Chốn vắng - Chương 23 (Dương Thu Hương)
Phương Như | Chat Online | |
12/07/2019 07:21:58 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
109 lượt xem
- * Chốn vắng - Chương 24 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 25 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 22 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 21 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
Miên thức dậy lúc sáu giờ sáng. Chuông đồng hồ gõ thong thả từng tiếng một. Nằm trên giường, chị nhẩm đếm cho tới âm thanh sau chót. Tiếng chuông ấy, kèm theo khúc nhạc vui vẻ lảnh lót làm chị ngỡ ngàng. Chị ngồi dậy thầm nói với mình: Ðây chính là nhà ta, của ta, và tiếng chuông kia vốn là những âm thanh cũ... Tuy thế, Miên vẫn ra phòng ngoài, ngắm lại chiếc đồng hồ treo tường như chưa tin rằng nó đã treo ở đó từ lâu, từ lúc ngôi nhà này vừa được quét vôi còn khu bếp và nhà tắm đang xây dang dở. Chiếc đồng hồ treo tường cổ, khung gỗ chạm cực tinh xảo và điệu nhạc thánh thót khiến không gian như cũng muốn ngân nga theo. Hoan đã mua nó tận Nha Trang, một thành phố chị luôn nghe anh nhắc tới: Bây giờ có nhiều loại đồng hồ báo thức. Ðủ mặt hàng của Nga, của Pháp, của Mỹ, của Ðức, của Nhật. Nhưng anh mua cho mẹ con em chiếc đồng hồ Thụy Sĩ bởi trước đây cha ưa thích điệu nhạc báo giờ này... Miên không biết gì về các loại đồng hồ nhưng đối với chị, điều Hoan đã nói tức là chân lý. Và ngay tức khắc, khúc nhạc thánh thót báo giờ hòa nhập vào tâm hồn chị. Nó, cũng như ngôi nhà, khu vườn, căn bếp không chỉ là một thứ tài sản nhưng là một bộ phận tạo thành cuộc sống. Từ ngày Hoan đón chị trở lại, tất cả bỗng như mới mẻ ngỡ ngàng. Chính Miên cũng không hiểu vì sao chị có cảm giác kì lạ ấy. Lúc đang còn sống dưới mái nhà Bôn, ngày ngày dắt cu Hạnh trở về đây, chị thấy mình như kẻ bị nhốt dưới hầm được trồi lên mặt đất. Mỗi sáng, khi đi qua cổng, giật dây chuông, đẩy cánh cửa gỗ, một niềm vui sướng trẻ thơ xâm chiếm tâm hồn chị, và chị bước trên con đường nhỏ dẫn vào sân như kẻ được dẫn tới địa đàng. Chị thường tỉ mẩn nhổ những mầm cỏ trồi lên nơi kẽ gạch, thường cặm cụi tỉa lá cho các khóm địa lan và đứng hàng giờ ngắm những chùm hoa mong manh đọng đầy sương sớm. Chị cũng thường vun lá khô, lượm những trái cam rơi hoặc những đám hoàng lan chín nẫu rụng tơi bời quanh gốc...
Tất thảy những công việc vặt vãnh ông già Lư đã nhiều lần năn nỉ chị để đó cho ông... Bất cứ thứ gì liên quan đến ngôi nhà đều làm chị say mê. Dường như mọi vật có linh hồn, chúng chờ đợi chị. Và chị, bao lần thầm nói: Tất cả những gì nơi đây, trong khu vườn này, trên mảnh đất này, dưới mái nhà này là của tôi, thuộc về tôi...
Giờ đây, khi đã thật sự quay về, khi đã thật sự ngồi dưới mái nhà cũ, chị lại hoang mang. Một nỗi hoang mang câm lặng. Nó không dám cất lời dù là lời thầm trong óc não. Nó cũng không dám nghĩ, bởi nó chỉ là sự manh nha của ý nghĩ, vụng lén và nhát nhúa, nhát nhúa và hèn mọn đến mức cái manh nha đó mãi mãi đứng trong cõi mù mờ, không bao giờ khởi phát thành ngôn từ... Nhưng Miên biết rằng sự hoang mang đang ngự trị. Nó cũng như khí trời. Không nhìn thấy, nhưng biết rằng có. Ðang có... Chị đứng ngây dại ngắm chiếc đồng hồ, những đường trổ xung quanh mặt kính, và quả lắc đong đưa không mệt mỏi. Buổi tối đầu tiên từ nhà Bôn quay về chị mời dì Huyên ngủ lại. Hai người đàn bà nằm hai bên, đứa trẻ ở giữa. Nó là kẻ sung sướng nhất bởi nó được lấp đầy và nó ngủ tức khắc giấc ngủ thần tiên. Miên không ngủ. Chị nhìn ra vườn.
Khuôn cửa rộng với hai tấm rèm vừa giặt sạch. Bao đêm chị mơ được quay về đây, ngủ trên chiếc giường này nhìn vườn cam bên ngoài xao động. Ðêm không trăng. Và khuôn cửa im lìm. Ngọn nến cháy trên chiếc giá đồng đặt trên cây kỷ cũ. Vẫn chiếc tủ chân quỳ ba buồng, và bên kia là tấm gương lớn, nơi Hoan bắt chị thử lần lượt những tấm váy anh mua. Gian buồng được giữ nguyên như cũ. Ðồ đạc không đổi thay, không thêm bớt. Vật nào ở đúng vị trí vật nấy, không xê dịch một ly. Chị muốn như vậy. Hoan cũng muốn như vậy. Và người quản gia đã thực thi ý muốn đó một cách trung thành.
Như cũ... nguyên như cũ... Nhưng chẳng thể nào như cũ. Miên không còn là Miên ngày trước...
Chị giật mình khi thấy chị buộc miệng thành lời. Dì Huyên cựa quậy đôi vai, thở dài:
- Cố mà ngủ đi con.
- Con tưởng dì đã ngủ?
- Sao dễ dàng thế được...
- Con không hiểu rồi đây sẽ sống ra sao?
- Chỉ Trời Phật mới hiểu được mọi sự... Người trần mắt thịt sống đến đâu hay tới đấy thôi... Dì chỉ e xóm làng đàm tiếu.
- Con chẳng sợ đàm tiếu... Kẻ nào mở miệng nói kẻ ấy tự giỏng tai nghe.
Bà già thở dài lần thứ hai và sau một hồi yên lặng bà cất tiếng:
- Từ xưa cổ nhân đã dạy: Giơ tay mà hứng nước trời, tránh sao cho nổi những lời thế gian... Vậy mà cha ông ta cho đến đám con cháu bây giờ vẫn sợ nhất lời bấc tiếng chì của xóm giềng làng nước... Cứ nhớ lại hồi thằng Bôn mới về, đám đàn bà Xóm Núi rỉa rói, cạnh khóe mà ghê răng...
- Qua cái đận ấy rồi dì ạ... Giờ đứa nào xỏ xiên con mắng vào giữa mặt...
Dì Huyên không đáp. Thái độ cứng rắn của Miên làm bà kinh ngạc.
Lần đầu bà nhận thấy đứa cháu nhu mì đã thay đổi và sự thay đổi ấy khiến bà vừa ngỡ ngàng vừa kính nể. Nhưng vốn là người kín đáo bà im lặng.
Miên không nói gì thêm. Ðêm ngập đầy tiếng côn trùng than thở. Vài giờ nữa trôi qua, trong các xóm xa tiếng gà báo canh táo tác cất lên sau đó tiếng lạch cạch ngoài phòng khách vọng vào, kèm theo mùi trà ướp nhài thơm ngát. Người quản gia đã thức giấc pha trà uống. Trong gia tài còm cõi ông đem tới đây có bộ độc ẩm, đó là vật bất ly thân của ông cả ngày lẫn đêm. Giống loài hạc, ông ăn ít, ngủ ít, nhưng lúc nào cũng tỉnh táo và thường mỗi bận uống trà cặp mắt ông khép lại dường như chất nước kích thích kia không đem cho ông sự hưng phấn mà mang tới những cơn mơ thức cùng những giây phút mơ màng.
Sau tiếng gáy dáo dác của lũ gà trong xóm, bầy trống chuồng nhà nhất loạt gáy theo. Dì Huyên nhỏm dậy:
- Cố ngủ đi con... Tao ra kiếm chén trà vậy.
Bà già ra phòng ngoài, tiếng dép lê lệt xệt. Miên nghe tiếng người quản gia mở tủ kính, hẳn để lấy ấm lớn pha trà, rồi tiếng trao đổi thì thào của dì Huyên với ông, cả hai đều cố giữ yên lặng cho chị ngủ cho dù họ biết rõ giấc ngủ đó đêm nay không thể tới... Vì sao, vì sao nhỉ? Chị cất tiếng thầm hỏi mà không biết muốn hỏi điều gì, chỉ thấy một sự bất an, một nỗi tròng trành đang đu đẩy. Như chị không nằm trên giường mà trong một con thuyền không buồm không lái. Cu Hạnh trở mình. Miên lui ra một chút, nhắm mắt, bất chợt chị thấy hai cánh tay mình đang gác trên trán. Chị kéo tay xuống, một tay đặt lên đùi con trai, tay kia thả xuôi, ép vào hông... Vì sao nhỉ? Câu hỏi mơ hồ kia lặp lại như tiếng sóng từ con hồ xa ngái, con hồ thơ ấu miền quê xưa vọng tới. Miên lơ mơ ngủ, nhưng vài phút sau chị giật mình khi thấy cả hai cánh tay chị đã tự động gác lên trán, và thân chị cứng đơ trong tư thế xác chết chuẩn bị nhập quan... Hiểu rồi, hiểu rồi, giờ ta đã hiểu ra rồi... Một ý nghĩ vụt tới như dao chém khiến chị ngồi bật dậy. Cuộc chung sống với Bôn tuy không dài lâu nhưng đã tạo cho chị những thói quen gớm ghiếc. Chị đã quá quen với tư thế của một kẻ bất hợp tác, dù có đôi lúc phải tòng phục nhưng luôn luôn sống trong ý thức đối kháng và phòng ngừa. Chị không còn nhận thấy kiểu nằm ngủ cứng đơ, thẳng cẳng với hai cánh tay gác lên trán, vừa bất động như một xác chết vừa gìm giữ và chuẩn bị các khả năng phản công là kì quái đối với những người đàn bà bình thường. Trở lại căn phòng cũ chị mới thấy mình lạc lõng. Khi cánh tay chị vật xuống, nó không gặp tấm chiếu trải trên lớp ván gỗ như ở giường nhà Bôn mà là lớp vải phủ trên nệm dày mềm mại. Một bên vai và sườn chị luôn co cứng, bởi phía đó tiếp giáp với Bôn, các cơ bắp bị gắn còi báo động thường trực không dễ đàn hồi. Ðã mấy lần Miên cố tình nằm nghiêng, đè lên vai trái để xóa đi những tín hiệu cũ nhưng lát sau sự ngột ngạt và nỗi lo sợ cố hữu khiến chị phải đổi lại tư thế. Như vậy, không chỉ những chung chạ, không chỉ nỗi ê chề của lần thai nghén và kỉ niệm kinh hoàng khi sinh nở khiến chị không bao giờ còn trở lại là Miên ngày xưa mà ngay đến những thói quen nhỏ trong sinh hoạt cũng đã đẩy chị sang một con bờ khác...
Gà gáy sang canh hai, rồi gà gáy canh ba... Dì Huyên vẫn ngồi uống trà to nhỏ chuyện trò với người quản gia. Còn chị, chị ngồi nhìn nến cháy, nhìn đứa con trai say ngủ, những đồ vật trong căn buồng... vương quốc bị mất đi giờ đã chiếm lại được, duy chỉ có chủ nhân của chúng là không thể tìm lại niềm vui sướng và sự an bình đã mất...
Từ đêm ấy đến sáng hôm nay đã ba tuần hơn, sắp một tháng tròn, Miên vẫn chưa xóa được sự lạc lõng ngay chính trong tâm hồn chị. Chị đã tập, và đã kéo được một cánh tay xuống. Bây giờ chị chỉ gác một cánh tay phải lên trán khi ngủ, chị cũng đã nằm nghiêng được sang bên trái tuy chỉ một vào khoảnh khắc thôi. Nhưng nỗi hoang mang vô ngôn và mù mờ kia vẫn theo sát chị, nó như một thứ sương mù, một đám hơi ngưng đọng trong khe núi, không thể nắm bắt, không thể xua đuổi. Có những buổi sáng, khi mở mắt không nhìn thấy những đốm nắng lọt qua kẽ mái tranh đầu hồi nhà Bôn, chị ngơ ngác chẳng biết mình mê hay tỉnh. Cho tới khi cu Hạnh thức dậy hoặc nhõng nhẽo vòi ăn sáng, hoặc rúc vào đùi chị đòi ngủ nướng Miên mới tin rằng chị đã trở về nhà cũ và sống cuộc sống thật sự của mình. Nhưng ngay cả cái cuộc sống chị nhiều lần tự khẳng định với bản thân cũng tròng trành như con thuyền không lái...
- Thưa bà, bà có uống trà để tôi pha.
Người quản gia đã tới sang lưng chị, lên tiếng. Ông luôn có giọng nói nhẹ nhàng, bình thản. Không chờ Miên trả lời ông nói tiếp:
- Ðiệu nhạc của chiếc đồng hồ này hay lắm. Ông nhà thật sành.
Miên quay lại:
- Bác biết nhiều loại đồng hồ chứ?
- Thưa vâng... Tôi đã làm công cho rất nhiều chủ. Nhiều người giàu sang hơn ông, nhưng không sành, dù họ lớn tuổi và chán chê lăn lộn.
Miên không biết nói gì thêm. Thật sự chị cũng không thể nói gì thêm với ông bởi có lẽ ông còn hiểu Hoan và biết đánh giá anh rành mạch phân minh hơn chị. Chị chưa từng đi tới thành phố nào ngoài thành phố sinh ra anh, chưa từng biết chân trời nào ngoài những chân trời anh đã vạch ra cho chị. Anh là vũ trụ lớn lao bao bọc, che trùm và bởi thế vừa gần gụi vừa không sao đo lường cho thấu... Chừng như đọc được nỗi bối rối của Miên, người quản gia nói:
- Giờ đã sáng, bà dùng bữa trước hay đợi cậu nhà?
- Sao cũng được bác ạ.
- Vậy mời bà xuống bếp, tôi đã nấu sẵn nồi súp bò. Ông muốn bà chú ý tới các bữa ăn hơn.
- Bác không nên quá bận tâm vì tôi... Tôi tự lo được.
- Không có gì đáng bàn, thưa bà.
- Một mình bác phải toan tính cả khu Suối Nhỏ lẫn trường học.
- Mọi việc đã xong xuôi, tôi đã khoán và người thợ cả phải trông coi. Họ làm tới đâu, tôi sẽ ra nghiệm thu tới đó. Tiền công chỉ được trả sau khi nghiệm thu tốt.
Miên trùm khăn trước khi bước xuống sân. Chị vẫn chưa hồi sức. Buổi sáng thức dậy chị vơ được cả nắm tóc rụng trên mặt gối. Một gợn gió nhẹ cũng làm chị ù tai, những cơn ù tai kéo rất dài và đôi khi có tiếng rít ghê rợn tựa hồ có ai đặt bễ than lò rèn trong đầu chị. Lần sinh cu Hạnh, chị chẳng thấy mảy may những dấu hiệu đó. Lần này... Nhưng làm sao mà so sánh được? Sông nhiều khúc và đời nhiều ngả rẽ. Có lẽ kiếp trước chị đã nợ nần Bôn nên kiếp này chị phải trả anh... Mình đã từng thù oán, đã từng căm ghét con người đó nhưng bây giờ không còn như thế... Mình đã từng hả hê khi nhìn thấy anh ta đau khổ nhưng bây giờ... Chị nghĩ, khi kéo hai vạt khăn che kín tai kín cổ để đi qua khoảng sân rộng đầy gió. Sân rộng, vườn cũng rộng, ngõ sâu nên gió thổi lồng lộng như ngoài đường. Bước vào bếp, Miên khép kín cửa.
Ông già Lư đã đặt sẵn lò than sưởi dưới chân Miên. Chờ chị ngồi xuống ghế ông đem tới bát súp nóng. Mùi thịt bò ướp ngũ vị bốc lên đánh thức cơn đói và cùng với cơn đói, nó kéo đến một câu hỏi mơ hồ... Ăn gì nhỉ? Anh ấy ăn gì buổi sáng hôm nay? Những đồng tiền ta để lại chắc đã cạn từ lâu. Trong căn nhà đó không móc ra vật gì có thể bỏ vào nồi, nương tiêu với nương cà-phê đang còn lút cỏ... Khốn khổ cho Bôn. Cái câu hỏi mù mờ đó mỗi lúc mỗi rõ rệt hơn thoạt đầu nó giống như một âm vọng xa vời rồi dần dà nó cất thành tiếng, bật thành câu rành rọt và mạch lạc. Lúc Miên ăn hết bát súp, ông già Lư mang tới cho chị chén trà gừng nóng chị uống từng ngụm, cứ mỗi ngụm chị lại hình dung thấy gương mặt Bôn một cách sống động hơn... Ta không còn căm ghét Bôn bởi chính anh ấy cũng chẳng sung sướng nỗi gì, bởi anh ấy cũng biết phận mình nhục nhã... nếu ta ở trong tình cảnh của Bôn... Chị tự hỏi, và mường tượng lại buổi sáng khủng khiếp chị đã lao vào cánh cửa để trụy thai ra trước mặt Bôn, chị đã sung sướng hả hê, nỗi hả hê ác độc chị chưa từng biết, một sự sung sướng man rợ và tàn nhẫn chị chưa từng mường tượng sẽ nếm trải trong đời...
Hôm ấy Bôn đã quỳ xuống lạy sống chị ngay trước mặt dì Huyên. Nhiều ngày sau đó anh nhìn chị với cặp mắt kẻ tội đồ. Lưng Bôn còng xuống, mặt xám ngoét, nhiều lúc anh thở dốc và hụt hơi như một lão già sắp tới cõi. Ðêm đêm anh không còn dám trèo lên giường cùng lúc với chị. Anh thường quanh quẩn từ trong nhà ra sân, rồi từ sân lại vào nhà chờ chị lên giường trước. Miên yên vị hồi lâu anh mới rón rén trèo lên, nằm ép sát vào mép giường hệt như con gián. Những đêm ấy Miên khó ngủ, chị thường gác hai cánh tay lên trán, lặng lẽ quan sát anh. Một chút dửng dưng, một chút lạ lùng, một chút thương hại. Chị biết anh đã hoàn toàn kiệt sức sau một đêm rồ dại và giờ đây chỉ còn là bóng của chính cái mầm sống anh đã gieo trong thân xác chị. Rồi một đêm nào đó, chị ngủ thiếp đi. Khi chị bừng tỉnh giấc gà đã gáy canh hai. Bôn chưa ngủ, ngồi chồm chỗm dưới chân giường hai tay bó gối. Ánh đèn hắt vào cặp mắt u tối của anh.
Ðôi mắt ấy như hang động bị bỏ quên, chưa ai từng đặt chân tới chưa ánh đuốc nào soi rọi. Anh ngồi như tượng đá khiến chị không dám cựa mình. Thời gian tiếp tục trôi và chị tiếp tục theo dõi anh với nỗi tò mò khắc khoải. Chị thấy anh bắt đầu thầm thĩ vơi ai đó, như với ngọn đèn, với bóng tối ngoài sân, hoặc với chính anh. Những tiếng thầm thĩ rất khẽ, quá đỗi khẽ khàng, như không còn là tiếng người mà tiếng hồn ma. Từ hai hốc mắt anh, những dòng lệ từ từ chảy, ánh lửa soi vào chúng, lấp lánh. Bôn không đưa tay áo chùi, có lẽ anh không biết mình đang khóc. Những dòng nước mắt lặng lẽ chảy qua hai gò má, xuống cằm, sau rốt rớt xuống tấm áo quân nhân cũ anh thường mặc khi đi ngủ. Chị nao lòng. Tựa lúc anh đưa cho chị bánh xà-phòng thơm, món quà duy nhất anh mang về sau mười bốn năm chinh chiến...
Tội nghiệp cho Bôn... Giá ta là đàn ông, và ở vào tình cảnh của anh ấy... Ý nghĩ ấy bất chợt dấy lên chút xót xa. Sáng hôm sau thức giấc, nỗi xót xa kia biến mất khi tiếng chửi con của Tá vang lên tru tréo:
- A, tổ sư con đĩ non này, mày không dậy đi làm lấy cứt đổ vào mồm hay sao? Vào nhà xem có còn hột gạo nào dính dưới đáy nồi không? Không có phải lo ra đồng lên nương xem ai còn hột thóc rơi củ sắn thối lượm về... Mày có số làm đĩ ngồi dạng háng ra cũng sẵn của ngon vật lạ đổ vào mồm không hả? Mày có phận ăn trên ngồi trốc mưa không đến mặt nắng chẳng xuống đầu cũng ních tiền đầy túi, gạo đầy chum hay không?
Từ ngày những đứa con Tá ném ớt bột vào mắt cu Hạnh, Miên không cho mẹ con họ vay gạo nữa... Tôi không có phận sự nuôi lũ vô loài. Anh nghe nhân gian nói đấy, chẳng ai mặc áo cà sa đi với ma... Chị bảo thẳng vào mặt Bôn và anh giữ im lặng. Những đứa cháu Bôn và người chị lăng loàn của anh không chịu được sự đổi thay ấy. Món viện trợ thường trực bị cắt, cuộc sống của họ bỗng trở lại cảnh lao đao khốn đốn thuở xưa, cái thuở chưa lâu nhưng họ đã kịp quên lãng. Bôn hiểu rằng đối với người dân quê, cái ý tưởng: Một người giàu sang cả họ được nhờ là lẽ đương nhiên, đương nhiên một bà mợ giàu phải bao bọc những đứa cháu nghèo đói bởi nếu không bà ta sẽ phải chịu sự dè bỉu của thiên hạ... Cái quân xanh vỏ đỏ lòng, mặt tươi như hoa mà lòng sâu dạ hiểm. Ai lạ gì lũ chúng nó: keo cú thì mới có, tham lam như chó mới giàu... Nhưng chúng bay đừng tưởng đời đời kiếp kiếp như vậy, rồi diều quạ sẽ mổ sạch kho tiền, lang sói sẽ tha nhẵn của nả, tới lúc chúng bay trần như nhộng không mảnh khố che thân... Rút cuộc, không chờ người đời dè bỉu mà chính Tá nhảy dựng lên chửi.
Miên đáp lại bằng sự im lặng khinh bỉ và một nỗi thích thú ác độc mà trước kia chị chưa từng có... Chị thường mở toang cửa buồng ngồi điềm nhiên nhìn người đàn bà bẩn thỉu rạc rài lồng lộn ngoài sân. Không hiểu ánh mắt dáng vẻ đài các hoặc chính làn da nước tóc cái nhan sắc trời cho của chị đã khiến Tá điên cuồng. Thấy những lời lẽ ác độc của mình không hề chạm đến da thịt, không gây vết xước cỏn con nào trong tâm hồn người em dâu, chị ta có cảm giác tất thảy những lời lẽ gươm đâm dao cắt kia quay trở lại nhắm vào mình. Tá nhảy lồng lên túm tóc đứa con này hoặc nắm lưng đứa con kia trút túi bụi vào chúng tất cả sự phẫn nộ và oán thù chứa đựng trong tâm hồn hoang dã và dơ dáy.
Những lúc ấy Bôn lặng thinh. Hoặc anh quay mặt vào tường vờ ngủ hoặc anh vớ mấy tờ họa báo cũ nát giở ra xem. Nhưng đến bữa cơm anh cúi gằm mặt không nhìn ra sân, ở đó lũ cháu anh đang xúm quanh rổ khoai ngô nấu... Lúc ấy ta đã hả hê bởi những kẻ ác độc phải sống một cuộc sống tương xứng với chúng, bởi loại đàn bà vừa lười biếng vừa dâm đãng lăng loàn như Tá phải chịu cảnh bần hàn ti tiện họ không đáng được hưởng một cuộc đời may mắn hơn... Giờ đây ta không còn hả hê... Giờ đây ta đã quên... đã quên...
Miên tự nhủ, có lẽ chị đã quên cái kỷ niệm đau xót ấy? Thực ra, chị nhớ rõ như nó vừa xảy ra ngày hôm qua. Nhưng chị đã quên lòng hận thù. Chị quên rằng khi nhìn thấy cặp mắt sưng phồng của đứa con trai, chị đã tính đập nát đầu từng đứa cháu của Bôn, chị đã tính ném mồi lửa vào mái nhà tranh của họ, hoặc xô từng đứa trẻ xuống giếng cho chúng dãy dụa dưới đó và thay vì con chị bị bỏng mắt thì chúng sẽ chết đuối trương phình hoặc ít nhất cũng no bụng nước... Tất thảy những hành vi độc ác nhất mà trái tim đau đớn và hận thù của người mẹ có thể nghĩ ra. Nhưng vào phút chót, chị chợt hiểu rằng đối với đám trẻ hoang dã kia mọi sự trả thù đều vô nghĩa, bởi chúng chưa phải loại người biết đau khổ. Bởi chúng chưa hiểu sự nhục nhã. Mẹ chúng cũng gần như vậy. Trong gia đình họ, người có khả năng đau khổ và nhục nhã nhất chính là Bôn, và vì thế chị đã để mặc cho lũ trẻ độc ác, những tên tội phạm chính thức đứng ngoài sân và hướng toàn bộ ngọn đòn thù vào anh, biết rằng sự tính toán của mình hoàn toàn chính xác...
Trong buổi sáng này, kỷ niệm kia trở lại, giống cảnh đồi núi ngày Thu với những nét phân cắt rõ ràng và một nỗi buồn không minh bạch... Vì sao nhỉ? Vì sao? Trên những giải đồi xào xạc mùa Thu thường mọc loài cỏ khô màu xám bạc, lá dài như ngọn lau trổ bông li ti mỏng manh, những sợi tơ mảnh hơn tơ bồ công anh, mảnh đến mức mắt thường khó nhìn thấy, những đám tơ cỏ ấy theo gió bay, vương vào tóc, đọng trong nếp áo quần, khi trở về nhà mới biết. Miên nhận ra nỗi buồn đang giăng mắc trong không gian chị hít thở, vây bọc chị cũng tựa như loài bông cỏ kia, nhìn không rõ nhưng chúng lặng lẽ chất đầy những góc sâu kín, ngóc ngách trong tim chị... Vì sao nhỉ? Vì sao? Khi ở dưới mái nhà Bôn, lòng oán thù pha trộn nỗi xa xót. Có lúc chị thương anh, và tưởng rằng chị có thể nghiến răng sống nốt quãng đời còn lại cho kẻ đã một lần mắc nợ...
Nhưng những khoảnh khắc đó càng ngày càng trở nên hiếm hoi, trong khi nỗi hờn oán lớn dần, tích tụ không ngừng, ngày qua ngày, tháng qua tháng.
Cứ cho rằng kiếp trước ta có nợ với Bôn, nhưng nào ai chứng kiến được điều đó? Vả chăng, dù có nợ, ta cũng đã trả đủ. Ta không thể tiếp tục sống với một hồn ma nhập thể. Thà rằng nhảy xuống vực còn hơn sống kiếp dang dở này...
Ðã nhiều lần bụng bảo dạ, Miên mường tượng tới cảnh chị nhảy xuống vực sâu như một lối thoát chóng vánh, thuận tiện, và chị đã nghĩ sẵn những lời trăn trối với con trai, với dì Huyên, với Hoan. Trong cơn tưởng tượng đó, chị đã tự khóc than mình, tự đi sau quan tài đưa mình về nghĩa địa, tự đắp cho mình những nhát xẻng cuối cùng để nấm mộ được cao và chị đã tự do đếm xem trong đám tang của chị, ai sẽ khóc nhiều hơn cả, đau khổ nhiều hơn cả. Rồi những cơn tưởng tượng qua đi, chị lại từ đáy vực trồi lên, tới nhà dì Huyên bồng bế hôn hít đứa con xinh đẹp, dắt nó về nhà cũ chơi, làm cho nó những món ăn và không ngừng mơ tưởng tới người đàn ông dưới thành phố. Chị biết chị chưa thể chết, bởi chưng ông Trời chưa thuận. Và bởi phía sau hình ảnh oai nghiêm và cao vòi vọi của ông Trời, vẫn là một người bằng xương bằng thịt, gương mặt sáng ngời với món tóc xòa trên vầng trán, khuôn miệng đam mê và đôi mắt nhìn như ve vuốt. Lần nào trở về nhà cũ chị cũng tới giường ngủ, ôm con nằm lên đó khi đứa bé bi bô trò chuyện chị nhắm mắt lại truy tìm những cuộc ân ái trong quá vãng. Thi thoảng chị dắt con leo lên sân thượng, ở đó, chị đưa mắt nhìn về phía chân trời, mênh mang nghĩ một ngày nào đó hai mẹ con sẽ đi về phía Ðông, nơi mặt trời mọc, nơi thành phố giam cầm một gương mặt yêu dấu.
Trong đáy sâu tâm hồn chị, tiếng thét câm lặng vọt lên: Ta sẽ cùng nhau, ta sẽ sống cuộc sống xưa cũ... Bất chấp tất cả... Không còn gì có thể chia ly, không còn gì ngăn cách... Tiếng thét đó câm. Vì câm lặng, nó dồn tích ngày này qua tháng khác trong tim chị chẳng khác chi những viên đá ném chồng chất lên nhau trong một hang sâu. Vì là tiếng thét nó rạch lên tâm hồn chị những vết cắt buốt xót chằng chịt. Càng ngày Miên càng thấy chị bị dồn đẩy, bị xô dạt tới bến bờ nào đó mà chị không định hướng nổi.
Nhưng chị biết giông bão đã tích tụ và chị vừa sợ hãi vừa chờ đợi tiếng sét... Cho tới buổi sáng Hoan dắt cu Hạnh bước vào gian phòng của Bôn, ấy là buổi sáng định mệnh. Chị ngồi bật lên khi nghe tiếng động đầu tiên, tiếng giày cu Hạnh đá vào cánh cửa. Con trai chị có thói quen ấy, không biết ai dạy, và dù chị đã nhắc nhở rất nhiều lần thằng bé vẫn không bỏ đi được. Miên vừa định cất tiếng gọi con bỗng nhìn thấy Hoan. Anh đang cúi đầu chui qua khuôn cửa. Khi bước vào phòng, anh ngẩng lên và bốn mắt họ gặp nhau. Tức khắc, Miên đổ xuống như một cây chuối bị chặt, òa khóc, Hoan nhảy một bước tới giường, bồng vợ trên tay. Vậy là sấm đã nổ, sét đánh tan những đám mây giông tích tụ bao ngày tháng. Những dòng nước mắt được gìn giữ tuôn trào. Bao nhiêu buồn tủi, hờn oán bị dồn nén cất thành những cơn nức nở những tiếng kêu vô nghĩa vừa trẻ nhỏ vừa não nề. Miên không biết chị đã khóc trong bao lâu, chỉ nhớ rằng đó là một quãng thời gian dài rộng bù đắp lại những khổ đau đã phải chịu.
Thoạt tiên, con trai chị sợ hãi khóc theo. Nhưng Hoan dỗ dành nó và chắc hẳn nó đoán được đằng sau tiếng khóc ấy mẹ nó không chỉ đau đớn mà còn sung sướng. Ðã từ lâu lắm, trước mặt nó mới hiện diện cùng một lúc cả hai người, dấu hiệu trọng đại đó hứa hẹn những tốt lành mới mẻ. Nó đứng im lặng bên cạnh Hoan, nghiêm nghị như một ông lão, mặc dù những đứa bé nhà Tá và nhà xóm giềng đang đứng lô nhô lốc nhốc ngoài cửa buồng trong số đó vài đứa đang cố sức nghểnh cổ kiễng chân, lè lưỡi ra trêu cợt. Miên khóc như vậy cho tới khi những cơn nức nở dần nguôi giảm. Lúc đó, Bôn bước vào. Anh đặt siêu nước cạnh chân giường, bước tới trước mặt Hoan:
- Ðây là nhà tôi.
Hoan gật đầu:
- Ðúng. Tôi không có ý định chiếm nhà của anh.
Bôn lại bảo:
- Miên là vợ tôi.
Hoan cười:
- Ðiều ấy cần xem lại. Anh có thể cho tôi xem giấy kết hôn của anh với Miên?
Bôn tái mặt. Gần như anh đột ngột bị câm. Và anh đưa mắt nhìn chị. Lúc đó, Miên ngừng khóc, chị nói rành rọt từng lời, vẻ lạnh lẽo và đôi phần tàn ác:
- Giấy kết hôn của anh đã đốt cùng mấy tấm quần áo cũ, vào ngày giỗ đầu. Ngày đó, cả xóm cùng chứng kiến.
Hoan chờ chị ngừng lời, móc trong túi một tấm giấy gập làm tư:
- Ðây là giấy kết hôn của chúng tôi, anh có thể xem.
Mặt Bôn xám ngắt. Bỗng dưng những tia lửa dữ dằn vụt cháy trong đôi mắt sầu thảm của anh. Anh giật mảnh giấy trên tay Hoan xé tơi bời, ném xuống nền nhà. Miên chồm lên định giật lại nhưng Hoan ghìm vợ xuống thản nhiên nói:
- Anh vừa xé bản sao. Tôi còn bản chính với một đống bản sao nữa ở nhà... Hãy nhìn kĩ lại xem: bản sao nên con dấu in mực đen còn bản chính con dấu đóng bằng mực đỏ.
Tới đó, Bôn không nói được lời nào cặp mắt anh đờ dại dần và toàn thân anh bắt đầu run bắn lên trước hết là đôi bàn tay buông thõng bên mình sau đó tới đôi vai rồi sau chót tới cái cằm, những thớ thịt hai bên cổ và mi mắt. Cái nhìn mờ mịt của anh hướng tới Miên như tia sáng cuối cùng của chiều tà, như bàn tay cuối cùng của kẻ sắp chết đuối vói lên mặt nước. Lúc ấy, Miên chẳng mảy may động lòng, chỉ thấy bực tức, nôn nóng khó chịu, giống kẻ bị đầy ải sống trong hang sâu rừng rậm quá lâu muốn ra khỏi những vách đá bịt bùng để thở hít nơi khí trời thoáng đãng.
Chính chị đã lên tiếng trước:
- Mình đi thôi, anh Hoan.
Hoan đáp:
- Phải, anh tới đây để đón em.
Chị nói tiếp:
- Ðể em thu xếp áo quần.
Hoan lắc đầu:
- Bỏ tất cả lại. Miên đứng lên tức khắc cầm tay con trai và hai mẹ con bước ra cửa.
Chính lúc đó, Hoan dừng lại:
- Anh Bôn, chúng ta đều là những người đàn ông không oán thù không nợ nần. Tôi rất cảm thông với hoàn cảnh của anh, nhưng cuộc đời có đường đi nước bước riêng của nó cả anh lẫn tôi đều không thể chống lại... Nhưng anh hãy tin rằng tôi luôn sẵn sàng giúp anh khi cần thiết. Nếu có lúc nào đó anh thấy rằng không thể sống ở đây, cứ lại đằng kia. Nơi đó, bây giờ là nhà của riêng Miên.
Trên gương mặt u ám của Bôn cặp môi nhợt như môi tử thi mấp máy:
- Tôi sống dưới mái nhà của tôi.
Hoan bước ra cửa, nhưng trước khi đi còn ngoái lại:
- Anh cứ suy nghĩ thêm... Chào anh...
Ðám trẻ con tò mò xúm đông xúm đỏ trước cửa buồng giãn ra nhường lối cho họ. Ngoài cổng, chiếc xe máy quen thuộc của Hoan đã dựng sẵn. Anh quay lại bảo Miên:
- Nào, em hãy trùm khăn lên.
Chị lẳng lặng trùm khăn, ngoan ngoãn như xưa và anh đưa mẹ con chị về nhà, trước những cặp mắt tò mò ẩn nấp sau các rặng rào và những cánh cửa láng giềng...
Ngồi trên xe Miên thở như người sắp chết ngạt được truyền khí lành, như một tù binh vừa thoát khỏi nhà giam không còn can đảm ngoái lại một lần nhìn nơi chốn cũ. Chị đã nghĩ không bao giờ còn quay lại cái ngõ lầy lội với cánh cổng bằng tre đan sơ sài tiều tụy đó, rằng tất cả đã ở lại phía sau và không sức mạnh nào có thể bắt chị ngoái lại. Những ngày tháng chịu đầy ải đã khiến chị trở nên bạo dạn, lì lợm, biết mài nanh giũa vuốt để tự bảo vệ mình, chị sẵn sàng nhảy xổ vào bất cứ kẻ nào dám tấn công, hoặc chị sẽ bước lên đấu trường trước tiên nếu kẻ thù hiện diện. Buổi sáng đưa Miên về, Hoan đã dặn ông già Lư làm sẵn bữa cơm. Trưa hôm đó họ đoàn tụ trong gian bếp cũ, ngồi ăn bên chiếc bàn thênh thang cũ, Miên ngỡ rằng cuộc sống của chị sẽ tái sinh và nhịp điệu xưa của cuộc đời sẽ hồi thức không mảy may suy suyển. Nhưng sau bữa cơm, Hoan bảo chị:
- Anh phải quay lại thành phố ngay. Sáng mai anh bay vào Bảo Lộc thu xếp công việc. Em ở lại cùng con. Ðây sẽ là nhà của em...
Chị kinh ngạc nhìn anh:
- Nhà của em? Anh nói năng sao lạ lùng?
Hoan nở nụ cười thầm kín và thay vì đáp lời chị, anh cúi xuống xoa đầu đứa con trai:
- Ở nhà với mẹ ngoan nhé... Lần này ba sẽ mua cho con hộp xếp chữ.
Miên hỏi:
- Anh đi luôn sao?
Và chị nhìn anh với cái nhìn buồn tủi, dằn dỗi nhưng anh không ngẩng đầu lên cứ ôm riết lấy đứa con để lảng tránh tia nhìn trách móc đó:
- Em hãy giữ gìn sức khỏe... Mọi việc anh đã dặn bác Lư...
Hướng gương mặt ra sân, anh đặt bàn tay ấm áp lên lưng chị thay cho một lời chào rồi ra đi. Miên ngồi lặng, cố ghìm giữ để khỏi òa khóc trước mặt người quản gia:
Anh ấy đã đón ta về đây rồi bỏ xuống thành phố tức thì. Ta chẳng còn nguyên vẹn như xưa... Và cuộc sống cũ chẳng còn trở lại.
Chờ cho tiếng xe máy của Hoan xa hẳn, chị vào buồng thầm khóc. Khi đã khóc no nê, chị đành tự an ủi mình rằng dẫu sao ở dưới mái nhà cũ, chị sẽ có được cuộc sống đích thực của mình. Nhưng cái cuộc sống đích thực ấy cũng không đến dễ dàng như chị tưởng tượng. Cảm giác lạc lõng khiến nhiều lúc chị tự hình dung mình là khách trọ còn chủ nhân chính của ngôi nhà này là ông quản gia với đứa con trai.
Chị đã chuẩn bị chống lại những kẻ tò mò tọc mạch, những kẻ ghen ghét đố kị, những bóng ma cư trú trong tâm khảm, những vong linh đầy quyền uy từng ngự trị hàng vạn năm trên cõi đất này đã buộc chị phải quay lại sống với Bôn... Thậm chí, chị đã tự dàn ra trong óc cảnh tượng ngày nào đó ông chủ tịch xã ông bí thư đảng ủy hay bà chủ tịch huyện hội phụ nữ sẽ rung chuông gọi cổng gặp chị và tuôn ra những thứ lý thuyết tràng giang đại hải để kết án chị, để kêu gọi lương tâm, tinh thần trách nhiệm và đứa hạnh truyền thống... Và trong tâm hồn đau đớn, trong trái tim giận dữ của chị bỗng vọt lên một dòng thác ngôn từ không phải thứ ngôn ngữ của những kẻ uyên bác mà là dòng nham thạch của người đàn bà bị đầy ải trong cơn phẫn nộ... Giống như kẻ mài gươm, ngày ngày chị mài sắc mọi lý lẽ để chống trả thiên hạ, để bảo vệ quyền sống của mình... Nhưng kẻ thù không hiện diện, ông chủ tịch xã, ông bí thư đảng ủy xã, bà chủ tịch huyện hội phụ nữ không tới. Các bóng ma truyền thống không còn xuất hiện dù những sớm sương mù hoặc đêm trăng suông lạnh... Ngày nào đó chuông cửa rung lên nhưng là vài người láng giềng tới thăm hỏi, ngày khác họ tới xin ít dầu cạo gió hoặc thìa đường về pha nước chấm, ngày khác nữa họ tới mượn chiếc cối xay cà-phê.
Thật lạ lùng, trong tất cả những câu chuyện xóm giềng nói với chị không mảy may có nửa lời ám chỉ cuộc sống của chị với Bôn, dường như điều đó không có thật, dường như chưa bao giờ chị bước chân khỏi ngôi nhà này, rời bỏ xóm giềng này để tới sống dưới mái nhà khác, với người đàn ông khác và gần gũi những người láng giềng khác... Kẻ thù đã chết. Những người sống giữa vẻ bình thản vô can như họ chưa từng xém đen xúm đỏ trong ngôi nhà của chị ngày Bôn về, chưa từng soi vào chị những ánh mắt đầy soi mói ác độc chờ đợi, chưa từng cất những lời răn dạy chì chiết bóng gió... Và các hồn ma cũng hoàn toàn biến mất, hẳn là từng đoàn từng lũ bóng ma xưa đã bị nhấn chìm trong chuyến đò qua sông âm phủ... Nhưng nỗi hoang mang không theo kẻ thù ra đi, Miên chợt nhận thấy nỗi hoang mang đã thay thế các bóng ma quá vãng, đã thay thế cái sức mạnh áp đảo vô ảnh vô hình của đám đông, cái thứ quyền năng người ta thường gọi là công luận và giờ đây chính nó ám ảnh, chính nó dằn vặt con tim chị.
- Thưa bà, bà uống cạn chén trà cho nóng. Trà gừng đối với phụ nữ sau khi... ốm là tốt lắm...
Ông già Lư cất tiếng.
Miên biết rằng chỉ chút nữa ông đã nói: Phụ nữ sau cơn sinh sản nhưng ông kịp tránh đi. Chị vừa thầm cảm ơn ông, vừa buồn:
Ðó là sự thực, tất cả mọi người đều biết, dù nói hay không. Ta đã từng sinh con với Bôn, dù chẳng được làm người nó vẫn là một chút máu rơi... Ta chưa nhìn thấy nó, cái khối máu thịt ta đã mang trong dạ ngót chín tháng trời...
Chị nhớ gương mặt ngây dại của Bôn khi người ta đuổi anh khỏi phòng hộ sinh, đó không còn là gương mặt con người, đó là nấm mồ nơi niềm hy vọng lẫn niềm vui sống của anh đã chết đã chôn vùi đã thối rữa. Chị nhớ cặp môi tái tê của anh run rẩy và từng lời thoát khỏi cặp môi đó, rơi xuống, lăn rời rạc như ai đó lăn từng từng viên sỏi trên sườn dốc. Anh gọi tên chị, anh gọi cái thai nhi vĩnh viễn không được sống kiếp người với một giọng khiếp nhược đau đớn xa vời giống người ta gọi các hồn ma bởi chính anh cũng là hồn ma đối với chị, là thây xác vật vờ bị oán thù muôn kiếp đối với cái sinh linh bé nhỏ bất thành nhân dạng kia vì lẽ anh vừa là kẻ tạo tác lại cũng vừa là đao phủ đối với nó, anh chưa cho nó sống cuộc sống của con người đã đầy ải nó xuống cõi ma nơi ấy trong bóng tối vĩnh hằng nó sẽ lạnh lẽo côi cút mù lòa câm điếc muốn kêu nhưng không có âm thanh muốn khóc mà không có nước mắt muốn than thở nhưng không có lời, và vĩnh viễn trái tim nhỏ bé trong cái hồn ma bất toàn ấy phải cam chịu nỗi đau khổ vĩnh hằng của kiếp ma không đầu...
Tại sao ta không nhìn nó một lần, dù chỉ trong giây lát. Ta là người mẹ nhẫn tâm...
Ngoài sân, gió lạnh bỗng ào ào thổi tung những đám lá khô, bốc bay lên như lũ bướm rồi ném chúng sang góc sân khác. Những chiếc lá khô vàng gợi tới các khu vườn mùa hạ, nơi chúng còn đang tung tẩy vẫy gió, nô đùa cùng chim chóc và vẩy lên trời muôn ngàn tia diệp lục... Khu vườn mùa hạ và những cánh rừng xanh thắm vừa thay lá. Tuổi thanh xuân... ai cũng có một thời son trẻ... Bất kể ai. Bôn cũng vậy. Anh ấy từng là một chàng trai khỏe mạnh, nồng nàn những ngày đến với chị... Miên nhớ buổi sáng hạ nào đấy, khi họ mới chớm yêu nhau, Bôn tới rủ chị lên rừng hái củi. Họ đã phải đi thật sớm để tránh lũ bạn thóc mách. Buổi sáng đó Miên không nhớ tới kì kinh nguyệt, chị đã không đem theo đồ lót phòng bị. Như tất cả các cô gái quê nghèo khó, chị thường dùng những tấm vải xô mềm để thấm máu rồi lựa lúc vắng người đem giặt. Lần ấy, chị đã kinh hoảng vì không thể tìm được mảnh vải hay nắm bông giữa chốn rú sâu. Máu chảy ròng ròng, chị đành bỏ gánh củi xuống, đứng sững giữa lối mòn khép chặt hai đùi cho máu thấm vào chiếc quần lụa đen. Bôn đi sau thấy Miên đứng khổ sở trong cái tư thế kì quặc ấy mà không dám nói với anh nửa lời. Khi anh hỏi:
- Làm sao vậy?
Chị không đáp, nước mắt vòng quanh. Bôn đã cười phá lên rồi bảo:
- Ðằng ấy phong kiến bỏ xừ, có ai nề hà chuyện ấy?
Rồi anh cởi tấm áo sơ-mi đang mặc, xé phăng hai cánh tay áo đưa cho chị:
- Cầm lấy này. Tớ ngồi quay lưng lại cho mà thay.
Lúc đó, dáng vẻ của anh mới đĩnh đạc làm sao, cặp mắt anh long lanh niềm vui sống, tràn ngập sự tự tin và những tia sáng hắt lên từ cặp mắt đó vừa tươi rói trẻ trung vừa thăm thẳm như chứa đựng phía sau những miền đất miền rừng chưa khai phá. Bôn không đẹp nhưng cặp mắt đen của anh có sức cuốn hút. Dân làng vẫn bảo:
- Không biết tổ tiên thằng này có phải người Chàm không? Sao mắt nó giống hệt mắt dân Chàm vùng Thuận Hải...
Chị chưa từng đến Thuận Hải, cũng chưa gặp người Chàm, nhưng chị đã từng có lúc say đắm đôi mắt anh, bóng tối luân chuyển dưới rèm mi dầy đen ẩm ướt sầu buồn, chị đã có lúc nhớ nhung đôi mắt và hình dáng đó...
Sao bỗng dưng ta nhớ lại buổi sáng hôm ấy, cánh rừng ấy, con đường ấy và tiếng cười trẻ trung của Bôn. Mắt anh ấy long lanh như lửa khi đưa cho ta hai mảnh cánh tay áo. Hai mảnh vải phim xanh kẻ ô trắng, chiếc sơ-mi cũ Bôn thường mặc lúc làm vờn hoặc lên rú hái củi đốt than.
Sao trước đây ta không thể nhớ được điều này?
Chị ngạc nhiên bởi khi đang còn sống với Bôn dưới mái nhà anh, biết bao nhiêu lần chị tự thuyết phục rằng mình đã có với Bôn mối tình sâu nặng, rằng điều ấy khiến chị phải gắn bó với anh cho tới lúc xuống mồ, đã bao lần chị triệu hồi cuộc tình cũ, bới tro than quá vãng hòng vãn hồi ngọn lửa lụi tàn... Nhưng chị càng muốn phục sinh cho mối tình đầu nó càng chìm nghỉm dưới đáy vực đen, những vọng âm tắt nghỉm trong tiếng gió gào, những hình ảnh cũ tan thành bụi tro trong khung trời mờ mịt khói, vẩn đục sương mù, những khung trời cũng nát tan rạn vỡ cũng bị hủy diệt như ngôi lều tranh lửa thời gian thiêu rụi... Giờ đây, khi chị đã về ngôi nhà của chị tin chắc rằng không bao giờ còn trở lại chung sống với người chồng thứ nhất, đinh ninh rằng anh chỉ là một đống đổ nát ở lại sau lưng và chị không cần thiết ngoái đầu nhìn... Phải, vào chính lúc đó các hình ảnh xưa sống lại, kỉ niệm này kêu gọi kỉ niệm khác và quãng đời đã qua lần giở như cuộn chỉ, tuy không dài nhưng đủ làm rối ren gan ruột...
Không, ta đã trả đủ món nợ đời. Cả Xóm Núi không ai dám trách ta là người đơn bạc. Và nếu có ai dẩu miệng gây sự ta sẵn sàng cho họ nếm những lời chua chát. Ta chẳng còn nghĩa vụ phải quay đầu lại với Bôn...
Miên tự dằn lòng. Chị biết rằng đối với dân Xóm Núi sự cư xử của chị với Bôn là ngoại lệ. Không người đàn bà nào đủ khả năng tài chính lẫn sự hào phóng để nuôi một ông chồng bệnh như chị nuôi anh thời gian qua. Ðối với họ, tiền có giá trị rất lớn. Ðối với chị, chịu đựng những cuộc làm tình của Bôn mới là nỗi kinh hoàng, là cái giá thật sự phải trả cho quãng đời tòng phục luân lý truyền thống. Chị biết chị không còn yêu anh, không thể có khả năng yêu anh. Chị đã săm sắn ra đi cùng với đứa con trai, đã tự giải thoát, và giờ đây, khi ngồi trong căn nhà sang trọng của mình, bóng tối mái tranh tồi tàn kia trở về ám ảnh.
Anh ấy ăn gì nhỉ, trong buổi sáng hôm nay? Trời đã trở lạnh và Bôn không thể chỉ ăn cháo suông cho qua bữa. Không lẽ anh ấy lại tìm đến nhà Xá chột? Anh Xá tốt thật nhưng không giàu, và còn ba đứa con nhỏ sau lưng... Nhưng tại sao ta băn khoăn mãi chuyện này? Bôn phải tự lo liệu cuộc đời của anh ấy. Bôn bằng tuổi ta, không phải một ông lão tám mươi cũng chẳng phải đứa bé lên bảy...
Miên tự bực dọc vì những ý nghĩ quanh quẩn. Chị quay lại bảo người quản gia:
- Bác cho tôi ấm trà, tôi tự rót lấy.
Ông già Lư mang tới bình trà. Miên rót đầy một chén, uống hết rồi lại tiếp tục rót chén thứ hai và cũng uống một hơi dù bụng no căng. Chị muốn rót đầy chất nước gừng nóng ra vào dạ cho quên hết mọi suy nghĩ. Rồi chị trùm khăn, lên nhà, hy vọng trong không gian khác chị sẽ nghĩ tới những điều khác. Cu Hạnh vẫn ngủ say. Miên ngồi bên con, nhìn ra vườn. Những cành cam đã chuyển màu khi lá rụng, cành nào cũng như khô xác đi.
Màu nâu mốc kia sao giống màu da phượng. Hoa càng đỏ thân cây càng mốc thếch...
Miên bật lên ý nghĩ đó và lập tức chị nhớ lại con đường tới rặng phượng đầu thôn, những đồi dứa hai bên, bờ rào với những chùm lau phơ phất. Rặng phượng đó chứng kiến những nụ hôn đầu đời chị, cảm giác ngất ngây của da thịt chạm vào da thịt, những vết bầm đỏ Bôn để lại trên cổ và chị phải choàng khăn lên để che mắt thế gian... Một lần, dì Huyên bảo:
- Con ơi, trời nóng thế này mà suốt ngày quàng khăn làm sao cho tiện?
Nói xong, không chờ chị trả lời, bà bỏ đi. Chị trả lời sao được? Cơn lốc đam mê của tuổi mười bảy, chói chang như màu phượng, thiêu đốt như nắng hè... Tất cả đã xa xôi... Và giờ đây, tất cả lại như gần kề, như nắng trên thềm buổi chiều hôm trước... Phép lạ thần tiên hay bùa mê ma quỷ? Miên không hiểu. Chị chỉ biết rằng khi chị không còn nguy cơ trở lại với Bôn, khi chị đủ can đảm để sống cuộc đời như chị muốn, đẩy anh sang giải bờ bên kia và anh đã ở lại đó, lẻ loi, run rẩy, bị tước hết mọi ưu thế, bị tước hết hy vọng không còn mảy may năng lực để kéo chị quay lại, không mảy may cơ hội để đấu tranh, anh, lão già suy kiệt, đứa trẻ ngu ngơ, người đàn ông bất lực, con người vô năng toàn diện đó bất chợt gợi lại mùa hè thời thơ trẻ, trong sự cam chịu nhẫn nhục lặng lẽ, bóng ma anh triệu hồi những kỉ niệm ái ân, những hình ảnh tươi thắm của một rạng đông ngắn ngủi đã qua và đã vùi lấy dưới bao tầng tro bụi.
Ta đã từng ghê sợ và căm ghét Bôn. Vì sao vậy? Ta là một người đàn bà bất công và đỏng đảnh. Liệu ta còn có thể yêu chăng?
Nhưng mới chỉ nghĩ tới đó, trái tim chị thét lên kinh hoàng. Không, không, không, không bao giờ nữa...
Và chị hiểu rằng giờ đây nếu một sức mạnh ma quỷ nào ép buộc chị quay lại chung sống với anh, mọi chuyện sẽ diễn lại như xưa, chị sẽ nằm ngủ đêm đêm trong tư thế xác chết thẳng cẳng, hai cánh tay gác trên vầng trán, một nửa thân bên trái của chị sẽ trở lại trạng thái căng thẳng thường trực và đêm đêm chị sẽ hé mắt nhìn anh, cái hồn ma nhập thế, người đàn ông khốn khổ ngồi chầu hẫu dưới chân giường, với cặp mắt yêu mê tuyệt vọng nhục nhằn hờn oán, với hơi thở địa ngục, với thân xác không còn kêu gọi nơi da thịt chị niềm say mê hoặc sự hòa nhập mà chỉ còn nỗi ghê sợ hay sự xa lạ nhờm tởm...
- Không, không, không bao giờ nữa...
Tâm hồn chị lại thét lên, không chỉ kinh hoàng mà còn điên cuồng giận dữ. Giờ đây nếu ai đó ép chị phải sống lại cuộc sống lứa đôi với Bôn hẳn chị sẽ giết chết kẻ đó, hoặc chính chị sẽ kết liễu mạng sống của mình.
Vậy ta muốn gì? Ta không thể sống với Bôn vì điều đó ngang bằng cái chết. Nhưng ta cũng không thể bỏ anh ấy chơ vơ trong tình cảnh này... Giá như Bôn có thể yêu thương ai đó, nếu một người nào thuận tình sống với Bôn...
Chị gần như phát điên vì những ý nghĩ quanh quẩn, không thể xua đuổi chúng, cũng không thể dàn xếp chúng cho yên ổn. Rồi khi đã quá mệt, chị nằm vật xuống giường ngủ thiếp đi, không còn biết đứa con thức dậy lúc nào và ông già Lư hay dì Huyên đã dắt nó khỏi buồng...
Non chiều Miên mới thức giấc. Người quản gia đã đi. Dì Huyên cũng đã đưa cu Hạnh sang nhà hoặc chơi quanh quẩn trong xóm. Chị xuống bếp ăn phần cơm ông già Lư ủ trong chiếc ấm đựng bình pha trà. Thức ăn riêng cho chị là bắp bò gân bò kho nước mắm ngon với rất nhiều gừng, gần như hai phần thịt bò một phần gừng lại rắc thêm tiêu bột. Mùi gia vị thơm sực gian bếp. Người quản gia không có gia đình, nhưng ông biết nấu hết thảy những món ăn kiêng cho đàn bà đẻ và ông cũng biết cách thức săn sóc họ. Chính ông đã dạy Miên cách rửa chân nước gừng nóng trước khi đi tất, dạy chị cách nút hai lỗ tai bằng bông tránh gió, dạy chị cách day chân tóc và chải đầu một cách nhẹ nhàng để tóc khỏi rụng nhiều. Cũng chính ông bảo chị rằng chớ ăn rau cải, rau muống, rau dền, rau tàu bay trong thời gian kiêng cữ. Và lần nào đó ông đọc cho Miên nghe câu ngạn ngữ: "Ăn miếng ngon thì chồng con trả người." Lần ấy chị nhìn ông xiết bao kinh ngạc nghĩ rằng hẳn ông đã trải qua một cuộc sống gia đình lâu dài, kĩ lưỡng nhưng rút cục nó đã tan vỡ hoặc đã để lại cho ông những kỉ niệm quá đỗi đau buồn nên ông đã bịa ra một lịch sử độc thân để che giấu quá khứ. Làm như vô tình, chị bất thần cất tiếng hỏi:
- Bác gái cùng quê với bác phải không?
Người quản gia lúc đó đang lúi húi pha trà, ông không quay đầu lại, đáp với giọng bình thản, nhẹ nhàng:
- Tôi đã kể cho bà rồi mà... Ðời tôi chưa từng cưới vợ.
Miên đáp:
- Có lẽ lâu rồi nên tôi quên mất... Nhưng thời trẻ bác cũng phải yêu một người đàn bà nào chứ? Dù là cùng quê hay khác quê... Dù có hôn nhân hay là không...
- Thưa bà, đã là con người ai cũng trải qua ngần ấy cảnh khổ. Chỉ có điều mỗi phận mỗi khác thôi.
Ông đáp, cũng với giọng bình thản xa vời. Miên không dám hỏi thêm. Từ đó chị cũng không trở lại nỗi tò mò ấy mặc dù nó vẫn còn nguyên. Ðôi mắt người quản gia rất lạ. Cặp mi mỏng nhàu nát trên đôi tròng mắt sâu. Cái nhìn gần như bất động có một vẻ chăm chú, đau đớn và điều chi đó giống với sự dịu dàng. Từ ngày Miên trở lại đây, trong cái nhìn ông hướng về chị ẩn náu sự dò hỏi, niềm an ủi và cả sự nhẫn nại đợi chờ. Miên không hiểu sao chị có những cảm giác đó, những cảm giác hết sức rõ rệt tuy nhiên rất đỗi xa vời rất đỗi mơ hồ và chị không lý giải được.
Ông ta đợi chờ gì nơi ta? Trong cái nhìn khôn ngoan dò hỏi và câm lặng kia có bao nhiêu ẩn ý mà ta không đoán nổi. Nhưng chắc hẳn những điều đó liên quan tới Hoan. Ông ta là thủ túc trung thành thân tín của Hoan. Dường như trời sinh họ ra là để gặp nhau vậy...
Bỗng dưng chị thấy mình có nỗi ghen tuông thầm kín đối với người quản gia, dường như ông gần gũi thân thiết nhất với Hoan chứ không phải chị. Ông là một bộ phận của anh, đón biết mọi ý tưởng thầm kín của anh, thực hiện mọi mong muốn và toan tính ngầm ẩn của anh... Và tất thảy những điều đó ở ngoài chị. Rõ ràng là quá khứ đã đào một vực sâu ngăn cách chị với người đàn ông chị yêu dấu và giờ đây, tình yêu giữa họ vẫn còn, nhưng đã có nhiều điều không thể chia sẻ.
Nhưng vì sao ta lại đòi hỏi Hoan chia sẻ với ta mọi điều, khi ta sống dưới mái nhà này, ăn cơm trong gian bếp này, choàng tấm khăn do Hoan mua và ta xót xa cho Bôn, ta thương cảm cái người đã ở lại bên kia giải bờ phân cắt...
Chị nhìn thấy rõ rệt hình ảnh của chính mình. Một kẻ đứng bên ngoài khung trời của cả hai người đàn ông, bị nung nấu cả từ hai phía mặt trời bên này hay mặt trời bên kia đều bỏng rát tuy hai thứ lửa khác biệt nhau. Ðó là hình ảnh của một thứ tội đồ trọng đại, khủng khiếp xưa: tội ngựa xé thây.
Chính ta đã rời bỏ mái tranh của Bôn, và hành động đó là chuẩn xác. Ta phải quên Bôn đi. Ấy là điều duy nhất cần làm lúc này...
Chị hạ lệnh cho mình. Chị tìm công việc để khỏa lấy thời gian, hoặc nấu một món ăn nhẹ nhàng, hoặc đan chiếc mũ mới cho cu Hạnh nhưng chỉ một lát sau, chị lại thấy màu trời xanh lơ xa thẳm, vòm phượng nặng trĩu nghiêng đỏ khung trời, con đường mòn với ngọn cỏ leo phơ phất... chị lại thấy dòng suối thời con gái róc rách ngập tràn, những tảng đá bám đầy rêu, nơi chị ngoi ngóp thở và chàng trai mười bảy có cặp mắt u sầu chìa bàn tay cho chị, chị lại nhớ một buổi trưa nào đó, chim cu rừng gáy nức nở trong các vòm cây, Bôn đã hái cho chị một chùm vả chín và ngồi bó gối nhìn chị ăn vả, với ánh mắt xiết bao mê đắm dịu dàng...
Cứ như thế, người đàn bà đếm những buổi chiều với tâm trạng của kẻ bị phân thây. Hai tuần lễ trôi qua. Tới tuần trăng mới, mùi nhang khói từ nhà này bay sang nhà kia vương vấn thôn xóm. Miên đã cùng đám đàn bà đi chợ, mua hoa quả nấu xôi chè cúng tuần. Sức khỏe chị hồi phục trong khi trái tim chị càng ngày càng bị dày xé. Chị rất muốn hỏi thăm tin tức của Bôn nhưng không dám, những người láng giềng lại càng ý tứ hơn, họ lảng tránh tất thảy những chuyện dính líu hoặc có thể gợi tới Bôn và gia đình Tá. Thậm chí, ngay cả nhắc đến Xá chột, người bạn thân tín của Bôn họ cũng ngượng ngùng. Miên hiểu rằng mọi người đều chờ ngôi trường xây xong để con cái họ được cắp sách tới đó, thụ hưởng những tiện nghi mà ngay cả đám trẻ thành phố cũng mơ ước và nhờ vậy tương lai lũ trẻ Xóm Núi sẽ có cơ may cải thiện. Món quà tặng của Hoan là một thứ ở ngoài trí tưởng tượng của mọi người vì thế giờ đây anh có một sức mạnh ở ngoài họ. Không một ai dám chạm tới anh.
Tội nghiệp cho Bôn... Bôn lẻ loi, bần hàn. Bôn thành kẻ trắng tay... Nếu như ta cũng như Bôn, ra đi từ tuổi mười bảy rồi sau mười bốn năm trở về với chiếc ba-lô giống cái bị rách của gã ăn mày? Nếu ta là Bôn, là Bôn...
Tâm hồn chị rên rỉ và bỗng nhiên chị căm ghét tất thảy cái đám gọi là dân trong làng ngoài xóm. Ngày Bôn trở về họ đã từng ủng hộ anh cũng như họ thần phục Hoan ngày hôm nay. Chị lờ mờ thấy rằng đám đông không có lương tri mà chỉ tuân phục kẻ mạnh. Khi Bôn trở về anh là người anh hùng của họ bởi dưới cái thân xác như ma dại anh gợi lại một thời oanh liệt đã qua cái thời mọi gia đình mọi cá nhân đều muốn gá vào để chia phần kiêu hãnh. Giờ đây anh trở thành kẻ thất sủng. Người anh hùng của thời mới là Hoan.
Vậy mà ta đã ra đi vì khiếp sợ họ. Buổi sáng hôm ấy, ta bước chân đi óc tối như mây mù. Trời cũng đầy sương mù và ta cắm đầu bước chân theo Bôn, chẳng vì tình yêu mà vì sự tuân phục mù lòa như con thuyền trôi vào dòng lênh đênh không chèo không lái. Nguy xuẩn quá...
Chị thầm nghĩ và rồi chị muốn làm một điều gì đó để chống lại đám đông, để trả thù cái buổi sáng mù sương chị đã phải bỏ ngôi nhà của mình ra đi trên con đường vô định.
Ta không thể như họ, ta nhất định không hành động như họ...
Chị thầm nhủ sẽ làm một điều gì đó trái ngược lại đám đông để chứng tỏ họ là những kẻ hèn hạ:
Nhất định ta sẽ làm... Ta sẽ làm...
Nhưng làm cái gì, chị chưa nghĩ ra. Ðiều đó cũng hệt như kẻ đi kiếm đỏ ong rừng, đã tưởng tượng thấy bọng mật nhưng đi về hướng núi nào, chưa biết...
Năm ngày sau buổi chợ, dì Huyên sang sớm như thường lệ. Bà già chơi với cu Hạnh quanh quẩn dưới sân. Miên ngồi uống trà với người quản gia trong bếp. Khi uống xong tuần trà, ông già Lư ra công trường. Lúc đó, bà mới bước vào bếp, bảo Miên:
- Này, dì nghe nói thằng Bôn ốm lắm.
- Anh ấy ốm từ bao giờ?
- Ngót ngét mươi ngày thì phải. Chiều qua gặp thằng cu lớn con Xá chột xách âu cháo sang. Tội nghiệp, âu cháo loãng ngoét, có vài mẫu hành lá với mấy miếng thịt lều bều. Anh Xá đang lên rừng với cánh sơn tràng, có mỗi cô Soan ở nhà xoay xỏa.
Ta phải nuôi Bôn. Ta không thể để anh ấy chết mòn trong cái nhà tranh ấy...
Ý nghĩ đó bật lên tức khắc trong óc não người đàn bà. Và tức khắc những ý nghĩ khác nối tiếp xô đến như dòng nước:
Nếu có một người anh trai bất hạnh như Bôn, liệu ta có bỏ rơi anh ấy trong lúc khốn cùng không? Không. Không đời nào. Vậy sao ta bỏ rơi Bôn tàn nhẫn thế? Tình đã chết nhưng nghĩa vẫn còn. Phải cưu mang Bôn như cưu mang một người anh ruột thịt. Chính vào lúc này, lúc anh ấy không còn mảy may ưu thế cô độc lẻ loi bị người đời quên lãng...
Bởi nếu Bôn chết đi trong khốn cùng cô độc, ta không thể sống bình yên. Anh ấy là một mảnh đời quá khứ. Dù muốn hay không cũng chẳng xóa trắng được trang giấy đã viết. Dù muốn hay không ta cũng không thể làm Bôn biến khỏi trí nhớ của mình.
Nhưng còn Hoan, liệu Hoan có chấp thuận việc này không? Và nếu vì việc này, Hoan chẳng còn yêu ta nữa? Ta sẽ là kẻ bơ vơ giữa cõi đời lúc đó chính ta lại trắng tay:
Không, Hoan đón ta trở về, nghĩa là chấp nhận ta như ngày hôm nay, một người đàn bà có nợ trong quá vãng. Hoan thông minh hẳn anh ấy hiểu rằng thời chiến, rủi ro thua thiệt có thể rơi lên đầu bất cứ ai, chẳng riêng Bôn. Và anh ấy cần có đủ lòng khoan dung để xử thế. Nếu Hoan không chấp thuận điều kiện này, Hoan cũng chẳng còn đáng yêu, đáng tôn thờ như xưa...
Một khi anh ấy không còn đáng yêu, đáng tôn thờ, có xa cách cũng chẳng còn bao nhiêu đau khổ...
Những ý nghĩ mạch lạc và rõ rệt. Miên kinh ngạc. Chị không hiểu sao bỗng dưng chị suy nghĩ một cách quả quyết và mau lẹ như vậy. Giống như kẻ vừa kết thúc một họa phẩm lùi ra xa nhìn lại thành quả lao động của mình, chị cũng lùi ra xa kiểm định lại những ý tưởng vừa nảy sinh, không khỏi ngỡ ngàng:
Sao ta có thể vội vàng như vậy? Ta đã qua bao nhiêu cực nhục mới quay trở lại được nơi đây, giờ lại tự ý dấn thân vào cảnh rắc rối, trớ trêu... Phải chăng ta đã mua dây mà trói chân mình. Giá như Hoan chẳng còn yêu ta nữa? Ta sẽ sống ra sao?
Một ảnh tượng hãi hùng tràn ngập tâm hồn chị. Và người đàn bà cảm thấy nỗi sợ hãi khiến chị rùng mình ớn lạnh, nỗi sợ hãi như cơn gió đầu mùa làm con người run rẩy không phải vì nó quá lạnh mà bởi nó báo trước một mùa khắc nghiệt bạo tàn mà họ đã quên lãng. Nhưng khi nỗi sợ hãi lướt qua, một giọng thì thầm bướng bỉnh vang lên:
>Ta phải hành động theo lương tâm mình. Cha đã dạy rồi, con người nhiều khi yếu hèn hơn loài thú, nhưng họ trở thành người vì họ có lương tâm. Hoan chấp nhận hay bất bình, anh ấy còn yêu thương ta hay sẽ cạn tàu ráo máng, đó là việc của trời, chỉ có trời mới biết hết mọi ngả đi lối về của cuộc đời. Chúng ta, những kẻ phàm trần sống kiếp bọt bèo, nước chảy tới đâu bèo trôi tới đấy...
Tâm hồn chị bỗng dưng trong trẻo êm lặng tựa khung trời sau cơn mưa. Chị bảo dì Huyên:
- Dì bắt gà trong chuồng nấu giùm con nồi cháo. Con vẫn chưa dám nhúng tay vào nước lạnh.
Bà già đưa mắt nhìn chị với cái nhìn dò hỏi lưỡng lự nhưng không cất tiếng. Miên nhắc lại, giọng quả quyết lạnh lùng:
- Dì làm giùm con ngay đi. Chút nữa con sẽ mang nồi cháo sang cho Bôn.
Dì Huyên bước khỏi gian bếp. Miên nhìn theo bà vài giây rồi thắt lại tấm khăn trùm đầu, bước ra sân chơi với con trai trong tâm trạng của kẻ đã nhảy xuống sông dù sang được bờ bên kia hay bị sóng cuốn trôi cũng không thể quay lại chỉ còn cách duy nhất là bơi về phía trước.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!