Chốn vắng - Chương 17 (Dương Thu Hương)

136 lượt xem
Mùa săn tới dải núi phía Tây mang dáng vẻ mơ màng kinh dị. Màu xanh ẩm ướt của rừng xuân điểm những lũng hoa sặc sỡ điểm ngàn cánh bướm sặc sỡ khiến đôi lúc người ta sững sờ ngột ngạt. Trên các lèn đá, những nhánh dương xỉ cực lớn cực mọng vươn lên, thân căng nhựa, rung rinh trong gió, nở to thêm tong mưa bụi, trổ những bông hoa đỏ rợn hồn. Bầu trời lúc xanh veo xanh vắt lúc phủ làn mưa bụi liên xiên trắng như bột vãi, chân trời tựa cặp mắt lúc khép lúc mở thi thoảng gợn lên một dải mây dài và mảnh như tấm lụa óng sắc ngọc trai. Ðột ngột, trong những ngày mưa bụi chưa ngừng, tiếng kèn săn rúc lên góc rừng xó núi, vang tới tận các xóm trại các nương tiêu nương sắn, các dải đồi trồng cà trồng ớt các thung lũng thả bò các dốc lóc cóc bầy dê... Tiếng kèn đó gọi người dân Xóm Núi và các vùng kề cận, khêu trong máu họ mùi vị hoan lạc cổ truyền, dóng lên thứ âm thanh xưa cũ làm rộn ràng máu huyết mời gọi bước chân và thú phiêu lưu. Những người đàn ông lôi cây súng săn cất ở xó kín, gỡ lớp giẻ tẩm dầu mỡ chống rỉ, chọn ngày nắng ấm ra sân lau chùi tra dầu mỡ, đếm lại số đạn dự phòng, tìm mua đạn mới. Rồi một ngày nào đó, họ sẽ vào rừng. Nơi ấy, họ cùng một lần tìm được thú phiêu lưu lẫn thứ thực phẩm thượng hạng, nếm lại mùi vị mê hoặc của huyền thoại mỗi năm chỉ được thụ hưởng một lần nếu thần may mắn chạm tay vào nòng súng. Nơi ấy, cũng có thể khiêng ra những kẻ rủi ro, đầm đìa máu, tay chân gãy cụt, mặt méo mó biến dạng vì gấu tát hổ vồ hoặc vì húc phải lợn độc thứ lợn lòi thành tinh biết đoán định đường đạn biết lẩn tránh hiểm nguy và thích tiêu diệt lọi kẻ thù đi bằng hai chân dưới...
Những người đàn bà trong vùng nhìn dải núi xanh rì, nơi mùa săn lên tiếng gọi chồng con họ mà không dám can ngăn. Họ biết ma lực của màu xanh kinh dị, họ hiểu ma lực của tiếng kèn âm vang quanh quất lúc khoan lúc nhặt, biết lì lẽ và kể cả những giọt nước mắt của họ cũng chẳng mùi mẽ gì trước sức mạnh thần bí của mùa săn. Họ đành lặng lẽ nhìn những người đàn ông vào rừng và âm thầm chờ họ trở về...
Ngay từ đầu mùa săn, Xá chột cùng mấy tay lính phục viên đã tới rủ Bôn nhập hội. Anh không có súng họ sẽ cho mượn súng, anh không sẵn tiền mua đạn họ sẽ cho anh vay tiền mua đạn, anh chưa từng mon men tới cửa phường săn họ cam kết sẽ giới thiệu anh nhập hội, tựu trung họ muốn đề cao thanh thế của cánh cựu chiến binh trong lãnh địa thiêng liêng này, và đó cũng là thứ tình cảm của những kẻ đã cùng xe chia thời cam khổ. Bôn khước từ tất thảy. Anh không muốn vào rừng, cũng chẳng muốn đi săn. Cuộc săn đuổi duy nhất anh dấn thân lúc này không phải cuộc thao diễn trong triền rừng mơ mộng và kinh dị, trong tiếng kèn run rẩy lúc vuốt dài như gió lúc vút cao như tia nước vọt tự mạch ngầm lúc lan tỏa âm u như sương trùm phủ kín núi rừng nương đồi, xóm trại. Anh ngồi trước sân nhìn chân trời phía tây, nghe tiếng kèn gọi bạn săn vọng về thấy tâm hồn anh đang tách khỏi thân xác anh bay lang thang vô định, tâm hồn anh như sợi bồ công anh gió cuốn không biết bay đi đâu, về đâu? Cuộc nỗ lực sinh cho được đứa con xem chừng càng ngày càng vô vọng. Miên đã công khai trở về nhà cũ. Buổi sớm chị đưa đứa con trai về đó, chăm sóc vườn tược, dạy con học vỡ lòng, bàn bạc công việc với người quản gia cho tới bữa cơm chiều mới quay lại với anh. Ðã nhiều lần rình mò, chưa lần nào Bôn bắt gặp người chồng trước trở về đó nhưng khoảng thời gian Miên đi vắng là khoảng thời gian tù đày, anh không thể làm một việc gì cho đến đầu đến đũa, kể cả việc lên núi hái lá Dâm dương hoắc hoặc ngồi nấu những món ăn bổ dưỡng. Anh lật đật làm mọi việc, lật đật đi theo chị vòng vèo quanh quẩn qua đường ngang lối tắt, lúc ghé nhà người quen vờ mượn cuốn họa báo hoặc xin nắm rau thơm, lúc ngồi lì nơi nhà Xá chột hoặc mấy người bạn đồng môn rình rập. Anh thấy mình khốn khổ hèn hạ, nhưng anh không thể không khốn khổ hèn hạ, không thể dập tắt lòng ghen, không thể quên đi hình ảnh chiếc quần đùi sang trọng lớn gần gấp đôi chiếc quần anh mặc, không thể gạt khỏi trí tưởng tượng những so sánh vụng lén và chua xót. Anh nghĩ tới ngôi nhà mênh mông của người đàn ông đó, nơi anh đã qua đêm đầu tiên khi trở về làng, đã trằn trọc trên tấm phản xà cừ nhễu đầy ánh trăng, đã nhìn người vợ ngày xưa của mình như nhìn một bà chủ cao sang và xa lạ... Vào khoảnh khắc đó, anh tưởng đã vĩnh viễn mất chị. Nhưng chị đã trở về cùng anh trong gian nhà lá tồi tàn, sẻ chia giường chiếu với anh. Anh đã tự nghĩ mình là kẻ may mắn nhất trên đời, giống gã ăn mày không những xin được phần xôi lại còn là xôi gấc. Trời cho anh cơ hội vàng và anh sẽ bơi được tới giải bờ hạnh phúc:
Chiến tranh cũng như đời thường, thằng nào lì đòn thằng ấy thắng...
Anh nhắc thầm câu nói của tiểu đội trưởng mỗi sáng, mỗi chiều như kẻ sùng đạo đọc kinh. Anh lặp lại nó trăm lần như niệm chú trên con đường quen thuộc dẫn tới những dốc đá cheo leo mọc Dâm dương hoắc, anh thì thầm câu đó trong dạ mỗi lần tủi hổ ngửa tay cầm tiền của vợ, anh lập lại nó giữa hai hàm răng nghiến chặt giống kẻ buông lời thề độc sau mỗi cuộc làm tình hẫng hụt sau những nỗ lực không thành và anh đành đứng nhìn Miên tắm ngoài vườn mùi nước lá Thạch trinh hương xông ngút ngát... Nhưng cái điệp khúc ấy lần hồi cũng sờn mòn như thứ vải giặt nhiều lần bằng sút. Lần hồi, Bôn cảm thấy chúng rã ra từng mảnh, tựa những mảnh rêu nổi lều bều trên mặt nước. Anh biết anh không còn đủ can đảm dán dòng chữ đó như dán lá bùa trước ngực để che chắn ma tà để giữ được niềm tin vào bản thân. Một ngày, Miên nhìn thẳng vào anh và nói:
- Từ mai, em sẽ đưa cu Hạnh về nhà cũ, con em cần chơi đùa ở đó. Nó đã chán mảnh sân chật hẹp nhà dì Huyên.
Anh đứng lặng như bị ai đấm vào gáy một cú đau điếng. Mãi sau anh mới cất tiếng nổi:
- Em... Miên đừng làm thế... Xóm làng dị nghị.
Chị lạnh lùng đáp:
- Xóm làng nói gì mặc họ. Em muốn con em được sung sướng. Bố nó ở trên thành phố, chỉ về Xóm Núi ngày Chủ Nhật. Chủ Nhật em sẽ ở lại nhà anh.
Ngừng một lúc chị nói thêm:
- Ở đây, không thứ gì sinh nở ra tiền. Muốn sống phải làm việc. Ðằng kia, em có nương vườn đủ các nguồn thu. Ông già Lư giúp em coi sóc.
Tới đó, Bôn tắc họng. Nương của anh vẫn nguyên là mảnh đồi hoang rậm. Anh cuốc đất hai lần thử sức, cả hai lần đều đổ bệnh nằm dán xuống giường cả tuần lễ. Lần đầu, Xá chột nghe tin mang chục trứng tới thăm. Vào lúc Miên sang nhà dì Huyên chăm đứa con trai mọc răng hàm, Xá bảo:
- Cậu tưởng cuốc nương ngon như hồi mười tám hay sao? Lãng mạn bỏ mẹ...
Anh lặng im, và Xá tiếp:
- Cậu biết tay Hoan chồng cô Miên làm nương ra sao không? Khởi đầu hai vợ chồng họ cũng tay cuốc tay cày như mọi người, nhưng sau đó Hoan đã phá một lúc ba nương tiêu và một nương cà-phê nhờ hoàn toàn vào sức dân Xóm Núi và hai làng phụ cận. Thời đó, hàng hóa cực hiếm, người ta phải phân phối từng chiếc quần đùi tới miếng xà-phòng giặt nhưng anh ta đã kiếm được hàng bao tải áo quần, các loại thực phẩm quý, các loại thuốc lá, rặt những thứ hàng cao cấp sĩ quan quân đội mới dám sờ tới. Hoan nhờ bà con khai nương, trả công bằng hiện vật. Chẳng cứ dân Xóm Núi mà ai ai cũng náo nức đến làm cho anh ta, vừa được tiếng vừa có thứ cần dùng. Bằng cách ấy Hoan khai nương mở rẫy nhanh hơn các nông trường quốc doanh trong tỉnh. Sau ngày hòa bình, hàng hóa không còn khan hiếm như trước, Hoan thuê người trả công sòng phẳng. Anh ta sắm được máy cày tay, máy bơm nước, máy phát điện sớm nhất vùng... Ðã lần nào cậu đến nương rẫy nhà họ chưa?
- Chưa... Tôi chưa rảnh...
Bôn đáp, dù đã nhiều lần anh lượn lờ thầm vụng ngắm những vườn tiêu và cà-phê của kẻ địch tình.
Xá giương con mắt lành nhìn chòng chọc vào mắt Bôn. Và anh đành nói tiếp một câu vô vị:
- Mà tôi cũng chẳng liên quan gì tới vườn tược nhà họ...
Xá thở dài đánh khượt:
- Dù có rúc đầu vào cát như con đà điểu cậu cũng thua kém người ta đủ bề. Nói cậu đừng giận. Làm người phải có gan nhìn vào sự thật. Từ buổi đầu tôi đã bảo cậu nên tỉnh táo trước hoàn cảnh của mình. Làm sao cậu thắng nổi trong cuộc cạnh tranh?
- Tôi chẳng cạnh tranh với ai hết... Tôi sống phần đời của tôi, tôi cày mảnh đất của tôi...
Anh nổi sùng, vặc lại Xá. Xá bỏ tay vào giỏ, lấy từng quả trứng đặt lên đĩa cho Bôn, những quả trứng tươi hồng mà Bôn biết rõ là cô vợ đảm đang và tốt bụng của Xá đã nhặt từ dãy ổ gà đặt phía sau chuồng lợn, dưới một túp tranh được gá mấy mảnh ván tạm làm chuồng. Xá hứa với vợ sẽ đóng cho cô chiếc chuồng gà thật oách, đủ nuôi một lần ba chục gà thịt và mười hai ổ trứng nhưng anh ta bận đi rừng, làm nương, đóng đồ mộc, xẻ gỗ và giúp đỡ xóm giềng, làm cái thứ công việc mà mọi người đều gọi là: Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng... Bởi thế cái chuồng gà vẫn còn là lời hứa và cô Xoan vẫn nuôi gà trong cái chái tuềnh toàng nhưng người đàn bà thảo lảo đó rất mát tay nên mấy bố con Xá quanh năm ăn trứng thỏa thuê:
Tại sao Miên không chịu nuôi lấy vài lứa gà nhỉ? Vườn nhà rộng và ta tuy yếu nhưng cũng thừa sức đóng được chiếc chuồng gà... Ta không thể lặn lội rừng sâu làm sơn tràng như Xá nhưng...
Anh nghĩ tới đó chợt dừng lại, bởi anh hiểu Miên không bao giờ nuôi một loại gia súc nào trong ngôi nhà này, nhà của anh. Chị đã thử gieo vài luống cải nhưng cải chưa kịp lớn đám con Tá đã nhổ sạch. Miên sống ở đây như khách trọ. Chẳng ai gieo cấy, nuôi trồng trong mảnh vườn lữ quán... Anh biết Xá có lý nhưng không dám thừa nhận.
Sau cùng, anh bảo bạn:
- Tôi đợi sức khỏe hồi phục, lúc đó tôi sẽ ra tay. Cậu thấy đấy, thời chúng ta đi học...
Xá lắc đầu:
- Liệu bao giờ sức khỏe cậu hồi phục? Và liệu bao giờ cậu sẽ ra tay? Tôi đéo tin những chữ sẽ trên đời. Một trăm thằng nói sẽ chín mươi chín thằng bịp.
- Thế anh muốn tôi phải làm gì?
- Cậu không thể sống mãi bằng tiền của cô Miên. Tôi đã nói rồi, ấy là tiền của người đàn ông kia để lại.
- Anh nói lạ... Nếu anh ốm, anh sẽ nhờ vợ anh hay ra đường ngửa tay ăn mày?
Xá bất đồ vung tay đứng dậy, con mắt lành của anh ta long lanh lửa giận và anh ta nói như hét vào mặt Bôn:
- Cậu không ví được với tôi... Nếu tôi ốm, tôi sẽ nằm thẳng cẳng ra giường. Con vợ tôi sẽ phải cơm bưng nước rót, sẽ phải nấu nước lá cho tôi tắm, kì lưng gội đầu cho tôi... Nếu tôi chẳng may bán thân bất toại nó sẽ phải bưng bô đổ cứt cho tôi... Và tôi cũng sẽ hầu hạ nó như vậy nếu chẳng may nó gặp tai nạn, giống như bất kì thằng đàn ông có lương tri nào khác... Nhưng cậu không thể ví với tôi...
Nói tới đó Xá chợt dừng lại đột ngột, cánh tay anh ta buông thõng và anh ta lại ngồi xuống ghế. Bôn biết rằng bạn đã ghìm lại câu nói sau chót, câu nói đó có thể là một đòn quá tàn nhẫn với anh. Hai người lặng im hồi lâu. Sau đó Xá lên tiếng:
- Tôi về đây.
- Phải, anh về.
Anh đáp lạnh lẽo.
Xá ra sân rồi lại quay vào:
- Này Bôn.
- Có chuyện gì vậy?
- Chúng ta là bạn từ thuở cởi truồng, lại cùng là lính giải ngủ, cậu hiểu điều đó chứ?
Bôn ân hận nên dịu giọng:
- Tôi biết anh là người tận tâm nhất với tôi trên cõi đời này.
- Thôi được, nếu cậu hiểu cho tâm địa tôi, tôi xin nói lại lần nữa. Cậu có thể có được một cuộc sống khác, hạnh phúc khác... Tôi nghĩ, có một thứ trong tầm tay cậu...
- Anh lại muốn nói tới cái nông trường với hai trăm cô thanh niên xung phong chứ gì?
- Phải, cậu bạn tôi vừa được bổ nhiệm từ trưởng phòng tổ chức lên thẳng giám đốc. Giám đốc cũ được triệu về Hà Nội. Cậu ấy có thể thu xếp được một chỗ yên ấm...
- Cảm ơn anh nhưng tôi không thể.
- Cậu nhất quyết ở lại đây?
- Ðúng.
- Cậu đã tính kỹ mọi bề?
- Tôi yêu Miên. Tôi muốn có con với Miên. Ðứa con chúng tôi sẽ hòa trộn hai dòng máu và cô ấy không bao giờ có thể tách khỏi tôi.
Xá đứng ngây nhìn anh như nhìn người rơi từ sao Hỏa. Dường như anh ta định nói thêm điều gì nữa nhưng sau rốt yên lặng quay đi. Lần này, Xá đi thẳng.
Lượt Bôn cuốc nương lần thứ hai đổ bệnh Xá không đến. Anh ta cho thằng cu lớn đem cho Bôn một mái gà. Nhưng tịnh không lời thăm hỏi. Rồi mùa săn tới, Xá đột ngột cùng bọn cựu chiến binh đến rủ anh vào phường săn. Anh ta vẫn tinh ranh, xốc nổi như thế, con mắt lành vẫn long sòng sọc, tay chân vẫn khua khoắng hăm hở như gã trai tơ... Bôn từ chối, nhưng khi Xá cùng đám bạn săn ra đi anh nhìn theo họ, lắng nghe tiếng cười nói lao xao vui vẻ của họ, thấy tay chân rã rời, chân trời trước mặt anh nứt rạn từng mảng và tâm hồn anh tách khỏi thân xác phiêu du trong không gian vô định. Ðôi lúc, tiếng kêu của lũ bò hay đàn dê nhà ai về chuồng khiến anh bừng tỉnh giấc mê ngày, và anh mường tượng lại cuộc chuyện trò của anh với Xá, nhìn thấy ánh mắt tinh quái sắc nhọn đầy ngờ vực của gã thần hộ mệnh:
Có lẽ Xá có lý. Ta không thể so sánh với anh ta. Cuộc sống lứa đôi của họ khác ta...
Những cuộc làm tình khốn khổ của anh nối tiếp không ngừng và cũng không ngừng trượt xuống rãnh sâu tuyệt vọng. Dường như càng ngày anh càng đắm đuối càng rồ dại càng quỵ lụy hèn mọn Miên càng lạnh lùng băng giá. Họ thường để đèn đêm và vì thế sau mỗi cuộc làm tình anh không thể không đưa mắt vụng lén quan sát gương mặt chị. Lần nào anh cũng thấy chị nhìn đâu đó với ánh mắt nhẫn nại với vẻ chịu đựng và sự nhờn tởm không che giấu. Rồi sau những giây phút đó, dù trời nóng hay lạnh dù non nửa đêm hay gần về sáng bao giờ chị cũng vùng dậy nấu nước lá Thạch trinh hương ra vườn tắm. Một đêm Tá rình mò, chờ đúng lúc Bôn đi tiểu vào chắn lối hỏi:
- Ðêm nào cô ấy cũng tắm như vịt thế hả?
Hai mắt Tá long lanh như hai hòn than hướng vào anh. Bôn gắt:
- Vợ tôi muốn tắm lúc nào là quyền của cô ấy, không dây dưa đến chị.
Tá thấp bé nhưng lúc đó làm điệu sừng sộ, chống hai tay lên hông.
- Tôi là chị cậu...
Bôn bảo:
- Chị đi ngủ đi.
Tá nói:
- Cha mẹ chết rồi, chỉ còn tôi... Tôi không muốn người ta khinh bỉ cậu.
- Nếu chị muốn người ta đừng khinh bỉ tôi trước hết hãy bảo lũ con thôi vác rá sang đây xin gạo, thôi vác bát sang đây xin thức ăn...
Nói tới đó, một cơn phẫn uất bỗng dưng xộc tới khiến cổ họng anh tắc nghẹn, sống mũi anh cay xè, anh phải cố ghìm nén để không giáng một đấm vào mặt người đàn bà anh phải gọi là chị:
- Ði đi... Vào buồng của chị. Và đừng để tôi nhìn thấy mặt...
Sau cùng, anh gằn từng lời một. Có lẽ điệu bộ dữ dằn của anh khiến Tá sợ. Chị ta làu bàu:
- Ðồ ngu... Người ta muốn tử tế thì lại sinh sự...
Ðoạn quay ngoắt vào buồng. Bôn đứng lại đó, biết Miên đã nghe hết cuộc đối thoại của họ nhưng chị vẫn tiếp tục tắm, tiếng nước xối không ngừng, thong thả và bình thản. Tiếng xối đó như dầu sôi tưới lên mặt anh, da thịt anh, tâm hồn anh:
Mẹ cha ơi, sao con nhục nhã như vầy? Uổng bao năm đèn sách?
Lúc đó, trong anh tiếng hét vọt lên và anh cảm thấy anh cần phải chết, phải giết người hoặc làm điều gì đó để chấm dứt cuộc sinh tồn. Nhưng anh vẫn đứng chôn chân trước cửa gian buồng, trời đêm mát lạnh bên trên, ánh lửa bờ giếng ở ngay trước mặt soi mập mờ da thịt của người đàn bà đang tắm. Anh không biết vì sao, anh vẫn si mê chị. Một nỗi say mê tủi hổ, tuyệt vọng nhưng chẳng cách nào chấm dứt.
Ta đã chọn con đường này, ta đã đánh hết đời ta vào canh bạc này. Cổ nhân đã dạy rồi:
Bước chân đi cấm kì chạy lại. Bước chân lại chó dại cắn chân...
Ta không còn ngả rẽ...
Cứ cho những lời Xá có lý, giờ đây nếu anh tới nông trường kia tìm trong hai số cô thanh niên xung phong quá lứa một bạn tình, chắc gì anh đã hạnh phúc hơn những ngày sống ở Bản Kheo cùng nàng Thoọng? Những năm lạc đơn vị, bạt rừng, mấp mé bờ cái chết, người đàn bà Lào câm điếc ấy đả ấp ủ anh, che chở anh, yêu thương anh với một tình yêu đắm đuối nồng nàn và đầy nhẫn nhục... Nhưng lúc ấy, anh cũng đã làm tình với chị với vẻ ban phát, lạnh lùng cao ngạo như Miên đối với anh bây giờ. Anh đã nếm đúng thứ quả đắng người đàn bà Lào yêu anh phải nếm. Cuộc đuổi bắt trớ trêu, thứ ái tình oan nghiệt Ông Tạo tròng vào cổ những kẻ rủi ro. Anh nhớ tới gương mặt nàng Thoọng, màu váy áo của nàng và những năm tháng anh gửi lại bên kia cách rừng biên giới...
Dạo đó, anh lạc đơn vị. Trong một cuộc hành quân bí mật mà các hạ sĩ quan và lính tráng chỉ đoán được lờ mờ qua các cuộc tập huấn ngắn ngày, vội vã nhưng vô cùng gay gắt. Ban ngày, tất cả mọi người đều ngủ, nguyên trong trang phục chiến đấu, không rời vũ khí, lá ngụy trang trên mũ và quần. Bắt đầu nhọ mặt người các cánh quân xuất phát không kèn trống, không quân lệnh rõ ràng mà các khẩu lệnh hẹp được truyền từ tiểu đội này sang tiểu đội kia, với một giọng thì thầm như sợ cây rừng là các mạng ra-đa giăng bẫy bắt tin cho địch. Như vậy, họ mò mẫm tiến lên trong bóng đêm, người nọ nối lưng người kia bước nhờ nghe hơi thở, nghe tiếng bước chân, ngửi mùi mồ hôi và thi thoảng, nhờ lân quang rọi chiếu từ những đám nấm lửa hoặc lá mục. Nửa đêm cuối tuần, bom đánh tan tác phân cắt đoàn quân thành các mảnh vụn. Bôn bị bom ném ngất xỉu. Lúc anh tỉnh dậy, xung quanh chẳng bóng người. Trời đã rạng sáng và anh nhận ra anh đang nằm chênh vênh trên đám bụi cây mọc lưng chừng vực. Trên đầu anh là vách đá gần như dựng đứng thả các chùm dây leo, dưới chân anh chừng hai mươi thước là dòng khe róc rách chảy. Có lẽ, chỉ nhờ phép lạ của thần Rừng hay quỷ Núi anh mới rơi trúng bụi cây kia và sống sót. Thứ dây leo mảnh dẻ trên đầu anh ngay đến loài khỉ bầy nặng vài ba cân cũng khó leo huống hồ anh, ít nhất cũng trên dưới nửa tạ. Con đường hành quân giờ chắc đã nát nhừ, và chẳng biết bao nhiêu người đã chết còn bao nhiêu kẻ may mắn sống sót như anh? Bôn định hú gọi đồng đội nhưng anh ngờ tiếng gọi của anh có thể chỉ đường cho một nhóm thám báo hoặc biệt kích nào đó hơn là những người cùng hàng ngũ. Anh đành nín lặng tìm lối thoát thân.
Ðường leo lên không có, chỉ có thể bám sát vào vách đá bò dần xuống lòng vực rồi cứ thế men theo khe nước đi ngược lên. Ðá lởm chởm, thẳng đứng nhưng có những bụi rậm nhỏ hoặc những loài gai bụi từ các hốc đâm ra. Bôn níu lấy chúng, tụt từng bước xuống lòng khe. Phải gần một giờ sau anh mới chạm chân tới đáy vực. Nước cạn nhưng buốt lạnh. Anh lần theo dòng nước đi ngược lên. Năm ngày sau, ăn hết mẩu lương khô cuối cùng anh mới tới được đoạn vực nông lòng, vách đá có thể leo lên được. Tới bờ vực, Bôn nhằm hướng Ðông mà đi, hy vọng gặp đường biên giới nơi những toán giao liên dẫn quân ra vào. Nhưng sau ba tuần sống bằng củ mài với nước suối, anh đặt chân tới một bản Lào heo hút. Mảnh đất hoang vu ấy rất đẹp. Sau những ngày rúc ráy trong rừng anh được vươn thẳng lưng nhìn chân trời, thở hít không khí thoáng đãng giữa thung lũng tràn đầy nắng ấm. Ở đó, mọc thứ cỏ xanh dịu chưa từng thấy trên đất Việt. Men theo các thung, những rặng cây hoa vàng đứng như ngái ngủ. Hẳn chiến tranh không chạm tới đây. Có lẽ đó là sự vô tình hoặc một ngoại lệ hiếm hoi. Bôn nhớ anh đã đứng rất lâu trước thung lũng, nửa như mơ nửa như tỉnh, vừa đói khát rã rời vừa cảm thấy tâm hồn bình ổn lại. Sau một hồi lâu anh mới tiếp tục vượt qua thung lũng vào bản. Buổi trưa im lặng, tiếng chó sủa cũng lười biếng không buồn cất lên, mọi người mọi nhà đều chìm vào giấc ngủ chỉ riêng đám gà trống cất tiếng gáy để đánh thức những rặng cây hoa vàng trong thung lũng. Qua những bụi mía và rừng bí ngô, anh bước tới trước cầu thang ngôi nhà sàn đầu bản. Ðứng dưới dãy đu đủ trĩu trịt quả chín, anh cất tiếng gọi rất lâu nhưng không ai đáp lại. Khi đã hoàn toàn thất vọng, Bôn định lê sang ngôi nhà sàn thứ hai, bỗng có tiếng sột soạt sau lưng. Anh quay đầu lại và tức khắc đôi mắt tròn thô lố ngây dại của một người đàn bà hiện lên trước mặt anh. Cô ta vừa chui ra từ vườn mía ra, một tay cầm con dao đầy bụi phấn, tay kia lôi bó mía.
- Chào cô.
Bôn lên tiếng.
Người đàn bà gật gật đầu, cặp mắt tròn ngây dại vẫn nhìn như dán vào anh. Bôn đang khát. Và anh không cầm lòng đậu liếc nhìn bó mía. Người đàn bà kia hiểu ngay tức khắc. Cô đưa ngón tay trỏ chỉ vào miệng anh rồi nuốt nước bọt khan vài lượt, Bôn hiểu rằng cô bị câm, anh gật đầu, đưa ngón tay trỏ vào cổ họng mình. Người đàn bà Lào giơ tay chỉ về phía cầu thang, phác một cử chỉ cho anh bước theo rồi cô ta thoăn thoắt leo lên trước, vừa leo vừa kéo bó mía theo. Bôn bước theo cô, mùi hôi từ tấm váy người đàn bà thốc vào mũi anh nhưng cảm giác khó chịu ấy kéo dài không lâu khi anh đặt chân lên sàn, bóng râm mát của mái lá che cái đầu nóng bỏng của anh, không gian yên tĩnh mát mẻ vây phủ tấm thân mệt mỏi và tâm hồn rã rời khắc khoải của anh. Nhà sàn nơi đây rất rộng, không có thứ vật dụng gì ngoài những tấm thảm rải vải lanh thêu rực rỡ. Có hai đứa trẻ đang dang chân tay nằm ngủ. Ngủ rất say, chúng không hay biết sự hiện diện của kẻ lữ hành đói khát. Người đàn bà câm lấy bát rót nước từ chiếc ấm sành đặt trên bếp đưa cho Bôn. Anh uống một hơi cạn bát nước mà không kịp nhận biết mùi vị. Người đàn bà tiếp tục rót cho anh bát nước thứ hai đoạn lấy dao chặt mía thành từng khúc. Xong xuôi, chị ta bỏ tất cả mớ mía đã chặt vào chiếc thúng, đặt trước mặt Bôn. Rồi, ngồi xệp xuống bên anh theo kiểu ngồi thường thấy ở những người đàn bà vùng núi, chị cầm khúc mía tước vỏ ăn như để làm gương. Bôn không nói gì thêm, lẳng lặng xước mía ăn liền ba tấm. Gian nhà chỉ vang lên tiếng họ róc vỏ và hít nước. Một thứ âm nhạc câm lặng có đôi phần dung tục, nhưng lúc đó, anh như được hồi sinh. Anh thở. Và chừng vài phút nữa, cơn đói gào réo. Lúc đó Bôn mới biết rằng anh vừa uống hai bát nước chè già, thứ chè dại mọc rất nhiều ở phía Tây dải Trường Sơn, uống thứ chè đó không ngon nhưng rất tỉnh và điều tệ hại hơn, rất đói. Cơn đói trường kỳ của ba tuần lễ dồn vào lúc ấy, khiến Bôn bất giác ôm bụng. Người đàn bà hiểu ngay. Cô đứng lên, lấy trên gác bếp chõ xôi, vét trong đó được hơn một bát đem lại cho Bôn, rồi đưa cho anh một chiếc bát nhỏ hơn đựng muối vừng đen giã lẫn củ sả. Anh đã ăn bát xôi ấy, ngon hơn thảy những bữa ăn ngon lành nhất anh từng được hưởng... Người đàn bà Lào ngồi đối diện với anh, hai bàn tay ấp lên đùi, tấm váy thêu xòa ra trên sàn gỗ. Bôn nhìn những hình hoa văn trên tấm váy, thấy chúng đẹp lạ thường, chúng đã cứu anh khỏi vực thẳm, rừng sâu, sợ hãi đói khát và cô quạnh, lũ cừu thù vây rượt anh gần một tuần trăng:
Ta còn sống... Dù chẳng tìm được đơn vị nhưng đã may mắn thoát khỏi bọn thám báo lẫn vuốt hổ. Người đàn bà này là thần hộ mạng của ta...
Anh đã nghĩ vậy, tràn ngập lòng biết ơn với cô, hướng về cô ánh nhìn trìu mến và nói:
- Cảm ơn cô.
Người đàn bà chừng như cảm nhận được điều anh nói. Ðôi mắt cô cụp xuống trong một thoáng sung sướng e lệ. Rồi cô chạy vào một trong số ba gian buồng thưng gỗ trên ngôi nhà sàn thênh thang. Lát sau, cô mang ra cho anh một đĩa mứt gừng. Bôn nhấm nháp thứ mức cay sặc, bốc mùi mật mía, toàn thân anh ấm nóng lên mau lẹ và khi anh ăn hết đĩa gừng, mồ hôi anh thoát ra đầy cổ đầy lưng. Người đàn bà đem tới một tấm khăn bông lớn cho anh lau mặt, lau cổ rồi cô tiếp tục đưa tới cho anh một tấm gối. Bôn nằm xuống, mãn nguyện chìm vào giấc ngủ. Anh ngủ như thế cho đến tận sáng hôm sau, một giấc ngủ thần tiên không mê hoảng, không sợ hãi, không phải giỏng tai lên nghe ngóng dè chừng thù địch hay muông thú. Khi Bôn ngồi dậy, ngôi nhà đã đầy người. Tất cả đều ngồi quanh bếp lửa. Và tất cả đều hướng về anh cái nhìn hân hoan, chờ đợi. Trước hết, là một người đàn ông cỡ ngoài ba mươi tuổi, anh đoan chắc là anh ruột của người đàn bà câm vì anh ta có vóc dáng và gương mặt y hệt như cô em nhưng tất thảy các đường nét đều đẹp hơn, tinh tế hơn nhất là đôi mắt xếch sắc lẻm sáng quắc như mắt những kẻ nhập đồng. Vợ anh ta ngồi bên, nhỏ nhắn mũm mĩm như một con búp-bê lớn với cặp má hồng tươi tốt và dù đã có hai con trông chị ta vô cùng trẻ. Ngồi đối diện với cặp vợ chồng người anh và hai đứa con trai họ là một cặp vợ chồng già, rất già... Có lẽ họ phải ngót trăm tuổi nhưng vẻ rất tinh tường, cả hai đều mặc quần áo đẹp. Anh trai người đàn bà câm đứng dậy trước tiên, tiến lại phía Bôn chìa bàn tay cho anh với mối thiện tình không cần lý giải. Bôn cũng đưa bàn tay của anh ra như sự đáp lời. Hai người đàn ông nắm tay nhau. Và đó là thứ ngôn ngữ duy nhất để họ trao đổi. Sau thủ tục ấy, tất cả mọi người đều thở dài khoan khoái, dường như một thứ giao kèo đã được ký nhận, đặc biệt sung sướng là người đàn bà câm.
Cô ngồi phía sau chị dâu, hai chân gập lại, tấm váy mới xòe quanh khoe trọn vẹn những đường hoa văn rực rỡ. Anh trai cô nắm tay Bôn dẫn tới trước cặp vợ chồng già. Theo các cử chỉ và vẻ mặt của anh ra, Bôn biết đó là những bậc trưởng thượng trong làng bản, những người có uy quyền cao nhất trong dòng tộc và có thể thay thế sứ mạng của những bậc phụ huynh đã chết. Cặp vợ chồng già lần lượt lên tiếng, vợ nói trước, chồng nói sau, chậm rãi và trang trọng, một thứ ngôn ngữ anh không hiểu nhưng anh đoán được nội dung và sự thô mộc giản đơn của chúng. Anh im lặng, tỏ ý tuân phục, dù cho đến lúc ấy, anh cũng chưa kịp hiểu họ yêu cầu điều gì nơi anh và anh tuân phục những gì? Ông già nói xong, vẫy người đàn bà câm tới trước mặt Bôn, ông cầm tay Bôn và cầm tay cô, đặt vào nhau. Bôn để mặc cho họ hành động. Anh hoàn toàn như con rối dưới sợi dây số mệnh. Cuộc đời anh trôi dạt đến thế, làm sao còn dám toan tính theo mình? Bàn tay anh nắm bàn tay người đàn bà Lào xa lạ và sau cái nắm tay ấy hẳn cuộc đời anh sẽ phụ thuộc vào cô, anh lờ mờ hiểu điều đó nhưng chẳng đo đếm, suy tính nhiều hơn. Bởi lúc đó, bàn tay người đàn bà là cây cầu nối anh với đời sống. Bên kia cây cầu là bóng đêm rừng thẳm, là ngọn lửa thiêu trên cao điểm 327, là những cánh rừng bịt bùng ngộp hơi, là xác chết và những bầy chim kền kền độc địa rượt mồi...
Những ngày sau đó tuần tự trôi. Người anh dựng cho cô em hẩm phận một căn nhà sàn, cách ngôi nhà mình không bao xa, chỉ hai nương mía, một vườn bí ngô và một nương bắp. Chính anh ta chứ không ai khác đã kéo từ rừng về những cây gỗ thân tròn, thẳng tắp được đục sẵn đã lâu. Cũng chính anh ta và đám bạn nghề bào đẽo các thân gỗ, đục con xỏ, tính toán ráp nối các vì kèo. Sau đó, anh đánh xe trâu vào rừng lấy lá lợp. Hẳn người đàn ông này đã lãnh trách nhiệm trước những người quá cố rằng anh sẽ thay mặt họ chở che và lo toan cho cô em tật nguyền suốt cuộc đời. Tất cả những gì anh tu tạo cho đứa em gái kia hoàn toàn mang phong thái của bậc cha mẹ. Trong suốt thời gian dựng nhà, Bôn được chỉ định ở lại ngôi nhà sàn của vợ chồng người anh để nghỉ ngơi, bồi dưỡng cho lại sức và tập cách chuyện trò với cô vợ tương lai bằng ngôn ngữ câm điếc. Anh hiểu rằng anh sẽ phải sống với cô một cuộc sống lâu dài nếu không nói là mãn kiếp. Anh không có bản đồ, không địa bàn, không xe ngựa, không có đến cả lòng can đảm để vượt khỏi vùng đất này tìm đường về tổ quốc. Sau bấy nhiêu thăng trầm vật vã một cuộc sống an bình và an toàn đã là tất cả những gì anh ao ước. Ngày lại ngày, nàng Thoọng đun nước lá thơm cho anh tắm, đồ xôi với gà cho anh ăn, nàng nấu thêm một thẩu mứt gừng lớn cho anh uống trà buổi sớm và làm thứ bánh rán mật của người Lào vùng núi cho anh ăn sau bữa xôi chiều. Bỗng dưng anh trở thành nhân vật số một trong gia đình họ. Không khí Bản Kheo êm ả lạ thường, những trận bom sấm sét trên đường Trường Sơn thi thoảng vọng tới những âm vọng mơ hồ hư ảo như thứ tiếng động hậu trường sân khấu ở rất xa. Bầu trời Bản Kheo trong vắt không hạt bụi. Tiếng gà gáy là thứ âm nhạc duy nhất điểm nhịp thời gian. Buổi sáng ong bay rù rì tìm mật, buổi chiều tiếng chim gọi nhau về tổ chiu chít trước mái sàn. Ðêm sương lạnh, bọt củi lách tách nổ khiến không gian càng êm ả, an bình hơn. Trong cái không gian ngái ngủ ấy, anh thả mình trong dòng sống an nhiên lười lĩnh, thân xác được hồi phục, máu chảy dạt dào trong huyết quản và đêm đêm làm tình với người đàn bà bằng xương bằng thịt dù chẳng yêu mê nhưng cô cũng cùng anh cập tới ngọn triều khoái lạc bù lại những năm tháng đói khát dục tình...
Ngày người anh trai đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu, dân toàn Bản Kheo xúm tới dựng nhà cho cặp vợ chồng mới, một kẻ lạc rừng ngoại xứ và một người đàn bà hẩm phận chờ đợi hạnh phúc đã ba mươi năm. Nhà dựng trong năm ngày đã xong. Sáng ngày thứ sáu cặp vợ chồng trưởng tộc làm lễ kết hôn cho họ. Cuộc tế lễ ở đây thật đơn giản không hương khói, không pháo nổ, không khăn áo đưa dâu đón dâu. Chỉ lời khấn nguyện của hai bậc trưởng thượng ở giữa trời, cầu chúc thần linh che chở và hạnh phúc được bền vững. Dân bản đứng thành vòng tròn xung quanh chứng giám cuộc nguyện cầu. Sau khi khấn nguyện, các bậc trưởng lão buộc chỉ vào cổ tay cô dâu chú rể. Một đội hát chừng năm bảy bà già cất lên khúc ca ngắn, trong lúc các đứa bé gái ném vào váy cô dâu nắm gạo sống và một nắm hoa. Như thế, lễ kết thúc. Dân bản ngồi xuống ăn cỗ cưới, gồm xôi trắng, thịt nướng và một thứ bánh tựa bánh mật, gói lá chuối được hông trong những chiếc thống hông xôi cao ngang đầu người. Cỗ cưới liên miên suốt ngày, từ sáng tới chiều.
Khi mặt trời xuống núi, ai trở về nhà nấy. Hai chuyến xe trâu chở tới rương quần áo của cô dâu, những tấm nệm mới, một chum muối, những vật dụng làm nương và để hai người ở lại với nhau.
Ðêm hôm đó, vào lúc tiếng xe trâu đã thôi nghiến trên đường, màn đêm buông phủ trong ngôi nhà rộng rênh chỉ còn anh ngồi đối diện với người vợ Lào, Bôn bắt đầu sợ. Anh đã buộc trở thành chủ nhân mái nhà này, đức ông chồng của người đàn bà câm điếc và cuộc sống của anh sẽ được vĩnh định ở nơi đây, mảnh đất hai tuần trước anh còn tưởng như thiên đường nhưng giờ này hứa hẹn buồn tẻ và sầu não. Ngôi nhà sàn riêng biệt là cái cũi nhốt chung anh với người đàn bà câm điếc, không còn những đứa trẻ xinh xắn vui vẻ, không thấy người đàn bà búp-bê có nụ cười tươi tắn, không có những bữa cơn đông đảo dù không có ngôn ngữ chung nhưng mối thiện tâm cũng gắn bó được con người. Giờ đây chỉ trần trụi anh và cô, cô và anh. Lứa đôi. Ðôi lứa. Một cuộc sống thu hẹp tới mức này chỉ tương hợp khi hai người cùng yêu nhau say đắm. Nhưng anh không yêu cô, anh không thể yêu cô. Cơn nguy nan đã lùi lại phía sau. Nỗi đói khát dục tình đã được lấp đầy. Giờ, cô không còn là vị thần hộ mệnh của anh. Cô chỉ còn là chủ nợ, và anh phải trả cô món tiền ân nghĩa. Bôn lén đưa mắt nhìn cô, ánh lửa hắt lên gương mặt thô lậu của cô soi rõ những đường nét lệch lạc, khuyết hãm. Lạ kỳ thay, cùng một vóc dáng, nhưng nét dao lượn của ông Trời chỉ đi xa một ly hay đi gần một ly là đủ biến chàng Tú Ngọc thành quỷ dạ xoa. Những đường nét trên gương mặt người anh trai trông trượng phu và cuốn hút bao nhiêu thì trên gương mặt cô chúng lạc lõng và phản cảm bấy nhiêu. Bất chợt, không nén được anh buông tiếng thở dài. Những tấm váy thêu rực rỡ không cứu nổi cô nữa. Cả đám vòng bạc lóng lánh trên cổ tay cô cũng không còn khiến anh quên đi những chiếc răng lớn như răng ngựa thường nhe ra một cách đờ đẫn mỗi khi cô cười. Cô sẽ không còn đem lại cho anh thứ gì khác hơn vẻ đờ đẫn và những cơn ham muốn dục tình. Ðó là toàn bộ màu sắc cuộc đời lứa đôi phía trước.
Ta không được nghĩ thêm... Bởi cách đây hai tuần ta đã sung sướng đến lịm người khi gối đầu lên chiếc gối của nàng mà ngủ. Ta đã đón bát xôi trên tay nàng như đón tặng vật của thần cứu mạng... Nàng Thoọng thật nặng tình với ta...
Anh nghĩ như thế, tự trấn áp nỗi buồn nản, tự trách mắng mình là kẻ vong ân bất nhẫn, và vươn người, anh đặt bàn tay lên đùi vợ. Nàng Thoọng đờ đẫn vì cảm động, hiểu ngay cử chỉ đó là lời kêu gọi ái ân. Nàng đứng lên tức khắc, kéo anh vào buồng. Ðêm hôm đó, anh đã làm tinh như gã dân cày bước sau lưng trâu ngày hạ. Rồi khi nàng Thoọng ngủ, anh mò ra bếp lửa ngồi, cảm thấy ngôi nhà sàn xứ lạ rộng như bãi tha ma. Gương mặt Miên bắt đầu chập chờn trên những ngọn lửa. Anh bắt đầu nhục nhã, hối tiếc. Anh hối tiếc đã nhai ba tấm mía ngấu nghiến không kịp thở, đã ăn bát xôi vét chõ như một gã ăn mày, đã im lặng ngả bàn tay để cặp vợ chồng trưởng tộc đặt nó vào tay người đàn bà câm điếc như cam kết trả món nợ vĩnh viễn trong phút giây khốn quẫn:
Ta thật khốn nạn. Ðã sống ba tuần liền trong rừng bằng củ mài và nước suối. Lẽ ra ta cũng có thể sống như vậy thêm vài tuần nữa trước khi ta tìm được chỗ trú thân. Nhưng ta đã buông xuôi cuộc đời một cách ngu xuẩn và hèn hạ... Nếu Miên biết được, chẳng bao giờ cô ấy tha thứ cho ta...
Ý nghĩ đó khởi lên và bắt đầu từ giây phút ấy, nó tái hiện mỗi ngày, cắn rứt anh. Tuần trăng đầu nơi ngôi nhà sàn mới, anh bất chợt thấy vầng trăng vào giây phút nó ngự trị giữa hai cánh núi vút nhọn như cánh chim nhạn và ngay tức khắc anh thấy đó là gương mặt của Miên, người vợ nhan sắc nơi quê nhà. Cô là tình yêu của anh thuở trước, là mối ngưỡng vọng của anh bây giờ, là sức mạnh thiêng liêng nhất và mãnh liệt nhất gắn bó anh với cuộc sống. Anh phải quay về. Anh không thể đánh mất cô... Nhưng cuộc sống cuốn trôi như dòng nước, dù mộng mơ dù hối tiếc sớm sớm Bôn vẫn phải đi nương với nàng Thoọng. Mùa hái bắp đã tới, họ lo hái bắp đem về, thứ tẽ hạt phơi ăn, thứ treo lên gác bếp làm giống. Anh nàng Thoọng xẻ cho cô em nửa đàn bò mười sáu con, qua tuần trăng thành mười tám, một gia sản anh nằm mơ cũng không thấy ở Xóm Núi. Bôn học cách vắt sữa bò, cô sữa đặc kiểu thủ công để làm thứ bánh sữa vuông như những thỏi đường mía. Thoạt đầu anh sợ mùi sữa bò nhưng ăn lâu đâm nghiện, nhất là những cháy sữa bén chảo vàng suộm như cơm cháy bốc lên một thứ mùi thơm thật quyến rũ. Thứ bánh sữa đó ăn với nước chè già nóng bỏng, vào những buổi sáng mát lạnh hơi sương thật thú vị. Nàng Thoọng trỉa mấy nương nếp cách nhà họ chẳng bao xa nhưng mùa tới Bôn vẫn phải ra chòi canh khỉ. Anh trai nàng dạy anh cách bẫy khỉ đem về bản nấu cao. Cuộc sống miền sơn dã êm đềm như mặt hồ ngày lặng gió. Sau một năm Bôn nặng thêm ngót mười cân, da dẻ săn lại đỏ hồng. Chính anh cũng tự thấy mình thay đổi. Ðôi lần, anh tặc lưỡi:
Thời binh đao này, một cuộc sống an bình là quá đủ. Ta cần biết chấp nhận những gì số phận đã cho mình...
Nhiều đêm ngồi bó gối bên bếp lửa, nghe tiếng bom ì ầm xa vọng từ giải Trường Sơn, anh hình dung lại những tháng năm dãi dầu cơ cực, tuần lễ kéo xác tiểu đội trưởng trong rừng khộp, vật lộn với các bóng ma lẫn bầy kên kên, rồi tới đận bị bom đánh lạc ngày lại ngàu hì hục moi đất tìm củ nướng, đêm lại đêm treo mình trên cành cây bằng sợi dây dù, ngủ giấc ngủ sợ hãi của loài muông thú... Những hồi ức đó an ủi anh, khích lệ anh chấp nhận cuộc sống hiện tại. Căn nhà sàn sạch sẽ, thoáng đãng, những sọt bí ngô lẫn đường mía xếp thành dãy, dưới những tràn đựng thịt muối, bánh sữa và măng khô. Những chùm ngô giống treo vàng rực trên gác bếp và bên đó là những giỏ mây đựng cỏ thơm đun nước tắm cho anh... Anh mơ màng mãn nguyện...
Nhưng những khoảnh khắc đó càng ngày càng ít tái hiện. Và những ngày dài trống rỗng buồn bực kéo tới thường xuyên. Những tuần lễ mưa phùn vây bọc, ngôi nhà sàn chìm vào đáy im lặng của nước lẫn sương mù. Không mặt trời và mặt trăng. Ngọn lửa cháy trên bếp suốt ngày đêm không xua nổi cơn lạnh triền miên. Bôn trở nên bực dọc vô cớ. Bữa bữa, khi ngồi nắm vắt xôi chấm muối sả hoặc ăn với thịt lợn muối mặn chát, anh chợt nhớ mùi cơm tẻ, nhớ vị đắng ngọt của măng luộc chấm với mắm tép giằm ớt cay xé lưỡi vừa ăn vừa hít hà, nhớ vị cá kho giềng những con cá suối tươi còn nhảy toanh toác đem đánh vảy ướp tương giềng kho cho tới khi chúng khô cứng ngỏng những cái đuôi lên. Anh nhớ màu xanh những vườn cải quê nhà, màu hoa cải vàng trổ lúc sang xuân, nhớ âm điệu những câu hát cũ những câu hát anh chẳng nhớ nhưng âm điệu của chúng vờn lượn trong óc não anh như mây khói phiêu bồng. Anh nhớ ráng đỏ hoàng hôn vạch lên chân trời quê hương thứ ánh đỏ diệu kì thứ ánh sáng nhuộm tất thảy các gương mặt một màu hồng như phủ phấn... Sao cũng trời đất, cũng núi rừng mà anh chưa từng thấy ở Bản Kheo một lần thứ ánh sáng huyền nhiệm ấy?
Khi trí nhớ dày vò, cuộc sống hiện tại bỗng nhàm chán không chịu nổi. Vị cơm nếp chấm muối thật khó nuốt. Gương mặt nàng Thoọng không còn là gương mặt đàn bà mà chỉ như thứ vật vô tri một bức vách, một hòn đá, một tấm lanh may nệm... Cảm giác đó đeo đuổi anh qua nhiều đêm. Trong những đêm đó, người vợ câm điếc vẫn chồm tới dầy vò ngửi hít anh, như lợn rừng. Chị làm đủ thứ trò nhưng anh chẳng mảy may hứng tình. Lòng nhân đạo của anh đã cạn kiệt và cảm giác ăn năn không còn khiến anh cố gắng hoàn thành được sứ mạng kẻ làm chồng. Hoặc anh nằm thẳng đưỡn như khúc gỗ, hoặc anh hất tay chị ra một cách thô bạo rồi quay mặt vào bức vách giả đò ngủ. Nàng Thoọng thút thít khóc. Ðôi lúc cơn động lòng khiến anh hồi tâm quay lại vỗ về người đàn bà. Nhưng những cơn hồi tâm ít dần đi. Bởi anh không thể... Anh ghê sợ da thịt mốc méo của nàng Thoọng, màu da đó gợi cho anh loài trăn loài rắn hay giống kỳ đà. Gương mặt nàng Thoọng to và vuông như mặt gã đàn ông thứ thiệt, quai hàm lớn bạnh ra hai bên những chiếc răng dài và vuông như răng ngựa khiến anh vừa ngán vừa ghê sợ... Sau những phút giây khốn khổ ấy, anh chợt hiểu rằng nguồn cơn nỗi sầu thương dày vò trái tim anh là Miên, là da thịt trắng ngần của chị, mái tóc đen óng ả như suối chảy và làn môi hồng tươi thắm của chị. Ðó là một đền đài không thời gian hay sự xa cách nào làm tan lở. Chính Miên. Phía sau mùi vị những món ăn quen thuộc, sau những vườn cải hoa vàng những giải mây huyền nhiệm, những âm điệu xa vời là người đàn bà anh không ngừng tơ tưởng, người vợ xinh đẹp nơi quê nhà...
Những đêm dằn vặt, những ngày khắc khoải. Nhưng thời gian cứ trôi. Hết mưa tới nắng. Cuộc sống cuốn đi, anh vẫn cùng người vợ Lào lên nương trỉa bắp, cắt lúa, vẫn cùng anh trai cô vào rừng kiếm mật ong, săn thú, bẫy khỉ, vẫn tham dự những ngày lễ hội với dân Bản Kheo nói với họ thứ ngôn ngữ anh vừa học được chút đỉnh và rồi vào những đêm đen, khi hơi rượu ngấm, khi bóng tối mịt mùng thả sương lạnh vào mắt anh, nỗi buồn hoang hoải khiến tim anh như rạn nứt, anh đành tiếp tục uống cho tới khi toàn thân nóng hực và đầu óc quay cuồng lảo đảo, anh bò lên bụng nàng Thoọng, làm tình như một con vật đực phủ con vật cái, không ve vuốt, không nụ hôn... Năm tháng cứ thế trôi. Trong khoảng thời gian ấy vầng trăng bạc vẫn hiện lên nơi hai cánh núi đan chéo nhau, hình ảnh đó vẫy gọi anh. Tuần trăng nào anh cũng ra ngồi đầu sàn từ lúc trăng mọc tới khi gà gáy canh như kẻ bị bùa. Vào những đêm ấy nàng Thoọng cô lẻ. Dần dà chị ý thức được kẻ địch tình của mình chính là cái khuôn bạc tròn dãi sáng lên núi rừng, nương bản. Chị uống rượu một mình, đi ngủ sớm. Như loài gấu trú đông, người vợ câm điếc ngủ trốn tuần trăng để chờ đợi những đêm tối trời, chờ đợi khoảnh khắc may mắn người chồng dị xứ tìm đến với chị chia sẻ thân xác trong mùi rượu nồng nặc và trong những tiếng nói rời rạc phát ra mà chị chẳng bao giờ nghe được và hiểu được. Chị chấp nhận tình cảnh của mình, chịu đựng những cơn cáu bẳn bất thường của anh và bắt đầu mơ tới một đứa con. Nhiều lần chị kéo tay anh đặt lên bụng, làm dấu hiệu để anh biết rằng chị đang chờ ngày cái bụng nở to ra, phồng như một trái bí đỏ...
Tội nghiệp cô ấy... Chẳng biết khi ra đi, ta đã để lại cho cô ấy được một hạt giống hay chưa?
Bởi cuộc ra đi của anh thực sự là cuộc chạy trốn. Vào một ngày bất chợt, Bôn bắt gặp đơn vị trực thuộc quân đoàn cũ khi đơn vị này đang trên đường hành quân. Bôn không giấu nổi niềm vui. Anh chuẩn bị cho cuộc ra đi tức khắc nhưng không dè nàng Thoọng biết. Chị báo tin cho gia đình người anh và dân bản. Chị khóc lóc, gào thét, phủ phục trước mặt anh và bằng tất cả thứ ngôn ngữ của kẻ câm điếc chị bày tỏ tình yêu của chị, sự cầu xin của chị. Chị bấu chặt lấy anh bất kể lúc nào, canh chừng anh ngày này qua ngày khác và chỉ ngủ gục đi khi gia đình người anh hoặc dân bản tới luân phiên. Gia đình người anh cũng rối loạn, bỏ bê công việc, nấu nướng vội vã, ăn uống vội vã thay phiên nhau canh gác Bôn. Dân Bản Kheo cũng cắt gác lần lượt để canh giữ niềm hạnh phúc chính họ đã vun vén tạo dựng. Cho dù vậy, cuối cùng anh cũng trốn thoát. Anh lẻn đi một đêm tối trời, khi người vợ Lào xuống vườn đi tiểu. Lúc đó, hẳn chị tưởng anh đã ngủ say. Nhưng anh đi ngay sau lưng chị, êm nhẹ như mèo, và khi chị ngồi xuống anh lần ra cổng. Anh đi suốt đêm ấy, ngày hôm sau và đêm sau nữa, không dám ngưng nghỉ, tai dỏng lên chờ nghe tiếng chân rượt đuổi phía sau. Nhưng trời giúp anh tìm được đường về: Giờ đây, nhớ lại đoạn đường ấy, Bôn không khỏi chua chát:
Giá như ngày ấy ta không trốn thoát khỏi Bản Kheo, tiếp tục sống với nàng Thoọng, tiếp tục trỉa bắp, gieo nếp, vắt sữa kiếm mật ong và đêm đêm làm tình với người vợ Lào, cuộc sống sẽ ra sao nhỉ? Chắc gì nó thua kém cuộc sống giờ đây?
Phải, ngày ấy nếu không rời Bản Kheo anh sẽ tiếp tục sống cuộc sống êm ả như con hồ lặng gió. Người vợ Lào si mê anh, nấu nước cỏ thơm cho anh tắm, nài khẩn anh làm tình, cọ lưng cho anh cắt tóc cho anh... Anh là ông hoàng của chị.
Nhưng trái tim đau đáu của anh đã không ngừng nhỏ máu. Tâm hồn anh không ngừng khắc khoải và đêm đêm nhìn vầng trăng hiện lên giữa hai cánh núi anh cảm thấy không thể nào không quay về xứ cũ. Vầng trăng long lanh ấy là Miên. Tình yêu cho anh đủ can đảm để chịu tiếp một hành trình gian nan hơn hết thảy những gian nan anh đã chịu. Khi Bôn tìm được tới nơi đơn vị tạm trú, họ đã lên đường đi Khơ-me được ba tuần. Anh chẳng còn cách nào hơn là cắm đầu đuổi theo. Một cuộc đuổi bắt hú họa như tìm ma, điên rồ hơn mọi sự điên rồ. Trong ba tuần lễ, nào ai biết được một đội quân đi được bao nhiêu đường đất, chuyển hướng rẽ bao nhiêu lần? Trong túi anh chẳng một vật phòng thân ngoài chiếc bật lửa và con dao rừng, hai bộ quần áo mặc đụp trên người, ban ngày quá nóng ban đêm lại quá rét. Rừng chờ đợi anh với màu xanh u mê ngạo nghễ, màu xanh hiểm độc khiến anh khiếp hãi. Chẳng có gì đảm bảo rằng anh sẽ không chết đói chết khát, chết vì lính Khờ-me, sẽ làm mồi cho thú dữ hoặc những con kền kền. Nhưng vầng trăng trên khoảng trời tím biếc kia như lời kêu gọi thầm lặng, huyền bí, vọng những âm vọng mãnh liệt khiến anh không chùn bước. Ðứng trước cửa rừng, anh nhổ một bãi nước bọt thề với chính anh rằng sẽ đuổi cho kỳ được đơn vị và tìm lối trở về đất nước. Một lần nữa, anh lại quăng thân vào rừng xanh. Bôn đã đi ba tháng liền theo lối đi bò của dân miền núi, vừa đi vừa kiếm miếng độ nhật, vừa đi vừa dò hỏi. Những năm ở Bản Kheo anh đã học được cách sở hữu rừng và anh đã có một sức khỏe khá vững để đối phó với đói khát, muỗi vắt lẫn những gian nan bộ hành. Cuộc đuổi bắt điên rồ ấy, sau chót cũng thành công. Anh đã tìm được đơn vị anh hùng, cùng phiên hiệu nhưng toàn lính mới sĩ quan mới. Họ giúp anh trở về ban tham mưu quân đoàn, làm các thủ tục điều tra để xác nhận quân nhân mất tích. Anh phải đi vòng vèo nhiều đợt nữa, chờ đợi, luân chuyển từ nơi này qua nơi khác, chầu chực ở các phòng giấy, ngồi mòn đũng quần ở các hành lang và trong suốt khoảng thời gian đó, sống bằng những bữa cơm trợ cấp cho lính lạc, thèm một điếu thuốc cũng chẳng bới được tiền mua. Sau cùng, anh cũng hoàn tất được mọi thủ tục và trở về Xóm Núi, tìm được vầng trăng ước mộng của anh:
Giá như ngày ấy ta yên tâm với cuộc sống an nhàn nơi Bản Kheo có lẽ giờ đây ta vẫn có một người đàn bà si mê thờ phụng... Chưa biết chừng ta còn có con với nàng Thoọng dù cô ta câm điếc. Ðó là một người khỏe mạnh chất phác... Giá như...
Bôn cay đắng nghĩ, dù anh biết chữ Giá như kia chẳng bao giờ có được.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×