LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Gánh hàng hoa - Chương 6: Hy sinh (Khái Hưng, Nhất Linh)

84 lượt xem
Một tháng trôi qua. Thời-gian 30 ngày đã biến cải hẳn tính tình của Minh. Đối với vợ, tình yêu nồng nàn khi xưa đã biến thành tình yêu thân mật dịu dàng và cảm kích. Từ lòng tri ân đã khiến Minh tỉnh ngộ, biết quý người vì mình hy-sinh hết tất cả lạc thú. Bao giờ cũng vậy. Khi chịu thâm ân của ai, ta thường kính trọng người đó nhiều hơn là âu yếm. Vì thế, ngọn lửa ái-tình của Minh mỗi ngày một kém dần. Và cũng vì lẽ đó mà lòng ghen bóng ghen gió của Minh cũng từ từ biến mất.
Cái tính ghen tuông vì quá yêu đã làm cho Minh nhiều phen phẫn uất kia nếu có mất đi thì cũng chỉ là nhường chỗ cho một tính khác đến ngự trị: lòng hy-sinh.
Hy-sinh có nghĩa là vì người chứ không phải vì mình nữa. Hy-sinh có nhiều hình-thức khác nhau, nhưng đều là cao cả. Thỉnh thoảng cũng có vài ngoại-lệ như những trường-hợp hy-sinh vô lối, không cần thiết.
Đối với Minh, có lẽ điều hy-sinh duy nhất chàng nghĩ có thể làm được là làm cách nào để cho vợ hết khổ, cho bạn hết nhọc công vì mình. Hơn một tuần nay, ý nghĩ đó lóe lên và quay cuồng mãi trong đầu óc Minh, con người bất hạnh kia. Chàng tự nhủ:
− “Ta không nuôi được vợ, không làm gì được cho bạn, lại không giúp ích được cho đời. Trái lại, chính vợ lại nuôi ta, săn sóc ta; bạn ta vì ta hết bỏ công bỏ của lại bỏ cả bao nhiêu thì-giờ quý báu dành cho ta. Nói cho cùng, đời vẫn nhân-đạo với ta tuy ta nhiều lúc tỏ ra hận đời, thù ghét đời. Ta dẫu chẳng ra gì nhưng không lẽ không biết điều phải quấy hay sao? Tất cả đã vì ta mà hy-sinh, tại sao ta lại không thể vì tất cả mà hy-sinh lại chứ?”.
Ý nghĩ của Minh từ chỗ cao-thượng bỗng trở thành ghê gớm, thành táo bạo... Nhưng chàng không còn cảm thấy bứt rứt khó chịu hay đau khổ như trước nữa. Chàng đã quen với đời sống mù lòa, với mọi nỗi đau khổ dằn vặt cả thể xác lẫn tinh-thần.
Tuy rằng tính ghen tuông, cay cú gắt gỏng đã biến mất, nhưng cái mặc cảm của người tật nguyền ít nhiều vẫn tồn tại. Dù biết ơn cả hai người, cũng đã hơn một lần, Minh nghĩ rằng vợ mình cũng như bạn mình bấy lâu nay hết lòng chăm sóc mình, lo cho mình chẳng qua là thương hại mình đó thôi. Mà chàng vốn luôn luôn tự cho mình là kẻ sĩ nên không thể nào tránh khỏi những ưu tư phiền não. Nhiều lúc chàng lẩm bẩm một mình rằng:
− “Nếu không có ta, vợ ta đâu đến nỗi phải đầu tắt mặt tối vất vả như thế. Nàng sẽ lấy được một người khác giàu sang phú quý, được hưởng hạnh-phúc biết chừng nào! Còn bạn ta cũng vậy, anh ta sẽ dành thì giờ quý báu kia cho tương-lai, cho người anh ta yêu thương muốn sống chung đời đời thay vì phải bận tâm lo lắng cho một kẻ tàn tật báo hại đời, báo hại người như ta đây!”.
Lúc ban đầu, cứ nghĩ đến Văn là Minh không chịu được, thế nào cũng phải nổi máu ghen tuông; hễ gặp mặt là buông toàn những lời cay đắng bất mãn. Nhưng giờ thì trái lại, không những chàng không ghen mà còn mong Văn vì mình mà chiếu cố đến Liên, tìm cách làm cho nàng sung sướng. Chàng vẫn tin là Văn yêu Liên, và Liên cũng sẽ yêu Văn nếu không có sự hiện diện của mình trên cõi đời này. Minh chắc chắn hai người sẽ sống vui vẻ, hạnh-phúc bên nhau cho đến ngày cuối...
Từ đó, ý định tự-vẫn ăn sâu vào tâm-hồn Minh. Nó đã trở thành một chủ-đích, một lập-trường có thể nói là bất di bất dịch. Đôi khi nó cũng ám ảnh chàng, nhưng bằng một cách êm thắm luôn cả trong giấc mộng...
Lần đó, Minh thấy mình chết sau khi uống thuốc độc. Liên và Văn ngồi bên giường khóc lóc thảm thiết. Khi tỉnh dậy, chàng nhận thấy giấc chiêm-bao của chàng thật là phi lý, nhưng chàng chỉ cười. Hình như Minh đã quen dần với nỗi chết. Mỗi khi nghĩ đến nó, chàng chẳng còn chút gì sợ hãi.
Cũng như mọi hôm, trưa nay Minh ngồi chờ vợ về ăn cơm. Nét mặt chàng vẫn thản nhiên, môi chàng khẽ nhếch một nụ cười bí ẩn. Chàng đang đùa giỡn với cái chết mà chàng cho rằng đó là giải-pháp tốt đẹp nhất cho một cuộc sống ngắn ngủi vô vị, vô nghĩa. Liên về tới, vui vẻ như thường khi, lại gần hỏi thăm:
− Mình đã nhận được báo nhật trình chưa?
− Hình như ông Hoạt để ở trên bàn ấy mình ạ.
Liên lại bàn lấy tờ báo ‘Đời nay’, vừa xé băng vừa nói:
− Để em đọc mình nghe nhé?
Minh gật đầu:
− Phải đấy! Mình đọc cho anh nghe một tí đi. Anh cũng chưa đói, cứ thong thả rồi ăn sau cũng được.
Ngừng lại một giây, Minh lại nói tiếp:
− Anh Văn tốt bụng thật mình nhỉ, lại chu đáo nữa. Anh ấy biết anh buồn chả có gì tiêu khiển nên mua cho những hai thứ báo.
Liên cười bảo chồng:
− Tại sao trong đám nhà giàu lại có được người tốt thế mình nhỉ?
Minh khẽ cau mày nói với vợ:
− Mình không nên nghĩ thế. Cả giàu lẫn nghèo đều không phải là ‘cái tội’. Người tốt là do bẩm sinh, ở đâu cũng tốt, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù là người đó có ở trong giới thượng-lưu, trung-lưu hay hạ-lưu cũng thế thôi! Cái bản-chất hồn nhiên, cái tâm thiện bao giờ cũng vẫn vậy, không hề thay đổi. Anh Văn bạn chúng ta thuộc vào hạng người này đấy.
Thấy Minh luôn bênh-vực Văn, chả bù với lúc trước luôn luôn tìm cách sinh sự, Liên cũng cảm thấy vui vui. Nàng cũng giả vờ ‘chêm’ một câu cho có chuyện:
− Gớm! Độ này mình hễ động một tí là bên vực anh Văn. Thế mình còn nhớ hôm mới nhận được báo anh ấy biếu không? Chưa gì đã vội ví anh ấy với Chu-Mạnh-Trinh tặng hoa trà cho cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ!
− Ấy thế anh thật là vô lý! Không lẽ từ nay mình cũng muốn bắt chước, vô lý như anh nữa sao đây?
Dứt lời, Minh cất tiếng cười thoải mái. Tiếng cười của chàng rất trong trẻo, thành thật, không đượm vẻ chua cay chút nào. Cười xong, chàng lại vui vẻ bảo vợ:
− Nào, mình làm ơn đọc báo cho anh nghe đi.
− Em đọc tiếp chuyện hôm qua nhé.
− Khoan, mình đọc cho anh mục rao vặt trước đi cái đã.
Liên thong thả đọc. Nàng đọc càng ngày càng tiến bộ. Thỉnh thoảng gặp một vài từ-ngữ khó hiểu, nàng lại đánh vần hỏi chồng. Còn Minh thì hình như nụ cười vĩnh viễn nở trên cặp môi. Nét mặt chàng như một bông hoa hàm tiếu tươi tốt, sáng sủa. Thỉnh thoảng gặp vài đoạn lý-thú, chàng lại ngắt lời, dẫn giải, cắt nghĩa cho vợ nghe. Đến phần truyện, Liên vừa mới đọc được hai chữ đầu đề bỗng im bặt khiến Minh ngạc nhiên hỏi:
− Sao em đang đọc dở bỗng dưng lại ngừng thế?
− Câu chuyện ghê gớm, nhơ nhuốc lắm, mình nghe làm gì!
Với vẻ mặt cương-quyết, Minh mạnh dạn nói:
− Không sợ, em cứ đọc.
Liên gượng đọc cho chồng nghe câu chuyện một người mù vì ghen tuông cầm dao đâm chết anh. Minh nghe xong mỉm cười nói:
− Ừ, chuyện ghê tởm thật! Chả trách em không muốn đọc cho anh nghe. Chỉ có những kẻ vô học thức, ngu si đần độn mới làm như thế!
Mãi gần một tiếng, Liên mới đọc xong tờ báo từ đầu đến cuối, ngay cả bài xã thuyết khô khan cùng bài phê bình về đạo giáo đầy chữ Hán-Việt mà Liên không hiểu khiến nàng đọc sai be bét đến Minh phải bật cười luôn.
Gấp báo lại gọn gàng, Liên bảo chồng:
− Thôi, bây giờ mình đi ăn cơm thôi chứ. Ông Hoạt đang giục kìa! Không chừng canh nguội hết cả rồi!
− Nguội vẫn còn ngon hơn bài xã thuyết nhạt nhẽo kia!
Đang ăn dở thì Văn đến chơi. Chàng rón rén đến gần mâm cơm đứng ngắm rồi cất tiếng cười ‘hú tim’ mọi người. Liên quay lại chào:
− Kìa, anh Văn.
Văn chợt cười hỏi:
− Cơm nước gì mà bày ngộ nghĩnh thế kia!
Liên đưa mắt ra hiệu. Văn hoặc không hiểu hay không để ý, vô tình cứ thao thao mà tiếp:
− Một bên thì bát canh, đĩa giò với bát cơm trắng. Một bên thì bát tương đầy, đĩa rau muống với nồi cơm. Cơm gì mà trông lủng củng như khoai sọ thế kia?
Minh nghe nói chợt cau mày, đăm đăm nghĩ ngợi. Bỗng chàng tươi nét mặt, vui cười bảo Văn:
− Dẫu tôi không trông thấy mâm cơm tôi cũng có thể dựa vào lời nói của anh mà đoán ra rồi. Thì ra đã lâu nay Liên nhường hết thức ăn cho tôi mà tôi không biết.
Đến lúc đó Văn mới hiểu ám-hiệu của Liên. Chàng vội vàng nói chữa:
− Người ta nói đùa, pha trò một tí cho vui mà anh cũng tưởng thật. Anh không tin thử đưa tay ra rờ xem có phải là mâm cơm đầy ắp thức ăn không nào.
Minh nghe nói phá lên cười. Với giọng nửa đùa nửa thật, chàng nói:
− Cần gì phải rờ! Thầy bói này đã gieo quẻ thì chẳng bao giờ sai!
Trừ Minh ra, không một ai dám cười cả. Ai cũng sợ làm đau lòng người tàn tật. Văn cố ý lảng sang chuyện khác. Chàng hỏi Minh:
− Anh bôi gì lên mi mắt mà trông đen thùi đen thủi thế kia?
Liên vội đỡ lời:
− Tại nhà tôi kêu nhức mắt nên hôm qua đòi đi mua hai hào thuốc phiện về để đắp đấy.
− Thuốc phiện gì mà ngộ nghĩnh vậy? Mà có đắp bằng thuốc phiện thì đi xin một tí cũng được chứ cần gì mà phải mua những hai hào?
Minh ung dung trả lời:
− Định để bôi dần anh ạ. Nhưng chả thấy bớt nên sáng nay tôi đã ném cả cái hến đựng thuốc phiện đi rồi.
Văn đùa:
− Hoài của! Sao không để cho quan viên làng bẹp kiết?
Minh lăn ra cười. Chàng cười rất tự nhiên như một người rất sung sướng khiến mọi người vui lây đều cười theo phụ họa. Minh đặt bát đũa xuống bảo bạn:
− Anh làm ơn dắt thầy bói lại bàn hộ.
− Ăn ít thế? Phải ăn ráng lên chứ!
− Anh làm như tôi mới lên năm, lên sáu không bằng. Lấy hộ tôi cây bút chì và mảnh giấy trắng tôi làm trò cho mà xem, thú lắm.
Liên cũng vừa ăn xong. Nàng đứng dậy hỏi:
− Mình cần giấy bút làm gì thế? Ở cả trong ngăn kéo ấy anh Văn ạ.
Minh ngồi hí hoáy viết. Văn kêu lên:
− Ấy! Sao lại viết chữ Văn đè lên chữ Anh thế!
Minh viết đi viết lại ba bốn lượt. Tay phải cầm bút chì, tay trái dò lần từng dòng từng chữ. Mấy phút sau, chàng đã viết được một hàng chữ to tương đối ngay ngắn.
Anh Văn, bạn yêu quý của tôi ơi!
Văn ngồi nhìn bạn viết mà cảm động không nói nên lời. Minh lại lẳng lặng lần mò viết xuống hàng dưới.
Em Liên, người vợ đoan chính thân yêu...
Liên đứng dựa vào lưng ghế nhìn qua vai chồng đọc từng chữ ngay từ lúc ngọn bút chì vừa di động trên giấy. Văn khen:
− Tiến bộ lắm rồi!
Liên nói:
− Khi nào khỏi bệnh thì tha hồ mà viết.
Văn gật đầu:
− Bệnh tình đã thuyên giảm nhiều rồi. Con ngươi đã bớt đục, đồng-tử đã bớt xanh. Cứ thế này thì cùng lắm là hai, ba tháng nữa là khỏi hẳn.
Rồi chàng quay lại hỏi Liên:
− Này chị, bông hấp còn đấy chứ?
− Cám ơn anh, còn nhiều.
Minh như chợt nghĩ ra liền hỏi Văn:
− Còn mấy hôm nữa anh vào trường?
− Ba hôm nữa thôi anh ạ. Nhưng năm nay tôi không ở nội-trú nên đã làm giấy xin ra ngoài rồi.
Minh và Liên cảm động ngồi yên. Cả hai thừa hiểu đây là lòng tốt vô cùng quý-hóa của Văn. Chàng bỏ nội-trú không ngoài mục-đích tiện bề đi lại, đến trông nom, săn sóc an ủi bạn. Liên vờ quay ra hiên, lấy vạt áo âm thầm lau nước mắt. Còn Văn thì thản nhiên vui cười bảo bạn:
− Ở nội-trú thật bực bội không chịu nổi! Anh còn nhớ lão Zét không nhỉ? Gớm! Nếu các viên giám học mà đều như lão ta cả thì đám sinh-viên nội trú rồi chắc không ai ai nữa! Chỉ vì bực lão mà tôi xin ra ngoài đó thôi! Thầy mẹ tôi cũng bằng lòng nên cho phép rồi.
Minh làm như không nghe thấy lời nói của bạn. Chàng thấy trong người vui buồn lẫn lộn, buột miệng than:
− Chỉ có một mình tôi mà làm phiền đến bao nhiêu người!
Văn giả lã làm như không hiểu, vờ hỏi:
− Anh làm phiền cho ai thế?
− Thôi, anh đừng có giấu diếm lòng tốt của anh nữa đi! Tôi còn lạ gì! Chỉ vì tôi mà anh xin ra ở ngoài đó thôi! Anh làm thế thật cao cả, nhưng khổ tâm tôi lắm!
− Ai bảo anh thế? Cứ giả sử là tôi ở trong trường đi. Không lẽ thứ năm, chủ nhật lại không ra thăm anh được hay sao? Tôi xin ra ở ngoài chỉ vì tôi muốn ở ngoài chứ chẳng có ý gì khác nữa!
Minh lại mỉm cười:
− Nếu tôi đoán không trúng thì thôi, việc gì anh phải nhất định cãi cho ra nhẽ thế?
− Vì tôi xấu hổ lắm. Việc không làm mà cứ được tiếng tốt! Vẫn biết được tiếng tốt ai chả thích nhưng không vì thế mà có thể nhận vơ được! Cũng như cái tấm ngân phiếu ba chục bạc độ nọ ai gửi biếu anh không biết mà anh cứ đổ cho tôi! Anh làm thế tôi ức lắm!
Liên đứng ngoài nghe câu chuyện dằng dai khá lâu. Nàng bỗng xen vào, cười nói:
− Vâng, thì không phải anh gửi. Chính là tôi gửi đấy! Số tiền còn y nguyên kia. Thì chả là của tôi thì của ai?
Rồi nàng lại xoay ngay qua chuyện khác:
− À này, tờ tuần báo anh mua năm cho chúng tôi hôm nào mới bắt đầu nhận được nhỉ?
− Vào sáng thứ sáu mỗi tuần. Hôm nay chỉ mới thứ ba. Thôi, bây giờ tôi xin phép về cho anh nghỉ. Anh phải ráng ngủ nhiều mới được. Dù không ngủ được cũng phải cố nhắm mắt lại.
Dứt lời, Văn bắt tay Minh và ngả đầu chào Liên cáo từ. Hình ảnh chàng mờ dần và nhỏ lại rồi mất hút, nhưng vẫn còn in sâu mãi trong đầu, trong lòng hai vợ chồng Liên và Minh.
Ba hôm sau, nhằm ngày phiên chợ Đồng-Xuân, Liên đem hoa thật nhiều bày bán chung với một người bạn trong nghề, mãi đến chiều mới về. Không thấy Minh đâu, nàng hoảng hốt hỏi ông Hoạt thì ông ta nói rằng Minh than là bị vấp ngã đau tay nên đã vào giường nằm, và có nhờ ông ta đi mua mấy xu dấm thanh về xoa bóp. Nhưng vì ông ta không có tiền sẵn trong túi nên đành chờ Liên về. Liên nghe kể vội vàng chạy vào hỏi thăm, xem xét vết đau. Nơi cánh tay trái của Minh có một vết tím bầm dài đến hai, ba đốt ngón tay. Nàng liền móc trong túi lấy năm xu đưa cho ông Hoạt, nhờ đi mua một ít dấm thanh.
Tối hôm ấy Minh ngủ yên, không than van, kêu ca đau đớn gì. Đến sáng, chàng vươn vai, giơ cánh tay lên khỏi đầu ra chiều đã khỏe hẳn:
− Anh khỏi hẳn rồi mình ạ!
Chàng bèn cất chén dấm thanh xuống gầm giường nói:
− Để đấy phòng xa, nếu lúc nào rủi có đau lại thì dùng để bóp.
Liên vui mừng, yên tâm gánh hoa đi bán như mọi ngày. Gặp ngày buôn may bán đắt, chỉ không đầy một giờ đồng hồ, nguyên một gánh hàng hoa đầy ắp đã bán sạch trơn! Luôn cả mười mấy chậu kim liên bình thường ít ai đụng vào vì giá tương đối cao cũng có người chịu mua hết, đã không trả giá mà còn tặng thêm tiền nữa. Liên mừng quýnh cả lên! Không ngờ vận mình hôm nay lại hên đến như thế, được một món hời to tát như vậy! Về đến nhà, nàng hí hửng định vào khoe với chồng. Khi đi ngang qua sân, nàng nhìn vào bên trong thấy Minh đang ngồi bàn hí hoáy viết. Cho là ý chí khát sống và yêu sống của chồng càng ngày càng mạnh, Liên rất hài lòng, vui sướng. Nàng toan gọi đùa mấy câu nhưng nghĩ sao lại thôi, chỉ mỉm cười thầm nghĩ:
− “Mấy hôm nay sao bỗng dưng lại thích cặm cụi viết thế này. Hay là muốn trở thành văn-sĩ chắc? Để ta vào xem thử viết những gì”.
Liên rón rén, đi hết sức nhẹ nhàng, không phát ra một tiếng động nhỏ nào nên Minh vẫn không hề hay biết vợ đến sát bên mình hồi nào. Một tờ giấy chằng chịt đầy chữ đã được đặt sang một bên, tựa hồ như một lá thư vậy. Minh đang bắt đầu đặt bút viết trên một tờ giấy khác, có lẽ là một lá thư khác. Không bỏ phí thì giờ, Liên dán mắt vào trang giấy chằng chịt đã viết xong, nét chữ to nhỏ lệch-lạc không đều nhau, được chặn dưới một chén nước màu đen đục.
Em Liên,
Anh yêu em thế nào chắc em đã biết. Và anh cũng chưa bao giờ nghi ngờ đến lòng chung thủy của em đối với anh. Nhưng không lẽ anh đành lòng nhẫn tâm làm tiêu tán cả một đời thanh-xuân của em! Em nào có tội tình gì mà phải bị chung thân ràng buộc với một người tàn tật mù lòa để bị đày vào một ngục giam tối tăm, không còn bao giờ nhìn lại được ánh sáng!
Thôi, em ở lại, anh đi đây. Bao nhiêu hạnh-phúc êm đềm sẽ đón chào em, và đền bù cho em một cách xứng đáng. Anh còn ở lại ngày nào là ngày đó lương tâm cắn rứt anh, xé nát tâm hồn anh. Anh thật có lỗi với em là ra đi không hề báo trước. Nhưng nghĩ cho cùng, anh không thể nào cam tâm làm khổ em thêm được nữa. Và anh cũng không thể nào làm khổ anh Văn, người bạn thân nhất, tốt nhất trên đời của anh. Em và anh Văn, hai người thân duy nhất của anh trên đời. Anh muốn cả hai cùng được hưởng hạnh-phúc, cùng được đền bù xứng đáng với những gì đã cao cả hy-sinh...
Em ở lại hạnh-phúc, vui vẻ sống nhé. Đó là ước nguyện sau cùng của anh.
MINH
Tái bút: Em hãy vì anh mà trả ơn anh Minh một cách xứng đáng. Chúng ta thiếu nợ anh ấy quá nhiều rồi.
Đọc xong tuyệt bút của chồng, mặt Liên tái lại trong khi Minh vẫn vô tình không biết gì. Chàng vẫn tươi cười chăm chú viết sang bức thư thứ hai.
Anh Văn, người bạn yêu quý của tôi,
Tôi chết đi để lại một người vợ trẻ...
Đọc đến đây Liên bủn rủn hết cả chân tay, không còn chịu đựng nổi nữa. Nàng đăm đăm nhìn cốc nước màu đen đục, đoán chắc đây là thuốc phiện mua bữa nọ hòa chung với dấm thanh mới mua hôm qua. Không chậm trễ thêm một giây, Liên vồ lấy chén thuốc độc hắt ra sân rồi òa lên khóc.
− Khốn nạn! Anh...
Bị xúc động quá mạnh, Liên chỉ nói được mấy lời đó rồi nghẹn ngào khóc lên rưng rức. Minh lúc đó mới giật mình hỏi:
− Liên, em đấy à?
Nhưng rồi chàng lấy ngay lại được bình tĩnh, tươi cười bảo vợ:
− Liên ạ, con người ta ai chả một lần chết! Em buồn làm gì!
Liên vẫn nức nở. Nghe chồng nói thế nàng tức tưởi đáp lại:
− Nếu vậy... anh để... em chết... trước đã...
Đến lượt Minh rơi lệ. Chàng dùng tay áo thấm sơ đôi mắt, cố làm ra vẻ lạnh lùng nói:
− Mình cản anh làm gì? Mà cản anh làm sao nổi!
Liên kêu rú lên một tiếng. Nàng vừa run lẩy bẩy, vừa thở hổn hển lớn tiếng gọi ông Hoạt vào. Kể sơ qua diễn biến vừa rồi cho ông ta nghe, Liên dặn:
− Ông ở nhà trông chừng anh Minh nhé! Nhớ đừng cho anh ấy làm gì cả. Nếu cần cứ trói chặt cả hai tay lại. Tôi chạy đi đàng này một tí.
Đoạn Liên cắm đầu chạy một mạch đến nhà Văn để ‘cầu cứu’...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư