gia cư đang kì động cỡn. Cớ sao anh không được sống kiếp sống nhởn nhơ của muôn loài? Cớ sao anh không hóa thành thứ hoa kì bí kia, chỉ sống vài giờ thôi, nhưng là những khoảnh khắc viên mãn tột cùng, hạnh phúc tột cùng và kiêu hãnh tột cùng?
Rồi không nén được, anh kêu:
- Tiểu đội trưởng ơi, em khổ quá...
Tiếng kêu vẫn bị nén lại một phần trong họng vì anh chưa quên lũ dê lẫn bọn người coi dê bên kia đồi. Cổ họng anh rung rung vì đám âm thanh cuồng nộ bị giam hãm:
- Tiểu đội trưởng ơi...
Anh cất tiếng kêu lần thứ hai, vừa gọi vừa nhìn con bọ rùa lưng đỏ bò trên cọng cỏ trước mặt. Con bọ rùa lung linh như ngâm trong nước hoặc anh nhìn nó qua giọt lệ vừa trào lên khóe mi anh... dứt tiếng gọi, Bôn thấy tiểu đội trưởng ngay bên cạnh mình. Anh mừng rỡ định ngồi lên nhưng anh ấy giơ tay cản lại:
- Cứ nằm cho đỡ mỏi.
- Tiểu đội trưởng ơi, em khổ quá...
- Ờ, tôi biết.
- Tiểu đội trưởng ơi, em nhớ anh.
- Tôi cũng vậy.
- Sao anh không về chơi với em?
- Tôi cũng muốn nhưng âm dương đôi ngả. Ai vượt được cửa nhà trời?
- Em không muốn sống nữa.
- Đừng nói bậy.
- Em không thể...
- Tôi biết cậu khổ tâm, nhưng chẳng có cách nào... dù sao, cũng phải can đảm mà sống. Đã vượt qua ngần ấy năm chiến tranh không được phép chết.
- Nhưng em không muốn...
Anh hét lên và tiểu đội trưởng giơ tay phác một chỉ tỏ ý bất đồng:
- Đừng có ầm ĩ lên như vậy.
Anh im lặng nhìn Bôn vài giây, trách móc:
- Đàn ông gì mà bệt thế? Mà kìa, cậu lại còn khóc nữa...
Nói rồi anh khẽ lắc đầu.
Con bọ dừa lung linh trong nước. Thời gian lặng lẽ trôi theo từng bước nhích của con bọ có tấm lưng đỏm dáng. Tiểu đội trưởng đưa mắt nhìn cánh đồng hoa trước mặt, buông tiếng thở dài:
- Mà thôi... khóc cũng được... khóc đi một chút cho vơi lòng...
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!