LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Chốn vắng - Chương 20 (Dương Thu Hương)

118 lượt xem
Ngày Miên biết chị mang thai trời lạnh. Lạnh tới mức những giọt sương như đông cứng trên đuôi cỏ, những vòm lá cam lá bưởi im lìm sương giá từng phiến lá dầy mọng như lá loài thạch hoa. Như thường lệ, chị đưa cu Hạnh về nhà cũ, dạy nó học vần vỡ lòng và cho nó ăn bữa trưa trong gian bếp lúc nào cũng sạch lau li. Lúc ông già Lư gắp dưa cải Miên nhìn những cọng cải chợt tứa nước bọt thấy đói cồn cào, thấy thèm ăn, như kẻ ốm dậy muốn ăn trả bữa. Nhưng vừa ăn được vài miếng cơn buồn nôn vọt thẳng từ dạ dày lên họng khiến chị không thể ghìm giữ phải chạy vào buồng tắm tống tháo ngay đám thức ăn vừa nuốt. Từ lúc đó, chị rét ghê gớm, rét như trong đời chị chưa từng gặp một tiết trời khắc nghiệt như thế.
- Bác nhóm giùm tôi cái lò sưởi.
Chị bảo ông già Lư. Trong bếp luôn trữ sẵn tải than hoa để nướng thịt hoặc để sưởi những ngày giá buốt. Cũng sẵn chiếc lò ủ than có thể xách đi xách lại dễ dàng. Ông già Lư buông bát cơm đứng lên nhóm lửa tức thì. Chỉ vài phút sau ông đã nhen được lửa mồi, bắt đầu quạt hối hả điệu nghệ như mấy chú phụ bếp quạt than nướng chả trong các quán cơm dưới phố. Lò than đỏ, ông xách tới đặt dưới chân Miên rồi quay sang bảo cu Hạnh:
- Này cậu, lại đây với tôi, tôi sẽ dẫn cậu ra vườn bẫy chim, đừng quấy bà nữa.
Cu Hạnh đứng ngẩn ngơ. Nó chưa kịp hiểu ông già nói gì. Mảnh vườn, vương quốc của riêng nó, nơi nó rong chơi suốt mùa hè lẫn mùa thu nào trèo cây hái quả nào đào dế dựng nhà... Mảnh vườn ấy đã khép chặt cánh cửa vào những ngày đầu tiên trời trở rét. Chẳng ai khác chính mẹ Miên đưa điều cấm kị và ông già Lư thực hiện tức thì, ông khóa cửa vườn bằng ổ khóa lớn bỏ chìa trong túi áo. Từ hôm ấy nó chỉ được phép chơi loanh quanh trong nhà, giới hạn đã hoạch định là đầu hồi bên này sang đầu hồi bên kia gian nhà lớn. Sau bữa cơm nếu chịu khó ngủ cho đẫy giấc sẽ được phép xuống sân đạp chiếc xe ba bánh. Chấm hết. Hơn một tháng nay nó ngậm ngùi đứng ngoài cửa vườn mường tượng những tổ chim quen, những hang đá đã đánh dấu, những khu nhà xây bằng sỏi lẫn đất sét nhưng thảy thảy đồ đạc giường tủ bàn ghế bát đĩa bên trong đều bằng nhựa bố Hoan mua dưới thành phố. Ðối với lũ trẻ Xóm Núi, ngôi nhà búp bê của nó đích thực là một lâu đài trong cổ tích. Cu Hạnh xiết bao hãnh diện về tài sản của mình. Giống như một chủ trại phải xa nương vườn, gia súc nó gửi bao nhiêu buồn nhớ theo những cơn gió xào xạc lùa từ sân vào vườn, rung xuống từng đám lá khô, vi vút tiếng thở than thầm thì của giun dế chim muông và của các lâu đài không ai chăm sóc... Giờ đây, cái thế giới thân thiết bị tù hãm lại có thể hé mở và nó có thể thả mình trong cái cõi riêng yêu mến đó?
- Nào, lại đây, cậu không nghe tôi nói sao?
Ông già Lư nhắc lại. Cu Hạnh vẫn chưa dám tin, nó đưa mắt nhìn mẹ. Lúc ấy, cơn buồn nôn thứ hai bắt đầu cuộn lên trong gan ruột nhưng Miên vẫn thấy ánh mắt ngờ vực tội nghiệp của đứa con trai nên chị cúi xuống bảo:
- Ờ... ờ... Con đi đi. Hôm nay mẹ cho phép ra vườn.
Thằng bé nhẩy cẫng lên cuống quýt bổ nhào đến ông già Lư. Cả hai ra sân và chẳng mấy chốc họ biến mất trong khu vườn. Miên chạy vào nhà vệ sinh nôn tiếp. Lần này chỉ một thứ nước lợn cợn vàng. Nôn xong, mặt lẫn tay chân Miên lạnh toát, mồ hôi vã đầy trán đầy cổ. Người đàn bà quay lại gian bếp, ngồi trước lò than óc não hoàn toàn tỉnh táo chị nhìn những viên than cháy và một ý nghĩ hiện lên, rõ ràng, rành mạch như đường phân cắt dãy núi với vòm trời sau những cơn rào mùa hạ:
Ta đã có thai với Bôn. Chẳng còn hồ nghi nữa. Hoàn toàn không phải dấu hiệu cảm cúm hoặc những cơn đau thường...
Chị biết chị mang thai vào cái đêm điên dại Bôn khêu to ngọn đèn, cười nụ cười mơ hồ và thảm khốc, vật vã nhay cắn chị như thú dữ ngoạm mồi, làm tình hùng hục như gã phu đào huyệt hùng hục dai dẳng liên miên... Chính đêm ấy. Vào chính những khoảnh khắc chị sợ hãi Bôn như sợ hãi một thằng điên hay con quỷ nhập tràng, chị phải nhắm mắt lại để khỏi nhìn thấy gương mặt tím bầm của anh với những đường nét đột nhiên trở thành hung dữ trong cơn kịch phát đau đớn thù hận... Chị lờ mờ đoán được sự thù hận trong anh. Nhưng chị không hiểu. Chị chỉ thấy sức mạnh tình dục lẫn sự tàn bạo bùng cháy lên cùng một lượt nơi Bôn như đám cháy rừng mùa hạn, như cơn hỏa hoạn bất tường. Vậy mà chị đã mang thai chính trong cái đêm điên dại ấy... Mầm sống trong chị là kết quả của hoan lạc hay kinh hoàng?
Sáng hôm sau thức dậy Miên thấy Bôn sượt xoài như mảnh giẻ rách, mặt lẫn môi tím đen. Chị không đành lòng bỏ đi nên sang nhờ dì Huyên dẫn cu Hạnh trở về nhà cũ chơi rồi quay lại. Bôn vẫn ngủ như chết. Anh ngủ như thế cho đến tận bốn giờ rưỡi chiều mới lò dò đi ra vườn. Anh ngồi ở đó rất lâu, hết nôn khan lại thở dài sườn sượt. Khi anh quay vào lưng anh không dựng thẳng lên được. Miên nhìn đôi tròng mắt vàng ệch của anh:
- Anh làm sao thế?
Chị hỏi
- Không sao cả.
Anh xẵng giọng đáp. Nhưng rồi anh lại vào giường nằm bệt xuống và thú nhận:
- Tôi đau lưng.
Tối hôm ấy anh đòi ăn cháo. Hôm sau nữa cũng vậy. Từ đó tới nay đã hơn một tháng Bôn không đi thẳng lưng lên được. Anh quanh quẩn ở nhà nhìn chị với cái nhìn đờ đẫn nhẫn nhục, cái nhìn thú nhận anh không còn, không thể còn là người đàn ông sau một đêm rồ dại như ngọn núi lửa phun lần cuối cùng trước khi vĩnh viễn tắt:
Càng tốt, ta cũng chẳng cần gối chăn theo kiểu ấy... Thà cứ sống như gái góa cho rảnh chuyện...
Miên nghĩ thế. Hơi thở địa ngục của Bôn ám ảnh chị. Những cuộc làm tình khốn khổ, quằn quại như kẻ hụt hơi bơi vượt sông mùa lũ và dáng vẻ của một kẻ đội mồ từ quá vãng quay về nhiễm mùi tử khí... Chị tự xác định cho mình một niềm an ủi, một mục đích sống và điều đó khiến tinh thần thăng bằng lại:
Coi như mình là gái góa. Ta sẽ sống nốt quãng đời còn lại để nuôi cu Hạnh. Thế cũng đã may mắn hơn những người đàn bà khác. Ít nhất ta cũng đã từng hạnh phúc, và giờ đây ta không phải lao lung vì kế sinh nhai...
Cuộc sống của chị được phân cắt làm đôi. Với quá khứ, chị là con nợ phải trả nốt phần chưa trả đủ. Chị sẽ nuôi Bôn, tận tâm phục vụ một bóng ma, cánh tay chìa ra cho chị trên con suối một ngày xa ngái. Ngoài bổn phận ấy, tương lai chị được ký thác vào đứa con trai, máu thịt của chính chị, tất cả tình yêu và niềm hy vọng còn lại trong đời sống... Bây giờ, bỗng nhiên xuất hiện một mầm sống mới. Một sinh vật không được chờ đợi và không có chỗ nơi trái tim người mẹ. Cái thế giới đã được sắp đặt trong tâm hồn Miên rung chuyển. Trong thế giới đó mọi chỗ đã được lấp đầy, đứa bé sắp ra đời sẽ nằm ở đâu? Bởi nó cũng sẽ là con chị, lớn lên từ máu và sữa của chị, rồi nó sẽ bú bầu vú cu Hạnh từng bú, sẽ gọi cu Hạnh là anh, sẽ gọi chị như cu Hạnh từng gọi:
- Mẹ ơi...
Hoặc là:
- Mẹ Miên ơi...
Nó không xứng. Nó không nên gọi cu Hạnh là anh... Không thể. Không được phép...
Nó, hạt giống của người đàn ông có cặp mày chữ nhất, da thịt đen đủi và hơi thở địa ngục. Nó thuộc dòng giống một đám người bần hàn, lười biếng khốn khổ, sống lay lắt chẳng ra giống người, nó có những đứa anh em họ lê lết trên mặt đất như loài thú hoang và một bà bác tà dâm, vô sỉ...
Nhưng vì sao ta lại khinh bỉ nó? Nó cũng là con của ta. Ta sẽ phải mang nó trong dạ đủ chín tháng mười ngày như đã từng mang thai cu Hạnh, như mọi bà mẹ trên đời mang thai con họ. Rồi nó cũng sẽ bập bẹ nói tiếng đầu tiên: Mẹ ơi... Và nó sẽ ngước nhìn ta với cái nhìn non nớt, cảm lòng như cu Hạnh nhìn ta năm trước...
- Mẹ ơi i i...
Chị bỗng nghe thấy ngay một tiếng gọi xa vời. Tim chị đau nhói. Chị hình dung gương mặt đứa trẻ. Nó sẽ là gái hay trai? Nó sẽ giống chị hay giống Bôn, hoặc khốn khổ hơn giống người chị ruột của Bôn? Rất có thể. Và nếu vậy chị sẽ phải cách ly nó với gia đình Tá từ lúc nó còn nhỏ. Chị cần cho nó xuống thành phố ăn học. Hoan đã để cho chị một gia tài lớn, dưới bàn tay chăm sóc của ông già Lư, chị sẽ có một đời sống phong lưu. Chị sẽ cứu đứa con mình bằng những đồng tiền nằm trong túi...
Cơn buồn nôn thứ ba lại tới và Miên thấy mỏi hông. Chị hơ tay trên than rồi xuống nhà tắm nôn tiếp. Lần nghén cu Hạnh những cơn buồn nôn không dồn dập và thúc hối như thế này:
Nó hành hạ ta một cách dữ dằn... Con ơi, con là gái hay trai, con mang mầm hạnh phúc hay tai họa? Khởi đầu con đã bắt mẹ chịu cơ cực như vầy?
Chị tiếp tục nôn ra thứ nước lợn cợn vàng, vừa nôn vừa thấy các đốm lửa trắng lửa vàng nổ tung tóe trước mắt. Nhưng cũng lúc ấy chị mường tượng đến gương mặt đứa bé đang nảy sinh trong lòng mình, một gương mặt nhỏ xíu mơ hồ mập mờ giữa sương mù. Gương mặt đó hướng về chị cái nhìn đau đáu non nớt và lần nữa trái tim chị đau buốt như bị kim đâm:
Con ơi, dù là gái hay trai, dù xinh hay xấu mẹ cũng sẽ nuôi con và sẽ nuôi con tận tâm tận sức... Con khốn khổ của mẹ, con tội nghiệp của mẹ...
Chị bắt đầu hối hận vì đã khinh bỉ, đã có ác cảm với cái mầm sống trong dạ, nghĩ tới những người đàn bà bị Tây đen hiếp ngày xưa cũng đã phải mang nặng đẻ đau những đứa con họ không chờ đợi cũng đã hy sinh cuộc đời họ để tác tạo cho những đứa con đen trong sự ruồng rẫy khinh bỉ của xóm làng...
Ta còn hạnh phúc hơn những người mẹ tội nghiệp ấy một trăm lần...
Chị quay lại bếp, run lập cập ôm lấy lò than như một bà lão, không biết ông già Lư đã trở lại đang đứng nhìn chị với cái nhìn chăm chú. Sưởi một lát, Miên ngồi lên ghế. Lúc đó, chị mới bắt gặp ánh mắt người quản gia:
- Thưa bà, bà có thấy ổn không? Có cần tôi đi gọi thầy thuốc không?
- Không, không...
- Thưa bà, da bà xanh lắm.
- Bác Lư, con trai tôi đâu?
- Cậu đang chơi ngoài vườn. Tôi đã chỉ cho cậu cách bẫy chim, bà không cần lo.
- Hôm nay lạnh lắm.
- Dạ... Nhưng với người khỏe thì chẳng ăn nhằm chi. Bà có dùng cơm tiếp không?
- Bác để mặc tôi.
- Ðể tôi nấu cho bà nồi cháo.
- Không cần đâu... Tôi không cần ăn cháo...
Nhưng người quản gia đã lẳng lặng đi rửa xoong, vo gạo lẫn nếp để nấu cháo cho chị. Ông Lư đi lại nhẹ nhàng, thẳng đứng, gầy và nghiêm trang như bộ xương di động, hai hố mắt sâu sáng thứ ánh sáng thâm trầm u uẩn. Ánh sáng ấy rất xa và rất gần, phảng phất như có những hồi quang của một miền cát vắng...
Có thể ông già Lư đã biết. Ánh mắt của ông thật lạ. Con người này đối với ta có vẻ gì đó giống như một người cha...
- Bà ăn cháo gà nhé, lạnh không nên ăn cháo đậu.
- Tùy bác.
Người quản gia ra chuồng bắt gà. Trông ông hệt như cây cột đẽo bằng loài tứ thiết:
May mắn cho ta, Hoan đã tìm được một người tận tâm như thế...
Một ngày cách đó không lâu, Miên làm bánh bột lọc nhân tôm. Dì Huyên, cu Hạnh, đặc biệt ông già Lư thích món này. Chính bữa ăn ấy là lần đầu người đàn ông lặng lẽ này nói chuyện:
- Quê tôi Quảng Trị, nhưng tôi mê mấy món ăn Huế từ nhỏ. Mẹ tôi khéo tay làm bếp. Trong lúc những nhà khác chỉ biết luộc tôm chấm muối tiêu hoặc nướng cua ăn với khoai nhà chúng tôi được dùng đủ món: Cháo cua biển rau hao, bánh con tằm nấu gạch cua thịt vằm, đặc biệt món bánh bèo tôm cháy, bánh bột lọc nhân tôm...
Khi nói đến những kỉ niệm đó, cặp mắt ông như phủ khói. Miên hỏi:
- Gia đình bác còn những ai trong nớ?
- Chẳng còn ai.
Ông đáp. Mắt ông ráo hoảnh và lớp khói vừa thoáng phủ đã cuốn theo gió:
- Gia đình tôi cả thảy mười tám người. Một nửa chết vì đạn cối của lính Sài Gòn, nửa còn lại chết vì rốc-kết của quân giải phóng. Mỗi phần chín mạng, thật đều. Có bao nhiêu tiền dè dụm tôi xây đủ mười tám ngôi mộ cho họ. Ngày tôi gặp ông nhà, trong túi chỉ còn đủ tiền trả hai chén trà.
Ông kể những chuyện đó, nghiêm trang, chẳng buồn cũng chẳng vui. Rồi ông bảo rằng trời còn thương ông nên đã đưa đường chỉ lối cho ông được gặp Hoan, được anh thâu nhận và hứa nuôi ông cho tới lúc ông trăm tuổi. Miên hỏi:
- Bác có muốn trở lại làng không?
- Không.
Ông đáp nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.
- Còn chuyện hương khói?
- Tôi đã xây đủ mười tám ngôi mộ, bằng tất cả số tiền tôi dành dụm được suốt mấy chục năm làm nghề trông nông trại. Tôi chẳng còn điều chi ân hận. Việc cắm mấy nén nhang ngày Thanh Minh người làng sẽ làm. Nơi quê tôi nhà nào cũng có cả mớ người chết, dù lính Cộng Hòa hay Việt cộng cũng là ma làng, chôn ở nghĩa địa làng, bất cứ ai đi tảo mộ cũng cắm luôn phần nhang cho các gia đình khác.
- Nghĩa địa làng bác có lớn không?
- Lớn. Thuần cát. Mỗi lần quạ đen đáp xuống rợn hồn...
Có lẽ mười tám nấm mồ trên cái nghĩa trang thuần cát ấy là phần đời cốt tủy của ông. Nhưng là phần đời quá vãng và ông không còn muốn ngoái nhìn thêm một lần nữa. Từ ngày đến Xóm Núi, ông chẳng mảy may nhắc lại. Cũng như chị, kí thác tương lai vào đứa con trai, ông kí thác phần đời còn lại vào trang trại. Dân khắp vùng thán phục sự tính toán khôn ngoan sắc sảo lẫn sự cần mẫn của ông. Dưới tay ông mọi việc diễn tiến như có phép thần:
- Bà xem, hạt gạo đã nhừ chưa?
Ông già Lư lên tiếng và chìa trước mặt chị muôi cháo. Miên ngửi mùi gạo, nói:
- Mùi như vậy là cháo đã nục... Bác gọi thằng bé vào cho nó ăn.
- Khoan... Ðể tôi múc ra bát cho bà dùng trước... Trẻ nhỏ ham chơi hơn ăn. Lát nữa gọi cậu vào cũng được...
Ông trở lại bếp múc cháo. Rồi vừa sớt những muôi cháo vào bát ông vừa nói thêm:
- Bà hãy lo cho sức khỏe của bà... Cứ để cu Hạnh đấy cho tôi...
Miên im lặng nhìn người quản gia:
Ông già này có chi lạ lùng. Thật khó xử. Ðôi lúc ta muốn coi ông như một người cha, ông giữ lễ đúng như kẻ làm mướn. Rồi những lúc ta lẳng lặng chẳng nói năng chi, đứng ở một góc ông nhìn ta từa tựa như cha nhìn ta ngày trước...
Ông già Lư đặt bát cháo lên chiếc đĩa, mang lại cho Miên:
- Mời bà dùng cho nóng.
- Bác cũng ăn luôn cho nóng. Hôm nay trời rét đậm.
- Lát nữa tôi sẽ ăn với cậu. Nồi cháo chưa cạn được ngay...
Ông già trả lời rồi thong thả đi ra sân, những đám lá khô gió xoáy cuộn thành vòng quanh chân ông. Miên vừa húp cháo vừa đưa mắt nhìn theo người quản gia, tự hỏi nếu cha chị còn sống liệu ông có còn mẫn tiệp khỏe mạnh như ông già Lư hay không và liệu ông có đủ niềm trìu mến với chị như ông già Lư hay không?
Khi ta lớn lên cha đã trở nên nghiêm khắc. Cha yêu Sương hơn cả bởi vì nó giống cha nhất nhà, nó hát hay và thích theo cha đi bắn sâm cầm hoặc vào rừng bẫy thú. Còn ta luôn phải ở nhà trợ giúp mẹ việc bếp núc, phải mang áo quần ra giếng giặt, phải ngồi vá lưới hay phơi khoai khô, phơi lúa... Ta chẳng mấy khi có dịp gần cha và cha cũng chẳng mấy khi hỏi han đứa con gái lớn trong nhà...
Một nỗi buồn nhớ nhẹ nhàng thức dậy. Miên nhớ gương mặt cha, giọng cười của ông và đám râu bên má ông lần nào đó cọ vào mặt chị. Một tối Miên nấu cháo cá, lần đầu làm bếp một mình nhưng cũng biết đâm tiêu vằm ớt, cũng biết thái dọc hành lẫn thìa là rắc lên bát cháo, cũng biết dọn mâm như những thiếu nữ hơn chị năm bảy tuổi. Miên lễ mễ bưng mâm cháo lên nhà. Lúc đó, cha Miên đi đâu vừa về, ông đứng sững trước sân nhìn Miên rồi bước tới đỡ mâm cháo trên tay chị. Ðặt mâm cháo lên phản, ông kéo Miên vào lòng:
- Con gái cha, mới tám tuổi mà đảm như con nhà khác mười lăm, mười bảy...
Mũi ông hít hà mái tóc Miên, hàm râu ông cọ vào má Miên, ánh nhìn êm dịu... Kỉ niệm đó như ngôi sao Hôm ở góc trời, chiều chiều vẫn mọc...
Ông già Lư đã quay lại:
- Cậu đang mải chơi... Cứ để cho trẻ được thỏa sức.
- Tôi sợ trời lạnh.
- Trẻ chạy nhảy, chơi đùa nóng sực lên. Bà đừng sợ cậu rét. A... chút nữa tôi quên. Bà đã xem lại mớ tiêu lép chưa?
- Tôi xem rồi.
- Ta nên bán ngay dù giá rẻ.
- Bác cứ làm theo ý bác. Việc mua bán bác rành hơn tôi. Xưa nay, những việc ấy anh Hoan lo cả.
- Dạ... Dù sao tôi vẫn cứ phải hỏi ý bà.
- Chẳng cần vẽ chuyện.
- Ðó là yêu cầu của ông nhà. Bữa trước, ông đã kiểm qua các loại nông sản còn trong kho.
- Nhà tôi... Anh Hoan có nói gì nữa không?
- Ông bảo qua mùa nữa sẽ thay giống mới. Và ông dặn tôi phải chăm lo sức khỏe cho bà...
Miếng cháo đắng ngắt trong họng Miên:
Ta vẫn sống trong sự đùm bọc của Hoan nhưng ta buộc phải chung đụng với Bôn và giờ đây ta mang mầm sống của người đàn ông đó. Mai đây, đứa con Bôn ra đời, nó sẽ lớn lên nhờ những đồng tiền của Hoan để lại, những đồng tiền lẽ ra chỉ thuộc về cu Hạnh....
Chị nhớ buổi sáng chị từ giã ngôi nhà này để đến sống với Bôn, đinh ninh sẽ cam chịu cực khổ với người chồng cũ, không bao giờ còn giữ mối dây liên lạc với Hoan ngoại trừ việc họ có chung trách nhiệm với đứa con trai... Nhưng cuộc sống đã dắt chị đi qua lối vòng, và giờ đây tất cả lại như cũ. Chị vẫn sống trong ngôi nhà xưa với đứa con trai, vẫn tiêu những đồng tiền rút ra từ ngăn kéo chiếc tủ ba buồng, dưới sự bảo trợ hoàn toàn của anh dù anh vắng mặt:
Bị cỏ Thạch trinh hương chẳng được tích sự gì... Rút cục ta vẫn không tránh nổi cảnh chung chạ...
Mùi thơm loài cỏ núi chỉ giúp chị gột bỏ được phần nào hơi thở địa ngục của Bôn, không kháng cự được ham muốn dục tình và khao khát sinh nở của kẻ từ cõi vắng trở về. Rút cục, Bôn cũng đạt được điều anh ấy muốn, chính nhờ vào những đồng tiền của Hoan. Người đời vẫn gọi: Thằng còng làm thằng ngay ăn là thế:
Không, không, ta không có quyền thụ hưởng cuộc sống này. Nhục nhã quá. Ta phải hoàn trả tất cả cho con trai ta. Nó là người duy nhất xứng đáng tiêu những đồng tiền của Hoan, nó là con trai anh ấy...
- Bà làm sao vậy? Cố ăn hết bát cháo đi.
Ông già Lư giục:
Miên chợt nhận ra chị đã thẫn thờ buông chiếc thìa xuống từ lâu. Ngoài sân, gió xoay tròn đám lá khô như dòng lũ quay xoáy nước, vừa quay vừa chuyển dịch. Người đàn bà dán mắt vào đám lá khô, thấy đời mình như đám lá vô định trong luồng gió đỏng đảnh và dữ tợn của tạo hóa. Chị chẳng quyết định được điều gì. Và giờ đây quyết định nào cũng sẽ viển vông. Chị biết rằng chị không thể rời bỏ ngôi nhà này để sống một cuộc sống độc lập với Bôn, cũng không thể bỏ mặc anh trong chái nhà lá để sống hoàn toàn với đứa con trai dưới mái nhà này. Chị đã trở thành loài vật lưỡng cư không thể chạy trốn khỏi số kiếp.
- Ðể tôi múc cho bà bát cháo khác.
- Thôi, chẳng cần.
- Bà không ăn cháo nguội được... coi chừng đổ bệnh thì rầy rà...
Nói rồi ông múc bát cháo nóng đưa cho chị, mang bát cháo ăn dở đã nguội lạnh đặt lên mặt tủ bát đĩa. Miên cúi mặt xúc cháo ăn, cảm thấy khó chịu nổi sự săn sóc của ông già, người thay mặt Hoan ở nơi đây, sự hiện diện của ông là thế vật cho sự khuyết diện của anh và như thế anh không ngừng cùng chị. Người đàn ông đích thực của chị. Tình yêu đích thực của chị. Chị cúi thấp hơn nữa xuống bát cháo nóng để làn hơi vây bọc gương mặt chị, vùi lấp mọi suy tư... Nhưng vô ích. Chị vẫn thấy Hoan hiện diện ngay nơi đây, trong gian bếp sang trọng do chính anh kiến tạo. Chị ngửi thấy mùi da thịt anh, mùi quần áo anh, thấy long lanh mồ hôi trên khuôn ngực lớn và đầy sau những cuộc làm tình mùa hạ, ánh mắt ve vuốt cợt cười, bàn tay và hơi thở thơm tho lành mạnh... tất thảy những chi tiết nhỏ nhặt nhất của cuộc sống vợ chồng. Tại sao, tại sao? Cuộc sống đổi thay như lật bàn tay, như bây giờ là mơ và hôm qua là thực?
Chị thấy mình vừa rời chiếc giường ân ái, Hoan đang còn nằm trên đó khuôn ngực ửng hồng xin chị mang cho anh chiếc gạt tàn. Lần nào đó anh hút nhiều thuốc quá chị trừng phạt bằng cách nhổ một sợi lông nơi nuốm vú anh khiến anh van xin rối rít mọi cử chỉ của anh giống một chú bé nhát đòn hơn là một người đàn ông từng trải, nặng tám mươi cân. Chị nghe tiếng cười hiền lành quen thuộc của anh âm vang trong ngôi nhà vào những đêm họ nổi hứng thắp nến uống trà...
- Bà đã thấy dễ chịu chưa?
- Dạ... Tôi đỡ rồi.
- Bà hãy lên nhà nghỉ. Giờ tôi gọi cậu về ăn cháo.
Miên lên nhà, vào buồng nghỉ, tuân lệnh người quản gia như cái máy. Lúc chị ngả lưng, một cơn choáng váng ập tới khiến chị tối mắt lại. Những cây cọc gỗ treo màn quay tròn và hai cánh tay chị tê lạnh như vừa nhúng nước. Chị bắt đầu hoảng sợ khi thấy nỗi căm giận bùng lên trong tâm hồn:
Ta sẽ phá thai. ta không cần giữ đứa con của Bôn. Ðứa con ta không mong không đợi... Nuôi Bôn cũng đã đủ trả món nợ cũ. Nuôi thêm đứa con anh ấy bằng những đồng tiền của Hoan nghĩa là chịu thêm một lần nhục nhã. Ta không thể đi về ngôi nhà cũ khi mang thai với một người đàn ông xa lạ... Ngôi nhà này là của Hoan và mọi thứ đều phải thuộc về anh ấy...
Miên hình dung lại những người đàn bà hoang thai lén lút tới trạm xá để tiêu hủy tội lỗi. Thường họ phải xách gói quần áo tớn trạm xá lúc nhọ mặt người, ở đó qua hai mươi bốn giờ và ra đi cũng vào lúc nhá nhem tối. Có những người bị băng huyết, máu chảy thành dòng trên lối đi, sáng hôm sau những cục huyết khô đen... Những người đàn bà khốn khổ, mặt tái xanh tái xám, đầu cúi gằm chẳng dám nhìn ai, đến và đi đều vật vờ vụng lén như lũ trộm, lẩn sát các bờ rào, hoặc len lỏi quanh các khu đồi hoang vòng phía sau trạm xá...
Ta chẳng cần lén lút như họ. Ta sẽ đàng hoàng tới trạm xá giữa lúc thanh thiên bạch nhật, yêu cầu hủy thai vì không đủ điều kiện giữa... Một đứa bé có cha, nhưng cha nó không đủ sức nuôi thân, còn cơm cháo đâu nuôi dưỡng nó? Sẽ chẳng ai dám ngứa miệng chõ vào. Nếu chính quyền can thiệp, ta sẽ yêu cầu chủ tịch ủy ban viết giấy đảm bảo chu cấp tiền nuôi đứa bé cho tới năm nó mười tám tuổi...
Không một ông chủ tịch nào dám liều thân viết tờ cam đoan như vậy. Miên biết rõ điều ấy. Chị cũng biết phá thai nghĩa là hủy cuộc sống chung giữa chị và Bôn. Cái cuộc sống chung chị đã muốn hủy bỏ trước khi phải bắt đầu, từ bước chân thứ nhất rời khỏi cổng ngôi nhà này để theo anh về xóm khác... Chị muốn và chị cần tiêu hủy cuộc sống ấy... Nhưng hủy bỏ chính cuộc sống của Bôn, chị không nỡ... Chị không quên anh là kẻ khốn khổ, thua thiệt, và là gã trai đã một lần đưa cánh tay cho chị trên dòng suối:
Dù còn thương Bôn, cũng không thể giữ lại cái thai này. Mặc xóm làng đàm tiếu. Chẳng ai nỡ làm tuyệt diệt một dòng họ. Bôn chưa có con và anh ấy cầu mong một đứa con hơn hết thảy những người đàn ông khác. Nhưng cớ sao ta phải chịu cơ cực để phục vụ ý nguyện của Bôn? Ta chẳng còn yêu anh ấy. Tất cả những khổ sở chia lìa ta phải chịu đã quá đủ để lấp đầy những ơn nghĩa cũ. Ta không phải con ở chung thân của Bôn. Phải hủy bỏ cái sinh mạng này, bởi ta không cầu mong nó...
Ý nghĩ cuối cùng có vẻ mặt lì lợm xác quyết và nó khiến Miên thôi nghĩ quanh quẩn. Chị định bụng vài tuần nữa khi cái thai đủ già sẽ tới trạm xá nạo, hoặc ngay tuần sau chị sẽ xuống thành phố biết rằng tại bệnh viện thành phố giờ đây người ta đã áp dụng một phương thức tân tiến hơn là hút thai:
Ta sẽ cùng ông già Lư xuống phố, giao lại nhà cửa và cu Hạnh cho dì trông coi. Mọi sự đơn giản. Chỉ vài hôm là xong. Trên đường về, ta sẽ cắt chục thang thuốc bổ..
Chị nhắm mắt, thấy lòng thảnh thơi hơn và bắt đầu thiu thiu ngủ. Nhưng chính lúc đó gió bỗng xào xạc ngoài vườn. Trong tiếng xạc xào buồn bã, chị nghe thấy một giọng nói khẽ khàng, một tiếng gọi non nớt. Một âm vọng mơ hồ vừa như bên tai vừa như từ chân trời góc bể nào vẳng tới. Tiếng gọi của một đứa trẻ. Một sinh mạng vừa phôi thai, non nớt, chưa rõ hình hài mù mờ vừa cất tiếng:
Nó ở đâu nhỉ? Và làm sao nó có thể cất lên tiếng nói khi chưa có mặt trên cõi đời?
Chị lắng nghe thêm lần nữa, và lần này tiếng gọi trong mông lung kia vẳng đến, rõ rệt từng lời:
- Mẹ, mẹ ơi.... Mẹ ơi i i...
Giữa những thanh âm đó có những cơn gió rật. Thảng thốt. Van nài. Tha thiết. Miên nhìn vào cái chân trời mông lung chị vừa mường tượng, tìm kiếm:
- Mẹ, mẹ ơi...
Tiếng gọi lại cất lên và lần này chị nhìn thấy một gương mặt nhỏ xíu, mọi đường nét nhù nhòa như gương mặt hài chúa dìm sau lớp mây mù. Từ gương mặt ấy đang hướng về phía chị cái nhìn ngây dại, đau đớn:
Nó cũng là con ta. Con của ta. Nó cũng là một kiếp người, có sinh mạng và nó đòi chỗ trên cõi đất. Ít nhất, ta cũng phải cho nó một lần nhìn thấy ánh mặt trời...
Trái tim chị thét lên và da chị thịt như bị xé rách trong tiếng kêu ấy. Miên ngồi nhỏm dậy, mặt đầy mồ hôi cùng nước mắt..
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư