Gánh hàng hoa - Chương 5: Sáng và tối (Khái Hưng, Nhất Linh)

82 lượt xem
Đêm hôm ấy trời đen như mực, lại chưa có trăng lên. Cây đèn dầu tây búp măng Liên đã tắt đi vì muốn tiết-kiệm. Ngọn đèn hoa-kỳ vặn nhỏ như hạt ngô tỏa ánh sáng lờ mờ tựa như một ngôi sao đỏ ẩn sau đám mây mù. Bầu không khí nặng nề bao phủ hai tâm-hồn, như đè nén mạnh xuống ngực làm khó thở. Liên buông một tiếng thở dài. Minh đáp lại bằng một tiếng chép miệng. Xong cả hai đều im lặng. Minh bỗng thấy mủi lòng. Bằng một giọng thành thật trộn lẫn đau khổ, chàng nói với vợ:
− Tôi thương mình lắm, mình ạ.
Liên dịu dàng, cố nén xúc động đáp lại:
− Mình lại nghĩ quẩn gì nữa rồi!
Thấy Minh ngồi im, Liên khuyên chàng đi nghỉ. Như mọi lần khác, hễ lúc nào cảm thấy những tư tưởng hắc ám làm vẩn đục ý nghĩ của chồng thì bao giờ nàng cũng đem hết lời âu yếm ra khuyên can. Nhưng lần này, chính những tư tưởng ấy cũng đang bảng lảng trong tâm-hồn của nàng.
Liên cảm thấy chán nản và khổ tâm vô cùng. Nàng không những không tìm được lời an ủi chồng, mà còn không tự trấn tĩnh nổi cho chính bản thân mình. Hơn một tháng nay, vì dồn quá nhiều thì giờ săn sóc cho Minh, việc bán hoa kém sút đi rất nhiều. Tiền thu vào thì ít hơn mà tiền chi ra thì nhiều gấp năm, gấp mười lần! Chỉ nội tiền bác-sĩ và tiền thuốc men là đủ mệt rồi chứ chưa cần phải nói thêm các thứ tiêu lặt vặt khác. Cái vốn liếng cỏn con dành dụm được bấy lâu nay cũng dần dần khánh kiệt. Liên lo lắng thầm nghĩ: “Một khi hết tiền rồi thì làm ăn ra sao đây? Không lẽ hỏi mượn anh Văn? Chuyện này không thể được rồi!”.
− Thì đành chịu vậy chứ sao!
Câu than thở của Minh vô tình ăn khớp với những điều Liên đang suy nghĩ. Tưởng rằng chồng đọc được tư tưởng của mình, nàng ngơ ngác, ngại ngùng hỏi:
− Mình nói lảm nhảm gì vậy?
− Anh bảo rằng nếu trời đã bắt anh phải mù lòa thì cũng đành chịu vậy chứ biết làm sao!
Liên thở dài không đáp. Minh lại lẩm bẩm một mình:
− Thế là hết một đời!
Liên bỗng phát cáu, gắt lên:
− Sao mình cứ nghĩ quẩn, nói lên toàn những điều gở mãi thế? Mình gặp nạn thì phải để cho em cố gắng tìm đường chữa chạy chứ cứ ngồi mà than thân trách phận như thế có ích gì đâu!
Một tiếng nấc đưa lên làm nghẹn cổ Minh. Liên hối hận, lại gần chồng nhỏ nhẹ thì thầm bên tai xin lỗi:
− Mình tha thứ cho em. Em buồn, và cũng vì thương mình quá nên em lỡ lời đấy thôi!
− Vì anh mà mình buồn bực khổ sở thì thực tình anh chả muốn sống nữa.
− Không! Có phải em buồn mình đâu! Thỉnh thoảng em vẫn buồn vơ vẩn như thế đấy thôi. Bây giờ thì em hết buồn rồi.
Nói xong nàng gượng cười. Dù nàng cố gắng làm cho tự-nhiên nhưng vẫn không sao che đậy được nét ngượng nghịu. Cười xong một tràng, Liên nói:
− Mấy lại mình đau mắt rồi thì sẽ khỏi chứ việc gì mà em phải buồn.
Lúc đó bóng trăng lấp ló qua giàn hoa móng rồng. Liên chắc lưỡi buột miệng kêu lên:
− Giời ơi! Đẹp quá!
Minh ngạc-nhiên hỏi:
− Cái gì mà đẹp thế mình?
Liên lặng thinh không đáp. Nàng sực nhớ tới nỗi bất hạnh của chồng, một lời nói bình thường vô thưởng vô phạt như thế giờ đây có thể đem lại cho Minh những tiếc nuối và buồn bực như không. Thấy vợ không trả lời Minh càng uất ức, cho rằng Liên nhạt nhẽo với mình. Chàng dằn từng tiếng lạnh-lùng hỏi:
− Sao tôi hỏi lại không nói gì hết vậy?
Thấy chồng giận dữ, Liên hiểu và thông cảm ngay. Nàng vội tìm lời nói chữa:
− Chết chửa! Lắm lúc em như người mất hồn vậy! Có gì đâu, chợt nhìn thấy trăng lên nên em giật mình đó thôi.
− Anh không trông thấy trăng, nhưng anh chắc rằng trăng đẹp lắm! Nhất là khi trăng mới mọc lấp lánh qua kẽ lá nhặt thưa có phải không mình?
− Chính thế, mình ạ.
− Mình có hiểu tại sao anh biết thế không?
Liên cười đáp:
− Thì chúng mình vẫn ngồi đâu ngắm trăng biết bao nhiêu lần, làm gì mà mình chẳng nhớ!
− Không phải đâu! Những lần anh ngồi ngắm trăng với mình anh quên hết cả. Nhưng mới tối hôm kia anh được ngắm một cảnh sáng trăng đẹp quá! Anh chưa kể lại cho mình nghe, nhưng quả thực anh được ngắm một cảnh sáng trăng, cho dù chỉ là trong giấc chiêm-bao. Từ hôm bị lòa đến nay, anh chiêm-bao như thế nhiều lần lắm rồi nên hình như anh đã quen, và rồi không còn biết là mộng hay thực nữa. Nhưng mà thú lắm mình ạ! Mỗi khi tỉnh mộng, anh lại buồn ủ rũ, rồi than thân trách phận khi nghĩ đến hiện tại. Nhưng khi nghĩ đến cuộc đời u tối của một người mù anh lại cho đó là một đời thơ mộng. Huyền-bí thay, mình ạ! Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ mơ màng, cả đời mộng với đời thực tại. Không biết rằng lúc đó anh mộng thấy anh mộng hay anh mộng thực...
Minh bỏ dở câu đang nói. Chàng ngồi mơ màng như người đang chìm đắm vào cơn mê. Liên vừa lo ngại, vừa thương xót. Nàng thở dài, ôn tồn bảo chồng:
− Thôi mình đi nghỉ đi, khuya rồi đó.
Minh như không nghe thấy lời vợ, tiếp tục nói trong say đắm:
− Mà chính thế! Đang lúc anh buồn bực chán nản đau đớn thì trong bóng tối dày đặc thoảng qua một luồng gió mát. Anh rùng mình, ngước mặt trông ra xa. Trăng vừa tròn, vừa trong, lại vừa sáng đã hiện ra ở chân trời. Mặt hồ mênh mông, bát ngát gợn sóng vàng, chảy lăn tăn nhảy trên làn nước màu xanh nhạt... Anh thấy anh ngồi trên một mỏm đá cheo leo. Dưới chân anh, sóng vỗ bọt tung lên trắng xóa. Anh lắng tai nghe thì không có một tiếng gì làm rung động bầu không khí yên tĩnh. Lạ lùng thay, luôn cả tiếng sóng vỗ anh cũng không nghe được! Nhìn cảnh sáng trăng như thế, anh tưởng như mình đi xem chớp bóng câm vậy.
Liên há hốc, trợn tròn đôi mắt hỏi:
− Chớp bóng câm là gì vậy?
− Là chớp bóng không có tiếng, như chớp bóng ở phố hàng Buồm mà anh có đưa mình đi xem mấy lần ấy mà!
− Thế lại còn chớp bóng có tiếng nữa kia à?
− Phải. Bây giờ mới có chớp bóng nói. Anh toan đi mình đi xem thì chợt mắc bệnh!
Nhớ tới ‘bệnh’, Minh lại rầu rầu không vui, ngồi thừ mặt ra tựa như đã quên hẳn câu chuyện ‘mộng’ đang nói một cách hứng thú. Liên thấy thế vội nhắc, hy-vọng rằng một khi nói chuyện được nhiều, tâm-hồn Minh ít nhiều cũng được khuây khỏa đôi chút.
− Thế rồi sao mữa mình?
Đến phiên Minh bỡ ngỡ, ngơ ngác hỏi:
− Sao là sao, hả mình?
− Giấc mộng của mình đó mà!
Minh chép miệng thở dài:
− Giấc mộng của anh ư? Nó trái ngược với thực-tại một cách đau đớn khôn tả! Thực-tại thì tối tăm như mực, trong khi mộng lại sáng rực rỡ như pha-lê. Giấc chiêm-bao anh kể cho mình nghe đây chỉ là một trong nhiều giấc mộng đẹp đã biến giấc ngủ của anh thành những chuyến du-lịch tới bồng-lai tiên cảnh. Nhiều khi thấy sung sướng quá, anh đâm ra ngờ vực tự thắc mắc rằng: “Chắc là mình mộng rồi! Hình như mình mù thì phải? Người mù làm sao có thể trông thấy được nhiều cảnh rực rỡ tươi đẹp như thế kia?”. Song ý tưởng đó chỉ vụt qua trong trí óc anh mà thôi. Nhìn chung quanh vẫn thấy đầy đủ những màu sắc thì anh lại mỉm cười nói mội mình rằng: “Chết chửa, có lẽ là mình chỉ mơ thấy là mình mù thôi chứ thực-tế mình có mù đâu!”. Nghĩ xong, anh vui vẻ ôn lại tất cả những sự việc đã xảy ra như ôn lại một giấc mộng vậy... Từ bữa tiệc mừng cho đến lúc anh không còn trông thấy được gì nữa... Nhưng nếu có chút nghi ngờ nào thì nó cũng phải tan biến đi ngay vì rõ ràng anh đưa mắt ngắm cảnh vật thêm một lần nữa để khẳng định là mình không nằm mộng...
Liên cười vui nhộn, ngắt lời:
− Thế thì thật là sung sướng quá thôi. Đêm của anh đã biến thành ngày rồi!
Minh gượng cười nói tiếp:
− Nhưng ngược lại, ngày của anh lại biến thành đêm!
Rồi khẽ thở dài một tiếng như luyến tiếc điều gì, Minh say mê kể tiếp:
− Khi ngồi ngắm trăng, anh thấy lành lạnh đàng sau gáy. Khi quay lại thì thấy một người con gái xinh đẹp như một ‘thiên-kim tiểu-thư’, khuôn mặt giống hệt như em, trang sức như những thiếu-nữ tân thời, với đường ngôi rẽ lệch, mặc quần trắng, áo thiên thanh... Người thiếu-nữ đến bên anh vịn lên vai anh mỉm cười nhưng không nói. Anh toan hỏi chuyện thì một ‘trang công-tử’, trông na ná như anh Văn đi ra cất tiếng gọi thật to: “Tú Lan! Tú Lan!”... Khi đó anh giật mình thức giấc thì than ôi, mình vẫn nằm trơ trên chiếc giường lát tre giữa khoảng tối đen vô cùng, vô tận. Rồi từ cây hoàng-lan vang vảng đâu tiếng cú kêu...
Liên kinh hoàng khi nghĩ lại cái đêm ngồi chờ chồng. Nàng liền ngắt lời:
− Giời ơi! Mình nghe thấy tiếng cú à?
Minh mỉm cười nói:
− Phải, thì ra tiếng gọi ‘Tú Lan’ là tiếng kêu của con cú. Lúc đó anh trong trạng-thái nửa me nửa tỉnh, tiếc rẻ giấc mộng đẹp, muốn ngủ tiếp để hy-vọng là mình được mơ tiếp nhưng tiếng cú cứ kêu hoài, nghe vừa buồn vừa ghê sợ làm anh không sao ngủ lại được. Anh giận quá, quên cả là mình mù, toan đứng dậy ra ngoài đuổi nó đi cho hả dạ thì chợt tỉnh hẳn!
Liên thở dài, đưa tay gạt nước mắt:
− Sao mình không gọi em?
− Mình vất vả cả ngày rồi, làm sao anh nỡ để mất giấc ngủ của mình!
Bấy giờ đã gần 9 giờ. Trăng đã lên cao từ lâu, lấp ló xuyên qua cành lá khẽ rung động của cây hoàng-lan. Có tiếng chó sủa ngoài ngõ hẻm vào nhà đôi vợ chồng. Liên trông ra cổng lại nhớ tới đêm hôm Minh ngã bị thương. Nàng ngồi nhìn, lòng lo lắng nhưng không thốt lên được một lời. Những câu chuyện Minh vừa kể làm cho lòng nàng thêm chán nản, chẳng buồn động đậy nói năng gì. Liên bỗng mừng rỡ reo lên:
− Anh Văn đến chơi, mình ạ.
Với thái-độ lạnh-lùng, Minh đáp:
− Sao mình biết?
− Vì em trông thấy ánh đèn điện của anh ấy.
Minh yên lặng ngồi chờ thì quả nhiên có tiếng gọi. Liên vội vàng chạy ra mở cổng. Minh nghe rõ tiếng vợ hỏi bạn:
− Chào anh Văn! Sao anh đến chơi khuya thế?
Tiếng Văn trả lời:
− Tôi vừa từ Nam-Định về nên vội vàng ghé lại thăm anh chị. Anh Minh còn thức đấy chứ?
Kế đến là tiếng chân hai người đi đến bậc thềm. Liên với giọng hớn ha hớn hở gọi:
− Mình ơi! Anh Văn đến thăm mình đấy!
Tiếng Văn rõ mồn một, hiển nhiên không đứng xa Minh lắm:
− Chào anh Minh. Tôi phải ở Nam-Định mấy hôm. Nhớ anh quá! Thế nào? Vẫn mạnh khỏe chứ?
Nghe vợ và bạn, hai người nói năng vui vẻ tự nhiên Minh trở nên tức tối. Chàng dửng dưng, lãnh-đạm trả lời:
− Anh Văn đấy à? Cám ơn anh, tôi vẫn mù như thường.
Văn tưởng bạn khôi hài diễu cợt, chàng cười vang lên nói:
− Tôi hỏi anh trong người có được khỏe mạnh không. Còn bệnh đau mắt của anh thì tôi chắc chắn sớm muộn gì cũng chữa khỏi thôi. Nhưng kìa, sao trông anh buồn thiu buồn thỉu như thế kia?
Minh cười gằn:
− Tôi vui thế nào được! Tôi làm sao bì được với anh. Anh là con nhà giàu, danh giá, lại bảnh trai nữa. Còn tôi, tôi chỉ là một thằng mù nghèo đói!
Liên cố che dấu niềm vui. Đối với Văn, dù là bạn thân của chồng, nàng vẫn giữ kẻ, không để cho chàng hay bất cứ ai ngờ vực lòng đoan chính của mình. Bên cạnh lòng thành-thực tuyệt đối với chồng là cái tính hồn-nhiên rất bình dân của nàng. Vui là vui, buồn là buồn, không hề biết giả dối. Trong khung cản ủ dột nặng nề như tối nay, nàng coi người bạn đến chơi chẳng khác như một cứu cánh, tựa hồ như anh ta mang đến cho gia-đình nàng một tia sáng cho hạnh-phúc vậy.
Theo tâm-lý chung, hầu hết người nào cũng vậy. Khi buồn, khi hoạn nạn, hay khi có tâm-sự nan giải, nếu được người nào đến thăm thì sẽ cảm thấy tâm-hồn an ủi, vơi đi nỗi khổ rất nhiều. Đó là chưa kể nếu người đến thăm có thành ý chia sẻ nỗi bất hạnh cùng ta. Huống hồ người đến chơi trong hoàn-cảnh này lại là một người bạn chí thân! Do đó sự vui mừng hớn hở của Liên hoan-nghênh đón mừng sự có mặt của Văn là một điều hiển nhiên, không có gì đáng nói.
Nhưng trường-hợp của Minh thì lại khác hẳn. Cái bệnh lòa đã thay đổi hẳn tính tình của chàng. Xưa kia chàng vui vẻ bao nhiêu thì bây giờ chàng gắt gỏng bấy nhiêu. Chàng cho rằng sở dĩ Văn lặn lội đến chơi khuya như thế chẳng qua cũng chỉ là cớ để gặp mặt Liên mà thôi. Đã ‘năm sáu ngày’ không gặp mặt, nếu Văn có nhớ thì chắc chắn là không phải nhớ mình rồi! Bao nhiêu nghi kỵ lúc trước giờ đây như sống lại trong lòng Minh. Khi chưa bị lòa, chàng vẫn nhớ mỗi lần đến nhà chơi, câu trước tiên Văn thường hỏi là: “Liên có nhà không?”. Minh nghĩ thầm:
− “Chà! Đêm hôm khuya khoắt thế này mà mò đến chỉ cốt để thăm ta thì quả là vô lý! Thôi, nay ta đã mù rồi! Cứ tha hồ!”.
Trước thái-độ của Minh, Văn cũng hiểu được phần nào. Chàng dù rất khó chịu khi bị một người bạn thân cư xử như thế, nhưng vì thông cảm cho hoàn cảnh của Minh nên chàng cũng chẳng để bụng. Chàng khẽ hỏi Liên rằng:
− Anh ấy hôm nay làm sao vậy?
Liên chép miệng, khẽ đáp:
− Chả biết anh ấy chiêm-bao chiêm biếc những gì rồi sinh ra thế này!
Nghe tiếng vợ và bạn thì thào nhưng không rõ là chuyện gì, Minh lại càng tức tối, cằn nhằn bảo vợ:
− Khách đến chơi mà sao không có đèn đóm, để tối ‘MÒ’ như thế này!
Thấy Minh nhấn mạnh chữ ‘mò’, Văn không khỏi tức cười, song vẫn bình tĩnh nói:
− Thôi! Có trăng cũng đủ rồi anh ạ!
Nhưng Liên vẫn ngoan ngoãn vào trong nhà đem cây đèn ra thắp. Văn bấy giờ mới từ từ chậm rãi nói:
− Tôi đi Nam-Định chuyến này thật là một công, hai ba chuyện. Tôi có gặp anh Chương hỏi về bệnh đau mắt của anh. Anh ấy bảo cứ để vậy rồi thế nào cũng khỏi. Để chứng-minh lời nói, anh ấy mở sách thuốc đọc cho tôi nghe một đoạn tả về triệu-chứng và tình-trạng bệnh thong manh giống hệt như của anh. Anh ấy kết luận rằng chẳng chóng thì chày, thế nào anh cũng khỏi và bình phục như thường.
Giá vào lúc khác, có lẽ Minh đã mừng rỡ reo lên khi nghe được điều này. Nhưng lúc này, lòng ghen tuông và mặc-cảm đã xâm chiếm trọn vẹn tâm-linh chàng. Minh nghe xong chỉ thêm bực tức, cười gằn nói:
− Thà cứ mù như thế này coi bộ còn hay hơn, đỡ phải trông thấy những gì những gì bẩn thỉu, chướng tai gai mắt!
Liên nghe thấy mà nhột nhạt. Nhưng nàng không giận, chỉ đến gần chồng dịu giọng vừa để an ủi và khuyên răn:
− Mình chả nên thế.
Minh lại gắt lớn hơn:
− Bà để mặc kệ thây tôi!
Văn thấy thế bỗng lắc đầu:
− Ô hay! Sao hôm nay anh lạ lùng thế nhỉ? Thôi, chị đưa anh ấy đi ngủ đi. Khuya rồi, tôi xin phép ra về. Sáng mai tôi sẽ đến sớm thăm anh chị.
Ghé sát tai Minh, Văn thân mật nói:
− Anh đi nghỉ cho khỏe đi, chóng ngoan. Mai tôi có quà cho anh thú-vị lắm.
Bắt tay Minh xong, Văn từ biệt ra về. Đóng cổng xong, Liên trở vào nhà. Nàng bắt gặp Minh đang ngồi bưng mặt khóc. Liên rón rén lại gần nhưng không dám nói gì vì sợ chồng gắt. Khóc một hồi, có lẽ những gì đau khổ cũng theo nước mắt mà trôi đi cho nên Minh cảm thấy trong lòng được nhẹ nhõm. Chàng dịu giọng gọi vợ:
− Mình!
Liên vội vàng thưa:
− Dạ, em đứng đây.
− Chúng ta đi ngủ thôi.
Đêm hôm ấy Minh trằn trọc mãi cho đến gần sáng mới ngủ được. Những tư tưởng chán đời, những sự ngờ vực đối với người thân cứ quay cuồng trong đầu chàng mãi, không làm sao dứt được...
Khi thức giấc, Minh ở giữa khoảng trống yên lặng mà cũng chẳng rõ lúc bấy giờ vẫn còn là đêm tối hay là đã sang một ngày mới rồi. Chàng bèn cất tiếng gọi liều: “Mình ơi! Liên ơi!”. Không có tiếng trả lời. Minh nhắm mắt cố ngủ lại. Bỗng nghe xa xa có tiếng rao phở ở ngoài đường. Chàng liền ngồi dậy, lẩm bẩm: “Thì ra sáng đã lâu rồi!”. Minh thở dài, nghĩ đến cảnh ‘không ngày không đêm’ của mình mà ngậm ngùi, ngao ngán.
Minh đứng dậy, sờ soạng, tìm lối ra bên ngoài. Lúc mới bị mù, một bước cũng phải nhờ đến Liên hay ông Hoạt dẫn dắt. Nhưng dần dà, chàng đã quen lối, nay có thể tự mình lần mò lối đi được rồi. Vừa mới lò mò xuống sân, chàng đã nghe có tiếng Văn:
− Thong thả đứng đấy để tôi dắt. Chị không có nhà ư? Đi đâu rồi?
Câu hỏi của Văn rất tự-nhiên, ngụ ý trách Liên sao không có ở nhà để trông nom cho chồng. Nhưng vì đã có sẵn tư tưởng ngờ vực, Minh lại cho rằng tình cảm giữa bạn và vợ đối với nhau càng ngày càng nảy nở. Sở dĩ hai người chưa phạm đến danh-dự chàng chỉ vì họ chưa có dịp, có môi-trường đó thôi.
Một khi đã có sẵn thành-kiến về ai thì thường thường bao nhiêu cử-chỉ và ngôn-ngữ của người đó chỉ được hiểu trong vòng thành-kiến mà thôi. Đằng này Minh đã không trông thấy gì mà lại cố tưởng tượng ra những sự việc có thể xảy ra mà mình có thể trông thấy được nếu không bị mù.
Thấy Minh không trả lời mà lại lủi thủi ven thềm mà đi, hai tay quờ quạng trước mặt, Văn liền chạy lại đỡ. Minh chẳng buồn chào hỏi, khẽ đưa tay gạt bạn ra nói giọng như bất cần:
− Anh để mặc tôi.
Văn lại thêm một phen kinh-ngạc, hỏi:
− Anh sao vậy?
Vẫn thái-độ lãnh-đạm, Minh cười gằn:
− Tôi chẳng sao cả.
− Anh giận tôi đấy à?
− Ô hay, lạ chửa! Sao tôi lại giận anh được?
Dứt lời, Minh rẽ sang lối trái ra sân sau để mặc cho Văn ngơ ngác nhìn theo. Lúc Minh trở lại, Văn đỡ chàng từng bước lên thềm, nói đùa rằng:
− Khốn nạn! Bé bỏng thế này mà chị ấy nỡ bỏ một mình một thân ở nhà, chẳng chút đoái hoài đến.
Minh lạnh lùng:
− Nếu bỏ hẳn càng hay.
Sức chịu đựng con người chỉ có hạn. Đến lúc này, Văn không còn nhẫn nại được nữa bèn cau mày trách bạn:
− Này anh Minh! Hình như chúng tôi có điều gì làm mích lòng anh phải không?
− Chúng tôi là ai thế?
Văn chợt thấy mình lỡ lời, vội vàng nói chữa:
− Phải! Chả thế mà hôm qua anh gây sinh với chị ấy, rồi hôm nay lại sinh sự với tôi!
Minh cười giọng mũi:
− À, thì ra chúng tôi đây là Văn với Liên đấy!
Văn thản nhiên hỏi:
− Thế thì đã sao? Thế thì nghĩa là gì?
Bỗng Minh chợt như tỉnh ngộ, tự cảm thấy mình có tính hay càu nhàu thật đáng ghét nên đánh trống lảng, nói sang chuyện khác:
− À! Anh đi Nam-Định có vui không?
− Chả có gì gọi là vui, là thú cả!
Minh cố khơi chuyện như để dò la ý tứ nên thong thả hỏi Văn:
− Các cô ở Nam-Thành ra sao hả anh?
Thấy Minh đổi thái-độ trở nên vui vẻ đùa với mình, Văn cả mừng, tươi cười đáp lại:
− Các cô Nam-Thành (Nam-Định) đại-khái cũng như các cô Hà-Thành (Hà-Nội) thôi, cũng xuềnh xoàng như nhau cả. Vả lại, tôi không phải chỉ chú-trọng đến sắc đẹp đâu. Tôi cho rằng tư tưởng đẹp đáng quý gấp nghìn lần dung-nhan đẹp.
Văn tưởng nói thế để an ủi Minh nhưng có ngờ đâu càng gợi sâu trong lòng bạn những nuối tiếc đã qua của một đời sáng sủa đầy hứa hẹn. Khuôn mặt xinh xắn, nước da hồng hào, cặp mắt sắc xảo của Liên lại hiện ra trong óc Minh.
Phải, chàng yêu Liên vì Liên và chàng là đôi bạn chí thân từ nhỏ. Nhưng ngoài ra, cũng là vì Liên đẹp, một cái đẹp tự-nhiên mà chàng cho là trội hơn cái đẹp phù-hoa của các cô khuê-các rất nhiều. Nếu không phải thế thì tại sao từ khi bị mù, ái-tình của chàng có kém đi tuy Liên càng tỏ ra âu yếm, tận tâm tận lực chăm nom chàng. Thì ra cái đẹp cũng đi liền với cái yêu. Cái đẹp là môi-giới cho việc đôi lứa yêu nhau. Những tư-tưởng ngoắt ngoéo ấy làm cho Minh phải ‘xét lại’ sự săn sóc của Văn đối với mình. Chàng cho là chính nhờ cái sắc đẹp của vợ đã trao đổi được lòng tốt của bạn. Chẳng nói xa đâu, có mấy người bạn học của chàng được nể vì, bênh vực, săn đón hết mình chỉ vì có em gái đẹp trong nhà. Văn lúi húi mở hộp bánh trong khi Minh tiếp-tục suy nghĩ liên miên. Mải nghĩ ngợi đến độ chàng quên cả bạn mình đang đứng bên cạnh nên đột nhiên phá lên cười sặc sỡ nói một mình:
− Sắc đẹp bao giờ cũng là chúa tể muôn loài.
Văn quay lại hỏi:
− Có chuyện gì mà hứng chí vậy?
Minh im lặng. Văn lấy chiếc bánh kẹp đưa tận tay bạn mời:
− Anh xơi bánh. Tôi đi Nam-Định về có chút quà mọn biếu anh. Bánh kẹp của các cô Nam-Thành có tiếng là ngon đấy.
Minh đỡ lấy, nói đôi lời cám ơn. Văn cười nói tiếp:
− Suýt nữa thì anh phải ăn bánh cưới của tôi.
Cặp mắt của Minh chớp thật mau. Chàng nhanh nhẩu hỏi:
− Sao lại suýt nữa?
− Tôi chưa nói chuyện với anh về chuyện vợ con của tôi hả?
Văn cười ngặt nghẽo rồi nói tiếp:
− Tôi nhận được dây thép nhà gửi lên bảo về ngay. Tưởng việc gì quan-trọng, hóa ra là việc đi dạm vợ...
Minh chợt vui vẻ ngắt lời:
− Tôi xin hân hạnh được chúc mừng anh.
− Ân hận thì có! Tôi phải giở hết tài hùng-biện suốt năm hôm mới thuyết-phục được thầy mẹ tôi bằng lòng cho thôi đám ấy!
− Đám nào thế?
− Con một quan-phủ.
Minh tò mò hỏi:
− Sao anh lại từ chối?
− Vì tôi muốn chọn một người bạn trăm năm ý hợp tâm đầu. Anh nghĩ xem, lấy một người mà mình chẳng biết mặt mũi, tính nết ra sao thì lấy thế nào được! Các cụ thì chỉ chú trọng đến ‘môn đăng hộ đối’ thôi!
− Vậy đã có người nào lọt vào mắt anh chưa?
− Chưa. Trước thì có một người, nhưng đã lấy chồng rồi.
Minh đăm đăm nghĩ ngợi. Chừng như để lấy lòng bạn, chàng lại nói:
− Nếu tôi không tìm được một người đầy đủ Công, Dung, Ngôn, Hạnh như chị thì chẳng thà tôn tôn thờ chủ-nghĩa độc thân.
Dừt lời, Văn cất tiến lên cười vang. Minh vẫn ngồi im, nét mặt rầu rầu. Chàng chép miệng bảo Văn:
− Anh cứ nói thế thôi, chứ vợ tôi quê mùa, con nhà nghèo cùng lắm chỉ xứng đáng với một người sinh trưởng nơi hạ-tiện như tôi thôi. Việc phân-biệt giai-cấp cho đến nghìn đời cũng vẫn còn. Tôi có biết một người con thượng quan yêu một cô gái thuyền chài xinh đẹp, tự ý ăn ở với nhau đến có con. Thế mà rốt cuộc cha mẹ bắt phải bỏ để lấy cho một người vợ khác ‘xứng đáng’ hơn!
Văn lắc đầu trách bạn:
− Tôi nhận thấy từ ngày anh mắc bệnh đau mắt đến nay, tư tưởng của anh gần như đã bị nhuộm đen hết cả rồi. Có lẽ vì thế mà anh đâm ra hận đời chăng? Vậy chắc anh không còn tin vào sự tiến-hóa của lớp bình dân nữa phải không? Tôi tuy là con nhà quý-tộc nhưng vẫn tin rằng sẽ không còn bao lâu nữa, giới bình dân sẽ vươn lên, điển-hình như anh đấy chứ cần gì phải nói đâu xa.
Câu nói thật tình của Văn vốn đựng đầy mỹ ý nhưng không ngờ bị Minh hiểu một cách lệch-lạc, cho đó là những lời hách-dịch kiêu-ngạo của dân nhà giàu. Chàng lạnh lùng hỏi móc rằng:
− Bình dân với quý-tộc là những cái quái gì?
Văn gượng cười, cố đè nén sự tức giận:
− Ô hay! Anh làm sao thế hả?
− Tôi chẳng làm sao cả.
Văn tự nhiên thấy thương hại bạn, bước tới gần lấy tay xoa đầu, từ tốn:
− Anh giận tôi hả? Anh đành tâm giận người bạn thân nhất của anh hay sao?
Minh bỗng mủi lòng. Chàng vừa cảm động, vừa hối hận, ứa hai hàng lệ ngập ngừng:
− Anh tha lỗi cho tôi. Tôi chỉ là một thằng khốn nạn.
Câu nói của Minh bao hàm ý ăn năn, tự trách, tự khinh mình nhỏ nhen, ghen tuông bậy bạ không đâu nhưng Văn lại không hiểu, cho là bạn mình lại mặc cảm vì tật nguyền nên nói lẫy. Bằng một lời thành thật, Văn an ủi:
− Anh cứ yên tâm. Bệnh anh thế nào cũng khỏi. Tôi cam-đoan với anh, thề với anh như vậy! Anh cứ để chúng tôi từ từ chạy chữa cho anh đến nơi đến chốn chứ đừng nóng lòng sốt ruột mãi chỉ thêm khổ thân thôi chứ có ích lợi gì đâu!
Khi hối hận, Minh vẫn thầm tự nhủ rằng không nên gắt gỏng, cay cú một cách vô lý nữa. Nhưng sự ghen tuông vẫn âm ỉ trong lòng, chỉ đợi gặp dịp là bùng lên. Vì thế, hai chữ ‘chúng tôi’ thoát ra từ miệng Văn một cách tự-nhiên không ngượng ngịu nhưng lại khiến cho Minh nghĩ ngợi, lo lắng. Chàng cho rằng hai chữ đó chỉ có thể dùng cho một cặp vợ chồng hay một cặp tình-nhân mà thôi. Không thấy Minh nói gì, Văn lại tưởng Minh đã xiêu lòng, chịu nghe theo lời chàng rồi. Nghĩ thế, Văn lại nói tiếp:
− Tôi muốn xuống ở luôn đây với anh cho tiện bề trông coi, đỡ đần anh cho qua cơn hoạn nạn này. Anh nghĩ sao?
Minh lạnh lùng đáp:
− Cám ơn anh. Nhưng anh ở đâu không tiện.
− Sao lại không tiện? Tôi thấy anh một mình đơn độc, một mình ở nhà cả ngày, tôi thương anh lắm. Chị thì bận đi bán hoa, ông Hoạt bận làm vườn, chẳng ai có thì giờ trông nom anh cả!
− Nhưng nhà tôi nghèo nàn, chật chội, làm sao anh ở được!
− Sao lại không được? Hay là thế này nhá. Sáng sớm tôi xuống đây, tối tôi về lại trên phố. Phải rồi, cứ thế đi nhé!
− Thế thì phiền anh lắm. Tôi không dám nhận lời đâu.
− Không sao, anh cứ để mặc tôi. Bây giờ tôi còn nhàn rỗi. Còn những một tháng nữa tôi mới đi học kia.
Nghe Văn nhắc tới việc học, Minh lại buồn rầu, thở dài ảo não. Không hiểu là Minh đang thất vọng, Văn hỏi tiếp:
− Anh đã làm giấy xin nghỉ dưỡng bệnh chưa?
Minh cười chua chát:
− Tôi lấy được cái bằng Thành-Chung đã đủ chật-vật lắm rồi, đâu dám cao vọng học thêm nữa! Trường hợp nếu không bị bệnh thì có lẽ tôi đã làm đơn mà đi dạy học thôi.
Văn bèn an ủi:
− Nếu vậy thì cứ nghỉ một năm rồi đi dạy cũng chẳng muộn.
Minh lại cười tiếp:
− Vẫn biết là chẳng muộn! Nhưng lấy gì mà ăn?
Dù sao thì Văn vẫn được đầy đủ về phương-diện vật chật từ xưa đến nay, không bao giờ phải lo nghĩ đến chuyện thiếu ăn nên chàng không để ý đến điều đó. Ngay cả đến công việc của Liên chàng cũng cho đó là làm chơi vì nghệ-thuật chứ nào có nghĩ rằng là vì sinh kế chật vật, là nguồn lợi-tức duy nhất của vợ chồng bạn mình. Lời Minh vừa thốt ra, dù là trong lúc chán nản nhưng cũng nhắc cho Văn biết sự túng thiếu của vợ chồng bạn nói riêng, và của đa số trong tầng lớp bình dân sấp xuống, nói chung.
Đảo mắt nhìn quanh, Văn mới chợt khám phá ra cảnh xơ xác nghèo nàn của bạn mình. Ngoài vườn thì phên giậu đổ nát. Mái nhà thì lợp bằng lá gồi bị gió đốc..., trông hết sức tiêu điều. Văn bất giác động lòng trắc ẩn, cảm thấy thương bạn hơn bao giờ hết.
Bỗng như sực nghĩ ra điều gì, Văn đứng dậy xin cáo từ rồi cắm đầu cắm cổ chạy thẳng một mạch ra cổng. Không bao lâu sau, Liên bán hoa trở về. Nàng cất tiếng hỏi chồng:
− Anh Văn vừa đến chơi phải không mình?
Minh ngẫm nghĩ một giây mới hỏi lại:
− Sao mình biết?
Liên cười đáp:
− Em vừa gặp anh ấy ở đầu làng. Trông anh ấy có vẻ hấp tấp vội vàng, chỉ kịp chào một câu xong lại cắm đầu cắm cổ mà chạy, nét mặt trông có vẻ cau có như giận ai vậy.
− Thật hả?
Mồm thì nói vậy, nhưng trong lòng chàng lại cho rằng Liên bịa chuyện ra thế để mình khỏi ghen, vì chàng tưởng Liên cũng có tính đa nghi như mình vậy.
Liên xuống bếp dọn cơm. Nửa giờ sau, nàng bưng lên một mâm cơm thịnh-soạn. Tuy rằng việc buôn bán có kém sút, và tiền tiêu có thiếu hụt, Liên vẫn cố hết sức giấu diếm, không cho chồng biết sợ chàng khổ tâm lo lắng. Không những thế, nàng còn khoe khoang, nói dối rằng công việc buôn bán khá hơn trước nhiều. Thấy bữa cơm nào cũng có thịt cá tươm tất, Minh tin là vợ nói thực. Nhưng chàng có biết đâu bữa nào Liên với ông Hoạt cũng chỉ ăn qua loa vài miếng, nhường hết phần ngon cho chàng. Liên vì ăn uống kham khổ, phần thì lo lắng nghĩ ngợi nhiều nên người gầy ốm sút hẳn đi khiến cho Văn nhìn ngắm nàng mà xót xa ái ngại.
Cơm nước xong, Minh bảo Liên:
− Có hộp bánh anh Văn cho khi nãy, mình vào lấy ra đây.
− Ồ! Thích nhỉ!
Liên chạy lại bàn mở hộp bánh ra mời chồng. Minh cười bảo vợ:
− Mình ăn đi!
Liên vừa nhai ngấu nghiến vừa nói:
− Em đang ăn đây, ngon lắm! Mình có nhớ ngày xưa còn bé em vẫn thường tranh quà với mình không nhỉ?
Miếng bánh quả thật là ngon lành đối với Liên chứ không phải ngoa. Đã từ lâu nàng ít được thấy ngon miệng như thế này. Nàng cố gợi lại kỷ-niệm thời thơ ấu hy-vọng tạo được nụ cười cho chồng nhưng chàng nào có biết! Chàng lại cho rằng Liên vui mừng ăn bánh ngon lành như thế chẳng qua đó là quà của Văn cho.
Liên vẫn mơ màng, tha thiết:
− Khi còn bé sung sướng lắm mình nhỉ.
Minh cười nhạt:
− Phải! Khi còn bé thì con người ai cũng hồn nhiên chưa bị những mơ ước ham muốn cám dỗ.
Liên chưa kịp hiểu thì Minh lại hỏi tiếp:
− Có khi nào mình mơ ước trở nên giàu có sang trọng không?
Liên thật thà, cười nắc nẻ đáp lại:
− Có chứ! Nghĩa là em mong sau này anh trở nên sang trọng giàu có, sung sướng, thì em cũng được nhờ chứ sao.
Minh thở dài đau khổ:
− Thế bây giờ thì vỡ mộng rồi phải không?
− Sao lại vỡ mộng? Còn nước còn tát.
Minh lắc đầu, chép miệng:
− Một thằng mù làm cách nào cho em trở nên giàu có sang trọng và sung sướng được!
Liên sa sầm, nói như hờn dỗi:
− Nếu mình cứ nói nhảm như thế mãi thì từ nay em không nói chuyện với mình nữa đâu!
Minh rơm rớm nước mắt:
− Không, anh đâu có nói nhảm. Anh chỉ nói sự thật đó thôi. Mình không thấu được nỗi khổ tâm cho anh! Mặc dù chúng ta đều là con nhà nghèo, nhưng khi bắt đầu yêu mình anh vẫn nuôi biết bao là hy-vọng. Anh tự vạch cho mình một con đường, vẫn đoái tưởng đến một tương-lai rực rỡ cho chúng ta. Dù không xây được nhà vàng cho em như trong truyện cổ-tích thần thoại, nhưng anh vẫn nghĩ có thể tạo được cho em một cuộc sống khá hơn, thoải mái hơn thế này nhiều. Anh ngày đêm chăm chỉ, tận tâm tận lực để thực-hiện mơ ước... Nhưng có ngờ đâu... Ôi!...
Quá xúc động, Minh không nói tiếp được nữa, chỉ còn biết gục mặt vào hai bàn tay khóc nức nở. Liên cũng ngậm ngùi rơi lệ. Nàng dịu dàng an ủi chồng:
− Minh đừng nghĩ ngợi xa xôi làm gì làm đau lòng em lắm. Em là đứa con gái quê mùa, được làm vợ một người thông-minh, đỗ đạt hiển vinh như thế này cũng đã vẻ vang, nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng lắm rồi. Em còn gì để đòi hỏi nữa? Hơn nữa, em nhắc lại cho mình biết rằng mình chắc chắn sẽ khỏi! Việc gì cứ phải tự coi mình như một người tàn tật như thế!
Trước những lời lẽ cảm động của Liên, Minh vẫn sụt sùi:
− Anh hiểu tâm-lý phụ nữ lắm. Ai ai cũng vậy! Khi nào họ hy-vọng một điều gì mà không được toại-nguyện thì họ khổ lắm! Làm sao họ có thể yêu mãi người làm cho họ thất vọng!
Liên nghe nói chợt phì cười:
− Ô hay! Mà em có hy-vọng gì đâu mà bảo là thất vọng? Anh cũng biết, nếu không lấy được anh thì em giỏi lắm cũng chỉ lấy được một người nông-phu chân lấm tay bùn mà thôi!
− Không đâu, em nhầm đấy! Em xứng đáng có một tấm chồng khá hơn thế này rất nhiều!
Câu của Minh nói là hoàn-toàn thành thật chứ không ngụ ý mỉa mai gì cả. Dầu sao thì chàng vẫn có một tư tưởng khoáng-đạt, không bị gò bó trong khuôn khổ của thời phong-kiến. Chàng cho rằng sở dĩ có chuyện phân-biệt giai-cấp trong xã-hội cũng chỉ là do chính con người tự bày vẽ, đặt ra mà thôi...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×