Tắt lửa lòng - Chương 14: Mẩu chuyện cũ (Nguyễn Công Hoan)

102 lượt xem
Mười ba năm đã qua, bà Cử Vũ, ông Tú Nguyễn và ông Chánh án Trần đều đã lần lượt hóa ra người thiên cổ.
Thuý Liễu sau khi ly dị cùng Điệp, thì hơn hai tháng nữa đẻ được thằng con trai và cuối năm ấy lấy kế ngay được ông Hoàng Xuân Long, khi đó đương làm tri huyện.
Cái khoảng mười ba năm trời đã hầu như xóa nhòa trong trí nhớ Thuý Liễu hết cả những đoạn tình sử cay đắng cũ, duy chỉ còn Vũ là như cái bướu, ngày nào cũng ngấm ngầm muốn lật bộ mặt trái của một vị quan bà mặt lớn tai to.
Vũ cũng chẳng may mà phải sống mãi làm người; đã sống mãi làm người, lại phải ở mãi với Thuý Liễu; đã phải ở mãi với Thuý Liễu, lại còn phải nhờ mãi ông Hoàng Xuân Long nuôi sống cho. Tuy vậy, nào nó có biết đâu người nó vẫn gọi là thầy, người vẫn nhận nó là con trong giấy khai sinh, lại chỉ là bố hờ của nó, mà nó chính là hạt máu rơi của ai, hồi mười ba năm trước, chỉ vì sắp có nó mà biết bao thảm trạng gây nên trong mấy gia đình.
Đến bây giờ, nó đi học, thầy giáo chỉ bảo nó những địa dư sử ký, những luân lý, toán pháp chứ ai bảo cho nó biết rằng nó không phải là con người mà nó tưởng đẻ ra nó?
Vũ thấy trước ngày nào cũng phải mắng, phải đánh, và phải chửi, nhưng rồi từ ngày vì chăm học và ngoan ngoãn, được thầy khen và bạn mến, thì nó không được cha mẹ mắng, đánh, chửi nữa. Nhất là em nó là thảng Ly, vừa dốt, vừa lười, vừa nghịch, phải thầy giáo mắng phạt luôn, thì nó trông rõ thấy nó làm gì cha mẹ nó cũng mặc kệ, suốt ngày không hề đả động đến nó, coi nó ghẻ lạnh hẳn như người dưng nước lã vậy. Những khi cha mẹ muốn sai nó làm việc gì, thì không bao giờ bảo thẳng nó, tất là truyền cho con vú hay thằng lính bảo nó. Nhưng những việc nó làm, không phải là công việc của một con quan phải nhúng tay. Nhiều khi bận, nó không đủ thì giờ để học.
Từ năm đỗ được bằng Sơ học yếu lược, nó đã suýt phải bỏ học mấy lần. Nhưng may làm sao, lần nào nó không được ra trường, thì y như thằng Ly và thằng Quy cũng trốn đi chơi lêu lổng, nên bất đắc dĩ, cha mẹ nó phải cho nó đi học như trước.
Một hôm mẹ nó trông thấy nó dạy các em nó học lại bài thể thao ở lớp. Nó hô, các em nó giơ chân giơ tay rõ đều, mẹ nó gọi các em nó vào, mát mẻ đánh mỗi đứa một cái khẽ và nói:
- Chúng mày có phải là dòng liu điu như ông ấy đâu? Tôi van ông, ông đừng dạy chúng nó cái nghề ấy.
Câu nói ấy làm cho nó phải rơi lụy. Vậy ra nó là dòng liu điu? Thế là ý thế nào? Hay là người đẻ ra nó là dòng liu điu? Thì là cha nó hay mẹ nó? Nó nhớ đến cách cha mẹ, họ hàng nội ngoại cư xử với nó rất hờ hững, nó nghĩ đến khuôn mặt nó khác ba em nó, nó lại thấy tên nó trật ra ngoài bộ tứ linh, thì hay nó là con nuôi cha mẹ nó? Nhưng suy nghĩ làm sao nó cũng không tài nào quyết đoán được, vì cái giấy khai sinh của nó bao giờ cũng làm thầy cãi mà đánh đổ hết cả những sự hồ nghi.
Nhưng mà trời sinh ra vậy, nó không phải máu mủ của ông Hoàng Xuân Long thì ông Hoàng Xuân Long ác cảm với nó nhất, mà tự nhiên, nó càng lớn, càng thấy khó chịu về thái độ của ông Hoàng Xuân Long. Lắm bận nó trông rõ những thói xấu của ông, nghĩa là trái hẳn với những trẻ khác, bao giờ cũng coi cha mẹ như những vị thần minh hoàn toàn.
Vũ dần dần yêu mến thầy giáo và bạn bè hơn cha mẹ, anh em nó, bởi vì ở gia đình, nó chỉ thấy sự bất công, sự ngược đãi, sự lãnh đạm, nhất là đối với cha nó, mỗi ngày nó như một xa.
Mấy tháng trời một câu hỏi về cỗi rễ cứ luẩn quẩn trong óc nó.
Rồi đến ngày hai mươi ba tháng chạp, mẹ nó sắm sửa hành lý sắp cùng với các em nó về nhà quê ăn tết, bỗng có một người đàn bà già ước đến ngót sáu mươi tuổi, đến nhà nó, biếu mẹ nó hai chục quả cam. Mới đầu, thấy, mái tóc bạc phơ của người ấy, mẹ nó ngợ, sau người ấy xưng danh ra, mẹ nó bỗng biến sắc mặt nói:
- À, vú Áp đấy à? Thế nào, lâu nay làm ăn có khá không?
- Bẩm lạy bà lớn, từ ngày cụ cố cho chúng con về thì mỗi ngày chúng con làm ăn một thêm sa sút. Nhiều lúc chúng con nhớ bà lớn, nhưng xa xôi, chả làm sao đi được. Bây giờ chúng con chợt nghĩ đến tình thầy trò cũ, cố xoay lấy món tiền hành lý mới đến hầu quan lớn và bà lớn được.
- Ừ, tôi cám ơn, ngót mười lăm năm rồi đấy nhỉ: thôi, cho xuống nhà dưới.
Vú Áp khúm núm chắp tay lui ra, một lát bà Phủ mở cái ví tiền lấy tờ giấy bạc một đồng, đưa cho Vũ và bảo:
- Chốc nữa mày xuống đưa đồng bạc này cho vú Áp là người ban nãy biếu cam ấy nhé.
Nói đoạn, cuốn khăn quàng, áo cừu, bà lù lù bước lên xe.
Vũ thấy mẹ xử tệ với một người đầy tớ cũ, thì ái ngại cho vú Áp lắm. Vú Áp hỏi thăm, thấy nói Vũ là con trai lớn của ông Phủ thì đâm nghi, mà vì oán bà Phủ đối với mình kiệt quá, nên hỏi chuyện người nhà, vú Áp lấy làm thương Vũ cũng bị bạc đãi như nó. Như thế, tự nhiên Vũ và vú Áp cùng chung một cảm tình.
Sẩm tối hôm ấy, ông Phủ Long cũng như mọi khi, vợ đi vắng thì chuồn lên tỉnh với cô đầu. Trà là tình nhân đã có con riêng cùng ông và đã quyết một hai lấy về làm vợ bé, nên Vũ được tự do hỏi chuyện vú Áp. Lúc nhà lên đèn, Vũ gọi vú Áp lên, và bảo:
- Vú có rét thì lên đây mà sưởi. Trời rét quá nhỉ?
Vú Áp vui vẻ, ngồi xổm bên cạnh lò, Vũ tỉ tê hỏi:
- Vú hầu bà lớn từ năm nào?
- Tôi trước là vú sữa nuôi bà lớn, sau lại ở làm vú già.
- Sao vú không ở hầu nữa?
- Tại cụ lớn đuổi tôi.
- Ông ngoại tôi đuổi vú?
- Phải, lúc bấy giờ cụ cũng còn đương làm quan Phủ như quan bây giờ ấy. Nhưng tôi hỏi thật, năm nay cậu bao nhiêu tuổi.
- Tôi mười bốn. Từ thuở tôi bé, vú không lên chơi.
- Vâng, tôi thôi hầu cụ lớn từ ngày bà lớn còn con gái.
Vú Áp ra ý nghĩ ngợi, rồi hỏi:
- Cậu không theo bà lớn về nhà quê ăn tết.
Vũ cảm động, tủi thân nói:
- Không mấy khi tôi được về quê nội. Tết này, tôi cũng phải một mình ăn tết ở đây.
- Cậu có hay về quê ngoại không?
- Thỉnh thoảng. Vì quan ông quan bà ít cho tôi đi lắm.
Vú Áp nhìn thẳng vào mặt Vũ như muốn dò ý và nói:
- Hẳn cậu được quan chiều lắm.
Vũ thở dài ứa nước mắt, không trả lời. Vú Áp hỏi:
- Cậu ngoan ngoãn lắm. Nhưng tôi hỏi thật cậu, cậu có hay phải đòn không?
Vũ vẫn chưa khô lệ, lắc đầu. Vú Áp lại gợi:
- Sao cậu ăn mặc thế này? Ai lại con quan mà mặc quần cháo lòng và áo rách khuỷu thế? Người ta cười cho cậu ạ.
Vũ nín lặng, vú Áp lại nói:
- Cậu cởi áo ra, tôi vá hộ.
Vũ ra ý sợ sệt, đáp:
- Thôi, vú cứ mặc kệ tôi, kẻo bà lại hỏi.
Nói đoạn, nó nức nở khóc. Vú Áp chép miệng, xoa đầu nó, an ủi:
- Cậu nín đi. Tôi thương cậu lắm.
Từ thuở bé, Vũ mới được một người thương hại vỗ về, nó lấy làm sung sướng quá. Bỗng long lanh con mắt, nó hỏi:
- Cha tôi là ai? Vú có biết không?
Vú Áp tự nhiên ứa hai hàng nước mắt, rồi vội tìm lời để an tâm Vũ:
- Cha cậu là quan lớn nhà chứ ai. Sao cậu hỏi dở thế.
- Vú còn giấu tôi, vì tôi chắc vú biết, quan lớn đây là cha nuôi tôi thôi.
- Sao cậu lại hỏi câu ấy?
Vũ bèn kể cho vú Áp nghe hết cách ông Phủ Long đối đãi với nó từ năm nó biết đến nay, rồi nói tiếp:
- Vả tên tôi Hoàng Trần Vũ, Hoàng là họ quan ông, Trần là họ quan bà, còn Vũ nghĩa là gì, tôi không hiểu.
Vú Áp đương lim dim con mắt để nghe, bỗng thấy Vũ giảng đến tên, thì như bật nghĩa ra, đáp phắt:
- Vũ là họ cha đẻ ra cậu.
Vũ rú lên một tiếng rồi trống ngực thình thình chân tay run run, trợn mắt nhìn vú Áp; vú Áp trông nó dữ như con ác thú mà hết cả hồn. Một phút im lặng. Ngọn lửa tí tách trong lò sưởi.
Bỗng Vũ đứng dậy bưng mặt khóc:
- Vú ơi! Nhờ vú làm phúc cho tôi biết cha thật tôi tên là gì, bây giờ cha tôi ở đâu? Mẹ tôi ở đâu? Tại làm sao ông bà này lại nuôi tôi? Khốn nạn, ở đây tôi khổ lắm vú ạ!
Vú Áp cảm động lau nước mắt, kéo nó ngồi xuống bảo:
- Khẽ chứ! Cậu im mà nghe. Bà lớn đây chính là mẹ đẻ ra cậu đấy.
Vũ lắc đầu:
- Không phải. Sao bà đối với tôi không có tí tình mẹ con nào?
- Bỡi vì cậu là con riêng của bà lớn, rồi sau bà lớn mới lấy quan lớn đây.
Thằng Vũ giật nẩy mình, nức nở hỏi:
- Thế cha tôi đâu?
- Tôi không biết. Nhưng mà…
Vú Áp bưng hai tay lên che đôi mắt nhắm nghiền, như cố lục lại trong óc để nhớ một mẩu chuyện cũ.

- Tôi không biết.
- Vậy vú có biết cha tôi tên là gì không?
- Phải, để tôi nghĩ đã.
Vú Áp ngẩn người, nhìn lên trần nhà, cố soạn lại hai tiếng đã chôn lau mắt đăm đăm nhìn và giục:
- Vú nói ngay đi. Vú làm phúc nói cho thật, vú thương tôi với.
Vú Áp bỏ hai tay ra, trầm ngâm, thở dài, nhìn nó và nói:
- Ngày ấy, tôi đương ở dưới bếp làm cơm, bỗng cụ lớn gọi tôi lên nhà tư, cụ quát tháo, kể tôi lười, tôi hỗn, rồi trả tiền công, nhất định đuổi đi, không nuôi nữa. Tôi lạy van xin mãi, nói là chỗ đầy tớ cũ ở hầu hàng ngót hai mươi năm, xin cụ lớn rộng ơn thương lại, nhưng cụ lớn nhất quyết không nghe.
- Cụ lớn là ông ngoại tôi ấy à?
- Vâng. Suốt lượt đầy tớ người nhà ngày hôm ấy, có tội cũng như không, đều bị cụ lớn cho về cả.
- Sao vậy?
- Phải, tôi và vú em rất lấy làm ngạc nhiên cùng hỏi nhau: Sao vậy? Nhưng chúng tôi chẳng biết cớ vì đâu. Những đứa khác, thì chúng nó mắng nhau:
- Chỉ vì mày cứ nhìn cậu ấy mà tủm tỉm.
- Chỉ tại mày tò mò, cứ mặc cô ấy có yên chuyện không!
- Tôi có hiểu gì đâu! Hỏi mãi thì chúng nó mới nói rằng bà lớn nhà ta đây, khi ấy còn là con gái, đã ngủ với một người…
Vũ tái mặt, hỏi:
- Vì thế, cụ lớn sợ lộ chuyện, nên đuổi cả chứ gì?
- Phải, người ấy quê ở đâu, tôi không biết, tôi chỉ rõ ràng tuy người ấy nhà nghèo, nhưng cụ lớn có lòng thương lắm. Ngày ấy cụ lớn rất hay gắt gỏng, nhưng với ai kia, chứ với người ấy thì cụ lớn ôn tồn, đã có hai lần cụ lớn cho ngồi ăn cơm cùng, bàn chuyện gì ra ý quan hệ lắm.
- Rồi sau thế nào?
- Rồi sau chúng tôi gói quần áo ra đi chứ còn thế nào nữa! Chắc rồi có lượt đầy tớ mới thay chúng tôi. Thế là trại cơ đã một lượt lính mới, trại lệ cũng một lượt lính mới, mà trong nhà tư lại cũng một bọn hầu mới, tha hồ cho chúng bỡ ngỡ.
- Tại làm sao?
- Tôi không rõ, tôi chỉ biết rằng trước khi chúng tôi không được hầu nữa, thì thầy quản đồn và năm người lính trú phải đổi đi nơi khác, các anh lính lệ cũng phải cách hết. Trời ơi, bây giờ tôi nghĩ đến cái ngày ấy mà còn rùng mình; tôi đi hầu cụ lớn từng ấy năm trời không thấy năm nào lắm cướp, lắm trộm, lắm cái sợ, lắm cái đen như thế. Cụ lớn thì gắt gỏng cả ngày. Mà không biết vì việc gì, cả cụ lớn cũng chỉ ở phủ ấy có đâu độ nửa tháng nữa, rồi đổi đi chỗ khác.
- Từ ngày ấy vú không đi lại hầu cụ lớn nữa?
Vú Áp lắc đầu:
- Giá chúng tôi phải đuổi vì cớ gì, thì còn xin cụ lớn thương lại được, chứ vì cụ lớn muốn giữ tiếng, thì tôi quyết lạy van sứt trán ra cũng vô ích.
- Thế rồi cụ lớn xử trí với mẹ tôi và người ấy thế nào?
Vú Áp chép miệng thở dài, lắc đầu, chỉ nói:
- Cậu biết rõ câu chuyện quá, thì cậu thêm oán thù ra mà thôi. Thôi tôi khuyên cậu cứ chịu khó học hành, ăn ở có lòng tốt, thì tất Trời Phật sẽ phù hộ cho cậu được về đến nơi quê cha đất tổ.
Vũ lắc đầu, nằn nì:
- Không, vú cứ nói, tôi đến nước này, còn dám oán thù ai mà vú lo hộ tôi.
- Mà thực ra, sau khi phải đuổi, tôi có được lai vãng đến cửa cụ lớn nữa đâu. Nhưng tôi chỉ biết đích rằng khi bà lớn có mang cậu thì người ấy và bà lớn bỏ nhau.
Vũ trợn mắt, nói:
- Vậy ra cha tôi bỏ ngay mẹ tôi từ khi tôi còn ở trong bụng?
Vú Áp xoa đầu Vũ nói:
- Tôi không rõ là ai bỏ ai, nhưng cha cậu thì tôi biết, ngày ấy hiền lành ngoan ngoãn lắm!
- Hay là mẹ tôi bỏ cha tôi?từ năm nào ở trong trí nhớ, Vũ nao nao trong lòng, ngồi yên lặng mong mỏi. Bỗng vú Áp “à” một tiếng, làm cho tia mừng nẩy bật sáng đôi mắt nó đương lờ đờ nghĩ ngợi. Rồi vú Áp ghé vào tai Vũ nói thầm…
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×