LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Chốn vắng - Chương 25 (Dương Thu Hương)

120 lượt xem
Ngày lại tháng qua, mọi sự kiện đưa đẩy theo dòng đời, vài ba sự kiện lưu lại lềnh bềnh như đám bèo trên mặt sóng còn đa phần cuốn trôi cùng làn nước. Ngày nào đó Xóm Núi râm ran tiếng pháo mừng khánh thành trường tiểu học, xe lớn xe nhỏ đậu ngổn ngang nơi bãi Ðồi, quan huyện quan tỉnh kéo về nườm nượp để chứng kiến phút cắt băng lụa đỏ, dân chúng mừng rỡ cuống cuồng nháo nhác từ trẻ đến già, đám học sinh trong xã được phát nào cặp mới, mũ mới, sách vở mới đi đi lại lại xốn xang, trống cà-rùng gõ đinh tai nhức óc... cái không khí hội hè lạ lùng tựa không khí trong chuyện thần thoại tưởng sẽ mãi mãi không phai nhạt... ngày đó đã qua, đã qua khá lâu, và dòng đời cô tịch lại trở về ngự trị miền sơn dã.
Ðã qua những đêm Thu tạnh ráo sao đầy trời, gạo nếp rang nở bung trong chảo, chuyện vãn của đám dân quê nở bung quanh các ấm trà, các bát điếu, những ngọn đèn thắp lên những đóa lửa hồng điểm tô cho bóng tối mênh mông nỗi an bình dịu ngọt. Cũng đã qua những đêm Ðông gió giật, nương vườn trở nên thâm u, bóng người đi lại trên các nẻo đường đong đưa cây đèn bão trông leo lắt chập chờn như lũ ma tội đồ đi rắc lửa địa ngục, lẫn cùng gió thi thoảng một con hoẵng kêu sương vọng về, nghe như tiếng của lạc loài của đơn côi của những nhục nhằn câm lặng. Bất chợt một sáng những mầm cỏ trắng li ti nở ra giữa các búi cỏ xám già và tiếng vỗ cánh của chim non trên ngọn cây lay động một góc cỏn con của bầu trời, chợt vỡ òa một màu lơ trong suốt như pha-lê, lấp lánh bọt nước và từ khoảng rạn vỡ của khung trời đó, một biển lơ xanh thắm tuôn tràn.
Dân Xóm Núi đổ ra nương vườn, điểm tụ bạ không còn là các câu lạc bộ gia đình mà là các bóng cây hoặc những lán tranh tạm trú, nơi họ ngừng tay uống nước hoặc ăn bữa cơm trưa. Sau bữa trưa từng đám người nằm duỗi dài trên cỏ khô, rơm khô hoặc các tấm cót rộng. Lũ trai trẻ có thể chợp mắt làm một giấc ngủ ngắn gọn nhưng ngon lành còn những người lớn tuổi thường chỉ nằm cho giãn xương lưng. Trong khoảng thời gian đó, các câu chuyện lại cất lên ròn rã và không bao giờ ngưng lặng nếu họ chưa dựng nên được một pháp đình và ai đó chưa được đóng vai trò của pháp quan, ít nhất một lần, trong cuộc đời bình lặng và buồn nản của họ...
Bây giờ, nhân vật thường được bênh vực lại là Hoan, chủ trại Suối Nhỏ, ân nhân chung thân của dân toàn xã:
- Suy đi tính lại chẳng ai thiệt như tay Hoan. Dinh cơ của mình bỗng dưng thằng khác tới ở, phải bỏ tiền xây nhà mới. Vợ con mình bỗng dưng phân cách, sáng nào cũng phải phóng xe vượt mấy cây số tới đón, lặn mặt trời lại phải vượt mấy cây số đèo về... Rõ ràng không phải trời đầy mà người đầy. Kiểu tù này là tù không án.
- Ờ, cũng lạ cho họ. Tại sao cô Miên không dọn về ở hẳn trại Suối Nhỏ với anh ta?
- Như thế, cậu Bôn còn danh nghĩa gì để trụ lại dưới mái nhà của cô ấy?
- Danh nghĩa có đem ra gặm được đâu? Sự thật sờ sờ trước mắt là cậu ta quanh quẩn suốt ngày với ông cụ Lư. Hai thằng đực rựa ăn cơm với nhau cả trưa lẫn chiều... Họa hoằn buổi sáng cô Miên mới ngồi cùng mâm vài phút.
- Nhưng người ta vẫn cần danh nghĩa. Ví như bà Huyên, sang trại Suối Nhỏ ở với tay Hoan từ lâu nhưng vẫn khóa trái ba gian nhà lại, ai hỏi mua cũng không bán. Ðó là đất lui chân. Như cậu Bôn vậy, đất lui chân của cậu ta là danh nghĩa vợ chồng với cô Miên.
- Cò súng của nó hỏng từ lâu, còn chó gì mà vợ với chồng.
- Con cu cậu ta không ngỏng lên được nhưng cái cổ cậu ta vẫn cần ngỏng lên. Phải có lý do để ngửa mặt nhìn thiên hạ chứ...
- Vẽ sự... Ðứa trẻ lên năm cũng biết cô Miên nuôi báo cô cậu ấy. Nghĩ cũng nhục... Tôi mà lâm cảnh ấy tôi chết mẹ nó đi cho rồi.
- Vậy ông thử chết xem sao? Chết chẳng dễ đâu. Chưa tới ngày tận số muốn chết trời không buông áo cho đi đất cũng không mở cửa cho đến.
- Ông rủa tôi đấy hả?
- Tôi không rủa nhưng đã nói chuyện phải nói cho cạn lẽ.
- Thôi thôi... Các ông thừa sức hay sao mà gây sự? Dễ hồ họ thuê tiền mướn bạc để các ông cãi nhau?
- Chẳng ai thuê nhưng thấy điều ngang tai chướng mắt vẫn ngứa lưỡi.
- Lưỡi ai cũng ngứa nhưng ở đời đâu dễ nhìn ra lẽ công bằng? Giờ tay Hoan thế mạnh như chẻ tre trong làng ngoài thôn không mấy ai không đến cậy nhờ, bênh anh ta cũng giống khen phò mã tốt áo... Có điều chỉ ai ăn nhạt mới biết thương mèo, rơi vào cảnh bần hàn mới biết sao là cùng khốn.
- A... Ông định ám chỉ tôi là kẻ dửng dưng không đủ lòng tương thân bác ái chăng? Vậy ngày cậu Bôn về làng không con trai tôi dẫn bọn trai tráng tới lợp mái trát tường cho cậu ta thì ai? Lúc đó đâu thấy mặt bố con ông?
- Này các ông, sao bỗng dưng cãi cọ như trẻ ranh... Ðầu hai thứ tóc mà còn háo thắng...
- Tôi chẳng háo thắng, nhưng tôi muốn chỉ ra đâu là cái tổ con chuồn chuồn...
- Thôi đi ông ơi, nói cách gì cũng phải công nhận tay Hoan là người quảng đại. Thiếu đâu kẻ giàu, càng giàu càng ăn bẩn... càng giàu càng đểu càng riết nghiệt.
- Ông nghĩ đúng. Nhưng tôi phải thêm rằng anh ta là người quá nhiều may mắn... Các ông nhớ hồi anh ta cưới cô Miên không? Lúc đó họ đâu sẵn của nả như bây giờ, hai vợ chồng cũng trần lưng ra làm như lũ chúng ta đây chồng một nón mê vợ một nón mê cặm cụi suốt ngày trên nương rẫy. Nhưng trời phù cho họ, ngón tay họ đụng đến đâu đất nảy vàng nén bạc thoi tới đó. Số người may mắn như thế chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại đa phần là bọn làng ngàng như lũ chúng ta đây hoặc những kẻ bất hạnh, thua thiệt.
- Ðúng đấy... Ở đời biết ngửa mặt trông lên song cũng cần biết cúi mặt nhìn xuống. Không phải cứ ăn kẹo uống trà của nhà giàu rồi chỉ biết khen trà nhà giàu thơm ngon mà chẳng thèm nếm nước vối của đám cùng đinh...
- Ông lại máy móc rồi... Ông đứng ở bụi duối nào rình tôi thế?
- Cả đời tôi chưa đứng bụi duối rình ai. Tôi đi trên đường thênh thênh thấy ông ôm lưng chủ tịch xã cưỡi xe vào nhà tay Hoan. Sao dám nói tôi rình?
- Ðúng, không riêng tôi mà cả đống người trong Xóm Núi đã trèo lên sân thượng nhà tay Hoan uống trà. Nhưng không phải vì mấy chén trà mà tôi ca tụng anh ta. Ðời ông, liệu ông có dám bỏ tòa ngang dãy dọc do chính tay ông làm ra đi để thằng đàn ông khác tới ở hay không? Hơn nữa đó lại chính là kẻ đã từng trèo lên bụng vợ mình?
- Ðời mỗi người mỗi cảnh chẳng ai ví được với ai. Bắt chúng ta sống như tay Hoan chẳng được mà bảo cậu Bôn phải đứng lên tự lo liệu tay làm hàm nhai như chúng ta đây hẳn cậu ta cũng chịu. Chính tôi đã cùng cậu ta lên nương vỡ đất. Chưa được một buổi nó đã lăn quay. Tôi phải bồng vào bóng mát, vã nước lạnh cho tỉnh rồi gọi người võng về... Sinh ra đời ai chẳng muốn bằng chị bằng em nhưng lộc trời vãi không đều may mắn chia không khắp, ta chẳng nên riết nghiệt với ai...
- Các ông nghe đây này: Tôi chẳng có con có cháu nên tôi là kẻ duy nhất không chịu ơn tay Hoan. Tôi cũng chẳng phải họ hàng nhà Tá vậy tôi đứng giữa chẳng thiên vị bên nào. Tình cảnh cậu Bôn đáng thương thật nhưng hàng trăm kẻ khác ở vào cảnh đó sẽ phải ra đường hoặc vào trại tế bần. Như thế, trong số những kẻ bất hạnh cậu ta là người trúng độc đắc. Còn tay Hoan, dù ăn một núi lộc trời, vẫn là trang quân tử đời hiếm thấy. Cứ cho xứ Việt Nam mình có một ngàn người rơi vào cảnh oái oăm như thế, tôi không dám chắc có tới người thứ hai cư xử như anh ta...
Những câu lạc bộ ngoài trời của Xóm Núi cứ thế hoạt động khiến chuỗi ngày bận rộn trở nên thơ mộng hơn và công việc bớt đi đôi chút nhọc nhằn. Vài tuần lễ qua rất nhanh, dường như không ai kịp nhận biết. Bất đồ một sáng tiếng kèn mơ hồ từ cánh rừng nào vọng tới. Trong những sóng âm xa vời man dại người ta tưởng nghe tiếng kêu của bầy nai đang soi mình trên suối, tiếng kin kít nặng nề của lũ đại bàng đất, tiếng gõ móng lóc cóc của sơn dương và những cặp hươu đa tình, tiếng thở hồng hộc của những con lợn lòi độc địa thường đi trên lối vắng vừa đi vừa dũi bật các gốc cây với nỗi buồn miên hành sự hung dữ trường cửu và khoái lạc tàn phá. Người ta rời khỏi mái nhà, chui từ những vườn tiêu, vườn cà-phê ra bãi trống hoặc đỉnh đồi nhìn về giải Trường Sơn.
Trong khung trời mênh mông họ mơ tưởng các lối mòn, giải cát ven suối, những bầy công múa trên vạt cỏ, lũ bướm hoang quay cuồng quanh lèn đá xám nơi thi thoảng vươn lên những bông hoa dại màu nhung đỏ và vọt ra những tia nước trong suốt tựa pha lê. Nỗi nhớ rừng mang mang lan tỏa cùng tiếng kèn mơ hồ kia. Một sáng nào đó cơn mưa bụi là là từ chân trời phía Ðông bay tới, là là bay từng đám bụi nước như sương trắng như tơ trời. Mùi ẩm ướt của hơi nước đọng trên da thịt khiến máu chảy rần rật trong huyết mạch những tay thợ săn, những chàng trai mới lớn và cả những người đã bước tới ngưỡng cửa tuổi già nhưng nỗi nhớ rừng và khao khát mùa săn chưa thôi cháy. Trưởng phường chưa ra lệnh nhưng khắp xóm các tay săn đã lôi súng ra lau, kiểm tra đạn và sửa soạn đồ lề khác. Vào lúc chiều nhạt nắng trên sân nhà trưởng phường họ tụ họp, uống trà. Bà chủ đem ra một rổ bánh mật nóng hôi hổi, lá gói còn bỏng rảy. Ðám thợ săn vừa bóc bánh ăn vừa thổi phù phù. Hết bánh họ uống trà hút thuốc và chuyện bắt đầu ròn như pháo nổ. Sự kiện trọng đại nhất là việc vắng mặt Xá chột. Anh ta đã hạ gấu ngựa năm trước nữa, lại hạ con lợn độc mùa săn vừa rồi, đầy hứa hẹn để trở thành trưởng phường tương lai vì dù sao người đang nhiệm chức cũng đã ngót nghét sáu mươi.
- Tôi tiếc cho cậu ta thật... Cậu ta xứng đáng hơn tất cả các cậu để giữ vai trò này. Tôi dù sao cũng đã mỏi gối chồn chân.
Ông trưởng phường lên giọng trước tiên, giống như lời nhắc nhở. Nếu Xá chột không thay thế vị trí của ông, ắt hẳn một ai đó phải cố gắng để làm chức phận ấy một chức phận không ít vinh hạnh nhưng cũng không dễ dàng gánh vác. Thường trong mỗi phường có dăm ba tay súng cứng xấp xỉ nhau và sự ganh đua giữa họ là thứ men kích thích cho mùa săn thêm sôi động. Những kinh nghiệm thu lượm được sau mỗi mùa, sự đánh giá ngầm ẩn nhưng sắt sói từng đường đi nước bước của kẻ cầm trịch, và các phẩm chất rèn tập lên bậc thủ lĩnh, ấy là tất thảy những gì các ứng cử viên nung nấu thèm muốn. Họ thường phải nung nấu sự thèm muốn đó trong nhiều năm, gắng gỏi trong nhiều năm, và cầu mong sự may mắn trong nhiều năm mới có cơ hội được bước lên ghế trưởng phường. Riêng với Xá chột, dường như mọi sự đều xảy ra ngược lại. Cái gã chột đó chưa kịp thèm muốn người ta nói xưng xưng ra cửa miệng rằng chức trưởng phường nay mai sẽ lọt vào tay gã không đối thủ, gã chưa kịp rèn tập tư cách thủ lĩnh người ta đã trầm trồ rằng gã sinh ra để làm thủ lĩnh nghề săn bắn, gã chưa kịp để tâm đến kinh nghiệm nghề nghiệp mọi người kể cả vị trưởng phường đương chức khả kính cũng phải công nhận rằng gã đầy thiên năng dường như mười kiếp trước gã đã luôn luôn là tộc trưởng một bộ lạc sống bằng săn bắn... Và tất cả những ưu thế đó chẳng phải do những năm chinh chiến đem lại cho gã bởi trong phường săn có tới ngót hai chục tay súng cựu chiến binh nhưng hoàn toàn bởi một thứ may mắn bẩm sinh đặc biệt người ta vẫn gọi là trời cho... Vậy mà Xá chột lại từ bỏ cái vinh quang trong tầm tay, từ bỏ niềm vui sảng khoái nhất, hào hùng nhất trong cuộc sống của gã... Và đó là điều đám thợ săn không mường tượng nổi cho dù sự vắng mặt của Xá đã đem lại niềm vui sướng và cơ hội cạnh tranh cho ít nhất năm tay súng, năm ứng cử viên hạng ruồi này đang thầm lén chuẩn bị và chờ đợi cuộc ganh tài trong mùa săn tới:
- Tôi tiếc thật nhưng dù sao cũng là chuyện đã rồi, không ai chọn được con đường đi cho kẻ khác...
Ông trưởng phường tiếp tục khi chẳng thấy tay súng nào lên tiếng:
- Giờ đến lượt các cậu ganh sức trổ tài. Hoa có lứa đàn bà có thì đàn ông có tuổi, tài giỏi đến mấy vào lúc tuổi già cũng thành kẻ bại trận. Tôi không muốn cầm cờ cho đến tận ngày ngã ngựa đâu. Các cậu hãy lo liệu mau mau...
Tới đấy ông ngừng lời và tất cả các ứng cử viên cùng các tay súng khác đều im lặng. Như vậy, lời tuyên bố đã được chính thức nêu lên và cuộc cạnh tranh được chính thức khởi động. Xá đã đứng ở giải bờ bên kia, hoặc nói cách khác ở lại mảnh đất sau lưng họ. Giờ, họ có thể bàn đến anh như nói tới một láng giềng:
- Vợ Xá nằm ổ được một tuần lễ chưa nhỉ?
- Hơn rồi chứ... Ðể tôi nhẩm xem... mười một... A, mười hai ngày rồi.
- Tội nghiệp anh chàng, chắc giờ đang lo méo mặt.
- Mày nói gì thế? Có méo cái con đầu b... nó... Nó đang sướng nhảy cẫng lên thì có.
- Tao đếch tin. Thời buổi này hai ba con nuôi đã mệt, giờ nó lại lòi ra đứa thứ bốn... Rồi là chết với chính quyền xã.
- Thằng này ù ù cạc cạc lại thích bình phẩm... Chết làm sao được? Nó tuyệt đối chấp hành chính sách sinh đẻ có kế hoạch, đưa vợ tới trạm xá ngày đầu tiên trong chương trình đặt vòng phòng tránh thai. Vậy thì không chủ tịch với bí thư nào dám hoạnh họe. Còn chuyện vài tháng sau vòng rơi ra và cô Soan có chửa là do trời xui đất khiến, bố ai hiểu nổi chuyện gì xảy ra trong cái nơi thăm thẳm hỏm hòm hom ấy? Bữa mới đón vợ từ trạm xá về, nó quạc mồm oang oang trêu vợ: Thế nào cô mình đã thấy con cu của anh đây oanh liệt hay chưa? Nó húc bắn vòng của chính phủ ra chui vào tận tổ con chuồn chuồn... Thế là bỗng dưng vợ chồng mình có tứ tử trình làng, oai nhất Xóm Núi nhé. Ðiểm mặt xem, dê xồm như cụ Phiều quanh năm tẩm bổ cao dê với hột dái dê cũng chỉ đẻ được ba mống con trai, còn lại cả tiểu đội thị mẹt. Vậy mà cò súng anh đây nổ liền bốn phát bốn thằng cu...
- Ð... mẹ cái thằng bố láo...
Cả đám phường săn phá lên cười. Ngớt cơn cười, người ta hút thuốc uống trà râm ran đủ thứ chuyện vặt rồi lát sau một người lên tiếng:
- Này, cái thằng cha Xá chột biến đằng nào không thấy? Lẽ ra cũng phải biện cái lễ tạ từ để bọn ta cùng nâng chén lên hạ chén xuống chớ? Làm thằng đàn ông dù hầu vợ hầu con cũng phải có lúc bỏ đi đàn đúm với chúng với bạn, không lẽ suốt ngày úp mặt ngửi hơi cái lò ướt ấy hay sao?
Cả bọn lại cười khành khạch, và người láng giềng của Xá chột cao giọng:
- Cái ông này nói tục bỏ mẹ... Làm như tất tật đàn ông trong thiên hạ đều thích ngửi con ba ba như ông. Xá chột không còn ở làng... Nó chỉ chạy đi chạy lại trông vợ còn công việc chính bây giờ là bán cửa hàng sắt và nguyên vật liệu xây dựng dưới thành phố.
- Ai thuê nó vậy?
- Không ai thuê. Nó giờ là ông chủ. Chủ cũ là chị họ của Xá, gái quá lứa lỡ thì. Những năm trước Xá chột thường qua lại trông nom cửa nhà giúp, hoặc khi thuê thợ sửa nhà chữa điện, hoặc coi sổ sách đỡ đần. Nó học hết cấp ba ngần ấy năm đi lính chữ chưa rơi vãi hết, vả lại nó vốn sáng dạ nên bà chị cũng nhờ vả được nhiều. Bất đồ năm ngoái bà ta vào Sài gòn vớ được ông tình nhân, một lão Tài già hơn bà ta đến hai chục tuổi nhưng còn bảnh bao. Lão này giàu sụ, có tới năm cửa hàng ở Sài gòn và lục tỉnh. Ba đứa con gái đã lấy chồng ở hết bên Tây còn mụ vợ già chết cũng ngót nghét mười lăm năm, vớ được người nhan sắc lão mừng hơn bắt được vàng, đòi tổ chức cưới liền. Cưới xong bà ta thu xếp vào Sài gòn ở hẳn với lão.
Vậy là bỗng dưng Xá chột được hưởng không căn nhà hai tầng với cửa hàng dưới thành phố.
- Người ta nói đúng thật: Số giàu đem đến dửng dưng, lọ là con mắt tráo trưng mới giàu. Khi chưa tới vận đỏ có làm thót hai hột cà cũng chỉ đủ miếng bỏ vào mồm. Khi đến vận đến thời của nả từ trên trời tự dưng rơi trúng cổ.
- Trời cũng chỉ một phần thôi chớ? Cái chính Xá chột là người tốt bụng, hẳn nó đỡ đần cái bà chị độc thân kia rất nhiều nên tới khi giàu sang người ta mới trả quả.
- Ðúng. Cứ xem nó giúp cậu Bôn thì rõ. Người dưng nó còn tốt được đến thế huống hồ có dây máu huyết? Giọt máu đào hơn ao nước lã...
- Nghe đâu cửa hàng khá lớn, phải thuê người coi sóc. Cái chỗ ấy là của cậu Bôn nếu cậu ta sáng suốt khỏe mạnh. Nhưng vì Bôn đã lẩn thẩn nên Xá mời Bình kều. Tay này chỉ nặng tình với bạn, còn anh em con chú con bác có cả đống trong làng nó chẳng thèm để mắt tới ai, không phải như ông nói: Giọt máu đào hơn ao nước lã đâu...
- Thế thì nó dại.
- Biết thế nào là dại với khôn? Cái ông cho là khôn thằng khác lại nghĩ là dại và ngược lại.
- Thôi đừng lý sự quèn... Dạo này cậu Bôn lẩn thẩn rồi ư? Tôi nghĩ là cậu ta khá hơn hẳn thời kì trước. Quanh năm suốt tháng ở nhà, mưa không tới mặt nắng chẳng tới đầu ăn uống thuốc thang tẩm bổ đều trông cậu ta vâm vạp lắm.
- Thân sướng đã chắc gì tâm nhàn. Con người ta cũng như cái máy lâu không chạy thì han rỉ.
- Tôi lại nghĩ con người ta như cái ống, có đầu vào phải có đầu ra... Ðầu ra của cậu ta bị nút chặt rồi.
- Thằng cha này lại tán bậy... Cậu ta có còn ngó ngoáy được đâu mà tính đầu ra với đầu vào?
- Ai biết được tổ chuồn chuồn ở chỗ nào? Nó còn trẻ thế, lại no cơm ấm cật sao khỏi có lúc dậm dật? Khốn nỗi cửa buồng cô Miên lúc nào cũng đóng chặt. Thêm nữa ba gian nhà giữa có một ông đứng lù lù canh gác, đố mon men được tới gấu quần vợ.
- Vợ hờ thôi... Cô ta có còn yêu nó nữa đâu. Cô ta sống với tay Hoan bụng chửa to bằng cái trống cà-rình cả làng nhìn rõ mười mươi, ai dám hồ nghi... Nhưng cô ấy vẫn nuôi cậu ta như nuôi một ông bố già. Như thế đã là tốt lắm, người đời khó theo được.
- Cậu ta tàng tàng từ hồi nào nhỉ? Trước gặp nó thấy ăn nói vui vẻ hoạt bát lắm.
- Nó tàng từ hồi vợ đẻ ra quái thai. Nghe họ nói cái thai đó là con trai đủ hai tay hai chân lẫn buồi dái nhưng không có đầu. Cổ nó rất to rất dài trên dính cái màng tròn như bọng đái lợn bên trong có đám gium trắng bò ngoằn ngoèo lẫn tia máu.
- Sao biết được?
- Bà chị dâu họ tôi bên xã Vinh Quang nằm viện với cô Miên một ngày. Ông chồng nghe đám y tá xì xào về cái quái thai nên lúc hộ lý xách đi chôn ông ấy chạy theo vạch xô ra xem.
- Lạ nhỉ? Xưa nay chỉ nghe quái thai thiếu hoặc thừa ngón chân ngón tay, hoặc sứt môi sứt mũi... Chưa nghe ai nói quái thai cụt đầu.
- Nghe như vậy thì chưa hẳn cụt đầu, nhưng không có xương sọ và mặt. Tôi cho rằng cái đám giun trắng bò ngoằn ngoèo chính là óc. Các ông ăn óc lợn có thấy hình dạng nó từa tựa như vậy không?
- Thôi đừng nói nữa nghe ghê tai bỏ mẹ... Này, lũ trẻ nhà tôi đi lùa dê nói rằng hồi này cậu Bôn thường luẩn quẩn trên bãi tha ma, có đúng không?
- Ðúng đấy, có lúc nó thủ theo con dao rựa. Bữa tôi đi ngang qua cậu ta chào hỏi tử tế còn rút thuốc mời.
- Ông thấy thế nào?
- Tôi đang vội nên chỉ ngồi với cậu ta được tàn điếu thuốc, thấy khẩu khí vẫn đàng hoàng tỉnh táo. Duy có điều đôi lúc đang nói cậu ta lại mỉm cười với ai đó, tuồng như cười với cái kẻ cậu ta đang tơ tưởng rồi sau đấy cậu ta lại tiếp tục nói chuyện như thường.
- Nó đem theo dao rựa làm gì nhỉ?
- Có lẽ cậu ta định chặt gai tầm ma hoặc cây dứa dại.
- Nhà nó có làm nghề phù thủy đâu mà chặt gai tầm ma với dứa dại? Khéo nó đào mồ đào mả của chúng ta thì nguy.
- Ðừng lo. Mấy ngôi mả nhà ông xây cả rồi chứ?
- Rồi.
- Vậy làm sao cậu ta đào được gạch xây xi-măng bằng con dao cùn như vậy? Muốn thế nó phải có xà-beng. Dân Xóm Núi dù giàu dù nghèo đều đã xây mộ. Duy chỉ còn gia đình cậu Bôn và ngoài ra là ba ngôi mồ vô chủ từ nhiều đời nay đã lún gần hết, chỉ còn núm cỏ lùm lùm trên mặt đất. Không lẽ Bôn lại tự tay đào mồ cha mẹ mình... Các ông cứ yên trí, dù ngây ngây chứ điên thật cũng chẳng đứa con nào đào mả bố mẹ mình.
- Ðã mất trí thì còn hay biết gì nữa?
- Bôn chưa phải người mất trí. Chỉ vì đau mất con nên cậu ta hóa ngơ ngẩn. Phần trí não nào của cậu ta bị mất thì linh hồn tiên tổ và cha mẹ cậu ta sẽ dẫn dắt. Tôi tin như vậy.
- Tội nghiệp... Hồi nhỏ, cậu ta học giỏi lắm, vẫn thường giúp thằng út nhà tôi làm bài...
Chuyện tới đó ông trưởng phường xách ra sân hai cây đèn bão vì trời đã nhọ mặt người. Ðặt hai cây đèn lên kệ xong xuôi, ông quay xuống bếp dõng dạc cất tiếng:
- Thế nào, đã xong mẻ bánh mới chưa? Xong rồi đem lên đây cho anh em.
Có tiếng dạ ran của đám đàn bà bao gồm cả vợ cả con gái cả con dâu của ông rồi không đầy phút sau hai cô con gái ông khiêng lên một thúng bánh bốc khói nghi ngút, nước từ thúng bánh nhỏ xuống sân thành một đường ngoằn ngoèo. Ông già quát:
- Chúng bay làm ăn thế hả? Sao không lấy cái chậu hứng bên dưới?
Hai cô con gái mặt đỏ bừng hơi lửa chưa kịp chống chế bà vợ ông đã nói vóng từ bếp lên:
- Chậu đâu... có chậu đây... Rồi bà tong tả xách chiếc thau đồng lớn đem lên, đặt ngay ngắn giữa sân để hai cô con hạ thúng bánh. Xong xuôi, ba mẹ con lại thụt xuống bếp, mảnh đất an toàn và vui thú nhất của họ. Vị gia trưởng lúc đó hài lòng tiếp tục nói:
- Này anh em, ăn bánh uống trà đi. Năm nay hơi hướng đất trời xem ra êm thuận, tôi đang xem giờ để chúng ta xuất phát. Chút nữa quên... Tôi báo một tin vui, phường săn chúng ta năm nay tuy thiếu cậu Xá nhưng lại có thêm hai tay súng mới: chủ tịch xã và anh Hoan, chủ trại Suối Nhỏ. Hai người cùng tới đây xin nhập hội một lần.
- Chủ tịch xã chiều nào chẳng uống trà trên sân thượng nhà tay Hoan. Thế nên họ xin nhập hội một lần cũng là lẽ thường. Phải nói gã nhà giàu này khéo ăn khéo ở thật.
Và thế là đám phường săn lại quay về những nhân vật chính của cặp vợ chồng tay ba giống như trò chơi đổi chỗ, người chồng thứ nhất, người chồng thứ hai và người đàn bà quyến rũ bùa phép cả hai gã đàn ông.
Xóm Núi nhỏ bé quá. Trong thế giới nhỏ bé và tù đọng ấy, niềm vui thoáng qua mau như ánh hồi quang như hơi gió thoảng, nỗi âu sầu quẩn quanh như thứ khí độc hại và mê say của bùa ngải, như thuốc phiện làm mê đắm và tê bại hồn người, bởi trong mỗi tâm hồn yếu ớt lẻ loi man dại đó đều chứa mầm mống bệnh hoạn một thứ thèm khát ngầm ẩn không thú nhận những bi kịch ghê gớm những giông bão đường đột dù rằng cùng với nỗi thèm khát đó, sự sợ hãi thường trực đeo đuổi như kẻ đồng hành...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư