Tắt lửa lòng - Chương 12: Tình xưa (Nguyễn Công Hoan)

218 lượt xem
Ngót năm tháng trời nay, nào Điệp đi cưới Thuý Liễu, nào Điệp đi làm mỗi ngày hai buổi, kể cả sự đi thì đến mấy trăm mấy nghìn lần, nhưng chưa lần nào chàng đi hăm hở như lần này.
Điệp ngồi xe lửa, tính từng ga, mong từng phút, bên lòng chan chứa biết bao nhiêu hy vọng, khác nào như người ly biệt quê hương vài chục năm, đến nay được về nơi chôn rau cắt rốn.
Đến ga Kép, Điệp xuống. Nước non tuy lạ cảnh lạ người, nhưng là nơi có chùa Phương Thành, là nơỉ Lan đã từng ìn vết chân để đến một chỗ mà chôn chặt nỗi niềm riêng, là nơi mà Lan định gởi thân nương bóng cho qua một đời, vì không được mãn nguyện về chứ duyên cùng chàng. Điệp thấy thích mắt thân yêu quá. Những quả đồi, những ngọn núi, tuy vô hồn, nhưng đối với chàng nó như chan chứa về tình thâm.
Theo con đường cái độ năm cây số. Điệp vừa rẽ sang bên trái, đã trông thấy nóc chùa xám xịt dưới chân đồi xanh xanh.
Điệp thổn thức, đứng lại ngắm.
Bốn bề quạnh hiu, đàn chim xào xạc trên cây, nấp dưới bóng nắng buổi xuân tàn gay gắt. Làn mây trắng, vơ vẩn bay đi, làm hoen ố vùng trời xanh trong, lênh bênh như đám bọt ngoài bể. Chiếc buồm nâu đè ngọn sóng biếc, uể oải theo gió. Mùi thơm cỏ bay lên, cái mùi quê hương thân yêu làm chàng phảng phất như được về nhà.
Điệp lại hăm hở đi, rẽ xuống bờ ruộng con con bên tay phải thì đến cổng chùa.
Cổng chùa đóng kín, nhưng có cái dây thòng lòng xuống để giật chuông gọi mở cửa. Chàng đứng đó cảm động, trống ngực thình thịch, giơ tay lên vớ lấy dây.
Nhưng trước khi gặp Lan để nói chuyện, chàng muốn đi dạo quanh chùa để được xem xét cho kỹ chỗ Lan ở đã, kẻo mấy khi lại lên đây làm gì, vì chàng định bụng kể chuyện mình đã ly dị cùng Thuý Liễu và yêu cầu Lan nghĩ lại mà về nhà để chắp nối mối tình xưa.
Chùa có hàng rào tre non bao bọc, rậm và kín lắm, Điệp nhìn vào trong, thấy vắng vẻ quá. Sân trước rêu cỏ mọc xanh rì, cửa chùa đóng kín mít. Đến mé sau, chàng thấy một cái nhà lá, có lẽ là chỗ ở của vị sư, nên chàng cố ý lắng tai nghe, nhưng vắng tanh vắng ngắt không có một tiếng động. Chàng thương hại Lan mọi ngày vui tính, đến nay sao nàng chịu được cái cảnh buồn bã như thế này, chàng đứng dừng lại mười lăm phút, nhưng vẫn không thấy một tiếng gì. Chàng lại lò dò theo hàng rào đi một tí nữa, thì đến cái cổng chống, nhưng cũng đóng. Mấy con chó trong chùa thấy có người lạ thì sủa vang chàng phải lánh ra ngoài ruộng xa, nhưng mắt vẫn cố lách nhìn vào khe lá tre để họa có thấy Lan đứng đó. Bỗng có một bà lão đi lại, đến trước mặt, và bảo chàng:
- Ông hỏi gì thì ra đằng cổng trước.
- Tôi hỏi thăm chú tiểu Lan?
- Chùa này rặt sư nữ, cụ tôi không cho ai là đàn ông vào ngày thường đâu. Mà chả có chú tiểu nào tên Lan cả.
- Có, có chú tiểu Lan đấy.
- Tôi làm hộ chùa này bao nhiêu năm nay, tôi lại không biết hay sao?
- Thế thì bà làm ơn bảo tôi có một người con gái chừng hai mươi tuổi, xin vào tu ở đây hồi trong năm hay không?
Bà hộ mỉm miệng, như nghĩ đến một chuyện gì buồn cười đáp:
- À, thế mà ông cứ hỏi chú Lan thì ai biết được!
Điệp mừng lắm, nói:
- Nhờ bà gọi hộ chú ấy ra, nói rằng có anh chú ấy tên là Điệp hỏi chú ấy.
Bà hộ ngạc nhiên nhìn Điệp:
- Tên chú ấy mới là Điệp chứ, sao ông lại bảo tên ông cũng là Điệp?
- Được, muốn tên là gì cũng được, bà cứ gọi chú ấy ra đây cho tôi.
Bà hộ lắc đầu:
- Ông nói như dễ lắm đấy. Có một lần ông gì nhận là đẻ ra chú ta đến, chú ta cũng không tiếp; lại có một lần nữa, bà gì trông giống ông, nhận là cô, chú ta cũng không ra nữa là anh! Mà chú ấy dặn giấu, sao hôm nay tự nhiên tôi buột mồm nói ra thế này!
Rồi bà hộ toan đi, nhưng Điệp nói:
- Không bà cứ nói tên Điệp, thế nào chú ấy cũng phải tiếp. Chú ấy giận thầy tôi, giận cô tôi mà đi tu, nhưng chú ấy chỉ bảo riêng có một tôi thôi, cho nên….
Bà hộ cười, lắc đầu:
- Chú ấy chẳng giận ai cả. Chú ấy chỉ giận duyên nên mới nhờ vả cụ tôi, chứ ông nói dối sao tên chú ấy là Điệp, mà ông là anh chú ấy cũng tên là Điệp.
Điệp thấy đích thực lắm rồi, nằn nì nói:
- Chẳng nói giấu gì bà, chính là chú ấy vì chứ duyên không được vẹn cùng tôi, mới chán đời như thế, nên lấy tên tôi mà đi ở chùa.
- Sao chú ấy lại bảo tên người ấy là Vũ Khắc kia mà!
Điệp cảm động, vội vàng móc trong túi lấy cái khăn mùi xoa có thêu con bướm ra nói:
- Chính tên tôi là Vũ Khắc Điệp, nghĩa là con bướm. Đây bà trông.
Bà hộ cười:
- Hèn nào một hôm chú ấy bắt được một con bướm, chết ở đầu nhà, mà chú ấy không nỡ vứt đi, mới ép vào quyển kinh; lúc khô, chú ấy để vào cái khung tre, làm như cái ảnh, treo ở đầu giường.
Điệp thổn thức, lạnh cả người. Bà hộ tiếp:
- Nhưng mà rồi cụ tôi tưởng chú ấy sát sinh, nên mắng mãi, và bắt chú ấy không được treo nữa.
- Thế bây giờ con bướm ấy đâu?
- Chú ấy khóc lóc mãi, nhưng phải nghe lời cụ tôi. Chú ấy bèn đào cái lỗ, bỏ xác con bướm vào một bao diêm, rồi chôn, chôn cả con dao tây sáu lưỡi của chú ấy thường cầm nữa.
- Tại sao chú ấy chôn con dao hở bà?
- Nào ai hiểu được, tôi chỉ biết rằng từ hôm chôn con bướm và con dao, thì chú ấy không hay khóc nữa, chứ trước kia, nhất là ngày chú ấy mới đến, thì chúng tôi phải đặt tên chú lấy là Hồ Lệ đấy! Vì cứ cả ngày loay hoay với con dao mà khóc.
- Thế chú ấy chôn ở đâu?
Bà hộ chỏ tay vào đầu nhà, nói:
- Kìa, kìa, chỗ bên cạnh chậu lan ấy.
Điệp cố cầm lại nước mắt mà dòm vào chỗ chậu cây, mà hỏi:
- Cái mô đất thấp kia, phải không bà?
- Không phổi, cái cao mới là mả con bướm, còn cái thấp chú ấy chôn cành hoa Lan gẫy đấy.
Mỗi câu bà Hộ nói là Điệp lại thêm đau lòng thương Lan. Bà hộ bảo:
- Có một hôm tôi hỏi tại sao chú ấy không chôn ngay con bướm vào chậu Lan, lại chôn Lan bên cạnh con bướm thế?
- Chú ấy trả lời thế nào?
- Chú ấy khóc bảo: “Trời bắt thế”. Chà! Nào ai hiểu được! Chú ấy cứ khóc luôn, mà nói chuyện với chú ấy thì buồn rưn rứt ấy!
- Chú ấy có đau ốm gì không hở bà?
- Có một tháng đầu, chú ấy ốm tưởng đã chết. Ngày nào cũng sốt mê mẩn, mà sốt nặng thế nào cũng không dời con dao ở trong tay ra! Một hôm chúng tôi bỡn, mới giấu dao đi, thì trời ơi! Chú ấy bù lu bù loa như cha chết, làm như điên như cuồng, đến nỗi cụ tôi phải mắng chúng tôi mãi.
- Chú ấy quí con dao sao lại đem chôn nó đi.
- Tại chú ấy bảo không muốn nom thấy nó nữa.
- Thế sao bà không đào lên lấy con dao ấy mà dùng.
- Ai lại chơi ác thế, trêu cho người ta khóc thì mình được ích gì? Vả ngày nào chú ấy không ra thăm một lượt.
- Chú ấy thăm vào lúc nào?
- Vào chính ngọ, vì chú ấy bảo là lúc chú ấy đã phải trông thấy một cảnh đau đớn nhất đời chú ấy.
Điệp ngẩn người, sực nhớ ra là lúc đám cưới mình đi đến đầu làng thì chuông đồng hồ nhà thờ làng bên cạnh vừa bắt đầu inh ỏi đánh. Hẳn là Lan đứng nhìn lũ xe ô tô thì đau khổ quá, nên mới phẫn thân mà đi hẳn thôi. Nhưng Điệp bỗng nhớ rằng ông Tú nói chuyện Lan bỏ nhà lúc mười hai giờ, thì có lẽ Lan mới bắt đầu đi đã gặp đám cưới đến. Thế thì thương hại cho Lan quá! Hẳn là Lan muốn đi, để đoàn ô tô cưới đến nơi tránh được nỗi gai mắt, nhưng ngờ đâu Lan đi muộn quá. Điệp rơm rớm nước mắt hỏi bà Hộ:
- Chú ấy có chăm chỉ làm lụng không, hở bà?
- Trước thì chú ấy buồn và khóc luôn, nhưng cụ tôi khuyên dỗ, và giảng giải mãi, bắt chú ấy học kinh: từ khi chú ấy chôn con dao và con bướm, chú ấy thôi không khóc nữa, mà chăm chỉ làm ăn. Cụ tôi yêu chú ấy lắm, chú ấy ăn ở tử tế quá, ông ạ. Thôi nhưng ông giữ tôi ở đây đến bao giờ.
- Khoan! Nhờ bà làm phúc nói với chú ấy rằng có một người tên là Điệp đến thăm chú ấy.
- Tôi chịu thôi, lỡ chú ấy giầy vò tôi thì làm thế nào, vì chú ấy dặn tôi giấu, nay tôi lại nói chuyện với ông, rồi chú ấy biết lại cho tôi là người bép xép. Chú ấy không tiếp ai đâu ông ạ.
- Nhưng chú ấy tiếp tôi, bởi vì chính tôi là người thân của chú ấy nhất đời!
- Thôi, tôi không nói đâu. Ông cứ ra cổng trước mà giật chuông, rồi tôi bảo chú ấy ra mở cổng thì ông sẽ được gặp.
Điệp cảm ơn bà Hộ, rồi đi, vừa đi vừa nghĩ nông nỗi mà quí bụng Lan bội phần! Chàng đến một chỗ trông rõ vào đằng trước cái nhà lá, thì thấy bóng một chú tiểu. Chàng cố nhìn vào, thấy chú tiểu ấy đang lúi hủi khâu. Nhìn kỹ, bỗng chàng rụng rời, vì người ấy chính là Lan, song già, xanh và gầy hẳn đi! Bấy giờ chàng mới nghĩ ra là Lan ở chùa thì phải cạo trọc đầu, mà bịt cái khăn vuông nâu, và mặc quần áo nâu, đi đất, trông tiều tụy quá!
Điệp không cầm nổi được nước mắt! Sao mà cái nét mặt Lan lại buồn quá thế, mà thảm chưa, ai vẽ cho Lan hai nét răn trên má. Thôi, có lẽ Lan hay khóc lắm, nên hai má nó thành tật như vậy mất rồi! Điệp ngắm Lan mãi, càng ngắm càng giọt ngắn giọt dài. Bỗng có con chó xổ ra cắn, chàng phải chạy ra đằng cổng trước.
Điệp bâng khuâng ngồi ở cổng, nghĩ đến ái tình của Lan đối với mình lúc nào cũng đằm thắm mà tủi thân! Nào nàng ốm, nào nàng giữ mãi con dao mà khóc, nào nàng đặt tên là Điệp, nào nàng gìn giữ cái thân tàn của con bướm, đến lúc không được gần nó nữa thì không nỡ vứt mà chôn cất tử tế và ngày nào cũng ra thăm, nào lại chôn cành hoa lan bên cạnh con bướm; những cách nàng làm biết bao ý vị thâm trầm, mà thương hại thay, cái tâm linh của nàng, chỉ một mình nàng biết! Lan thật là một người đáng yêu, đáng quý, đáng trọng của Điệp suốt đời. Nhưng Điệp lại nghĩ đến mình đối với Lan, cũng không đến nỗi xấu hổ, vì đã phụ bụng của người đáng yêu, đáng quí, đáng trân trọng. Sở dĩ chàng bỏ việc bỏ vợ, cũng vì Lan; chàng chỉ vì yêu một mình Lan; chàng không thế nhận ai là vợ được nữa. Chốc nữa, chàng giật chuông, Lan ra mở cổng, hai trái tim cùng nhau đập mạnh, mà hai mặt giáp nhau thì xiết bao tủi tủi, mừng mừng. Những nông nỗi đắng cay từng ấy tháng trời, chàng sẽ được kể hết ra, hẳn Lan cũng thấy hởi lòng mà thương chàng đã vì nàng mà hy sinh hai chứ phú quí. Lúc bấy giờ hẳn bốn dòng lụy sẽ cùng nhau mà rỏ những giọt nên thơ.
Điệp hăm hở như mở cờ trong bụng, đứng dậy ngẩng lên sờ vào dây chuông. Lá liễu thướt tha, in vào cánh cổng mốc hoa những nét vẽ mềm mại, trông như bức rèm Nhật Bản.
Chàng vui sướng… Nhưng cái phút quyết định nghiêm trọng nó làm cho chàng động lòng, trống ngực thình thình, tay run rẩy:
“Này, mấy tiếng chuông này rung động nó sẽ làm cho rung động cả lòng ta!”
Điệp lại bỏ tay xuống:
“Lan mà ra đây, bất thình lình trông thấy ta! Việc không ngờ ấy có lẽ làm cho nàng mừng quá mà rú lên, ngất đi mất!”
Điệp lại bồi hồi, nắm phắt vào dây chuông toan giật:
“Lời nói đầu của ta là câu gì? Ta sẽ bảo ngay nàng là ta đã ly dị cùng Thuý Liễu. Song chỉ sợ nàng quá thương ta, không muốn làm rối sợi chỉ tấn tơ tần đang khăng khít của ta cùng lệnh ái quan Chánh án mà cũng không cho ta được gặp mặt”
Sắp giật thì Điệp ngừng tay, mỉm cười:
“Nhưng mà có lẽ ta thấy mặt nàng, nghẹn ngào không nói được nên lời nữa!”
Rồi Điệp co tay lên quyết định giật nhưng lại thôi, rồi thở dài:
“Cái tấm tình xưa của nàng gân nửa năm nay chôn chặt dưới đáy lòng, bị những tâm sự khác nó đè gí xuống, nay đào nó lên được chắc khó, mà nàng cũng đau lòng lắm. Nhưng nàng sẽ vui vẻ được sống bằng cái đoạn đời cũ!”
Lan ở trong hiên ban nãy có trông thấy Điệp hay không? Trước Lan mải khâu, chẳng để ý đến gì cả, nhưng lúc thấy tiếng chó cắn, nàng mới đưa mắt nhìn ra.
Nàng trông thấy người đội cái mũ trắng bị chó đuổi. Lúc rõ là Điệp, bỗng nàng giật nẩy mình, nhăn mặt, chân tay rủn ra như muốn ngã, mà lòng tê tái, trống ngực thình thình, nước mắt nước mũi ứa ra khắp mặt. Phải một phút như mất hồn, nàng vịn chặt lấy cái cột, nhắm nghiền mắt lại. Một lúc mở ra, nàng quay mặt đi, không dám trông ra phía hàng rào nữa. Rồi hai mắt trừng trừng nhìn trời, miệng lẩm bẩm đọc câu kinh, nàng đi từ từ đến phía góc nhà, chỗ có cái chuông gọi mắc dây ra cổng. Lúc ấy tâm sự rạt rào, nàng lẳng lặng một tay nắm lấy quả chuông, một tay nắm cái kéo giơ lên, cắt sợi dây đứt đánh phụt một cái, ngửa mặt lên để ngăn cho nước mắt đừng tràn ra nhưng trên má cũng vẫn thấy lóng lánh hai dòng lệ. Rồi như không còn hơi sức nữa, nàng buông phịch hai tay xuống thổn thức, ôm đầu chạy vụt vào buồng.
Trong khi ấy thì ở ngoài cổng. Điệp vẫn nắm lấy dây chuông, co tay lên định giật rõ mạnh. Nhưng bỗng chàng đờ tay, thần người ra nghĩ, rồi nét mặt ngùi ngùi… Tự nhiên hai dòng nước mắt lóng lánh bò xuống má, chàng thở dài:
Thôi, nhưng lửa lòng của Lan đã tắt, đã chôn ở nơi từ bi tĩnh mịch này rồi, ta gợi chi cái đống tro tàn cho thêm đau đớn?
Rồi buông phắt dây ra, chàng quả quyết đi rõ nhanh, không quay mặt lại nữa.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×